Mở bài Mùa xuân chín gián tiếp "Đầu xuôi, đuôi lọt" – phần mở bài của một bài văn nghị luận văn học chỉ khoảng 5 – 7 dòng nhưng nếu không "xuôi" thì sẽ tiêu tốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cả bài; không "xuôi" còn khó có thể tạo ấn tượng đối với người đọc, khó khiến người đọc "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy làm thế nào để viết được một mở bài vừa ấn tượng, vừa nhanh gọn không mất nhiều thời gian? Ngoài cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề, các bạn nên làm quen với cách mở bài gián tiếp. Một trong những cách mở bài gián tiếp dễ nhớ "công thức" nhất là đưa ra một câu danh ngôn, hoặc một vài câu thơ, nhận định văn học.. sau đó mới giới thiệu đến tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận. Có thể khái quát thành công thức: Dẫn thơ (nhận định, danh ngôn, ca dao) -> tác giả -> tác phẩm -> đoạn trích -> vấn đề nghị luận. Tùy từng trường hợp có thể đảo trật tự nhưng nhìn chung là phải đầy đủ các bước giới thiệu trên. Sau đây là phần mở bài gián tiếp cho bài Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử - Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống. Mở bài số 1: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới" (Mác-xen Pruxt). Đề tài mùa xuân là một thứ hạt quen thuộc gieo trồng trên mảnh đất văn chương, nhưng với "con mắt mới" của một tâm hồn luôn tha thiết tình đời, tình người, Hàn Mặc Tử vẫn khiến hạt xuân ấy đâm chồi nảy lộc và mang đến cho vườn xuân đóa hoa thắm sắc, đậm hương: "Mùa xuân chín". Bài thơ mở ra cả một không gian mùa xuân bật trào sức sống và lắng lại trong những cảm xúc miên man, da diết của nhân vật trữ tình. Mở bài số 2: Nếu Huy Cận mang đến cho vườn thơ một mùa thu "Chín" ngọt thơm, trĩu trái: Thu tới ngoài kia, Nghe nhân thơm trong trái nặng, Nghe nhựa ấm trong cành thưa, Nghe đưa đẩy tiếng gió ru lúa chín, Xôn xao cuống lá rụng thay mùa. Chín - Huy Cận Thì Hàn Mặc Tử lại đóng góp cho thơ Mới một "Mùa xuân chín" tươi tắn, đầy xuân sắc của ngoại cảnh và những lát cắt "bồi hồi", "bâng khuâng", "sực nhớ" của tâm cảnh. Cảnh xuân và tình xuân đã thổi hồn cho "Mùa xuân chín" khiến nó có sức sống lâu bền trong lòng độc giả gần một thế kỉ qua. Mở bài số 3: "Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm" (Voltaire). Nhà thơ Hàn Mặc Tử với tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống đã để tiếng thơ ngân lên khúc nhạc của lòng mình trong từng giai điệu ngọt ngào của "Mùa xuân chín". Bài thơ là bức tranh mùa xuân tươi tắn, rạo rực, đắm say. Đắng sau bức tranh ấy là bóng dáng nhân vật trữ tình đang lắng hồn mình vào từng bước đi của mùa xuân rồi "bồi hồi", "sực nhớ" và "bâng khuâng".. Mở bài số 4: "Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vẫn thơ" (Jorge Luis Borges). Thật vậy, đã gần một thế kỉ trôi qua, Hàn Mặc Tử - người khai sinh ra những vần thơ tuyệt đẹp của "Mùa xuân chín" cũng đi về với đất ngót một thế kỉ, nhưng "Mùa xuân chín" vẫn có sức sống lâu bền trong lòng người đọc, bức tranh mùa xuân của thơ Hàn vẫn duyên dáng, mơn mởn đào tơ và có sức cuốn hút lạ thường. Sức cuốn ấy không dừng lại ở bức tranh thiên nhiên chín căng, rạo rực mà còn ở tiếng lòng người lữ khách khi mãnh liệt đắm say khi bâng khuâng, da diết. Mở bài số 5: "Mùa xuân là cả một mùa xanh" (Nguyễn Bính) – sắc xanh tươi non, mơn mởn của mùa xuân đã thổi hồn vào thơ và mang đến cho thi đàn bao vần thơ xuân rạo rực, say đắm. Trong vườn thơ xuân rực rỡ sắc màu ấy, "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử là một tứ thơ đẹp. Bài thơ "phơi bày" trước mắt người đọc khung cảnh thần tiên đương khi xuân chín và lắng lại ở trạng thái tâm hồn đầy uẩn khúc của vị khách thơ họ Hàn trong khoảng khắc đi ngang qua khu vườn trần gian. Mở bài số 6: Thơ viết về mùa xuân đâu phải ít. Qua sự cảm nhận và thể hiện của các nhà thơ, mỗi bài thơ là một màu vẻ của xuân: Khi là mùa xuân tựa thiên đường trên mặt đất trong Vội vàng - Xuân Diệu, khi là mùa xuân tràn ngập sắc xanh trong Mùa xuân xanh - Nguyễn Bính ; khi là mùa xuân tươi sáng, rộn ràng của xứ Huế trong Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải.. Hàn Mặc Tử cũng mang đến cho khu vườn xuân lung linh sắc màu ấy một mùa xuân tươi tắn, rạo rực trong "Mùa xuân chín". Mở bài số 7: Mùa xuân vô thủy vô chung có tự bao giờ, ai biết? Thơ xuân muôn màu muôn điệu có tự khi nào, ai biết? Chỉ biết từ khi sự sống đâm chồi đã có mùa xuân tươi đẹp và khi thơ bén rễ vào lòng người thì xuân cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thơ. Thi đàn có biết bao vần thơ đẹp về mùa xuân: Từ Bến đò xuân đầu trại - Nguyễn Trãi, Cảnh ngày xuân - Nguyễn Du trong thơ trung đại đến Chiều xuân - Anh Thơ, Mùa xuân xanh - Nguyễn Bính, Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải trong thơ hiện đại.. Đối diện với khung cảnh rào rạt xuân đời, Hàn Mạc Tử cũng mang đến cho làng thơ thi phẩm đặc sắc: "Mùa xuân chín". Bài thơ mở ra trước mắt người đọc một bức tranh mùa xuân tươi tắn, thơ mộng vương chút tình bâng khuâng, rạo rực, bồi hồi của người lữ khách xa quê. Trên đây là một số mở bài cho bài cho đề bài phân tích bài thơ Mùa xuân chín. Nếu đề yêu cầu phân tích 1 -2 khổ cụ thể, các bạn cần có thêm câu chuyển ý đến các khổ đó trong phần mở bài. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích các bạn hãy tự viết mở bài cho bài làm văn của chính mình.