Mở bài Câu cá mùa thu gián tiếp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 3 Tháng bảy 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Mở bài "Câu cá mùa thu" gián tiếp


    "Đầu xuôi, đuôi lọt" – phần mở bài của một bài văn nghị luận văn học chỉ khoảng 5 – 7 dòng nhưng nếu không "xuôi" thì sẽ tiêu tốn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng cả bài; không "xuôi" còn khó có thể tạo ấn tượng đối với người đọc, khó khiến người đọc "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vậy làm thế nào để viết được một mở bài vừa ấn tượng, vừa nhanh gọn không mất nhiều thời gian?

    Ngoài cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu đoạn trích và nêu vấn đề, các bạn nên làm quen với cách mở bài gián tiếp. Một trong những cách mở bài gián tiếp dễ nhớ "công thức" nhất là đưa ra một câu danh ngôn, hoặc một vài câu thơ, nhận định văn học.. sau đó mới giới thiệu đến tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận.

    Có thể khái quát thành công thức:

    Dẫn thơ (nhận định, danh ngôn, ca dao) -> tác giả -> tác phẩm -> đoạn trích -> vấn đề nghị luận.

    Tùy từng trường hợp có thể đảo trật tự nhưng nhìn chung là phải đầy đủ các bước giới thiệu trên.

    Sau đây là phần mở bài gián tiếp cho bài phân tích bài thơ Thu điếu - Nguyễn Khuyến

    Mở bài số 1:

    "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới" (Mác-xen Pruxt). Đề tài mùa thu là một thứ hạt quen thuộc gieo trồng trên mảnh đất văn chương, nhưng với "con mắt mới" của một tâm hồn tha thiết yêu quê hương, đất nước, Nguyễn Khuyến vẫn khiến người đọc ngạc nhiên, thích thú bởi những cảm nhận và thể hiện hết sức độc đáo về vẻ đẹp của mùa thu trong chùm thơ thu mà tiêu biểu là bài thơ "Thu điếu". Bài thơ mở ra cả một không gian mùa thu thanh sơ, dịu nhẹ của vùng đồng bằng Bắc Bộ và đằng sau bức tranh thu ấy là vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến: Yêu thiên nhiên, gắn bó sâu nặng với quê hương..

    Mở bài số 2:

    Thơ là "tình động trong lòng mà hiện ra bằng ngôn ngữ". Vậy điều gì khiến "tình động" trong lòng thi nhân? Có trăm ngàn lớp sóng của hiện thực cuộc sống khi cuộn trào, khi lặng lẽ.. dào dạt xô lòng làm rung lên cảm xúc thơ. Với Nguyễn Khuyến, chính những bước đi khoan nhặt của mùa thu hòa trong khí thu, hơi thu, trời thu, ao thu, nước thu.. đã "đánh động" nơi ông bao tâm tình. Chùm thơ thu là nơi Nguyễn Khuyến gửi gắm những tâm tình ấy. Trong ba bức tranh mùa thu thì "Thu điếu" là bức tranh đẹp về mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Đằng sau bức tranh người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến và những tâm sự thầm kín của nhà thơ về thời thế.

    [​IMG]

    Mở bài số 3:

    "Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam". Bức tranh nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến ngoài những lụt lội, đói kém, mất mùa; những lo toan và làm lụng còn có cái trong sáng, êm dịu của thiên nhiên miền quê bao la, nhất là vào những ngày thu muộn: Có làn nước trong veo lóng lánh ánh trăng, có da trời xanh ngắt, có ngõ trúc quanh co, có lưng dậu phất phơ khói nhạt, có đom đóm lập lòe.. Ba bài thơ thu, bài nào cũng đặc sắc và tiêu biểu cho mùa thu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có mùa thu tràn ngập các "điệu xanh" của "Thu điếu":

    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    [..]

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

    Mở bài số 4:

    "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

    Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông"

    Nói về thiên nhiên trong thơ cổ điển rất nhiều, tả cái đẹp của thiên nhiên mùa thu trong văn học cổ điển rất hay. Nhưng trước Nguyễn Khuyến, chưa bao giờ có một thiên nhiên nào đậm đà phong vị quê hương đất nước đến thế. Nguyễn Khuyến viết về mùa thu mà không hề có rừng phong lá đỏ, liễu rủ mặt hồ, ngô đồng lá rụng.. mà là trời thu, ao thu, lá thu, ngõ thu.. được thổi vào cái hồn riêng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Người đọc có thể nhận thấy một bức tranh thu rất Việt trong "Thu điếu" :

    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    [..]

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

    Mở bài số 5:

    Theo Xuân Diệu, "Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh". Ba bài thơ là ba bức tranh đẹp về mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi bức một vẻ đẹp riêng nhưng đều được phác họa bằng một tâm hồn nhạy cảm, bằng khiếu quan sát tinh tế, bằng thứ ngôn từ đậm chất hội họa.. Chiêm ngưỡng bức tranh "Thu điếu", người đọc phần nào thấy được điều đó. Cái đẹp của "Thu điếu" không chỉ ở cảnh thu mà còn ở cái tình của nhà thơ dành cho thiên nhiên, làng cảnh Việt Nam.

    Mở bài số 6:

    Thơ xưa khi viết về mùa thu thường sử dụng những hình ảnh ước lệ như lá ngô đồng rụng: "Ngô đồng thất diệp lạc – Thiên hạ cộng tri thu" (Một lá ngô đồng rụng – Biết mùa thu đã về), sen tàn cúc nở: "Sen tàn cúc lại nở hoa", rừng phong lá đỏ: "Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san".. Cũng viết về mùa thu nhưng với nét bút sáng tạo, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên một bức tranh thu "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam". Từ "tầng mây lơ lửng" giữa trời thu xanh ngắt đến "ao thu lạnh lẽo" với sóng biếc "hơi gợn tí", từ "chiếc thuyền câu bé tẻo teo" đến "ngõ trúc quanh co khách vắng teo", tất cả đều thật, đều đúng là mùa thu của làng cảnh Việt Nam. Ta bắt gặp một mùa thu như thế trong "Thu điếu".

    Mở bài số 7:

    Ai biết mùa thu có tự bao giờ và thơ thu có tự khi nào. Chỉ biết từ khi sự sống đâm chồi đã có mùa thu tươi đẹp và khi thơ bén rễ vào lòng người thì thu cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thơ. Thi đàn có biết bao vần thơ đẹp về mùa thu: Từ "Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm - Rừng phong lá rụng tiếng như mưa", "Sen tàn cúc lại nở hoa – Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân", "Ngô đồng thất diệp lạc – Thiên hạ cộng tri thu" trong thơ trung đại đến: Đây mùa thu tới - Xuân Diệu, Chín - Huy Cận, Tiếng thu - Lưu Trọng Lư trong thơ hiện đại.. Đối diện với khung cảnh trời thu, ao thu, lá thu.. đẹp như tranh thủy mặc, Nguyễn Khuyến cũng mang đến cho làng thơ thi phẩm đặc sắc: "Thu điếu". Bài thơ mở ra trước mắt người đọc một bức tranh mùa thu thanh sơ, dịu nhẹ vương nỗi niềm tâm sự thầm kín của tác giả.

    Mở bài số 8:

    Mùa thu, với sắc vàng ấm áp và không khí trong lành, luôn mang đến cho con người cảm giác tĩnh lặng và thư thái. Những hình ảnh giản dị của thiên nhiên trong tiết trời se lạnh như mời gọi mọi người tìm về những phút giây bình yên trong tâm hồn. Trong bối cảnh đó, thơ ca thường trở thành chiếc cầu nối, đưa ta đến gần hơn với vẻ đẹp của cuộc sống và cảm xúc con người. Một trong những tác phẩm nổi bật phản ánh sự giao thoa giữa thiên nhiên và tâm hồn con người là bài thơ "Câu cá mùa thu" của tác giả Nguyễn Khuyến. Bằng những hình ảnh sinh động và ngôn ngữ tinh tế, bài thơ không chỉ khắc họa cảnh sắc mùa thu tuyệt đẹp mà còn gửi gắm những suy tư sâu lắng về cuộc sống và con người.
     
    ngochuong78, Tiên Nhi, Lagan22 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười một 2024
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...