Đọc hiểu: Dải đồng bằng thương nhớ - Đoàn Tuấn ĐỀ 1 Đọc văn bản sau: Những cái huyệt tôi đào trong rừng sâu Giờ hóa thành dòng sông yên ả. Những nấm mồ đắp đêm mưa tầm tã Thành triền núi cao không lên được bao giờ. Nơi đồng đội căng tăng và mắc võng Thành những làng quê xa phủ sương mờ. Ơi ! chiến trường xưa! Đã trở thành miền quê thiêng thanh khiết Trời và đất, Núi và sông, Xanh mênh mang bất diệt Bao nặng nhọc máu xương để xanh thẳm dịu dàng. Tôi sẽ về, sẽ về lại mùa xuân Dải đồng bằng suốt đời tôi thương nhớ. (Dải đồng bằng thương nhớ, Đoàn Tuấn) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: A. Miêu tả B. Biểu cảm C. Tự sự D. Nghị luận Câu 2. Văn bản được viết theo thể thơ nào? A. Bảy chữ B. Tám chữ C. Tự do D. Thất ngôn bát cú Đường luật Câu 3. Điểm tương đồng trong nội dung, nghệ thuật của ba cặp thơ đầu là gì? A. Đều sử dụng cách viết tương phản: Câu trên là kỉ niệm quá khứ, câu dưới là hình ảnh hiện tại B. Đều thể hiện nỗi nhớ, sự xúc động của tác giả khi hồi tưởng về kỉ niệm thời chiến tranh C. Đều nhấn mạnh sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh D. Cả A, B, C Câu 4. Câu thơ sau gợi lên điều gì? Bao nặng nhọc máu xương để xanh thẳm dịu dàng A. Gợi lên ý nghĩa của những hi sinh cống hiến: Làm nên màu xanh, làm nên sự sống trường tồn bất diệt của đất nước B. Gợi lên nỗi đau thương về sự hi sinh mất mát trong chiến tranh C. Gợi lên lòng căm thù giặc và ý chí quyết chiến quyết thắng sục sôi của nhân dân trong chiến tranh D. Gợi lên vẻ đẹp muôn đời của đất nước, non sông. Câu 5. Hình ảnh chiến trường xưa được miêu tả trong những câu thơ nào? A. Câu 1, 3, 5 B. Câu 2, 4, 6 C. Hai câu đầu D. Hai câu cuối Câu 6. Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Tác dụng? Trời và đất, Núi và sông, A. Phép điệp từ "và" nhấn mạnh sự bộn bề, phong phú của cảnh sắc quê hương B. Phép điệp từ "và" cùng phép liệt kê "trời", "đất", "núi", "sông" nhấn mạnh sự phong phú bất tận của cảnh sắc quê hương C. Phép đối "trời" >< "đất", "núi" >< "sông", nhấn mạnh sự đối lập của cảnh vật D. Phép đối "Trời và đất" >< "Núi và sông", nhấn mạnh sự đối lập của cảnh vật. Câu 7. Cảm hứng chủ đạo của văn bản? A. Tiếc thương sự hi sinh của những người chiến sĩ B. Ngợi ca tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của những người chiến sĩ C. Đau đớn trước hiện thực đất nước bị chiến tranh giày xéo D. Biết ơn sự hi sinh, cống hiến của những con người đã ngã xuống trong chiến tranh để làm nên màu xanh đất nước. Trả lời câu hỏi: Câu 8. Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với sự hi sinh của những người chiến sĩ trong chiến tranh được thể hiện trong bài thơ? Câu 9. Câu thơ Bao nặng nhọc máu xương để xanh thẳm dịu dàng gợi cho em suy nghĩ gì? Câu 10. Theo em, tình yêu quê hương, đất nước có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Biểu cảm Câu 2. C. Tự do Câu 3. D. Cả A, B, C Câu 4. A. Gợi lên ý nghĩa của những hi sinh cống hiến: Làm nên màu xanh, làm nên sự sống trường tồn bất diệt của đất nước Câu 5. A. Câu 1, 3, 5 Câu 6. B. Phép điệp từ "và" cùng phép liệt kê "trời", "đất", "núi", "sông" nhấn mạnh sự phong phú bất tận của cảnh sắc quê hương Câu 7. D. Biết ơn sự hi sinh, cống hiến của những con người đã ngã xuống trong chiến tranh để làm nên màu xanh đất nước Câu 8. - Tình cảm, thái độ của tác giả với sự hi sinh của người chiến sĩ: Vừa đau xót, tiếc thương trước sự hi sinh của họ; vừa cảm phục, tự hào bởi chính sự hi sinh ấy đã mang đến độc lập, tự do cho đất nước, mang đến sức sống trường tồn dân tộc. - Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả: Đó là tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc, thiêng liêng; thể hiện sự trân trọng, biết ơn của người lính với những người đồng đội của mình. Tình cảm đó được thể hiện một cách chân thành, cảm động! Câu 9. - Câu thơ Bao nặng nhọc máu xương để xanh thẳm dịu dàng gợi lên ý nghĩa sự hi sinh của những người lính. Họ ngã xuống để tạo nên màu xanh đất nước, để đất nước có được cuộc sống hòa bình, tự do như hôm nay. - Từ đó, chúng ta cần phải biết ơn những hi sinh, cống hiến ấy và góp sức mình vào việc xây dựng, bảo vệ đất nước. Câu 10. Ý nghĩa của tình yêu quê hương, đất nước: - Giúp mỗi con người sống tốt hơn trong cuộc đời, không quên nguồn cội. - Nâng cao tinh thần và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi con người. - Là động lực giúp con người sống có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước, cộng đồng hay đơn giản nhất là đối với chính bản thân mình. - Thúc đẩy sự phấn đấu hoàn thiện bản thân và tinh thần cống hiến giúp đỡ cộng đồng của mỗi cá nhân. - Gắn kết cộng đồng, kéo con người lại gần nhau hơn trong mối quan hệ thân hữu tốt đẹp. - Góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Xem thêm bên dưới: ĐỀ 2
ĐỀ 2 Đọc văn bản sau: Những cái huyệt tôi đào trong rừng sâu Giờ hóa thành dòng sông yên ả. Những nấm mồ đắp đêm mưa tầm tã Thành triền núi cao không lên được bao giờ. Nơi đồng đội căng tăng và mắc võng Thành những làng quê xa phủ sương mờ. Ơi ! chiến trường xưa! Đã trở thành miền quê thiêng thanh khiết Trời và đất, Núi và sông, Xanh mênh mang bất diệt Bao nặng nhọc máu xương để xanh thẳm dịu dàng. Tôi sẽ về, sẽ về lại mùa xuân Dải đồng bằng suốt đời tôi thương nhớ. (Dải đồng bằng thương nhớ, Đoàn Tuấn) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định đề tài của bài thơ Câu 2. Trong bốn cặp câu thơ mở đầu, theo em, cặp câu thơ nào là những cảm nhận cụ thể, cặp câu thơ nào mang ý nghĩa khái quát? Câu 3. Em hãy lí giải cảm xúc "suốt đời thương nhớ" của tác giả được biểu đạt trong câu thơ cuối: Dải đồng bằng suốt đời tôi thương nhớ. Câu 4. Theo em, những cụm từ "xanh mênh mang", "xanh thẳm dịu dàng", "mùa xuân" gợi lên điều gì? Câu 5. Nêu trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước. Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. Đề tài của bài thơ: viết về quê hương, đất nước và sự hi sinh của những người lính Câu 2. Trong bốn cặp câu thơ mở đầu: - Những cặp câu thơ biểu đạt những cảm nhận cụ thể: Những cái huyệt tôi đào trong rừng sâu Giờ hóa thành dòng sông yên ả. Những nấm mồ đắp đêm mưa tầm tã Thành triền núi cao không lên được bao giờ. Nơi đồng đội căng tăng và mắc võng Thành những làng quê xa phủ sương mờ. - Cặp câu thơ mang ý nghĩa khái quát: Ơi ! chiến trường xưa! Đã trở thành miền quê thiêng thanh khiết Câu 3. Cảm xúc "suốt đời thương nhớ" của tác giả được biểu đạt trong câu thơ cuối: Dải đồng bằng suốt đời tôi thương nhớ. Dải đồng bằng xanh mênh mang của hiện tại là nơi đã đổ xuống máu, nước mắt của biết bao người. Những người đồng đội của nhà thơ và biết bao người lính hữu danh, vô danh khác đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Vì vậy, nhà thơ "suốt đời thương nhớ" dải đồng bằng ấy bởi đó không chỉ là đất nước, quê hương, đó còn là sự hóa thân của biết bao người. Lòng biết ơn, cảm phục đối với họ đã chuyển hóa thành niềm thương nhớ khôn nguôi. Câu 4. Những cụm từ "xanh mênh mang", "xanh thẳm dịu dàng", "mùa xuân" gợi lên sức sống trường tồn, gợi lên vẻ đẹp của cuộc sống hiện tại - vẻ đẹp có được từ sự hi sinh của biết bao người lính.. Câu 5. Nêu trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước. Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương: + Học tập nâng cao tri thức, rèn luyện đạo đức, lối sống để trở thành công dân có ích, tạo tiền đề xây dựng đất nước + Tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình, quê hương + Tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động thiện nguyện phát triển xã hội + Sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ quân sự + Sẵn sàng cống hiến, hi sinh khi Tổ quốc lâm nguy..