Đọc hiểu: Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu - Phi Tuyết Đọc văn bản: Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ? Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới. Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do là vì tôi biết bạn không phải một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: Ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn. Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ. Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không? Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm. Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: Hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày.. Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu những trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị. (Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu - Phi Tuyết) Trả lời các câu hỏi sau: Câu 1: Theo đoạn trích trên, để có được trải nghiệm ta cần phải làm gì? Câu 2: Hãy viết từ 5 đến 7 câu nêu cảm nghĩ của anh/chị về câu nói: "Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm." Câu 3: Theo tác giả, những thứ nhỏ mang lại nguồn cảm hứng bao gồm những điều gì? Câu 4: Theo anh/chị, sự trải nghiệm mang lại những lợi ích gì cho bản thân? Câu 5: Câu hỏi xuất hiện đầu đoạn trích: "Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?" có tác dụng gì đối với người đọc? Câu 6: Tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì từ đoạn trích trên. Câu 7: Hãy viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ: Suy nghĩ về sự trải nghiệm trong cuộc sống. Gợi Ý Đọc Hiểu Câu 1: Theo đoạn trích, để có được trải nghiệm ta cần phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới. Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Câu 2: Cảm nghĩ về câu nói: "Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm." Thoát khỏi vùng an toàn có nghĩa là ta cho phép bản thân mình thử sức, vượt qua giới hạn ban đầu. Khi thoát ra khỏi vùng an toàn đồng thời ta có thêm sự trải nghiệm mới, tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích. Bước khởi đầu sự trải nghiệm là ta hãy can đảm, mạnh mẽ, kiên cường thoát ra khỏi vùng an toàn. Ta không cần phải làm những điều quá cao siêu, mà ta chỉ cần học tập, tích lũy những bài học, kinh nghiệm thông qua những lần trải nghiệm trong cuộc sống. Thực ra, thoát khỏi vùng an toàn không hẳn đơn giản, dễ dàng bởi đòi hỏi ta phải thật quyết tâm, vững vàng, dám đương đầu và vượt qua mọi thử thách ngoài kia. Câu 3: Theo tác giả, những thứ nhỏ mang lại nguồn cảm hứng bao gồm: Thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: Hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày.. Câu 4: Sự trải nghiệm mang lại những lợi ích cho bản thân: - Mở mang kiến thức, tầm nhìn, sự hiểu biết về cuộc sống - Rèn luyện ý chí, nghị lực, trau dồi bản thân - Tích lũy được bài học, kinh nghiệm quý báu - Điều chỉnh thái độ, thay đổi suy nghĩ, hành động trở nên thiết thực, đúng đắn hơn - Giúp ta cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc từ sự trải nghiệm mang lại. Câu 5: "Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?" Có tác dụng: - Giúp người đọc mở rộng suy nghĩ, liên tưởng đến cái cây đứng yên cũng giống như cuộc sống không có sự trải nghiệm là cuộc sống vô nghĩa. - Tăng sự sinh động, hấp dẫn người đọc khi so sánh sự khác biệt của con người với cái cây - Thuyết phục con người nên bắt đầu trải nghiệm nhiều hơn để mở mang tầm nhìn, sự hiểu biết. Câu 6: Thông điệp: - Hãy mạnh mẽ, kiên cường vượt ra khỏi vùng an toàn, bắt đầu sự trải nghiệm thì ta mới ngày càng trưởng thành về mặt nhận thức lẫn hành động. - Trải nghiệm là điều cần thiết giúp bản thân trau dồi phẩm chất đạo đức - Lối sống an nhàn, lười biếng, nhút nhát sẽ dần khiến ta trở nên tiêu cực, mất hết động lực, niềm tin yêu vào cuộc sống. - Hãy trải nghiệm nhiều hơn, không ngại dấn thân, nỗ lực, phấn đấu để thêm trân quý những giá trị, ý nghĩa của niềm vui, hạnh phúc và thành công mang lại. Câu 7: Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ: Suy nghĩ về sự trải nghiệm trong cuộc sống. Cuộc sống có giá trị, ý nghĩa luôn gắn liền với những trải nghiệm. Sự trải nghiệm có vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, phẩm chất đời sống tâm hồn của mỗi người. Helen Keller từng nói: "Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được." giúp ta suy ngẫm về những lợi ích của sự trải nghiệm mang lại. Hãy thử nghĩ xem, nếu một ngày trôi qua trong u buồn, tẻ nhạt, nhàm chán thì làm sao bạn nhận ra cuộc sống thật đáng sống. Thay vì bạn cứ sống mải miết chìm đắm trong bóng tối, màn đêm bao phủ thì sao bạn không đứng dậy bắt đầu trải nghiệm để tìm thấy ánh sáng soi rọi, sưởi ấm tâm hồn cô đơn, lạnh giá. Khi bạn có sự trải nghiệm, bạn sẽ nhận thấy không gì là không thể, con người có thể thực hiện được những ước mơ, hoài bão nếu như họ không ngại trải nghiệm để có thêm những bài học hữu ích cho bản thân. Hầu hết những người thành công trong cuộc sống đều là những người có ý chí, nghị lực phi thường, từng trải qua nhiều sóng gió, giông bão và thăng trầm. Bấm để xem Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem