Đất Nước: Phân tích khổ thơ: Khi ta lớn lên... Đất Nước có từ ngày đó - Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 9 Tháng mười hai 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài: "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

    [​IMG]

    * * *

    Đất nước có từ ngày đó.."

    Hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về nét độc đáo trong ngòi bút thơ Nguyễn Khoa Điềm.

    BÀI LÀM:

    Quê hương là gì hở mẹ

    Mà cô giáo dạy phải yêu

    Quê hương là gì hở mẹ

    Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều

    Quê Hương, Đất Nước, hai tiếng giản đơn thân thuộc mà luôn chạm vào đáy sâu tâm hồn con người mỗi khi nhắc đến. Mỗi vần thơ ngợi ca đất nước – quê hương đều khiến trái tim ta ngân lên những giai điệu tự hào, phấn chấn. Đó là một đất nước mang « hình tia chớp » trong thơ Trần Mạnh Hảo, một Đất nước bền gang bất khuất « rũ bùn đứng dậy sáng lòa » trong thơ Nguyễn Đình Thi, một đất nước « Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa » trong cái nhìn của Huy Cận. Có thể nói rằng, muốn viết những vần thơ tuyệt vời về Đất nước không chỉ đơn thuần là nhà thơ biết rung động trước một vầng trăng, một tia nắng, một điệu dân ca hay một tiếng thơ cổ điển.. Mà trên hết, đó là một tình yêu chân thật, nồng nàn và một ý thức tự tôn dân tộc, gắn sứ mệnh của mình với vận mệnh của non sông. Cùng viết về đề tài này, ở đoạn thơ "Đất Nước" (trích trong chương V trưởng ca "Mặt đường khát vọng"), Nguyễn Khoa Điềm đã chọn một lối đi riêng đem đến cho người đọc những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo trong cách lí giải về đất nước. Điều đó thể hiện rõ nét qua đoạn thơ sau:

    "Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

    Đất Nước có từ ngày đó.."

    Tác phẩm được trích từ Trưởng ca "Mặt đường khát vọng" viết năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Với giọng thơ thủ thì tâm tỉnh vừa nồng nàn tha thiết vừa suy tư sâu lắng, thi sĩ đã lí giải về Đất Nước thật giản dị, mộc mạc, gần gũi mà thú vị, đầy bất ngờ. Từng dòng thơ như thức tỉnh ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng dậy đấu tranh để bảo vệ tổ quốc.

    Nếu hai tiếng « quê hương » gợi trong ta những xúc cảm dịu dàng, gợi về miền nhớ miền thương với sự gần gũi quê mùa như những câu thơ đậm chất đồng nội của nhà thơ Đỗ Trung Quân: Quê hương là chùm khế ngọt, Quê hương là vàng hoa bi/ Là hồng tím giậu mồng tơi/ Là đỏ đôi bờ dâm bụt.. thì hai từ Đất Nước lại gợi ra cái thâm nghiêm, kì vĩ, cái hoành tráng, kiêu hùng trong lòng người. Nhưng thật lạ kì khi ta bắt gặp những vần thơ trong « Đất Nước » của Nguyễn Khoa Điểm, cái cảm giác gần gũi thân thuộc của mùi rơm rạ, của sắc áo nông dân, của bờ tre giếng nước quê hương cứ ăm ắp đầy lên, mơn man và dịu ngọt biết mấy.

    Bằng giọng thơ thủ thi trò chuyện trong vai trò của lớp người anh đi trước, Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo « giác ngộ » cho người em về ý thức trách nhiệm với Đất Nước. Từng lời giải thích nhẹ nhàng tự nhiên như lời ăn tiếng nói thường ngày mà gợi nhiều suy tư sâu lắng. Hẳn người em sẽ không cảm thấy nặng nề khó hiểu:

    Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

    Có lẽ em chưa hiểu rằng đất nước có từ bao giờ, hoặc cũng có thể câu hỏi đó là điểm xuất phát mà Nguyễn Khoa Điểm chọn để bắt đầu cho một câu chuyện dải về Đất Nước. Theo cách giải thích của Nguyễn Khoa Điểm thì: Đất nước là một giá trị lâu bền, vĩnh hằng; đất nước được tạo dựng, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, được truyền nổi từ đời này sang đời khác. Cho nên "khi ta lớn lên đất nước đã có rồi!" (Nguyễn Khoa Điềm – Tác giả và Tác phẩm). Cách nói ấy đã thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tổn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử. Đất Nước cũng như Trời và Đất, khi ta sinh ra Đất đã ở dưới chân, Trời đã ở trên đầu. Hiểu Đất Nước phải đi từ cội nguồn của bốn nghìn năm trước. Nhưng khác với tư duy thông thường, câu trả lời của nhà thơ không phải là một mốc thời gian cụ thể nào mà đưa em vào không gian cổ xưa huyền thoại, để rồi tự em sẽ cảm nhận được cả chiều dài lịch sử và bề dày của văn hóa quê hương:

    Đất Nước có trong những cải ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng trẻ mà đánh giặc

    Các mốc thời gian hình thành nên Đất Nước như thời điểm ra đời, bắt đầu xây dựng và lớn lên, tất cả đều được nhà thơ hình ảnh hóa, cổ tích hóa bởi những thứ thật gần gũi, thân thương. Tác giả mượn chất liệu văn học dân gian để giải thích sự ra đời của Đất Nước bằng một cách diễn đạt thật lạ.'Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể ". Đối với trẻ thơ, Đất Nước thân thương qua lời kể" Ngày xửa ngày xưa "của bà của mẹ.. Có nghĩa là Đất Nước đã có từ lâu đời; Đất Nước có từ trước khi những câu truyện cổ ra đời và hiện hữu ngay trong những câu chuyện cổ tích mà em đã thuộc nằm lòng. Chính những câu chuyện cổ và những bài hát ru thuở ta còn nằm nội là nguồn sữa ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn nhân hậu, bao dung của con người nước Việt. Thật đáng trân trọng biết bao!

    Đất Nước cũng có những ngày đầu phát triển bình dị và tự nhiên như « miếng trầu bây giờ bà ăn »- một miếng trầu nhỏ bé đơn sơ thôi nhưng gọi về cả nền văn hóa bốn nghìn năm của lịch sử dân tộc. Miếng trầu là hiện thân của lịch sử, hiện thân của những giá trị văn hóa đẹp đẽ còn tồn tại đến ngày nay. Đó là minh chứng cho tục ăn trẩu từ nghìn đời « miếng trầu là đầu câu chuyện » « Miếng trầu nên dâu nhà người », là minh chứng cho tấm lòng thủy chung son sắt, trọng tình trọng nghĩa của hai anh em họ Cao và nàng Lưu thị trong « Sự tích trầu cau ». Quả thật, chỉ một hình ảnh giản dị là thế mà sức gợi vô cùng!

    Cách dùng từ giản đơn « Đất Nước lớn lên » khiển ta có cảm giác Đất Nước như một cơ thể sống, được nuôi dưỡng bằng nền văn hóa phong phú đẹp đẽ, nhưng cũng trải qua bao thử thách: 'Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn' (Nguyễn Việt Chiến). Và Đất Nước ấy vẫn lớn lên theo kinh nghiệm « trồng tre mà đánh giặc, chủ động, cảnh giác trước quân thù. Cách nói gợi liên tưởng sâu sắc đến chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc, nhắc người em nhớ đến truyền thống đánh giặc của quê hương với hình ảnh vị Phù Đổng Thiên vương nhổ trẻ làm vũ khí quét sạch bóng quân thù. Rồi Tre mọc bạt ngàn trên khắp quê hương như thành như lũy vây chắn bước chân giặc ngoại xâm. Nó như là sự đồng hiện những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: Thật thà chất phác, đôn hậu thuỷ chung, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng kiên cường bất khuất trong tranh đấu. Hình ảnh thân thương mà thể hiện ý chí bền gan, bất khuất ấy đã trường tồn cùng Đất Nước từ thủa sơ khai đã chạm đến trái tim của người em, làm sống dậy một lòng yêu nước và tự hào về truyền thống văn hóa, truyền thống đánh giặc của quê hương.

    Ai đó đã từng nói « Quê hương là nơi chân ta có thể rời đi nhưng tim ta vẫn mãi ở đó ». Thật vậy, bởi đó là mảnh đất êm dịu dung dưỡng tâm hồn ta, nhắc ta nhớ về nguồn cội, giống nòi. Ở đó có mẹ cha ta, có những kỉ niệm tuổi thơ ta ngọt ngào, sâu lắng:

    Tóc mẹ thì bởi sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo, cái cột thành tên

    Còn gì thân thiết hơn, cảm xúc hơn hình ảnh người mẹ trong tim ta. Nét đẹp bình dị chân quê, không phấn son điểm trang, không trau chuốt lụa là, mà chỉ đơn giản trong chiếc áo bà ba đã ngả màu, ống quần luôn xắn lên cao, còn mái tóc lúc nào cũng búi lên gọn gàng sau đầu khi làm việc.. hình ảnh đó dẫu đơn sơ nhưng lại trở thành biểu tượng văn hóa Việt, nét đẹp Việt, khiến lòng ta ngập tràn thương mến.

    Nét đằm thắm dịu dàng cùng tấm lòng thủy chung son sắt trong nghĩa vợ tình chồng đã làm nên vẻ đẹp rất riêng của người phụ nữ Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo tôn lên vẻ đẹp ấy chỉ với vài nét chấm phá, chọn lọc tinh tường bằng một giọng thơ vừa khẳng định đinh ninh, vừa tự hảo sâu sắc. Câu thơ cũng đưa ta về miền văn hóa Kinh Bắc xưa với những câu ca đậm tinh đậm nghĩa như thế:

    " Tay bưng đĩa muối chén gừng

    Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau "

    Hay:

    " Muối ba năm muối đang còn mặn

    Gừng chín tháng gừng hãy còn cay Đôi ta tình nặng nghĩa đầy

    Dù ba vạn sáu ngàn ngày cũng chẳng xa "

    Thành ngữ" gừng cay muối mặn "được vận dụng một cách đặc sắc trong câu thơ nhẹ nhàng mà thấm đượm biết bao ân tình. Nó gợi lên được ân nghĩa thủy chung ở đời. Quy luật của tự nhiên là gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn. Quy luật trong tình cảm con người là con người sống với nhau lâu năm thì tình nghĩa cảng đong đầy.

    Từ cha mẹ thương nhau mới đi đến" Cải kèo cái cột thành tên ". Câu thơ gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục dựng nhà của người Việt xưa. Đó là tục làm nhà sử dụng kéo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Cái kèo, cái cột bởi thế cũng trở thành quen thuộc, gắn bó với mỗi thành viên trong gia đình, thậm chí, nó còn trở thành những cái tên mộc mạc, giản đơn đi suốt cuộc đời một con người.

    Không chỉ đằm thắm thủy chung trong tỉnh cảm gia đình, người dân ta cũng còn mang những vẻ đẹp tuyệt vời trong lao động, tăng gia sản xuất:

    Hạt gạo cũng phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng..

    Câu thơ sử dụng hàng loạt các động từ chỉ hoạt động lao động làm ra hạt lúa của người nông dân « xay, giã, dần, sảng », kết hợp với thành ngữ « một nắng hai sương » đã làm nổi bật sự sự cần cù chăm chỉ của cha ông ta những ngày đầu của nền văn minh lúa nước, khi nông nghiệp còn lạc hậu, nghèo nàn. « Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hội thánh thót như mưa ruộng cày/. Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đẳng cay muôn phần. »

    Đất Nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao » đã hiện hữu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thật giản dị, dễ hiểu. Khép lại dòng cảm hứng lí giải Đất Nước có từ bao giờ là một câu khẳng định thật tự nhiên:

    « Đất Nước có từ ngày đó.. ».

    " Ngày đó "là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn ngày đó là ngày bắt đầu của những truyền thống, phong tục tập quán, ngày bắt đầu của nền văn hiến, ngày bắt đầu của những truyền thống, đạo lí mang bản sắc quê hương.. Câu thơ ngắn gọn, kết đọng dòng cảm xúc đang tuôn chảy theo chiều dài lịch sử, găm vào lòng người đọc biết bao suy tưởng!

    Trong 9 câu thơ đầu, tác giả đã sử dụng một cách linh hoạt, độc đáo chất liệu dân gian: Ca dao dân ca, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích.. không chỉ tạo cảm giác gần gũi quen thuộc mà còn biểu hiện ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Từ" Đất Nước"được viết hoa và lặp lại 5 lần thể hiện sự thành kính, nâng niu, trân trọng của nhà thơ. Với câu từ giản dị, đời thường, không có một từ pha tạp, vay mượn, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên những vần thơ tự do dạt dào cảm xúc, kết hợp với chất giọng thủ thỉ tâm tình như một điệu ru dễ đi vào lòng người. Nhưng chuyển tải mạch cảm xúc ấy là một lối lập luận chặt chẽ: Tổng - phân - hợp. Chính sự kết hợp hài hòa giữa chính luận và trữ tình, giữa trí tuệ và cảm xúc bay bổng đã làm nên nét riêng trong phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm giữa rừng thơ Đất Nước.

    Tóm lại, qua những dòng thơ trăn trở và suy tư về một khái niệm tưởng chừng như đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân Việt, qua chiều sâu văn hóa, sinh hoạt Nguyễn Khoa Điềm đã có một phát hiện mới mẻ, độc đáo, một cảm nhận vô cùng sâu sắc: Đất Nước hiện lên trong thế giới tinh thần của cộng đồng người Việt, trong cuộc sống sinh hoạt từ bao đời. Đất Nước hiện lên gắn liền với những phong tục tập quán với lối sống, nếp nghĩ, qua kho tàng văn học dân gian, qua bản sắc văn hóa.. Đó là một Đất Nước không trừu tượng mà cụ thể, chứa đựng mơ ước, khát vọng, quan niệm về vẻ đẹp phẩm chất của tâm hồn dân tộc. Gương mặt Đất Nước hiên lên thật sống động, lung linh: Trong cuộc sống, trong lao động và trong chiến đấu.. Đọc đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung, ta cảm nghe như cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa đang thấm vào tận từng mạch hồn ta, dòng máu ta. Điều đó càng làm ta thêm yêu thêm quý quê hương Tổ quốc mình.
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...