Đề: Phân tích đoạn thơ sau: "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi Đất Nước có trong những cái" ngày xửa ngày xưa "mẹ thường hay kể Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sao đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương say, giã, giầng, sàng Đất Nước có từ ngày đó.." (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm) Bài làm "Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật Một giọt mật thành đời vạn chuyến ong bay" Những nhà thơ lớn của dân tộc đã lưu dấu trên thi đàn nhờ những "chuyến bay" miệt mài cần mẫn như thế. Họ miệt mày sống, trân trọng những mảnh ký ức vui buồn, những giá trị truyền thống mà họ cùng dân tộc đi qua để rồi sau tất cả, họ trở thành những thư ký trung thành của thời đại, ký thác vào đời những vần thơ. Với lẽ đó, Nguyễn Khoa Điềm-nhà thơ xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ- bằng ngòi bút tài hoa của mình ông đã gửi lại thi đàn dân tộc một tiếng thơ Đất Nước (Trường ca mặt đường khát vọng). Thi phẩm đặc biệt chứa đựng ngụ ý của nhà thơ, hướng thế hệ trẻ về nhân dân đất nước, ý thức sứ mệnh của mình, đứng dậy đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu của dân tộc. Trong đó đặc sắc là 9 câu thơ đầu với những lý giải của tác giả về nguồn gốc của đất nước. Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là những điều rất thân quen gần gũi. Nhà thơ cảm nhận đất nước qua những nét văn hóa và văn học dân gian, từ những truyền thống quý báu của dân tộc. Câu thơ đầu tiên đã khẳng định cội nguồn của đất nước không ở đâu xa mà ngay chính trong cuộc đời của chúng ta. "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi" Ngay từ câu thơ này ta đã ấn tượng và đặt ra câu hỏi tại sao "Đất Nước" lại được viết hoa? Người ta thường viết hoa tên người, tên địa lý Việt Nam, về trước giờ các nhà thơ cũng không viết hoa từ "Đất Nước" như Nguyễn Khoa Điềm. Phải chăng nhà thơ xem đất nước như một sinh thể, một tên riêng, thể hiện sự trân trọng yêu kính và ca ngợi đất nước mình? Quả đúng như thế. Khi ta xét đến việc: Đất Nước đã có từ trước khi "ta" lớn lên, từ "ta" như nói nhân vật trữ tình là nhà thơ, cũng có thể là nói tất cả đồng bào dân tộc Việt Nam. "Ta" không rõ là ai, chỉ biết "khi ta lớn lên" đất nước có cả trước đó, tự bao giờ, tự ngàn đời, sừng sững và hiên ngang, trước khi chúng ta ra đời và lớn lên. Vì thế đất nước xứng đáng được tôn kính như một sinh thể. Đất Nước đã có mặt từ lâu và lặng nhìn, dưỡng nuôi ta trong hành trình ta lớn lên. Đất nước ở đó lớn mạnh và vững vàng theo chiến tích và sự bảo vệ, phát triển của ông cha ta, của chính ta, của thế hệ con cháu sau này. Sự bình dị không chỉ thể hiện qua cội nguồn của đất nước mà còn phản phất ở lời thơ như lời thủ thỉ nhỏ nhẹ tâm tình. Đất nước như cái nôi chung của dân tộc: "Đất Nước có trong những cái 'ngày xửa ngày xưa' mẹ thường hay kể" Thuở nhỏ ai không từng nghe qua những câu chuyện cổ tích trong lời ru của bà và lời kể của mẹ, và cụm từ "ngày xửa ngày xưa" được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng rất tinh tế. Bởi cụm từ ấy đã đi sâu vào văn hóa của mỗi người Việt, nó dẫn lối về những miền xưa cũ thân thuộc nào đó. "Ngày xửa ngày xưa" ấy đi theo mỗi người trong khoảng trời tuổi thơ, khi những câu chuyện cổ tích ấy đưa mỗi đứa trẻ vào bài học "ở hiền gặp lành" có cô tấm, có sọ dừa, có Thạch sanh. Và hình ảnh "mẹ thường hay kể" lại gợi nhớ về người mẹ, về công lao sinh thành dưỡng dục. Bởi đất nước cũng chính là gia đình mà mẹ là người theo dõi sự lớn khôn của ta. Rồi thì "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn". Có bao giờ ta tự hỏi thói quen ăn trầu của bà bắt đầu từ bao giờ không? Cũng như ca dao tục ngữ, miếng trầu bắt đầu từ những câu chuyện xa xôi của quá khứ, chở trong mình lịch sử ngàn năm. "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu", khi người Việt ta bắt đầu có phong tục tập quán thì lúc đó đã có đất nước, những tập tục đó được biết bao thế hệ giữ gìn cho đến tận bây giờ. Bên cạnh đó câu thơ còn gợi nhắc về "sự tích trầu cau" một câu chuyện từ đó xa xưa. Đây có thể là sự khéo léo của tác giả nhằm vẹn cả đôi đường, vừa làm nổi bật truyền thống ăn trầu, vừa mang âm hưởng cổ tích càng khiến đất nước trở nên gần gũi bình dị. Khép lại những câu thơ về sự ra đời của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục cuộc tìm kiếm lý giải về quá trình "lớn lên" ở những dòng thơ tiếp theo: "Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc" Hình ảnh "Đất Nước" lớn lên tựa như sự vươn mình của dân tộc, từ những ngày tháng đau khổ năm tháng đen tối đến những ngày vui vẻ hào hùng, mang sức mạnh quật khởi kiên cường, rồi giữ gìn, rồi phát triển đất nước. "Đất Nước lớn lên" là như thế. Và trong suốt hành trình ấy, "tre" luôn đồng hành cùng với con người Việt. Tre trở thành vũ khí để chống lại kẻ thù, tre dựng lên từng ngôi nhà, từng cái bàn cái ghế, từng chiếc cầu tre mới bắt qua những con thôn mới. Cây tre đã đi cùng con người Việt một chặng đường dài, chứng kiến biết bao thế hệ "tre già măng mọc", nó trở thành biểu tượng văn hóa và tượng trưng cho tinh thần bất khuất của dân tộc. Đến đây, ta bỗng nhớ lại truyền thuyết "Thánh Gióng" -một cậu bé cưỡi ngựa sắt nhổ bụi tre đánh đuổi giặc. Đây chắc hẳn là ý đồ của tác giả, dùng những hình ảnh thân thuộc để gợi nhắc lại những câu chuyện quen thuộc. Qua đó làm nổi bật lên truyền thống đánh giặc giữ nước của toàn dân tộc, ý chí bất diệt ấy vẫn được kế thừa cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau. Ta sẽ nhớ đến Tố Hữu trong "Quang Vinh tổ quốc chúng ta" từng viết: "Ta như thuở xưa thần phù đổng Vụt lớn lên, đánh đuổi giặc Ân" Người mẹ lại được nhắc đến một lần nữa trong câu thơ "Tóc mẹ thì với sao đầu". Mái tóc của mẹ đã đi vào trang thơ. Những người phụ nữ Việt xưa hay để tóc đen dài. Vì công việc đồng áng, công việc chăm sóc gia đình mà họ thường với cuộn tròn tóc sau gáy. Điều đó cũng đã trở thành nét đặc trưng văn hóa, một vẻ đẹp riêng của người phụ nữ Việt. Nét đẹp của người Việt không chỉ được thể hiện ở góc độ đặc trưng văn hóa mà còn ở tấm lòng trong đạo nghĩa thủy chung: "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" Đạo nghĩa vợ chồng ngàn năm chẳng tiếc. Một ngày nên duyên cả đời ân tình không sao kể xiết. Đó là quan niệm và cũng là sự giữ gìn truyền thống thủy chung của "cha mẹ" ngày xưa. "Muối ba năm muối đang còn mặn Gừng chín tháng gừng hãy còn cay Đôi ta nghĩa nặng tình dày Dẫu có xa nhau đi nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa" Tình và nghĩa luôn đi cùng nhau, cha mẹ không chỉ có tình mà còn có nghĩa, gắn bó và yêu thương nhau muôn đời như muôn lần muối vẫn mặn mà gừng thì vẫn cứ cay. Thi sĩ quả thật khéo léo khi vận dụng thành ngữ "gừng cay muối mặn" để tô đậm tình nghĩa sắc son của con người. Đây chính là truyền thống tốt đẹp của nước mình từ ngàn đời. Trong các câu thơ, nhà thơ sử dụng các cách xưng hô quen thuộc "mẹ" "cha mẹ" "bà" khiến ta như gắn bó với nhau bởi sợi dây huyết thống, bởi lẽ chúng ta đều là "con Rồng cháu Tiên" cùng đoàn kết yêu thương, cùng một dòng máu, cùng một màu da, cùng một tiếng nói, cùng một dân tộc. "Cái kèo cái cột thành tên". "Cái kèo cái cột" là những mấu chốt quan trọng để dựng lên một ngôi nhà. Chúng mắc vào nhau làm điểm tựa cho nhau để tạo nên một ngôi nhà kiên cố. Có lẽ vì thế, để mong muốn con cái trong nhà hòa thuận thương yêu nhau nên "cha mẹ" đã đặt tên con là "cái kèo cái cột". Ngoài ra điều này còn thể hiện sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc, tiếng nói mà ta đã đánh đổi xương máu để giữ gìn và đồng thời cũng thể hiện sự phong phú của tiếng Việt. Nhắc đến sự "lớn lên" của đất nước không thể không nhắc đến nghề nông, nghề làm ra hạt gạo nuôi sống ta từng ngày: "Hạt gạo phải một nắng hai sương say, giã, giầng, sàng". Bốn công đoạn được nhắc đến: "Say, giã, giầng, sàng" đã gợi ra sự vất vả nhọc nhằn để tạo ra hạt gạo. Thành ngữ "một nắng hai sương" đã thay tác giả nói lên nỗi cực nhọc của dân mình trong canh tác nông nghiệp là cội nguồn cho sự phát triển của Việt Nam đến hôm nay. Cơm trắng ta ăn là thành quả của từng giọt mồ hôi trên cánh đồng. Sự đáng quý của hạt gạo và người dân lao động là không thể kể hết. Ý thơ ở đây khiến ta nhớ đến bài ca dao quen thuộc: "Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần" Và sau những hình ảnh vọng về là một lời khẳng định "Đất Nước có từ ngày đó..". Cụm từ "ngày đó" là một nghề rất xa xôi nhưng đất nước thì vẫn luôn gần gũi. Ngày đó đất nước ra đời và lớn lên, tồn tại cùng con người, chở che e và nuôi nấng, qua bao không gian, qua bao thế hệ. Dấu ba chấm nối dài truyền thống văn hóa, văn hiến phong tục tập quán, thể hiện sự bất tận, trường tồn bất diệt của đất nước từ xa xưa. Song song với đó là niềm tự hào, lòng tôn kính với đất nước mà tác giả thay cả dân tộc gửi vào dòng thơ. Một tác phẩm nghệ thuật thành công là khi nó đối với người đọc, nó để lại ấn tượng sâu sắc, vượt qua quy luật băng hoại của thời gian để làm nên sức sống trường tồn bất diệt. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã làm được điều đó, bởi khi nhắc đến thi phẩm ấy, từng dòng thơ như in tạc chân thật vào tâm trí độc giả. Và có lẽ, chín câu thơ đầu đã để lại ấn tượng hơn hết về một đất nước gần gũi, bình dị mà vô cùng tự hào qua tài năng nghệ thuật của một nhà thơ xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ - Nguyễn Khoa Điềm.