Phân tích 42 câu đầu bài thơ Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi AiroiD, 29 Tháng tư 2024.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    54
    Đề bài: 42 câu thơ đầu của "Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm đã lí giải cội nguồn dân tộc và đem đến định nghĩa, cảm nhận mới mẻ về đất nước. Anh/chị hãy làm rõ ý kiến trên.

    Bài làm​

    Quê hương đất nước vốn là nguồn cảm hứng bất tận trong văn học, là đề tài sáng tác khơi gợi cảm xúc cho biết bao cây bút tài năng. Là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với nhiều tác phẩm mang phong cách thơ trữ tình chính luận, thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm của người tri thức về đất nước và nhân dân, Nguyễn Khoa Điềm có những đóng góp quan trọng trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Và nhắc đến người nghệ sĩ của xứ Huế trữ tình ấy, ta không thể không nhắc đến bài thơ/ đoạn trích "Đất nước" – mang đến cho người đọc định nghĩa mới về Đất Nước.

    "Mặt đường khát vọng" là tập trường ca hùng tráng được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Bản trường ca khái quát quá trình thức tỉnh của tuổi trẻ các vùng đô thị, vùng tạm chiếm miền Nam. Họ nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ, hướng về nhân dân, về đất nước; ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

    Đoạn trích "Đất Nước" thuộc chương V của trường ca "Mặt đường khát vọng", được viết theo thể thơ tự do. Hai chữ "Đất Nước" được viết hoa thể hiện niềm tự hào, ca ngợi, tôn vinh đất nước và gửi gắm thông điệp: Đất nước của nhân dân. Đây là đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm. Với cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng, lối thơ trữ tình chính luận, tác giả đã thể hiện hình ảnh đất nước tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam.

    Chín câu thơ mở đầu đoạn trích là giọng điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ, tâm tình, lí giải cội nguồn của Đất Nước:

    "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi"​

    Ngay từ câu thơ đầu tiên, ta đã ấn tượng và đặt ra câu hỏi về hai chữ "Đất Nước", tại sao hai chữ ấy lại được viết hoa? Người ta thường viết hoa tên riêng và trước giờ các nhà thơ đều không viết hoa từ đất nước như Nguyễn Khoa Điềm. Phải chăng nhà thơ xem đất nước như một sinh thể, như một tên riêng, thể hiện sự trân trọng, yêu kính và ngợi ca Tổ quốc mình. Đại từ "ta" như để nói nhân vật trữ tình là thi nhân, mà cũng như để nói đến chúng ta, một cộng đồng, một dân tộc với bao thế hệ. "Ta" không rõ là ai, trạng ngữ phiếm định "khi ta lớn lên" chỉ rõ Đất Nước đã có từ trước đó, tự bao giờ, từ ngàn đời, sừng sững và hiên ngang, trước khi mỗi chúng ta ra đời và lớn lên. Vì thế Đất Nước xứng đáng được tôn kính như một sinh thể, ta dành một tấm lòng nghiêng mình trước non sông. Có thể nói, câu thơ đã khẳng định đất nước đã tồn tại rất lâu, từ xa xưa và tồn tại như một chân lí hiển nhiên, trải qua nhiều thế hệ. Câu thơ mở đầu mang dáng dấp của một lời thề, đồng thời thể hiện nội dung của đoạn thơ: Lí giải cội nguồn đất nước.

    Ba câu thơ tiếp theo là sự cụ thể hóa về cội nguồn Đất Nước.

    "Đất Nước có trong những cái" ngày xửa ngày xưa.. "mẹ thường hay kể

    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"​

    Ba câu thơ mở đầu bằng từ "Đất Nước" đã gây được ấn tượng với người đọc. Phép điệp "Đất Nước" kết hợp cùng các từ ngữ "có trong", "bắt đầu", "lớn lên" được sử dụng trong ba câu thơ này. "Ngày xửa ngày xưa" là cụm từ mang đậm tính dân gian, là lời mở đầu quen thuộc trong các câu chuyện xưa. "Ngày xửa ngày xưa" được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng thật tinh tế và giàu tình cảm bởi cụm từ ấy đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Điều này cũng cho thấy không ai biết từ khi nào, có trong lời kể của mẹ, những câu chuyện mẹ kể là chuyện cha ông, chuyện về nhân dân, đất nước để từ đó hình thành trong mỗi đứa trẻ ý thức về cội nguồn dân tộc. Hình ảnh "miếng trầu" tuy nhỏ bé nhưng lại dung chứa cả "cuộc đời" của một Đất Nước, chứa đựng biết bao tình cảm bình dị mà thân thương. "Miếng trầu" là một phong tục văn hóa truyền thống có từ lâu đời, nói đến miếng trầu là nói đến câu chuyện tình nghĩa, đôi lứa. Câu thơ đã gợi nhớ về câu chuyện cổ tích "Sự tích trầu cau" từ đời Hùng Vương, ca ngợi tình nghĩa của anh em, vợ chồng, để rồi từ đó hình thành những phong tục, tập quán trong giao tiếp "miếng trầu là đầu câu chuyện" hay trong hôn nhân "miếng trầu nên dâu nhà người". Hình ảnh người bà ăn trầu giản dị, quen thuộc nhưng đã cho thấy nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Câu chuyện Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà đánh đuổi giặc Ân đã len lỏi vào trang thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả đã vận dụng thành công chất liệu của nền văn học dân gian, khai thác hình ảnh Thánh Gióng trong truyền thuyết, cậu bé ba tuổi xin đi đánh giặc, nhổ tre đánh đuổi quân thù. Cụm từ "dân mình" nghe sao thân thương quá đỗi! Câu thơ cũng thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc tuyệt vời, song song với cổ tích và truyền thuyết đã đi vào các trang sách, vào ký ức của mỗi người dân Việt Nam, qua đó, tác giả cũng khéo léo nhắc nhở về truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc ta. Có thể nói, cây tre là cội nguồn dân tộc, gắn bó với đời sống nhân dân, gắn liền với truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

    Những câu thơ tiếp theo đã khẳng định cội nguồn của đất nước còn là tình cảm gia đình:

    "Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn".​

    Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên với thói quen bới (búi) tóc sau đầu, một vẻ đẹp giản dị, dịu dàng, đằm thắm và chịu thương, chịu khó trong lao động. Hình ảnh ấy thể hiện nếp sống sinh hoạt của người phụ nữ ngày xưa, và đó cũng trở thành nét đặc trưng văn hóa, tục búi tóc sau đầu đưa ta nhớ về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Câu thơ đã cho thấy nhà thơ thấu hiểu nỗi vất vả của người phụ nữ xưa. Có thể thấy, Đất Nước mang dáng hình của người mẹ, người phụ nữ dịu dàng, tảo tần vất vả hy sinh. Không chỉ vậy, Đất Nước còn ngời sáng bởi đạo lí nghĩa tình thủy chung của đôi lứa. Dù trải qua bao sóng gió, cha mẹ vẫn thương nhau, gắn bó bền chặt, thủy chung, "gừng cay muối mặn", không bao giờ thay đổi. Vì lẽ đó, muối - gừng trở thành biểu tượng cho tình nghĩa gắn bó, thủy chung của vợ chồng. Ca dao xưa có câu "Tay bưng đĩa muối chén gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.". Qua đó, lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự khẳng định chắc chắn về tình nghĩa vợ chồng, vẻ đẹp của tình người xin đừng quên nhau. Có thể nói, "gừng cay muối mặn" là hình ảnh mang đậm tính dân tộc trong thơ ca hiện đại.

    Cùng với đó, cội nguồn của Đất Nước còn được làm rõ ở những tục lệ xưa:

    "Cái kèo cái cột cũng thành tên"​

    Câu thơ đã phản ánh tập tục đặt tên cho con của người Việt xưa. Nhân dân ta quan niệm rằng tên xấu thì đứa trẻ dễ nuôi, mau lớn. Bởi vậy mà nhiều vật dụng lao động hàng ngày, dễ dàng bắt gặp như "cái kèo cái cột" cũng trở thành tên người. Từ tên của những vật dụng hàng ngày trở thành tên của những đứa trẻ, gửi gắm bao yêu thương, ước vọng về những mầm non của Đất Nước.

    Thêm vào đó, cội nguồn của Đất Nước còn là phương thức sản xuất nông nghiệp có từ lâu đời:

    "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng..

    Đất Nước có từ ngày đó"​

    Hình ảnh hạt gạo "một nắng hai sương" với bốn công đoạn "xay, giã, giần, sàng" cũng là hiện thân của quê hương. Thành ngữ "một nắng hai sương đã thể hiện sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó cùng bao vất vả gian nan của con người, hạt gạo là thành quả lao động được làm nên từ mồ hôi của người nông dân trên đồng ruộng. Có lẽ bởi thế mà nhân dân ta vẫn thường gọi hạt gạo là hạt ngọc. Câu thơ này cũng gợi nhắc đến ca dao quen thuộc" Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần ". Biện pháp liệt kê: Xay, giã, dần, sàng đã cụ thể hóa quá trình làm ra hạt gạo và đồng thời khát quát quy trình sản xuất truyền thống của nhân dân. Đọc câu thơ này, chúng ta còn nhớ đến bài thơ" Hạt gạo làng ta "của Trần Đăng Khoa, cũng ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân, hạt gạo đã gói gọn tinh hoa của đất trời, đồng ruộng cùng biết bao ngọt bùi đắng cay của người dân. Vẻ đẹp của hạt gạo trắng trong là kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của con người lao động, kết tinh cho vẻ đẹp của Đất Nước gắn với nền văn minh lúa nước từ ngàn đời nay. Hạt gạo nuôi con người lớn khôn, và đất nước cũng bắt đầu từ đó.

    Sau tất cả những hình ảnh vọng về đẹp đẽ," Đất Nước có từ ngày đó.. "là lời khẳng định chân thành và chắc chắn." Những vẻ đẹp được khơi lên từ mạch tâm tình, thấm đẫm hơi thở ca dao dân ca, huyền tích sử thi của dân tộc. "Những vẻ đẹp vẹn nguyên của một dân tộc, một Đất Nước anh hùng. Cụm từ" ngày đó "là một ngày rất xa xôi không xác định, nhưng Đất Nước thì luôn thật gần gũi với đời sống mỗi chúng ta, cứ thế tồn tại qua biết bao thế hệ.

    Với giọng điệu lắng đọng, suy tư, nhà thơ đã đem đến một cách lí giải độc đáo về cội nguồn Đất Nước từ các phương diện: Phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, phương thức sản xuất. Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến hình ảnh Đất Nước không quá xa lạ, trừu tượng mà rất gần gũi, bình dị, quen thuộc, Đất Nước có trong lời ru của mẹ, trong miếng trầu của bà, là tình cảm gia đình thiêng liêng, gắn với cha mẹ và nhiều kỉ niệm thơ ấu. Có thể thấy, chín câu thơ này đã sử dụng chất liệu của văn hóa dân gian với những truyền thuyết, ca dao, truyện cổ tích, thành ngữ để tạo ra những vần thơ vừa hiện đại, vừa mang tính dân gian, dân tộc.

    Ở ba mươi ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã tìm hiểu, giới thiệu, định nghĩa về đất nước. Cụm từ" Đất Nước "được viết hoa nhưng khi lí giải thì tách ra" Đất là.. "," Nước là.. "rồi gộp lại" Đất Nước là.. ". Bởi vậy mà đoạn thơ có nhiều phép điệp cấu trúc, có sự song hành về nhịp điệu, nhiều yếu tố văn học dân gian, thể hiện nhiều cảm nhận mới mẻ về đất nước của thi nhân.

    Trước hết, Đất Nước là không gian sinh hoạt của mỗi người:

    " Đất là nơi anh đến trường

    Nước là nơi em tắm

    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm "​

    Người đọc thấy được Đất Nước gắn với nhân vật trữ tình là" anh và em ". Đó là nơi người con trai kiếm tìm tri thức, xây đắp ước mơ, và cũng là nơi người con gái đợi chờ." Nơi em tắm "là một không gian trữ tình, gắn với hình ảnh" giếng nước gốc đa "nơi quê nhà. Đó còn là dòng sông đã tắm mát tuổi thơ, để con người được thả mình trong không gian trong trẻo, yên bình của thiên nhiên. Hình ảnh" Đất "và" Nước "song hành với nhau, như anh và em gắn bó, và Đất Nước không chỉ là không gian sinh hoạt hàng ngày nuôi dưỡng tâm hồn, thể chất mà còn là nơi bắt đầu và in dấu bao kỉ niệm của tình yêu đôi lứa:" Đất Nước là nơi ta hẹn hò ". Từ đó, người đọc thấy không gian đất nước đầy chất thơ bởi đất nước mang sắc thái lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Câu thơ" Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm "cho thấy Đất Nước là nơi dung chứa tình yêu của anh, của em, của đôi mình, là nơi" em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm ", nơi để em chia sẻ những nỗi niềm, suy tư, trăn trở thầm kín của tình yêu. Hình ảnh chiếc khăn đã trở thành một biểu tượng của tình yêu, chuyên chở tâm trạng của người con gái khi yêu.

    " Khăn thương nhớ ai

    Khăn rơi xuống đất

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn vắt lên vai

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn chùi nước mắt. ".

    Hình ảnh khăn rơi trong nỗi nhớ thương tha thiết mà kín đáo khiến Đất Nước tràn ngập nỗi nhớ người yêu của cô gái.​

    Ngoài ra, Đất Nước còn là không gian địa lý, là nơi cư trú của dân tộc Việt Nam ta:

    " Đất là nơi con chim..

    Nước là nơi..

    Thời gian đằng đẵng..

    Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ ".​

    Qua hai câu thơ" Đất là.. /Nước là.. ", nhà thơ tiếp tục sử dụng chất liệu của văn học dân gian, lấy ý tưởng từ những câu hò miền Trung. Hình ảnh" con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc "," con cá ngư ông mang nước biển khơi "đã vẽ nên một bức tranh Đất Nước giàu đẹp với núi sông hùng vĩ, tránh lệ, bát ngát, bao la biển khơi. Câu thơ" Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ "mang giọng điệu khái quát, là lời khẳng định chắc chắn. Trải qua sự dai dẳng của thời gian 'đằng đẵng", qua bao sóng gió, dân mình được quây quần, sum họp sau những ngày tháng xa cách. Đó là sự hội ngộ sau những ngày tháng gian khổ, hay cũng chính là sự trở về với Tổ tiên, tất cả đều được đoàn tụ trong chiều rộng không gian và chiều dài thời gian của Đất Nước. Bản trường ca này được viết trong khoảng thời gian đất nước bị chia cắt, chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt. Nhưng câu thơ vẫn mang âm hưởng của tinh thần lạc quan, tin tưởng Đất Nước nhất định sẽ có được độc lập, thống nhất. Các tính từ "đằng đẵng, mênh mông" khẳng định rằng Đất Nước không chỉ trải dài theo thời gian, mở rộng trong không gian mà còn là nơi "an cư lạc nghiệp" biết bao đời nay của dân tộc ta. Từ "dân mình" thật gần gũi, thân thiết, như thể tất cả chúng ta đều cùng chung một gia đình, đều là ruột thịt.

    Bốn câu thơ tiếp theo cho thấy Đất Nước là cội nguồn, gắn với bao truyền thống văn hóa:

    "Đất là nơi chim về

    Nước là nơi Rồng ở

    Lạc Long Quân và Âu Cơ

    Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trăm trứng"​

    Đoạn thơ sử dụng điển tích "chim về, Rồng ở", "Lạc Long Quân và Âu Cơ" gợi đến truyền thuyết dân gian, về sự tích bọc trăm trứng để giới thiệu về nguồn gốc của dân tộc ta. Có thể nói, nhân dân ta rất tự hào khi mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, là con Rồng cháu Tiên cao quý, linh thiêng. Hai chữ "đồng bào" nghĩa là cùng được sinh ra từ một bọc. Đồng bào đã khẳng định rằng: Người trên rừng, người dưới biển, cùng chung sống trên đất nước Việt Nam thì đều là anh em có chung nguồn cội. Những câu thơ đã gợi về truyền thống văn hóa xưa, về nguồn cội của dân tộc Việt Nam.

    Bảy câu thơ tiếp đó đã khẳng định Đất Nước là sự tiếp nối, trao truyền của nhiều thế hệ:

    "Những ai đã khuất

    Những ai bây giờ

    Yêu nhau và sinh con đẻ cái

    Gánh vác phần người đi trước để lại

    Dặn dò con cháu chuyện mai sau

    Hàng năm ăn đâu làm đâu

    Cùng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"​

    Phép điệp "những ai" gợi ra sự tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, đó không chỉ là sự tiếp nối về truyền thống yêu nước, tình yêu đôi lứa mà đó còn là sự tiếp nối về giống nòi để duy trì đất nước. Trong đó có cả sự tiếp nối về trách nhiệm, sự trao truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau mà câu chuyện có ý nghĩa là dặn dò, nhắn nhủ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Hai câu thơ "Hàng năm.. /Cùng biết cúi đầu.. giỗ Tổ" đã nhắc đến ngày giỗ tổ Hùng Vương, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cao đẹp của dân tộc mà trong đó có cả sự tiếp nối về trách nhiệm, có sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Câu chuyện còn là lời nhắn nhủ, dặn dò về những truyền thống văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Ta nhớ đến câu ca dao có từ bao giờ "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc tổ, Quốc lễ của nước ta, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Hai chữ "cúi đầu" thể hiện tấm lòng thành kính thiêng liêng, biết ơn, trân trọng công lao dựng nước to lớn của các vị Hùng Vương. Đây là đạo lí "Uống nước nhớ nguồn", biết hướng về nguồn cội, nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân, tổ tiên, là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc.

    Có thể nói, đoạn thơ đã định nghĩa về đất nước trên nhiều phương diện, được soi chiếu từ văn hóa, lịch sử, địa lí cho đến đời sống tinh thần, sinh hoạt của con người. Từ đó, định nghĩa về Đất Nước được mở rộng, bao quát, có sự kế thừa và tiếp nối của nhiều thế hệ. Qua đó, nhà thơ đã ca ngợi và tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Đoạn thơ tiếp tục sử dụng chất liệu dân gian như ca dao, câu hò, truyền thuyết để tạo ra nhiều ý thơ hiện đại.

    Ở những câu thơ tiếp sau đó, nhà thơ đã bày tỏ quan niệm về mối quan hệ giữa cá nhân, cộng đồng; giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của con người với đất nước. Với nhân vật trữ tình là "anh" và "em", lời thơ trở thành lời tâm tình, đối thoại của đôi lứa về đất nước.

    Đầu tiên, Đất Nước là sự hòa quyện giữa cái "tôi" và cái "ta" :

    "Trong anh và em hôm nay

    Đều có một phần..

    Khi hai đứa cầm tay

    Đất Nước trong..

    Khi chúng ta cầm tay mọi người

    Đất Nước vẹn tròn, to lớn."​

    "Hôm nay" là thời gian hiện tại. "Quá khứ" là công sức của cha ông gây dựng. Bởi vậy mà Đất Nước trong hiện tại là trách nhiệm của "anh" và "em". Cuộc sống của mỗi người không chỉ là của riêng mà là thuộc về Đất Nước, đã và đang thừa hưởng, tiếp nối và phát triển những giá trị văn hóa, vật chất tinh thần của Đất Nước. Ý thơ dường như muốn khẳng định Đất Nước là một phần cơ thể mỗi người, vận mệnh của cá nhân gắn liền với vận mệnh của Đất Nước. Hình ảnh "Hai đứa cầm tay" là biểu hiện của tình yêu đôi lứa, của sự đồng ý, đồng lòng. Bên cạnh đó, cái cầm tay ấy còn thể hiện sự kết nối giữa cá nhân với cá nhân. "Đất Nước hài hòa nồng thắm" cho thấy Đất Nước là sự kết hợp hài hòa giữa tình yêu Tổ quốc và tình yêu đôi lứa. Còn hình ảnh "cầm tay mọi người" thì sự kết nối ấy được mở rộng giữa cá nhân với cộng đồng. "Đất Nước vẹn tròn, to lớn" là biểu hiện của một khối thống nhất, đoàn kết, là sức mạnh của nối vòng tay lớn. Đất Nước chỉ có thể bền vững khi có sự gắn bó chặt chẽ của cá nhân với tập thể, khi tình yêu đất nước trở thành tình cảm thiêng liêng, thấm sâu vào máu thịt mỗi người. Từ "hài hòa nồng thắm" đến "vẹn tròn to lớn" là cả một bước phát triển đi lên của lịch sử dân tộc, là quá trình tiếp nhận những giá trị bền vững, thiêng liêng trong đời sống tinh thần, tình cảm của mấy nghìn năm Đất Nước để rồi tạo ra mối thân tình đoàn kết của đồng bào.

    Bên cạnh đó, Đất Nước là tình yêu, niềm tin vào thế hệ mai sau:

    "Mai này con ta lớn lên

    Con sẽ mang đất nước đi xa

    Đến những tháng ngày mơ mộng
    "​

    Nếu như "hôm nay" là thời gian hiện tại thì "Mai này" là tương lai. "Con ta" là cách gọi thế hệ sau, những người tiếp nối và phát huy những giá trị tốt đẹp, dựng xây và bảo vệ Đất Nước. Các từ ngữ "mai này", "lớn lên", "đi xa" trong tháng ngày mơ mộng đã cho thấy cái nhìn tích cực về một tương lai tốt đẹp, một hành trình chinh phục ước mơ thật đẹp đẽ. Lời nhắn nhủ chân thành, thấm thía của tác giả đã hướng đến thế hệ mai sau, những người sẽ "gánh vác phần người đi trước để lại", xây dựng Đất Nước giàu đẹp văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ từng căn dặn. Hai chữ "lớn lên" đã đặt kì vọng, niềm tin vào trí tuệ, bản lĩnh của nhân dân. Và họ sẽ là người "mang Đất Nước đi xa" đến với chân trời tươi sáng, phát triển đất nước sau những năm tháng bị tàn phá bởi chiến tranh, đến với "những tháng ngày mơ mộng", những ngày tháng hòa bình, thống nhất. Có thể thấy, những câu thơ trên đã thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng của nhà thơ vào tương lai của đất nước, vào sự thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, để nhân dân ta tiếp nối sự nghiệp của cha ông, mở mang, xây dựng đất nước giàu đẹp, cường thịnh.

    Bốn câu thơ cuối đoạn trích là ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước:

    "Em ơi đất nước là xương máu..

    Phải biết gắn bó san sẻ

    Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

    Làm nên Đất Nước muôn đời.."​

    Cụm từ "Em ơi em" như một tiếng gọi yêu thương, là lời nhắn nhủ, nhắc nhở với giọng điệu tha thiết. Phép so sánh "Đất Nước là xương máu" đã khẳng định Đất Nước là một phần cơ thể mỗi người và tình yêu đất nước là tình cảm thiêng liêng, thấm sâu vào máu thịt con người. Phép điệp "phải biết" đã đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người với đất nước. Các từ "gắn bó san sẻ" thể hiện mqh mật thiết giữa con người và đất nước, con người sẵn lòng gánh vác nhiệm vụ chung, "hóa thân cho dáng hình xứ sở" là sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, là biểu hiện cao đẹp nhất của tình yêu đất nước. Câu thơ cuối "Làm nên Đất Nước muôn đời" là khát vọng về sự trường tồn, bền vững của đất nước, và phải hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Câu thơ gợi cho người đọc nhớ đến hai câu thơ trong "Phò giá về kinh" của Trần Quang Khải "Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san" (Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu) cũng thể hiện Mong muốn một cuộc sống thái bình, nhân dân được ấm no và hạnh phúc. Đất nước ngày càng hùng mạnh, no ấm, tồn tại tới ngàn năm. Trong đoạn thơ này, người đọc thấy giọng điệu chính luận nhưng cũng rất trữ tình, khẳng định mối quan hệ về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa cá nhân và cộng đồng, con người với đất nước. Từ đó, đã thôi thúc tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ để thể hiện khát vọng về đất nước hòa bình, thống nhất, niềm tin vào tương lai của đất nước.

    Bằng thể thơ tự do, vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian cùng giọng thơ trữ tình chính luận, đoạn trích "Đất Nước" đã ca ngợi chủ đề về quê hương đất nước, thể hiện cái nhìn mới mẻ về đất nước của người nghệ sĩ xứ Huế trữ tình. Đất nước được soi chiếu từ nhiều phương diện, đất nước bình dị, gần gũi với mỗi người và đồng thời, Nguyễn Khoa Điềm cũng khẳng định đất nước là của nhân dân. Qua đó, đoạn trích khơi gợi cho tuổi trẻ về tình yêu và trách nhiệm đối với đất nước.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...