Đất Nước: Phân tích 12 câu thơ: Những người vợ nhớ chồng...đã hoá núi sông - Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 18 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đất Nước – Phân tích 12 câu thơ:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

    ..

    Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông.."

    Bài Làm

    Hiếm có một giai đoạn văn học nào mà hình ảnh Tổ quốc – Dân tộc – Đất nước lại tập trung cao độ như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tố Hữu với

    "Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời

    Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!"

    (Vui thế hôm nay)

    Chế Lan Viên với "Sao chiến thắng", Lê Anh Xuân từ hình tượng giải phóng quân đã tạo nên "Dáng đứng Việt Nam". Và Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với Tổ quốc qua "Đất Nước" - một chương thơ trong trường ca "Mặt đường khát vọng". Chương thơ đã thể hiện một cách sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng lớn của thời đại "Đất nước của nhân dân". Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ Đất nước đã mang đến những cảm nhận vô cùng mới mẻ về đất nước, nhà thơ đã định nghĩa đất nước bằng những gì bình dị, thân thuộc nhất đối với đời sống con người để từ cái thân thuộc, vô danh nhà thơ đã khái quát lên một đất nước hữu hình, đẹp đẽ mà thiêng liêng nhất. Đặc biệt với mười hai câu thơ trên, người đọc như thấy được cách cảm nhận mới mẻ, những phát hiện độc dáo về không gian địa lí của Đất Nước trong mới Nhân dân mà tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện.

    Có thể nói cảm hứng về Đất Nước và nhân dân anh hùng luôn sục sôi và thổn thức trong tâm khảm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, ông có một lòng yêu nước không chỉ là lòng hang hái chiến đấu căm thì giặc mạnh mẽ mà còn là niềm tự hào về lịch sử bốn ngàn năm hào hùng của dân tộc những chiến công mà ông cha ta đã dựng nước và giữ nước. Bởi người xưa đã từng cho rằng: "Trước khi biến thành mực chảy qua ngòi bút, những gì nhà văn viết ra chảy qua tim như một dòng máu". Và có lẽ, Nguyễn Khoa Điềm cũng như thế. Sinh ra và lớn lên tại Cố đô Huế - nơi ươm mầm bao chiến sĩ anh hùng và là cái nôi nuôi dưỡng biết bao thi sĩ, Nguyễn Khoa Điềm đã dành cả tuổi trẻ để lắng nghe từng nhịp biến chuyển của chiến tranh, để lắng nghe từng cái âm vang của đất nước đang gồng mình lên chống Mỹ. Từ những âm vang thổn thức đó, từ những cái khổ đau đó, bằng giọng thơ trữ tình giàu chất chính luận cùng hòa quyện nhất quán giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng, vào năm 1971, ngay lúc bàn viết của ông đang đặt cạnh bom dội, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên trường ca "Mặt đường khát vọng" tại chiến khu Bình Trị-Thiên. Bản trường ca viết về sựu thức tỉnh của tuoir trẻ đô thị tạm chiếm miền Nam, về sứ mệnh mà thế hệ trẻ mang trên vai mình, hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình. Và với chương thơ thứ V mang tựa đề "Đất Nước" là chương cuối của bản trường c với tư tưởng cốt lõi "Đất Nước của nhân dân", không chỉ riêng bài "Đất Nước" mà dường như tư tưởng "Đất Nước của nhân dân" đã chi phối tất cả các sáng tác của ông.

    Đầu tiên, tư tưởng "Đất nước của nhân dân" được thể hiện qua sự biết ơn sâu nặng của nhà thơ đối với nhân dân – những người đã thầm lặng cống hiến từng chút, từng chút nhỏ cho Đất Nước, nuôi dưỡng thành điều đĩ đại và ghi dấu đến hôm nay. Họ đã "góp" cuộc đời mình, tên tuổi của mình hóa thân thành những địa dành, thắng cảnh, từng con đường, từng vách núi của Tổ Quốc thương yêu. Câu chuyện của họ đã hóa thành văn hóa tưởng ứng với mỗi vùng miền, rất riêng và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

    Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

    Chín mươi chin con voi góp mình cho đất tổ Hùng Vương

    Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

    Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên

    Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điền..

    Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

    Ôi Đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.."

    Nếu như văn sĩ Lỗ Tấn từng nói: "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi" với quan niệm người ta đi mãi thì tạo ra còn đường; thì nhà văn Nguyễn Khoa Điềm lại làm độc giả bất ngờ và thiết tha theo những vần thơ của ông, bởi một ý niệm: Tên đường, cuộc đời của một con đường chính là sự hóa thân từ cuộc đời, từ câu chuyện của mỗi con người. Những con đường đi, tự bao giờ đã thôi vô tri vô giác, kể từ giây phút khi nó được gắn với những cái tên thân quen, nó đã trở nên chất chứa niềm riêng đẹp đẽ.

    Những con người "không tên không tuổi" đã đóng góp cho dành lam thắng cảnh của đất nước một sự hóa thân, một ý nghĩa phủ nhuộm đậm đà cả tâm hồn dân tộc. Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định gắn liền với sự tích nàng Tô Thị bồng con chờ chồng hòn đá; Hòn Trống Mái cũng là một câu chuyện gắn bó nghĩa tình của một đôi vợ chồng nghĩa nặng tình sâu. Những vẻ đẹp ấy hòa quyện với nhau bởi sự thủy chung, son sắt trong tâm hồn người Việt Nam nói chúng và người phụ nữ Việt Nam nói riêng. "Những người vợ nhớ chồng", hình ảnh ấy còn gợi cho ta nhớ câu chuyện về nàng Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương", hình ảnh người phụ nữ son sắt chờ chồng đã in sâu vào nguồn cội nước non; từ thuở sơ khai đến khi đất nước chiến tranh triền mien, người vợ vẫn "giếng nước gốc đa – nhớ người ra lính" một lòng một dạ. Tất cả họ đã "góp cho Đất Nước", không chỉ đơn thuần chỉ là hai hòn núi đá chụm đầu vào nhau, mà là cả một câu chuyện đời làm nên hình hài ấy. Nó biểu hiện trong tâm trí độc giả với hình ảnh của nhân dân. Của câu chuyện thần thoại với bề dày văn hóa lịch sử sâu sắc qua nghệ thuật liệt kê và động từ "góp".

    "Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

    Chín mươi chin con voi góp mình cho đất tổ Hùng Vương"

    Truyền thuyết Thánh Gióng – người anh hùng được xưng là Phù Đổng Thiên Vương với chứng tích "ao đầm" hình móng chân ngựa có ở khắp chân nú Sóc Sơn, Hà Nội. "Chín mươi chin con voi" bao quanh núi Hi Cương ở Phú Thọ đã "góp mình cho đất tổ Hùng Vương". Hình ảnh con người phi thường, hình ảnh những con vật quen thuộc trong mỗi bản làng: Ngựa, voi cùng tập hợp để làm nên những hồn thắng cảnh cho Đất Nước ở miền Bắc, khứ hồi một thời gian ngoại xâm giặc giã với truyền thống anh hùng dân tộc yêu nước và quyết tâm giữ lấy đất nước. Tất cả nhằm nhắc nhở chúng ta nhớ về truyền thống đánh giặc giữ nước và công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước của ông cha ta.

    Tiếp đến là "những con rồng" nằm im mang dấu ấn miền Nam đậm đà:

    "Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm"

    Những dòng sông quê hương nhiều nước ngọt phù sa, nhiều tôn nhiều cá, mênh mông biển lúa bốn mùa. Phải chăng nhà thơ trẻ qua vẻ đẹp dòng sông để ca ngợi giang sơn gấm vóc, con người Việt Nam đã rất đỗi tài hoa hay sao? Những núi Bút, non Nghiên phơi bày vẻ đẹp mỹ lệ giữa đất trời nước Việt:

    "Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên"

    Nổi bật lên trong câu thơ này là truyền thống hiếu học của nhân dân ta và hình ảnh núi Bút, non Nghiên do những cậu học trò nghèo dựng nên đã góp cho Đất Nước bao tên tuổi, với câu chuyện đáng tự hào từ đó, khi ta không chỉ là những con người thuỷ chung, mà còn vượt khó và cầu tiến không ngừng. "Nghèo" mà vẫn góp cho Đất Nước ta núi Bút non Nghiên làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt.. nghèo vật chất mà giàu về trí tuệ và tài năng.

    Từ những ngựa, voi, rồng- con vật to lớn, dũng mảnh; đến những "con cóc, con gà quê hương" cũng "cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh". Đất Nước mình lớn lên từ đó, từ "những người dân" góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm ".. Từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng là chứng tích lịch sử kiêu hùng, đâu đâu cũng là dáng núi hình sông được phủ lên đó những ước mong, những xuyến xao rồi hóa thân thật thâm trầm và bình dị. Khắp sông núi này, khắp bốn bể đâu cũng là câu chuyện vè người Việt đã thấm vào nước mình một hồn xanh tươi. Chính điều đó đã thôi thức nhà thơ khẳng định và ca ngợi công lao của Nhân dân đối với Đất Nước:

    " Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha "

    Dáng hình của nhân dân có mặt ở" khắp ruộng đồng gò bãi ", dù là nơi hẹp nhỏ nhất hay nơi rộng lớn nhất cũng đều có sự góp mặt, mỗi danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền Đất Nước đều không còn vô tri, đều như có linh hồn, như mang tâm trạng, đều gợi" một dáng hình, một ao ước, một lối sống cha ông; đều trở thành một kí ức đẹp đẽ, vĩnh hằng về tâm hồn, tình cách và số phạn của Nhân Dân. Câu thơ này còn nhằm khẳng định rằng: Nhân dân không chỉ góp nên những danh lam thắng cảnh, mà còn mang bao nhiêu giá trị tinh thần, văn hóa, phong tục tập quán đã, đang và sẽ lưu dấu qua nhiều thế hệ.

    Cách nhìn vừa mới mẻ vừa mang đậm sắc thái dân gian đã giúp nhà tjow khẳng định và ca ngợi công lao của Nhân dân đối với Đất Nước . Sự đóng góp vô tận, lớn lao của Nhân Dân đã được thể hiện qua những dòng thơ sâu sắc và tràn đầy xúc cảm:

    "Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.."

    Nếu bốn nghìn năm là dòng thời gian đằng đẵng của lịch sử dựng nước và giữ nước thì cụm từ "đi đâu ta cũng thấy" lại gợi hình ảnh về những không gian mênh mông của Đất Nước; lặng lẽ bền bỉ cùng dòng thời gian ấy, trung hậu, kiến cường trong không gian ấy là vời vợi những cuộc đời của Nhân dân. Động từ hóa không chỉ gợi ra những đóng góp lớn lao bởi mồ hôi, xương máu của người Nhân Dân trong quá trình dựng nước và giữ nước mà còn gợi ca khẳng định sức mạnh kì diệu, sự hóa thân kì diệu của những con người vô danh, thầm lặng một nắng hai sương trong thời bình, kiến cường trồng tre đánh giặc trong thời chiến, nhân hậu nghĩa tình trong ứng xử của cuộc sống hằng ngày.. để làm nên núi sông ta.

    Bằng giọng điệu thơ tự nhiên với thể thơ tự do được vận dụng triệt để, kết cấu chặt chẽ với các thủ pháp nghệ thuật liệt kê đã làm cho đoạn thơ giàu sức gợi cảm và vô cùng linh hoạt. Từng câu thơ, từng hình tượng đucợ gắn kết và đan cài, trải dài từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam như dẫn dắt độc giả khám phám hết chiều dài đất nước trên bình diện địa lý thật đặc biệt. Nhà thơ thể hiện tất cả sự trân trọng với "Đất nước của nhân dân" bằng việc luôn viết hoa hai chứ "Đất Nước", xem Đất nước như một sinh thể, và nhân dân đã "góp" vào sinh thể ấy những tình cách, những cuộc đời thật đẹp.

    Mặc cho bước chân thời gian vẫn chảy trôi không ngừng, thơ văn vẫn ở đó và vẫn tỏa sáng, bởi lẽ "Thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trở thành bất tử" (Shelly), nên chúng cũng trường tồn mãi mãi với tháng năm. Bài thơ "Đất Nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã ngân lên một khúc dạo du dương, dịu dàng, khắc sâu vào từng trái tim, từng tâm hồn, gợi lên một niềm yêu thương, tự hào khó tả về mảnh đất quê hương thân yêu, nơi ta thuộc từng đường đi lối về, từng hàng cây ngọn cỏ. Dù đi đâu, đi đến tận cuối đất cùng trời, ta vẫn tự hào mang trang mình dòng máu Lạc Hồng hào hùng, hiên ngang. Dù ta là ai, chỉ cần ta sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, trái tim sẽ mãi luôn nhớ: "Dù đi đâu.. Đến phương trời nào, cũng chẳng đẹp hơn nước non Việt Nam"..
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...