Đánh giá nội dung nghệ thuật của tác phẩm Giết con sư tử ở Nê - Mê

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 17 Tháng mười một 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đánh giá nội dung nghệ thuật của tác phẩm Giết con sư tử ở Nê-mê

    Thần thoại Hy Lạp


    * * *
    "Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" (Sê đrin). Điều gì khiến thần thoại Hy lạp ra đời cách chúng ta hàng bao thế kỉ lại có sức sống lâu bền đến tận bây giờ? Thậm chí những thước phim chuyển thể từ thần thoại Hy lạp cũng trở thành những tác phẩm điện ảnh bom tấn? Có phải con người vẫn tin vào những điều tưởng tượng, hoang đường trong đó? Không phải vậy. Chính sức hấp dẫn của từng câu chuyện đã khiến chúng trường tồn với thời gian. Trong thần thoại Hy lạp, mỗi câu chuyện kể là một huyền thoại cuốn người đọc vào từng tình tiết. "Giết con sư tử ở Nê-mê" là một trong những huyền thoại ấy.

    Truyện "Giết con sư tử ở Nê-mê" là chiến công đầu tiên của người anh hùng Hê-ra-clet. Để giết được con sư tử bất khả xâm phạm này, He-ra-clet đã phải thăm dò thói quen, lấp một trong hai cửa hang của nó, mai phục ở cửa duy nhất và giương tên bắn. Cung tên không hạ được nó, Hê-ra-clet phải giao chiến với nó bằng gươm, chùy - những vũ khí mà He-ra-clet được thần linh bạn tặng. Tuy nhiên cuộc chiến chỉ kết thúc khi Hê-ra-clet nhảy lên lưng, dùng sức mạnh đôi tay kìm sắt siết cổ con vật đến chết.

    "Giết con sư tử ở Nê-mê" ca ngợi vẻ đẹp người anh hùng Hê-ra-clet. Ở chàng, hội tụ cả ba vẻ đẹp: Sức mạnh, trí tuệ và ý chí bất khuất. Vẻ đẹp ấy tỏa sáng, soi chiếu lẫn nhau khiến hình tượng người anh hùng lung linh tỏa sáng.

    Hê-ra-clet là con của thần Dớt, nên sức mạnh của chàng là sức mạnh sánh tựa thần linh. Với sức mạnh ấy, chàng đã dời đá lấp cửa hang; giao đấu không mệt mỏi với con quái vật; tránh được các đòn quật đuôi, vả trái, tát phải, nhẩy bổ, lao húc; và nhanh nhẹn nhảy lên lưng siết cổ con thú dữ. Sức mạnh của Hê-ra-clet là sức mạnh chỉ có trong tưởng tượng, được nhìn qua cái nhìn đầy màu sắc hoang đường của người cổ đại. Qua những chi tiết này, người đọc ngày nay có thể nhận thấy khát vọng của người xưa về sức mạnh của con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên và tiêu diệt các loài thú dữ.

    [​IMG]

    Nhân vật Hê-ra-clet còn là biểu tượng của trí tuệ người xưa. Chàng không ỷ mình có sức mạnh phi thường, có vũ khí lợi hại mà chủ quan khinh địch. Chàng cẩn trọng dò xét thói quen của con vật, biết hang ổ của nó có hai cửa, chàng liền lấp một cửa hang để chặn đường lui. Không thể hạ gục nó từ xa bằng cung tên, chàng đánh giáp lá cà. Gươm, chùy không làm nó xây xước, chàng nhanh trí đổi chiến thuật: Nhảy lên lưng siết cổ.. Trong trận chiến, chiến thuật của chàng linh hoạt, phù hợp với tình hình. Bằng đòn đánh cuối cùng - đánh vào điểm yếu, chàng đã chiến thắng. Nhận diện được điểm yếu của đối thủ mà ứng phó, đó chẳng phải là cách mà chàng vẫn làm trong cuộc chiến với Ăng -tê, với con mãng xà Hi-đ-rơ, con lợn rừng.. đó sao? Đây là cách để một người tưởng chừng như yếu thế hơn có thể đảo ngược tình thế. Vậy mới biết, trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng trong bất cứ cuộc chiến nào.

    Chiến thắng của Hê-ra-clet không chỉ là chiến thắng của sức mạnh thể chất và trí tuệ, đó còn là chiến thắng của tinh thần bất khuất. Dù con sư tử này hung dữ gấp mười lần con sư tử ở Xi-ti-rông, nhưng Hê-ra-clet không hề nao núng, dù cuộc chiến diễn ra căng thẳng, quyết liệt, bao đòn đánh tung ra vẫn không diệt được con thú dữ, nhưng chàng không hề có ý định bỏ cuộc. Nhờ ý chí bất khuất, Hê-ra-clet đã vượt qua thử thách đầy cam go này và mười một thử thách tiếp sau đó. Bài học về tinh thần bất khuất từ chiến công của Hê-ra-clet là bài học có ý nghĩa với muôn đời: Có ý chí, con người có thể làm được tất cả.

    "Chi tiết làm nên hạt bụi vàng của tác phẩm". Đoạn trích "Giết con sư tử ở Nê-mê" chứa đựng nhiều "hạt bụi vàng" ấy. Từ chi tiết kể về sự hung dữ gấp mười lần con sư tử ở Xi-ti-rông đến chi tiết "không cung tên, gươm đao nào đâm thủng" đều có ý nghĩa rất đắt trong việc nhấn mạnh thử thách khốc liệt của Hê-ra-clet, ca ngợi chiến thắng vẻ vang của chàng. Nếu bỏ chi tiết này đi thì người đọc sao có thể hình dung được cuộc chiến căng thẳng bất phân thắng bại kia. Hoặc chi tiết kể về việc Hê-ra-clet dù được tặng vũ khí lợi hại nhưng lại dùng tay không hạ gục con vật cũng bao hàm ý nghĩa sâu sắc: Yếu tố quyết định chiến thắng của con người là chính bản thân mình. Chi tiết Hê-ra-clet dùng da của con vật làm mũ, áo cho mình cũng vậy. Bộ da không gươm chùy nào có thể làm xây xát đã trở thành thứ phục trang bảo vệ chàng. Vậy chẳng phải trong thử thách có cơ hội đó sao? Nếu vậy, sao chúng ta còn phải sợ thử thách?

    Sức hấp dẫn của câu chuyện còn tỏa ra từ những chi tiết kì ảo kể về sức mạnh của Hê-ra-clet hay sự bất khả xâm phạm của con sư tử. Những chi tiết này đã góp phần tăng độ "gay cấn" cho cuộc chiến, tạo nên sự hồi hộp nơi người đọc. Người đọc như bị cuốn vào cuộc chiến căng thẳng kia, thót tim trước những cú tát, vả, lao, húc của con vật và lo lắng thay cho người anh hùng..

    Đoạn trích ngắn nhưng chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc, lôi cuốn người đọc dõi theo từ đầu đến cuối bằng cách kể chuyện hấp dẫn, đầy kịch tính - đó là thành công của một câu chuyện kể. Câu chuyện "Giết con sư tử ở Nê-mê" cùng với biết bao huyền thoại trong thần thoại Hy lạp đã sống trường tồn qua mọi không gian, thời gian là vì thế.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...