Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật truyện ngắn Lang Rận - Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 16 Tháng mười hai 2023.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật truyện ngắn "Lang Rận" - Nam Cao

    "Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao." (Lê Định Kỵ) Có thể nói, Nam Cao nổi bật giữa bầu trời văn chương như một ngôi sao rực rỡ, là đại biểu xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng. Tác phẩm của ông giai đoạn này tập trung vào hai đề tài chính: Người trí thức nghèo và người nông dân. Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: Nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. "Lang Rận" là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của bậc kì tài truyện ngắn Nam Cao.

    Trong thời kì mà văn học có xu hướng chiều theo thị hiếu người đọc, chiều theo xúc cảm có phần thiên vị cho những thứ gì đẹp đẽ, thơm tho - một câu chuyện tình yêu mùi mẫn, lãng mạn kiểu như "Hồn bướm mơ tiên", "Nửa chừng xuân", thậm chí "Khi chiếc yếm tụt xuống".. thì Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối đi riêng, nghĩa là không đếm xỉa gì đến sở thích của độc giả. Ông viết về người nông dân quê mùa, thô kệch, khơi sâu bi kịch cuộc đời họ với tấm lòng cảm thông sâu sắc. Thực ra, đề tài người nông dân không phải đề tài mới, nhưng với cá tính sáng tạo, Nam Cao vẫn đem đến cho văn chương "một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài năng của mình, thiên chức của mình" (Hà Minh Đức).

    Nhân vật chính của "Lang Rận" là một thầy lang bốc thuốc, anh được ông cựu Đậu rước về nhà với mục đích lấy thuốc chữa bệnh vô sinh. Cũng chính từ đây, cuộc đời thầy lang, vốn đã hẩm hiu, nay càng thêm thê thảm. Bi kịch của Lang Rận đâu chỉ là nghèo đói, vất vưởng nay đây mai đó, ba đời vợ vẫn cô đơn mà đau đớn hơn, hắn còn bị bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị miệt thị về ngoại hình.

    Chẳng khác gì Thị Nở, Chí Phèo.. ngoại hình hắn được miêu tả vô cùng chân thật, sống động, từ cái vẻ thô kệch, nhếch nhác đến lối ăn ở luộm thuộm, dơ dáy. Chân thật đến cả đám chấy rận trên quần áo của hắn. Cái ngoại hình, lối ăn ở đấy dĩ nhiên chẳng thể vừa mắt bà cựu Đậu và cô Đính - những kẻ giàu có, nhiều tiền, nhàn rỗi và đặc biệt rất trắng trẻo, thơm tho. Không vừa mắt thì sinh ra coi thường, dè bỉu. Thái độ coi thường của bà cựu thể hiện ngay trong đoạn đối thoại với ông cựu phần đầu tác phẩm, nghĩa là ngay khi lang Rận chưa xuất hiện. Bà Cựu coi chuyện rước lão về là "rếch" nhà, coi thuốc của lão là thứ gì rất kinh tởm "thuê tiền cũng không uống". Cái tên lang Rận đầy khinh miệt cũng là bà đặt cho thầy lang. Thậm chí bà và cô đính còn gọi thầy là "thằng lang" thể hiện rõ sự coi thường.

    Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng, đáng trân quý. Nhưng trong con mắt của bà cựu và cô Đính, tình cảm giữa lang Rận và mụ Lợi lại trở thành chuyện "buồn cười", và chuyện họ yêu nhau trong nhà mình là "vô phúc". Cứ như thể những người nghèo khổ thì họ không được phép yêu nhau vậy.

    Tình huống truyện được đẩy lên cao trào khi hai người đàn bà nhàn rỗi kia bắt quả tang lang Rận vào buồng mụ Lợi. Họ khóa cửa ngoài và tỏ ra vô cùng "sung sướng", "đắc chí" với sự việc vừa làm. Họ bấm bụng cười với nhau. Và họ đã thành công trong việc đẩy một con người đến sự lựa chọn cái chết. Bởi trong buồng tối, khi biết mình bị khóa, lang Rận "ngồi nghĩ ngợi xa gần. Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tím ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau..". Hàng loạt những câu văn ngắn, hàng loạt những từ những biểu đạt cảm xúc đã nói lên sự hỗn loạn, bế tắc của nhân vật trước khi đi đến hành động cuối cùng - đi tìm một cái gì có thể làm một cái dây, cũng là đi tìm cái chết. Lang Rận chết vì tủi nhục, vì để giữ gìn nhân cách của mình, chết để giải thoát khỏi sự xã hội đầy bất công, vô nhân đạo, đầy rẫy những lăng mạ và xúc phạm.

    Cái chết của lang Rận là cái chết của con người bị đẩy đến bước đường cùng, là bi kịch của phận con ong cái kiến bị coi thường khinh rẻ. Cái chết ấy có ý nghĩa tố cáo mạnh mẽ xã hội bất công, vô đạo, đầy rầy những phân biệt giai cấp, giầu nghèo, đầy rẫy những kẻ tàn ác vô lương không chút tình thương, lòng trắc ẩn. Trong một xã hội như thế thì không chỉ lang Rận, Chí Phèo, người bà trong "Một bữa no".. mà còn biết bao người nông dân khốn khổ khác trở thành miếng mồi cho cái ác quần vờn, cắn nuốt.


    [​IMG]

    Nam Cao quan niệm: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Quả thực, văn chương luôn bắt đầu từ điểm xuất phát là cuộc đời. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chẳng thể nào tồn tại mãi nếu nó xa rời thực tế. Hiện thực trong văn Nam Cao khốc liệt đến đau lòng. Nhưng ông không tránh né, ông cứ "mở lòng ra để đón lấy những vang động của đời".

    Viết về ngoại hình xấu xí, nết ở ăn rếch rác, thậm chí cả khi viết về cái chết của lang Rận, giọng văn Nam Cao có vẻ lạnh lùng. Nhưng sau những dòng văn ấy lại là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao. Với quan niệm, "một tác phẩm giá trị là một tác phẩm vượt lên trên bờ cõi và giới hạn, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn", ngòi bút nhân đạo của Nam Cao còn hướng đến sự ngợi ca, trân trọng khát vọng hạnh phúc của những con người khốn khổ. Họ chẳng sạch sẽ, thơm tho, họ chẳng có quyền cất tiếng nói, nhưng họ có quyền yêu và được yêu, có quyền được hạnh phúc. Đó là lí do vì sao nhà văn lại để mụ Lợi gắn kết với thầy lang. Trong lúc ai cũng dè bỉu, khinh thường hắn, vẫn có một người đàn bà, cũng xấu xí, thô kệch (có khác gì thị Nở) dành cho hắn tình yêu, tình thương. Tình yêu, tình thương của họ giản dị lắm, đôi khi chỉ là đồng quà tấm bánh, là vá víu áo quần hay bắt chấy, bắt rận cho nhau. Nhưng đó là hạnh phúc, là điểm sáng duy nhất trong cuộc đời lang Rận. Chỉ tiếc rằng, trong một xã hội bất công, thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị ấy cũng chẳng thể lâu bền. Nó bị mang ra làm trò cười và chết ngỏm theo số phận thầy lang. Kết cục ấy khiến ta nhớ đến mối tình thị Nở, Chí Phèo - cũng do sự ác tàn của xã hội mà chỉ "sống" vỏn vẻn có năm ngày.

    Một tác phẩm đích thực không chỉ là những khám phá về nội dung mà còn là sự hoàn chỉnh về hình thức. "Lang Rận" là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao. Trước hết, nhà văn đã xây dựng được một cốt truyện với những tình tiết hấp dẫn, nhiều sự kiện, biến cố bất ngờ, tạo nên kịch tính cho tác phẩm. Mặt khác, việc trần thuật từ ngôi thứ ba với điểm nhìn toàn tri khiến những sự việc, tình tiết trong truyện trở nên khách quan hơn. Điểm nhìn của người kể chuyện đôi khi dịch chuyển sang điểm nhìn của lang Rận giúp nhà văn có khả năng xâm nhập vào thế giới nội tâm, miêu tả chân thực, sâu sắc hơn tâm trạng xấu hổ, nhục nhã, uất giận của nhân vật, giúp mạch trần thuật trở nên linh hoạt, tạo giọng điệu đa thanh, tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Cách kể chuyện của Nam Cao chân thật, gần gũi, dựng đối thoại tự nhiên, sinh động. Nam Cao dùng ngôn ngữ của đời sống, được quần chúng nhân dân sử dụng hằng ngày, rất phong phú, sinh động, giàu hình ảnh. Truyện được kể với giọng điệu khách quan lạnh lùng, tàn nhẫn bên ngoài mà cảm thông, thương xót bên trong. Đặc biệt, truyện thành công bởi nghệ thuật khắc họa nhân vật từ ngoại hình, lời nói, đến hành động, tâm trạng, tính cách, số phận..

    "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên". "Lang Rận" là một câu chuyện cuộc sống đậm chất hiện thực và chứa chan tinh thần nhân đạo. Những trang sách gấp lại nhưng người đọc còn ám ảnh mãi về cái chết của lang Rận, về bi kịch tự giải thoát của một phận người bị coi thường, khinh rẻ, về khát vọng hạnh phúc dang dở giữa một xã hội u ám tối tăm.
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng mười hai 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...