Phân tích đánh giá đặc sắc nội dung nghệ thuật bài Thơ duyên - Xuân Diệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 26 Tháng mười hai 2023.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Phân tích đánh giá đặc sắc nội dung nghệ thuật bài "Thơ duyên" - Xuân Diệu

    Xuân Diệu là đại diện xuất sắc của phong trào thơ Mới ở giai đoạn phát triển nhất của dòng thơ này. Với hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió, Xuân Diệu đã thay thế vị trí đương thời đệ nhất thi sĩ của Thế Lữ trong làng thơ Mới. Nồng và trẻ là đặc điểm nổi bật nhất của hồn thơ Xuân Diệu. Nhà thơ rất mực trẻ trung ấy luôn luôn thể hiện một năng lực giao cảm kì diệu với thiên nhiên và cuộc đời. "Thơ duyên" là bài thơ đặc sắc của Xuân Diệu trong tập "Thơ thơ". Với thi phẩm này Xuân Diệu đã thể hiện niềm giao cảm mãnh liệt và năng lực phát hiện những mối tương quan huyền diệu của vạn vật trong thiên nhiên, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người.

    Thơ Xuân Diệu thường độc đáo ngay từ nhan đề. Qua nhan đề, người ta có thể phần nào nhận ra cảm xúc chủ đạo cũng như cấu tứ, những dấu hiệu thi pháp.. của tác phẩm. Bài "Thơ duyên" cũng thế. Nói đến "duyên" là nói đến sự hòa hợp gắn bó. Trong bài thơ, cái duyên được đề cập đến thập phong phú, đa dạng: Đó là sự giao duyên trogn vũ trụ, giữa con người với thế giới xung quanh, giữa con người với nhau. "Thơ duyên" cũng có những tình cảm rung động thuở ban đầu. Tình yêu được khơi nguồn từ một sắc mây, từ tiếng chim hót, từ không khí giao duyên của đất trời. Tuy nhiên bao trùm lên tất cả vẫn là mối tương quan giao hòa trọn vẹn giữa vạn vật trong vũ trụ này, trong âm hưởng của nhạc, trong không khí của thơ và trong tình yêu thương của con người đối với sự sống.

    Bài "Thơ duyên" mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên trong buổi chiều thu tươi tắn, mộng mơ:

    Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

    Cây me ríu rít cặp chim chuyền.

    Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

    Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.

    Không não nùng, ảm đạm như trong "Đây mùa thu tới", buổi chiều thu trong bài "Thơ duyên" thật êm đềm dịu ngọt. Vẻ thơ mộng của nó được gợi ra qua sắc lá xanh của thảo mộc, qua bầu trongời màu ngọc bích, sắc nắng rực rỡ, nhành cây đong đưa và tiếng chim ríu rít. Tràn ngập khắp không gian là âm thanh huyền diệu của đất trời. Câu thơ "Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền" là sự cảm nhận mang tính tổng hợp của Xuân Diệu về mùa thu qua tiếng thu mơ hồ mà xôn xao, náo nức. Đó không phải là tiếng thu buồn với lá vàng khô xào xạc trong thơ Lưu Trọng Lư. Qua cái nhìn đa tình cảu Xuân Diệu, những cảnh vật bình thường cũng phát lộ những khía cạnh nên thơ. Không gian, thời gian nhuốm sắc màu ảo mộng, vạn vật trong trạng thái đôi lứa, nhân duyên.. Nhành cây me nơi đôi chim tình tự trở thành điểm hẹn của cặp uyên ương, thành "nhánh duyên" rất tình. Tiếng chim hót cũng trở thành một cuộc hòa thơ. Khi bản nhạc của thiên nhiên vang lên thì buổi chiều trở thành "chiều mộng". Nếu hình dung "thơ duyên" là một bản nhạc thì ngay từ khúc dạo đầu đã thấy ngân nga những giai điệu hạnh phúc.

    Cái duyên của bài thơ không chỉ được bộc lộ qua mối giao hòa gắn bó giữa sự vật trong vũ trụ mà còn được tạo ra bởi sự giao duyên của con người và thiên nhiên. Sự giao duyên này được Xuân Diệu thể hiện qua hai cấp độ. Trước hết đó là mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Sự xuất hiện của con người làm cho thiên nhiên thêm sống động, đáng yêu, dễ gần hơn.

    Cái duyên giữa con người với thiên nhiên còn được thể hiện qua những rung động tinh tế về sự sống muôn màu trong lòng chàng thi sĩ lần đầu rung động nỗi thương yêu.

    Đôi mắt xanh non của Xuân Diệu đã phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của một "con đường nho nhỏ" :

    Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,

    Lả lả cành hoang nắng trở chiều.

    Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,

    Lần đầu rung động nỗi thương yêu.

    Con đường quen thuộc hàng ngày khi hiện diện trong xúc cảm thẩm mĩ của Xuân Diệu đã trở thành con đường của tình yêu mời gọi những bước chân đôi lứa. Con đường như cũng biết ngả đầu vào gió, cành hoang ngả mình vào nắng trong dáng vẻ nũng nịu dễ thương. Bức tranh phong cảnh vừa thực vừa ảo. Cài thần của đoạn thơ hội tụ trong những cặp từ láy: Nhỏ nhỏ, xiêu xiêu, lả lả. Với những từ láy tạo hình này, Xuân Diệu đã vẽ ra đường nét, dáng điệu sắc thái chuyển động tinh vi của cảnh vật. "Cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra" (Hoài Thanh), chúng chỉ mất đi một tí rõ ràng để thêm nhiều thơ mộng.

    [​IMG]

    Cảm xúc nhà thơ hướng đến không gian vũ trụ trong khoảnh khắc hoàng hôn:

    Mây biếc về đâu bay gấp gấp,

    Con cò trên ruộng cánh phân vân.

    Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,

    Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.

    Thời gian chuyển từ chiều sang hoàng hôn, thiên nhiên cũng theo đó chuyển từ rộn ràng tươi tắn đến đượm buồn man mác. Phần đầu là đôi chim ríu rít thì đến khổ thơ này ta chỉ gặp cánh chim cô độc, lẻ loi, phân vân trước cảnh chiều hiu quạnh. Những bông hoa dần khép cánh trong làn sương thu chớm lạnh. Nét vẻ phảng phất nỗi buồn thơ Thôi Hiệu xưa:

    Bạch vân thiên tải không du du

    (Mây trắng nghìn năm bay chơi vơi).

    Đám mây trong thơ Xuân Diệu không chơi vơi như thơ cổ mà "gấp gấp", trạng thái hối hả, vội vã khiến cánh cò cũng thêm phân vân không biết nên bay hay đậu. Bầu trời thu cũng như mênh mang, buồn hơn:

    Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,

    Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.

    Bút pháp lấy động tả tĩnh, cái hữu hạn gợi cái vô hạn được dùng một cách tài hoa. Cánh chim nhỏ nhoi in dáng trên nền trời đã nhân rộng cái bao la, vô tận của không gian. Sự chuyển động của đám mây, cánh chim lại góp phần gợi ra cái yên ả, tĩnh lặng của cảnh chiều. Những cánh hoa mong manh như cảm nhận được cái se lạnh mà rụng cánh. Cảnh vật sóng đôi nhau vừa gợi vẻ buồn nhưng cũng đẹp một cách hài hòa, có duyên với nhau.

    Không chỉ là sự giao hòa giữa vạn vật "Thơ duyên" còn là sự giao hòa giữa con người với con người:

    Em bước điềm nhiên không vướng chân,

    Anh đi lững đững chẳng theo gần.

    Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu,

    Anh với em như một cặp vần.

    Anh và em sóng đôi trên con đường vắng, trong buổi thu mộng, giữa những cảnh vật đang quấn quýt, giao hòa. Trong con mắt đa tình cảu thi nhân, anh và em bỗng thành "cặp vần" trogn một bài thơ dịu.

    Thơ ca xuất hiện nhiều biểu tượng của tình yêu lứa đôi: Thuyền bến, trúc mai, hoa bướm, mận đào.. nhưng lần đầu tiên ta bắt gặp cặp biểu tượng "cặp vần". Trong một thi phẩm, vần là yếu tố tạo tính nhạc, tạo nên sự liên kết, giữ vai trò làm nên chất thơ của tác phẩm. Vần chỉ thành vần khi có đôi, có cặp. Với biểu tươgj này, Xuân Diệu đã tạo ra sự gắn bó không thể tách rời. Qua đó, thi nhân như muốn gửi gắm quan điểm mĩ học: Con người là chất thơ đẹp nhất của bài thơ, sự sống, vẻ đẹp của con người chỉ thực sự trọn vẹn trong tình yêu.

    Trong thế giới nghệ thuật chan chứa chuyện tình, giữa chàng trai và cô gái đã nảy sinh một mối duyên tương ngộ. Điều ấy khiến cho chàng trai phải ngơ ngẩn và cuối cùng mạnh dạn bày tỏ tình yêu:

    Ai hay tuy lặng bước thu êm,

    Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.

    Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

    Lòng anh thôi đã cưới lòng em.

    Từ sự hòa hợp nhịp nhàng, thi sĩ nói tới chuyện "lòng cưới lòng" - một cuộc hôn nhân bí mật giữa hai tâm hồn. Câu thơ đã thể hiện một cách kín đáo trạng thái tâm lí "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Hai chữ "thôi đã" thể hiện cái thế không thể đảo ngược của tình yêu.

    Bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu: Say đắm, nồng nàn, nhất là khi viết về tình yêu; giọng thơ không lẫn với ai ở giọng điệu dào dạt, bay bổng; ngôn từ, hình ảnh độc đáo, phép tu từ nhân hóa, so sánh, đối lập.. phát huy cao độ hiệu quả nghệ thuật của nó.

    "Thơ duyên" nằm trong số những áng thơ trong sáng, mơ mộng của Xuân Diệu thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Xuyên suốt tác phẩm là những rung động xôn xao, những xúc cảm tinh tế trước những biến chuyển đa dạng của sự sống trong thiên nhiên, trong lòng người khi thu đến. Bài thơ còn cho thấy một cách cảm thụ rất riêng của Xuân Diệu về mùa thu: Thu không phải là mùa sầu mà là mùa yêu, mùa những linh hồn yêu mến nhau.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...