Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ Yêu - Xuân Diệu - Chương trình mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Kiều Mi, 21 Tháng mười hai 2023.

  1. Lê Kiều Mi

    Bài viết:
    85
    Xuân Diệu nổi tiếng là "ông hoàng thơ tình". Những tác phẩm của ông luôn chan chứa những dòng chảy cảm xúc cuồn cuộn. Đưa con người ta tìm tới một nỗi thương yêu vô bờ bến. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua thi phẩm "Yêu" của ông.

    Đánh giá và phân tích tác phẩm Yêu của Xuân Diệu.

    [​IMG]

    Bài làm

    Đi dọc khu vườn thi ca, đã không ít lần tôi trăn trở trước nhận định của Hoài Thanh về Xuân Diệu: "Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới". Phải chăng chính bởi nhà thơ ấy mỗi khi đặt bút lên từng trang giấy đều viết nên những vần thơ mang phong cách của riêng mình? Thơ của ông không chứa đựng những "giấc mộng ngàn to lớn" như Thế Lữ, hay thể hiện khao khát thoát ly khỏi cảnh đời tẻ nhạt để "làm thằng Cuội" như Tản Đà. Xuân Diệu luôn cho người ta thấy cái chất của riêng ông, cái chất được gửi gắm vào từng con chữ trong những bài thơ do chính ông sáng tác. Ví như bài thơ "Yêu" - một bài thơ tựa bức họa thuộc trường phái lãng mạn được khoác lên những gam màu mang thương hiệu của nhà thơ Xuân Diệu. Tác phẩm đã thể hiện được trọn vẹn tiếng lòng của tác giả, và thay lời cho tất cả những người cũng đang cùng đắm mình trong tình yêu cháy bỏng ngoài kia.

    Là một tác phẩm thơ tám chữ dạng hiện đại, thuộc kho tàng tác phẩm thơ trữ tình, được in trong Tự lực văn đoàn năm 2004, "Yêu" của Xuân Diệu chất nặng nỗi niềm của một trái tim yêu đơn phương, luôn nồng nhiệt và không phút giây nào ngơi thổn thức. Một tình cảm đôi lứa đẹp đẽ nhưng cũng gây ra vô vàn nỗi đau đớn, bởi đây vốn chỉ là những rung động riêng tư được cất lên qua con chữ để giải bày cho vơi bớt chút u sầu. Tác phẩm đã ẩn đi nhân vật trữ tình, khiến những câu thơ của Xuân Diệu càng trở nên khách quan, từng câu từ không chỉ còn là lời tự sự của riêng mình tác giả hay một cá nhân nào, mà là sự bộc bạch của tất cả những người đang ôm một giấc mộng đơn phương.

    Ngay từ những câu đầu tiên trong khổ một của bài thơ, đã có một câu hỏi được đặt ra:

    "Yêu là chết ở trong lòng một ít,

    Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?"

    Hai câu thơ vừa là lời tự vấn bản thân, vừa mở ra vấn đề cho toàn bài thơ. "Chết" ở đây không phải là một sự kết thúc hay chấm hết nữa. Mà đó là sự ngất ngưởng dây dưa với cơn men say tình ái, khiến con người ta chết mê chết mệt với hương sắc quyến rũ của cánh hồng. "Chết" còn để nói lên sự tổn thương trong lòng "những người si", một nỗi tổn thương tựa con sóng trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh:

    "Dữ dội và dịu êm,

    Ồn ào và lặng lẽ."

    Có thể nhìn từ bên ngoài, nỗi đau ấy thật "dịu êm" và "lặng lẽ", nhưng chỉ những ai đã trực tiếp trải qua, đã thấu tận từng chút một mới có thể hiểu ra: Nỗi đau ấy chẳng dễ dàng chịu đựng, bởi chúng "dữ dội" biết nhường nào! Thứ tình yêu của Xuân Diệu rất riêng so với những nhà thơ khác. Nếu với Lưu Trọng Lư là một kiểu tình yêu hiền lành, dẫu "yêu hết một mùa đông" vẫn "không một lần dám nói" hay sự ngượng ngùng chỉ dám "qua cửa tò vò nhìn nhau" của Nguyễn Bính. Thì với Xuân Diệu, tình yêu trong thi ca của ông là phải:

    "Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu,

    Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết."

    Tình yêu trong thơ của Xuân Diệu là thế đấy! Sẵn sàng trao đi tất cả dẫu điều sau cùng nhận lại chẳng là chi. Hai từ "chẳng biết" đã thể hiện chút dỗi hờn, trách móc bởi sự thờ ơ của người mình thương, nhưng qua đấy cũng đã thể hiện lên được sự mãnh liệt và bướng bỉnh trong tình yêu: Dẫu biết là phía cuối cùng con đường ấy cũng sẽ chẳng ai đón đợi mình, nhưng vẫn cứ đi, đi mãi, đi mà chẳng mảy may bận tâm bản thân sẽ mỏi chân, đói khát hay cực khổ. Qua khổ thơ đầu tiên, ta đã cảm nhận được sự rối bời và nỗi buồn da diết mà tình yêu đơn phương đem lại, từng câu thơ tựa như tiếng thở dài chứa đựng biết bao phiền não, dẫu như thế thì những tình cảm mà nhân vật trữ tình nâng niu và ấp ủ trong lòng vẫn không dời đổi mà càng thêm thấm đẫm sự thương yêu qua từng ngày.

    Nối tiếp mạch cảm xúc, Xuân Diệu lại một lần nữa thể hiện cho ta thấy nhận thức và tư duy của ông về thời gian là một điều rất đỗi độc đáo và diệu kỳ.

    "Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt."

    Rõ ràng là "phút gần gũi" ấy vậy mà dường như lại đang trong "giờ chia biệt". Đây chính là sự "vội vàng" đặc trưng của Xuân Diệu, tựa như một mùa xuân năm ấy đã được ông nhắc đến:

    "Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già."

    Điểm chung của những câu thơ này đó là: Sự đối lập của hai giai đoạn trong một quá trình lại được đặt cùng nhau trong một câu thơ. Điều này đã làm nổi bật sự khao khát tột độ được với tới và nắm lấy những gì mình yêu thương. Và chính nỗi sợ mất đi đã khiến nhân vật trữ tình trong bài thơ khi đang có cũng ngỡ như đã mất, khi đang "gần gũi" cũng ngỡ như đã "chia biệt". Đây là một phép so sánh rất độc đáo mà chỉ có khi nhìn qua lăng kính của Xuân Diệu ta mới hiểu thấu được.

    "Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu"

    Ở đây, nỗi sầu của nhân vật trữ tình dường như đã được gửi gắm và lan tỏa đi trong không gian thiên nhiên đất trời, bởi thế mà cảnh vật dường như cũng có sự hữu ý. Cả "trăng", "hoa" và "hồn" trong câu thơ trên có một sự đồng điệu chính là cả ba đều mang những vẻ đẹp gây xao xuyến cho người và điểm tô thêm sắc hương cho đời, nhưng bản chất lại vốn rất mong manh. "Trăng" soi sáng cả đêm đen, chiếu rọi vào những áng thơ bất hủ, nhưng ta chỉ trông thấy trăng khi màn đêm buông xuống và trời phải quang mây. "Hoa" tỏa hương ngao ngát, nhuộm thấm cho đời bằng sắc hoa, nhưng lại chóng phai tàn. "Hồn" đa cảm, tinh tế, dâng cho cuộc sống chút rung động thương yêu, nhưng càng đa cảm và tinh tế thì tâm hồn càng dễ tổn thương. Những tính từ được sử dụng như "tàn", "tạ", "tiêu" đã lột tả triệt để tâm trạng ủ rũ và buồn bã mà Xuân Diệu muốn nói lên, muốn thét thật lớn cho người biết, đời biết.

    "Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!

    – Yêu, là chết ở trong lòng một ít."

    Người thi sĩ ấy đã sử dụng biện pháp điệp ngữ. Điệp hai câu thơ từ khổ một, nhưng về hình thức lẫn ý nghĩa đều có sự khác nhau. Đây đã không còn là một câu hỏi, một lời than thở vu vơ, mà là sự chấp nhận. Chấp nhận với hiện thực không có gì là chắc chắn trong tình yêu, đặc biệt là không "chắc được yêu". Dấu chấm than là biểu hiện cho sự biến chuyển cảm xúc, đã không còn là một câu than thở mà là một câu cảm thán, cảm thán trước "những chiếc gai" của cành hoa hồng mang tên tình yêu. Tiếp nối khổ thơ đầu tiên, khổ thơ thứ hai đã cho ta thấy một trạng thái cảm xúc khác mà nhân vật trữ tình trải qua trong mối tình đơn phương của mình, chứng tỏ vì tình yêu mà dù có phải nếm trải bao vị đắng cay, kẻ si tình ấy cũng sẵn lòng đón nhận.

    "Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,

    Những người si theo dõi dấu chân yêu;"

    Một lần nữa có thể khẳng định, từng lời thơ là tiếng lòng của tất cả những người đang mê man trong cơn say tình ái. Bởi chính cách xưng hô mà tác giả lựa chọn đã nói lên điều đó. Bài thơ có nhân vật trữ tình ẩn, không hề có những đại từ nhân xưng như "tôi", "anh", "em".. như bao bài thơ khác có cùng đề tài tình yêu đôi lứa, và trong hai câu thơ trên Xuân Diệu đã dùng những chủ ngữ là "họ", "những người si", trong đó có nhân vật trữ tình trong bài thơ, và có thể có cả ông! Trong đây, còn có một chi tiết rất thơ, rất duyên đó là hình ảnh "dấu chân yêu". Có thể hiểu đây chính là dấu chân của "bóng hình" đã khiến "những người si" "lạc lối", thể hiện rằng họ luôn dõi theo, luôn quan sát "bóng hình" ấy. Hoặc cũng có thể hiểu một cách rộng và trừu tượng hơn thì đây chính là "dấu chân" của tình yêu, thể hiện sự khao khát, kiếm tìm và mong mỏi được chạm tới tình yêu.

    "Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.

    Và tình ái là sợi dây vấn vít"

    Biện pháp điệp cấu trúc đã được tác giả sử dụng, cấu trúc "và.. là.." lặp lại đã giúp nhấn mạnh những quan điểm được đúc rút ra từ quãng hành trình yêu đơn phương có hạnh phúc, có vật vã này. Song song đó còn có biện pháp so sánh tạo nên sức gợi cho hai câu thơ. Thử tưởng tượng, một con người đơn độc, bước đi vô định giữa sa mạc, điều đọng lại cũng chỉ là những bước chân in hằn trên đụn cát, nỗi cô đơn và sự mông lung sẽ bao trùm toàn cơ thể, mà sa mạc thì sẽ có những lúc nóng đến vã cả mồ hôi, có những lúc lạnh lẽo thấu đến tận xương tủy, và những người lạc lối nơi sa mạc thì đều luôn trong trạng thái khát nước, tựa như sự thèm khát tình yêu của những kẻ si tình. Còn "tình ái" lại được ví như "sợi dây vấn vít" mà chính nhà thơ Xuân Diệu có lẽ cũng là một trong những người luôn loay hoay tìm cách tháo gỡ. Và cuối cùng, một câu thơ lại được lặp lại lần nữa:

    "Yêu, là chết ở trong lòng một ít."

    Cùng một câu được lặp lại nhiều lần, lặp ở mỗi khổ thơ, nhưng mỗi lần lặp câu thơ lại hàm chứa một ý nghĩa khác, biểu trưng cho quá trình luân chuyển dòng cảm xúc. Từ một lời than thở vu vơ, thể hiện nỗi rối rắm như tơ vò. Đến một câu cảm thán, thể hiện sự chấp nhận có chút ngậm ngùi nhưng cũng chứng minh được sức mạnh to lớn mà tình yêu đem lại. Cuối cùng, chính là một lời khẳng định, giúp nhấn mạnh về quan niệm tình yêu của nhân vật trữ tình. Để kết lại mạch tư tưởng, tình cảm cho bài, khổ thơ cuối cùng đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh, điệp ngữ nhầm nhấn mạnh về những trải nghiệm và giá trị trong tình yêu, là những lời tâm sự từ nơi sâu thẳm nhất trong lòng những người khao khát yêu và được yêu.

    "Yêu, là chết ở trong lòng một ít" - nhưng đây không phải là khái niệm chung và đúng nhất về tình yêu, bởi vốn tình yêu mỗi người là mỗi vẻ, Xuân Diệu cũng đã từng khẳng định "làm sao cắt nghĩa được tình yêu?". Nhưng cũng chính "kẻ uống tình yêu giập cả môi" ấy là người đã cho ta hiểu thế nào là tình yêu. "Yêu" đã thể hiện được khuynh hướng lãng mạn, thẩm mỹ hóa cuộc sống rối ren nửa thực dân, nửa phong kiếm lúc bấy giờ - một đặc điểm nổi bật trong phong trào Thơ mới. Nhưng cái hay của bài thơ là nó không khiến người ta xa rời thực tế, chìm đắm vào cõi hư ảo mà từng con chữ càng như lôi kéo người ta về với thực tại, bởi phong cách của Xuân Diệu là như thế, là cái mê luyến cuộc đời, hiện thực hóa bản thân mình vào thế giới, khẳng định và trân trọng sự sống.

    Tình yêu là một bản nhạc hòa tấu có thăng có trầm, ai đã trải qua mọi cung bậc trong bản hòa tấu ấy mới thực sự là đang đắm mình vào tình yêu. Xuân Diệu đã làm được điều đó, ông gửi những cảm xúc ấy vào từng câu thơ trong bài thơ "yêu", và khi đến tay bạn đọc chúng trở thành những giá trị trường tồn, những "tiếng vang dội" rất "đa cảm, tinh tế". Chính vì đã len lỏi được vào những tầng cảm xúc sâu nhất trong tâm hồn con người khi yêu, do đó, thi phẩm ấy tựa như chiếc gương soi, khiến những con người đồng cảm khi nhìn vào đó như đang chiêm nghiệm lại chính con đường mình đã đi. Và rồi khi xếp lại trang thơ, người ta đã phải gật gù: "Yêu, là chết ở trong lòng một ít!"
     
    Chì ĐenDương2301 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng mười hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...