Viết bài văn đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ Bàn tay em - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nguyenthiphuongthao, 21 Tháng một 2024.

  1. nguyenthiphuongthao A Thảo

    Bài viết:
    25
    Bàn tay em

    "Bàn tay em ngón chẳng thon dài

    Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả

    Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ

    Hái rau rền rau rệu nấu canh

    Tập vá may, tết tóc một mình

    Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

    Đường tít tắp, không gian như bể

    Anh chờ em cho em vịn bàn tay

    Trong tay anh, tay của em đây

    Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ

    Trời mưa lạnh tay em khép cửa

    Em phơi mền vá áo cho anh

    Tay cắm hoa, tay để treo tranh

    Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc

    Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc

    Tay em dừng trên vầng trán lo âu

    Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau

    Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả

    Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ

    Lấy thời gian đan thành áo mong chờ

    Lấy thời gian em viết những dòng thơ

    Để thấy được chúng mình không cách trở..

    Bàn tay em, gia tài bé nhỏ

    Em trao anh cùng với cuộc đời em"

    [​IMG]


    Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: Điều gì khiến mỗi tác phẩm mang hình hài một chiếc lá, thả mình theo dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kì hấp dẫn? Một vần thơ sâu thẳm tự tâm hồn? Văn học bật ra từ những cơn mê tỉnh của người nghệ sĩ, từ cõi lòng tinh tế đến nhạy cảm, mong manh để rồi nhìn thấu nỗi đau thực tại, để rồi một đời trăn trở, một đời băn khoăn. Văn học vốn dĩ nặng nợ thế gian, cũng như nỗi niềm muôn đời của người nghệ sĩ đối với văn chương, để rồi từ đó Xuân Quỳnh cất lên những vần thơ say đắm lòng người trong "Bàn tay em". Bài thơ đã nói lên nỗi lòng, khát vọng hạnh phúc tình yêu của thi sĩ Xuân Quỳnh.

    Xuân Quỳnh là một cây bút tài hoa của thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, một người phụ nữ sinh vào cái năm tháng loạn lạc. Nếu Nguyễn Tuân sống theo chủ nghĩa "xê dịch" rong ruổi cả một đời để đi tìm cái đẹp thì Xuân Quỳnh lại suốt đời đi tìm kiếm và vun trồng tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên vừa tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.

    Đề tài tình yêu vốn là mảnh vườn màu mỡ và nhà thơ ký thác, nó không mới nhưng đến với Xuân Quỳnh, phong cách thơ của bà như một luồng gió mới trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

    Liệu rằng, trong thơ tình yêu Việt Nam, hình tượng luôn gắn liền với cảm xúc của nhân vật trữ tình? Nếu ở "Sóng" của Xuân Quỳnh, "sóng" là một biểu tượng, một khát khao cháy bỏng của bà về tình yêu thì ở đây, ta bắt gặp một hình tượng "bàn tay" cũng chẳng hề thua kém:


    "Bàn tay em ngón chẳng thon dài

    Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả

    Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ

    Hái rau rền rau rệu nấu canh

    Tập vá may, tết tóc một mình

    Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ"


    Lời thơ cứ thế đưa đẩy và những sự vất vả, nhọc nhằn của tuổi thơ nhân vật "em" cứ thế hiện lên. Ở bức tranh ấy có đôi bàn tay e lam lũ, tần tảo "vết chai cũ"; "đường gân xanh". Phải chăng, "em" đã có một tuổi thơ vất vả? Nếu trong văn học Việt Nam, bàn tay tần tảo, chắt chiu gắn liền với bóng dáng của người mẹ: "Bàn tay mẹ quạt, mẹ đưa gió về" ( "Mẹ" -Trần Quốc Minh) thì bàn tay của em yêu ở đây cũng vậy. Đó cũng là bàn tay của sự hy sinh, yêu thương đối với người mình yêu. Liệu rằng, mở đầu bài thơ kể về nỗi vất vả của tuổi thơ "em" là tiền đề tình yêu của "em" dành cho "anh"? Em tuy phải sống trong cảnh "tập vá may, tết tóc một mình" nhưng "bàn tay em"... "

    Em trao anh cùng với cuộc đời em". Nếu mở đầu, nữ thi sĩ sử dụng nghệ thuật liệt kê hàng loạt về sự khó nhọc của tuổi thơ em thì ở hai câu thơ cuối, thi sĩ đã sử dụng nghệ thuật so sánh ví von. Không chỉ tăng tính gợi hình, gợi cảm mà qua đó như tiếng lòng của Xuân Quỳnh gửi vào trong thơ: Bàn tay em đã phải trải qua bao cực nhọc tuổi thơ, nó chỉ là "một gia tài bé nhỏ" nhưng em sẵn sàng "trao anh". Tình yêu là sự chân thành, là sự hy sinh, tin tưởng lẫn nhau. Và dường như em đã trao tất cả điều ấy cho anh.

    Tình yêu là vị ngọt của cuộc sống, là gia vị cũng như là phép thử: "Nếu yêu anh là một sai lầm thì em sẵn sàng dùng cả tuổi trẻ để trả những sai lầm ấy" (chúng ta của 8 năm sau). Rõ ràng tình yêu trong thi sĩ Xuân Quỳnh không có giới hạn, ta cũng bắt gặp được tiếng lòng của tình yêu một lần nữa trong thơ:

    "Thời gian như gió thoảng qua

    Tình yêu là cánh đồng hoa giữa trời

    Tay ta nắm lấy tay người

    Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua." ( "Hát ru" -Xuân Quỳnh)

    Nối tiếp dòng chảy cảm xúc ấy, những hành động tảo tần, chăm chút yêu thương của "em" dành cho "anh" cứ thế hiện lên:


    "Trời mưa lạnh tay em khép cửa

    Em phơi mền vá áo cho anh

    Tay cắm hoa, tay để treo tranh

    Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc"


    Tố Hữu từng nói: "Thơ chỉ bật ra khi trong tim tràn đầy cảm xúc". Người "phu chữ" ấy đã nói ra hết tiếng lòng của mình ra hay cũng là nói hộ tình yêu cho những đôi lứa. Tình yêu là không có khoảng cách, giới hạn, sự phân biệt. Em vì anh mà "lạnh tay khép cửa"; "vá áo cho anh" -một tình yêu thật đẹp cũng như biết bao tình yêu khác trong văn học:

    "Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông

    Không lấy nhau được thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già" (Tiễn dặn người yêu)

    "Thơ hay cũng giống như một sự ghép nối với những phần rung động trong bản thể của chúng ta" Phải chăng, thơ Xuân Quỳnh đã chạm đến cảm xúc tâm khảm của chúng ta? Thi sĩ đã khéo léo sử dụng thể thơ tự do-một thể thơ phá luật, thoải mái nhưng không vì thế mà thơ bà rời rạc. Ngược lại, nó lại chạm đến cảm xúc của độc giả. Sử dụng biện pháp nghệ thuật liệt kê kết hợp với so sánh.. Xuân Quỳnh đã diễn tả được tâm trạng, tiếng lòng của mình về khát vọng tình yêu giản dị, nồng thắm. Giọng điệu, ngôn ngữ thơ bà vô cùng êm dịu, nhẹ nhàng rót mật vào tai độc giả. Không quá khi nói rằng, "Bàn tay em" nói riêng và những bài thơ về đề tài tình yêu khác của bà là một "hồn thơ chín đỏ". Đặc biệt hệ thống hình ảnh phong phú, biểu tượng "bàn tay em" được bà tập trung khai thác đã làm nên một phong cách thơ rất riêng của Xuân Quỳnh.

    "Làm thơ là cân một nghìn mi-li-gram quặng chữ". Thơ của Xuân Quỳnh về tình yêu luôn giản dị, đằm thắm nhưng lại luôn tự nhiên đi vào lòng người đọc-để rồi mỗi độc giả như được sống lại với tình yêu tuổi trẻ một lần nữa. "Bàn tay em" của thi sĩ Xuân Quỳnh là một bài thơ như thế: Hồn thơ về một khát khao hạnh phúc, giản dị đời thường nhưng cũng rất đỗi mộc mạc..
     
    Thùy Minh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...