Kinh Dị Dòng Họ Bị Nguyền Rủa - Hồi Ức

Thảo luận trong 'Truyện Của Tôi' bắt đầu bởi Hồi Ức second, 16 Tháng hai 2022.

  1. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Tên Truyện: Dòng Họ Bị Nguyền Rủa

    Tác Giả: Hồi Ức

    Thể Loại: Truyện Tâm Linh

    [​IMG]

    Văn Án:

    Dòng họ Trịnh ở Trấn Sơn Tây đã nhiều đời phải chịu một lời nguyền: Không người đàn ông nào có thể sống qua tuổi năm mươi. Điều này đã trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với những người con sinh ra trong dòng họ. Họ luôn khát khao tìm hiểu nguyên cớ và thay đổi vận mệnh. Vậy sự thật về lời nguyền đó là gì? Liệu có một phép màu nào có thể giúp họ phá giải lời nguyền hay không? Mời các bạn đón đọc trong những chương truyện tới đây của "Dòng Họ Bị Nguyền Rủa"


    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Hồi Ức
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng mười hai 2022
  2. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 1: Mừng Thọ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ai đi qua thôn Bố Hạ, Xã Sơn Đông, Phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây đều nghe danh một dòng họ mà không biết đã qua bao nhiêu đời phải chịu lời nguyền chết trẻ. Ấy là dòng họ Trịnh.

    Nói là chết trẻ thì cũng chưa hẳn, mà cũng không phải ai sinh ra ở họ ấy đều như thế, bởi một lẽ, lời nguyền chỉ nhắm vào đàn ông, những người đàn ông của họ Trịnh trong thôn Bố Hạ thọ nhất cũng chỉ đến năm mươi, chưa một ai qua được cái sinh thần năm mốt. Ấy đã được coi là tốt số lắm rồi. Bởi cho nên, hễ ai bước sang tuổi bốn chín đều xác định sẵn tư tưởng và chuẩn bị mọi thứ để lo hậu sự từ rất sớm.

    Kể đến đây sẽ có nhiều người cho rằng đất đai, phong thủy của họ Trịnh có vấn đề, hay mồ mả các cụ chôn ở thế đất xấu, động đến long mạch này khác chăng? Hoặc giả như con cháu họ Trịnh đi nơi khác sinh sống liệu có thoát được lời nguyền? Tất cả những lí lẽ trên đều được họ Trịnh đem ra mà đào sâu nghiên cứu và tất nhiên là có sự xem xét tỉ mỉ cũng như góp ý sâu sắc của các bậc thầy phong thủy. Ấy nhưng chết trẻ vẫn hoàn chết trẻ. Con cháu đi tha hương ở nơi khác cũng không tránh khỏi lời nguyền.

    "Lời nguyền" chỉ là một cách gọi của thôn dân đối với hiện tượng kì lạ xảy ra trong dòng họ Trịnh mà thôi, chứ thực chất căn nguyên vấn đề nằm ở đâu thì không ai lí giải được. Cả họ chỉ còn biết sống chung với lũ, chấp nhận số phận đã định sẵn. Tuy nhiên có một điều đáng nói, là dù cho đàn ông chết trẻ, nhưng con cháu trong họ lại được lộc làm ăn, từ anh nông dân cho đến người lái buôn, từ ở quê ra đến kinh thành, phàm là xuất thân họ Trịnh trong thôn Bố Hạ, Trấn Sơn Tây thì đều khấm khá, phát đạt cả. Có lẽ nhờ điều đó mà họ Trịnh chưa tuyệt tự, chứ nếu không sẽ chẳng có cô gái nào dám gả cho họ ấy.

    Không tính những gia đình rời làng đi nơi khác sinh sống, đếm qua loa trong họ Trịnh thôn Bố Hạ, hiện tại cũng có ba bốn cái đầu đã chuẩn bị bước sang tuổi năm mươi. Một trong số đó là ông Bổng- Trưởng họ.

    * * *

    Trong căn nhà ba gian rộng rãi của nhà ông Bổng lúc này dập rìu kẻ ra người vào tấp nập, tiếng quát tháo, tiếng la ó, tiếng dao thớt băm chặt, tiếng gọi nhau í ới cứ gọi là rộn ràng như đám cưới, chính thức là hôm nay ông Bổng sẽ làm một cái sinh thần sớm, bởi ông sợ làm đúng ngày thì không kịp. Đã khối nhà trong họ, sinh thần lại trùng với đám tang đấy thôi.

    Trái với cái khung cảnh nhộn nhịp ngoài sân, ở trong nhà, bà Bổng đang ngồi thu lu một xó khóc lóc sụt sùi. Chưa kể, giữa nhà còn kê lù lù một cái quan tài gỗ lim vừa đen vừa bóng, trạm trổ tinh xảo, vô cùng bắt mắt. Bên cạnh là phường bát âm đợi sẵn, chờ gia chủ có lệnh là tấu lên những khúc bi ai, thống khổ. Ông Bổng ngồi giữa sập, tay cầm ống điếu, hai mắt lim dim như chìm đắm mọi trí lực vào làn khói thuốc lào mờ ảo, diệu kì. Chốc chốc ông lại với tay sang cái đĩa dồi chó ở bên cạnh, bỏ một miếng vào mồm rồi ngâm nga:

    "Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó

    Lúc xuống âm phủ biết có hay không"

    Cứ mỗi một lần bốc dồi là một lần ngâm, đều như nhịp phách. Còn bà Bổng cứ sau mỗi lần ông Bổng kết thúc tiếng ngâm thì bà lại hờ lên rõ lớn. Tiếng hờ cũng nhịp nhàng như phụ họa với tiếng rít ông điếu và tiếng đọc thơ của chồng, lúc lên lúc xuống, lúc trầm lúc bổng, não nề thê lương..

    Nếu là người từ nơi xa đến chắc chắn sẽ tưởng rằng nhà ông Bổng đích thị là có đám tang, chứ chẳng có lí ở đâu tổ chức sinh thần mà lại mang cả phường bát âm về nhà, nghe có vô lí hay không? Vô lí nhưng lại là sự thật. Cái này gọi là trong vui có buồn, trong buồn có vui, chỉ là buồn nhiều hơn hay vui nhiều hơn mà thôi.. bởi tròn hai tháng nữa chính là ngày ông Bổng tròn năm mươi tuổi, trong họ gọi là thượng thọ.

    Nghĩ cũng thật là nực cười, người ta thượng thọ lúc tám chục, một trăm, riêng ở cái họ Trịnh Văn này thì năm mươi đã được coi là thượng thọ. Không sống được đến năm mốt thì còn đợi cái gì mà không làm lễ mừng thọ thật to.

    Đang lúc bà Bổng cao trào thì nghe thấy một tiếng đập phản rất lớn rồi tiếng ông Bổng hô lớn:

    - Chúng mày đâu, thêm đĩa dồi nữa vào đây, nửa luộc, nửa rán nhớ.

    Đám con cháu dạ lên một tiếng rõ to rồi một thằng tất tả bê đĩa dồi chó vào đặt ngay ngắn trên sập thay cho cái đĩa đã hết nhẵn. Bà Bổng lại khóc nỉ non:

    - Ông ơi.. ông còn thèm gì nữa không ông? Để tôi bảo chúng nó mang lên ông ơi..

    Ông Bổng rưng rưng:

    - Thôi thôi.. bấy nhiêu đủ rồi. Bà sang đây mồi lửa vào cái điếu cày cho tôi.

    Bà Bổng sụt sùi, nước mắt chứa chan:

    - Còn nước còn tát, tôi đã cho thằng Tần, thằng Tảo đi tìm thầy cao tay, nhất định là phải tìm được, ông đừng bỏ hi vọng.

    Ông Bổng thở dài:

    - Nếu mà giải được, thì bao năm nay đã giải được rồi. Cô đồng bà cốt, pháp sư cho đến thầy phong thủy còn thiếu ai nữa đâu. Thôi, còn hai tháng nữa là tôi về với tổ tiên, chỉ mong được yên vui nhàn tản những ngày cuối đời.

    Lại nói về những cái chết trong họ Trịnh, ngoài một số trường hợp chết đò giang sông nước, hoặc lên rừng bị tai nạn, hoặc chết vì bệnh tật, còn lại đều chết bất đắc kì tử không rõ nguyên nhân. Có cái chết rất thương tâm, nhưng cũng có cái chết rất nhẹ nhàng êm ả. Ví như cụ thân sinh ra ông Bổng, nếu còn sống thì năm nay cũng đã ngoài bảy mươi. Cụ mất sau khi đi làm đồng về, ăn uống xong xuôi lên giường đi nghỉ thế là nhắm mắt xuôi tay ra đi mãi mãi, ban đầu người nhà còn tưởng là cụ đang ngủ, tới khi mãi mà không thấy tỉnh, con cả là ông Bổng lúc ấy mới đưa tay lên mũi thử thì thấy cụ không còn thở nữa, bấy giờ cả nhà mới biết là cụ mất.

    Lại có người chú họ của ông Bổng chết năm bốn mươi chín tuổi, lúc sống vô cùng khỏe mạnh, sức lực có thể nói là bằng năm bằng mười người khác, chẳng thế mà sinh thời ông có tới tận năm bà vợ, bà nào cũng trẻ trung phơi phới, ông thường khoe rằng mỗi tối ông đều cho hai bà nằm cạnh. Một bà đấm lưng xoa bóp, một bà mớm rượu, bón đồ ăn. Các bà nhà ông chú này cứ gọi là đẻ như gà, bà này chưa kịp đẻ thì bà kia đã chửa. Con cái nhiều không đếm xuể. Năm ấy ông chú bốn mươi chín tuổi, cho rằng chỉ còn một năm nữa là đến hạn mới tự tung tự tác, ăn chơi sa đọa, có đêm gọi cả năm bà vào mà hưởng lạc. Đó cũng là đêm định mệnh, bởi sau khi làm cả năm bà thỏa mãn thì ông cũng nhắm mắt ra đi. Người ta gọi là chết trong sung sướng.

    Nhưng chết như thế thì cũng không có gì đáng nói lắm, năm trước một người em họ của ông Bổng mới bốn bảy tuổi, một đêm mưa gió bão bùng, không hiểu vì đâu mà đầu trần chân đất ra mộ tổ quỳ ở đó suốt một đêm, sáng hôm sau người làng đi qua thấy ông ta ở đó chết cứng từ bao giờ, máu mồm máu mũi chảy ra bê bết vô cùng quái dị. Lại có người khác uống rượu say, tự xẻo thịt mình đem cho chó ăn, cuối cùng mất máu mà chết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng hai 2022
  3. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 2: Điềm Báo

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ông Bổng ngồi trên sập đã ăn tới đĩa dồi thứ tư, nhắm chừng không thể ăn thêm được nữa mới cất giọng khàn khàn của một người hút nhiều thuốc lào:

    - Bà nó đâu.. đem cái ống nhổ qua đây để tôi móc họng.

    Bà Bổng vâng một tiếng rồi chậm dãi bưng tới trước mặt chồng:

    - Ống đây ông ơi.

    Ông Bổng thò tay vào trong họng, ợ lên một tiếng thật lớn, bao nhiêu dồi chó lúc nãy ăn vào đã thành một đống bầy nhầy bây giờ lại được đưa hết ra ngoài theo đường thực quản. Bà Bổng vỗ lưng cho chồng, chốc chốc lại đưa khăn lên mũi để ngăn cái mùi chua loét của dịch vị dạ dày.

    - Thằng Xiên, mang cái ống đi đổ đi con.

    Bà gọi cho thằng con út, giục nó vào hầu cha. Cứ thế việc ăn, uống, hút thuốc, móc họng cứ tuần tự lặp đi lặp lại cho đến chính ngọ, khi cỗ bàn đã bày biện tinh tươm, mọi người ngồi yên vị chuẩn bị cho việc chúc thọ ông Bổng, bấy giờ, thằng Tượng - con trai cả của ông Bổng mới đứng dậy thưa trước họ:

    - Thưa các vị bô lão, thưa các ông bà, thưa cô dì chú bác, thưa các cậu mợ.. hôm nay cha cháu sắp bước sang tuổi năm mươi, chúng cháu làm cái lễ sinh thần cho cha. Sự có mặt đông đủ của mọi người chính là niềm vinh dự của gia đình. Có câu: Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Cha mẹ như mặt trời luôn sáng soi cho chúng con những nẻo đường tươi thắm, cao vời nghĩa ơn cha mẹ, chúng con muôn đời khắc ghi. Cha là ngọn núi thái sơn che trở cho đời chúng con, nuôi nấng chúng con nên người.. từ trong tim, chúng con muôn lời thành kính, xin được dâng lên cha trong buổi sum vầy..

    Người bên trên cứ phát biểu, người bên dưới cứ chén cạn chén đầy, trong lúc thằng Tượng còn đang nói thì những tiếng sụt sùi của đám phụ nữ đã bắt đầu nỉ non, không khí chẳng khác nào đưa đám. Lần lượt những món quà được đưa lên "chúc mừng", à không, phải nói là quà chia buồn với ông Bổng, nào là tranh thư pháp, nào là rượu ngon thượng hạng, nào là nhân sâm, nào là đá quý, gấm vóc lụa là chất đầy một sập, tới nỗi ông Bổng phải ra chỗ khác để ngồi, không ngừng ho lên những tiếng ngượng ngùng thay cho lời cảm ơn.

    Tiệc tàn, ông Bổng lệnh cho con cháu ra hết bên ngoài để ông nghỉ ngơi, ông bảo vợ dìu mình vào áo quan rồi nằm ngay ngắn trong đó, nhắm mắt lim dim, ông nói:

    - Phải nằm trước cho nó quen đi, mai này không phải bỡ ngỡ.

    Ngưng một chút ông lại dặn:

    - Hễ tôi đi rồi, bà đừng có bỏ thứ gì quý giá vào hòm mà phí đi, những thứ hôm nay họ tặng thì cất cho kĩ, hễ nhà nào trong họ đến lượt thì đem mà trả lại.

    Bà Bổng vừa khóc vừa vâng dạ. Dù thấy trong người còn rất khỏe nhưng ông Bổng cứ như thể là mình đã trăm tuổi rồi, giọng nói yếu ớt, hơi thở nặng nề. Có thế nào đi chăng nữa con người ta vẫn là ham sống, trước cái chết đã định sẵn ngoài mặt là chấp nhận, bên trong là hi vọng, khát khao thay đổi số phận.

    - Thằng Tần, thằng Tảo đã về chưa?

    - Chưa ông ạ.

    Ông Bổng thở dài. Phất tay bảo vợ đóng hờ nắp áo quan để ông được yên tĩnh. Đoạn ông nhắm mắt, thấy mình như tỉnh như mơ đứng trước hiên nhà, ngoài cổng có tiếng gọi khe khẽ, ông Bổng chạy ra thấy một người đàn bà đang đau đẻ, người này nắm lấy tay ông cầu xin cứu mạng. Ông Bổng quýnh quáng hô gọi rất lớn để người nhà ra ứng cứu, nhưng tuyệt nhiên chẳng có một ai. Người đàn bà lúc này trong cơn trở dạ, quá đau đớn bấu chặt lấy cánh tay ông rồi dặn một hơi, chợt tiếng oe oe khóc cất lên lanh lảnh, ông Bổng chạy vào nhà lấy dao bổ cau, tự tay cắt rốn cho đứa trẻ rồi cởi áo làm tã, đó là một đứa bé gái. Ông Bổng còn chưa kịp nói gì thì người phụ nữ bỗng nhiên biến mất, trên không trung vang vọng tiếng cười khanh khách cùng giọng nói ma quái:

    - Ông để tuổi cho đứa bé nhé.. hai tháng nữa sẽ có người đến rước ông đi.

    Ông Bổng giật mình tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa, ông tự tay mở nắp áo quan rồi gọi rối rít:

    - Bà nó đâu.. bà nó

    Bà Bổng nãy giờ vẫn túc trực bên quan tài nào dám đi đâu, thấy chồng hô gọi thì hốt hoảng lắm:

    - Ông nó làm sao thế? Tôi đây.

    Ông Bổng vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt nói không ra hơi:

    - Có người.. có người về báo mộng..

    - Ai? Ai báo mộng? Mà mộng gì?

    Ông Bổng chưa kịp trả lời vợ, ông nhìn xuống cánh tay mình, vết xước của năm đầu ngón tay vẫn còn nguyên vẹn, như vậy là thật chứ không phải mơ. Hai tháng nữa ông sẽ chết. Ông Bổng lại thất thần nằm xuống, tự mình đóng nắp áo quan trước sự ngỡ ngàng khó hiểu và lo âu của vợ.

    Bà Bổng chậm nước mắt, khẽ khàng đứng dậy châm ba nén hương thắp lên ban thờ gia tiên, ba nén hương thắp lên ban thờ quan âm bồ tát rồi lầm rầm khấn vái: Con lạy bốn phương trời con lạy mười phương phật, con lậy quan thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn, con lậy các vị tổ tông linh thiêng trên cao, xin hãy về đây phù hộ độ trì cho dòng họ con qua cơn hoạn nạn.. xin hãy soi đường chỉ lối cho người trần mắt thịt như chúng con đây để chúng con biết mình phạm lỗi gì mà bị chừng phạt nặng nề như thế này?
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng hai 2022
  4. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 3: Cao Nhân

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà Bổng khóc mờ cả mắt, trong gian phòng khói hương bỗng tỏa ra nghi ngút bao vây lấy bà như là sương sớm mùa thu. Đột nhiên bà nghe thấy tiếng chó cắn ở ngoài sân mãi mà không ngừng nghỉ, bà gọi con cái ra xem nhưng cũng chẳng có đứa nào đáp lời, lúc bấy giờ bà mới lò dò ra cửa, chỉ thấy một màn trắng đục, một đứa bé ăn xin mặc bộ quần áo rách bươm, một tay chống gậy, một tay cầm bát lê bước tới trước mặt bà mà cất giọng vật nài:

    - Bà cho con xin bát cháo, con đói quá..

    Bà Bổng nhìn bao quát đứa trẻ, trông nó rất quen nhưng nhất thời chưa thể nghĩ ra được là đã từng gặp ở đâu. Khuôn mặt nó hơi lem luốc bẩn thỉu ấy vậy mà coi bộ lại thông minh, đĩnh ngộ, nhất là cặp mắt rất sáng, ở khóe mắt còn có một nốt ruồi son. Đứa trẻ thấy bà Bổng nhìn mình trân trối thì thều thào nhắc lại câu nói khi nãy:

    - Nhà còn cơm nguội bà cho con xin..

    Bà Bổng giật mình ậm ờ:

    - Ờ.. còn.. mày ở đâu tới đây mà bé thế này đã đi xin ăn.

    Hỏi như vậy thôi chứ bà Bổng vẫn vào trong bếp lấy đồ ăn ra cho đứa trẻ. Nhà vừa có cỗ, thức ăn ênh hềnh, thằng bé này may mắn thật. Bà Bổng nghĩ vậy khi đưa bát cơm đầy ắp thịt thà cho nó. Thằng bé chừng rất đói, ngồi chồm hỗm ngay dưới bậc thềm và lấy và để. Ăn xong nó lấy đũa quệt ngang miệng rồi tự động ra bể rửa bát, xong đâu đấy mới trả lại cho gia chủ, đoạn nó chắp tay xá ba xá nói lời cảm ơn rồi bảo với bà Bổng:

    - Sáng ngày mai vào giờ dần, bà ra đầu làng, thấy có ba người một già hai trẻ thì lập tức đón về nhà, người ta sẽ giúp được nhà bà qua hồi tao đoạn.

    Đứa bé ăn xin vừa nói xong thì liền biến mất. Bà Bổng dụi mắt một lúc chỉ thấy xung quanh là sương mờ bao phủ. Bỗng lại nghe tiếng chồng gọi lớn mới giật mình ngẩng đầu rồi nhận ra là vừa nằm mơ. Kì thực nãy giờ bà chưa hề ra khỏi nhà mà chỉ ngủ gục trên ván quan tài mà thôi. Ông Bổng lúc này đã ngồi dậy, kêu khát nước. Bà Bổng run rẩy bưng chén nước tới, vừa phe phẩy cái quạt vừa tỉ tê:

    - Vừa rồi tôi nằm mơ ông nó ạ.

    Ông Bổng dường như không mấy quan tâm lời vợ, bà Bổng lại tiếp:

    - Tôi thấy một đứa bé ăn mày tới trước cửa nhà mình xin cơm, quần áo nó rách rưới, nhưng mặt mũi khôi ngô lắm. Tôi nhìn nó rất quen mà không thể nghĩ ra được là đã gặp nó ở đâu. Nhưng điều quan trọng nhất là nó nói với tôi, ngày mai giờ dần ra đầu làng tất gặp cao nhân. Họ sẽ giúp được cho ông, ông nó ạ.

    Ông Bổng nghe lời vợ thì bán tín bán nghi, có chăng bà Bổng vì lo cho chồng quá nên sinh ra ảo tưởng hay không? Nghĩ vậy ông Bổng nói:

    - Bà mơ như vậy thật hả?

    - Vâng, tôi đích thị là mơ như thế, mà không hẳn là mơ đâu..

    Bà Bổng bỗng nhìn lên nắp áo quan mà kêu lên như kiến cắn:

    - Ối dồi ôi, đây này.. ông xem đi này.. cái bát ăn cơm cùng đôi đũa tôi đưa cho nó vẫn còn nguyên đây này. Thôi đúng là thần phật hiển linh rồi.. nam mô a di đà phật.. nam mô a di đà phật.

    Bà Bổng đứng dậy quay tứ phía mà vái lấy vái để. Ông Bổng cũng trầm ngâm, lúc ở trong quan tài ông cũng đã mơ, giấc mơ ấy để lại dấu vết trân thật trên da thịt ông là năm đầu ngón tay của người đàn bà đẻ rơi, bây giờ vợ ông lại mơ thấy có người chỉ điểm cho nhà ông gặp được cao nhân giải lời nguyền, có lẽ nào mạng ông chưa tận?

    - Thế đứa bé ấy mặt mũi ra sao?

    - Mặt vuông vức chữ điền, mắt sáng, nhất là khóe mắt còn có nốt ruồi đỏ..

    - Trên tay nó còn có vết bớt màu xanh đúng không?

    - Đúng vậy, sao ông biết?

    - Trời ơi..

    Ông Bổng vuốt mặt cho tỉnh cơn sửng sốt rồi ông lắp bắp:

    - Thằng út.. thằng út em tôi nó hiển linh bà ơi.. mau, mau đỡ tôi ra ngoài, để tôi thắp hương cho gia tiên.

    "Thằng út" mà ông Bổng vừa nhắc đến chính là em ruột của ông, chết đuối năm mười hai tuổi, khi nó mất, bà Bổng mới về làm dâu nhà này ít ngày, chẳng trách bà chỉ thấy quen chứ không nhận ra cũng phải.

    Từ lúc nghe vợ thuật lại giấc mơ thì ông Bổng thấy phấn trấn hẳn lên, hi vọng lại tràn chề như lúc mới mười tám, hai mươi. Ông lệnh cho vợ và hai đứa con là thằng cả và thằng út đang ở nhà sắp ngay một mâm cơm để ông cúng các cụ cùng bà cô ông mãnh.

    Đêm ấy cả nhà thấp thỏm không yên chờ trời sáng. Thằng Tượng động viên:

    - Thầy u chợp mắt đi một chút, từ giờ tới sáng mai còn lâu lắm, nhỡ đến lúc ấy lại ngủ quên qua mất giờ lành thì uổng.

    Ông bà Bổng cho là phải nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Bà Bổng nói:

    - Lần này hi vọng nhà ta tìm được cao nhân, chứ không..

    Đoạn bà lại cúi mặt rơm rớm nước mắt:

    - Ông mà đi rồi tôi biết sống sao.

    Ông Bổng bấy giờ trong lòng có chút vui vẻ liền mắng:

    - Gớm nữa, mấy bà thím trong họ, lúc các chú tôi chưa chết cũng nói y hệt như bà, thế mà các ông ấy nằm xuống bao nhiêu năm rồi vẫn thấy các bà ấy sống vui sống khỏe, sống phơi phới.. có thấy bà nào héo hon gầy mòn đâu.

    Ông Bổng nói thế quả cũng không sai, tuy các cụ ông hưởng dương ngắn, nhưng bù lại các cụ bà thì lại rất thọ, có cụ năm nay đã gần một trăm mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lắm.
     
  5. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 4: Gặp Gỡ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thằng Tượng khuyên cha mẹ thế thôi chứ thực chất nó còn lo lắng gấp bội, không đợi cho trời sáng nó đã ra gốc cây đa đầu làng mà đứng đợi. Chuyện phá lời nguyền chẳng của riêng ông Bổng hay nhà nó mà liên quan tới an nguy của cả họ.

    Chưa tới giờ dần nó đã thấy bà Bổng tất tả đi tới, dáng vẻ sốt ruột, bất an.

    - Mẹ cũng tới đây sao?

    - Ừ, chú út con nói là mẹ ra đây vào giờ dần sẽ đón được người. Mẹ sợ nếu mẹ không ra thì không gặp được họ.

    Thằng Tượng gật đầu cho là phải, vì vậy hai mẹ con cứ thấp thỏm ngóng mãi về phía con lộ trước mặt. Giờ dần đã tới, người qua kẻ lại đã tấp nập lắm rồi nhưng hầu hết là những người ra khỏi làng từ các bà đi chợ cho đến những người lùa trâu ra đồng, cũng có những người vào làng nhưng đều là người quen. Họ nhìn thấy mẹ con bà Bổng thì gật đầu chào:

    - Hai mẹ con làm gì ở đây sớm vậy?

    Đáp lại những lời chào hỏi đó, bà Bổng và thằng Tượng chỉ cười trừ. Quá sốt ruột, thằng Tượng bèn đi lên trước, vừa đi vừa đá mấy hòn sỏi ven đường. Bỗng "bốp".

    - Ui da.. cái anh kia.. tôi làm gì anh mà anh ném sỏi vào tôi thế hả?

    Tượng nhìn lên thì thấy một thanh niên đang ngồi xổm ôm đầu la bai bải, thật không ngờ, vì quá bồn chồn mà Tượng vô tình đá văng sỏi vào người qua đường. Cậu ta liền chạy tới rối rít xin lỗi:

    - Ôi, xin lỗi anh, tôi không cố ý đâu..

    - Không cố ý chỉ cố tình thôi đúng không? Anh xem đầu tôi trấn thương tới nơi rồi.

    - Làm gì có, chỉ là một viên sỏi, sao làm anh bạn trấn thương được chứ?

    - Không trấn thương cũng u một cục.. chúng ta tới thầy lang để ông ấy khám, nếu tôi không sao thì anh có thể đi. Còn nếu làm sao thì anh phải đền.

    Tượng thấy người thanh niên này làm quá, sợ rằng đang giở trò ăn vạ thì bực mình đáp lại:

    - Này, đàn ông đàn ang sao phải ăn vạ như đàn bà thế? Nói thật với anh hôm nay tôi có việc quan trọng nhất định phải ở đây, nếu không tôi đi với anh cả ngày cũng được. Thôi thì coi như tôi sai, tôi đền anh mười quan tiền để anh đi khám đại phu.

    Nói đoạn, Tượng rút trong túi gấm ra mười quan đưa cho anh chàng nọ, nhưng anh ta nhất mực giẫy lên đành đạch:

    - Anh đừng có coi thường người khác, tôi không cần mười quan của anh, nói cho anh biết, sư phụ của tôi cũng là một lang y giỏi, đợi ông ấy tới đây, nếu khám ra cớ sự gì, anh có trăm quan tiền cũng không đền được.

    Tượng bực mình lắm, không kìm được mới chửi một câu:

    - Tiên sư nhà anh, rượu mừng không uống muốn uống rượu phạt, vậy cứ đợi xem.

    Tượng vừa dứt lời thì từ đằng sau bỗng có tiếng nói sang sảng cất lên:

    - Có chuyện gì ấy vậy hả Phụng? Con lại đi gây sự với người ta à?

    Tượng quay lại thấy một ông già mặc áo nâu sòng râu tóc bạc phơ chống cây gậy trúc nhàn tản đi tới.

    - Thưa thầy, cái anh chàng này vô duyên vô cớ đá sỏi vào con, khiến đầu con sưng u một cục, lại còn đem mười đồng bạc ra mà bố thí, con mới bảo đợi sư phụ tới xem nếu không sao thì thôi, còn nếu có việc gì thì anh ta phải đền, ấy thế mà anh ta chửi con đấy.

    Cụ già nhòm lên trán Phụng tặc lưỡi:

    - Đá gì mà mạnh dữ vậy, sưng to quá.

    - A da, sư phụ, người đừng động vào đau quá..

    - Chết thật, để coi, cẩn thận tụ huyết, mù mắt thì khốn..

    - Thầy.. thầy cứu con..

    Trước lời thoại của hai thầy trò ông già kia, Tượng hơi tái mặt. Hắn gấp gáp nói:

    - Này, làm gì đến nỗi thế, hai người đừng làm quá.

    Cụ già nhìn Tượng nghiêm nghị:

    - Tôi quá hay anh quá thì còn chưa biết, thằng bé này, nó thù oán gì với anh mà anh ra tay với nó nặng như thế? Nếu nó mù mắt tôi không tha cho anh đâu.

    - Ui chao thầy ơi con đau..

    Hai thầy trò ông già cứ người tung kẻ hứng khiến Tượng tối mặt tối mũi, chưa kịp nói thêm thì lại có một thằng trai trẻ lực điền nữa xông tới:

    - Thầy, anh Phụng, hai người có chuyện gì vậy?

    - Dần à, thằng cha này đánh anh tí mù mắt.. em xem oánh nó được không?

    Thanh niên tên Dần chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, chỉ thấy mí mắt của Phụng sưng lên một cục to như quả trứng thì nóng máu, sắn tay áo định giáp lá cà.

    Tượng thấy bên kia có ba người, còn gã đơn thương độc mã thì hơi hoảng, lại nghĩ tới đại cục là đang phải chờ cao nhân tới, không suy nghĩ gì nữa liền ném cả túi gấm cho Phụng nói:

    - Thôi thôi, tôi không chấp mấy người, trong này có hai mươi quan tiền, cầm cả đi. Tha cho tôi cái.. đúng là sáng sớm ngày ra.. hãm không tả được.

    Tượng nói xong thì lách người toan bỏ đi, vừa đi vừa chửi thầm:

    - Sáng nay bước ra cổng bằng chân gì mà lại đen thế không biết.

    Nhưng bỗng dưng hắn ngờ ngợ một điều gì liền lẩm nhẩm trong miệng: Hai trẻ một già, Tượng bèn quay phắt lại, mặt hốt hoảng:

    Trời ơi, cao nhân.. đợi.. đợi với..
     
  6. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 5: Vụ Cháy Đau Lòng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ba người vừa rồi chính là thầy trò cụ Cừ, Dần và Phụng. Ba thầy trò vừa đi vừa nói chuyện:

    - Ta tìm một chỗ nghỉ ngơi xử lý cục u trên mắt con đi, cẩn thận kẻo nguy hiểm. Con có đau lắm không?

    - Thưa thầy, có hai mươi quan tiền này con chẳng thấy đau gì hết.

    - Ban nãy kể cứ để em cho tên kia một trận, dám động vào anh Phụng. Hai người yên tâm, dạo này việt võ đạo của con lên tay lắm.. con sẽ bảo vệ hai người.

    - Các con đừng có hở chút là muốn đánh đấm, người kia chắc là cũng không cố ý đâu, lát ta đắp thuốc cho Phụng, cục u này uống vài thang nhĩ hương thảo là tan ngay ấy mà, còn hai mươi quan tiền thì trả lại cho người kia đi.

    Cụ Cừ vừa dứt lời thì ở đằng trước có một người đàn bà xông tới chặn đường, vẻ mặt không dấu được sự vui mừng:

    - Xin chào ba vị, tôi đợi ba người ở đây từ sáng sớm.. thật không ngờ là đã đợi được rồi..

    Ba thầy trò nhìn nhau ngơ ngác:

    - Ủa chúng tôi có quen bà sao?

    Bỗng từ đằng sau, gã thanh niên đá sỏi vào đầu của Phụng cũng chạy như bắn tên lao tới:

    - Cao nhân.. đúng là ba vị rồi.. tôi có mắt mà không thấy núi thái sơn. Vừa rồi đã thất thố, xin ba vị lượng thứ.

    Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ba thầy trò cứ đứng như trời trồng không biết phản ứng ra sao. Người phụ nữ liền bật khóc mà lên tiếng giải thích:

    - Không dấu gì ba vị, đêm qua tôi nằm mơ được người trong nhà báo mộng rằng sáng nay giờ dần ra đầu làng sẽ gặp được cao nhân có thể hóa giải lời nguyền cho cả gia tộc. Giờ này quả nhiên là gặp được.. mong ba vị đại lượng cho chúng tôi được rước về tiếp đãi.

    Cụ Cừ à lên một tiếng, đưa ngón tay lên bấm độn rồi chợt thở dài: "Đúng là định mệnh, bảo sao lúc đi qua ngã ba có thứ gì đó cứ thôi thúc ta đi theo con đường này." Ba thầy trò cùng lúc quay lại nhìn gã thanh niên rồi lại nhìn người đàn bà:

    - Vậy cậu đây là?

    - À, nó là Tượng con trai cả của tôi. Nó theo tôi ra đón các vị.

    Rồi bà nhìn vào khuôn mặt sưng vù của Phụng hơi há miệng:

    - Thằng Tượng.. có phải nó làm gì vị này rồi hay không?

    Cụ Cừ xua tay:

    - Chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thôi.. không sao.

    Tuy nhiên Tượng vẫn đứng ra khép nép nói lời xin lỗi một lần nữa:

    - Trong lúc đợi ba vị quá nóng ruột mới vô tình làm vị sư huynh đây bị thương, xin về tệ xá để chúng tôi chăm sóc.

    Đoạn cụ Cừ nói với người đàn bà:

    - Chúng ta gặp nhau âu chính bởi một chữ duyên, vậy thầy trò chúng tôi không khách khí, xin bà dẫn đường.

    Hai mẹ con bà Bổng khỏi phải nói, vô cùng mừng rỡ đi trước dẫn đường. Ở nhà, ông Bổng cùng thằng con út đã đứng sẵn ở trên thềm đi đi lại lại ngóng trông, ý chừng vô cùng sốt ruột. Vừa thấy bóng người ở ngoài cổng, mắt ông Bổng sáng rỡ, ông bảo thằng út:

    - Xiên.. mau ra mở cổng.. mẹ và anh mày về đấy.

    Thằng Xiên dạ lên một tiếng chạy như bay ra cổng, quả nhiên là mẹ nó đã đón được người. Thằng Xiên đứng một bên xá mấy xá chào cao nhân rồi ông Bổng cũng đi ra chắp tay hồ hởi:

    - Xin chào xin chào, chúng tôi thật hân hạnh được đón tiếp các vị.. mời vào nhà, mời vào nhà..

    Ngôi nhà của ông bà Bổng khá bề thế và dường như mới được xây dựng lại không lâu. Cụ Cừ vuốt ve chòm râu ngắm nghía ngôi nhà một hồi:

    - Thầy ơi, nhà này đẹp quá thầy nhỉ. Đúng là một gia đình giàu có. - Phụng nói khi vừa bước chân vào trong sân.

    Cụ Cừ suỵt nó một cái rồi quay sang ông bà Bổng:

    - Nhà này ông bà mới làm lại sao?

    Ông Bổng thở dài:

    - Dạ thưa phải, đúng là chúng tôi mới bất đắc dĩ phải dựng lại.

    - Sao lại là bất đắc dĩ?

    - Nói ra cũng hơi dài dòng, mời cụ và hai vị huynh đài vào nhà đã.

    Bà Bổng sai người làm đun nước pha trà rồi cùng chồng và hai con thưa chuyện với cụ Cừ. Nói về ngôi nhà mới này, ông Bổng cho biết:

    - Năm ngoái nhà tôi đột nhiên bị cháy, ngọn lửa hung tàn thiêu rụi cả cơ ngơi, lấy mạng một đứa con trai của tôi. Vừa mất của vừa mất người chúng tôi vô cùng đau xót, tuy nhiên lúc bới trong đống đổ nát, chúng tôi lại tìm được một hũ vàng chôn dưới vị trí đặt ban thờ. Vậy là có tiền dựng lại căn nhà của tổ tiên. Không những vậy lại còn dư.. chẳng dấu gì cụ, nhà tôi có năm đứa con trai, hai đứa con đầu đã lớn, làm ăn khấm khá cả, thực tình nếu không có hũ vàng kia cũng chẳng đến nỗi túng thiếu, nhưng âu cũng là lộc tổ tiên để lại, có lẽ các cụ thương chúng tôi mất đi con trai nên ban lộc chăng?
     
  7. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 6: Những Cái Chết Bất Thường

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Kể đến đây ông bà Bổng dưng dưng nước mắt:

    - Lại nói về chuyện mất người. Dòng họ Trịnh nhà chúng tôi không nhà nào thoát khỏi một lời nguyền, phàm là đàn ông con trai mang họ này thì đều chết non, ai thọ nhất cũng chỉ năm mươi là cùng. Gia đình chúng tôi giờ đây vô cùng rầu rĩ vì chỉ còn hai tháng nữa là ông nhà tôi tròn năm mươi tuổi.

    Ông Bổng cho biết thêm:

    - Hôm qua, lúc thiu thiu ngủ, tôi còn nằm mơ thấy một người đàn bà đẻ rơi con trước cổng nhà tôi, sau khi tôi cắt dây rốn cho đứa trẻ liền biến mất chỉ để lại một câu: "Ông để lại tuổi cho đứa bé nhé, hai tháng nữa sẽ có người rước ông đi."

    - Đứa bé là trai hay gái? - cụ Cừ bất chợt hỏi

    - Là gái thưa cụ.

    Đến lượt bà Bổng kể lại giấc mơ của mình:

    - Khi ông nhà tôi mơ xong thì đến lượt tôi, tôi mơ thấy cậu em chồng đã mất rất lâu, nay bỗng dưng hiện về dưới dáng vẻ một kẻ ăn mày. Cậu ấy chỉ điểm cho tôi sáng nay giờ dần ra đầu làng đón ba người một già hai trẻ, nói rằng ba người sẽ giúp chúng tôi giải được lời nguyền. Vừa nhìn thấy các vị, tôi liền biết giấc mơ kia chính là thật.

    Cụ Cừ gật đầu cảm thông. Đã bôn ba khắp chốn, những chuyện dị thường cụ gặp không ít, kể cả những gia đình trùng tang, một năm mất mấy mạng người, nhưng chuyện chết trẻ như dòng họ này thì đây là lần đầu được thấy. Cụ nói:

    - Muốn giải được lời nguyền phải biết được căn nguyên gốc rễ vấn đề. Không thể nói một câu giải là giải. Tôi rất cảm thông với ông bà, nhưng chuyện này vốn là cần thời gian.. thế này đi, nếu ông bà không phiền, thầy trò tôi xin lưu lại đây, từng bước tìm hiểu ngọn nguồn sau đó tìm cách phá giải.

    Ông bà Bổng sung sướng còn không hết, vội lau nước mắt:

    - Tư gia rộng rãi, xin ba vị đừng bận tâm. Muốn ở đây bao lâu cũng được.. bà nó, mau dẫn thầy trò sư phụ vào phòng khách nghỉ ngơi đi.

    Rồi ông quay sang cụ Cừ:

    - Cụ và hai vị huynh đài đi cất đồ, nhà tôi sẽ làm cơm để các vị dùng.

    Cụ Cừ đưa tay nải cho Dần rồi bảo ông Bổng:

    - Chuyện cơm nước không vội, bây giờ xin ông kể chi tiết hơn về những điều mà dòng họ Trịnh Văn này đã gặp phải, đặc biệt là liên quan tới những cái chết trẻ trong họ.

    Chỉ còn lại ông Bổng và cụ Cừ, ông Bổng hướng ánh mắt về phía xa xăm, ông bắt đầu kể:

    Dòng họ Trịnh của nhà ông cắm dùi sinh sống trên đất Sơn Tây này đến đời ông đã là đời thứ mười hai. Thủy tổ của dòng họ tên là Biểu, trong những năm tháng binh biến loạn lạc phải rời bỏ kinh thành tha phương cầu thực, sau cùng về đây, chọn mảnh đất này làm đất cắm dùi. Chuyện này được ghi trong gia phả. Gia phả cũng nói, Trịnh Biểu về đất Sơn Tây lấy vợ tên là Hoan người xã Quang Liêu, huyện Yên Mỹ sinh được tất thảy tám người con, năm trai, ba gái. Tuyệt nhiên không nhắc gì đến thân sinh của Biểu, tức Biểu là trẻ mồ côi hoặc thân phụ đã chết trong loạn lạc.

    Trải qua mười hai đời, con cháu họ Trịnh bình an sinh sống, làm ăn phát đạt mặc cho thế sự đổi rời, chỉ hiềm một điều duy nhất, ông Bổng cho hay, từ lúc ông sinh ra đã nghe đời trước truyền lại rằng, hễ là đàn ông mang họ Trịnh Văn của làng này, dương thọ đều không quá năm mươi. Điều này xảy ra từ đời nào thì không rõ tường tận, nhưng trong cuốn phổ truyền cũng có nhắc, từ đời thứ sáu, trong họ đã có những cái chết bất thường. Ví như một người có tên Trịnh Lâm, làm nghề nấu rượu, năm ba mươi sáu tuổi bỗng nhiên phát điên luôn miệng nói rằng bản thân có thai, sắp sinh ra quái vật. Mọi người đều cười vì đàn ông mà lại nói mình mang thai, ít lâu sau người này treo cổ mà chết, bụng anh ta quả thật to lớn, khi khâm liệm vào trong quan tài không sao đóng được nắp, người nhà khóc lóc thảm thiết, khấn vái một ngày một đêm thì thần kì là bụng anh ta bỗng dưng xẹp xuống nhưng trong đó lại lùng bùng như là có sinh vật sống ở bên trong. Mọi người vô cùng sợ hãi, mặc dù rất tò mò nhưng không ai có cái gan mổ bụng người chết ra để xem, đành để nguyên như vậy mà đóng nắp quan đem đi hạ huyệt. Năm năm sau, khi bốc mộ cho Lâm, người ta tá hỏa khi thấy một con hổ mang khổng lồ, cả người trắng toát, lù lù trong áo quan, xương cốt của Lâm đã bị con quái vật kia ăn sạch. Trong đám phu mộ có một người liều lĩnh gọi anh em trong nhà tới bắt con rắn, số phận con vật sau đó như thế nào thì không ai rõ, nhưng kể từ ấy thì rất nhiều chuyện không may trong họ tộc liên tiếp xảy ra. Người ta đồn đoán rằng con rắn trong mộ của Lâm là tổ tiên hiển linh, do người trong tộc không biết bảo vệ, cho nên nó trở về báo oán.

    Ông Bổng nói:

    - Sau sự việc ấy nội tộc đã mời thầy về làm những cái lễ rất to để tạ lỗi với tiên tổ cũng như thần rắn, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Gia đình nào trong tộc của chúng tôi đều có ít là một người chết trẻ, còn lại thì sống đều không tới năm mốt. Ấy như đã thành một điều tất lẽ, nhà nào cũng phải đẻ đông con để duy trì nòi giống, nhưng trong số ấy cũng phải xác định là ít nhất một đứa chết non, rơi vào đứa nào thì đứa ấy phải chịu.
     
  8. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 7: Bóng Ma Trước Cửa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nói đến đây, ông Bổng lại gạt nước mắt đang trực trào, nghĩ về đứa con trai đã chết, ông nhớ lại câu chuyện vừa thương tâm, vừa rùng rợn xảy ra vào tháng ba năm ngoái, ấy là vào tiết thanh minh..

    Đêm tháng ba trời mưa lâm thâm, ông Bổng khoác áo tơi rảo bước trên đường đất xuyên qua cánh đồng trở về nhà. Sở dĩ ông về khuya như vậy là bởi vừa phải đi một quãng đường rất xa đến nhà một ông thầy bói ở làng bên mong giải cái hạn năm mươi. Đi được nửa đường ông Bổng gặp một người phụ nữ trẻ, người này bị thương ở chân, có vẻ rất nặng. Ông Bổng dừng lại hỏi han thì người này không nói năng gì, chỉ khóc mà thôi. Trời mỗi lúc một mưa nặng hạt, mà đường thì tối, ông Bổng thương hại người đàn bà kia nên cởi áo tơi cho cô ta, còn bản thân thì đội mưa mà về.

    Đi được một đoạn nữa thì ông Bổng chết kinh bởi người đàn bà khi nãy lại xuất hiện trước mặt mà rõ ràng cô ta theo lí cô ta phải ở đằng sau mới đúng, ông hết ngoái cổ trước sau, miệng lắp bắp: "Cô đi lối nào mà nhanh thế?". Sở dĩ ông thắc mắc như vậy bởi giữa đồng không mông quạnh chỉ có duy nhất một con đường này mà thôi. Người đàn bà trừ khi biết bay thì mới qua được ông. Nhưng trong khoảnh khắc ông quay đi quay lại người đàn bà đã biến mất. Ông Bổng sợ đến mất mật, ù té chạy về nhà, tim đập chân run. Từ ấy không dám ra ngoài vào ban đêm nữa. Nhưng sau đó mấy hôm người đàn bà ấy lại tìm đến. Lần này cũng vào một đêm mưa, khi vợ chồng ông đã lên giường đi ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa rất mau, nghĩ rằng một trong mấy đứa con gõ cửa bà Bổng hỏi vọng ra:

    - Đứa nào đấy?

    Nhưng đáp lại lời của bà chỉ có những tiếng cốc cốc mà thôi. Bực mình, bà ra nhà ngoài gắt lên:

    - Làm cái gì mà tao hỏi không trả lời thế?

    Ông Bổng nằm trong nhà đợi mãi một lúc lâu sau mới thấy bà Bổng đi vào, vào trong buồng bà không nói năng gì, chỉ ngồi phịch xuống cuối giường mặt hằm hằm. Ông Bổng thấy lạ mới cất tiếng hỏi:

    - Đứa nào thế hả bà? Mà có cái chuyện gì vậy?

    Bà Bổng gắt lên đầy tức tối:

    - Đứa nào? Làm gì có đứa nào, chỉ có một con đàn bà thôi.

    Ông Bổng vẫn chưa hiểu sự tình ra sao bèn ngồi dậy sáp lại bên vợ mà thắc mắc:

    - Con đàn bà? Mà cổng không khóa hay sao mà người lạ vào được?

    Bà Bổng lúc này quay phắt lại, mặt đỏ như xôi gấc, bà nói:

    - Ông giỏi lắm, giờ đã học được thói chăng hoa rồi.. khi nãy là con đàn bà ông cho mượn áo tơi, nay nó tới trả lại cho ông đấy. Nó còn dặn rằng nó nhất định sẽ gặp lại ông.. thôi.. mau ra mà đuổi theo nó..

    Nghe vợ nói mà ông Bổng rụng rời cả chân tay, dù biết là vợ đang ghen bóng ghen gió nhưng ông cũng chẳng thể nào mà tức giận nổi, chỉ có sự sợ hãi bủa vây mà thôi. Thấy chồng im lặng không có một lời thanh minh, bà Bổng càng cáu tiết, như thế đích thị là ông Bổng thừa nhận có gì mờ ám với người đàn bà kia rồi. Bà Bổng ôm mặt khóc tu tu:

    - Ông tệ lắm, trước đây tôi bảo cưới thêm vợ cho ông thì ông không chịu, giờ lại tòm tem ở bên ngoài, đúng là ngụy quân tử.

    Ông Bổng đè nén sự sợ hãi xuống gắt lên chặn lời vợ:

    - Tòm tem cái gì mà tòm tem, bà không biết gì thì đừng có lu loa lên. Nó là ma đấy..

    Bà Bổng ngưng bặt, hỏi lại lần nữa như sợ mình nghe nhầm:

    - Ông bảo gì? Nó là ai?

    - Là ma..

    Ông Bổng nói nhỏ hết sức có thể rồi kể lại hoàn cảnh gặp người đàn bà nọ như thế nào. Bà Bổng nghe xong thì cũng nổi da gà da vịt. Nói như vậy thì con ma nữ kia là muốn theo ông Bổng, có khi nào nó sẽ kéo ông Bổng đi hay không? Ông Bổng lại thở dài:

    - Tôi năm nay cũng bốn mươi chín rồi, họ nhà này có ai thọ quá năm mươi, thôi kệ, đi sớm hay đi muộn cũng thế. Con ma nữ có lôi tôi xuống âm phủ với nó thì cũng chả sao.

    Từ ấy, suốt mấy đêm liền, cứ giờ tí là ông bà Bổng lại nghe có tiếng lạch cạch ở nhà ngoài. Ban đầu ông bà còn tưởng là chuột nhưng càng về sau càng nghe rõ những âm thanh phì phì như rắn. Hai ông bà thắp đèn cầy ra xem thì hoảng hồn khi thấy một con rắn mang bành rất lớn nằm cuộn tròn trên nóc tủ chè, giương đôi mắt sang quắc nhìn người. Quá sợ hãi, bà Bổng chạy ra ngoài khua mấy đứa con dậy tìm cách đuổi rắn. Thằng con thứ tư vừa nhìn thấy thì nói:

    - Con rắn này chính là con rắn hôm trước bị con bắt hụt đây mà.. không ngờ lại dám quay lại đây. Để con lấy cái vợt, bắt được con này thì ối tiền.

    Ông Bổng nghe con nói thế thì ngăn:

    - Ấy, chớ, nhỡ là rắn thần thì sao? Không được động tới, đuổi đi là được.

    Bị cha cản, mấy đứa con không dám trái, thằng Tượng mang vào một cây gậy lớn xua con rắn ra ngoài.

    Chuyện dị thường chưa dừng lại ở đó, đêm ấy bà Bổng nằm mơ một người con gái áo trắng bước đi tập tễnh với một chân đầy máu, người ấy đứng cách bà một thước nói bằng giọng âm vang như ở cõi khác:

    - Con bà đánh tôi, khiến tôi bị thương, tôi định bắt chồng bà trả nợ thay cho nó, nhưng xét thấy ông ta là người tốt nên tha cho ông ta một mạng, để ông ta sống thêm một năm nữa. Hôm sau tôi tới mang thằng con bà đi.

    Bà Bổng tỉnh giấc sợ hãi vô cùng, biết rằng con rắn kia chẳng phải là thường nên trời chưa sáng đã sửa soạn đi tìm thầy pháp hỏi han về cách giải hạn cho chồng con. Khi bước qua cánh cửa chợt nhìn thấy cái áo tơi hôm trước người đàn bà ma đem trả, bà rùng mình sợ hãi đem ra sau bếp châm lửa mà đốt. Bà đi hết nửa ngày, nhưng thật không ngờ khi trở về thì đã thấy ngôi nhà của mình cháy rụi, đứa con trai thứ tư của bà đang ngủ say trong nhà, bị cột nhà đè vào chết trong đám cháy mọi người nói lửa bùng lên rồi lan ra từ một đống tro sau bếp, không biết ai đã đốt cái gì ở đó. Bà Bổng đứng bất động giữa sân, chỉ kịp nấc lên một cái rồi ngất xỉu.
     
  9. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 8: Quỷ Nhập

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cụ Cừ vẫn vô cùng chăm chú dõi theo câu chuyện, ông Bổng lại nói:

    - Sau khi sự việc không may xảy ra thì không thấy hồn ma kia quay lại nhà tôi thêm lần nào nữa. Thưa cụ, theo như cụ thấy có phải cả dòng họ chúng tôi đang bị thứ yêu tinh tác quái rồi không? Nhưng tại sao chỉ nhắm vào họ Trịnh thôi chứ? Rút cục chúng tôi có tội tình gì mà phải chịu tai vạ như vậy?

    Cụ Cừ trầm ngâm nghĩ ngợi:

    - Rắn tinh? Những cái chết bất thường?

    Bỗng ngoài sân có tiếng gọi lớn cắt ngang dòng suy nghĩ của cụ Cừ:

    - Bác Bổng, bác Bổng ơi..

    Ông Bổng ngó ra ngoài thưa một tiếng: "Ai đấy", rồi vén mành trúc đi ra, cùng lúc bà Bổng cũng chạy tới. Đứng dưới sân là một người đàn bà dáng vẻ gầy gò, gương mặt hốc hác xanh xao, thị mếu máo khóc mà rằng:

    - Xin hai bác sang nhà em một chuyến, lão Túy nhà em lão ấy phát điên rồi.. nói năng luyên thuyên, không ra đâu vào đâu, còn tự làm mình bị thương.. chẳng hiểu lão ấy bị làm sao nữa.. hay là bị ma nhập cũng nên.. em sợ quá các bác ơi..

    Ông Bổng nhìn cụ Cừ ánh mắt lo sợ, cụ Cừ nói:

    - Tôi và hai học trò đi cùng bác một chuyến.

    - Vậy thì tốt quá, mời cụ.

    * * *

    Vợ chồng nhà Túy ở cách nhà ông bà Bổng không xa, Túy là anh em thúc bá với ông Bổng, ít hơn ông Bổng một giáp. Tức là năm nay mới chỉ ba mươi tám tuổi. Túy làm nghề đồ tể, ngoài việc nuôi lợn thịt cho vợ bán Túy còn mổ lợn, trâu, bò thuê, nhà có của ăn của để nhất nhì đám anh em.

    Cụ Cừ, ông Bổng cùng Dần và Phụng tới nhà Túy thì đã thấy hắn bị trói đứng vào cột nhà, tóc tai, quần áo rũ rượi sộc xệch, mắt thì đỏ lừ long lên sòng sọc, miệng không ngớt ngầm gừ. Mụ Túy lại khóc lóc phân bua:

    - Không biết ông ấy bị làm sao bác ơi.. mới hôm qua uống rượu ở nhà bác còn bình thường, mọi người đều thấy, thế mà sau đó đi đâu cả đêm, sáng nay trở về thì phát điên phát khùng..

    Ông Bổng lại gần nói lớn:

    - Chú Túy.. chú nhận ra tôi không?

    Lão Túy đang cúi đầu, chỉ trợn mắt lên nhìn ông Bổng rồi cười khùng khục. Trên người hắn chi chít vết thương, ông Bổng lại hỏi mụ Túy:

    - Làm sao mà mình mẩy hắn ra nông nỗi này?

    Mụ Túy khép nép thưa:

    - Ông ấy cứ liên tục đấm vào ngực vào bụng thùm thụp nói rằng trong bụng có yêu quái, nếu em và các cháu không ngăn kịp thời thì ông ấy đã lấy dao mà rạch bụng ra rồi.

    Nghe đến đây, ông Bổng tái mặt nhìn cụ Cừ. Cụ Cừ nhìn Túy bằng ánh mắt sắc lẹm, tay liên tục đưa lên vuốt vuốt chòm râu, cụ đang nghĩ điều gì thì không ai biết. Cụ hỏi mụ Túy:

    - Gần đây ông ấy có biểu hiện gì bất thường không?

    Mụ Túy lắc đầu e ngại nhìn lão Bổng. Ông Bổng nhớ ra bèn giới thiệu:

    - Thím không phải ngại, đây là thầy pháp và hai học trò chúng tôi mới mời được về đây để xem cho họ nhà mình. Có chuyện gì nhất định thím phải nói thì thầy đây mới giúp được.

    Mụ Túy lúc này mới yên tâm hơn bèn mời bốn người vào gian nhà dưới để nói chuyện. Mụ Túy kể:

    - Bác Bổng cũng biết, trước nay ông ấy rất hay đi sớm về khuya, nhưng em không bao giờ dám nặng nhẹ, có điều gần đây tự nhiên ông ấy thay đổi tâm tính, ở nhà nhiều hơn, ít nói, ít mắng mỏ đánh đập vợ con, mà công việc cũng bỏ bê. Em có hỏi nhưng ông ấy nói rằng chán rồi, không muốn làm gì nữa. Em đoán là bị con vợ bé ở ngoài nó bỏ cho nên chán đời, em mặc kệ không nói năng gì, tự dưng hôm qua lại đi suốt đêm không về, tới sáng nay thì hóa điên như vậy..

    Cụ Cừ nói:

    - Sợ rằng ông ấy đã trúng phải thứ gì không sạch sẽ rồi, mau để tôi chữa trị cho ông ấy, nếu để lâu e rằng không cứu được. Ông Bổng nhớ chuyện về người tên Lâm khi nãy ông kể cho tôi nghe chứ? Sợ rằng đây lại là một trường hợp như vậy. Nếu cứu được anh ta tôi sẽ có thêm manh mối tìm hiểu sự việc.

    Nói đoạn cụ Cừ bảo ông Bổng và người nhà ở ngoài, còn bản thân cùng Dần và Phụng vào bên trong căn nhà lớn buông mành chẩn trị.

    Hồi lâu không thấy ba thầy trò trở ra, chỉ thấy ở bên ngoài mụ Túy rú lên một tiếng kinh hoàng rồi ngã vật xuống đất bất tỉnh nhân sự. Thì ra vì quá sốt ruột mà mụ cùng ông Bổng lén vén mành nhìn vào trong nhà thì thấy cảnh kinh dị không nên thấy.. đó chính lúc cụ Cừ lôi từ trong miệng lão Túy ra một con rắn hổ mang dài đến hơn một thước, mình mẩy vàng khè. Cụ Cừ bỏ nó vào trong một cái túi vải buộc túm lại, xong đâu đấy liền gọi con cái của lão Túy vào để chăm sóc cho cha.

    Mụ Túy tỉnh lại sau một hồi được con gái xoa bóp day huyệt nhân trung. Câu nói đầu tiên của mụ là:

    - Thầy mày thế nào rồi? Ông ấy có làm sao không?

    Mấy đứa con cho mụ biết là lão Túy dù chưa tỉnh lại nhưng mạch tượng ổn định, tính mạng không có gì đáng lo ngại. Mụ Túy quỳ trên giường chắp tay mà khấn vái không ngớt: "Ơn giời.. vậy là số ông ấy chưa tận." mụ Túy vốn là một người đàn bà hiền lành, dù lấy phải ông chồng có tính vũ phu lại chăng hoa, nhưng chưa bao giờ trong lòng mụ có ý căm hận lão Túy. Mụ vẫn nói: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Có thể nói, mụ Túy là điển hình của một người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn, một lòng vì chồng con.

    - Thưa thầy, tại sao trong bụng thằng Túy em tôi, lại có thứ khủng khiếp như thế?

    Ông Bổng hỏi cụ Cừ khi mọi việc đã xong xuôi. Cụ Cừ đáp:

    - Chuyện này đối với các vị là chuyện lạ, nhưng đối với chúng tôi vốn là chuyện thường. Tôi đã từng trị cho một người mà trong bụng toàn là cá trê. Những thứ ấy vốn không phải tự dưng mà chui vào bụng mấy người, mà là do các người đi vào những nơi không sạch sẽ, ăn phải những thứ không nên ăn.. tà ma yêu nghiệt theo đó mà hình thành ở trong cơ thể, trường hợp của Túy là phát hiện kịp thời, nếu để vài ngày nữa e rằng con vật kia sẽ ăn hết lục phủ ngũ tạng của vật chủ, lúc ấy thần tiên cũng không cứu được.

    Ông Bổng liên tưởng tới trường hợp của người tên Lâm sống vào đời thứ sáu của họ Trịnh chắc chắn cũng bị con mãng xà chui vào bụng chiếm lấy ngũ tạng. Khả năng cao là do cuối cùng vì quá đau đớn cho nên người đó phải treo cổ tự tử. Nhưng rút cục người tên Lâm đó và Túy đã đi đâu mà lại trúng tà như vậy? Câu hỏi này phải chờ Túy tỉnh lại thì mới có lời hồi đáp
     
  10. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Chương 9: Chờ Đợi

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuy nhiên trái với mong muốn của cụ Cừ, Túy sau khi tỉnh dậy thì bắt vợ con đóng cửa ngưng tiếp khách. Hắn cũng nhất nhất ở trong nhà không muốn gặp ai. Ông Bổng rất tức giận ở ngoài sân nói vọng vào:

    - Đúng thật là chẳng ra làm sao, chú Túy, chú nên nhớ người cứu mạng chú là ai, đừng có vừa tỉnh lại đã khinh khỉnh như vậy. Lần sau có chuyện gì chớ có gọi chúng tôi.

    Mụ Túy khổ sở nói lời xoa dịu:

    - Bác Bổng, mong bác đừng nóng, để rồi em tỉ tê hỏi han khuyên nhủ ông ấy, chắc là vừa qua cơn nguy kịch ông ấy bị sốc.

    Cụ Cừ cũng nói:

    - Chị Túy nói đúng, cứ để anh ta bình tĩnh lại đã, chứ như tình hình bây giờ có ép anh ta nói chuyện cũng không được gì.

    Rồi cụ quay sang mụ Túy:

    - Chị cố gắng gần gũi hỏi han anh ta, nếu có thông tin gì thì sang báo cho chúng tôi.

    Nói đoạn cụ Cừ đưa cho vợ Túy một túi vải to bằng bàn tay sâu sợi dây đỏ, cụ nói:

    - Đưa cho anh ấy đeo, chớ có tháo ra. Bảy ngày nữa tôi quay lại lấy. Còn nữa, trước khi đi ngủ rắc thứ bột này trước ngưỡng cửa. Qua giờ hợi, nhà chị nên ở trong nhà. Đến giờ dần thì hãy ra ngoài.. à mà trong những ngày này nhớ ăn chay nhé, đừng giết chóc gì cả, tránh mùi máu tanh trong nhà dẫn dụ yêu nghiệt tới.

    Mụ Túy vâng dạ tiễn ông Bổng và cụ Cừ khỏi cổng. Vừa đi cụ Cừ vừa nói nhỏ với ông Bổng:

    - Thực ra không cần tên Túy phải nói tôi cũng đã hiểu chuyện gì xảy ra với hắn, theo như vợ hắn nói thì có vẻ hắn rất chăng hoa.. đúng không? Cho nên tôi cam đoan với ông, người vợ lẽ mà hắn chung sống ở bên ngoài kia chính là một con yêu xà. Chắc chắn gần đây hắn cảm thấy trong người có sự bất thường, nghĩ rằng mình trúng tà nên hắn mới không ra khỏi nhà nữa. Hôm trước chính là hắn đi tìm pháp sư, bằng chứng là trong người hắn có một lá bùa trừ yêu còn rất mới. Nhưng nói để ông hay, hắn đã mất tiền oan. Bởi lá bùa hắn thỉnh về không có bất cứ một tác dụng gì.

    Ông Bổng dù trong lòng rất giận gã em họ, nhưng thấy hắn như vậy thì cũng đâm lo:

    - Thưa thầy, vậy phải diệt trừ con yêu nghiệt kia chứ không tính mạng em tôi và cả dòng họ này e nguy mất.

    Cụ Cừ trấn an:

    - Ông yên tâm, mọi việc vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của tôi, tôi sẽ có cách tìm ra nơi con yêu tinh trú ngụ. Tuy nhiên tôi không chắc chắn việc giệt xà tinh có thể hóa giải lời nguyền kia hay không. Cái này thì còn phải xem đã.

    Trên đường đi, cụ Cừ liên tục cảm thấy nhột ở đằng sau ót nên chốc chốc lại quay đầu nhìn. Về tới nhà, bà Bổng đã nấu xong cơm nước dọn sẵn sàng ở trên nhà lớn đợi bốn người. Cụ Cừ ngồi vào mâm nhưng chưa vội đụng đũa. Cụ rót một cốc rượu trắng đi thẳng ra cổng giải xuống đất và nói thầm gì đó không ai nghe rõ, xong đâu đấy cụ mới vào nhà an tọa cầm đũa lên ăn. Mọi người thấy hành động ấy của cụ tuy rằng trong lòng có chút thắc mắc nhưng không ai dám hỏi gì.

    Cơm nước xong xuôi, cụ Cừ nói với ông Bổng:

    - Ông bảo rằng họ Trịnh các ông sống trên mảnh đất này đến nay đã là đời thứ mười hai đúng không?

    - Dạ phải thưa cụ. Theo gia phả thì chính xác là như thế.

    - Vậy ông có thể cho tôi mượn gia phả nhà ông một chút để tôi biết quý tính của các cụ đời trước, có thể gọi lên để hỏi một số chuyện được chăng?

    - Được, tất nhiên là được ạ. Cụ đợi chút, tôi lấy cho cụ.

    Cụ Cừ cầm cuốn gia phả và dặn ông Bổng:

    - Tôi sẽ bế quan ba ngày, ông dặn người nhà đừng làm phiền. Chuyện cơm nước cũng không cần lo.

    Ông Bổng hơi giật mình:

    - Dạ thế sao được. Dù thế nào chùng tôi cũng phải hầu cụ chu đáo.

    Cụ Cừ chỉ xua tay:

    - Ông không cần lo nghĩ nhiều. Mọi việc tôi sẽ cắt cử học trò lo liệu.

    Ông Bổng dù trong lòng không đồng tình nhưng cũng không dám trái ý liền gật đầu vâng dạ, tất tả đi dặn dò người nhà. Tuy nhiên qua ngày đầu tiên ông đã sốt ruột đứng từ xa mà ngó nghiêng về phía căn phòng của cụ Cừ không ngừng thắc mắc:

    - Ông cụ không ăn gì thì sao mà chịu được.

    Nghĩ như vậy ông bảo với vợ chuẩn bị cơm đưa cho Dần và nói:

    - Chú em đem cơm vào cho sư phụ. Có thực mới vực được đạo.

    Dần lắc đầu:

    - Trong lúc thầy tôi bế quan không ai làm phiền được đâu.. không khéo lại hỏng việc của thầy.

    Nghe Dần nói như vậy thì ông bà Bổng không dám ý kiến gì nữa. Từ lúc cụ Cừ cứu được mạng của Túy, uy tín của ba thầy trò trong lòng người nhà ông Bổng đã vững như thạch bàn. Mọi lời nói của cụ đều là mệnh lệnh.

    * * *
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...