Lễ nhập Kut của người Chăm Ahier - Lễ dựng Kut cho dòng họ và Lễ nhập Kut chính

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nguyễn Ngọc Minh, 21 Tháng mười 2023.

  1. Nguyễn Ngọc Minh

    Bài viết:
    10
    Lễ dựng Kut của người Chăm Ahier - Kỳ 3: Lễ dựng Kut và Lễ nhập Kut.

    Tiếp nối bài viết trước về các quy định và điều kiện để nhập, dựng Kut của người Chăm Ahier, bài viết này sẽ nêu rõ quá trình dựng Kut và nhập Kut của người Chăm Bà La Môn.

    Lễ dựng Kut (Patau kut)

    Sau khi đã chọn được Patau Kut theo đúng quy định của tập tục, người ta tiến hành lễ nghi dựng Patau Kut theo một quy trình định sẵn.

    Trước tiên, Thầy cả sự pô xà sẽ xem xét và quyết định chọn vị trí dựng Kut. Vị trí để được chọn dựng Kut phải có phong thủy như sau: Phía tây cao, phía đông thấp, phía nam cao, phía bắc thấp, phía nam có núi, phía bắc có sông; nơi đất màu mỡ càng tốt. Sau khi chọn được địa điểm, ông thầy cả sư pô xà làm lễ cúng thần linh. Lễ vật gồm trứng gà, rượu, trầu cau. Dòng tộc làm lễ cúng tổ tiên, chủ lễ phải là bà bóng của dòng họ (Muk rija). Sau đó thầy pô xà sẽ làm lễ thử đất dựng Patau Kut tốt hay xấu. Để biết được đất tốt hay đất xấu, phải là sáu hũ cơm rượu nhỏ, một hủ để ở nhà, năm hũ mang ra khu đất đã chọn. Năm hủ đất này phải để theo hình vuông, bốn hủ bốn góc, một hủ ở giữa. Ông thầy lập bàn tổ khấn hỏi thần thổ địa đất này tốt hay xấu. Sau 3 ngày, trưởng họ có thể mở ra xem cơm rượu ở trong hủ rượu có bị đổi màu hay không. Nếu cơm rượu bình thường, không đổi màu thì được xem là đất tốt có thể dựng Patau Kut. Nhưng nếu cơm rượu không bình thường, đổi sang màu đen thì bị xem là đất xấu, không thể dựng Patau Kut.

    [​IMG]

    Một nghĩa địa Kut của người Chăm Bà La Môn trên dọc tuyến quốc lộ 1A đi qua các tỉnh

    Ninh Thuận, Bình Thuận với mái ngói đỏ tươi.

    Sau khi đã chọn được đất, thì ông thầy sẽ làm lễ thức động thổ đóng cọc, san nền. Nghi thức này có ba mâm lễ, một mâm cúng cho các thần Sapalai (thần hủy diệt) , một mâm cúng Sapajang (thần sáng tạo) và một mâm cúngMuk kei (tổ tiên) để mời các vị đến chứng kiến và chấp nhận. Cả ba mâm lễ được xếp một hàng theo chiều nam bắc, còn người cúng ngồi quay mặt hướng đông. Cúng xong, ông thầy chủ lễ đi cúng thỉnh đất ở gò mối. Đất này sẽ được bỏ xuống lỗ trước khi đóng cọc.

    Trước khi đóng cọc cần phải xem ngày giờ và bắt long mạch để thực hiện lễ thức đóng cọc. Lễ thức đóng cọc rất phức tạp, chỉ các thầy pà xế và thầy cúng cao tay mới nắm bắt được giờ và chu kỳ "vận động" của con rồng dưới đất mà người Chăm gọi là con rồng đất (mư inưgirai dan bilan). Thực hiện động thổ không đúng ngày giờ sẽ đóng phải những phần thân thể của con rồng thì sẽ rất nguy hại:

    Nếu trúng đầu rồng thì chết hai vợ chồng

    Nếu trúng đuôi rồng thì chết vợ,

    Nếu trúng lưng rồng thì chết chồng,

    Nếu trúng bụng rồng thì tốt, được may mắn trên mảnh đất đó.

    Tiếp theo, ông thầy dùng năm cây cọc gỗ, trong đó có một cây lớn hơn và dài hơn khắc hình linga (cây dài khoảng 40cm, cây ngắn khoảng 30cm). Cây cọc lớn đóng ở giữa, bốn cây nhỏ đóng bốn góc xung quanh. Trước khi đóng cọc gỗ xuống lỗ đều phải vẽ bùa chú, đặt cục cơm ở trên lá mít có cắm que cuốn bông gòn, thoa dầu dừa vào đầu cọc có hình dương vật, lấy trầu têm bỏ vào rồi đóng cọc.

    Để lấy gỗ làm nhà Kut, phải làm "lễ chém cây", sau đó làm lễ tẩy uế trên nền Kut, Các lễ thức này được tiến hành công phu theo những quy định chặt chẽ trong sách cổ Chăm cùng những bài văn khấn thần linh rất dài. Nghi thức thỉnh đá để làm bia Kut do ông cả sư pô xà làm chủ lễ. Các loại đá được thỉnh làm bia bao gồm:

    Đá lấy từ bờ biển làm bia Kut chính (bia giữa, còn gọi là kut Po Inư Nưgar, biểu tượng mẹ biển, do mẹ xứ sở Po Inư Nưgar sinh ra từ bọt biển, cũng là biểu tượng lòng mẹ như biển cả).

    Đá lấy từ núi dùng làm bia kut cho đàn ông (phía đông kut chính, vì biểu tượng cho dương, mang ý nghĩa núi, cũng là biểu tượng công cha như núi).

    Đá lấy từ sông hoặc suối dùng làm bia kut cho đàn bà (phía tây kut chính, biểu tượng cho âm, mang ý nghĩa mẹ sông)

    Các hòn đá nhỏ được lấy làm kut cháu chắt.

    Sau khi các hòn đá được thỉnh về, ông thầy làm lễ tạo hình và nhập thần vào đá. Khi những bia đá được đẽo xong là đến lễ cúng dựng bia. Những lỗ được đào để chôn chân bia đều được vẽ bùa làm phép. Dưới lỗ ông thầy bỏ 9 miếng trầu têm, bỏ đất thỉnh từ gò mối về rồi lấy 5 loại nước lấy từ các khác nhau: Nguồn nước biển, nguồn nước sông, nguồn nước mạch, nguồn nước suối, nguồn nước sình lầy (tượng trưng cho các loại máu) . Ông thầy lấy cây gỗ khắc hình linga-dương vật xỏ vào giữa lá trầu rồi cắm vào lỗ và khấn thần Pôkuk tua hăk, lao hăk để xin thần sáng tạo tạo dựng xứ sở mới cho tổ tiên rồi ông bật lửa đốt lên một đống lửa.

    [​IMG]

    Lễ dựng kut patau kut đến đây là hoàn thành.

    Lễ nhập Kut (ba talang tamư kut)

    Lễ nhập kút thường được tổ chức vào các tháng 3, 6, 8, 10 và 11 Chăm lịch. Sau khi trong tộc họ đã hội đủ khoảng từ 15 đến 20 hộp, có khi cả trăm hộp xương (klong kút) của người trong tộc họ đã quá cố thì trưởng họ mời các gia đình họp lại bàn với các thầy pà xế về thời gian cũng như điều kiện vật chất để làm lễ nhập kút. Trước ngày nhập kút vài hôm, bà con trong tộc họ đi dựng nhà làm lễ ngoài nghĩa địa (khu kút tộc họ), chặt cây cỏ, làm vệ sinh khu vực kút. Các gia đình có kút chuẩn bị lễ vật để đi làm lễ lấy kút về nhà để thờ. Những chiếc hộp xương trước đó được chôn giấu quanh vườn, nay lấy về để thờ trên bàn trước khi làm lễ nhập kút. Chủ lễ nhập kút phải là các thầy pà xế có chức sắc từ phó cả sư trở lên.

    [​IMG]

    Kiệu "klaong" được trang hoàng công phu và lộng lẫy bằng những tấm vải thổ cẩm

    Của làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp.

    Nếu trong các gia đình thuộc tộc họ chuẩn bị làm lễ nhập kút, có người đàn ông nào đã đi lấy vợ, đã chết và đã được bên nhà vợ làm lễ hỏa táng và giữ lại 9 mảnh xương trán, trong dịp này gia đình cũng phải làm lễ đón 9 mảnh xương ấy về để làm lễ nhập kút vào kút của gia đình mẹ đẻ (mẫu hệ). Người Chăm có một tập tục rất đáng chú ý và trân trọng vì nó chứa đựng quan niệm về linh hồn và mang tính nhân văn sâu sắc, đó là tục "xương tiễn đưa xương" : Khi hai vợ chồng đều đã làm lễ hỏa táng và hai hộp xương chưa được nhập kút. Theo quy định, xương của người chồng phải được đưa về nhập vào kút theo dòng họ mẹ đẻ. Khi bên nhà mẹ chồng tổ chức làm lễ nhập kút, bên nhà vợ tổ chức rước hộp xương chồng về phía nhà chồng. Nếu người vợ còn sống thì tiễn hộp xương chồng về nhà mẹ chồng, nếu người vợ cũng đã chết thì hai hộp xương (xương vợ xương chồng) được để ngồi bên nhau trên kiệu hoa để rước tiễn về nhà chồng (xương tiễn đưa xương). Sau đó xương người vợ chia tay vĩnh viễn với xương chồng (xương vĩnh biệt xương), trở về lại để chờ ngày làm lễ nhập kút vào dòng họ mình.

    Tất cả những hộp xương đều được bày lên bàn thờ. Trên bàn thờ có bánh, rượu, thịt và một khay lửa trầm hương. Bà con hàng xóm đến viếng, uống rượu, chúc mừng. Trong những ngày mang hộp xương về nhà, không khí trong gia đình vui vẻ, con cháu trong thân tộc còn rước hộp xương đến từng nhà. Đến nhà ai, nhà đó chúc mừng, mời uống trà, uống rượu. Hộp xương được thờ trong nhà từ thứ bảy đến tối thứ hai trong tuần.

    Sáng thứ hai, người nhà mời các vị chức sắc đến làm lễ tẩy uế xương. Lúc này, các hộp xương của các gia đình được tập trung lại. Người nhà cùng các chức sắc phân loại các hộp xương. Xương của những người chết "trọn vẹn" sẽ được nhập vào kút chính. Xương của những người chết không "trọn vẹn" phải đưa vào kút phụ. Những hộp xương nào chưa được phân định rõ ràng thì vẫn được nhập vào kút chính nhưng phải chôn nguyên cả hộp, đề phòng sau này phát hiện ra hộp xương đó không đủ tiêu chuẩn nhập vào kút chính, có thể lấy ra dễ dàng.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Nghi lễ tẩy uế xương của chức sắc.

    [​IMG]

    Sáng thứ ba, các hộp xương được tập trung tại nhà trưởng tộc. Hai đến ba hộp xương được xếp vào một chiếc kiệu. Những chiếc kiệu này người Chăm gọi là "thang thun" (sang thôh ), có nghĩa là "nhà ma". Tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, Huyện Ninh Phước, có gia đình làm kiệu giống như chiếc chà kung trong lễ hỏa thiêu, cũng có hình bầu tượng trưng cho bụng người đàn bà mang thai sắp sinh nở, được trang trí rất đẹp. Những chiếc kiệu được xếp thành hàng và được khiêng ra nghĩa địa.

    [​IMG]

    Các kiệu Klaong được sắp xếp trật tự trước khi được đưa ra nghĩa địa Kut.

    Những chiếc hộp xương được đặt lên trên những chiếc cổ bồng cao, bên dưới có lót một lớp gạo. Những chiếc cổ bồng này được xếp thành hàng theo chiều đông tây và phân chia theo giới tính (nam theo nam, nữ theo nữ) và được phủ lên những bộ quần áo, trang phục cổ truyền Chăm. Trước mỗi cổ bồng có các mâm lễ, lễ vật gồm có một mâm bánh xếp cao, một con dê, ba con gà luộc, cơm, canh v. V.. Người nhà lấy trang phục ra mặc cho những tảng đá kút (sau khi các tảng đá kút đã được các chức sắc làm lễ tẩy uế) .

    Các vị chức sắc Bàlamôn ngồi trước dãy cổ bồng, mặt xoay về hướng nam. Thân nhân của các kút ngồi đối diện. Thầy cả sư làm lễ tẩy uế và tắm cho xương. Thầy mở từng hộp xương, đếm xem có đủ 9 miếng xương hay không? Nếu thiếu, phải lấy mảnh nào đó đập làm đôi sao cho đủ. Sau đó ông cho vào chậu rửa xương bằng nước có pha cát lồi (ia mu), lau khô và cho vào hộp, để lại lên cổ bồng và bắt đầu lễ tế. Những người thân trong gia đình của những chiếc hộp xương nằm sấp xuống lạy trước những chiếc cổ bồng, mỗi người ba lần. Những chiếc hộp xương được chia làm bốn mâm theo giới tính và theo kút chính, phụ và mang vào nhà lễ.

    Sau khi làm lễ tẩy trần bản thân, ông thầy ngồi xuống trước các bia kút đọc thần chú. Ông tháo các hộp xương, bỏ các miếng xương vào trong bốn chiếc bị làm bằng vỏ cây tràm. Sau đó, ông làm phép để đào 5 lỗ trước 5 bia kút. Đa số các bia kút của người Chăm là 5 chiếc, là 5 cột đá được bố trí như sau: Ở giữa là kút mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar, 2 kút phía đông (dương) là kút dành cho đàn ông, 2 kút phía tây (âm) là kút dành cho đàn bà (ngoài ra còn có kút 7, kút 9 bia nhưng đều được bố trí theo nguyên tắc trên.

    Ông thầy rải 3 chiếc lá mít thành hình tam giác tạo hình yoni trên các miệng lỗ (theo nhà nghiên cứu Phan Quốc Anh, nghi lễ tang ma của người Chăm Bàlamôn, trong đó có lễ nhập kút, luôn thể hiện các biểu tượng phồn thực với mục đích là "tái sinh" cho những linh hồn về thế giới bên kia, đây là dấu ấn của Shiva giáo). Ông thầy khấn thần linh cho phép những linh hồn của những người đã chết này được hóa thần, dùng một chiếc lưỡi liềm cuốn vải đỏ làm phép trấn bùa trừ tà trên miệng lỗ rồi bỏ những mảnh xương vào lỗ. Thứ tự như sau:

    Tại lỗ trước bia kút lớn ở giữa (kút Pô Inư Nưgar), ông chỉ bỏ xuống 9 hòn sỏi và 9 miếng trầu têm rồi vẽ bùa trấn. Sau đó ông bỏ xương của đàn ông chết "trọn vẹn" vào 2 kút chính của đàn ông (phía đông kút giữa), xương của đàn bà chết "trọn vẹn" vào 2 kút chính của đàn bà (phía tây). Xương của những người "chết xấu – chết không trọn vẹn" phải đem đi bỏ xuống lỗ ở kút phụ (ở ngoài hàng rào nghĩa địa kút).

    Sau khi bỏ hết các mảnh xương vào lỗ kút, ông thầy trấn bùa rồi lấp các lỗ kút lại, san phẳng. Sau khi đã nhập xương vào kút, ông kathành (kadhar) kéo đàn kanhi và hát tang ca để ông cả sư làm các lễ thức như "khai mắt thần" (Băch pakăk mư ta yang), lễ thức "tắm ngẫu tượng" và "tế các bia kút". Ngoài ông cả sư pô xà và ông ka thành, còn có bà múa bóng của khu vực tôn giáo (Muk pajau). Sau đó, dàn nhạc nổi lên, bà bóng lên đồng, bà sẽ được thần linh cho biết là lễ nhập kút đã hoàn thành tốt hay chưa? Gia đình và các thầy cả sư đã lựa chọn chính xác các tiêu chuẩn được nhập vào kút chính hay chưa? Nếu có trường hợp nhầm lẫn vô tình hay hữu ý mà nhập phải những linh hồn chết không "trọn vẹn" sẽ làm thế giới tổ tiên bị xáo trộn, không yên ổn và vì vậy, những người đang sống cũng sẽ lao đao. Gặp những trường hợp như vậy phải đào kút lên loại bỏ và phải làm lễ nhập kút lại. Tuy nhiên trường hợp này hầu như không xảy ra vì quy trình làm nghi lễ tang ma rất chặt chẽ và mọi người cũng rất sợ thần linh, muốn cho thế giới tổ tiên luôn trong sạch nên làm rất cẩn thận và chính xác. Chốn linh thiêng không thể làm bừa, làm ẩu.

    Nghi thức mời các thần dự lễ đã xong. Đến phần múa của bà bóng. Ban nhạc gồm trống paranưng, đàn kanhi, kèn saranai. Bà bóng nhảy múa say sưa. Đến điệu múa hầu Chaykathun, trong tiếng trống paranưng dồn dập, tiếng kèn saranai réo rắt, tiếng kanhi ai oán và tiếng mọi người hú hét "a hay! À hay!", bà bóng múa dồn dập và bắt đầu lên đồng rồi báo cho mọi người biết những linh hồn đã được hóa về với tổ tiên trên thiên đàng hay chưa? Sau đó, bà bóng múa tiếp điệu múa tiễn biệt các linh hồn (Khú tănk pặt) về với tổ tiên, những người thân thứ tự nằm sấp, hướng về bàn tổ mà lạy (trước khi lạy, mỗi người đều buộc một chiếc khăn ngang bụng). Tiếp đến là màn "múa mừng" (Mưja thuonh) cho những linh hồn mới đã gặp những linh hồn cũ ở thế giới tổ tiên. Sau khi bà bóng múa, thầy cả sư, các vị chức sắc rồi tất cả mọi người đứng lên múa mừng. Trong nghi lễ tang ma của người Chăm, chỉ đến khi làm lễ nhập kút kết thúc, linh hồn người chết mới nhập xong về với tổ tiên nên mới có màn múa mừng, cũng có nghĩa là nghi lễ tang ma đến đây mới kết thúc.

    Những đêm nhập kút, mọi người thường đánh trống, kéo đàn, hát và nhảy múa vui vẻ thâu đêm. Những người phụ nữ dọn cơm cho tất cả mọi người ăn mừng cho linh hồn người chết đã được giải thoát, nhập về thế giới tổ tiên. Sáng hôm sau, ông thầy cả sư pô xà lại làm lễ tẩy uế các bia kút và làm lễ tế các linh hồn tổ tiên lần cuối cùng. Con cháu trong gia tộc nằm lạy tổ tiên, cầu phúc cho mọi sự tốt lành. Đúng một năm sau, tộc họ lại mời thầy pà xế đến làm lễ mở cửa kút (pơ bơng kút ). Linh hồn người chết coi như đã về với tổ tiên, coi như đã hóa thần và về xứ sở ông bà (nao ngar muk kay). Theo quan niệm của người Chăm thì thế giới bên kia có ba cõi những người chết "trọn vẹn" sẽ được giải thoát lên thiên đàng, còn những người "chết xấu" sẽ phải đến những vùng xấu hơn, thậm chí phải xuống địa ngục để chịu những cực hình tra tấn, lại có những linh hồn được "tái sinh", "hóa kiếp" nhập vào một đứa bé nào đó hoặc một con súc vật nào đó ở cõi trần, tuỳ theo dòng dõi tộc họ và công, tội khi còn sống ở nơi trần thế.

    Hàng năm, vào ngày giỗ, cả tộc họ cùng nhau tổ chức ra thăm nghĩa địa và cúng kút.

    Người Chăm Ahiér sinh sống tập trung đông nhất ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Sinh hoạt tôn giáo trên các đền tháp do các chức sắc Po Basaih hướng dẫn. Người Chăm Ahiér khi chết đi thì làm lễ hỏa táng. Người ta chỉ giữ lại 9 miếng xương vùng trán như đồng xu đựng trong hợp Klaong. Sau này "trả lại" cho dòng tộc nhà trai để tiến hành nghi lễ nhập Kut về nằm trong nghĩa trang dòng mẹ.

    Người Chăm có câu tục ngữ:

    "Daok hadiep ngap mbeng ka urang

    Matai nao ba talang ka amaik"

    Nghĩa là:

    "Còn sống thì tạo ra của cải cho người dưng

    Đến khi chết đi thì mang xương về trả cho mẹ"

    Thời gian tổ chức nghi lễ nhập Kut khoảng 10-20 năm tiến hành một lần. Khi dòng tộc đã tập hợp được nhiều Klaong. Để tiến hành nghi lễ nhập Kut, bên gia đình vợ có trách nhiệm mang Klaong về bàn giao cho dòng tộc nhà trai. Các Klaong được khiêng đi trên kiệu đến Kut để tiến hành nghi thức Patrip talang kapuel và Patrip talang haram. Sau đó, các hộp Klaong được tập trung lại để phân loại theo giới tính, thành phần xã hội, tình trạng chết xấu hay chết tốt, những người chết bị mất xác v. V. Để đưa vào hàng đá Kut theo quy định. Những hàng đá Kut ở phía đông dành cho giới tính nam, những hàng đá Kut ở phía tây dành cho giới tính nữ. Hàng đá ở chính giữa dành cho những người có địa vị chức sắc. Ngoài ra, còn có hàng đá dành cho những người chết xấu, chết mất xác và hàng đá Kut dành cho những người có quan hệ hôn nhân với thành viên trong dòng tộc.

    Thực hiện nghi lễ nhập Kut là chức sắc Po Adhia, Po Bac và Po Basaih, ông Kadhar và bà Pajau. Đầu tiên, các chức sắc lập một cái bàn tổ ở hướng Đông-Bắc để trình báo với thần linh về việc nhập Kut của dòng tộc. Cầu xin thần linh phù hộ công việc nhập Kut thành công, con cháu đoàn kết, yêu thương nhau, làm ăn phát triển. Sau đó, các chức sắc làm nghi thức tẩy thể (Ricaow), dùng nước làm động tác tắm rửa cơ thể, gội đầu cho thanh sạch.

    Tại vị trí các Klaong đã được phân loại xong nằm đối diện với hàng đá Kut và được che chắn 4 mặt bằng lá cây rừng. Chức sắc Po Adhia lấy túi gạo đựng trong vải trắng ra rắc bột gạo và vẽ bùa lên trên, đặt lá khô lót những miếng tăm có gắn cơm vo tròn như viên bi. Lúc này, các Klaong đựng 9 miếng xương trán được mở ra và đổ chung lại với nhau trong mo cau, gói lại và buộc chỉ trắng. Mỗi cái mo cau có gắn một chiếc nhẫn bằng vàng.

    Po Adhia và Po Bac ngồi trước hàng đá Kut, gậy thần (Agai jâ) để gác lên vai, hai tay cầm 2 lưỡi liềm được bao lại bằng vải màu đỏ, đưa qua đưa lại trên miệng hố Kut rồi đọc bài kinh khấn:

    Hec labang amu labang katuec

    Nduec marai tok panoja

    Di palak tangin yakau ni

    Dịch nghĩa:

    Hỡi các con mối đang ở gò mối

    Chạy lại đây nhận lễ vật

    Trên bàn tay của tôi nè

    Sau đó, Po Adhia sử dụng cây gậy khiều chiếc mo cau đựng xương mang thả vào hố nhỏ ở từng hàng đá Kut. Lần lượt tiến hành như vậy, bắt đầu từ hàng đá Kut ở phía Tây sang phía Đông. Rồi, lắp đất lại như ban đầu. Khi xương đã được đưa xuống đất Po Adhia đọc bài kinh khấn.

    As sa danaok saong Débita

    Bangu sa coh nao jieng anâk jieng tacaow

    Dịch nghĩa:

    Cùng một vị trí với Débita

    Một đóa hoa tạo thành con thành cháu

    Những cây nến bằng sáp ong được thắp sáng lên ở các hàng đá Kut. Po Adhia và ông Kadhar thực hiện nghi thức khai mắt thần yang (Bac pakak mata yang).

    Người ta tắm cho đá Kut, mặc trang phục cho đá Kut. Sau đó, Po Adhia sẽ bàn giao lại công việc cho chức sắc Kadhar và Pajuw hát lễ và múa lễ.

    Ông Kadhar hát về các thần linh như Po Ginuer Matri, Thang Yang Thang Bang, Po Ina Nagar, Po Pan, Po Thun Girai, Po Girai Bhaok, Po Sah, Po Klaong Kasait, Po Ramé, Po Bia Than Can, Bia Than Cih, Bia Binân, Po Cei Tathun, Po Tang, Po Rayak, Po Gahlau v. V.

    Hát về các thần linh xong, ông Kadhar hát cho các chức sắc múa mừng cho công việc nhập Kut đã diễn ra thành công và tốt đẹp. Ngoài cây đàn Kanyi, ông Kadhar còn sử dụng thêm nhạc cụ trống Baraneng vừa hát vừa đệm các nhịp.

    Cuối cùng, Po Adhia sẽ làm nghi thức thánh tẩy khu vực Kut và làm phép đóng lại cửa Kut. Nghi lễ nhập đến đây hoàn tất. Mọi người ra về, dòng tộc phải thực hiện kiêng cữ trong suốt một năm không sát sinh động vật, không tổ chức nghi lễ nào nữa.

    Nghi lễ nhập Kut của người Chăm mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc "Lá rụng về cội". Lúc sinh thời có thể sinh sống ở bất kỳ nơi nào. Nhưng, khi chết đi phải về nằm trong lòng đất mẹ về lại với dòng tộc và xóm làng.

    Theo quy định của phong tục, người Chăm phân chia Kut thành hai loại: Kut PraongKut Hangin .

    Kut PraongKut dành cho những người chết bình thường, hay còn được gọi là chết "trọn vẹn" ở trong làng dưới sự chứng kiến của gia đình, thể xác còn nguyên vẹn và có người đỡ trên tay lúc tắt thở. Kut HanginKut dành cho những người chết "không trọn vẹn", như chết ở ngoài làng, chết bờ, chết bụi, chết đuối, chết trận, chết do bệnh tật, chết không toàn thây như bị tàn tật, đui, què.. hoặc mất một phận của thân thể.

    Đối với người Chăm Ahier, từ khi sinh, chết và trở về với tổ tiên là một quá trình trãi qua nhiều bước nghi lễ khác nhau. Trong đó, nghi lễ ba talang tamư Kut (nhập Kút) là giai đoạn cuối cùng từ biệt người thân vĩnh viễn về với tổ tiên và thế giới thần linh.

    Để thực hiện nghi lễ này, đòi hỏi phải hội đủ 3 giới chức sắc: Po Dhia – Bac ; Ong Kadhar; Muk Pajau . Mỗi giới chức sắc đều có vị trí, vai trò và nhiệm vụ khác nhau cùng thực hiện các nghi thức hành lễ.

    Po Dhia – Bac đóng vai trò chủ lễ, đảm trách công việc tẩy uế xương, nhập xương vào Kut, tắm gội Patau Kut, mặc áo cho Patau Kut, hóa thần vào Patau Kut và tế lễ thần linh.

    Ong Kadhar đóng vai trò mời gọi tổ tiên và thần linh để chứng kiến buổi lễ, bằng cách hát những bài thánh ca và đệm nhạc bằng nhạc cụ Kanhi.

    Muk Pajau có vai trò dâng lễ cho thần linh và tổ tiên, bằng cách vừa cầu khẩn vừa rót rượu dâng lễ cho từng vị thần, tổ tiên và làm trung gian cầu nối tiếp xúc giữa cõi sống và cõi chết, giữa con cháu và tổ tiên, giữa thần dân và các vị thần, đồng thời thực hiện những điệu vũ chúc mừng lễ nhập Kut thành công tốt đẹp và sau cùng tiễn đưa các vị thần linh, tổ tiên và những linh hồn vừa mới được nhập Kut về với thế giới vĩnh hằng, thế giới tổ tiên, thế giới thần linh.

    Những vị thần được mời trong nghi lễ nhập Kút thường gồm có các vị thần tiêu biểu như Po Ginuer Patri, Po Ina Nagar Aya Trang, Po Ina Nagar Marau, Po Ina Nagar Hamu Ram, Po Par, Po Dara Nainaih, Po Klaong Girai, Po Romê, Po Tang, Po Gihlau, Po Riyak, Po Dam..

    Người Chăm quan niệm thế giới của chúng ta đang sinh sống chỉ là một thế giới tạm thời. Họ ví thế giới này như là một cuộc đi buôn với một thời gian rất ngắn ngũi. Còn thế giới bên kia mới là thế giới vĩnh hằng. Đó là thế giới của tổ tiên, dòng họ và các vị thần. Do đó, Kut rất linh thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Họ tin rằng Kut là nơi ông bà tổ tiên hóa thân, có quyền năng siêu hình, có thể che chở, ban phúc lộc, giải trừ nghiệp chướng, những điều rủi ro cho con cháu trong dòng tộc. Con cháu phải có trách nhiệm làm lễ nhập Kut và thờ phụng tổ tiên. Chỉ khi được nhập Kut, người chết mới về với thế giới ông bà tổ tiên (nagar muk akei) và cõi thiên đàng (swor riga) .

    Những điều kiêng kỵ

    Thứ nhất, cùng với trầu cau thì thịt dê, gà, vịt là những món cúng bắt buộc phải có trong lễ nhập Kut. Trong các nghi lễ khác của người Chăm cũng tương tự. Và người Chăm đặc biệt kiêng sử dụng thịt heo.

    [​IMG]

    Các thức cúng thông thường của người Chăm

    Thứ hai, trong nghi thức lễ nhập Kút, điều kiêng kị là không được dùng xe để chở các kiệu klaong mà phải đi bộ.

    [​IMG]

    Đoàn người đi bộ rước kiệu klaong tới nghĩa địa Kut

    Thứ ba, sau lễ nhập kút, trong vòng một năm tộc họ đó phải để tang cho người chết, cấm tuyệt đối trong tộc họ không có ai được phép dựng vợ gả chồng, không được làm đám tang, không được tổ chức lễ ăn mừng dù đó là lễ Tết cổ truyền lớn nhất của người Chăm như lễ Katê, lễ Rija.. Vì cho rằng, các linh hồn người chết còn đang hóa thần trong kut. Nếu trong tộc họ có người chết, phải làm lễ "chôn gửi", không được làm nghi lễ tang ma (vì chôn gửi chưa được gọi là lễ tang).
     
    Minh Hikari thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...