Nhật ký phòng mạch buổi chiều

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi TRANG SACH, 2 Tháng bảy 2020.

  1. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 1.

    Ngày 2/7/20, 18: 24

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người phụ nữ N T M, 60 tuổi ôm đầu, nhắm mắt, đi không vững, được cô gái dìu vào phòng khám.

    "Mẹ em bị hoa mắt, chóng mặt hai ngày nay, không đi đứng được."

    "Chị có đang uống thuốc trị bệnh gì không?"

    "Mẹ đang uống thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường mỗi ngày."

    "Có uống thuốc đều và khám đo huyết áp theo dõi không?" Bác sĩ hỏi.

    "Mẹ vẫn uống thuốc đều và có bác sĩ khám mỗi ngày ở nhà." Vẫn cô gái đi theo trả lời.

    Khám: HA 170/110 mg Hg, mạch 102. Tim nhanh, mạnh. Bệnh nhân hồi hộp, đánh trống ngực.

    "Chị uống thuốc thế nào, có mang theo thuốc để bác sĩ xem không? Huyết áp cao quá." Bác sĩ hỏi sau khi thăm khám.

    "Huyết áp em hôm trước 110, sợ tuột huyết áp nên em không uống thuốc nữa." Bệnh nhân giờ mới nói rõ đã bỏ thuốc huyết áp hơn hai tháng. Khi nào mệt mới đi khám bệnh thôi. Chỉ uống thuốc tiểu đường.

    "Con nói mẹ rồi, mẹ phải uống thuốc đều như mẹ con. Mẹ con đã bị tai biến rồi, giờ phải uống thuốc đều."

    Giờ mới thấy thông tin không đúng. Cô con dâu nói với bác sĩ khác với bệnh nhân (người mẹ). Nếu uống thuốc đều, khám đều mà giờ choáng, huyết áp cao, xử lý của bác sĩ khác với việc tự ngừng uống thuốc.

    Vấn đề bệnh nhân không uống thuốc huyết áp đều đặn mỗi ngày rất nguy hiểm, mà lại quá hay gặp. Mình cũng ráng thuyết phục, nhưng thật khó để họ tuân thủ. Xui rủi, và rất dễ xui rủi, khi bị đột quỵ thật tội. Khi bị rồi họ lại tiếc là không nghe lời bác sĩ.

    19: 50

    "Chú qua xem ông H nhà chị giúp. Ổng bị tai nạn nằm viện gần tháng nay rồi."

    Nhà anh H cách phòng khám bốn căn. Anh 66 tuổi, làm thầu xây dựng, hào sảng, hoạt bát, khỏe mạnh.

    Anh H nằm trên giường, vẫn tỉnh táo, nhưng phần dưới liệt hoàn toàn, đại tiện, tiểu tiện tự ra hai túi ni lông. Đôi mắt thất thần, bất lực.

    Sau cử nhậu cuối tuần quá chén, trên đường về bị tai nạn giao thông, tổn thương tủy sống cổ và ngực.

    Vợ anh một đời vất vã. Giờ anh H nằm như thế cho đến bao giờ..

    Ngoài trời vẫn mưa rả rích..

    Bao nhiêu người ở quán nhậu vẫn dô dô..
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng ba 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 2.


    4/7/20: Quốc khánh Mỹ.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    20: 05

    Cuối ngày, còn ba bệnh nhân.

    Thằng bé V V T 14 tuổi bò từ cửa đến bàn khám của bác sĩ.

    "Cháu nó không đứng dậy đi được à?" Bác sĩ hỏi người đàn ông đi theo.

    "Dạ nó không đứng đi được bác."

    "Bao lâu rồi?"

    "Dạ thưa không biết nữa, chắc hơn tuần."

    "Đã đi khám bệnh và dùng thuốc gì chưa?"

    "Chưa uống thuốc gì cả, bác." Người đàn ông trả lời.

    "Cháu nó không đứng đi được, phải đi bệnh viện khám kiểm tra nhiều thứ, phòng mạch bác không làm gì được đâu."

    Thằng bé nãy giờ vẫn ngồi dưới sàn gạch, mắt nhìn ngơ ngác. Nó rất gầy, chừng chưa tới hai lăm ký, tay chân khẳng khiu, co quắp, nhìn thật thương.

    "Bác khám giúp cháu nó với.

    Bố mẹ nó tận ngoài bắc, gần biên giới." Người đàn ông năn nỉ.

    "Anh là gì của nó?"

    "Nó may gia công cho nhà cháu."

    Bác sĩ khám: Cân nặng: 23, 5 kg, tim đều, phổi trong, huyết áp bình thường. Phản xạ thần kinh chưa phát hiện bất thường.

    "Cháu nó mấy tuần nay có đi lại, làm việc thế nào?"

    "Nó lười biếng lắm bác, không đi lại gì cả, ngồi bàn may lết qua sàn ăn, lết qua xem ti vi. Cứ vậy mấy tháng nay rồi."

    "Bác chỉ cho toa thuốc đỡ một ngày thôi, mai tái khám lại. Lẽ ra nên đi bệnh viện để chụp hình kiểm tra hệ thần kinh, hệ cơ xương khớp."

    Vì người chủ may gia công sợ tốn kém. Cha mẹ thằng bé lại ở xa, và chắc chắn rất nghèo.

    Bác sĩ chẳng biết làm sao, chỉ cho thuốc tạm một ngày, theo dõi tình trạng tiếp theo xem.

    Chỉ mong là thằng bé chỉ suy nhược cơ thể, yếu cơ do không vận động quá lâu ngày..
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  4. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 3.


    6/7/20

    18: 55

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thằng bé khập khểnh đi vào. Bác sĩ nhìn hồ sơ tên V V T, 14 tuổi yếu liệt hai chi dưới 4/7, ngày Quốc khánh Mỹ.

    "Cháu đi được rồi à?" Bác sĩ cũng quá ngạc nhiên.

    "Mừng cho cháu, vậy lý do cháu không đi đứng được là cháu không chịu vận động.

    Sau này cháu phải vận động, tập thể dục, không thì sẽ teo cơ, máu huyết không lưu thông được. Nếu bị lâu ngày không phục hồi được sẽ khổ thân mình và cả cha mẹ nữa."

    "Anh phải bắt tụi nhỏ vận động, không thì khổ cho cả anh nữa đó!" Bác sĩ cảnh báo người chủ may gia công.

    "Tiếp tục toa thuốc và quan trọng là tập vận động mỗi ngày. Phải cho thằng bé ăn uống khá vào, chứ thấy da và xương, không thấy cơ và bắp thịt đâu cả."

    "Tụi nó cứng đầu lắm bác ạ, lười ăn uống, lười vận động, chỉ chúi đầu vô ti vi và điện thoại thôi." Người chủ phàn nàn.

    "Bác biết mà, vùng này muỗi như ong, lại có dịch sốt suất huyết mà không đứa nào chịu ngủ mùng. Nhận thức về bảo vệ sức khỏe của tụi nhỏ còn kém. Mình phải ra rả mỗi ngày thôi. Mưa dầm thấm lâu vậy. Lấy trường hợp cháu V V T để cảnh báo tụi nhỏ về việc vận động cơ thể quan trọng như thế nào."

    Thằng bé T vẫn ngơ ngác nhìn, có thể không hiểu hết, vì tiếng Việt nó lơ lớ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  5. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyên thứ 4.


    Bấm để xem
    Đóng lại
    8/7/20, 19: 46

    Người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, vẻ mặt lo lắng xin phép những bệnh nhân đang ngồi chờ.

    "Xin lỗi, hỏi bác tí, vợ em bị ung thư não, bệnh viện đã cho về, ba bữa nay sốt, ói, không ăn uống được, mệt quá. Bác sĩ có xem giúp được không?"

    Bác sĩ phân vân, suy nghĩ, mình giúp được gì trong trường hợp này đây.

    "Thôi, cứ đưa đến bác xem, cầm theo các giấy tờ xét nghiệm, hình ảnh của bệnh viện luôn nhé."

    Gần 30 phút sau, một phụ nữ được dìu vào phòng khám.

    "Bác nhớ vợ em không? Hơn ba tháng trước, vợ em đến khám bác kêu đi bệnh viện ngay."

    Trước mặt bác sĩ là một phụ nữ, cô N T T H, 45 tuổi, cao, gầy guộc, da xạm đen, đầu không còn tóc.

    "Tôi nhớ rồi, hơn ba tháng trước, cuối tháng 3, trước lệnh giãn cách xã hội do covid 19.

    Em đi khám chỉ một mình."

    Lúc đó cô H khai bệnh:

    "Em tê và yếu tay chân mấy ngày nay."

    Bác sĩ kiểm tra huyết áp, mạch.. tất cả đều trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý khác, hoàn toàn khoẻ mạnh.

    "Em có dấu hiệu nhũn não, báo hiệu chứng tiền đột quỵ, nên vào bệnh viện lớn ngay, không được chậm trễ. Em hơi liều đó, khi chỉ đi một mình."

    "Mai đi viện được không bác?"

    "Không, đi ngay bây giờ."

    "Em gửi tiền."

    "Không cần đâu, đi bệnh viện lớn ngay nhé."

    Bác sĩ vẫn nhớ H, một phụ nữ dong dỏng cao, khuôn mặt hiền, đẹp sáng sủa, tóc mượt dài. Một khuôn mặt thánh thiện.

    Vậy mà tai họa lại giáng xuống cô ấy. Lấy chồng muộn, con gái mới 7 tuổi.

    "Hôm đó em đi viện liền?"

    "Không bác, hôm sau chị em mới đi. Do ở nhà tối đó không có ai. Vào bệnh viện họ cho làm MRI ngay. Diễn tiến bệnh nhanh quá. Chiều hôm đó là liệt hẳn tay chân." Cô em gái trả lời. "Kết quả MRI là nhiều u nhỏ trong não."

    "Bệnh viện nghi ngờ ung thư nơi khác di căn não, nhưng làm MRI toàn bộ các cơ quan nhưng không phát hiện u chỗ khác."

    "Hóa trị đã 8 đợt thuốc, chị đáp ứng, hồi phục nhanh, hai tuần sau vô thuốc đã đi lại được, cả nhà ai cũng mừng. Hôm nhập viện, chị liệt tay chân, anh rể, đàn ông mà ảnh khóc la thảm thiết ngay trong bệnh viện. Anh chị có con gái còn nhỏ quá."

    Sau khi thăm khám bác sĩ nói:

    "Giờ, ngoài u não đáp ứng tốt với hóa trị, mấy ngày nay mệt do sốt siêu vi, viêm họng, amidan. Vì ói và không ăn uống được, nên truyền dịch, lau mát bằng nước ấm liên tục, uống panadol 500mg mỗi 4-5h."

    Cô H mệt, nhức mình kinh khủng, trở mình nhiều lần.

    Bác sĩ, người chồng, cô em gái đi theo, ai cũng ước là u não của cô H không quá ác. Một điều ước trong vô vọng, nhưng ai cũng ước mong như thế cả.

    "Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại." (Danh ngôn).
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  6. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 5.


    Ngày11/7/20, 19: 16

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cô N T T H, u não đến khám mấy hôm trước do sốt siêu vi, viêm họng nay đã khỏe. Cô đến tái khám, vui vẻ, tỉnh táo.

    "Bác cho em khoẻ để chuẩn bị tuần sau vô thuốc theo hẹn, hôm rồi sốt, mệt quá sợ trễ lịch, hôm nay em khỏe hẳn rồi."

    "Cố lên nhé, đừng bi quan, tinh thần tốt sẽ giúp cơ thể vượt qua bệnh tật." Bác sĩ động viên.

    Cháu gái 7 tuổi con cô H thật dễ thương, khuôn mặt trắng hổng, mắt tròn ngây thơ. Người chồng chở hai mẹ con về trong niềm vui bi bô của con trẻ, mọi người tạm quên đi căn bệnh quái ác kia.

    19: 55

    Thằng bé 3 tuổi, chạy nhảy, múa máy không ngừng nghỉ.

    "Ngồi yên cho bác sĩ khám nè." Người mẹ trẻ la.

    "Con cháu sưng bìu dái từ chiều, cháu xức dầu giờ có giảm, không biết có con gì cắn không."

    Bác sĩ khám: Bìu dái bên phải to, không sưng đỏ.

    "Cho bé nằm trên giường giúp bác."

    Bác sĩ sờ nhẹ, đẩy lên, bìu phải nhỏ lại.

    "Bé bị vậy nhiều lần chưa?"

    "Lần thứ ba rồi, bác. Bé than đau, cháu xem thấy sưng bìu, nằm nghỉ vài giờ là hết sưng à."

    "Bệnh của bé gọi là thoát vị bẹn do tồn tại ống phúc tinh mạc. Nói đơn giản dễ hiểu là thành bụng có vị trí này yếu. Ruột, mạc nối có thể đi xuống qua lổ đó gây sưng phồng ở bẹn hoặc bìu dái, không bị con gì cắn cả. Thấy thì đơn giản vậy, bé nằm nghỉ một vài giờ là hết, nhưng thực sự là bệnh rất nguy hiểm. Rủi thay, đi du lịch xa, phần ruột xuống bìu kẹt lại, thắt lại gây đau dữ dội, nếu để lâu có thể hoại tử. Mai cháu nên đưa bé đi bệnh viện nhi để người ta kiểm tra xem có cần mổ hay không."

    "Giờ cần uống thuốc gì không hả bác?"

    "Giờ không cần thuốc mà phải giữ bé, hạn chế cho bé nhảy mạnh."

    Thằng nhỏ vẫn vô tư chạy nhảy, quậy phá vui vẻ. Nó không biết là người mẹ, và bác sĩ đang lo về căn bệnh của nó. Trẻ thơ thật hồn nhiên.

    "Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp ."
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  7. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 6.


    Ngày 13/7/2020, 20: 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phòng mạch chuẩn bị đóng cửa.

    Hai thanh niên hớt hải khiêng vào cụ già, bê bết đất cát, trán và mi mắt phải trầy xước và bầm tím.

    "Đưa bác ấy nằm lên giường giùm luôn hai anh."

    "Tụi cháu thấy ông cụ nằm bên đường nên đưa đến cho bác sĩ."

    Huyết áp 240/120 mgHg

    Mạch 112 lần/ phút

    Thở: 30 lần/ phút, không sốt.

    Từ ông cụ xông ra mùi rượu nồng nặc.

    Toàn thân chỉ bầm mi và trầy xước vùng trán.

    Xử lý: Cho ngậm thuốc hạ áp.

    "Các anh báo người nhà ông cụ rồi chứ?"

    "Dạ báo rồi bác, có điện thoại trong túi ông cụ."

    "Ông cụ Th này tui cấp cứu lần này là thứ tư rồi. Lần nào cũng té và mấy cậu thanh niên khiêng vào."

    Sau 15 phút, huyết áp xuống 180/100, mạch 94. Ông cụ thở nhẹ hơn.

    Một bà cụ lưng còng, người nhỏ nhắn hớt hải đi vào "ổng sao rồi bác sĩ?"

    "Con đã nói với hai bác trong ba lần trước rồi. Lúc nào huyết áp của bác trai cũng cao kinh khủng. Để tai biến liệt nằm một chỗ thì khổ, phải uống thuốc đều mỗi ngày và uống rượu ít thôi."

    "Bác sĩ giỏi lắm" Ông Th đã tỉnh nói "Tui uống thuốc bác sĩ mấy ngày là khỏe thôi." Ông cụ lè nhè nói.

    "Tiền con cái cho mấy triệu, ổng đi khám bệnh viện, uống thuốc mấy ngày, còn lại để uống rượu." Bà vợ nói

    Hai ông bà năm nay đều đã 73 tuổi.

    "Bác trai cố gắng nghiêm túc uống thuốc huyết áp, mỗi ngày 3-5 ngàn thôi. Nếu không uống thuốc mỗi ngày, một ngày nào đó chắc chắn bác sẽ bị tai biến. Lúc đó khổ thân bác, cả vợ con nữa, tiền thì một vài trăm triệu cũng không đủ." Bác sĩ cảnh báo lần thứ tư, nhưng chắc đối với ông cụ chỉ như nước chảy lá môn thôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  8. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 7 (Tiếp theo câu chuyện thứ 1)


    Ngày 15/7/20, 19: 45

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chị vợ anh H khóc nức nở "chú ơi, ổng nằm vậy hoài sao, làm sao tui sống nổi"

    (Anh H là bệnh nhân bị chấn thương tủy sống do tai nạn giao thông sau chầu nhậu quá chén)

    "Cố thôi chị, biết làm sao, ảnh bị chấn thương tủy cổ và ngực, khó hồi phục. Chỉ cầu trời khấn Phật, ráng chăm sóc vệ sinh cho tốt, chờ đợi và hy vọng vậy." Bác sĩ động viên.

    "Lúc trẻ khỏe làm có tiền thì đánh đập vợ con, bồ lớn bồ bé. Giờ thằng con trai thấy bố ị ra là nó bỏ chạy. Con dâu thì không quan tâm. Chỉ mình tui sao chịu nổi.. Cho đến bao giờ.." nước mắt chị tuôn lả chả.

    Anh H nằm một chỗ hơn hai tháng. Từ ăn uống, vệ sinh chị vợ phải làm cả. Cái khổ của anh là anh hoàn toàn tỉnh táo nhưng bất lực nhìn cơ thể hoàn toàn tê liệt.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  9. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 8.


    Ngày 17/7/20, 20;00

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mấy hôm nay phòng mạch không có những ca bệnh cho cảm xúc buồn, ngoài trời cũng tạnh ráo, không còn những cơn mưa rả rích. Những bệnh thông thường, sốt siêu vi, điều trị hạ sốt, bệnh nhân khoẻ. Những bệnh nhân cao huyết áp tuân thủ điều trị cho huyết áp ổn định, không còn nhức đầu, đau ngực, ngủ ngon..

    Nhưng bác sĩ đã được người nhà, bạn bè đặt tên "người luôn đưa tin buồn" Vì khi số điện thoại của bác sĩ đến thì thông thường mọi người nhận tin một người thân đang bệnh nặng, bác sĩ báo để đi thăm động viên, chia sẻ!

    20/5, thầy 65 tuổi, đặt stent mạch vành tim. Ca mổ thành công. Thứ hai, 25/5 thầy xuất viện, khoẻ mạnh, vui vẻ. Báo tin vui cho mọi người.

    Nhưng tai họa ập đến bất ngờ khi thầy lên cơn sốt đột ngột, vàng da ngày 29/5. Điều trị ở bệnh viện tỉnh ba ngày không giảm, chuyển lên thành phố chủ nhật ngày 31/5/20. Sáng thứ tư, 2/6 thầy vào hôn mê và mất tối hôm đó.

    Thật buồn, phải báo tin sốc cho mọi người. Một người thầy có tấm lòng bao dung, với những bài giảng văn thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước. Thầy ra đi đột ngột khiến gia đình, đồng nghiệp, bao thế hệ học trò ngậm ngùi tiếc thương!
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  10. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 9.


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày 21/7/20, 19: 34

    Khi phòng mạch còn ngồi chờ hơn 10 người, một cô gái chừng 30 tuổi mặt mày không còn thần sắc, vừa khóc vừa nói đứt quãng trong hơi thở dốc "bác bác.. chạy qua khám giúp chồng cháu.. đi làm về đang nằm nghỉ, cháu gọi dậy ăn cơm, tay chân không cử động được, không nhúc nhích được.", khóc bù lu bù loa "cháu sợ ảnh bị tai biến"

    "Chồng cháu nhiêu tuổi, có đang tỉnh táo không, nói đớ không, liệt một bên hay hai bên?"

    "Dạ 32, tỉnh bình thường bác ạ, toàn bộ hai tay hai chân không động cựa được mới khiếp chứ."

    Chuẩn bị túi khám xong, bác sĩ xin phép các bệnh nhân đang chờ chạy đi khám cho chồng cô gái.

    Bệnh nhân N V T, nam, 32 tuổi.

    Tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh.

    Chiều nay đi làm về hơi mệt, nằm nghỉ. Đột ngột tứ chi bị liệt hoàn toàn. Ngoài ra không có dấu chứng gì khác.

    Huyết áp, nhịp tim, nhịp thở hoàn toàn tốt. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo. Bác sĩ khám kỹ toàn thân không phát hiện gì ngoài tứ chi bị liệt.

    Thấy tình huống này biết bao người kinh sợ, nhất là lần đầu tiên. Bệnh này là tình trạng hạ kali trong máu quá mức đột ngột.

    Bác sĩ cho một liều kali. Chờ theo dõi 10 phút, bệnh nhân không có gì khác lạ, tay chân bắt đầu nhúc nhích được, bác sĩ yên tâm.

    "Cháu để ý chồng cháu nhé, 30' -60 phút nữa bác quay lại. Có gì gấp gọi bác."

    Hơn 50 phút sau, khám các bệnh nhân khác xong, khi bác sĩ quay lại, mặt hai vợ chồng trẻ tươi như hoa. "Bác sĩ giỏi quá, tay chân cháu cử động bình thường rồi, chỉ còn mỏi và nhức ít thôi."

    "Bệnh này sẽ có nguy cơ tái phát, đặc biệt nguy hiểm khi liệt cơ hô hấp, rối loạn tim mạch, dù rất hiếm. Bác sẽ hướng dẫn xét nghiệm kiểm tra tìm nguyên nhân và cách ngừa tái phát."

    Cô gái nghe bác sĩ nói yên tâm phần nào nhưng vẫn còn rất lo lắng.

    "Cuộc sống biết bao thứ phải lo toan, một căn bệnh từ đâu ập đến. Các cháu phải giữ gìn sức khỏe, tiết kiệm, giành dụm phòng khi rủi ro, đau ốm."..
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng bảy 2020
  11. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 10.


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày 25/7/20, 20: 34

    "Em cháu sốt bác ạ. Cuối giờ xong việc bác ghé qua khám em cháu giúp." Người phụ nữ báo bác sĩ.

    "Em về đi, khám xong hết bệnh nhân bác qua."

    * * *

    Bệnh nhân là TTTD, nữ, 31 tuổi, sốt cao 39, 6 "C, mạch nhanh 102, huyết áp 110/60, nhịp thở 30 lần/ phút

    Ho nhiều, thở mệt..

    Chẩn đoán: Viêm hô hấp/ sốt siêu vi/ loét / bệnh nhân chết não.

    Cô gái ấy thật thương tâm, 31 tuổi, nhưng chỉ như một cô bé, gầy lắm. Mặc dù được chị gái chăm sóc chu đáo, nhưng nằm liệt toàn thân, sống thực vật như vậy đã bảy năm, nhiều chỗ loét ở lưng, chân rỉ dịch.

    Bảy năm trước, khi chưa bị tai nạn, cuộc đời cô gái hai mươi bốn tuổi tràn đầy năng lượng, hạnh phúc, một tương lai rạng ngời. Em là một cô bé miền trung chịu thương chịu khó, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học xong đại học, có việc làm ổn định, có chồng đã hai năm. Một người chồng gương mẫu, con trai duy nhất của một gia đình ở thành phố. Gia đình chồng mua một căn nhà nhỏ cho đôi vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng vừa đi làm vừa học thêm nâng cao nghiệp vụ vào buổi tối.

    Gia đình cô bé ấy những tưởng tương lai của em và cả nhà sẽ thoát khỏi nghèo khó trong chừng năm năm nữa thôi.

    Nhưng thật không may, tai ương giáng xuống gia đình họ.

    Một buổi tối, sau giờ học ban đêm, trên đường về, em bị một quái xế đâm vào. Tai nạn quá nặng, em bị chết não.

    Em đã sống đời sống thực vật như vậy đã bảy năm. Anh hai giờ hơn bốn mươi tuổi ở vậy nuôi mẹ già. Chị gái, bảy năm trước 29 tuổi vào thành phố chăm sóc em đến giờ vẫn không lấy chồng. Người mẹ già ở quê đến giờ vẫn thấy sao lâu quá con gái út không về thăm bà." Nó bận làm việc và học nữa má à "." Ừ, con gái út của má học giỏi nhất xã này mà, nhắn nó cứ yên tâm mà học, má vẫn khỏe!"Cả nhà không ai dám nói sự thật với bà.

    Còn người chồng cũng đang hạnh phúc, ngờ đâu..

    Bảy năm qua biết bao trăn trở, bên tình, nghĩa, bên hiếu..

    Anh là người đàn ông có đạo đức, có tình người, sống sao cho phải lẽ đây..

    (Note: Cô bé thương tâm với đời sống thực vật sau tai nạn)
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...