Nhật ký phòng mạch buổi chiều

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi TRANG SACH, 2 Tháng bảy 2020.

  1. Nguyen Hien Tri

    Bài viết:
    7
    Chào bác! Không ngờ ở đây cũng gặp được đồng nghiệp tương lai ạ.
     
  2. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 21: Một thanh niên.

    Ngày 31/12/2020: 20: 21


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một thanh niên (hay thanh nữ), khoảng 20-21 tuổi, bước vào phòng khám.

    Chờ cho bệnh nhân trước ra hẳn bên ngoài, cậu mới nhẹ nhàng:

    "Thưa bác sĩ, con muốn bác sĩ hướng dẫn giúp con. Bạn con gửi cho con tờ giấy này."

    Cậu đưa tôi tờ giấy photo.

    Tôi thấy bản sao giấy xác nhận của viện Pasteur, tên NV, HIV dương tính. Tôi quá bất ngờ, ngạc nhiên nhìn vẻ mặt rất tỉnh táo và không biểu hiện một tí gì lo lắng của cậu ta.

    "Con không lo lắng, sợ hãi gì à?"

    "Sợ cái gì hả bác? Bạn con gửi lên, nói con nên đi khám bệnh đi. Mà bận quá cả tháng nay, hôm nay tranh thủ ra gặp bác. Anh này là bạn trai cũ của con, nhưng chia tay đã năm tháng rồi. Giờ con đã có bạn trai mới!"

    Tôi thật sự lo ngại cho cậu ta và cậu bạn trai mới của cậu ta nữa. Với sự vô tư trên khuôn mặt trắng trẻo, trẻ trung ấy.

    Tôi đang suy nghĩ, tìm lời giải thích thế nào cho cậu ta hiểu sự thể hiện tại của cậu mà không va chạm tự ái về giới tính và các quan hệ của cậu ấy.

    Trong lúc tôi đang nghĩ, cậu nói tiếp:

    "Bác sĩ còn nhớ không, con đã là bệnh nhân cũ của bác khoảng ba tháng trước."

    Tôi lo ngại, nhớ lại mình có tiêm chích, tiểu phẫu thuật, có bất cẩn không?

    "À bác nhớ rồi, con bị bệnh ở hậu môn chứ gì?"

    "Đúng rồi bác."

    Vùng hậu môn của cậu ta lúc khám đầy những u sùi mồng gà to nhỏ làm đau đớn trong sinh hoạt và đại tiện.

    Tôi cũng hơi lạ. Thường bệnh sùi mồng gà là ở bộ phận sinh dục của nam và nữ, lây qua quan hệ tình dục không được bảo vệ. Hồi xưa gặp bệnh này rất nhiều, nhưng sau này rất ít.

    Lúc đó, tôi có nghi ngờ về giới tính và quan hệ tình dục của cậu ta. Tôi hướng dẫn cách trị bệnh và tránh tái phát bệnh như thế nào.

    "Bệnh cũ của con thế nào?"

    "Lành hẳn rồi bác ạ."

    Sau khi đắn đo, tôi hỏi:

    "Tụi con không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục à?"

    "Dạ không."

    "Thế không sợ bệnh à?"

    "Đứa nào cũng khỏe, không bệnh gì cả thì dùng bao cao su chi cho vướng víu, khó chịu hả bác."

    Đúng là điếc không sợ súng thật.

    Tôi cân nhắc trở lại vấn đề chính, làm sao cho cậu ta hiểu ra vấn đề để đi xét nghiệm sớm và tinh thần đối diện với rủi ro nếu xảy ra mà nguy cơ thực sự rất cao.

    "Bạn trai con thực sự là người tốt, chia tay với con năm tháng rồi mà gửi giấy này và khuyên con đi khám. Bây giờ ngày mai con nên sắp xếp lên Pasteur xét nghiệm. Con đưa giấy này và nói như nói chuyện với bác, bác sĩ sẽ hướng dẫn tiếp phải làm gì."

    "Dạ bác."

    Nhìn cậu ấy nhẹ nhàng, vô tư đi ra, tôi thực sự lo lắng cho họ. Mong là mình có thể giúp được gì.

    Cậu ta còn một người mẹ lam lũ và hai em nhỏ ở quê nghèo đang ngóng chờ mỗi tháng nữa.

    Note: Thanh niên đồng tính.
     
    Tiên Nhi, Bughams, THG Nguyen4 người khác thích bài này.
  3. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 22: Một thanh niên bệnh tiểu đường.

    Ngày 21/02/2021: 20: 00

    [​IMG]


    (Hình ảnh đáy mắt bình thường)

    [​IMG]

    (Hình ảnh đáy mắt xuất huyết do biến chứng của bệnh lý tiểu đường)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hiện nay, nhiều cơ quan, trường học hàng năm đều có tổ chức cho nhân viên của mình đi khám sức khỏe. Nhiều người cũng ý thức được sức khỏe là quan trọng và có điều kiện cũng tự mình đi khám sức khỏe. Đó là điều tốt.

    Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó.

    Có người khỏe mạnh bình thường, sau khi khám sức khoẻ về lại sinh bệnh!

    Có người sau khi khám về, nhận được kết quả xét nghiệm bình thường, cho rằng mình khỏe (mặc dù thực chất không khỏe) nên ăn uống, sinh hoạt vô độ không giữ gìn, chưa tới năm năm sau đổ ra một đống bệnh vô phương cứu chữa.

    Một bệnh nhân nam, 43 tuổi, cao 1, 82m, 91kg, làm nghề kinh doanh xuất nhập khẩu, đến khám mắt, do một mắt trái gần như không còn thấy gì, mắt phải chỉ thấy bóng người ở khoảng cách chừng 10m.

    "Sao em không khám chữa bệnh sớm hơn? Giờ các mạch máu ở đáy mắt vỡ và xuất huyết. Đây là biến chứng của bệnh tiểu đường không được điều trị đúng. Mong là thị lực của em không tệ hơn nữa." Bác sĩ nói.

    "Thưa, hai năm trước em to khỏe như voi. Khám sức khỏe hàng năm thấy bình thường.

    Gần một năm nay thỉnh thoảng em có mệt, nhưng vì công việc lu bu em không đi khám. Cách đây 8 tháng, em mệt, đau ngực, nhức đầu dữ dội, uống thuốc giảm đau không giảm nên vào viện. Bác sĩ cho nhập cấp cứu ngay. Chẩn đoán bệnh: Cao huyết áp, đái tháo đường, suy thận." Bệnh nhân khai.

    Bác sĩ chỉ biết an ủi bệnh nhân. Nhìn viễn cảnh vài năm tới của anh: Mắt mù hoàn toàn, chạy thận nhân tạo và có thể tai biến, đột tử bất cứ lúc nào.

    Note: Một thanh niên bệnh tiểu đường.
     
    Tiên Nhi, Bughams, THG Nguyen2 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng ba 2021
  4. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Câu chuyện thứ 23:

    Người bệnh tâm thần.

    Ngày 27/3/2021 20: 10


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi biểu hiện trên gương mặt là sự lo lắng, bất an.

    "Bác ạ, em thấy mệt, khó thở, nặng ngực hơn tuần nay."

    Chị NTM là một bệnh nhân mà ba bốn tháng lại đến gặp bác sĩ. Biểu hiện duy nhất là một sự lo lắng, sợ sệt, rồi sau đó là mất ngủ, sút cân.

    "Bác à, cứ thấy ti vi nói về bệnh là y như em có bệnh đó. Bệnh nào em cũng có: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, nặng ngực, khó thở, tim đập nhanh, khó ngủ, nhức mỏi, mộng mị, chiêm bao. Ti vi nói bệnh xoang em thấy em bị xoang, ti vi nói về bệnh huyết áp em cũng thấy em như có bệnh đó.."

    "Thế một hai tháng nay em có đi bệnh viện khám chưa?" Bác sĩ hỏi.

    "Em khám hai bệnh viện trong hai tháng nay. Bệnh viện đầu nói em bình thường, em không tin. Không bệnh tại sao mình mệt, mình phải có bệnh như xoang, huyết áp, tim.. chứ. Rồi em không yên tâm đi khám bệnh viện nữa, cũng không tìm ra bệnh. Xét nghiệm máu: Bình thường, chụp chiếu tim phổi, siêu âm bụng: Bình thường.

    Tuần nay em mệt, không thở nổi, không ngủ được tí nào, mệt lắm bác ạ."

    Sau khi khám, xem hết các kết quả của hai bệnh viện. Bác sĩ kết luận:

    "Em không bệnh gì cả. Không có bất cứ bệnh gì."

    "Nhưng em mệt mà không bệnh là sao?"

    "Để bác sĩ nói hết đã. Không có bệnh về thực thể, tức là chụp chiếu, xét nghiệm, khám không thấy bất thường. Nhưng mà em thực sự có bệnh. Bệnh không nhìn thấy mà khó trị hơn."

    "Có phải mình giả vờ bệnh đâu. Ông chồng em nói đã khám nhiều bệnh viện rồi. Người ta nói em không bệnh mà cứ than mệt, làm như em lười biếng giả bệnh vậy!"

    "Em có bệnh, nói nhẹ là tâm lý. Nói nặng hơn là bệnh thần kinh. Nói thần kinh là không đúng nhưng bác sĩ và bệnh nhân cũng như người nhà muốn dùng từ này để chỉ về bệnh của cái đầu." Bác sĩ chỉ cái đầu của mình.

    "Em hiểu bác sĩ nói không?"

    "Em có bệnh tâm thần không bác sĩ?" Người phụ nữ đột ngột hỏi.

    "Em đã nói ra thì bác sĩ không ngại nữa. Đúng là em có biểu hiện khởi đầu của bệnh tâm thần."

    "Nói thật với bác là nhà em có ba chị em gái mà hai chị của em đã bị tâm thần rồi. Vừa rồi nghe tin hai chị ở quê đang uống thuốc tâm thần của bệnh viện nên em sợ lắm."

    Chị NTM lo lắng và cảm thấy sắp tới mình có thể bệnh giống hai chị của mình.

    Bác sĩ đã dự đoán từ khi gặp chị NTM trước đây. Chị có một tâm lý rất yếu, lo lắng mọi thứ, nhất là tưởng tượng ra bệnh. Lần này, chính chị ấy nói đến "tâm thần", bệnh mà mọi người gọi là "điên" ai cũng ngại gọi ra, sợ xúc phạm bệnh nhân và gia đình họ.

    "Hiện giờ em chưa bị bệnh tâm thần đâu, đừng lo lắng quá. Về mặt di truyền có thể trong gia đình giống nhau nhưng cuộc sống, nơi ở của mỗi người khác nhau thì cơ hội phát bệnh khác nhau. Nếu em gặp một cú sốc lớn quá trong cuộc sống thì mới phát bệnh được.

    Bác có một người bạn học chung trung học. Nó học rất giỏi. Có thể thi đậu bất cứ trường đại học nào. Nhưng trong vòng năm năm mà nhà nó ba người phát bệnh tâm thần. Đầu tiên là cha. Một năm sau, chị hai, cô gái đẹp nhất vùng của bác, nết na, giỏi giang, gia đình khá giả cũng phát bệnh. Tiếp đó anh trai đang học đại học kỹ thuật tại thành phố.

    Thế là thằng bạn của bác bỏ học. Thầy cô, bạn bè đều tiếc cho tương lai của nó, một học sinh xuất sắc. Về sau nghe tin nó học nghề rồi đi làm thợ điện. Hai mươi năm sau bác gặp nó ở thành phố. Cuộc sống ổn định, an nhàn. Nó nói, hồi đó cha, chị, anh trai bị tâm thần nó sợ quá nên nghỉ học, sống vô tư, làm việc vừa sức, thoải mái, không cố ganh đua, thắng thua với ai cả. Đầu óc thảnh thơi nên mình không phát bệnh. Em nên theo cách sống của bạn bác, thoải mái đầu óc thì sẽ không bị bệnh."

    Thấy chị phụ nữ mặt mày tươi tắn hơn, vẻ lo lắng giảm nhiều. Chia tay chị ấy bác sĩ yên tâm phần nào. Hy vọng chị ấy không gặp cú sốc nào quá lớn và bệnh tâm thần của chị không có cơ hội khởi phát. Mong lắm thay!

    Note: Người bệnh tâm thần.
     
    Tiên Nhi, thaihuyen99, Bughams4 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng ba 2021
  5. TRANG SACH The Very Important Personal

    Bài viết:
    77
    Nhật ký phòng mạch buổi chiều.

    Link thảo luận: Các Tác Phẩm Sáng Tác Của TRANG SACH

    Câu chuyện thứ 24:

    Chị phụ nữ bị bệnh tim giả.

    Ngày 30/03/2021: 19: 45


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cô TTM đến nói với tôi là cô bị bệnh tim. Tôi hỏi "chị khám bác sĩ rồi à?"

    "Dạ" chị trả lời và đưa tôi xem tờ giấy siêu âm tim.

    Tôi hỏi chị: "Toa thuốc và chẩn đoán bệnh của bác sĩ đâu?"

    "Đó bác sĩ, kết luận siêu âm tim ghi đó." Chị trả lời.

    Tôi nhìn giấy siêu âm: Ghi kết quả hở van hai lá 1/4; hở van 3 lá 1/4.

    Cô TTM nói cô bị bệnh tim, nên thấy nặng ngực, khó thở hơn sau khi nhìn kết quả.

    "Đây chỉ là kết quả siêu âm chứ không phải là chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Thế bác sĩ cho chị đi siêu âm không xem lại kết quả để giải thích cho chị à?"

    "Em tự đi siêu âm ạ."

    Sau khi khám tim không thấy bất thường, tôi bảo chị "Tim chị bình thường, chỉ đập nhanh hơn do chị lo lắng quá thôi."

    "Vậy siêu âm không đúng hả bác sĩ?"

    "Siêu âm không sai. Nhưng van tim hở một tí để nó đóng mở được. Chị nhìn cánh cửa kia. Nó có một khe hở không? Nếu cánh cửa không có khe hở chị sẽ không mở, đóng cửa được. Chị phải gọi thợ sửa chữa. Van tim cũng vậy."

    Tôi giải thích cho chị TTM hiểu rõ hơn là van tim của mình như cánh cửa. Nó phải mở ra đóng vào mềm mại, đều đặn để giúp máu lưu thông giữa các buồng tim. Nếu hở quá hoặc khít quá mới là bệnh và việc chẩn đoán bệnh là của bác sĩ chứ không phải của chị. Tôi đã gặp rất nhiều người như chị rồi. Vậy nên không nên tự mình đi làm xét nghiệm và tự cho mình có bệnh. Nếu vậy trước sau gì chị cũng sẽ bị bệnh.

    Mong là chị hiểu và cân nhắc kỹ nên làm gì khi không khỏe!

    (Còn nữa)

    Note: Chị phụ nữ bị bệnh tim giả.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng năm 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...