Xa ngắm thác núi lư - Lý Bạch - Chú thích và văn hóa - Tham khảo tài liệu tiếng Trung

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi NguyenThanhLuan1995, 21 Tháng mười một 2023.

  1. NguyenThanhLuan1995 Seiringan

    Bài viết:
    58
    Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" có tên tiếng Hán là "Vọng Lư sơn bộc bố", bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đây là bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của Lí Bạch.

    [​IMG]

    望廬山瀑布

    日照香爐生紫煙,

    遙看瀑布掛前川.

    飛流直下三千尺,

    疑是銀河落九天.

    VỌNG LƯ SƠN BỘC BỐ

    Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,

    Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.

    Phi lưu trực há tam thiên xích,

    Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

    - Đơn vị từ và cụm từ được chú thích hoặc mang ngữ cảnh văn hóa:

    + Lư sơn bộc bố (廬山瀑布) : Thác núi Lư Sơn (cụm danh từ). Lư Sơn (廬山) : Tên dãy núi (danh từ riêng). Bộc bố (瀑布) : Thác nước (danh từ). Theo quan niệm văn hóa của người Trung Quốc, dãy Lư Sơn chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng và độc đáo trong lịch sử văn hóa, tôn giáo và chính trị Trung Quốc kể từ khi Tư Mã Thiên đi về phía nam đến núi Lư Sơn vào năm 126 trước Công nguyên và viết tên dãy núi này trong tác phẩm "Sử ký", vô số văn nhân các triều đại đều đến đây để leo núi, và để lại hơn 4.000 bài thơ, hơn 400 bản khắc trên vách đá và vô số tác phẩm thư pháp và hội họa, nơi sản sinh ra thơ phong cảnh và tranh phong cảnh.

    Lư Sơn được biết đến với vẻ đẹp "kỳ vĩ", "tú lệ", "hiểm trở", "hoành tráng" và được mệnh danh là "kỳ quan đẹp nhất thiên hạ", các nhà thơ xưa thường viết về thiên nhiên ở núi Lư Sơn, đặc biệt là viết về thác nước ở Lư Sơn với một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ mà hiểm trở. Từ xa xưa, khu vực này đã nối tiếng với truyền thuyết "Lư Sơn - nơi an trú của những vị thần linh", lại có hệ thống sông, hồ, hang động, và thác nước bao quanh muôn dặm, lượng mưa dồi dào, mây giăng, sương phủ quanh năm. Trung bình một năm, Lư Sơn có khoảng 191 ngày có sương mù - đặc trưng khí hậu này góp phần làm cho phong cảnh của Lư Sơn càng trở lên huyền ảo, thần bí, dễ làm mê đắm lòng người.. Khu vực này cũng có một số đền thờ Đạo giáo, chùa Phật giáo, cũng như nhiều di tích Khổng giáo.

    Phật giáo và Đạo giáo cực kỳ sôi nổi ở núi Lư Sơn, ngoài ra còn có các thiền sư hàng đầu và các đạo sĩ uyên thâm, chẳng hạn như nhà sư Hui Yuan và Đạo sĩ Lu Xiujing. Trong lịch sử, có 360 ngôi chùa Phật giáo và hơn 200 ngôi chùa Đạo giáo trên núi. Vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, nhà sư lỗi lạc Hui Yuan đã thành lập Tông phái Tịnh độ tại chùa Đông Lâm và tạo ra Phật giáo Hán hóa, đại diện cho xu hướng chung của "Phật giáo" ở Trung Quốc và "Hán hóa" Phật giáo. Địa điểm Phật giáo có ảnh hưởng nhất ở Lư Sơn là chùa Donglin, được xây dựng vào năm 386 sau công nguyên bởi Huan Yi, thống đốc Giang Châu và Hui Yuan, một nhà sư lỗi lạc. Sau khi Chùa Đông Lâm hoàn thành, ảnh hưởng của Phật giáo trong núi dần dần tăng lên, phát triển thành một trong Bát đại Đạo tự trong cả nước, từng được mệnh danh là trung tâm thứ hai của Phật giáo Trung Quốc. (Li Guoquiang, 2016)

    + Hương Lô (香爐) : Tên ngọn núi (danh từ riêng). Hương Lô (香爐) là tên một ngọn núi cao ở phía Tây Bắc của dãy Lư Sơn. Núi Hương Lô nằm cách thành phố Khai Lý, tỉnh Quý Châu 15 km về phía Tây, có độ cao 1.233, 8 mét, bán kính 15 km, được bao quanh bởi những vách đá trông giống như một lư hương. Nó được người Miêu coi là ngọn núi thiêng của họ Miêu từ xa xưa. Núi cao có mây mù bao phủ quanh năm, đứng xa trông như chiếc "lò hương" nên còn gọi là "Hương Lô". Đỉnh núi cao 1233, 8 mét so với mực nước biển, độ cao thấp nhất dưới chân núi là 629 mét, hùng vĩ, bao phủ bởi mây mù và sương mù, giống như một cột trụ vươn lên bầu trời. Núi Hương Lô, được người Miêu gọi là BOB-BIUIEL, có nghĩa là núi Chỉ Trụ (砥柱). Theo truyền thuyết, đây là "Trụ chống trời" xuyên thẳng lên chín tầng trời, mang vẻ đẹp hùng tráng, kì vỹ. (Theo UNESCO)

    + Ngân Hà (銀河) : Dải Ngân Hà (danh từ riêng). Người Trung Hoa cổ đại tưởng tượng đó là một dòng sông chảy trên trời nên đã đặt ra một số tên gọi có liên quan đến sông cho dải sáng như Thiên Hán 天漢 (nghĩa mặt chữ là "sông Hán Thuỷ ở trên trời"), Vân Hán 雲漢 ( "sông Hán Thuỷ bằng mây"), Thiên Hà 天河 ( "sông Hoàng Hà ở trên trời"), Ngân Hà 銀河 ( "sông Hoàng Hà màu bạc"), vân vân. Từ "Hà" (河) trong Thiên Hà 天河 và Ngân Hà 銀河 là tên gọi cổ của sông Hoàng Hà.

    Vào khoảng thời Xuân Thu và Chiến Quốc, hệ thống thiên văn học Trung Quốc đã được thiết lập và việc đặt tên cho các ngôi sao truyền thống của Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thành. Theo bản đồ thiên văn cổ đại được khắc trên đá ở Tô Châu, dải Ngân Hà được vẽ là một dòng sông chảy qua trung tâm của vũ trụ, là nơi các vì sao quay quanh. Người Trung Quốc cổ đại thường sử dụng quy luật của các thiên thể để mô tả mối quan hệ xã hội lấy quyền lực làm trung tâm, trong Luận ngữ của Khổng Tử có viết: "Làm chính trị có đức giống như Bắc Thần ở tại chỗ của mình và tất cả các vì sao đều quy tụ một chỗ. Chính quyền nhân đức của vua như sao Bắc Đẩu, ngự vững trên đất nước, bất động, dân ủng hộ giống như những ngôi sao, xoay quanh vua" (为政以德, 譬如北辰居其所而众星共(拱)之. 王施行德政, 就如同北极星一样稳坐江山、岿然不动, 子民就像星星一样拥护他, 围着他转) để chỉ mối quan hệ ấy. Điều này cho thấy Ngân Hà vừa tượng trưng cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ của vũ trụ vừa mang hàm ý tượng trưng cho đất nước. (Khổng Tử, 2019, tr. 73-111)

    + Cửu thiên (九天) : Chín tầng trời, chín phương trời (danh từ). Truyền thuyết Trung Quốc cổ đại theo quan niệm của Đạo giáo cho rằng trên bầu trời có chín tầng (còn gọi Cửu trùng, cửu thiên, cửu giai, cửu tiêu). Trong đó, Cửu thiên (九天) cũng có thể được hiểu là tầng trời cao nhất. (Lu Fu, 1993, tr. 185)

    Trung Quốc cổ đại cũng theo quan niệm của Phật giáo gọi chín phương trời là cửu dã hay cửu thiên, bao gồm trung ương và tám phương hướng – tức là tứ chính (bốn hướng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc) và tứ ngung (bốn góc: Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc). Tuy nhiên, trong văn học khi nói chín phương trời thường ngụ ý là trọn cả bầu trời, khắp nơi khắp chốn. (Lã Bất Vi, 2021, tr. 215-220)


    Tài liệu tham khảo:

    1. 李國強、王自立, 2016. 历代名人与庐山. 出版社:江西人民出版社.

    2. 孔子, 2019. 《论语》. 出版社: 深圳市海天出版社有限责.

    3. 吕抚 (编), 康奉, 李宏, 刘可兴, 周南, 黄过, 校点, 1993. 二十四史通俗演义. 出版社: 中国书店.

    4. 呂不韋、2021. 呂氏春秋全書. 出版社:華志文化.
     
    Ôn An Na thích bài này.
    Last edited by a moderator: 22 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...