Truyện Ngắn Tu Hú Kêu Trăng - Bách Tuế Miêu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Bách Tuế Miêu, 7 Tháng mười 2023.

  1. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222


    (Nghe trước nội dung truyện qua bản audio phát hành bởi kênh Đất Quê, do Hoàng Uyên diễn đọc)

    Tu hú kêu trăng

    Tác giả: Bách Tuế Miêu

    Thể loại: Truyện ngắn, làng quê

    Giới thiệu truyện:
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    Chương 1:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trời vừa tắt nắng, Giàu bưng mâm cơm một chén một đũa chỉ vỏn vẹn hai món cá cơm kho khô với rau đồng ra hiên nhà. Gió thổi ù ù từng chập làm mấy cây tràm chung quanh lắc lư va cành lá vào nhau xàng xạc. Thanh âm của buổi chiều muộn làm người ta rầu thúi ruột lần lượt cất lên. Tối còn phải đi đặt cá nên Giàu lùa vội mấy đũa cơm, ăn còn chưa xong chén đầu thì tiếng con nít trong xóm hát cắc tùng cắc tùng dinh dinh đã rộn ràng từ xa xa vọng lại.

    Bất giác, Giàu ngẩng đầu nhìn trăng. Trăng rằm như tấm gương vàng tròn vành vạnh hời hợt treo trên cây, kiêu căng liệng xuống đất thứ ánh sáng tinh khôi dìu dịu, và ném trên mặt nước cái bóng loang loáng vỡ tan tành.

    Phải rồi, là Trung Thu. Vậy mà.. Giàu quên mất. Nếu nhớ, ắt hẳn đã mua cho ngoại ít bánh trái với trà. Không biết là từ hồi nào nó không còn chú ý tới ngày tháng gì nữa, cứ làm, làm cả đêm cả ngày, để kiếm tiền, mà cũng để quên đi cái cảm giác cô đơn lạc lõng chèo queo có một mình.

    Tính ra, Trung Thu trong đời nó có biết bao nhiêu là chuyện đáng nhớ.

    Lúc nó còn nhỏ xíu, ba má không có đất cát gì chỉ đi làm thuê cuốc mướn cho nhà người ta kiếm bữa rau bữa cháo. Rồi chủ thuê người ta thấy thương, người ta cho mượn miếng đất dựng chòi ở tạm, cả nhà ba người cũng có cái gọi là che nắng che mưa. Ông bà thường nói, đẻ con mà lúc có bầu thèm cái gì nhất thì đặt tên nó là cái đó cho dễ nuôi, vậy nên má đặt nó tên Giàu, chớ còn nhà nó thì nghèo xơ nghèo xác, nghèo nát nghèo tan.

    Cái hồi mới ba bốn tuổi, trong khi mấy đứa con nít khác còn chưa biết tự đánh răng chải đầu thì thằng Giàu đã theo ba má ra ruộng, lụm khoai mót lúa, khi thì dí bắt chuột đồng. Tới chừng năm sáu tuổi, ông bà già bấm bụng cho nó đi học đặng có cái chữ "lận lưng" với người ta.

    Vậy là, nó không theo hai người ra ruộng nữa mà cứ ngày hai buổi, sáng tới trường, trưa về bắt nồi cơm, gom mớ cá con tôm mà ba nó bắt được hồi hôm rọng trong cái rong tre cắm dưới mương nước sau nhà rồi lựa ra ít con ngon ngon nấu cơm để xế xế ổng bả làm về có cái mà ăn. Mớ còn lại thì bán cho mấy người trong xóm, người ta thấy nó tội nghiệp người ta mua dùm, chớ xứ này có hiếm lạ gì ba cái của đó.

    Trúng hôm không có cá, nó cũng đi xuống nhà bà tám dưới mé suối lãnh bánh bông lan đi bán vòng vòng, bữa nào tới trễ hết bánh thì đi cắt cỏ mướn cho người ta, đổi lấy vài đồng lẻ mua viết thước sách vở. Cực khổ vậy, mà nó vui. Vui nhất là mỗi năm, nó với mấy đứa nhóc trong xóm cứ sau lễ tựu trường vài bữa là đã bắt đầu nôn nao trông chờ tới cái ngày mà người lớn gọi là rằm tháng tám, ngày Tết Trung Thu.

    Bữa đó người ta mua đồ chơi bánh kẹo cho con cháu nhiều, Giàu cũng được ăn theo, bánh trái bán cũng hết sớm hơn mọi khi, có người còn cho thêm vài đồng lẻ. Nó bán bánh xong, lật đật chạy về để tối còn kịp tụ tập rước đèn với đám con nít trong xóm. Tụi nó không đứa nào nói với đứa nào, sau giờ cơm tự giác chạy ra bãi cỏ ven suối gặp nhau ở đó. Đứa nào có đèn thì đốt đèn, không đèn thì đốt đuốc, mỗi đứa đem theo ít bánh kẹo từ nhà ra, trải lá chuối ngồi thành vòng tròn rồi đem đồ ăn bỏ vô chính giữa. Giàu cũng vậy, cả năm trời nó mới dám thó lại mấy cái bánh bông lan đặng bỏ vô góp phần.

    Trên trời trăng rọi sáng trưng, dịu dàng trùm lên đỉnh đầu mấy đứa nhỏ thứ ánh sáng huyền hoặc của mình, phũ lên cả những đốm lửa đỏ cam vàng xanh sặc sỡ phát ra từ mấy cái lồng đèn đủ màu đủ kiểu. Dưới ánh mắt trìu mến của nó, đám con nít cười vang rồi vỗ tay cùng nhau gào lên.

    Tùng tùng dinh cắc tùng dinh dinh

    Từng dinh dinh cắc tùng dinh dinh..

    Cứ có câu vậy thôi mà hát hoài, hát cho tới khi mỏi miệng thì nín, bắt đầu chia bánh kẹo ra ăn. Cái nơi thằng Giàu sinh ra Trung Thu nhạt tênh đến lạ, nó đâu có biết múa lân múa rồng, cũng chẳng nghe đến cái gọi là phá cỗ. Tại quê nó nghèo quá, đám nhỏ chỉ biết người lớn trong nhà sẽ làm lồng đèn, bánh trái cho tụi nó, trên bàn thờ ông bà tổ tiên cũng nhiều thêm mấy dĩa trái cây, đôi ba quả bưởi và ít cái bánh đủ vị đủ nhân mà tụi nó chỉ thấy mỗi năm một lần vào đúng dịp này. Còn thằng Giàu, nó đâu có mong muốn gì nhiều, miễn là hôm đó ông bà già nó về sớm hơn một chút, bữa cơm tối có thêm miếng thịt heo quay bằng cỡ bàn tay, là nó thấy quý lắm rồi.

    Lần đó, ba má Giàu đi làm xa về không kịp buổi cơm chiều, nó nấu xong thì để cơm nước ở đó rồi ôm bụng đói đi đón trăng lên với đám bạn. Đang hát hò vui vẻ, không biết đứa nào rảnh hơi rủ tụi nó chơi cái trò ma lon mà nó nghe người ta đồn là "vui dữ lắm".

    Ở cái tuổi không sợ trời không sợ đất chỉ sợ ông bà già, cả đám không nghĩ chi nhiều, háo hức lôi nhau ra khu nghĩa địa cách đó không xa. Thằng Sành lớn tuổi nhất bọn nên được tin tưởng giao nhiệm vụ "gọi lon", nó lấy mấy cục kẹo mạch nha bọc trong giấy bóng đỏ để dưới đất, ụp cái lon thiếc mài nắp mà tụi nó mới kiếm được lên trên rồi lôi ra ba cây nhang không biết lấy ở đâu ra đốt bằng lửa đèn cầy. Nhang cháy đỏ, thằng Sành vừa đi vòng quanh cái lon vừa lầm rầm khấn vái, vái xong nó xá, xá xong nó lạy tám hướng mười phương, cuối cùng nó cắm ba cây nhang lên cái lon mời người "ở dưới" lên chơi.

    Chờ mòn chờ mỏi cho tới cái lúc nhang tàn cũng không thấy gì lạ ngoài tiếng tụi nó thi nhau đập muỗi bép bép với mấy tiếng chửi thề. Đứa nào tiếc rẻ than thở thì tiếc, chỉ riêng thằng Giàu là thầm chắp tay cảm tạ tám đời tổ tiên. Trăng đã tới đỉnh đầu, thằng Sành chờ hết nổi, nó hả họng ngáp một cái thiệt dài chảy cả nước mắt.

    - Thôi, bây coi kiu tụi nó, tao đếm coi đủ số chưa đi còn về. Có khỉ gió gì đâu.

    Đám trẻ con lục tục tụ lại, thằng Sành nhắm mắt nhắm mũi đếm.

    - Một hai ba bốn.. rồi, đủ tám đứa, về ngủ để không ông bà già cho ăn cây.

    Giàu theo đám bạn đi ra, đi một khúc xa rồi tự dưng nó thấy một bó nhang lở dở để bên cạnh cái mả vừa mới đắp. Gió không thổi mà nó nghe chân mình lạnh ngắt, răng đánh bò cạp lạch cạch còn hơn cả tiếng máy xay lúa nhà ông ba. Nó run cầm cập, hỏi thằng Sành:

    - Hồi nãy.. mày lấy nhang ở đâu?

    Đúng y như Giàu nghĩ, thằng Sành quay đầu chỉ ngay chỗ cái mả mà nó mới nhìn, dường như vẫn chưa phát giác ra chuyện bất thường. Giàu nuốt nước bọt, nó thấy mình sắp xỉu tới nơi.

    - Nãy.. mày đếm đủ tám đứa. Mà.. mày có tính luôn mày chưa?

    Nguyên đám đang đi nghe Giàu hỏi lập tức đứng khựng lại, tất cả đổ dồn ánh mắt về phía thằng Sành. Lần này thì tới lượt thằng Sành run giò, nó lắp bắp cả buổi trời mới nói được đúng một chữ: Chưa!

    Thôi! Khỏi giải thích nữa, tại đâu đứa nào còn dám đứng lại nghe, ba hồn bảy vía chắc bay lên đọt tre hết sạch. Mạnh đứa nào nấy chạy trối chết.

    Thằng Giàu chạy thẳng về tới nhà, lúc mở cửa đi vô, thấy ba má ngồi ăn cơm mà nó tưởng đâu mình vừa đầu thai lại một kiếp. Chưa kịp lao vô ôm má thổn thức thì ba nó đã nạt ngang:

    - Mày đi chơi đâu giờ mới về? Quần áo gì như chúa ôn? Còn dép guốc gì đâu?

    Giàu cúi xuống mới phát hiện đâu mất tiêu hết một bên dép, đôi dép này má mới mua cho nó chưa được bao lâu, nó chờ tới Trung Thu mới dám mang đi khoe tụi bạn. Mà giờ.. còn có chiếc. Cái lồng đèn ông sao bà bảy hàng xóm bả cho còn thảm hơn, rớt mất tăm ở bờ ở bụi nào nó hổng có biết, trên tay chỉ còn đúng cái cây trúc bả cột để cho nó dễ cầm.

    Trung Thu năm đó, nửa đêm trời đổ mưa như trút, thằng Giàu ở trong nhà cũng hứng đủ bão táp mưa sa. Mà ba đánh thì đánh, má la thì la, chớ nó sợ ma, nó không dám đi kiếm. Tới sáng hôm sau, ba nó đi thu bẫy cá lụm được cái đế dép của nó, chớ quai trôi tới đâu, chắc chỉ có cá dưới mương mới biết.

    Còn cái đèn ông sao sáu màu bà bảy cho thì văng tuốt luốt trên đọt ổi, giấy kiếng giấy màu gì cũng rách tan rách nát còn sót mỗi cái khung. Bận đó, nó ôm vết bầm tím hai bên mông buồn hết mấy bữa. Ba nó đánh nó, không phải vì tiếc của mà vì cái tội chơi ngu.

    Có một dạo nó thấy má nó khó chịu trong người, cứ nghe mùi cá mắm là ói tới xanh mang. Nó sợ má nó đói nên đem hết cá cua đi bộ ra chợ đổi thịt heo cho má ăn đỡ ngán. Thấy nó còn nhỏ, người ốm như ma cây mà ngoan ngoãn hiểu chuyện, ai cũng mủi lòng. Bà thịt heo cắt thêm cho nó tí mỡ, bà bán gạo cũng đổ vô túi nó hai lon. Rồi bà bán mắm, bán cà, bán rau, bán bún, cho được cái gì người ta cho, giúp được bao nhiêu thì người ta giúp hết.

    Má nó không đi làm nổi, mình ba nó cáng đáng xoay sở khắp nơi, không biết nó có ảo giác hay không mà nó thấy má hay xoa bụng rồi cười, nụ cười hiền queo mà ánh mắt còn dịu dàng hơn cả hồi xưa nhìn nó. Cái ánh mắt mà đã lâu thiệt lâu, nó không có thấy.

    Mùa nước nổi năm nó bảy tuổi, trong cái cảnh mưa dầm dề dai dẳng mấy ngày mấy đêm, mấy nhà ở chỗ thấp nước đã dâng lên tới tận mái. Gia đình thằng Giàu ở chỗ đất cao, nhưng cái chòi tranh không chịu nổi phong ba, bị cuốn trôi theo giông gió. Cái mương nước mọi khi cạn queo giờ chảy nhanh như thác, nước theo mưa dâng lên ào ào. Nhà nó bắt đầu ngập.

    Trong cảnh màn trời chiếu đất không có nổi một chỗ chắn gió che mưa, má nó nằm trên xuồng trở dạ.

    - Giàu! Ráng che cho má mày! Tao chèo tới nhà bà năm Đỡ.

    Mà có kịp tới nhà bà năm Đỡ đâu, má đẻ thằng Lắm trên xuồng, khi ba bồng má với thằng nhỏ vô nhà bà năm, hai người đã vì ướt lạnh mà tím tái hết cả người. May phước có tổ tiên phù hộ, tới sáng hôm sau hai má con tỉnh lại, coi như xém chút nữa là về với ông bà, nhưng má nó bị sản hậu rồi bịnh đau triền miên luôn từ đó, không còn làm lụng được gì.

    Thằng em nó vừa ra đời đã thiếu sữa mẹ, èo uột, tèm nhèm y chang mấy con mèo con bị người ta bỏ ngoài đống rác không biết chết bữa nào. Thằng Giàu mỗi ngày đi làng trên xóm dưới xin sữa, mà dân ở đây đâu có được mấy người, đâu phải lúc nào cũng có đàn bà đẻ. Mà có, cũng chưa chắc người ta cho sữa hoài.

    Gánh nặng gia đình đè lên vai ba nó, cực khổ trăm bề, nên ổng từ một con người hiền lành cục mịch trở nên cau có, gắt gỏng với vợ, với cả hai đứa con. Mẹ nó buồn, khóc hoài. Còn thằng Lắm đói sữa nên cũng oặt oẹo la hét tối ngày sáng đêm. Nó khóc quấy hết mấy tháng trời, cù nhây cù nhợ y chang cái cơn mưa thúi đất hồi má đẻ nó ra.


    _____________ (Còn tiếp) ______________
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười 2023
  4. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đâu được hai năm, cũng vào một đêm trăng sáng, sau một trận cãi vã, ba nó bỏ lại mẹ con nó mà đi. Đi không một lời từ giã. Ổng nói, ổng đi lưới cá, rồi ổng đi luôn. Nó mở cửa chờ cả đêm, mà chờ hoài không thấy. Tới chừng sáng ra, nó cõng theo thằng Lắm đi tìm ba, vậy mà người trong xóm nói, ba nó bỏ vợ bệnh con đau để chạy theo người đàn bà bán ghe hàng góa chồng còn mơn mởn ở xóm trên.

    Nhưng nó biết, cái ổng bỏ lại không chỉ bỏ mẹ con nó mà còn có cả cái nghèo, cái đói, cái khổ, cái nắng, cái mưa, cái nợ đời mà quanh năm suốt tháng làm quần quật cũng không sao trả nổi.

    - Cái thằng.. Coi hiền lành nhơn hậu dậy mà bạc bẽo, nó bỏ đi rồi vợ nó con nó biết sống kiểu làm sao?

    Ai cũng nói thương cho mẹ con nó, ai cũng trách ba nó phũ phàng. Nhưng có giúp thì cũng chỉ giúp được lon gạo chén cơm chứ ai đâu mà nuôi vợ con thiên hạ.

    Còn nó, có nghĩ cả trăm lần cũng không sao tin nổi, ba nó.. bỏ má con nó đi rồi. Rõ ràng, ổng từng thương má nó hết ruột hết gan mà. Trời mỗi ngày vẫn nắng, mây vẫn trắng, lá vẫn xanh mà nó thấy như mưa đá đang đổ trên mái nhà.

    Mẹ nó vì ba nó bỏ đi mà đau buồn nằm liệt giường tưởng chừng không gượng dậy nổi, bả khóc cả ngày, cả đêm. Khóc tới nỗi cả người vốn đã xanh xao nhợt nhạt mà giờ còn teo tóp quắc lại như cọng rơm khô người ta phơi ở trên đường. Một mình nó vừa đi học vừa kiếm miếng ăn nuôi sống cả ba mẹ con. Dần dần, Giàu cũng không tới trường nữa, phần do không tiền, phần vì bỏ mẹ với em ở nhà, nó không đành lòng.

    Bởi vậy, chưa đầy mười tuổi mà người ta dòm thấy bản mặt nó già, tay chân nó thô ráp, da thì cháy nắng, đen thủi đen thui còn hơn cả mấy con cò ma ngày ngày kiếm ăn ngoài ruộng.

    Rồi má nó cũng gượng dậy được, tuy không được như xưa nhưng sức khỏe cũng đỡ hơn nhiều. Má đem cá tôm nó bắt được ra chợ mơi ngồi bán. Đâu được chừng tháng, tự dưng má lại đi mua vải về may cho anh em nó mỗi đứa một bộ đồ, gọi là "cho có để ăn Tết với người ta".

    Giàu nhớ rõ.. đó cũng là vào một mùa Trung Thu. Nó không biết má nó lấy tiền ở đâu ra, chỉ biết là đã lâu anh em nó không có nổi một bộ đồ tử tế. Giàu ôm chặt bộ đồ mới trong ngực mình. Nó vui dữ, nhưng hình như chợt nghĩ tới cái gì, nó lại buông ra, quay qua hỏi má:

    - Sao má hổng may đồ cho má?

    Má nó đang ngồi trên giường vá lại mấy cái áo bà ba màu tím hoa cà mà bà hay mặc hồi còn trẻ, chăm chú tới nỗi khi thằng Giàu hỏi tới lần thứ ba, bả mới giật mình đáp lại:

    - Thôi! Đồ má còn mới lắm, để tiền cho con đi học.

    Thằng Giàu nghe má nói vậy, nó sướng rơn, phần vì có quần áo đẹp, phần vì còn được đi học chớ không có bị bắt nghỉ ngang như mấy thằng nhà nghèo khác trong xóm này. Trong bụng nó thầm hứa mai mốt lớn rồi nó sẽ đi làm kiếm thiệt nhều tiền mua áo mới cho má nó, mua đồ ăn ngon cho em nó, cho thằng cha nó tức lộn ruột chơi.

    Mà.. nó đâu có kịp làm gì.

    Một bữa đẹp trời, vừa chạng vạng tối má nó đưa hai anh em ra chợ huyện chơi. Từ hồi nhỏ tới giờ nó mới thấy người ta đông đúc tới vậy. Vừa lên đèn, dòng người đã đổ ra đường như nước chảy, họ mặc áo đẹp, cười cười nói nói chen nhau đi giữa ánh sáng của mấy dãy đèn lồng.

    Giàu dõi mắt trông ra xa xa, lúc thì đuổi theo mấy cái lồng đèn nho nhỏ đủ màu xanh đỏ tím vàng treo trên cây trúc còn nguyên cành lá của ba bốn thằng cha đạp xe đạp đứng bán ở góc đường rồi từng chùm ông sao, con thỏ, con gà, con cua, con cá.. được tạo hình từ mấy cọng nan tre uốn lượn tài tình, bên ngoài bọc giấy kính đủ màu từ xanh đỏ tím vàng tới trắng cam lục lam chàm xám, cái thứ giấy bóng kính giống y cái loại mà người ta hay dùng để gói bánh in. Nhìn một hồi lóa mắt, nó lại vòng về ngó mấy mâm bánh trung thu nặn hình con heo con chó được mấy cô mấy dì đem ra bày bán trước hiên nhà.

    Ai bánh trung thu đậu xanh, khoai môn, thịt lạp, dưa sen, thập cẩm hôn?

    Nghe tiếng rao thôi mà nó thèm nhỏ dãi.

    Hồi chưa có thằng Lắm, thỉnh thoảng ba nó lại đem bánh in về cho nó ăn rồi gom giấy gói lại để dành, để khi nào tới Tết Trung Thu thì lôi ra dán lồng đèn cho nó. Ổng cũng làm đủ thứ hình thù mà cái nào cũng đẹp, ai cũng khen ba nó làm khéo, khổ nỗi lúc nào lồng đèn ổng làm cũng chằn chịch đủ thứ màu chấp vá chẳng giống ai, nhìn từ xa giống như cái áo của mấy thằng ăn mày vá manh vá mún, được cái nhiều màu nên khi đốt lên lại đẹp.

    Còn gặp bữa hên hên, ổng lụm ở đâu mấy cái lon thiếc đựng sữa đặc mà người ta bỏ đem về, hì hục mài mài đục đục hết cả buổi trời, kiếm thêm một nhánh cây trúc đực, lựa cái khúc thẳng nhất làm cần đẩy, xỏ thêm cọng kẽm cho hai cái lon dính lại với nhau, cái lon ở dưới y như cái bánh xe lu, mỗi lần đẩy nó lăn đi thì cái lon ở trên cũng theo đó mà quay vòng vòng. Ánh đèn cầy cam vàng leo lét đốt ở bên trong theo mớ lỗ tròn ra ngoài, quét qua quét lại trên đất mấy đốm sáng như bầy đom đóm tụ tập, rủ nhau bám dính từng bước chân của nó, có làm gì cũng không chịu bay đi.

    Từ lúc ổng đi theo người ta, đâu có ai nhắc nó nhớ khi nào tới Trung Thu. Ngay cả đám con nít chơi chung, cũng cười nó không cha rồi không thèm chơi với nó nữa. Nếu hôm nay má không dắt nó với thằng Lắm đi thì nó cũng quên mất trên đời còn có một ngày trăng đẹp như vầy.

    Má nói má mệt nên không ẵm thằng Lắm, thằng nhỏ phải ráng dữ mới nắm được ngón tay trỏ của má, nhìn nó cứ như con khỉ nhỏ lạc mẹ cố hết sức bình sinh giữ chặt cành cây. Mà ít ra, nó còn được nắm tay má. Hai má con đang đi ngon lành tự dưng đi ngang cái mâm bánh trung thu của một bà thím thì thằng Lắm đứng luôn ở đó, má kêu thế nào nó cũng không chịu đi. Bà thím nhìn anh em nó quần áo sạch sẽ, tính đâu cũng là nhà khá giả nên đon đả chào mời.

    - Bánh ngon lắm á. Nhưn chay, nhưn mặn, thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ gì cũng có hết. Mua cho sấp nhỏ đi cô hai.

    Thằng Lắm cho ngón tay vô miệng mút chùn chụt, mắt nghệch ra, thòm thèm nhìn đến mức chảy cả dãi. Thằng Giàu thấy em nó như vậy thì mắc cỡ quá, không chờ má kêu nó đã lật đật chạy tới ẵm xốc thằng em lên đem đi chỗ khác, cũng "kệ tía" nó có kêu gào khóc lóc kiểu gì. Thằng Lắm còn nhỏ không biết, chớ thằng Giàu nó biết, nhà nó nghèo, anh em nó thì không có cha. Tiền má còn phải để dành cho anh em nó ăn học.

    Má nhìn đứa con trai lớn hiểu chuyện mà đau muốn thấu tim. Hồi ba tụi nó còn thương.. tuy nhà cũng nghèo nhưng tụi nó đâu tới mức khổ dữ vầy.

    Bả lần lần mở cây kim tây trên túi cái áo bà ba màu hoa cà đã cũ, moi ra được mấy tờ tiền lẻ. Má cầm tiền trên tay rồi ngước mắt nhìn bà thím bán bánh một hồi, mới ngại ngùng hỏi thăm:

    - Bánh rẻ nhứt nhiêu vậy chị?

    Giàu thấy rõ ràng bà bán bánh có hơi thất vọng nhưng vẫn đon đả cười, chỉ tay vô một "cây" năm bánh chồng lên nhau, mỗi cái chỉ nhỏ bằng ba ngón tay được bọc lại bằng giấy dầu. Đây là loại bánh trung thu vỏ nướng mà người ta hay gọi là "bánh vét", tức là sau khi làm bánh nguyên xong, nhân còn dư lại cái gì thì người ta nhồi vô chung một thau hết, lấy khuôn nhỏ ra ép làm thành bánh rồi bán giá rẻ cho mấy người ít tiền, bần thì bần vậy chớ cũng là loại bánh mà đám con nít nhà quê trông mòn trông mỏi cả năm trời mới được ăn.

    - Nè, nhưn thập cẩm, cái này ngọt, cái này mặn. Cây năm cái hai lăm. Còn mấy cái bên đây thì hai chục cái, ba chục cái, bốn năm chục cái cũng có luôn. Cô hai lấy loại nào?

    Má hơi chần chừ, vì số tiền này là má định lát nữa mua ít gạo cầm về đưa cho ngoại. Nhưng nghĩ tới ngày mai, nghĩ tới ánh mắt thòm thèm của hai đứa con, má cắn răng mua hai cái ngon nhứt, một cái cho ngoại, còn một cái cho anh em thằng Giàu. Tụi nó được ăn bánh, được má mua cho lồng đèn, chỉ lo vui chớ đâu có biết má tụi nó nghĩ gì.

    - Lân tới, lân tới, né ra, né ra.

    Tiếng trống lân thùng thùng beng beng từ cuối đường vọng lại, người ở chợ nháo nhác dạt hết qua hai bên lề. Má con Giàu bị đám đông xô qua đẩy lại một hồi, nó với thằng Lắm thì cứ nhào lên phía trước để coi cho được đám rước đèn và đoàn lân sư rồng sắp đi qua. Lắm thấp cổ bé họng chen không nổi với người lớn, cuối cùng nó dùng đến tuyệt chiêu chui qua khoảng trống giữa hai chân của một ông chú cao to đứng ở ngoài cùng rồi ló đầu ra dòm. Thằng chả có vẻ cũng đã quá quen với cái kiểu coi múa lân của đám trẻ con nên đối với sự xuất hiện của nó cũng không có gì ngạc nhiên mà vẫn chăm chú nhìn đoàn lân đang từ từ đi lại.

    Có cậu trai khoảng chừng mười bốn mười lăm tuổi cắt tóc ba phân biểu diễn phun lửa mở đường. Nó ở trần, mồ hôi lấm tấm trên khuôn ngực lép xẹp hết tóp lại tưởng chừng sắp dán vào lưng lại phồng ra căng như bong bóng cá, còn cái quần thì màu đỏ có đường viền bạc lấp la lấp lánh dưới ánh lửa đèn, nó cầm cây đuốc cháy phừng phừng để gần ngay trước mặt, hít thật sâu rồi phun thứ nước gì đó từ trong miệng ra cái phèo. Những hạt nước li ti xuyên qua ngọn lửa màu đỏ cam làm nó cháy phừng lên thật cao, soi đỏ cả một quãng đường.

    Dân chúng xung quanh vỗ tay rần rần, thằng Giàu lần đầu tiên thấy đã há hốc, nó mở tròn hai con mắt, khoái chí giật quần người ta thiếu điều muốn giật cho rách luôn. Có cái ông mặc áo đỏ, bụng độn phình phình, mặt cười hớn hở làm như rẽ lửa chui ra, ổng cầm quạt mo vẩy vẩy bốn con lân màu đen, vàng, đỏ, trắng nhảy ra, con nào con nấy cũng sặc sỡ lóa mắt, bộ vó tụi nó lộng lẫy còn hơn cái áo của cô đào hát cải lương lần trước theo đoàn về dưới chỗ nó hát.

    Theo tiếng cắc tùng cắc tùng đều nhịp, tiếng trẻ con cười khanh khách và tiếng người lớn suýt xoa, tứ sư cũng theo sau xuất hiện, cái mình tụi nó phũ lông vàng đỏ dài gần chấm đất, mắt trợn to, miệng thì cười toác hoác tới tận đằng sau. Trong mắt thằng Giàu, mấy con sư tử này không sặc sỡ bằng lân, mắt không to bằng lân, chân không dài như chân lân và cũng oai như lân nhưng được cái là ngộ. Ngộ y chang cái lồng đèn tùm lum màu ba nó dán cho nó hồi xưa.

    - Trời cơi rồng, rồng phun lửa luôn! Dữ thiệt.

    Giàu nắm hai cẳng chân thằng cha không quen không biết lắc như xốc bầu cua, làm thằng chả xém chút té ngửa.

    - Im coi cái thằng này.

    Bị cốc đầu một cái đau điếng nhưng nó đâu có thèm quan tâm, cứ nhìn chằm chằm cái đầu con vật trong tưởng tượng trồi lên hụp xuống theo chuyển động của ông chú cầm gậy đi đầu kéo theo cả thân mình uyển chuyển uốn lượn thành hình xoắn ốc hoặc "bay" thành vòng tròn. Những người múa rồng mặc đồ giống hệt như nhau, di chuyển trong không gian hẹp vẫn không hề lúng túng, mồ hôi đã ướt đẫm cả lưng áo mà họ vẫn không hề thả chậm tiết tấu. Theo tiếng chập cheng dồn dập và tiếng trống thùng tùng, rồng ngẩng cao đầu hướng về phía mặt trăng, phun hơi lửa thật dài, thật cao, sáng hơn cả ảnh lửa của thằng nhóc mở đường khi nãy.

    Giàu ước gì sau này nó cũng được múa lân múa rồng, được oai như mấy chú, được bà con dân chúng hết mực quan tâm. Mãi cho tới nhiều năm về sau, Giàu cũng không ngờ được cái ý nghĩ của mình lúc nhỏ vậy mà lại thành sự thật. Chỉ tiếc là nó đã không còn cảm thấy vui vẻ như hôm nay.

    Trong một lần đi múa nghênh trăng, có người than thở nghề múa lân sư rồng bạc bẽo, được là được theo cái đam mê, còn mất là mất không biết bao nhiêu mà kể. Không nói tới leo cột té lọi giò gãy tay, chỉ riêng chuyện tết nhứt người ta sum họp gia đình, người ta cơm nước với nhau, nói chuyện cười đùa chúc phúc nhau, còn họ phải xa nhà, xa người thân, ở ngoài đường mua vui cho thiên hạ cũng đủ "lỗ" rồi, chưa kể lâu lâu tổ trác, dựng kèo dựng cột đồ xong, mưa xuống ầm ầm là cả đám đói nhăn răng.

    Giàu nghe anh bạn càm ràm mà tự dưng thấy nhói nhói, ổng thì còn có nhà để mà trông mà nhớ, còn nó.. nhớ ai?

    Khi cái đuôi rồng lắc lư mất hút ở cuối đường, chợ Trung Thu bắt đầu vãng, người ta lục tục kéo nhau về. Ai có hàng thì dọn hàng, ai có con có cháu thì cõng tụi nó về. Giàu lúc này mới sực tỉnh, nó dáo dát nhìn đỏ cả mắt cũng không thấy má với em đâu. Tim nó đập thình thình, nó sợ, má với em cũng bỏ nó, y chang thằng cha trời đánh của nó vậy.

    - Má! Má ơi! Má..

    Xém chút nữa là nó đã òa khóc, một thằng nhóc cả mười tuổi đầu mà lại đứng khóc giữa chợ vì lạc mẹ thì kể cũng buồn cười, nhưng nó cứ khóc. Vừa khóc vừa kêu má, nó đã tính kêu cho tới chừng nào má nó tới thì thôi.

    - Giàu! Nãy chạy đi đâu làm má kiếm gần chết!

    Má nó ẵm thằng Lắm nghe tiếng nó gào lên thì chen qua dòng người chạy lại níu tay nó, thở sắp không ra hơi mà vẫn còn sức rầy con. Giàu nghe bả cằn nhằn mà nó thấy không sợ chút nào, cứ nắm cứng ngắt vạt áo hoa cà của má nó rồi cười he he. Má nó bực mình, giao thằng Lắm cho nó ẵm rồi dẫn hai đứa lại cái gánh chè xôi nước của một bà già rồi kêu cho hai đứa hai viên.

    Cho anh em thằng Giàu ăn uống xong xuôi, má dắt cả hai về nhà ngoại, giữa đêm trăng sáng rõ, ngoại đón tụi nó bằng ánh mắt xót xa, lúc đó Giàu không có hiểu.

    Đêm đó tụi nó ngủ với má, mà sáng ra má đã đi mất rồi.

    Ngoại nghe tiếng anh em nó khóc, chạy vô buồng ôm hai đứa dỗ nín, mà cháu còn chưa nín thì bà lại khóc theo.


    - Thôi! Nín! Nín! Ngoại thương! Mẹ bây đi làm kiếm tiền nuôi bây! Ít bữa mẹ bây dề mà.. khóc gì mà khóc.. không biết nữa.

    Ngoại nói má gửi anh em nó cho ngoại để đi kiếm tiền, nhưng rồi cũng bặt tăm luôn, má nó có về nữa đâu. Nó có hỏi thế nào ngoại cũng không chịu nói, chỉ dùng ánh mắt buồn thiu nhìn anh em nó một hồi, lại lau nước mắt. Nó biết ngoại buồn nên cũng thôi, không hỏi nữa.


    _____________ (Còn tiếp) ______________
     
  5. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau này, bà tám hàng xóm mới âm thầm nói cho nó biết là má nó lên Sài Gòn rồi, bả cũng không nói là lên trển làm gì, chỉ là tấm tắc chậc lưỡi, nói bằng cái giọng điệu chẳng biết là thương hay trách.

    - Biết sao được! Má mày còn trẻ quá mà.

    Năm đó, Giàu chín tuổi, còn thằng Lắm em nó mới lên hai.

    Nhà ngoại cũng "giàu" y chang nhà nó, khác cái là bà ngoại còn có miếng đất con con trồng ít rau cải ăn qua ngày. Ở với ngoại nó không còn phải đầu tắt mặt tối cả ngày cả đêm để kiếm tiền kiếm gạo nữa, mà nó không có thấy vui, tại ở đây.. bà ngoại không có cho nó đi học.

    Không phải bà ngoại không thương nó, chỉ tại trường xa quá, còn bà thì già dữ lắm rồi, lại thêm thằng Lắm còn nhỏ xíu, bịnh tới bịnh lui, ngoại nuôi nó trên trạm xá còn nhiều hơn ở nhà. Tính qua tính lại, từ ngày má đi rồi, nó sống có ên.

    Đêm qua mưa lâm râm cả đêm, Giàu nằm không ngủ được, tiếng mưa lộp độp nện trên ngói làm nó nhớ ba, nhớ má quá trời quá đất, nhớ hồi xưa chưa có thằng Lắm, nhà nó nghèo mà ba người sống với nhau êm ấm biết chừng nào. Nhiều khi nó nghĩ rồi nó ghét em trai nó kinh khủng, nếu không phải tại thằng Lắm chui ra thì làm sao má nó bệnh, làm sao khiến ba nó khổ không chịu nỗi mới bỏ nhà đi, còn nó thì lưu lạc tới nông nỗi này? Biết vậy hồi xưa, nó đừng trông ba má nó đẻ thêm làm gì.

    Sáng trời vừa dứt mưa, Giàu vác nơm ra con suối nhỏ nhỏ gần nhà đặng ụp mớ cá về nấu canh. Ngoài rạch nước sâu hơn, cá tôm cũng nhiều, mà Giàu nhỏ quá, nó sợ, nước cuốn nó trôi luôn. Tới chừng đi tới nơi nó mới phát hiện con suối nước cạn mọi hôm sau cơn mưa đến tận sáng nước đã lên tới tận nửa sào.

    Giàu nhìn nước suối chảy rần rần cuốn mấy đám cỏ mọc hai bên bờ trôi tuốt luốt chỉ có thể thở dài, nước kiểu này thanh niên trai tráng xuống còn thấy sợ huống chi là thằng con nít mới hơn mười hai tuổi thiếu ăn như nó. Giàu xách cái nơm lủi thủi đi về, chắc mẩm cơm trưa nay thiếu thịt.

    Bỗng đâu nó nghe tiếng sóc kêu, ngó thấy ở cái bụi xa xa đằng kia có một con đang ngồi trên buồng chuối có mấy trái vừa chín bối. Con vật say mê cắn lấy cắn để, trái này một miếng, trái kia một miếng, một hồi nguyên nãi chuối chín bị nó cạp nham nhở tùm lum.

    Thôi thì đường nào cũng bị con sóc ăn hư, bỏ thì cũng phí. Giàu cầm cái nơm chạy tới, huơ cao hơn đầu, lớn tiếng hù con sóc chạy mất tiêu. Nó ngước lên nhìn buồng chuối một hồi để nhắm chừng khoảng cách rồi khệ nệ rinh một gốc cây khô chồng lên tảng đá gần bụi chuối. Giàu không định hái cả buồng, chỉ muốn "xin" mấy trái chín ở trên cùng hồi nãy mới bị con sóc cạp hư. Nó nhón chân, cả người căng ra như cọng dây đờn, làm lộ rõ mấy cái xương sườn bên dưới lớp vải áo đã sờn cũ. Từ hồi má nó bỏ đi, nó đâu còn được mặc áo mới.

    Vừa mới bẻ được hai trái thì có tiếng đứa con gái đanh đá cất lên:

    - Ê! Thằng ăn trộm! Dám hái chuối nhà tao hả mậy?

    Giữa cái chỗ đồng không mông quạnh trống huơ trống hoác, tiếng con bé không khác gì sấm nổ bên tai. Giàu giật mình, trượt chân té huỵch xuống đất. Cú đập mạnh đến mức nó thấy cổ nghẹt lại, thở không ra hơi, cơn đau dữ dội từ trong lồng ngực truyền đến dữ làm nó ngất lịm.

    Khi nó tỉnh lại đã thấy mình nằm trên cái li quăng bóng loáng không biết là của nhà ai, có đứa con gái trạc tuổi nhìn nó chăm chú bằng ánh mắt đầy vẻ ngại ngùng.

    - Mày.. té có đau dữ hôn?

    Nghe nó hỏi thăm Giàu mắc cười, trần đời người ta té đập mặt xuống đất bất tỉnh mà nó hỏi có đau hôn? Nếu không phải đau quá nói chuyện không nổi chắc Giàu sẽ nói với nó: Thôi mày leo lên cục đá rồi tao đạp cho mày té sấp là mày biết đau hay không liền.

    Mà không để cho Giàu tiếp tục suy nghĩ lung tung, con nhỏ đã cất cái giọng cao chót vót kêu với ra ngoài.

    - Má nó.. tỉnh rồi nè!

    Ánh mắt Giàu bất chợt nhìn ra cửa, nơi một người phụ nữ vẻ ngoài nhân hậu mặc cái áo bà ma màu ngà với quần lụa đen mang guốc mộc đi vô, trên tay bưng tô cháo không biết nấu với cái gì mà thơm đến chảy dãi.

    Giàu đâu có biết từ đây cuộc đời nó sẽ sang trang.

    Nó với Nguyệt - con gái duy nhất của ông Sáu Lân - chủ đoàn lân sư rồng nứt danh xứ Nẫu trở thành bạn thân từ đó. Biết gia cảnh nó côi cút bần cùng, ba má Nguyệt cũng thương, tuy không nói nhận nó làm con như đối xử với Giàu cũng không khác gì con cháu.

    Đến mùa trung thu năm đó, nó lên mười còn Nguyệt đã mười hai.

    - Nè! Tui tặng chị!

    Nguyệt cầm cái đèn quả trám làm từ mớ bìa cứng màu xám có vẽ hình con thỏ trắng được tọt mấy cái lỗ hình bông hoa để ánh sáng chiếu ngoài. Nguyệt nhớ rõ giấy bìa này là thằng Giàu xin má mình hồi hôm. Tưởng đâu nó làm gì, ai dè.. Nguyệt thấy cảm động lắm, tại mọi năm ba má cổ sẽ cho tiền mua đèn mua bánh chớ đâu có rảnh mà làm cho con gái. Nhưng vốn tánh đanh đá, nên Nguyệt đâu có chịu để người ta biết.

    - Mày kiu tao bằng chị thì phải xưng em chớ sao mà xưng tui?

    Giàu không trả lời, nó đâu dám nói là nó thấy xưng em ngượng miệng làm sao đó, nó sợ Nguyệt đá nó văng vô chuồng gà hay bay xuống ao cá tra y như cái lời Nguyệt hay hăm nó vậy. Giàu lảng qua chuyện khác.

    - Bộ chị chê tui làm hổng đẹp hả?

    - Chê đâu mà chê? Đẹp thấy mồ. Thôi mày vô nhà đi, để tao xin má cái bánh trung thu rồi tao dí mày đi rước đèn.

    - Ủa chị hông ở nhà phá cổ dí ba má ha?

    - Ba tao với mấy thằng đệ tử ổng vác đồ đi múa ngoài xã chiều giờ rồi, tí má tao cũng đi, năm nào trung thu tao cũng ở nhà có mình hà, nay hên là có mày đó.

    Nguyệt nói xong nhăn răng cười, con nhỏ không đẹp mà cười thiệt ngộ, hàm răng thì trắng tinh đều như bắp còn đôi mắt thì nhắm tịt, cong cong như trăng non treo giữa trời. Trăng người ta đẹp vậy, Nguyệt cũng là trăng mà không biết giống cái chỗ nào. Giàu vừa nhìn vừa nghĩ một hồi thì phát hiện chắc là giống ở gương mặt, mặt Nguyệt tròn vo như cục xôi nước người ta ưa đem cúng rằm.

    Vừa nghĩ là có, Nguyệt chạy tưng từng từ trong nhà ra, tay bưng hai cái chén, lớn tiếng kiu Giàu:

    - Ê! Má tao nói bánh trung thu chưa thắp nhang không được ăn, có chè xôi nước thôi, nãy đốt nhang rồi, mày có ăn hôn?

    Nghe Nguyệt hỏi mà Giàu có cảm tưởng như bây giờ là rằm tháng bảy cúng cô hồn chứ không phải là Tết Trung Thu. Nhưng thôi, có ăn là được.

    - Ăn chớ! Ăn đặng có sức mà đi rước đèn.

    Nguyệt đưa cho Giàu một chén rồi lôi nó ngồi xuống bậc thềm. Trong chén nó có hai viên xôi lớn tròn vo với đâu tám chín mười viên nhỏ không nhân, Giàu vừa nhai vừa nhớ má nó, tại lâu lâu má nó cũng làm.. mà thường là phải có giỗ quải tết nhứt gì đó mới làm. Mỗi lần má múc cho nó bưng lên bày cúng, nó để ý dòm thấy mỗi chén chỉ có một viên xôi lớn nhân đậu xanh hay đậu phộng với mè, chắc nhà Nguyệt khá nên mới làm gấp đôi. Biết đâu còn gấp ba gấp bốn, bất giác nó liếc mắt nhìn qua chén Nguyệt, thấy con nhỏ đang chóp chép nhai mấy viên xôi nước bé tí teo, nó buột miệng hỏi:

    - Ủa xôi nước bự của chị đâu?

    - Tao ăn hết rồi.

    Nguyệt trả lời tỉnh rụi làm Giàu không biết phải nói thêm gì, nó lại cắm đầu cắm cổ mà ăn phần mình cho xong. Nó hay nghe ba má Nguyệt kể là từ nhỏ con bé đã quậy phá rần trời, được cưng chiều quá sanh ra không biết ăn nói, thêu thùa may vá hay cơm nước Nguyệt cũng không rành, coi cách Nguyệt nói chuyện như vậy chắc ông bà Sáu cũng không có giỡn chơi.

    Giàu lại nghĩ tới xung quanh nó có biết bao nhiêu người hiền lành giỏi dang hết lòng vì chồng vì con mà cuối cùng cũng bỏ anh em nó lại cho ngoại, nên thôi, cũng không nhất thiết phải đảm đang làm gì, Nguyệt không biết nấu cơm thì để nó nấu. Giàu nghĩ bâng quơ một hồi tự dưng hoảng hồn hoảng vía, khi không mà nó lại nghĩ đâu đâu. Hình như nó thật sự coi ông bà Sáu là ba má, còn Nguyệt là chị ruột nó rồi.

    Nguyệt không biết thằng em mà mình lụm ngoài bụi chuối đang nghĩ gì, thấy Giàu thất thần, con bé đưa tay vỗ lưng nó cái bốp. Thằng nhỏ bị đánh bất ngờ không kịp né, cục xôi nước đang nhai trong miệng văng ra cái vèo, Nguyệt giỡn chơi mà thiếu điều Giàu muốn phun luôn cả tim gan phèo phổi.

    Bà Sáu Lân từng kể, lúc nhỏ có một lần Nguyệt lén chôm cái giàn nạn của một thằng múa lân trong đoàn, chạy ra mé suối canh bắn mấy con bói cá hay tới đó kiếm ăn, con nhỏ trèo lên nhánh xoài, nằm ở đó canh me, vừa thấy con chim liệng tới là nó kéo cái nạn thiệt căng rồi bắn cái tành, rớt nghe cái bịch. Mà không phải con chim rớt, mà Nguyệt rớt, nó lăn từ nhánh cây xoài xuống đất chết giấc.

    Không biết con bé bắn kiểu sao mà viên đá không bay ra ngoài mà theo đà của dây cao su dội ngược vô lòng ngực khiến nó ná thở chết giấc rồi lăn đùng xuống đất. Lần đó tưởng đâu ông bà Sáu Lân phải mời bà con bánh men với đậu phộng luôn rồi. May phước có ông thầy thuốc ngoài tỉnh ghé nhà người quen chơi, hay tin chạy qua coi mới cứu được Nguyệt. Lần đó ông Sáu giận lắm, tuyên bố con Nguyệt mà dám leo cây nữa ổng đánh gãy giò. Nguyệt sợ ba, răm rắp nghe lời, đâu có dám hé răng cãi ổng nửa chữ.

    Con bé không leo nữa mà nó phá chuyện khác. Kể như cái quần ông Sáu mặc đi múa lân, nó lấy kéo bấm cắt mất mấy cọng chỉ ở đáy quần, làm bữa đó ổng đang múa hăng tự dưng dân chúng ở vòng vòng người ta la lên "rớt trứng kìa cha nội", ổng có biết gì đâu, tới chừng bỏ cái đầu lân ra thấy đàn bà con gái chạy đâu mất hết, nhìn xuống mới thấy.. hỡi ôi. Về hỏi bà Sáu, bả ôm bụng cười ngất, thêm hôm qua thấy mất cây kéo bả biết ngay là con Nguyệt làm, mà bả sợ con gái cưng ăn đòn nên phải giả bộ ngạc nhiên, đổ thừa cho "quỷ thổ".

    - Chết được! Lâu nay quên không cúng đất! Tụi nó lộng hành dữ quá.

    Ông Sáu tức anh ách mà vợ đã nói vậy ổng đành phải nhịn. Ta nói.. sợ vợ để sống lâu, tránh.. trâu hổng xấu mặt nào. Hồi bà Sáu còn con gái, tay không đánh đổ cả cây chuối hột bự như cái cột nhà nên ông Sáu ổng hổng dám ho. Ai nói vợ ổng hiền lành đi, ổng là người đầu tiên đánh cho bầm mắt.

    Vì có má chống lưng nên Nguyệt đâu có sợ, chuyện cắt chỉ quần vừa qua chưa lâu lại đến cái vụ nó lén lút chui tới cái sào phơi đồ biểu diễn của đoàn ở trước sân, coi cái áo nào của mấy ông múa rồng là nó khoét nách hết trọi. Mấy thằng chả gấp gáp quá đâu có biết, tới chừng lên đài, múa được nửa chừng mới biết "lông cánh" nó lộ hết trơn. Mấy ông trên xã thấy vậy lắc đầu, môi trề "tám thước".

    - Đoàn ông Sáu Lân coi bộ hết tiền hết gạo rồi hay sao mà để lính lác mặc đồ ngộ dữ à.

    Lần đó ông Sáu tức dữ, vừa về tới nhà là dựng đầu đứa con gái rượu dậy gõ cho một trận, con nhỏ khóc té lè, bà Sáu thấy vậy cũng chỉ có thể lắc đầu, coi như "hết cứu".

    - Thiệt cái con nhỏ, con gái con lứa mà quậy quá trời, cũng không biết giống ai.

    Tính ra từ hồi có thằng Giàu chơi chung, con Nguyệt mới bớt phá nhà, mỗi ngày ngồi ghe đi học về là nó lại qua nhà thằng Giàu hoặc rủ thằng Giàu qua nhà nó, hai đứa lúi húi chơi với nhau cả ngày trời. Chơi cái giống gì thì không biết nhưng con Nguyệt không khoét nách áo hay cắt đáy quần ba nó nữa là ổng mừng rồi.

    Như bữa nay rằm tháng Tám, hai đứa ăn chè xôi nước xong thì cầm lồng đèn chạy ra bãi sông, theo đám nhỏ trong xóm đi đón trăng lên. Nguyệt lẹ tay chụp luôn cái nồi gang sứt quai mà má nó hay để cho gà ăn với một khúc củi đem theo, Giàu không biết để làm gì nhưng nó không dám hỏi. Nguyệt thấy Giàu ngơ ra thì lớn tiếng hối nó đi cho nhanh.

    - Lẹ đi mày! Không là không kịp giờ chơi đấu đèn đâu à.

    Nhà ngoại Giàu ở đây nhưng nó là dân xứ khác vừa tới chưa được bao lâu, nghe Nguyệt nói đấu đèn nó đâu có biết cái gì. Nguyệt nghe Giàu hỏi thì che miệng phì cười nhưng cũng không trả lời liền mà đưa khúc cây cho nó cầm rồi nắm tay nó lôi chạy băng băng trên đường bờ ruộng. Không bao lâu, tụi nó đã ra tới nơi.

    Gió thổi ù ù làm tóc mai Nguyệt bay lất phất, nó đi ngược hướng mặt trời mà trán cũng chả thèm nhăn, cứ phơi phới, cứ rạng rỡ cười như chùm chôm chôm chín tới, đỏ au nổi bật giữa đám lá xanh đen mà tụi nó mới "chỉa" của nhà bà Tám Suối cách đây ít ngày.

    Một đám nhóc đâu chừng hai chục đứa hẹn nhau tụ tập ở bãi đất trống ven sông khi trời còn chưa tắt nắng, đứa nhỏ nhất còn đang ẵm trên tay, dưới đất thì lăn lốc đủ thứ đồ, từ cành trúc tới dao rựa dây nhợ làm lồng đèn không thiếu thứ gì. Tụi nó chia nhau ra làm, đứa dán bọc, đứa chẻ nan, có đứa thì xé vỏ cây chuối ra để làm dây cột. Thấy Nguyệt dẫn theo một thằng nhóc lạ hoắc lạ huơ đen nhem nhẻm đi tới, tụi nó trố mắt ra nhìn thằng Giàu từ đầu tới chân hết cả buổi trời, cho tới khi con Nguyệt bực bội cắt ngang.

    - Nhìn cái gì mà nhìn dữ dậy, bộ nào giờ không thấy người hả? Em tao đó. Tụi bây lớ rớ thì liệu cái hồn. Làm tới đâu rồi?

    Tụi nhóc biết Nguyệt xưa nay hung dữ, đâu có đứa nào dám hó hé, cũng khống dám nhìn thằng Giàu tiếp mà nhao nhao trả lời:

    - Chưa tới đâu hết, còn chờ chị quyết định coi làm cái gì.

    - Nghe đâu tụi xóm Gạo làm cái đèn ông sao bự lắm, bự gấp đôi cái năm ngoái luôn á.

    - Năm ngoái mình thua rồi năm nay không được thua.

    - Mấy thằng múa lân đâu rồi? Tập xong chưa?

    - Sắp rồi, hối gì hối quài, lo làm lồng đèn đi kìa.

    Nguyệt hỏi có một câu mà làm cho tụi nó nhốn nháo lên hết cả. Biết sao được, Nguyệt có uy tín nhất trong đám trẻ xóm này, phần vì Nguyệt lớn nhất, phần vì nhà Nguyệt giàu nhất, mà quan trọng là Nguyệt "đầu gấu" nhất, thành ra đứa nào đứa nấy đều coi con nhỏ là thủ lĩnh nên hễ là chuyện "đại sự" thì phải có chị Nguyệt lên tiếng mới dám làm.

    Nguyệt đứng nhìn đám nan trúc với dây chuối nằm lăn lốc dưới đất, ngẫm nghĩ cả buổi cũng không biết nên làm ra hình thù gì, mặt trời thì đã chìm nghỉm xuống sông, sắp tối tới nơi mà chưa đâu vô đâu, tụi con nít bồn chồn như gà tìm ổ mà vẫn phải im ru, đâu dám hối. Giàu đi tới, ngó nghiêng một hồi rồi nói:

    - Làm hình tàu con thoi đi.

    - Tàu con thoi là cái gì?

    - Cái mà bay được lên mặt trăng đó.

    - Không phải tàu chạy trên nước thôi hả? Sao bay được lên cung trăng? Có xạo hông dạ?

    - Đâu mày vẽ ra coi.

    Giàu gãi ót, nó đâu có ngờ tụi nhóc ở đây không biết tàu con thoi. Nó cầm nhánh cây, cẩn thận vẽ trên đất hình thù đại khái của con tàu.

    Tụi nhóc xóm Lúa tròn mắt nhìn cái thứ hình trụ nhọn một đầu, đuôi có mấy cái chân xòe ra như tua mực mà thằng Giàu vẽ trên đất, có đứa buộc miệng chê:

    - Chời má ơi! Hình gì xấu dữ thần!

    - Xấu cái đầu mày!

    Nguyệt đưa tay vỗ ót đứa nhỏ cái bộp làm nó đau tới hả họng, sau đó không còn đứa nào dám he răng phản đối thêm nửa lời. Con thoi thì con thoi, lồng đèn xấu đỡ hơn bị đòn.

    Cả buổi chiều hôm đó, gần hai chục đứa con nít ở trên bãi bồi ven sông, đứa tập múa lân, đứa khua nồi, còn lại một đám hì hục uốn cành trúc, quấn dây rồi dán giấy. Đến khi trăng ló dạng thì tàu con thoi của tụi nó đã xong. Giàu còn tinh ý vẽ thêm lên đó hình Hằng Nga đạp trên mây. Nó vẽ khéo tới nỗi khi đốt đèn lên người ta có cảm giác như chị Hằng vừa té xuống từ cung Trăng. Nghe tiếng tụi nó suýt xoa, Giàu không thấy sao chứ Nguyệt thì cằm đã hất cao tới đỉnh đầu. Bạn nó mà, sao mà dở ẹc như mấy đứa này được.

    Trăng lên cao. Đám con nít xóm Lúa rồng rắn nối đuôi nhau, thứ tự hệt như cái đám rước đèn trên chợ huyện mà thằng Giàu thấy hồi năm rồi, có Địa, có lân, có sư, có rồng, chỉ thiếu thằng thổi lửa. Có điều.. mấy cái con này.. nó lạ lắm.

    Mấy đứa đi đầu không biết kiếm ở đâu một cái quạt mo, ông Địa đội một cái giỏ con con đan bằng sợi mây được vẽ màu xanh đỏ trên đầu, vừa đi vừa vẫy đám "đệ tử" theo sau. Hai con lân đầu bằng bội gà có đuôi làm từ vỏ bao cối gắn thêm đủ thứ bông hoa lá cây sặc sỡ đủ màu, như thể là đất quê có gì là tụi nó đem gắn lên cho bằng hết. Đôi sư tử cũng từa tựa như vậy, chỉ khác ở màu sắc ở đầu và cây lá dán trên thân, còn con rồng đi sau thì khỏi phải chê, tinh hoa hội tụ quanh mấy cái thùng bìa cứng giăng đầy dây nhợ và vải vụn đủ màu xin của thợ may. Năm đứa tụi nó cũng tung tăng tung tẩy nện bước trên đường bờ ven sông theo nhịp "trống múa" cắc tùng cheng. Nhưng khác với mấy con lân con sư con rồng ở nhà Nguyệt, hai đôi lân sư với con rồng thần này bốn chân tám cẳng khẳng khiu, không móng không vuốt, đen thui đen thủi múa theo nhịp chập chen bằng mỏ, trống múa bằng mồm và thanh la là cái nồi nhôm mà nhỏ Nguyệt thó được từ nhà.

    Đàn trẻ con rùm beng đi dọc bờ, trông xa tụi nó hệt như đàn đom đóm mang theo thứ ánh sáng nho nhỏ vàng cam đến thắp sáng cả một đoạn sông, ồn ào, bát nháo nhưng làm Giàu vui đến lạ. Thứ tụi nó cầm trên tay không chỉ là ánh sáng leo lét của đèn cầy mà còn là ánh trăng đêm rằm, soi sáng luôn cả chuỗi ngày âm u cực nhọc của những con người quanh năm suốt tháng chìm trong bóng tối, soi sáng cả hồn Giàu.

    Tiếng nồi khua rổn rảng đinh tai nhưng hòa trong tiếng cười hân hoan và những ánh mắt sáng như sao sa vô tư lự của đám con nít, lại khiến cho người ta cảm thấy thanh bình. Giàu cũng vậy.


    ________________________ (Còn tiếp) _________________________
     
  6. Bách Tuế Miêu Bách Tuế Miêu - Bách tuế cô miên

    Bài viết:
    222
    Chương 4 (Hết)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Con Nguyệt cầm đèn trái trám, nhe răng cười, cái điệu cười không ý không tứ quen quá trời quen mà bỗng dưng thằng Giàu thấy dễ thương đến lạ.

    Tụi nó đi không bao lâu thì đụng mặt mấy đứa con nít xóm Gạo, bọn kia cũng múa lân múa rồng, mấy đứa ở chính giữa è ạch khiêng cái đèn ông sao cao cỡ ngang ngang đầu thằng Giàu dán giấy bóng đỏ au, hắt ra thứ ánh sángđỏ rực cả một khoảnh đất bờ sông.

    Hai bên chạm mặt nhau, không thèm nói tiếng nào đã bắt đầu "trận chiến". Lúc này thằng Giàu mới hiểu "đấu đèn" mà con Nguyệt nói là thi coi bên nào lồng đèn lớn hơn, đẹp hơn và quan trọng là chắc chắn, mạnh mẽ hơn đối phương mới được. Sau một hồi cà qua cựa lại, để chứng minh đèn mình làm ra là vô địch, tụi xóm Gạo coi bộ thằng Giàu khờ khờ dễ ăn hiếp nên hè nhau lấy đầu nhọn của cánh sao giả bộ vô ý ủi rách quả đèn trái trám của nó, chẳng những không xin lỗi mà còn hả họng mà cười ha hả.

    - Đã nghèo thì thôi, lồng đèn còn làm xấu quắc, bỏ đi cho rồi.

    Bị chọc ngoáy ngay chỗ đau, thằng Giàu buồn thiu, im thin thít. Con Nguyệt thấy vậy bực quá đi ra phía sau nói với tụi trong xóm cái gì đó, một lát sau mấy con lân sư né hết qua một bên, nhường đường cho con rồng giấy bìa uốn lượn bay lên, cái đầu vuông vuông cứ nhè ngay cái đèn sao của tụi xóm Gạo mà vờn qua vờn lại một hồi mới chịu "bay" đi, theo sau đuôi nó là cái lồng đèn hình phi thuyền bự chà bá lù lù xuất hiện.

    Đèn dán bằng giấy kính vàng, bên trên điểm thêm tranh Hằng Nga bái nguyệt. Nguyệt đi phía mũi phi thuyền, nó vẫy tay một cái thì tụi xóm Lúa ào ào khiêng phi thuyền chạy như bay về phía trước, cũng học theo tụi kia, giả bộ không thấy đường tông cái bùm vô chính giữa đèn ông sao của bọn nó làm rách một lỗ thật lớn, ngọn đèn cầy bên trong ngã nghiêng rồi cả cái đèn bén lửa cháy phừng phừng. Ông Địa ngững vẫy quạt, lân cũng ngừng múa, thanh la chập cheng gì cũng im rít im ru.

    Nguyệt chống nạnh, hất cằm nhìn mấy đứa xóm Gạo đang tức tối giậm chân, cao giọng nói mỉa:

    - Đã nghèo thì thôi, lồng đèn còn làm xấu quắc, đốt luôn cho rồi.

    Đứa nào cũng biết con Nguyệt là con ông bà Sáu Lân, nên tức anh ách cũng không dám làm gì nó, chỉ có thể đứng xa xa xí xô xí xào.

    Lần này đương nhiên là xóm Lúa đại thắng. Trên đường về nhà, Nguyệt vui vẻ nhảy chân sáo tung tăng, còn Giàu cầm cái đèn rách của nó, buồn ơi là buồn.

    Hai đứa nó cùng nhau lớn lên, ông Sáu Lân thấy thằng Giàu còn nhỏ mà thông minh nhanh nhạy, học không nhiều nhưng chữ viết ngay ngắn, sạch sẽ, vẽ cũng rất đẹp lại thêm chơi thân với con gái cưng nên cũng có ý cho nó theo Nguyệt đi học rồi dạy nó múa lân. Ban đầu ngoại thằng Giàu không chịu, nhưng nghĩ tới cảnh nhà mình, không đi học thì sau này làm sao ngóc đầu dậy nổi? Người ta đã hết lòng như vậy mà từ chối thì cũng tội thằng nhỏ. Nên bà đắn đo mấy hôm rồi cũng đồng ý, định bụng nhắn với má thằng Giàu là bán miếng đất vườn để lấy tiền cho thằng Giàu ăn học. Má nó hay tin cũng không nhắn gửi lại cái gì, chỉ đưa cho ngoại ít tiền rồi dặn sau này chuyện hai đứa nhỏ không cần hỏi qua bả nữa. Ngoại nó khóc cả đêm, vừa thương thân mình vừa thương hai đứa cháu số khổ.

    Ông Sáu đoán không sai, thằng Giàu nó khôn lanh sáng dạ, học đâu biết đó, theo đoàn chẳng bao lâu nó đã múa được trên Mai Hoa Thung, qua thêm một năm đã có thể leo cột, được cái vóc người nó nhỏ mà nó khỏe như trâu, dân trong ngờ ai cũng khen nứt mũi.

    Mấy năm này nó lớn lên bên cạnh Nguyệt, hai đứa hết trèo trâm lội suối lại ra ruộng bắt cá mò cua, tình cảm cứ theo mấy mùa trăng tới trăng đi mà lớn lên. Qua ánh mắt hai đứa nhìn nhau, ba má Nguyệt cũng ngầm đoán biết. Dù ông bà quý nó, thương nó nhưng cũng chỉ là thương vậy thôi chớ nó mà có ý với Nguyệt, ông bà nhất định không bằng lòng. Hồi nhỏ hai đứa chơi chung quậy phá với nhau cái gì cũng là hai đứa con nít, còn Nguyệt năm nay đã mười tám, tới tuổi cưới gả, để người ta nói ra nói vô cũng không phải chuyện tốt đẹp gì.

    Một bữa Giàu đi múa về, lúc đang lay hoay bắt ghế để treo đầu lân lên tường, thì ông Sáu bỗng đâu lù lù đi vô, ổng kêu một tiếng làm nó giật mình xém tí nữa là té ghế. Ổng kịp thời nhảy tới, đỡ nó bằng một tay, tay còn lại thì sau lưng, thủng thẳng nói:

    - Giàu! Lấy cho tao con lân màu đen treo trên cùng.

    - Dạ..

    Giàu trả lời mà trong bụng cứ bồn chồn, nó ngước mắt nhìn cái đầu lân trấn đường của nhà ông Sáu lâu nay treo tít tù tì ở trên cao một hồi rồi chạy ra sân khiêng một cái thang tầm vông vào trong nhà. Vậy mà leo lên tới nấc thang cao nhất, rướng căng cả người vẫn còn cách một đoạn xa. Nó loay hoay một hồi thì trèo xuống đất, ngại ngùng gãi đầu nhìn ông Sáu.

    Dường như Sáu Lân đã sớm đoán biết kết quả nên cũng không lấy làm ngạc nhiên, ổng chỉ mỉm cười, đưa tay khẽ vỗ vào vai thằng Giàu, trịnh trọng nói:

    - Nhà tao chỉ có nó là quý nhất! Thôi bỏ đi! Mày với không có tới.

    Ổng không nói thẳng mà Giàu nghe lòng mình nhoi nhói. Tại.. nó hiểu. Nó biết, ổng nói có sai đâu.

    Sáng hôm sau, nó qua xin phép ông bà Sáu nghỉ ít bữa đặng ở nhà nuôi ngoại bệnh thì mới hay ông sáu đưa Nguyệt lên Sài Gòn rồi, chỉ còn bà sáu ở nhà. Bả nhìn Giàu đầy thông cảm.

    - Cha con nó đi gấp quá, con Nguyệt không kịp chào con, thôi, cũng đừng có buồn, để khi nào nó dề chơi thì dì nhắn.

    Giàu gật đầu, nó biết Nguyệt đã đậu tú tài nên ba má cho cổ học tiếp lên cao, chớ có hay đâu "khi nào" là cái khi không bao giờ chờ tới. Ông bà Sáu vẫn đối xử với nó như xưa, một năm đôi ba bận, lại gọi nó đi múa với đoàn mấy dịp tết nhứt lễ lộc, mà ngộ cái không có lần nào nó gặp được Nguyệt. Chờ hoài chờ hoài, chờ suốt bảy năm, chờ tới cái ngày Nguyệt lên xe hoa. Nó nghe tin mà ngồi thẩn thờ ở bờ sông hết cả buổi chiều. Đã có thời, nó ngây thơ mơ đến một ngôi nhà có đủ má với ba, nó là con còn Nguyệt là sự hiện hữu tất yếu trong cái gọi là "gia đình" trong tương lai của nó. Giàu đâu có ngờ, nó chỉ là chậu nước soi trăng..

    Đã qua hè tới giữa thu, mà con tu hú ở đâu cất tiếng kêu đêm nghe não ruột, coi bộ, chim cũng buồn cũng đau cũng lẻ loi như nó. Giàu thả tờ giấy đã bị vò nát xuống sông, tâm tư cũng theo sóng nước tan vào giữa ánh trăng loang.


    Bậu qua cầu trong tiếng nhạc rình rang

    Cánh hoa theo pháo tiễn chân nàng

    Bóng trăng trong mộng hoài trong mộng

    Bậu bước lên cầu, Bậu sang ngang..

    Từ dạo Nguyệt lấy chồng, Giàu cũng thôi, không dám nghĩ tới nữa. Ngoại nó yếu lắm rồi, còn thằng Lắm thì hồi ba bốn năm trước, ông già nó có tới đón đi, nghe đâu là tại bà vợ sau của ổng không có sanh con. Giàu nghe ngoại nói mà không biết nên vui hay buồn.

    Được đâu thêm hai năm, ngoại nó cũng mất. Một lần nữa Giàu sống chèo queo một mình. Cái lúc sắp nhắm mắt lìa trần, ngoại nắm tay nó, ứa nước mắt mà dặn:

    - Con đừng buồn má con tội nghiệp, nó cũng khổ tâm lắm. Cũng đừng giận ba con, tại.. con không phải là con của nó, không phải máu mủ mà nó nuôi dùm nhiêu đó năm là cũng tốt lắm rồi. Sau này còn ên, ráng sống cho tốt, con à..

    "Con không phải là con của nó", ngoại nói nhỏ thật nhỏ mà Giàu nghe ầm ầm như núi đổ bên tai. Nó không phải con ba nó, vậy nó con ai?

    - Sao xưa giờ không ai nói với con? Hả ngoại?

    - Thì.. hồi ba thằng Lắm dề dắt thằng Lắm đi, nó mới nói.. tao biết.

    Đến tận lúc đó Giàu mới hiểu tại sao hồi đó ba nó về rước thằng Lắm mà không cho nó theo, cũng không thèm chờ nó về để gặp mặt lấy một lần, cứ vậy mà đi. Mọi khi nó hay nghĩ mà giận thằng Lắm hại nó mất gia đình, hại ba má nó bỏ nhau, hại nó cù bất cù bơi không ai thương xót. Nó có ngờ đâu.. nó mới là con tu hú ở nhờ nhà thiên hạ.

    Hồi đám tang ngoại, cũng không biết là ai cho hay mà má nó về. Tính ra hơn chục năm rồi, Giàu mới gặp lại má. Bà giờ khác hồi xưa cũng nhiều, nghe đâu má cũng lấy chồng mới là dân buôn, hai người quen nhau cái dạo mà bả hết bịnh đi kiếm việc làm. Làm công rồi thành bà chủ, vậy nên sắc mặt bả hồng hào, bàn tay cũng mơn mởn khác hẳn hồi xưa.

    Trong lúc đốt giấy tiền, Giàu bần thần hỏi nhỏ má, miệng nó mếu máo y chang mấy con nít, nhìn thấy mà thương. Cũng chẳng biết là nó khóc ngoại hay khóc cuộc đời bơ vơ lạc lõng của mình,

    - Má. Ba con là ai hả má? Giờ ổng ở đâu dậy má?

    Bàn tay đang thả tiền giấy vào chậu đất khựng lại, hình như má thằng Giàu không ngờ nó lại hỏi điều đó lúc này. Bả im lặng một hồi rồi làm như không có chuyện gì, bình thản trả lời.

    - Ba mày là ba mày chứ là ai. Ổng bỏ đi cả chục năm hơn rồi, hỏi ở đâu.. làm sao má biết.

    - Ngoại nói với con hết rồi. Má.. con là con ai hả má?

    - Mày hỏi làm chi? Để đi tìm ổng hả? Hồi xưa ổng bỏ mày, kệ thây mày sống chết, giờ còn tìm ổng làm cái gì?

    - Con không tìm ông rồi con sống với ai? Hả má?

    Má thằng Giàu làm thinh, rồi bả thở dài. Ngẩn ngơ giống như một pho tượng đồng ngồi im bên chậu lửa, trong mắt chỉ có ánh lửa sáng tối nhập nhoạng cháy, tới khi lửa hóa giấy tiền trong chậu sắp tắt ngúm, mới như vừa tỉnh cơn mê, lật đật châm dầu lên cho nó cháy. Má nó có ngồi canh lửa đâu.

    Thằng Giàu chờ hoài không nghe kêu "thôi, con về sống với má."

    Nó buồn dữ, mà không dám nói. Tại Giàu biết, có còn chồng má, còn con má, còn gia đình của má. Còn nó con ai, nhà cửa ở đâu.. nó không có biết. Má thương nó, thương thằng con cả đời côi cút, mà.. má nó cứ làm thinh.

    Bả muốn nói, nó cũng đâu phải con mình, mà hồi đó.. bả lượm được nó ngoài bãi sông rồi bồng về nuôi. Ba nó biết chớ ngoại không có biết, ngoại tưởng nó là cháu ngoại, ngoại tưởng là má nó đi nạ dòng. Hồi xưa ba má nó bỏ nhau cũng vì năm đó khổ quá, ổng muốn đem nó cho người ta để bớt đi miệng ăn, bớt đi gánh nặng trong nhà, má nó không đành lòng, mà nuôi.. thì không nuôi nổi. Đêm cứ lẳng lặng trôi trong sự gượng gạo của má, còn nó lặng thinh, nước mắt dầm dề chờ đến sớm mơi đưa ngoại ra ngoài đồng.

    Má ở lại với nó thêm một đoạn thời gian. Hai má con ở chung dưới một mái nhà mà cứ như hai người xa lạ vô tình tụ chung một chỗ. Nó không sống với má đã mười mấy năm rồi, tay mẹ ra làm sao, hơi ấm như thế nào cũng sớm quên hết sạch. Nhưng nó vẫn muốn ở cạnh bà, vì trên đời này, ngoài má, nó đâu còn ai thân thuộc.

    Một bữa, má đốt nhang cho ngoại xong, trong lúc ăn cơm, má nói:

    - Ít bữa nữa, tao dề trên kia, mày coi..

    Giàu ngừng đũa, nó nghe ngực mình nghèn nghẹn, cuối cùng nó cũng chờ được lúc này, cái lúc má mở lời kêu nó về ở chung. Nó đã sắp khóc.

    - Mày coi thu xếp, tao muốn đưa ngoại về trển thờ cúng.

    Má.. vậy mà.. muốn đưa ngoại đi, muốn bỏ nó nữa. Mặt Giàu méo xệch, nói sắp không thành tiếng.

    - Má.. dề với con má, con.. con ở lại đây còn có mình ngoại.. mà má cũng đành đoạn đưa ngoại đi luôn hả má?

    Má thằng Giàu nhìn nó tức tưởi, bả cũng đau lòng. Dù không phải máu mủ ruột rà nhưng cũng là đứa nhỏ bả đã nuôi cả chục năm, giờ nó như vậy nói sao bả không rầu? Chỉ là.. con bả đâu chỉ có mình nó, bả cũng khổ tâm lắm chứ. Biết sao được.

    - Mày nghĩ sao dậy Giàu? Tao làm dậy cũng vì mày. Mày còn trẻ, còn bay nhảy được nên tao muốn để mày đi, chớ không lẽ mày định học cho có cái bằng tú tài xong rồi chết dí ở cái xứ này hoài sao con? Tao.. sợ mày đi rồi không ai nhang khói cho ngoại. Chứ ngoại mất rồi, thằng Lắm cũng về với cha nó, rồi mày ở lại mày sống với ai?

    Giàu không nói nữa, nó bỏ chén đũa quay vô buồng đóng cửa, úp mặt xuống gối khóc òa. Khóc y chang cái kiểu mà hồi xưa nó buồn nó tủi nó khóc mà không dám để ba má nó hay. Nó muốn nín mà nín không nổi, cứ nghĩ tới ngoại, tới ba, tới má, tới thằng em trai, tới Nguyệt là nó lại nghẹn ngào nức nở suốt cả đêm. Má nó ngồi ở ngoài cửa, nghe nó khóc, buồn dữ lắm mà cũng đành vậy, chứ làm sao cho vẹn đôi ba đường.

    Chắc mệnh thằng Giàu sanh ra cô độc, gần ba chục tuổi đầu có quá nửa là ở mình ên. Nhiều đêm nó ngủ nằm mơ, chỉ ước sao mai tỉnh ra mình còn có ba, có má, có những người mà nó gọi là người nhà.. Nó thèm hơi ấm của thân thuộc, của máu mủ ruột rà, thèm tiếng nhằn nhì của má, tiếng quát mắng của ba, tiếng ọ ẹ của thằng em mỗi đêm trời trở gió. Nó thèm.. tiếng cười của đám bạn, ánh lửa đèn lồng chạy dài theo bãi sông mỗi lần tới Trung Thu, và thèm cả.. tiếng Nguyệt.

    Ngoại mất lâu rồi, má nó cũng không còn về lại. Căn nhà tranh vách đất và mảnh vườn nho nhỏ ngoại để lại cho nó, quanh năm suốt tháng im lìm, hình như trăng đi qua mái nhà cũng không thèm sáng nữa. Mấy năm nay, nỗi cô đơn, khao khát tình thân và mong muốn tìm về nguồn cội thôi thúc nó từng ngày. Nó muốn tìm cha. Mà biết tìm từ đâu giữa biển người mênh mông không bờ không bến?

    Ngoài đồng có con tu hú lạc mùa lẻ loi kêu, nó kêu từ trưa cho tới tận khi chập tối trăng lên, nó không theo bầy đi về nơi nắng ấm, mà nó ở lại, cô đơn lạc lõng có một mình. Không phải nó không muốn đi tìm thân thuộc, mà có đi thì cũng biết đâu mà tìm.

    Thôi, ai đâu mà thương tu hú.

    Tết Trung Thu là lúc mà gia đình người ta sum họp quây quần, còn nó.. chắc sum hợp với cái nhà tranh vách đất và bàn thờ nghi ngút khói nhang của ngoại. Giàu thấy, cái con tu hú đang núp đâu trong mấy bụi cây bên kia ao với mình giống y chang nhau, đêm nay chỉ có ông trăng trên trời làm bạn. Phải mà nó hiểu tiếng người, Giàu cũng ráng kêu nó vô nhà ngồi ăn chung bữa cơm cho đỡ buồn chớ có đâu mà lẻ loi kêu đứt ruột đứt gan hoài như vậy.

    Giàu gác đũa, ngó ra mấy đốm lửa cam cam vàng vàng đuổi nhau chạy ngoài bãi sông, tiếng trẻ con rổn rảng vang vang hệt như cái hồi nó còn nhỏ xíu.

    Tùng dinh dinh, tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh..

    Tiếng tụi nó hát còn chưa dứt thì tới nửa đêm mưa đổ xuống ào ào, trăng trên trời cũng biến đâu mất tăm mất tích. Giàu ngơ ngẩn nhìn ra bờ ao, thẩn thờ nói vào trong không khí:

    - Thôi! Mày đừng kêu trăng nữa, vô đây với tao, tu hú ơi!


    ________________________ (Hết) _________________________
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...