Đọc hiểu - Khi con tu hú - Tố Hữu - Trắc nghiệm và tự luận

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 18 Tháng mười hai 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đọc bài thơ sau:

    KHI CON TU HÚ​

    (1) Khi con tu hú gọi bầy

    Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

    Vườn râm dậy tiếng ve ngân

    Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

    Trời xanh càng rộng càng cao

    Đôi con diều sáo lộn nhào từng không..

    (2) Ta nghe hè dậy bên lòng

    Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

    Ngột làm sao, chết uất thôi

    Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

    (Khi con tu hú, Tố Hữu, in trong Từ ấy, NXB Văn học, Hà Nội, 1971)

    * Tố Hữu

    [​IMG]

    Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, được mệnh danh là "cây đại thụ" của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông sinh năm 1920 tại làng Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thơ Tố Hữu mang đậm chất trữ tình - chính trị, thể hiện tình yêu nước sâu sắc, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng và khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

    [​IMG]

    "Khi con tu hú" là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Tố Hữu, được sáng tác vào năm 1939 khi nhà thơ đang bị giam cầm trong nhà tù Thừa Phủ. Bài thơ thể hiện tâm trạng tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống và khát vọng tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi.

    Lựa chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ?

    A. Biểu cảm

    B. Tự sự

    C. Nghị luận

    D. Thuyết minh

    Câu 2. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    A. Bảy chữ

    B. Song thất lục bát

    C. Tự do

    D. Lục bát

    Câu 3. Bài thơ nói về mùa nào trong năm?

    A. Mùa xuân

    B. Mùa hè

    C. Mùa thu

    D. Mùa đông

    Câu 4. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong đoạn (1) ?

    A. Nhân hóa

    B. Đối lập

    C. Liệt kê

    D. So sánh

    Câu 5. Dòng thơ nào sau đây nói về tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ?

    A. Ta nghe hè dậy bên lòng

    B. Khi con tu hú gọi bầy

    C. Trời xanh càng rộng càng cao

    D. Ngột làm sao, chết uất thôi

    Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói đúng về cặp đối lập được sử dụng trong bài thơ?

    A. Không gian tự do và không gian ngục tù

    B. Thời gian tâm lí và thời gian vật lí

    C. Cuộc sống hiện tại và mơ ước trong tương lai

    D. Con người và thiên nhiên mùa hè

    Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói về chủ đề của bài thơ?

    A. Tâm trạng ngột ngạt, u uất của chủ thể trữ tình khi bị giam hãm trong chốn ngục tù

    B. Niềm khát khao muốn thoát khỏi cảnh ngục tù để sống đời tự do

    C. Tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên mùa hè tràn đầy sức sống

    D. Cả A và B

    Câu 8. Theo bạn, bức tranh mùa hè trong đoạn (1) là cảnh thực hay cảnh trong trí tưởng tượng của tác giả? Lí giải?

    Câu 9. Bạn hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu thơ "Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!"?

    Câu 10. Hãy viết khoảng 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của bạn về vai trò của cuộc sống tự do đối với mỗi con người.

    Câu 11: Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ "Khi con tu hú" (Tố Hữu).

    * Đáp án

    Câu 1: A

    Câu 2 :D

    Câu 3: B

    Câu 4: C

    Câu 5 :D

    Câu 6: A

    Câu 7 :D

    Câu 8:

    Bức tranh mùa hè trong đoạn (1) là cảnh trong trí tưởng tượng của tác giả. Bởi lúc này tác giả đang bị giam hãm trong chốn ngục tù. Trong hoàn cảnh mất tự do ấy, nghe âm thanh tiếng chim tu hú, trong tâm trí của tác giả hiện lên khung cảnh của mùa hè mà tác giả đã từng được nhìn ngắm khi còn tự do.

    Câu 9:

    Câu thơ "Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!" vừa là âm thanh của tiếng chim báo hiệu mùa hè; vừa là lời giục giã, kêu gọi của cuộc sống tự do ngoài kia, khiến nhân vật trữ tình càng cảm thấy thèm khát tự do, càng cảm thấy sự ngột ngạt của chốn lao tù, càng muốn bứt tung mọi xiềng xích để trở về với cuộc sống tươi đẹp.

    Câu 10:

    Vai trò của cuộc sống tự do:

    - Giúp con người được làm những điều mình thích

    - Giúp con người cảm thấy thoải mái, không bị bó buộc

    - Giúp con người phát huy được mọi khả năng tiềm ẩn, khơi dậy niềm sáng tạo.

    V. V..

    [​IMG]

    Câu 11:

    I. MỞ BÀI

    - Giới thiệu tác giả và tác phẩm: "Khi con tu hú" là bài thơ đặc sắc của tác giả Tố Hữu, được làm trong thời gian ông bị giam cầm ở Huế, in trong tập thơ "Từ ấy".

    - Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

    II. THÂN BÀI

    1. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

    A. Xác định chủ đề:

    Bài thơ là bức tranh màu hè đẹp đẽ, tươi vui, sống động trong hình dung của tác giả khi đang bị giam hãm trong chốn lao tù; qua đó thể hiện tình yêu cuộc sống thiết tha, khát vọng tự do đến cháy bỏng của người tù Cách mạng Tố Hữu.

    B. Phân tích, đánh giá chủ đề:

    [​IMG]

    B. 1. Bức tranh ngày hè sôi động, vui tươi với những thanh âm thật rộn rã (Tiếng chim tu hú: Gọi nhau "gọi bầy"; tiếng ve râm ra trong vườn cây; tiếng sáo diều vi vu trên không). Những âm thanh thật sống động, tươi vui báo hiệu ngày hè đang tới (một bản nhạc rộn ràng âm sắc). Màu sắc trong khung cảnh cũng thật tươi tắn và rực rỡ: Lúa chiêm đang vào vụ chín vàng rực; những hạt bắp vàng ươm; cả sân nhà đều bao trùm bởi màu nắng hồng "đào"; bầu trời trong xanh. Chúng đều là những gam màu thật tươi tắn, đẹp đẽ. Hình ảnh cũng mang đậm sắc thái của ngày hè sôi động: Cánh đồng lúa chiêm vàng chín; vườn trái cây đang "ngọt dần". Đó là sự vận động của thời gian, đầy tươi vui, ngọt ngào và sức sống. Không gian trong bức tranh được mở rộng, cao, thoáng đạt với điểm nhấn là hình ảnh của "đôi con diều sáo lộn nhào từng không"

    Như vậy, ta có thể thấy cảnh ngày hè được dựng lên thật sống động với đầy âm thanh, sắc màu, không gian, hình ảnh rực rỡ. Tất cả chúng đều chân thực, hết sức đẹp đẽ, tươi mới. Qua đó thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ và cái nhìn tinh tế khi nhận ra sự chuyển mình của thời gian.

    B. 2. Tâm trạng, cảm xúc của người tù Cách mạng: Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhưng chỉ là trong trí tưởng tượng của nhà thơ khi đang trong nhà tù Thừa Phủ. Cảm xúc ngột ngạt, khao khát được tự do, đến với thiên nhiên, bầu trời: Thể hiện qua cách nhà thơ sử dụng 1 loạt những động từ mạnh: "Đập tan", "chết uất" và các từ ngữ cảm thán "ôi", "thôi", "làm sao"; nhịp thơ ngắt quãng nhanh 6/2, 3/3, truyền đến cho người đọc cảm giác ngột ngạt tới cao độ của nhà thơ và khát khao cháy bỏng được trở về với tự do, với đồng đội.

    2. Phân tích, đánh giá nghệ thuật:

    - Chủ thể trữ tình: Chủ thể trữ tình của bài thơ là người chiến sĩ cách mạng đang phải chịu cảnh tù đày, đang trực tiếp bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mình: Đó là tâm trạng bức bối, ngột ngạt khi bị giam hãm, qua đó thể hiện khát vọng cháy bỏng được trở về với cuộc sống tươi đẹp ngoài kia.

    - Nghệ thuật xây dựng hình ảnh: Bài thơ có hai hệ thống hình ảnh đối lập nhau, một hệ thống hình ảnh nói về cuộc sống tươi đẹp, rộn rã ngoài kia, và một hệ thống hình ảnh nói về cảnh ngục tù ngột ngạt trong này. Một hệ thống hình ảnh thuộc về mơ ước, hồi tưởng và một hệ thống hình ảnh của hiện thực. Qua sự đối lập của hai hệ thống hình ảnh này, tác giả đã làm nổi bật lên cái tâm trạng tù túng, uất ức, qua đó thể hiện tình yêu cuộc sống, khát vọng tự do của chủ thể trữ tình.

    - Cấu tứ của bài thơ: Bài thơ mở đầu bằng tiếng tu hú, kết thúc cũng bằng tiếng tu hú: Đầu bài thơ: Tiếng chim là tiếng gọi của tự do, của bầu trời bao la, đầy sức sống, gợi tác giả nhớ về một khung cảnh mùa hè rực rỡ, tươi vui; kết bài thơ: Tiếng chim lại khiến người tù cảm thấy đau khổ, bực bội hơn bao giờ hết vì bị giam cầm trong bốn bức tường nhà giam. Cả hai tiếng chim đều gợi lên sự tự do, biểu tượng cho sự sống, khiến người tù phải bồn chốn, mong mỏi được thoát ra ngoài chốn lao tù để hòa mình vào tự do. Tiếng chim còn là lời thúc giục hối hả về sự tự do.

    III. KẾT BÀI

    - Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của bài thơ: Bằng những yếu tố nghệ thuật đặc sắc, bài thơ "Khi con tu hú" đã thể hiện một cách chân thực những suy nghĩ, tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu khi bị giam cầm trong chốn lao tù, qua đó thấy được tình yêu cuộc sống, khát vọng tự do của tác giả.

    - Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức bài thơ: Bài thơ là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về công lao của những người chiến sĩ cách mạng đi trước. Bài thơ cũng giúp ta ý thức được giá trị của tự do, thêm yêu quý và trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống.
     
    Ôn An NaLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 19 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...