Nhớ năm 2019, lần đầu đi làm sau khi tốt nghiệp đại học đã có giai đoạn mình bị trầm cảm mà không ai phát hiện ra. Với ai chưa biết thì mình được đánh giá là một đứa suốt ngày nhe răng ra cười, nếu gặp người hợp gu còn có thể ngồi chém gió hàng giờ đồng hồ liền. Thậm chí có những người còn nhận xét là ai cũng có thể bị trầm cảm còn riêng mình thì không. Có vẻ mình đã hoàn toàn đánh lừa được tất cả mọi người, sau khi đi làm được khoảng 3 tháng, mỗi khi mình ở một mình mình đều khóc không thể kiềm chế được. Điều đó thật sự đáng ngại, mỗi khi ở một mình mình sẽ cảm thấy bản thân chằng làm được điều gì tốt đẹp cả, mình có nhiều điều kém cỏi so với mọi người xung quanh. Ngoại hình của mình không đẹp, nhà mình không giàu, mình cũng không biết cách trò chuyện khéo léo để được các anh chị yêu quý. Và điều thật sự làm mình sụp đổ là sự lo lắng của gia đình, những câu hỏi quan tâm của bố mẹ như một gánh nặng hữu hình làm mình cảm thấy thật sự quá kém cỏi với sự hy vọng to lớn đó. Đối với một con bé mới ra trường thì nhiêu đó thôi là đủ để cảm thấy cả thế giới suy sụp rồi! Thực ra sự lo lắng này diễn ra một cách thầm lặng và chỉ đến khi nó trầm trọng đến mức mình chỉ muốn khóc mỗi khi ở một mình thì mình mới nhận ra một sự thật, đó là TRẦM CẢM! Và bản thân mình đã thoát khỏi nó chỉ sau đúng 1 tuần lễ, và rất lâu rồi mình không hề gặp lại nó. Vậy bí kíp ở đâu? Mình sẽ chia sẻ cho bạn những cách làm mà mình đã áp dụng và thành công: - Đầu tiên, trầm cảm là một trạng thái tâm lý phổ biến ở tất cả mọi người, bất cứ ai cũng có thể gặp nó. Vậy nên không có gì là xấu hổ cả, nếu bạn nhận thấy mình có dấu hiệu của trầm cảm, hãy chấp nhận nó và tìm cách giải quyết. - Hãy kể về cảm nhận của bạn với một vài người bạn thân thiết mà bạn tin tưởng. Đây là cách hiệu quả nhất mà bạn có thể áp dụng, khi bạn có thể nói ra cảm nhận của mình thì đó là một sự dũng cảm. Thường bạn sẽ bị phóng đại cảm giác lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti nên khi chia sẻ nó cho người mà bạn tin tưởng họ sẽ giúp bạn nhận ra điều đó không hề tồi tệ như bạn nghĩ. - Bật một bài nhạc thật ý nghĩa lên và tận hưởng nó. Trong suốt thời gian mình đau khổ, mình đã nghe đi nghe lại bài hát "Hướng dương" do ca sĩ Wowy biểu diễn. Hãy nghe những điều tích cực, và bản thân bạn sẽ có thêm niềm tin, thêm động lực để bước ra khỏi cảm xúc của mình. - Hãy cứ khóc thỏa thích nếu bạn muốn, điều đó không phải là biểu hiện của yếu đuối. Ở khía cạnh khoa học việc khóc là một hành động giúp giải tỏa stress rất tốt và là một cơ chế tự nhiên của cơ thể. Bạn càng kìm nén nó thì sẽ càng phản tác dụng, hãy cho bản thân được thả lỏng và hãy luôn nhớ dù việc gì cũng đều có cách giải quyết cả. - Nếu cảm thấy tình trạng của mình đã vượt quá khả năng tự giải quyết, hãy đến gặp bác sĩ, giống như khi bạn bị thương như đứt tay bác sĩ sẽ khâu nó lại cho bạn. Mỗi chúng ta đều là một cá thể độc lập và duy nhất trên thế giới này, vậy nên thế mạnh của người này lại có thể là nhược điểm của người khác. Bạn nên hiểu và chấp nhận điều đó, không ai là hoàn hảo cả. Hãy tận hưởng sự khác biệt này và hãy yêu thương bản thân mình nhiều nhất có thể bạn nhé!