Bạn đã bao giờ nghe câu nói "Sao bây giờ thời hòa bình rồi mà giới trẻ cứ hở tí là trầm cảm, là bị bệnh tâm lý" chưa? Tôi từng đọc một bài viết, cho thấy Gen Z ngày nay có tỷ lệ dễ dàng mắc bệnh trầm cảm, bệnh tâm lý cao hơn so với Gen Y, X thời xưa. Bởi lẽ, do chúng ta sớm được tiếp xúc với công nghệ cao, luôn phải đấu tranh, đòi hỏi để đi theo thời đại, áp lực học tập cũng lớn hơn rất nhiều so với thời ông bà ta trước đây. Tôi cũng từng nghe thấy nhiều câu chuyện đau thương về kết cục của căn bệnh nguy hiểm này. Ví dụ như một diễn viên nọ vì không chịu nổi bệnh trầm cảm nên đã tự sát trong phòng, nam sinh nhảy lầu tự sát vì áp lực học hành.. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều khi nghe về những hành động đó của họ. Rằng liệu lựa chọn như vậy có thực sự là đúng hay sai? Có vẻ đây là một vấn đề khá khó lý giải, bởi không phải người bệnh thì chúng ta cũng khó mà hiểu được cảm xúc của họ. Ai có thể biết trước được một ngày, tự dưng cảm xúc của mình cứ lúc lên lúc xuống, lúc thì hưng phấn đến nỗi muốn làm tất cả mọi thứ, lúc lại tụt mood buồn đến mức chẳng còn tha thiết tồn tại, không thể kiểm soát được sự sống trong chính tâm trí của mình, lựa chọn tự làm hại chính bản thân, không kịp để níu lấy bàn tay muốn cứu rỗi lấy mình, song, càng không thể tự cứu.. Nếu là bạn, bạn sẽ làm thế nào? Mặc dù vậy, tôi cũng từng nghe thấy ông bà bảo là ngày xưa ông bà phải đấu tranh cho độc lập dân tộc, chống giặc Pháp, chống giặc Mỹ còn căng thẳng, áp lực hơn bây giờ nhiều mà còn không bị trầm cảm. Ông bà bảo tôi không hiểu sao giới trẻ bây giờ mong manh và yếu đuối quá! Còn bạn, bạn thấy như thế nào về vấn đề này? Hãy để lại comment cho Sói biết với nhé!
Theo mình trầm cảm giới trẻ hiện nay có thể bắt nguồn chủ yếu về tiền bạc, tài chính là đầu tiên. Thứ hai là định kiến xã hội.. Hai vấn đề đó thôi cũng đủ để gây trầm cảm nặng rồi. Mong mọi điều đều tốt đẹp.
Trầm cảm thời nay đúng là một vấn đề đáng lo ngại của xã hội, nhất là chúng thường dễ xảy ra ở các bạn trẻ. Nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý cũng phải e ngại và chia sẻ rằng, có những bạn trẻ mới mười chín, đôi mươi khi cần đến sự tư vấn, câu đầu tiên họ nói là "Chị ơi, em thật sự không có cảm giác muốn tiếp tục sống nữa..." hoặc "Cuộc sống này đối với em đã quá phiền chán, quá mệt mỏi rồi chị ạ..." Thật sự là người bình thường khi nghe được những lời ấy ai cũng sẽ bất ngờ và cảm thấy bàng hoàng, rốt cuộc điều gì đã xảy ra mà khiến các bạn ấy trở nên như vậy? Có rất nhiều câu trả lời khiến chúng ta khó tin mà là sự thật. Có những bạn vì áp lực học tập quá lớn, cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng vào bạn ấy mà thực tế bạn ấy không chịu được áp lực như vậy. Có những bạn đơn giản là bị bạn bè chê bai, xa lánh, thậm chí có những bạn quá sợ hãi vì bạo lực học đường. Có trường hợp éo le hơn, có một bạn đã nghĩ đến việc tự tử khi phải sống trong một gia đình không hòa thuận, cha mẹ cãi vã, xích mích với nhau quá nhiều gây áp lực lên tinh thần con trẻ. Nhiều định kiến xã hội, nhiều lời rèm pha tai tiếng cũng đã thúc đẩy bao bạn trẻ đi đến con đường tuyệt vọng... Nhiều người chia sẻ, "tôi cũng từng trải qua những chuyện như thế, sao tôi không thế nào mà họ lại như vậy?" Thì xin trả lời bạn rằng, không phải tâm lý của ai cũng có thể vững trãi trước những giông bão cuộc đời. Có thể xung quanh bạn cũng từng có nhiều người đứng cạnh giúp đỡ bạn để bạn vượt qua những khó khăn về mặt tâm lý đó... Trầm cảm không ai muốn, nó có thể đến với mỗi cá nhân chúng ta bất kì khi nào mà không ai ngờ tới. Mọi người hãy nên biết cách sẻ chia, thông cảm. Đừng tỏ ra nghi hoặc kì thị với tâm lý bất ổn của một người nếu như chúng ta không muốn gián tiếp cướp đi mạng sống của họ...
Thời nào cũng có trầm cảm hết, chả cứ thời nay hay thời xưa, chỉ là thời nay có điều kiện để phát hiện ra trong khi ngày xưa bệnh tâm lý còn chưa được đặt tên thì làm sao có được thống kê đầy đủ. Ngay cả các ông, các bà, những người thế hệ đi trước cũng chỉ có thể nói "tao chả quen ai trầm cảm" hay "quanh tao không ai bị trầm cảm". Những dẫn chứng này không mấy thuyết phục vì 1/ số mẫu chưa đủ lớn, chưa đủ giá trị thống kê, 2/ bản thân người nói không phải chuyên gia, không có khả năng đánh giá, và 3/ người bị trầm cảm không có xu hướng chạy ra đường bô bô kể với bất cứ ai họ gặp cả nên làm sao những ông, bà kia biết được "những người sống quanh tôi" có ai trầm cảm không. Ngay cả bây giờ, nếu không có đủ thông tin, nhiều người cũng không biết mình bị trầm cảm mà chỉ đơn giản nghĩ cuộc sống này quá vất vả, quá mệt mỏi với mình. Vì xét cho cùng, trầm cảm không phải cảm cúm với những triệu chứng điển hình như sốt, ho, ớn lạnh. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc thông tin về trầm cảm giờ quá phổ biến khiến nhiều người thực ra không sao cũng "vơ" bệnh vào người. Một dạng "bệnh tưởng" hay ám ảnh. Có lẽ đây cũng đóng góp một tỉ lệ không nhỏ cho việc "thời nay quá nhiều người trầm cảm". Tiếc là trầm cảm không phải chứng bệnh có những chỉ số đo đếm rõ rệt như cảm sốt hay ung thư mà phần lớn vẫn chỉ dựa trên nhận thức, những lời "khai nhận" của chính người bệnh nên tỉ lệ sai lệch tương đối cao. Và tỉ lệ sai lệch cùng những người "không bệnh cũng bảo bệnh" này có thể coi như một dạng bệnh thời đại, một mặt trái nho nhỏ của xã hội phát triển. Kết luận lại thì, cứ coi trầm cảm là một bệnh như mọi bệnh khác, không làm quá hay coi nhẹ nó là được. Và đã là bệnh thì phải đi bác sĩ khám, cần thì dùng thuốc, đừng tự làm thầy bói xem voi, đơn giản vậy thôi.