Trầm cảm là gì? Trầm cảm là nguyên nhân gây khuyết tật hàng đầu trên thế giới. Ở Mỹ gần 10% người trưởng thành đang vật lộn với chứng trầm cảm. Vì là bệnh tâm thần nên nó khó hiểu hơn nhiều so với mấy thứ như mức cholesterol cao. Một nguyên nhân chính gây ra nhầm lẫn là sự khác biệt giữa trầm cảm và cảm giác chán nản. Hầu hết mọi người đều có lúc cảm thấy chán nản. Bị điểm kém, mất việc, cãi vã với ai đó, thậm chí là một ngày mưa cũng làm người ta thầy buồn buồn. Đôi khi không có tác động gì hết, nó chỉ tự dưng xuất hiện, rồi khi hoàn cảnh thay đổi, những cảm xúc buồn chán đó biến mất. Trầm cảm lâm sàng lại là một vấn đề khác. Đó là rối loạn y học và nó sẽ không biến mất như ý muốn của bạn. Nó kéo dài ít nhất trong 2 tuần liên tiếp và ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc, vui chơi hay yêu đương. Trầm cảm có rất nhiều triệu chứng khác nhau: - Tâm trạng đi xuống - Không còn hứng thú với một số việc bạn thường quan tâm - Khẩu vị thay đổi - Cảm thấy vô dụng hay cảm giác tội lỗi quá mức - Ngủ quá nhiều hoặc quá ít - Khả năng tập trung kém - Bồn chồn hoặc chậm chạp - Mất năng lượng - Thường xuyên nghĩ đến hành vi tự sát Nếu bạn có ít nhất 5 triệu chứng trên thì theo hướng dẫn về tâm thần học, bạn có đủ điều kiện để được chẩn đoán trầm cảm. Không chỉ có các triệu chứng hành vi, trầm cảm còn có những biểu hiện thể chất bên trong não bộ. Đầu tiên, có những thay đổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường và qua X-quang. Sự thay đổi này bao gồm phần thuỳ trán và khối lượng vùng đồi thị nhỏ lại. Trong phạm vi vi mô, trầm cảm liên quan đến một vài thứ, chẳng hạn như: Sự dẫn truyền bất thường hay sự cạn kiệt các chất dẫn truyền thần kinh nào đó đặc biệt là serotonin, noradrenaline và dopamine, rối loạn nhịp sinh học hay những thay đổi cụ thể ở REM và những phần sóng chậm của chu kỳ ngủ. Những nhà thần kinh học vẫn chưa có bức tranh tổng thể về nguyên nhân gây ra sự trầm cảm. Nó có vẻ liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa gen và môi trường, nhưng không có công cụ chẩn đoán nào có thể dự đoán chính xác căn bệnh này xuất hiện ở đâu và khi nào. Bởi vì các triệu chứng trầm cảm không thể nhìn thấy nên khó nhận ra ai đó trông có vẻ ổn nhưng thực ra đang mắc bệnh. Theo Viện Sức Khoẻ Tâm Thần Quốc Gia, một người bình thường bị mắc chứng bệnh tâm thần nào đó phải mất hơn 10 năm để lên tiếng nhờ giúp đỡ. Nhưng có các cách điều trị rất hiệu quả. Thuốc men và liệu pháp bổ sung lẫn nhau để tăng cường những phản ứng của não bộ. Nếu bạn biết ai đó đang bị trầm cảm hãy động viên họ, một cách nhẹ nhàng, để tìm đến các biện pháp trị liệu sớm nhất có thể. Bạn có thể đề nghị giúp họ làm một số việc cụ thể, như tìm kiếm các nhà trị liệu tại khu vực, hay lập ra một danh sách câu hỏi để hỏi bác sĩ. Khi những người bị trầm cảm cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ, hãy chỉ ra rằng trầm cảm chỉ là một căn bệnh cũng giống như hen suyễn hay tiểu đường. Đó không phải là sự yếu đuối hay tính cách cá nhân và họ không nên mong đợi bản thân vượt qua được điều đó như là việc mong muốn bình phúc sau chuyện gãy tay. Nếu bản thân bạn trước đây chưa từng bị trầm cảm, thì nên tránh so sánh căn bệnh này với những thời gian mà bạn gục ngã. So sánh với những gì họ đang trải qua với cảm giác buồn bã bình thường, tạm thời có thể khiến họ cảm thấy tội lỗi. Thậm chí là chỉ nói chuyện cởi mở về trầm cảm cũng có ích, nó làm giảm nguy cơ tự tử của họ. Những cuộc trò chuyện cởi mở về bệnh tâm thần làm giảm đi sự kì thị và khiến cho mọi người dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ hơn và càng nhiều bệnh nhân được trị liệu thì các nhà khoa học càng biết nhiều hơn về căn bệnh này, và họ tìm ra nhiều cách chữa tốt hơn. (Nguồn tham khảo)