Thực Hành tiếng Việt lớp 10- Trang 30- Sách Cánh Diều Tri thức Tiếng Việt Sửa lỗi dùng từ: O - Để giao tiếp có hiệu quả, người nói và người viết cần phải chú ý: + Lựa chọn dùng đúng, dùng từ hay. Dùng từ đúng sẽ làm cho người đọc, người nghe hiểu đúng điều ta muốn nói, dùng từ hay, phong phú, biểu cảm sẽ làm tăng thêm tính truyền cảm tính thuyết phục đối với người nghe, người đọc. - Để dùng từ đúng, dùng từ hay trước hết cần phải khắc phục các lỗi dùng từ sau - Dùng từ không đúng hình thức, ngữ âm, chính tả, lỗi này do người sử dụng không nắm chắc hình thức ngữ âm, chính tả của từ, lẫn lộn các âm gần giống nhau Ví dụ: Tôi vừa nghe phong phanh người ta sắp làm đường qua đây (Từ đúng phải là phong thanh) - Dùng từ không đúng nghĩa, lỗi này do người sử dụng không nắm vững ý nghĩa của từ. Ví dụ không chịu được gian khổ là yếu điểm duy nhất của anh ta (Từ sử dụng đúng phải là điểm yếu) Mỗi khi dùng một từ mà các em chưa hiểu thật rõ nghĩa thì nên tra từ điển, đọc kĩ các nghĩa và các ví dụ về cách dùng từ đó. Trả lời câu hỏi Ngữ văn 10 trang 30 Câu 1 Xác định từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng trong các trường hợp sau đây: A) xử dụng/sử dụng B) xán lạn/sáng lạng C) buôn ba/bôn ba D) oan khốc/oan khóc Phương pháp: - Ôn lại kiến thức cũ về lỗi dùng từ - Tra cứu từ điển tiếng Việt - Vận dụng vào bài tìm ra từ có hình thức ngữ âm, chính tả đúng Đáp án: A) sử dụng B) xán lạn C) bôn ba D) oan khốc Câu 2 Những từ in nghiêng trong các câu sau mắc lỗi gì? Hãy tìm từ đúng thay thế cho các từ đó. A) Hê-ra-clét và Ăng-tê đã giao đấu với nhau vô cùng quyết đoán B) Sau những chiến công lừng lẫy, khắp nơi đều nghe danh giá Đăm Săn C) Dù phải "luyện đá vá trời" hết sức vất vả nhưng Nữ Oa đã thực hiện một công phu, hoàn thành mĩ miều D) Thực phẩm nhiễm khuẩn đã làm nhiều người bị ngộ sát, may mà được cứu chữa kịp thời Phương pháp: - Ôn lại tri thức Tiếng Việt về lỗi dùng từ - Vận dụng vào bài để tìm ra từ mắc lỗi, từ đúng thay thế Đáp án chi tiết A) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa Sửa: Quyết đoán -> quyết liệt => Hê-ra-clét và Ăng-tê đã giao đấu với nhau vô cùng quyết liệt B) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa Sửa: Danh giá -> danh tiếng =>Sau những chiến công lừng lẫy, khắp nơi đều nghe danh tiếng Đăm Săn C) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa Sửa: Mĩ miều -> mĩ mãn => Dù phải "luyện đá vá trời" hết sức vất vả nhưng Nữ Oa đã thực hiện một công phu, hoàn thành mĩ mãn D) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa Sửa: Ngộ sát -> ngộ độc =>) Thực phẩm nhiễm khuẩn đã làm nhiều người bị ngộ độc, may mà được cứu chữa kịp thời. Câu 3 Phát hiện, phân tích lỗi và sửa lỗi dùng từ trong các câu sau? A) Lượng mưa năm nay kéo dài đã gây nhiều thiệt hại cho mùa màng B) Những bệnh nhân không cần phải mổ mắt, được khoa Dược tích cực pha chế, điều trị bằng những thứ thuốc tra mắt đặc biệt C) Những chứng minh về một nền văn hóa cổ ở vùng này còn rất nhiều D) Trước lối chơi lực lượng của hàng phòng thủ đối phương, đội bóng của chúng tôi không thể ghi bàn được Phương pháp: - Vận dụng tri thức Tiếng Việt về lỗi dùng từ - Căn cứ bài luyện tập về cách tránh một số loại lỗi logic - Vận dụng vào bài để tìm ra lỗi dùng từ Đáp án chi tiết: A) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa: "Lượng mưa" Giải thích: Lượng mưa dùng để chỉ về lượng nhiều hay ít không thể đi cùng với "kéo dài" chỉ thời gian. Chữa lại: => Thời gian mưa năm nay kéo dài nên đã gây nhiều thiệt hại cho mùa màng. B) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa "Bệnh nhân pha chế điều trị" là sai -> sửa: Bệnh nhân được điều trị Sửa lại: => Những bệnh nhân không cần phải mổ mắt, được điều trị tích cực bằng những thứ thuốc tra mắt đặc biệt mà khoa Dược đã pha chế C) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa Giải thích: "Chứng minh" là động từ chỉ hành động không thể dùng cho việc làm bằng chứng cho nền văn hóa. Sửa lại: => Những minh chứng về một nền văn hóa cổ ở vùng này còn rất nhiều D) Lỗi dùng từ không đúng nghĩa "Lực lượng" là sai -> Sửa thành "tấn công" => Trước lối chơi tấn công của hàng phòng thủ đối phương, đội bóng của chúng tôi không thể ghi bàn được Câu 4 Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) phân tích một nhân vật thần thoại mà em yêu thích, trong đoạn văn có sử dụng một trong các biện pháp tu từ đã học ở Trung học cơ sở? Phương pháp: - Ôn lại kiến thức về các biện pháp tu từ - Áp dụng vào bài để hiểu và phân tích nhân vật thần thoại. Đáp án chi tiết: Hê- ra -clét là nhân vật đại diện, biểu trưng cho sức mạnh thể chất và tinh thần của người anh hùng cổ đại. Chàng có sức mạnh phi thường, "sánh tựa thần linh". Đó là khi Hê- ra- clét bị vợ của thần Dớt thù ghét, Hê ra- clét còn nằm trong nôi, bà sai hai con rắn to lớn bò vào cuốn chết Hê ra -clét nhưng chàng đã bóp chết hai con rắn tự cứu lấy mình khi mới 10 tháng tuổi. Khi giao chiến với Ăng tê, chàng nhấc bổng Ăng tê khỏi mặt đất và quật ngã xuống đất. Ngoài ra chàng còn dùng lưng để chống đỡ bầu trời thay cho thần At-lát khi đi tìm ba quả táo vàng. Gân cốt chàng căng ra, chàng loạng choạng mồ hôi đổ ra như tắm bởi sức nặng ghê gớm của bầu trời đang đè lên vai chàng.. Cuộc đời chàng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, hiểm nguy nhưng cửa ải nào chàng cũng vượt qua và lập được những chiến công chói lọi.