Thực hành tiếng Việt: Biện pháp lặp cấu trúc - Bài tập trang 24 - 25, Ngữ văn 11 - Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 14 Tháng chín 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Biện pháp tu từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu hoặc cả đoạn văn bản) theo ngữ cảnh nhằm mục đích tăng tính gợi hình, gợi cảm diễn đạt. Qua đó tạo ấn tượng cho những người đọc hình dung rõ nét về hình ảnh, cảm nhận cảm xúc chân thực.

    Trong tiếng Việt, biện pháp tu từ rất đa dạng, phong phú và được sử dụng để tăng tính thẩm mĩ, tạp dấu ấn riêng cho mỗi tác phẩm. Tác giả có thể dùng một hoặc kết hợp nhiều biện pháp tu từ khác nhau để biểu đạt, bày tỏ cảm xúc của mình. Bài Thực hành tiếng Việt dưới đây nhằm rèn luyện cho các bạn HS kĩ năng nhận diện, phân tích tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc.

    Thực hành tiếng Việt: Biện pháp lặp cấu trúc

    Bài tập trang 24 - 25, Ngữ văn 11 - Cánh diều

    Tri thức ngữ văn:

    Biện pháp tu từ lặp cấu trúc là gì? Tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc?


    Khái niệm: biện pháp tu từ lặp cấu trúc là biện pháp lặp đi lặp lại một cấu trúc cú pháp của câu, trong đó có láy đi láy lại một số từ nhất và cùng diễn đạt một nội dung chủ đề.

    Tác dụng:

    - Nhấn mạnh, khẳng định hoặc khắc sâu nội dung hoặc hình ảnh mà tác giả hướng tới.

    - Giúp lời văn trở nên hài hòa, có nhịp điệu, cân đối, tăng nhạc tính, tính tạo hình và biểu cảm cho văn bản.

    Ví dụ về biện pháp tu từ lặp cấu trúc:

    Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước.

    (Sóng – Xuân Quỳnh)

    Tác dụng: Tạo nên một thế đối xứng, tăng tính nhạc, có tác dụng khắc họa hình ảnh con sóng (ẩn dụ cho người con gái) đang ở trong tâm trạng nhớ trương day dứt khôn nguôi.

    Điểm khác giữa biện pháp tu từ lặp cấu trúc với hiện tượng lặp diễn đạt

    - Biện pháp tu từ lặp cấu trúc: Ngoài tạo liên kết câu và đoạn còn có hiệu quả nghệ thuật (tính nhịp điệu, nhạc tính, tạo hình, biểu cảm) và hiệu quả về mặt nội dung (nhấn mạnh ý nghĩa, biểu đạt thái độ, tình cảm của người viết, nói)

    - Lặp diễn đạt chỉ nhằm tạo liên kết giữa các câu, đoạn văn trong văn bản.

    [​IMG]

    Hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 24 - 25, Ngữ văn 10 Cánh diều:

    Câu 1: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong cả ba đoạn trích dưới đây (Trích truyện thơ dân gia Tiễn dặn người yêu) ? Phân tích tác dụng biểu đạt của biện pháp tu từ ấy.

    a. Anh yêu em, lẽ tiễn đưa em đến tận nhà chồng

    Nhưng chim chích trên cây cao lượn vòng gọi anh quay lại, anh quay lại

    Chim nhạn dưới thấp bay quanh nhủ anh quay đi, anh quay đi.

    b. Đừng bỏ em trơ trọi giữa rừng

    Đừng bỏ em giữa dòng thác trào dâng!

    c. Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,

    Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già.


    Gợi ý:

    a. Biện pháp tu từ được sử dụng là nhân hóa (chim chích... gọi anh... ; chim nhạn... nhủ anh... ), lặp cấu trúc (anh quay lại; anh quay đi ).

    Tác dụng:

    + Việc sử dụng phép nhân hóa và lặp cấu trúc làm cho câu thơ tăng thêm tính biểu cảm và giàu tính hình tượng, nhạc tính cho câu thơ.

    + Nhấn mạnh tình cảm tha thiết, cùng tâm trạng lưu luyến, day dứt của chàng trai hi phải tiễn đưa người yêu về nhà chồng.

    b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Lặp cấu trúc. Cấu trúc câu được lặp lại là "Đừng bỏ A giữa B".

    Tác dụng:

    + Tạo giọng điệu tha thiết, tính nhịp nhàng, cân đối cho câu thơ.

    + Cách lặp lại này có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng hoang mang, lo lắng, mong muốn níu giữ người yêu ở lại bên mình của cô gái.

    c. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Lặp cấu trúc. Cấu trúc câu được lặp lại là "Không lấy được nhau.. A, ta sẽ lấy nhau.. B".

    Tác dụng:

    - Tạo giọng điệu tha thiết, tính nhịp nhàng, cân đối cho câu thơ.

    - Cách lặp lại này vừa có tác dụng nhấn mạnh tình yêu tha thiết cùng quyết tâm chờ đợi của chàng trai.

    Câu 2: Hãy tìm và phân tích tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc trong các câu văn, câu thơ dười đây:

    a. Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cảnh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa.


    (Nguyễn Đình Thi)

    b. Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng... (Vũ Bằng)

    c. Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng.

    Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương.

    Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm.

    Là người, tôi sẽ chết cho quê hương.


    (Trương Quốc Khánh)

    d. Vậy mà ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khổ hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông. Cửu Trùng Đài, họ có cần đâu? Họ dấy nghĩa cốt giết ông, phủ Cửu Trùng Đài. (Nguyễn Huy Tưởng)

    Gợi ý:

    a. Cấu trúc cú pháp lặp lại: "A + đây là của chúng ta"; "Những + danh từ + động /tính từ".

    Tác dụng:

    - Làm tăng thêm tính biểu cảm, tính hình tượng, tăng tính nhạc và âm điệu hân hoan, vui sướng cho lời thơ.

    - Nhấn mạnh sự phong phú bất tận của cảnh sắc quê hương, đất nước; Khẳng định tình yêu quê hương đất nước tươi đẹp của tác giả, thể hiện niềm vui, niềm tự hào làm chủ non sông đất nước.

    b. Cụm từ được lặp lại là: "mùa xuân của + danh từ" ("mùa xuân của tôi"; "mùa xuân của Hà Nội"); "Có + cụm danh từ" ("có mưa riêu riêu, gió lành lạnh; có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh",...).

    Tác dụng:

    - Làm tăng thêm tính biểu cảm, tính hình tượng

    - Tô đậm vẻ tươi đẹp như một bức tranh của mùa xuân Hà Nội, thể hiện tình yêu, tự hào đối về vẻ đẹp quên hương.

    c. Cấu trúc cú pháp được lặp lại trong khổ thơ là: "Nếu là A tôi sẽ là B".

    Tác dụng:

    - Làm tăng thêm tính biểu cảm, sự cân đối, tạo nhịp điệu cho câu thơ.

    - Khẳng định tinh thần tự nguyện dâng hiến và tình yêu dành trọn cho quê hương, Tổ quốc.

    d. Cấu trúc cú pháp được lặp lại trong đoạn trích này là: "A là vì B" ("Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông").

    Tác dụng:

    - Làm tăng thêm tính biểu cảm, tính nhịp điệu của câu văn.

    - Khẳng định về nguyên nhân gây nên những điều đồi bại và thái độ căm ghét của người nói.

    Câu 3: Viết một đoạn văn ngắn phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong một bài thơ đã được học hoặc được đọc.

    Tham khảo:

    "Mình về mình có nhớ ta
    Mười năm năm ấy thiết tha mặn nồng.
    Mình về mình có nhớ không
    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"


    là lời ướm hỏi ngọt ngào của đồng bào Việt Bắc khi chia tay cán bộ, chiến sĩ về xuôi. Cấu trúc câu "Minh về mình có nhớ" được lặp lại hai lần vừa tạo nhịp điệu du dương, da diết cho lời thơ, vừa thể hiện nỗi nhớ sâu đậm, khôn nguôi của người ở lại. Họ lo sợ mai này bạn mình về nơi phồn hoa đô hội đầy cám dỗ sẽ không giữ được tình cảm son sắt, thủy chung. "Việt Bắc" là bài ca tình nghĩa. Câu hỏi vang lên dồn dập như nhắc nhở, như khắc sâu những tình cảm tốt đẹp của quân dân, của cách mạng và kháng chiến, của mình với ta.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...