Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn nước non lặng lẽ này - Hoài Thanh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi magic.vacation, 28 Tháng mười hai 2021.

  1. magic.vacation

    Bài viết:
    12
    Đề: "Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn nước non lặng lẽ này." (Hoài Thanh). Phân tích khổ đầu tiên trong bài thơ Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định trên.

    Bài làm

    Thơ là giai điệu được ngân lên để xoa dịu những nỗi lòng chất chứa tâm tư. Nếu thơ Chế Lan Viên là sự bế tắc trước hiện thực đầy nỗi buồn sâu sắc, Tản Đà "thoát lên tiên" say chén rượu thơ để quên đi thực tại đẫm nước mắt, Thế Lữ lại phơi bày một xã hội chuyển biến đầy phức tạp, trái ngang thì đến với hồn thơ Xuân Diệu, ta như tìm được một chân trời mới với những xúc cảm dịu dàng mà mãnh liệt, tha thiết và đong đầy nhựa sống của thanh xuân. Thơ Xuân Diệu luôn hướng về cuộc sống trần thế và khát khao được sống cùng những vẻ đẹp vốn có của nó. Thực tại cuộc sống qua lăng kính nhà thơ hiện ra một cách tươi mới, đẹp tuyệt những hương sắc nhân gian. Chính Hoài Thanh cũng đã khẳng định rằng: "Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn nước non lặng lẽ này." Qua đoạn thơ đầu tiên của bài thơ Vội vàng – một trong những thi phẩm nổi bật nhất của nhà thơ Xuân Diệu, ta sẽ càng rõ hơn cảm nhận về cuộc đời trong tâm hồn người thi sĩ lãng mạn này.

    Bản chất của thơ ca là hướng đến cái đẹp. Thế nhưng trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta đang phải gồng mình trải qua biết bao nhiêu gian nan, biến cố, vừa bị xiềng xích bởi bọn thực dân, vừa chịu làm cảnh sống tay sai cho bọn cai trị. Chính vì cái hiện thực tối tăm, tàn nhẫn ấy mà hầu hết các nhà thơ trong giai đoạn này đều hướng cái đẹp đến những nơi xa xăm, thoát khỏi hiện thực cuộc sống để tìm đến cái đẹp mộng mơ, vô thực. Thế mà ta lại bắt gặp Xuân Diệu "đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới" (Hoài Thanh – Hoài Chân), ông cảm nhận cái đẹp trong nơi hiện thực cuộc sống, nhìn và cảm cái đẹp cuộc sống qua những sự sống nhỏ bé, giản đơn. Đó có thể là hương thơm của các loài hoa, là tiếng thở than giao mùa trong lá hay là nhịp đập rạo rực, xao xuyến của một trái tim đang yêu.. tất cả cùng ùa vào những lời thơ làm nên một hồn thơ luôn thiết tha xuân thời. Dù cũng có không ít lần nhà thơ thể hiện tâm trạng chán nản, hoài nghi, cô đơn trước thời cuộc. Nhưng những xúc cảm về tình yêu với cuộc đời vẫn là phong cách sáng tác nổi bật và độc đáo hơn cả. Là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ, Xuân Diệu luôn muốn mang đến cho độc giả những cảm xúc cháy bỏng nhất như cảm xúc của ông với đời, chính vì thế mà khi đọc qua một bài thơ của Xuân Diệu, người đọc như được tiếp nhận thêm một niềm tin yêu cho cuộc sống, như được tiếp thêm sức mạnh để sống một cuộc đời không hoài phí thanh xuân. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều đồng ý với quan niệm của Hoài Thanh: "Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn nước non lặng lẽ này, Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi của mình" (Trích Thi nhân Việt Nam). Chính vì niềm giao cảm nồng nàn với cuộc sống ấy mà Xuân Diệu đã bộc bạch một ham muốn phi thường, kì vĩ nhưng cũng không kém phần lãng mạn:


    Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi

    Mùa xuân là mùa của sự sống, là mùa tươi đẹp nhất trong năm và cũng như tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Bốn dòng thơ với nhịp điệu ngắn nhưng lại mạnh mẽ như là lời đề từ của bài thơ. Xuân Diệu muốn ngăn cản bước đi của thời gian để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Thi sĩ khao khát giữ lại ánh nắng để "màu đừng nhạt mất", giữ lại gió để cuộc sống luôn tràn ngập sắc hương. Khao khát "tắt nắng", "buộc gió" thể hiện ý thức làm chủ thiên nhiên của con người. Điều này vừa hợp lí bởi nhà thơ "yêu tha thiết cái chốn nước non lặng lẽ này" nhưng cũng vừa vô lí và không thể thực hiện được bởi con người làm sao có thể cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, làm sao nắm bắt, điều khiển được những thứ vốn là mỏng manh, ngắn ngủi, không tồn tại được mãi mãi. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được những ước muốn đó khi có phép nhiệm màu. Đồng thời khao khát này cũng thể hiện sự ham sống bồng bột đến mãnh liệt và quan niệm về thời gian của ông. Thời gian tuyến tính một chiều, khi đã trôi qua rồi thì không trở lại nên nhà thơ có khao khát giữ nắng, giữ gió để tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời. Có người đã từng nói rằng: "Thơ ca không phải là một dòng sông êm chảy thanh bình, ấy là bão táp nhiệt đới, là thác đổ, sóng trào". Thơ Xuân Diệu mang trong mình tâm bão cuồng nhiệt ấy. Từng câu, từng chữ như vội vã, xô đẩy cho kịp dòng cảm xúc tuôn trào. Ngỡ như người đọc phải quên ngay giọng ngân nga "an nhiên tự tại của những vần thơ cổ để hòa mình vào nhịp thơ dào dạt, xôn xao ấy:

    Của ong bướm này đây tuần tháng mật

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì

    Này đây lá của cành tơ phơ phất

    Của yến anh này đây khúc tình si

    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

    Xuân Diệu đã nhìn cuộc đời này bằng đôi mắt trẻ trung và xúc cảm của tình yêu lãng mạn. Đối với ông, cuộc sống trên trái đất là một bữa tiệc của màu sắc, âm thanh, ánh sáng và mùi vị. Nhà thơ đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi thiên đường trần thế dưới góc nhìn mộng mơ của một chàng trai trẻ, gần gũi và thân thuộc, mượt mà và tràn đầy sức sống. Cuộc sống trần gian huy hoàng hiện lên với những tháng ngày hạnh phúc của bướm và ong, sức sống xanh tươi của hoa cỏ đồng nội, những chiếc lá tơ rung rinh và tiếng hót say đắm của các loài chim yến. Tất cả tạo nên những khoảnh khắc đẹp và viên mãn, tràn ngập sắc xuân hồng. Cụm từ" này đây "như một tiếng reo vui đầy kinh ngạc khi những vẻ đẹp của cuộc sống diệu kì được phơi bày ra trước không gian. Xuân Diệu đã cảm nhận được hơi thở của mùa xuân từ thị giác, thính giác đến xúc giác. Sử dụng thị giác để chiêm ngưỡng những hình ảnh sống động căng tràn, thính giác dùng để lắng nghe những âm thanh của cuộc sống. Còn xúc giác được sử dụng để cảm nhận ánh sáng mặt trời. Ánh nắng không chói chang mà như một nàng tiên e thẹn với hàng mi run rẩy. Sự sắp xếp hình ảnh sóng đôi và cấu trúc nhịp nhàng khiến mọi ngôn từ, mọi sinh vật như đang hòa mình vào vũ điệu của mùa xuân. Không gian thoáng đãng bừng sáng, bừng lên sức sống, nồng nàn hơi thở tình yêu. Nguồn sống và tâm hồn giàu cảm xúc của Xuân Diệu còn được nhìn thấy trong những vần thơ ngọt ngào hương vị tuổi xuân:

    Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

    Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

    Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

    Đối với Xuân Diệu, mỗi ngày trôi qua, mỗi sáng thức dậy là một loại hạnh phúc, một loại niềm vui mới, và cuộc sống là một chuỗi những niềm vui bất tận. Tiếp nối niềm vui và hạnh phúc đó, Xuân Diệu đã sử dụng một hình ảnh so sánh rất mới lạ, thú vị, hiện đại nhưng cũng không kém phần chân thực" Tháng giêng ngon như một cặp môi gần ". Nhà thơ cảm thụ thiên nhiên bằng tình cảm của lứa đôi, bằng cả thể xác lẫn tâm hồn. Sự quyến rũ của thiên nhiên hiện lên qua đôi mắt của kẻ si tình với" đôi môi gần "căng tràn sức trẻ, đam mê và quyến rũ. Từ" ngon "được thốt lên đầy khát khao, gợi cảm. Nét mới lạ trong cách nhìn của tác giả về cuộc đời là một dấu ấn quan trọng để lý giải lý do vì sao Xuân Diệu vừa xuất hiện trong thi đàn, người ta đã định danh ông là một nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Đang tận hưởng mùa xuân đất trời ngất ngây tuổi trẻ nhà thơ chợt nhận ra khoảnh khắc đẹp đẽ này sắp qua đi. Thế nên câu thơ bày tỏ niềm vui bỗng bị ngắt quãng, thể hiện rõ tâm trạng đan xen ngay tức thì. Buồn, nửa vui, nửa sầu, hay nói cách khác là Xuân Diệu đang tiếc nuối cho sự trôi đi của thời gian. Thời gian trôi qua chẳng đợi ai, lặng lẽ cuốn trôi mọi thứ chỉ để lại hai từ kỉ niệm và quá khứ. Chính vì những cảm xúc đan xen ấy mà thi sĩ lãng mạn này chọn cách tận hưởng mùa xuân của tuổi trẻ một cách vội vàng, gấp gáp. Vì thời gian trôi đi, tuổi trẻ một khi đã hoài phí thì hối hận cũng đã muộn màng. Với một quan niệm hoàn toàn mới mẻ và độc đáo về cuộc sống, nhà thơ Xuân Diệu đã thành công thả những giá trị sống, lối sống và cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của mình vào kho tàng thơ ca nước ta. Đó là những tác phẩm có giá trị nghìn đời và sẽ còn là những tác phẩm luôn sống mãi với thời gian.

    Qua khổ thơ đầu của bài thơ" Vội vàng ", ta đã thấy được một hồn thơ với niềm giao cảm về cuộc sống nồng nàn, một trái tim rạo rực sôi nổi đến độ gấp gáp vội vàng của nhà thơ. Với bút pháp miêu tả, liệt kê, Xuân Diệu đã vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh tràn đầy nhựa sống và sự lung linh sắc màu của vạn vật, đưa người đọc cùng dạo chơi, cùng tận hưởng những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ, cùng hòa mình với những điều tuyệt vời mà sự sống đang ban tặng cho chúng ta. Giá trị của đoạn thơ không phải chỉ để sống vội mà còn để tận hưởng giá trị cốt lõi ý nghĩa mà cuộc sống mang đến như một thức quà tinh thần, kêu gọi mọi người hãy tranh thủ khi còn trẻ để được hưởng đầy đủ nhất. Để có được thông điệp mới mẻ này chứng tỏ người thi sĩ phải thật sự tinh tế, nhạy cảm với bước đi của thời gian, của cuộc đời.

    Xét cho cùng văn học là câu chuyện của trái tim. Chính vì một trái tim tràn trề sắc xuân ấy nên Xuân Diệu giống như một người tình của sự sống đang ở thời tươi đẹp nhất. Trái tim rạo rực sôi nổi đến độ gấp gáp vội vàng của nhà thơ trong khổ đầu tiên của bài thơ" Vội vàng "đã tạo nên một ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả biết bao thế hệ. Chính phong cách sống và viết độc đáo ấy đã làm nên một Xuân Diệu, một" ông hoàng thơ tình "là điểm sáng trong thi đàn văn học Việt Nam. Và quả thật không thể phủ nhận với ý kiến của Hoài Thanh rằng:" Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy giữa chốn nước non lặng lẽ này".
     
    Cuộn Len, T2KThumeomeohh thích bài này.
    Last edited by a moderator: 23 Tháng mười một 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...