Nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: "Nếu bây giờ chỉ cần gọi tên một nhà thơ trong Thơ mới thôi thì gần như tất cả sẽ gọi Xuân Diệu". Quả thật là vậy và cái tâm hồn sục sôi nhựa sống, yêu người yêu đời của Xuân Diệu đã được thể hiện sâu sắc qua bài "Vội vàng" (được in trong tập "Thơ thơ") - một trong những bài thơ tiêu biểu và thành công nhất, mang đậm phong cách nghệ thuật của ông. Mở đầu văn bản là ước muốn kì lạ của thi nhân: "Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi" Đại từ "tôi" và nghệ thuật điệp cấu trúc "Tôi muốn.. cho" vừa khẳng định cái tôi cá nhân đầy táo bạo, bản lĩnh, vừa nhấn mạnh khát khao cháy bỏng mà kì lạ của tác giả là đoạt quyền của tạo hóa "tắt nắng", "buộc gió". Khát vọng đó trông có vẻ phi lý, ngông cuồng (cưỡng lại quy luật tự nhiên, vận động của đất trời) nhưng thật ra lại có lý với trái tim của nhà thơ, ông muốn chặn đứng bước đi của thời gian, níu giữ hương sắc tươi đẹp - thứ vốn rất mong manh, ngắn ngủi của đất trời. Dù biết sắc thắm nào rồi cũng nhạt, hương nồng nào rồi cũng phai nhưng thi sĩ vẫn không ngừng ao ước vì ông muốn thưởng thức nó trọn vẹn và mãi mãi, từ đó thể hiện tình yêu tha thiết, say đắm vô bờ của nhà thơ với đời. Bảy câu tiếp đã vẽ nên bức tranh mùa xuân đẹp như thiên đường trên mặt đất: "Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rì Này đây lá của cành tơ phơ phất Của yến anh này đây khúc tình si Và này đây ánh sáng chớp hàng mi Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa Tháng giêng ngon như một cặp môi gần" Biện pháp liệt kê "ong bướm", "hoa của đồng nội", "lá của cành tơ", "yến anh", "ánh sáng" và điệp cấu trúc "của", "này đây" được dùng khéo léo như một lời mời gọi, phô bày hết những tinh hoa tuyệt mỹ của mùa xuân trần thế. Đây cũng là lúc vạn vật đang ở "tuần tháng mật" của yêu đương ngọt ngào, lãng mạn, đang độ xanh tươi mơn mởn với sức sống mãnh liệt, đang chìm đắm trong bản tình ca đầy si mê của yến oanh. Hình ảnh nhân hóa "thần Vui hằng gõ cửa" thể hiện niềm vui hân hoan của tác giả khi mỗi ngày - vào thời điểm tươi mới, rạng rỡ nhất "mỗi sáng sớm" –đều được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời ấy. Với câu "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần", thi sĩ so sánh "tháng giêng" (là thứ trừu tượng, vô hình, là khởi đầu của một năm, của mùa xuân) với "cặp môi gần" (hữu hình) để cụ thể hóa, vật chất hóa thời gian, khiến nó hiện lên rõ nét hơn. Hình ảnh "cặp môi gần" cùng với hình ảnh "ánh sáng chớp hàng mi" đã gợi lên đôi môi đỏ mọng vô cùng gợi cảm và đôi mắt sáng tựa nắng xuân đang chớp dưới hàng mi dày của người thiếu nữ. Từ đó, mùa xuân hiện lên như một người tình đầy quyến rũ, rạo rực xuân tình. Và từ "ngon" được dùng rất đắt cho thấy quan điểm mĩ học mới mẻ về việc cảm nhận thiên nhiên của thi nhân có phảng phất sắc thái của nhục cảm. Tuy vậy, ý thơ không thô tục mà có phần mới lạ. Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (từ thị giác "gần" chuyển thành vị giác "ngon") cho thấy cảm nhận tinh tế về thời gian và tình yêu đời cuồng si của ông. Do bị ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây nên quan niệm thẩm mĩ của Xuân Diệu rất mới, đó là lấy vẻ đẹp con người, tình yêu, sức sống tuổi trẻ làm chuẩn mực cho thiên nhiên vì đối với ông, con người chính là đỉnh cao của tạo hóa. Nhưng nó lại đi ngược với thơ trung đại, trong văn học thời ấy, bút pháp ước lệ tượng trưng luôn được dùng để miêu tả con người: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần", "Hoa cười, ngọc thốt đoan trang" ( "Truyện Kiều" -Nguyễn Du). Nếu các nhà thơ khác cùng thời đều muốn thoát khỏi thực tại, tìm đến cõi hư vô như Thế Lữ trong "Tiếng sáo Thiên Thai" : "Trời cao xanh ngắt. Ô kìa Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai" Hay Huy Cận trong "Trình bày" : "Khi lá rụng và hồn tôi đã xế Sang bên kia thời gian của loài người" Thì Xuân Diệu lại muốn "mãi mãi ở vườn trần", quả đúng như Thế Lữ đã nhận xét: "Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian". Qua đó, đoạn thơ trên đã khắc họa một khu vườn trần gian xinh tươi tràn đầy sức xuân, không những thế, vì được nhìn bằng đôi mắt của một vị khách tình si nên nó còn là khu vườn tình ái đầy mê đắm - nơi vạn vật đang lúc lên hương và đều có đôi có cặp: "Ong" – "bướm", "hoa" – "đồng nội", "lá" – "cành tơ", "yến" – "anh". Mạch thơ vui đang dào dạt chảy bỗng vấp phải một dấu chấm khiến tâm trạng bị trầm xuống: "Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa: Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân" Dấu chấm giữa dòng như một nốt lặng của cảm xúc đã ngắt câu thơ thành nhịp 3/5 và chia thi sĩ thành hai nửa: Sung sướng và vội vàng. Sung sướng là sự say mê, đắm đuối, rạo rực, đón nhận cuộc sống bằng tình yêu tha thiết, còn vội vàng là tâm trạng gấp gáp, lo âu, đau buồn, tiếc nuối trước dòng chảy của thời gian. Đáng lẽ lúc này tác giả phải nên vui tươi, ngất ngây trong vẻ đẹp của mùa xuân và lạc quan vì nó chỉ vừa mới bắt đầu nhưng thật ra, ông lại đang thổn thức, xót xa vì thời gian trôi đi, sự vật phai tàn. Không chỉ những thứ dĩ vãng đã qua mà còn cả những thứ đang hiện hữu, nhà thơ cũng đều tiếc nuối. Xuân chưa qua mà ông đã thấy nhớ, quả là một trái tim nhạy cảm trước bước đi của thời gian. Với việc vận dụng tài tình giọng điệu say mê, sôi nổi, nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê, nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, động từ, từ láy, cùng sáng tạo độc đáo về ngôn từ, hình ảnh thơ và kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc với mạch luân lí, Xuân Diệu đã thể hiện thành công chín câu thơ cuối của thi phẩm "Vội vàng" và để lại một ấn tượng khó phai trong lòng độc giả. Quả đúng như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã khẳng định: "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết".