Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh và Hoài Chân

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 13 Tháng hai 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    30. Lưu Trọng Lư

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh năm 1912 ở Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Học trường Quốc học Huế đến năm thứ ba, ra Hà Nội học tư rồi bỏ đi làm báo, làm sách cho đến nay.

    Chủ trương Ngân sơn tùng thư, Huế (1933- 1934).

    Đã viết giúp: Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Tiến hóa, Hanoi báo, Tân thiếu niên, Tao đàn..

    Đã xuất bản: Tiếng thu (1939).

    Lư đang nằm trên giường xem quyển "Tiếng thu" bỗng ngồi dậy cười to:

    - A ha! Thế mà mấy bữa ni cứ tưởng..

    -?

    - Hai câu:

    Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh,

    Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi.

    Mấy bữa ni tôi ngâm luôn mà cứ tưởng là của Thế Lữ..

    Thì ra hai câu ấy của Lư!

    Ở đời này, ít người lơ đãng hơn. Thi sĩ đời nay họ khôn lắm, có khi ranh nữa, Và yêu thơ, thường ta chả nên biết người: Thiệt thòi cho họ và thiệt thòi ngay cho mình. Nhưng yêu thơ Lư mà quen Lư vô hại, thì đời Lư cũng như một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết. Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc nhiên tí nào.

    Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày xuống các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào.

    Cảnh mộng có khi cũng có màu sắc như chiếc cánh diều lững thững trên sườn núi hay con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu. Nhưng thường ta chỉ thấy những cảnh rất mơ hồ, không có ở thời nay mà cũng không có ở thời nào. Hãy đọc bài "Thơ sầu rụng" : Bóng người con gái quay tơ trong đó ẩn sau một màn mây mờ. Ta biết có nàng nhưng ta không thấy nàng và ta cũng chớ nên tìm nàng làm chi.. Cứ để lòng trôi theo cái âm hưởng đặc biệt của bài thơ, ngân nga, dằng dặc, buồn buồn, đều như tiếng guồng xa.. Sau bài thơ bát ngát một trời đất ta không hiểu, thi nhân cũng không hiểu.

    Nhưng dầu sao con người mơ mông ấy cũng đã rơi xuống giữa cõi trần, người đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại những chuyện thực trong đời mình, người để xen vào rất nhiều chuyện trong mộng. Nhưng chuyện dầu chuyện mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình chan chứa trong bài thơ bắt ta phải bồi hồi.

    Đặc sắc của Lư chính là ở chỗ này. Từ những kỷ niệm tươi sáng về người mẹ đã khuất, cho đến bao nhiêu buồn thương, bao nhiêu chán nản, bao nhiêu đâu khổ vì tình yêu, cả cái cảnh đời giá lạnh của đôi vợ chồng lúc "tình đà xế bòng", cùng cái thú ngây ngất của cuộc đời "giang hồ". Lư đều kể cho ta nghe một cách rất cảm động.

    Một điều rõ ràng: Đọc thơ người khác ta có thể tìm thấy nhiều bài âm điệu tinh tế hơn, nhiều hình ảnh xinh đẹp hơn, nhưng ít bài cảm động như thơ Lư. Ấy, chỉ vì Lư thành thực hơn. Hãy xem: Tuy chẳng phải n của gia đình lư đã không ngần ngại mà nói đến vợ đến con, một điều các thi nhân ta gần đây hình như kiêng lắm.

    Tôi bỗng nhớ câu nói của Pascal: "Tưởng kẻ viết là một nhà văn, không ngờ lại gặp một người".

    Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt dũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy. Tình đã gửi trong lời thơ, Lư không còn đoái hoài đến nữa. Lư vứt chỗ này một bài, chỗ khác một bài, với cái phóng khoáng cả một kẻ khinh hết thảy những cái gì gọi là quý ở đời này. Sánh với những người yêu thơ Lư, Lư là người thuộc thơ mình ít nhất. Âu cũng là điều bất lợi. Một điều bất lợi nữa là trong khi thơ Việt Nam đương đi tìm nghệ thuật mới lạ, những tình cảm khuất khúc, những hình sắc phiền phức của thiên nhiên, thì Lư cũng chỉ có một ít khúc đàn bình dị, một ít khúc đàn xưa, dầu có đổi xoang đổi điệu cũng vẫn là những khúc đàn xưa.

    Nhưng ngoài cái sở thích nhất thời còn những sở thích đời đời không thay đổi.

    Bao giờ còn có những cặp vợ chồng nhớ tiếc buổi tân hôn thì những câu như:

    Còn đâu ánh trăng vàng

    Mơ trên làn tóc rối?

    Đêm ấy xuân vừa sang

    Em vừa hai mươi tuổi.

    Vẫn khiến họ bâng khuâng.

    Bao giờ còn có những kẻ say đắm tình yêu và đau khổ vì yêu thì những câu như:

    Ta mơ trong đời hay trong mộng?

    Vùng cúc bên ngoài động dưới sương.

    Hay:

    Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau

    Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.

    Chờ anh dưới gốc sim già nhé!

    Em hái đưa anh đóa mộng đầu.

    Vẫn tìm thấy những tiếng dội trong lòng người.

    Dầu chưa lăn lóc trong trường tình, đọc thơ Lư người ta cũn phải bồi hồi vì cảnh phong ba ngoài kia, nơi thi nhân đương trôi nổi. Qua khung cửa bài thơ, ngọn gió lạnh ngoài khơi đưa tới, người ta sẽ thấy xao động cho dầu đã khép chặt cõi lòng để sông một cuộc đời êm ấm.

    Sao lại có người có thể đọc những câu như thế mà vẫn dửng dưng. Họ bảo những nỗi đau thưong ấy thường quá. Vâng thường, thường lắm thường như hầu hết những nỗi đau thương thành thực của loài ngườịTôi không muốn nói nhiều. Trước sự đau thương của người bạn, tôi muốn im lìm kính cẩn. Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này hay người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức của lòng ta.

    Tháng 3 - 1941
     
  2. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    31. Nguyễn Nhược Pháp

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Con nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ngày 12-12-1914 ở Hà Nội, mất ngày 19-11-1938. Học ở Hà Nội. Có bằng tú tài Tây.

    Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch.

    Có viết giúp: Annam nouveau, Hanoi báo, Tinh hoa, Đông Dương tạp chí.

    Đã xuất bản: Ngày xưa (1935).

    Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.

    Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những "thắt lưng dài đỏ hoe", những đôi "dép cong" nho nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo ra, khó gì Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần giành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thuỷ Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền:

    Vung tay niệm thần chú. Núi từng dải,

    Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò

    Chạy mưa.

    Sáng hôm sau, Thuỷ Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới:

    Theo sau cua đỏ và tôm cá,

    Chia độ năm mươi hòm ngọc trai,

    Khập khễnh bò lê trên đất lạ;

    Trước thành tấp tểnh đi hai hàng.

    Nhưng chậm mất rồi. Sơn Tinh đã đến trước. Tức quá THuỷ Tinh liền ra lệnh cho bọn đồ đệ dương oai:

    Cá voi ngoác mồm to muốn đớp;

    Cá mập vẫy đuôi cuồng nhe răng;

    Càng cua lởm chởm giơ như mác;

    Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.

    Ai xem những cảnh ấy mà không buồn cười. Thi nhân cũng chỉ muốn thế: Kiếm chuyện cười chơi.

    Cũng có khi người cười những nhân vật chính người đã tạo ra, như cái cô bé đi chùa Hương trong thiên ký sự chép những câu thật thà:

    Em đi, chàng theo sau.

    Em không dám đi mau,

    Ngại chàng chê hấp tấp,

    Số gian nan không giàu.

    Có khi chẳng biết người muốn cười ai. Sau khi tả cái đẹp của Mỵ Nương, người thêm một câu:

    Mê nàng bao nhiêu người làm thơ,

    Người vờ ngớ ngẩn để kiếm cớ giễu mình chơi, hay người muốn giễu những kẻ đứng trước gái đẹp bỗng thấy hồn thơ lai láng?

    Lại có khi không giễu mình không giễu người, thi nhân cũng cười: Cười vì cảnh ngộ. Như khi Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương, Hùng Vương sung sướng nhìn con

    Nhưng có một nàng mà hai rể,

    Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều.

    Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn khó chịu của các ông tú, từ Tú Xuất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật đáng quý: Với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến cô bé đi chùa Hương và cùng cô bé san sẻ mọi nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy:

    Lầu son nàng ngoái trông lần nữa,

    Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.

    Rồi:

    Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác,

    Nàng kêu: "Phụ vương ôi! Phong Châu!"

    Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những câu buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó. Chắc Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng của ẠFrance, nhưng xem Ngày xưa tôi cứ nhớ đến cái duyên của tác giả Le livre de mon ami. Phải chăng Nguyễn Nhược Pháp cũng hay giễu đời và thương người như ẠFrance? Không? Nói giễu đời e không đúng. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua vui. Dầu sao tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ ngĩnh và cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ.

    Tháng 10-1941
     
  3. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    32. Phan Văn Dật

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh ngày 17-8-1909 ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Chánh quán: Làng Đạo Dầu, phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Học trường Quốc học Huế đến đậu thành chung. Hiện làm thư ký ngạch trước bạ Huế.

    Viết văn từ 1924, đến 1927 có đăng Nam Phong, Thần Kinh, Rạng Đông, (ký Tiêu Lang và Thường Nga Phố).

    Đã xuất bản: Bâng Khuâng (1935).

    Hồi tháng 12-1935 tôi có viết trên báo Tràng An một bài về quyển Bâng Khuâng. Nay xem lại thơ Phan Văn Dật cảm tưởng vẫn không khác xưa. Vậy xin trích mấy đoạn chính trong bài thơ ấy.

    Trong làng thơ, Phan Văn Dật thuộc về phái thanh niên. Nhưng có lẽ thanh niên vì tuổi hơn vì thơ. Giữa lúc ấy một luồng không khí mới thúc giục người ta thoát ly gia đình, Phan Văn Dật đã dám ca tụng cái tình cha con, anh em; sách của người, người đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là một điều ít có.

    Những điều người mơ ước cũng giống hệt những điều mơ ước của các cụ ta ngày xưa: Một cuộc đời bình dị nơi thôn dã. Tôi thấy ở người cái lòng chán nản, hơn nữa cái lòng căm giận những nơi đô hội. Mối hận dài trong thơ Phan Văn Dật sẽ chẳng là cái hận của Dương Quý Phi bị hy sinh vì lẽ nước, nó là cái hận một người đàn bà bị sức quyến rũ của thành thị cướp mất chồng con. Nguyễn Nhược Pháp với tập "Ngày xưa" đã nhìn vào cảnh vật xưa bằng con mắt một người thời nay, Phan Văn Dật với tập "Bâng khuâng" đã nhìn cảnh vật ngày nay sau bức màn một tâm hồn xưa.

    Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy mơ mộng. Cuộc đời như thế ắt sẽ bằng phẳng vô sự. Nhưng chỉ vô sự đối với những con mắt không tinh. Thực ra trong lòng thi nhân không phải là vô sự: Thi nhân không thiết chuyện hằng ngày nhưng vẫn luôn luôn sống với một cuộc đời đã qua rất phong phú:

    Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại.

    Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.

    Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,

    Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.

    "Những giờ không trở lại" đó, Phan Văn Dật nhắc đến một cách âu yếm. Nào những mối tình xưa, xa hơn nữa, những cảm hoài thời thơ ấu, những khi nô đùa với những trẻ con hàng xóm, những khi anh em dắt tay nhau vơ vẩn trong vườn:

    Vào buổi bình minh, năm ấy xưa,

    Trong vườn đào lý, phủ sương mờ,

    Dắt tay hai trẻ tìm hoa rụng,

    Mơ chuyện thần tiên, nghĩ vẩn vơ.

    Những cảnh ấy đã qua trong đời mình có khi thi nhân để lẫn với những cảnh đã qua mấy mươi năm đời trước. Nhân biệt một người bạn, Phan Văn Dật đã thay lời người đàn bà xưa tiễn chồng đi lính viết lên những câu nhịp nhàng và cảm động. Nỗi buồn riêng ấy của thi nhân còn khiến người nghĩ liên miên đến những nỗi đau đớn của người xương phụ cùng cái ngao ngán vì mọi cuộc tang thương.

    Nói cho đúng, thi nhân chẳng phải hoàn toàn sống trong cảnh xưa cảnh mộng và cái thế giới chung quanh tuyệt không có trong con mắt thi nhân. Người cũng biết say vì cảnh đẹp thoáng qua trước mắt. Có lúc bỗng sực nhớ mình là một trai trẻ đương tuổi yêu, nghệ sĩ nắn mấy vần thơ:

    Ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp em,

    Lời thơ réo rắt tôi săn tìm.

    Cậy người mang tặng cho em đọc,

    Em để vào ngăn em chẳng xem.

    Thì xưa nay vẫn thế!

    Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ không réo rắt, không hùng tráng, khong làm tha bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: Nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh đô là nơi quê hương của thi nhân. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu không thể xem như thầy.

    Chính Phan Văn Dật cũng không muốn làm thầy ai. Người vốn biết:

    Sự hoàn toàn tìm kiếm chỉn thêm hoài.

    Ngọc lành là chuyện nói mà chơi,

    Chớ kể ngọc nào không có vết!

    Tháng 12-1935
     
  4. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    33. Đông Hồ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chính tên là Lâm Tấn Phác. Sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ (10-3-1906) ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Thôi học nhà trường năm 16 tuổi. Chịu ảnh hưởng tạp chí Nam Phong.

    Lập trí đức học xá. Chủ trương báo Sống (1935).

    Đã viết giúp: Nam Phong, Trung bắc tân văn, Đông Pháp thời báo, Kỳ lân báo..

    Đã xuất bản: Thơ Đông Hồ (1932), Cô gái xuân (1935).

    Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương ở trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ rúng. Thói thường con nhà nghèo vẫn thương yêu cha mẹ hơn con nhà sang trọng.

    Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít. Thất học từ năm mười lăm, mười sáu; từ đó người chỉ học quốc văn, viết quốc văn, rồi mở trường chuyên dạy quốc văn. Cả những lúc người đai cơm bầu nước cùng học trò đi chơi các vùng thắng cảnh đất Phương thành, các đảo dữ miền duyên hải, tôi tưởng cũng chỉ vì quốc văn: Người đi tìm cảm hứng vậy.

    Khốn nỗi, người ra đời vào lúc văn học nước nhà đương hồi tàn tạ. Vốn tính hiền lành, không đủ táp bạo để gây nên giữa làng văn một cuộc biến động cần phải có, lúc đầu người chỉ cam tâm hiến mình cho những lối xưa ràng buộc. Và người cũng không hề lấy thế làm bứt rứt khó chịu, chưa bao giờ người có ý muốn thoát ly.

    Mặc dầu sự tình cờ đã đôi lần đưa người ra ngoài khuôn sáo. Trong tập Thơ Đông Hồ, giữa bao nhiêu câu trơn tru mà tầm thường, trống rỗng đột nhiên ta gặp đôi lời dường như trong ấy ẩn náu một linh hồn. Như những lời thuật hoài sau khi nàng Linh Phượng đã thành người thiên cổ:

    Mối sầu khôn dãi cùng trời đất;

    Chén rượu đành khuây với nước non.

    Cùng những lời nhớ bạn, hoặc thật thà:

    Khi biệt dễ dàng khi gặp khó;

    Chốn vui ai nhớ chốn sầu chi.

    Hoặc kín đáo

    Cái oanh đâu bỗng ngoài hiên gọi:

    Đã hai lần rồi xuân vắng mai (1)

    Với nỗi thắc ấy, với nỗi buồn man mác ấy, Đông Hồ đã đi xa trường thơ Nam Phong nhiều lắm.

    Nhưng trong tập Thơ Đông Hồ, lạ nhất là bài "Tuổi xuân", người ta có thể tưởng nó đã ở đâu lạc tới. Đến khi tác giả đưa in lại vào tập Cô gái xuân, ta mới thấy nó tìm được hoàn cảnh tự nhiên của nó. Bởi vì trong bài "Tuổi xuân" có cái bồng bột, cái trịnh trọng trước tình yêu mà cả thế hệ trước đây không từng quen biết: Họ quen xem người đàn bà như một thứ đồ chơi.

    Đông Hồ vẫn là người của thế hệ bây giờ vậy. Cho nên phong trào thơ mới vừa nổi lên là người nhận ngay được con đường của mình. Với phong trào thơ mới tưởng không có sự đắc thắng nào vẻ vang hơn.

    Từ nay, Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của thi nhân riêng âu yếm những nỗi lòng của thiếu nữ, khi bình yên lặng lẽ, khi phới phới yêu đương. "Cô gái xuân" của Đông Hồ thỏ thẻ những lời đến dễ thương, những lời tuồng như lả lời mà vẫn trong sạch. Ta thấy trong lời nàng cả cái êm dịu cái mơn trớn vuốt ve của tình ái. Nghe nàng nói lòng nào không xiêu? Nhất là khi nàng kể cảnh ái ân trên bãi biển ta khó có thể không cùng nàng mơ tưởng đến những cảnh ấy. Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới ánh trăng thanh tiếng sóng.

    Ai cũng thấy thơ Đông Hồ và Cô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy, nếu trong Thơ Đông Hồ ta thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ.

    Tháng 8-1941

    Chú thích

    (1) - "Mai" cũng là tên người yêu (xem bài "Nhớ Mai" trong Cô gái xuân)
     
  5. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    34. Mộng Tuyết

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chính tên là Lâm Thái Úc (đáng lẽ là Út, nữ sĩ vẫn nhận tên mình là út). Sinh ngày 9-1-1918 ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Chỉ học trường hết bậc Sơ đẳng, rồi luyện tập quốc văn ở Trí Đức học xã.

    Trong những người do Trí Đức học xã đào luyện ra thì Mộng Tuyết có đặc sắc hơn cả. Nhờ ô. Đông Hồ nói dùm, tôi được xem tập Phấn hương rừng của nữ sĩ. Tập thơ bìa thếp vàng, giấy tàu tốt, chính nữ sĩ viết và vẽ để làm vui riêng trong khuê phòng. Nét bút hoa mỹ, nét vẽ phóng túng, thỉnh thoảng lại chen vào ít câu chữ Hán cũng của Mộng Tuyết, thực là một cái thú cho người xem.

    Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: Người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay như đương nắm cả một niềm ân ái.

    Nhưng có một điều đáng suy nghĩ: Người thiếu nữ trong tập thơ này có làm ta quyên những thiếu nữ do trí tưởng thi nhân đàn ông tạo ra không? Nàng, một người đàn bà thiệt, nàng có đàn bà hơn những người đàn bà trong tưởng tượng kia không? Dầu sao, có những lời thơ như câu sau này tả cảnh xuân:

    Chốn buồng khuê, xuân đến thăm em.

    Hay như bài đề tặng bộ Việt Pháp tự điển (1), những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được.

    Tháng 8-1941
     
  6. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    35. Nguyễn Xuân Huy

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh ngày 15-7-1915 ở làng Dũng Quyết, huyện ý Yên (Nam Định). Học ở Nam Định. Hiện dạy học ở Hà Nội.

    Đã viết giúp: Đông tây, Phụ nữ thời đàm, Nhật Tân, Tân thiếu niên, Hanoi báo.

    Cứ mỗi chiều Nguyễn Xuân Huy lại ra ngồi ở một mỏm đá trên bờ sông Vân (Ninh Bình) để sống những giờ thần tiên trong tưởng tượng với một nữ học sinh có gặp qua vài lần.

    Thi nhân còn nhỏ, người tình trong mộng lại nhỏ hơn. Thi nhân sẽ dạy cho người yêu học. Hai người sẽ sống chung với nhau, âu yếm nhau, nhưng cũng dỗi nhau, đùa nhau và chơi với nhau đủ mọi trò trẻ con.

    Tôi tưởng theo Nguyễn Xuân Huy thuật lại giấc mộng tình ấy mới có thể hiểu được hai bài thơ trích dưới đây, nhất là bài "Giận nhau", mà báo Phụ nữ thời đàm hồi Ô. Phan Khôi chủ trương đem sánh với bài "Trường can hành" của Lý Bạch. Tôi sẽ không có cái táo bạo của ông Phan, nhưng tôi cũng thấy thơ Nguyễn Xuân Huy hay lắm. Mối tình ở đây vừa thanh sạch như tình ruột thịt, vừa nồng say như tình yêu. Tình ấy, một đời người ta chỉ để nuôi trong mộng một lần, khi lòng xuân mới nhóm và người ta còn giữ được cái trong trắng của tuổi ngây thơ. Chúng ta - những ai không còn tuổi ấy - xem thơ Nguyễn Xuân Huy sẽ được hưởng chút gió trong lành thổi về thời mười tám.
     
  7. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    36. Hằng Phương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vợ Ô. Vũ Ngọc Phan (1). Con Ô. Lê Dư. Sinh năm 1908 ở làng Nông Sơn (Quảng Nam). Học chữ Hán bảy tám năm. Chữ Tây chỉ học đến lớp nhất.

    Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn, Ngày nay, Hà Nội tân văn, Đàn bà.

    Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài "Lòng quê" trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Người thơ tưởng chừng đã biến thành chim..

    Tình quê còn đưa thi hứng cho Hằng Phương nhiều lần nữa. Có khi nó lẫn với lòng thương người mẹ đã khuất:

    Ngày nay bên khóm trúc

    Em thơ khóc rưng rức,

    Tìm mẹ biết tìm đâu?

    Trời xanh xanh một màu..

    Có khi nó chỉ là tình lưu luyến cảnh quê hương:

    Ai về cố quận cho ta nhắn

    Gửi chút lòng thương nhớ núi sông.

    Hằng Phương rất mến cảnh. Ngườu âu yếm nhìn những lúc trăng lên:

    Sáng trưng mái ngói nhà ai,

    Đôi chim ngỡ buổi ban mai, giật mình.

    Những lúc bình minh:

    Sương đêm còn đọng trên cành,

    Rưng rưng hạt ngọc, long lanh nhìn trời.

    Và:

    Nách tường đôi lứa chim sâu,

    Nằm trong tổ ấm thò đầu nhởn nhơ..

    Những bức tranh nho nhỏ ấy đơn sơ mà xinh tươi làm sao. Hồn thi nhân âu cũng thế.

    Tháng 12-1941

    Chú thích

    (1) Hằng Phương là tên, không phải là biệt hiệụ
     
  8. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    37. Nguyễn Bính

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh năm 1919 ở làng thiện Vịnh, huyện Vụ Bản (Nam Định).

    Không hề học ở trường, chỉ học ở nhà với cha và cậu.

    Làm thơ từ năm 13 tuổi. Đã làm được gần một nghìn bài. Được giải khuyến khích về thơ Tự lực văn đoàn năm 1937.

    Đã đăng thơ: Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Nam cường.

    Đã xuất bản: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (Lê Cường, Hà Nội 1940), Hương cố nhân (Á Châu, Hà Nội 1941).

    Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng khôn hay dại- chúng ta ngày một lìa xa nền nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sao, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn toàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tình cảm căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những âu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô sỗ những nhà thông thái nghiên cứu. Họ chẳng ngớt lời khen những câu như:

    Nhà em có một giàn bầu,

    Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

    Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

    Hay:

    Lòng anh: Giếng ngọt trong veo

    Giăng thu trong vắt biển chiều trong xanh

    Lòng em như bụi kinh thành,

    Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.

    Tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải là người thời xưa! Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc, khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: "Thơ như thế nàythì có gì?". Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần: Hồn xưa của đất nước.

    Kể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn? Người đã biết trách người gái quê:

    Hoa chanh nở ở vườn chanh,

    Thầy u mình với chúng mình chân quê

    Hôm qua em đi tỉnh về,

    Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.

    Thế mà chính người cũng đã "đi tỉnh" nhiều lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn. Khi người than:

    Đời có gì tươi đẹp nữa,

    Buồn thì đến khóc, chết thì chôn.

    Khi người tả cảnh xuân:

    Đã thấy xuân về với gió đông,

    Với trên màu má gái chưa chồng.

    Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

    Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.

    Ta thấy người không còn gì quê mùa nữa.

    Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái đặc sắc của Nguyễn Bính, chỗ Nguyễn Bính thì hơn các nhà thơ khác, ít được người ta nhìn thấy, Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ. Cái lối gặp gỡ ấy của hai thời đại rất dễ trở nên lố lăng.

    Tháng 8-1941
     
  9. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    38. Vũ Hoàng Chương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh ngày 5-5-1916 ở Nam Định. Có bằng tú tài Tây. Đã theo học trường Luật, nhưng lại bỏ để làm Phó thanh tra Sở Hỏa xa miền Bắc hơn một năm. Dạy tư một độ, hiện giờ theo học ban cử nhân toán học.

    Đã xuất bản: Thơ say (1940).

    Ý giả Vũ Hoàng Chương địng nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: Cái nghiệp say. Người say đủ thứ: Say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhẩy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ. Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm thơ. Cái dụng ý ấy không khỏi có hại. Nhưng một lần kia, bước chân vào tiệm nhảy, người quên dụng ý làm thơ ngoài cửa và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt hay.

    Tôi yêu những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng theo điệu kèn khiêu vũ..

    Âm ba gợn gợn nhỏ,

    Ánh sáng phai phai dần..

    Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.

    Lui đôi vai, tiến đôi chân,

    Riết đôi tay, ngả đôi thân,

    Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió..

    Quả là những vần thơ say.

    Cái dụng ý làm thơ Vũ Hoàng Chương cũng còn bỏ quên lần nữa.

    Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng còn dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng.

    Mỗi lần nói đến hôn nhân, Vũ Hoàng Chương có giọng khinh bỉ vô cùng. Người thấy hôn nhân chỉ là sự chung chạ của xác thịt, một sưh bẩn thỉu đã làm dơ dáy bao mộng đẹp của tuổi hoa niên:

    Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,

    Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn.

    Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi Hạ giới

    Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.

    Khốn nỗi! Thoát ly được hôn nhân cùng mọi trói buộc khác, nào người có tìm được hạnh phúc, người chỉ thấy bơ vơ:

    Mênh mông đâu đó ngoài vô tận

    Một cánh thuyền say lạc hướng đêm.

    Con thuyền say kia chính là linh hồn và cuộc đời của thi nhân. Rút lại, hy vọng cao nhất của người là quên. Quên hết thảy những thứ lợm giọng của khách làng chơi:

    Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,

    Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,

    Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,

    Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.

    Tháng 9-1941
     
  10. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    39. Mộng Huyền

    Bấm để xem
    Đóng lại
    (1) Sinh ở Huế năm 1919. Hiện học ban thành tú tài ở Hà Nội.

    Đã đăng thơ: Tràng An, Sông Hương.

    Bài thơ trích sau rút trong tập Rung động chưa xuất bản.

    Thơ Mộng Huyền có đôi ba bài đã đến với tôi như một hơi gió hiền hòa. Tôi nghĩ đến hơi gió ngàn năm vẫn đìu hiu trên sông Hương.

    Trong lời thơ hiu hắt một linh hồn yểu điệu và buồn buồn, hay thương người mà cũng rất dễ thương. Nó không tràn ngập, không lấn áp hồn ta. Nó chỉ nhẹ nhàng, chỉ âm thầm và e lệ. Ta đừng nói to, đừng bước nặng, hãy lắng hồn ta lại để đón lấy hồn người.

    Ngày nọ, thi nhân về thăm nhà một cô thôn nữ sớm từ trần. Người lẳng lặng đi qua, bước rất nhẹ nhàng vì:

    Sợ làm kinh động sầu xưa cũ

    Ẩn nấp mình trong bụi cỏ vàng.

    Ta hãy theo gương ấy và chớ làm kinh động chút hồn thơ đang nương mình trong bụi cỏ lời thơ.

    Tháng 7-1941

    Chú thích

    (1) Thi sĩ yêu cầu chúng tôi đừng để tên thật của người.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...