Tình yêu và hôn nhân trong kinh thi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ma tà, 2 Tháng tám 2022.

  1. ma tà

    Bài viết:
    14
    Tình yêu là một nội dung quan trọng trong Kinh Thi, chiếm số lượng rất lớn trong Phong. Nội dung đa phần đều thể hiện những tình cảm chân thật, chất phác, thẳng thắn nhưng không kém phần sinh động, sôi nổi, với những nỗi niềm thầm kín vui có buồn có, có hợp có tan trong tình yêu đôi lứa. Mở đầu Kinh ThiQuan thư 1 trong Chu Nam thể hiện tình yêu của người quân tử đối với cô gái dịu dàng xinh đẹp:

    關關雎鳩、

    在河之洲.

    窈窕淑女、

    君子好逑.

    Quan quan thư cưu,

    Tại hà chi châu.

    Yểu điệu thục nữ,

    Quân tử hảo cầu.

    (Chim thư cưu hót họa nhau

    Kêu oang oang ở cồn sông

    Người thục nữ dịu dàng xinh đẹp

    Cùng sánh đẹp đôi với người quân tử)

    Bài thơ là tình cảm, sự rung động của người quân tử trước nét đẹp hiền huệ, yêu kiều của người con gái. Mượn tiếng hót của chim thư cưu trống mái hót họa nhau mà biểu lộ cho tình cảm thắm thiết đậm đà nhưng vẫn giữ gìn cách biệt, tôn trọng lễ giáo phong phạm của người quân tử, gợi lên hình ảnh rạo rực về tình cảm lứa đôi tốt đẹp. Lời lẽ tuy mộc mạc nhẹ nhàng, mong muốn cùng nàng kết thành phu thê. Tình yêu đơn phương của chàng trai với người con gái đoan trang, hiền thục có bài Hán quảng 1 (Chu Nam) :

    南有喬木、

    不可休息.

    漢有遊女、

    不可求思.

    漢之廣矣、

    不可泳思.

    江之永矣、

    不可方思.

    Nam hữu kiều mộc,

    Bất khả hưu tức.

    Hán hữu du nữ,

    Bất khả cầu tư.

    Hán chi quảng hĩ!

    Bất khả vịnh tư.

    Giang chi vĩnh hĩ!

    Bất khả phương ti.

    (Núi nam có cây cao mà trụi cành, cho nên không có bóng mát.

    Khiến không thể nghỉ ngơi ở dưới đấy được.

    Sông Hán có những người con gái đi dạo chơi,

    Mà không thể cầu mong gì được (vì đã đoan trang không như thuở trước).

    Sông Hán rộng vậy!

    Cho nên không thể lặn qua được.

    Sông Trường giang dài vậy!

    Cho nên không thể dùng bè mà đi được)

    Thể hiện đức hóa của Văn Vương từ sông Trường Giang, sông Hán mà cải phong tục dâm loạn của vùng ấy. Mượn hình ảnh gần gũi, bình dị để miêu tả tình cảm đơn phương thầm kín mong cầu mà không được của chàng trai. Khởi hứng lấy cảnh cây cao trụi cành, không có bóng mát, không có người nghỉ ngơi giống hình ảnh chàng trai vẫn lẻ bóng một mình không có người bầu bạn. Sông Hán có những người con gái ưa thích đi dạo chơi ven sông, có người trông thấy nhưng không còn dám tùy ý mong cầu như trước nữa, vì người con gái toát ra vẻ đoan trang, hiền thục, nết na không thể tùy tiện mà xâm phạm, làm tổn hại. Lại dùng hình ảnh rộng lớn, mênh mông của sông Hán, sông Trường Giang để so sánh với tình cảnh của mình, sông Hán rộng lớn không thể lặn qua, sông Trường Giang dài vậy không thể chèo thuyền qua, tình cảm ta dành cho nàng cũng như vậy, bị cách chở đủ điều, đến bao giờ mới cưới được nàng làm vợ, làm sao xứng với nét đẹp đoan trang tịnh thất của nàng đây. Tình cảm triền miên, chan chứa, cảm động thể hiện qua bài Thấp tang 4 trong Tiểu Nhã sinh động như thế nào đây?

    心乎愛矣,

    遐不謂矣?

    中心藏之,

    何日忘之!

    Tâm hồ ái hĩ,

    Hà bất vị hĩ?

    Trung tâm tàng chi,

    Hà nhật vong chi?

    (Lòng đã yêu quý người quân tử,

    Mà sao lại chẳng thốt ra cho người biết?

    Lại cứ giấu mãi trong lòng,

    Thì biết ngày nào mới quên được)

    Trong lòng vốn dĩ đã yêu thích người quân tử nhưng không biết phải tỏ bày làm sao để người quân tử có thể hiểu tâm tư của mình, đành ôm mối tương tư đó giấu kín ở trong lòng, mong thời gian sẽ làm cho cô gái quên đi người quân tử đó. Nhưng đó lại là ngày nào đây, tình yêu đã nảy nở rồi ăn sâu ở trong trái tim nàng, ngày ngày thương nhớ khiến tình yêu cứ mãi lớn dần lớn dần lên, tồn tại mãi mãi khó có thể xóa nhòa. Nếu ở bài Thấp tang 4 là tình yêu triền miên sâu đậm kéo dài không dứt thì ở Thái cát 3 lại là nỗi niềm khác, một nỗi niềm nhớ nhung dai dẳng, cho tình yêu lứa đôi:

    彼采艾兮,

    一日不見,

    如三歲兮!

    Bỉ thái ngải hề

    Nhất nhật bất kiến,

    Như tam tuế hề.

    (Người kia đi hái cây ngải,

    Một ngày mà không thấy nhau,

    Thì đằng đẵng như ba năm vậy)

    Tình yêu sâu đậm đến nỗi người kia chỉ đi ra ngoài hái cây ngải cứu một ngày thôi mà cứ ngỡ thời gian dài đằng đẵng như đã trôi qua tận ba năm trời. Qua đó có thể thấy tình yêu đôi lứa chân thành đậm sâu, chỉ cần tách ra một chút thôi là đã dâng lên nỗi nhớ nhung khôn tả. Câu chuyện hẹn hò, thề thốt giữa các cặp đôi từ lâu đã trở thành món điểm tâm không thể nào thiếu được trong quá trình yêu nhau. Câu chuyện hẹn hò trong sáng đó thể hiện qua bài Dã hữu tử huân 2 (Thiệu Nam) :

    林有樸樕,

    野有死鹿,

    白茅純束.

    有女如玉.

    Lâm hữu bộc tốc,

    Dã hữu tử lộc.

    Bạch mao đồn thúc,

    Hữu nữ như ngọc.

    (Trong rừng có thứ cây bộc tốc (để lót con hươu chết).

    Ngoài đồng có con hươu chết.

    Lấy lá bạch mao gói con hươu ấy lại.

    Có cô gái đẹp như ngọc (bị chàng trai đẹp đem con hươu ấy đến dụ dỗ))

    Đây là chuyện tình yêu nam nữ của những tầng lớp dưới thời đó vẫn tương đối tự do. Chàng trai chất phác, thật thà vào rừng săn bắn hươu nai dùng lá cây bốc gói con hươu nai ấy lại, lững thững đi theo cô gái muốn đem tặng con hươu ấy cho người con gái anh thầm ngưỡng mộ có dung mạo đẹp như ngọc. Một tình yêu tươi sáng, chất phác, phối với cảnh đẹp tự nhiên nơi núi rừng tạo nên bức tranh hài hòa tự nhiên nhưng không thiếu vẻ ngây ngô tình tứ.

    Lại như bài Tĩnh nữ 1 (Bội phong) :

    靜女其姝,

    俟我於城隅.

    愛而不見,

    搔首踟躕.

    Tĩnh nữ kỳ xu,

    Sĩ ngã ư thành ngung,

    Ái nhi bất kiến,

    Tao thủ trì trù.

    (Người con gái nhàn nhã đẹp đẽ.

    Hẹn đợi ta ở chỗ góc thành (chỗ hẻo lánh tối tăm).

    Yêu nàng mà không thấy nàng,

    Ta gãi đầu và dậm chân)

    Buổi hẹn hò của một cặp tình nhân ở nơi góc thành hẻo lánh, chàng trai tới sớm chờ người yêu nhưng chờ mãi mà chưa thấy nàng đến khiến chàng trai sốt ruột, băn khoăn cứ gãi đầu dậm chân suốt. Đây là biểu hiện bình thường trong tình yêu, mỗi lần gặp người yêu đều cảm thấy hồi hộp không biết nàng có đến đúng hẹn không, gặp nàng thì nói những gì, lỡ như nàng không đến thì sao? Những suy nghĩ như vậy cứ bủa vây xung quanh chàng trai sinh ra cảm giác sốt ruột, băn khoăn như vậy. Rồi người con gái dịu dàng xinh đẹp ấy cũng đến nơi hẹn, tặng cho chàng trai một ngọn cỏ tranh còn non mà đã khiến chàng vui sướng lạ thường. Nhìn cỏ tranh bình thường lại hóa cảnh vui xinh đẹp lạ thường, vẻ đẹp trong mắt chàng trai không phải đến từ cỏ tranh mà đến từ người đã tặng cỏ tranh cho chàng. Đây chính là nét trong sáng, tình cảm dạt dào thắm thiết thể hiện qua bài Tĩnh nữ 3 (Bội phong) :

    自牧歸荑,

    洵美且異.

    匪女之為美,

    美人之貽.

    Tự mục quy đề,

    Tuân mỹ thả dị.

    Phỉ nhữ chỉ vi mỹ,

    Mỹ nhân chi dị.

    (Từ phía ngoài đồng nội, nàng tặng cho ta cỏ tranh mới mọc.

    Ta tin rằng cỏ tranh ấy cũng đẹp và lạ.

    Chẳng phải cỏ tranh ngươi đẹp đâu,

    Mà đặc biệt là do người đẹp trao tặng, cho nên ngươi mới đẹp)

    Ngoài sự tự do trong tình yêu trong Kinh Thi cũng không thiếu những phàn nàn về sự gò bó, ngăn trở trong tình yêu không những đến từ xã hội mà còn trong chính gia đình của mình. Cô gái rất yêu thương Trọng Tử nhưng lại lo lắng, sợ hãi trước lời rầy la của cha mẹ, huynh trưởng, điều tiếng đến từ xóm làng mà không dám qua lại với chàng lần lượt thể hiện trong bài Thương Trọng Tử 1, Thương Trọng Tử 2, Thương Trọng Tử 3:

    * * *

    畏我父母.

    仲可懷也,

    父母之言,

    亦可畏也.

    Uý ngã phụ mỹ (mẫu).

    Trọng khả huỳ (hoài) dã.

    Phụ mẫu chi ngôn,

    Diệc khả úy ngã.

    (Chỉ vì em sợ cha mẹ em.

    Chàng Trọng Tử thì đáng cho em thương nhớ lắm.

    Nhưng mà lời rầy la của cha mẹ em,

    Cũng đáng sợ lắm)

    * * *

    畏我諸兄.

    仲可懷也,

    諸兄之言,

    亦可畏也.

    Uý ngã chư hương.

    Trọng khả ái dã.

    Chư huynh chi ngôn,

    Diệc khả úy ngã.

    (Chỉ vì em sợ những anh của em.

    Chàng Trọng Tử thì đáng cho em thương nhớ lắm.

    Nhưng mà lời rầy la của những anh của em,

    Cũng đáng sợ lắm)

    * * *

    畏人之多言.

    仲可懷也,

    人之多言,

    亦可畏也.

    Uý nhân chi đa ngôn.

    Trọng khả ái dã.

    Nhân chi đa ngôn,

    Diệc khả úy dã.

    (Chỉ vì em sợ người ta nhiều lời phao đồn.

    Chàng Trọng Tử thì đáng cho em thương nhớ lắm.

    Nhưng mà lời phao đồn của người ta,

    Cũng đáng sợ lắm)

    Như vậy, việc cấm đoán, ngăn cản lứa đôi tự do yêu đương không phải bây giờ mới có mà nó đã tồn tại từ thời xa xưa rồi, chỉ là không phổ biến mà thôi. Từ thời xưa các cặp đôi yêu nhau đã biết sợ những lời ra tiếng vào của hàng xóm láng giềng mà đâm ra sợ hãi, không dám yêu nhau một cách mãnh liệt, nhưng không vì thế mà họ không yêu nhau, chỉ là tình yêu đó âm thầm, râm rang từng chút một, cứ giấu kín nơi đáy lòng không phô ra cho người đời chỉ trỏ, phụ huynh rầy la mà thôi.

    Trong tình yêu nỗi thống khổ nhất chính là yêu nhưng không được đáp lại, nỗi đau khổ khi hai ta người nơi dương trần kẻ cõi âm ti "Liêm man vu vực/Dư mỹ vong thử." (Cỏ liêm mọc lan ra nơi phần mộ. /Chồng của ta không có ở nơi đây – Cát sinh 2 trong Đường Phong), và sự đau khổ tột cùng khi yêu mà bị người yêu ruồng bỏ (thất tình) không màng ăn uống "Duy tử chi cố, /Sử ngã bất năng xuyên (xan) hề!" (Duyên cớ chàng bỏ rơi ta, /Khiến ta buồn khổ mà không ăn cơm. - Giảo đồng 1 trọng Trịnh Phong).

    Về hôn nhân trong Kinh Thi cũng miêu tả về những đôi vợ chồng hạnh phúc, gia đình hòa thuận như bài Đào yêu 1 trong Chu Nam:

    桃之夭夭、

    灼灼其華.

    之子于歸、

    宜其室家.

    Đào chi yêu yêu,

    Chước chước kỳ hoa.

    Chi tử vu quy,

    Nghi kỳ thất gia.

    (Cây đào tơ xinh tươi,

    Hoa nhiều rậm.

    Nàng ấy đi lấy chồng,

    Thì ắt thuận hòa êm ấm cảnh gia đình)

    Sử dụng bút pháp tả thực miêu tả cảnh hoa đào nở vào mùa xuân xinh đẹp, tươi tốt, nhưng cũng có thể đây là hình ảnh so sánh vẻ đẹp của cô dâu cũng giống như những bông hoa đào nở rộ đẹp đẽ, xinh đẹp tươi tắn trong ngày kết hôn trọng đại nhất của đời mình. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với nàng, những ngày sống ở nhà chồng sẽ thuận buồm xuôi gió, gia đình thuận hòa, êm ấm, vui vẻ hạnh phúc như ngày nàng theo chàng về dinh.

    Ngoài số ít bài thơ nói về hạnh phúc gia đình thì không thiếu những bài thơ thể hiện sự đau khổ, nhớ thương khi phải chia xa. Mà nguyên nhân chính để chia cắt những đôi vợ chồng này là phu phen và chiến tranh. Những cuộc chiến tranh phi nghĩa nổ ra liên miên, trai tráng trong làng đều bị bắt đi lính. Những nỗi hờn giận vì phải chia xa, chồng phải đi phục vụ trên chiến trường không biết ngày về, thậm chí là bỏ mạng nơi sa trường đã chất chứa trong lòng mỗi người nỗi oán hờn khôn tả không có nơi tỏ bày, nên Kinh Thi đề cập rất nhiều đến vấn đề này. Thí dụ như bài Quân tử vu dịch 2 trong Vương Phong cũng có đề cập đến những vấn đề này như sau:

    君子于役,

    不日不月,

    曷其有佸?

    雞棲于桀,

    日之夕矣,

    羊牛下括.

    君子于役,

    茍無饑渴!

    Quân tử vu dịch,

    Bất nhật bất nguyệt

    Hạt kỳ hữu quát?

    Kê thê vu kiệt,

    Nhật chi tịch hĩ,

    Dương ngưu hạ quát.

    Quân tử vu dịch,

    Cầu vô cơ khát.

    (Chàng đi làm,

    Quá lâu không tính được ngày tháng bao nhiêu.

    Lúc nào mới trở về hội ngộ với em?

    Gà đậu trên cây gác,

    Ngày đã tối rồi.

    Dê và bò đã trở về.

    Chàng đi làm,

    Vả lại, em chỉ mong chàng khỏi đói khát thôi)

    Người chồng đi lính không biết ngày nào tháng nào mới trở về hội ngộ với người vợ ở nhà, mỗi ngày mong ngóng chồng về nhưng không cầu giàu sang phú quý, vinh quang mà chỉ mong cho chồng không bị đói bị khát, được bình bình an an mà quay về đoàn tụ với gia đình. Đây là sự hi sinh thầm lặng của người vợ, cũng là tình yêu sâu đậm dành tặng cho người thương. Chàng cứ yên tâm đi đi mọi sự ở nhà đã có em lo, đừng lo lắng chi cả hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe đợi ngày xuất ngũ rồi quay về. Ngoài ra, bài thơ còn lên án chiến tranh phi nghĩa, chỉ vì muốn thỏa mãn tham vọng của mình mà gây chiến khắp nơi khiến bao gia đình cửa nát nhà tan.

    Nhưng cũng có những cuộc hôn nhân bất hạnh, vợ bị chồng ruồng bỏ, họ kể lại hoàn cảnh của mình, oán trách chồng bạc bẽo, đau khổ hối hận vì đã gả cho người như vậy nhưng đồng thời lại quyến luyến mối tình xưa với chồng cũ, trong bài Manh 6 trong Vệ Phong:

    及爾偕老,

    老使我怨.

    淇則有岸,

    隰則有泮.

    總角之宴,

    言笑晏晏.

    信誓旦旦,

    不思其反.

    反是不思,

    亦已焉哉!

    Cập nhĩ giao lão.

    Lão sử ngã oán.

    Kỳ tắc hữu ngạn,

    Thấp tắc hữu phán.

    Tổng giác chi yến.

    Ngôn tiếu yến yến,

    Tín thệ đán đán.

    Bất từ kỳ phản.

    Phản thị bất tư.

    Diệc dĩ yên tai!

    (Cùng với anh, đã hẹn ước sống chung đến già.

    (Nhưng không ngờ) đến già thì bị chàng phụ bỏ, khiến em phải oán hận.

    Sông Kỳ còn có bờ để ngăn nước không cho tràn ra.

    Vũng ao chỗ thấp cũng có bờ để giữ nước không cho tràn ra (còn chàng thì cứ phóng túng, không câu thúc tính tình để đến hai lòng ăn ở bạc đen).

    Lúc yên vui thưở thơ ấu em còn để trái đào,

    Đã cùng nhau nói chuyện vui tươi hòa dịu.

    Thì cùng tin lòng nhau mà thề ước rõ ràng.

    Em chưa từng nghĩ đến việc phản bội lời thề ước cũ, để đến như thế này.

    Việc phản bội cũng không nghĩ đến,

    Thì cũng thôi vậy)

    Lấy chồng lúc còn xinh đẹp chỉ mong được cùng sống với nhau đến bạc đầu giai lão, nhưng đến khi xuân sắc tàn phai thì bị ruồng bỏ, oán hận chồng thay lòng đổi dạ, có mới nới cũ, lại nhịn không được mà nhớ về khoảng thời gian khi hai người đang yêu nhau, nhớ mãi câu thề xưa nhưng lại bị người phụ cuối cùng chỉ đành buông tay mối nhân duyên này.

    Vấn đề mà có lẽ thời đại nào cũng có chính là ép gả gây nên sự đau khổ cho người phụ nữ, vấn đề này được đề cập đến trong bài Tân đài 3 thuộc Bội Phong:

    魚網之設,

    鴻則離之.

    燕婉之求,

    得此戚施.

    Ngư võng chi thiết,

    Hồng tắc lệ chi

    Yến uyển chi cầu.

    Đắc cử thích thi.

    (Đặt lưới đánh cá,

    Chim hồng lại mắc vào.

    (Người con gái nước Tề) vốn tìm người dịu yên hiền thuận,

    Mà trái lại vớ được người bệnh khòm)

    Người con gái xinh đẹp hiền huệ chỉ mong tìm được người hiền lành mà gả ai ngờ rằng lại bị bắt gả cho một người bệnh khòm. Giấc mộng tan vỡ, thực tại lại đau khổ, vốn dĩ nàng phải có cuộc sống hạnh phúc hơn, được tự do yêu và lấy người mình thích nhưng vì lý do nào đó nàng bị tước đoạt đi tất cả. Bài thơ là sự đau khổ của người phụ nữ bị ép gả cho người mà nàng không yêu lại bị bệnh tật quấn thân, lên án chế độ cũ trọng nam khinh nữ, hủy diệt đi quyền tự do yêu đương của những người phụ nữ yếu đuối.

    Nhìn chung, Kinh Thi là cuốn bách khoa toàn thư của xã hội lúc bấy giờ, đã khái quát toàn bộ những vấn đề liên quan đến tình yêu và hôn nhân tồn tại gây nhức nhối trong xã hội đương thời, phác họa bức tranh tình yêu lồng trong bức tranh hiện thực xã hội rộng lớn, vừa vui vừa buồn, tan hợp đan xen, có những gia đình hạnh phúc kiểu mẫu của xã hội, nhưng cũng thẳng thắn phản ánh sự đau khổ mà chiến tranh gây ra đối với con người, hạnh phúc gia đình và tình yêu đôi lứa, còn lên án phê bình vấn đề bạo lực gia đình, thói vũ phu và vấn đề trọng nam khinh nữ trong tình yêu.

    Tài liệu tham khảo:

    Thi Viện, Quan thư 1, truy cập ngày 10/6/2021

    Link

    Thi Viện, Hán quảng 1, truy cập ngày 10/6/2021

    Link

    Thi Viện, Thấp tang4, truy cập ngày 10/6/2021

    Link

    Thi Viện, Thái cát 3, truy cập ngày 15/6/2021

    Link

    Thi Viện, Dã hữu tử khuân 2, truy cập ngày 15/6/2021

    Link

    Thi Viện, Tĩnh nữ 1, truy cập ngày 15/6/2021

    Link

    Thi Viện, Tĩnh nữ 3, truy cập ngày 15/6/2021

    Link

    Thi Viện, Thương Trọng Tử 1, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Thương Trọng Tử 2, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Thương Trọng Tử 3, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Cát sinh 2, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Giảo đồng 1, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Đào yêu 1, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Quân tử vu dịch 2, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Manh 6, truy cập ngày 21/6/2021

    Link

    Thi Viện, Tân đài 3, truy cập ngày 21/6/2021

    Link
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...