Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh và Hoài Chân

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 13 Tháng hai 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Thi nhân Việt Nam

    Tác giả: Hoài Thanh - Hoài Chân

    Mục sách: Văn học Việt Nam; Văn hóa - Xã hội

    [​IMG]

    Từ hơn nửa thế kỷ trước đây, phong trào Thơ mới đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn học trước Cách mạng tháng Tám của đất nước. Các thi sĩ của thuở ấy đã đem lại cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở và đôi khi bế tắc trước hiện trạng của đất nước thời bấy giờ. Với sự đổi mới mạnh mẽ của hình thức nghệ thuật, Thơ mới thật sự đã thu hút được sự chú ý của khá đông bạn đọc yêu thơ và đó cũng là một đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của thể loại và chứng minh khả năng biểu đạt phong phú của tiếng Việt.

    Ngay lúc bấy giờ, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã sớm nhận ra giá trị ấy và đã kịp thời sưu tầm, giới thiệu các thành tựu của phong trào Thơ mới qua tác phẩm Thi nhân Việt Nam và đã cho xuất bản vào đầu năm 1942.

    Thi nhân Việt Nam là sự khám phá và đánh giá đầu tiên đối với Thơ mới. Chúng ta đều biết việc lựa chọn tác phẩm và tác giả đương thời, nhất là những người mới xuất hiện trên văn đàn, là một việc hết sức khó khăn, nhưng với sự cảm thụ khá sâu sắc và với cái nhìn tinh tế, các tác giả đã chọn được một chùm hoa giàu hương sắc trong vườn Thơ mới để gửi tặng những người yêu thơ. Chính vì thế, Thi nhân Việt Nam đã được bạn đọc cả nước đón nhận và tán thưởng.

    Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, việc thẩm định lại những giá trị có thể có những thay đổi, nhưng để bảo đảm tính lịch sử của một tác phẩm đã xuất hiện trước đây, chúng tôi cho in nguyên văn của tác phẩm.

    Ngoài ra, để giúp bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo, sách có thêm phần Lời cuối sách của nhà văn Từ Sơn, trưởng nam của nhà văn Hoài Thanh.
     
    TRANG SACHTRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  2. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    1. Nhỏ to

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Có lẽ bạn đương chờ tôi phân ngôi thứ trong làng thơ xem ai nhất, ai nhì.. Bạn sẽ thất vọng. Tôi chỉ ghi cảm tưởng xem thơ nên bài viết dài ngắn không chừng. Bạn cũng đừng so sánh thơ trích nhiều ít. Ai lại lấy số trang, số dòng mà định giá một nhà thơ?

    Có lẽ bạn đương chờ những bài nghiên cứu vô tư và khách quan. Bạn cũng sẽ thất vọng. Vô tư thì tôi đã vô tư hết sức, nhưng khách quan thì không. Tôi vẫn có thể vờ bộ khách quan và mặc cho những ý riêng của tôi cái lốt y phục của mọi người. Nhưng việc gì phải khổ thế? Chạy đi đâu cũng không thoát cái tôi thì tôi cứ là tôi vậy. Hay dở tính trời."
     
    TRANG SACHTRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  3. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    2. Thế Lữ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Được ít lâu bị đau lại về Hải Phòng tĩnh dưỡng. Những ý thơ và đôi bài thơ đầu tiên, như bài "Lựa tiếng đàn", nẩy ra trong lúc này.

    Có chân trong Tự lực văn đoàn và trong tòa soạn các báo Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa.

    Đã xuất bản: Mấy vần thơ (1935). Mấy vần thơ, tập mới (Đời nay, Hà Nội, 1941).

    Luôn trong mấy năm mê theo người người này, người khác, tôi không hề nghâm thơ Thế lữ. Tôi cứ nghĩ lòng trí tôi đã thay đổi không sao có thể thích những vần thơ không cùng tôi thay đổi. Nhưng hôm nay, đọc lại những câu với tôi vẫn còn quen quen, tôi sung sướng biết bao. Tôi đón đọc những câu thơ ấy với cái hân hoan của khách phiêu lưu lúc trở về cố hương gặp lại những người thân yêu cũ. Dầu nhìn nét mặt một hai người, khách không khỏi ngờ ngợ..

    Nhưng hề chi! Khách vẫn gửi ở đó cái hương vị những ngày âm thầm qua trong gian nhà nọ.. Cả một thời xưa tỉnh dậy trong lòng tôi. Tôi sống lại những đêm bình yên đầy thơ mộng.

    Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Vệt Nam. Dẫu sau này danh vọng Thế lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.

    Bởi vì không có gì khiến người ta tin ở thơ mới hơn là đọc những bài thơ mới hay. Mà thơ Thế lữ về thể cách mới không một chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh. Đọc những câu như:

    Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

    Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

    Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

    Vờn bóng âm thầm, lá gai cỏ sắc.

    Đọc những câu ấy, không ai còn có quyền bĩu môi trước cuộc cách mệnh về thi ca đương nổi dậy, Cho đến những bài thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát của Thế lữ cũng khác hẳn xưa. Thế lữ làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài, nhất là bài "Nhớ rừng", ta tưởng chừng những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được.

    Nhưng con người táo bạo ấy vẫn không nỡ lìa những giấc mơ mộng nên thơ của thời trước. Tuy ảnh hưởng thi ca Pháp về phái lãng mạn và nhất là ảnh hưởng tản văn Pháp đã khiến những mộng ấy có một ít hình dáng mới, ta vẫn có thể nhìn nhận dễ dàng cái di sản của lớp người vừa qua. Thế lữ cũng như phần đông thanh niên ta hồi trước hay buồn nản vẩn vơ.

    Người muốn sông cuộc đời ẩn sĩ

    Trăm năm theo dõi đám mây trôi

    Người lưu luyến cảnh tiên trong tưởng tượng, phảng phất nghe tiếng sao tiên, mải mê nhìn những nàng tiên. Muốn gợi trí mơ tưởng cảnh tiên, người không cần chi nhiều. Đương đi giữa đường phố rộn rịp, bỗng trông thấy những cành đào cành mai là người đã.. tưởng nhớ cảnh quê hương

    Bồng lai muôn thủa vườn xuân thắm,

    Sán lại, u huyền, trong khói hương..

    Đương cùng bầu bạn uống rượu, vừa ngà ngà say là người đã thoát trần bỏ bạn hữu ở lại để đi về chốn

    Lung linh vàng đội cung Quỳnh

    Nhịp nhàng biến hiện những mình Tiên nga.

    Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giứoi tiên có nhiều vẻ đẹp như thế. Phải chăng cõi tiên đã cùng cõi trần  u hóa.

    Nhưng làm tiên, làm ẩn sĩ hay làm chinh phu chỉ là chuyện mộng. Sự thực thì khi nhe tiếng ái ân réo rắt, chỉ có khách chinh phu "đi theo đuổi bước tương lai", còn thi nhân và chúng ta ở lại bên sông cùng thiếu nữ. Sự thực thì giấc mộng ẩn sĩ tan dần trong một căn phòng tại Hà Nội. Và nói cho đúng, thi nhân có lên tiên cũng chỉ để nói chuyện dưới trần. Những áo đào thiên tiên người thấy trong khi say thường phấp phới trên bờ hồ Hoàn Kiếm: Tôi muốn nóiThế lữ vẫn nặng lòng trần, Người say theo những cảnh đẹp của trần gian muôn hình muôn vẻ, từ

    Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;

    Cho đến

    Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;

    Người đã khéo tả hình sắc lại cũng khéo tả âm thanh. Những đoạn thơ tả cảnh, tả tiếng của Thế lữ thực không sao kể xiết. Ngay sau những bài không hay lắm, vẫn có nhiều cái rất thân tình, chẳng hạn như:

    Sáng hôm nay, sương biếc tỏa mờ mờ

    Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ;

    Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá,

    Trời trong xanh, chân trời đỏ hây hây.

    Nhưng trong "vườn trần gian" còn có gì thắm tươi hơn những thiếu nữ. Cho nên không biết bao nhiêu lần thi nhân tả người đẹp với những nét tinh tế, dịu dàng và âu yếm. Người thấy rõ:

    Trên vầng trán ngây thơ, trong sáng

    Vẩn vơ qua một áng hương buồn.

    Người lặng nhìn:

    Đôi mắt cô em như say, như đắm,

    Như buồn in hình ảnh giấc mơ xa

    Người mải mê nghe tiếng hát người đẹp:

    Tiếng hát trong như ngọc tuyền,

    Êm như gió thoảng cung tiên.

    Cao như thông vút, buồn như liễu:

    Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.

    Có những thi nhân chỉ tìm ý thơ trong tình yêu của một người. Trái lại, trong Thế lữ thấp thoáng hình ảnh không biết bao nhiêu người. Mỗi thiếu nữ đã đi qua trong đời thi nhân hay trong trí tưởng thi nhân đều mang theo một chút hưoưng ân ái. Đối với họ thi nhân chưa đủ thân mật để gọi bằng em; thi nhân chỉ dùng hai tiếng "cô em", nghe lẳng lơ, mà xa vời và thiếu tình ấm áp. Có lẽ Thế lữ là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tình duyên không thấy tới. Mối tình yêu không người yêu ấy man mác khắp cỏ cây mây nước, nên thi nhân thường tả những cảnh đượm tình luyến ái:

    Mây hồng ngừng lại sau đèo,

    Mình cấy nắng nhuộm, bóng chiều không đi:

    Trời có những dải mây huyền thấp thoáng

    Như vấn vương lưu luyến quyện lòng ai;

    Khiến cho cảnh bồi hồi ngây ngất.

    Tiếng sáo chưa nỡ dứt trên không,

    Khiến cho hồ nước mịt mù,

    Ngày không muốn hết, ta không muốn về.

    Thơ Thế lữ là nơi hẹn hò của hai nguồn thi cảm. Thế lữ đã băn khoăn trước hai nẻo đường: Nẻo về quá khứ với mơ mộng, nẻo tới tương lai và thực tế. Đáng lẽ Thế lữ nên rẽ nẻo thứ hai này. Sau một hồi mộng mị vẩn vơ, thơ Thế lữ như một luồng gió lạ xui người ta biết say sưa cái sán lại của cuộc đời thực tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết yêu tình yêu. Thế lữ đã làm giáo sư dạy khoa tình ái cho cả một thời đại

    Nhưng hình như có hồi Thế lữ đã đi lầm đường. Bởi người ta nói quá nhiều, nên thi nhân tưởng quê hương mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp thực của trần gian.

    Tuy vậy, dầu về sau thơ Thế lữ có phần kém trước, nhưng giá những bài thơ ấy là của một người khác, thì vẫn có thể dành cho tác giả nó một địa vị khá trên thi đàn. Bởi vì Thế lữ ít khi ghép những lời suông, khi nào viết cũng có chuyện gì để nói.

    Tôi nói về Thế lữ đã quá nhiều rồi. Nhưng còn biết bao nhiêu điều muốn nói nữa. Tôi thấy chung quanh tôi người ta lạnh lùng quá. Thế lữ cơ hồ đã đi theo phần đông thi sĩ trong "Văn đàn bảo giám". Cái cảnh lạt phai ấy sao buồn thế!

    Không, ta hãy đi ngược lại thời gian, quên những sở thích nhất thời và trân trọng lấy những bông hoa vẫn thắm tươi như hồi mới nở.

    Tháng 1 - 1941
     
    TRANG SACHTRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  4. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    3. Vũ Đình Liên

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có những nhà thơ không bao giờ có thể làm được một câu thơ - tôi muốn nói một câu đáng gọi là thơ. Những người ấy hẳn là những người đáng thương nhất trong thiên hạ. Sao người ta thương hại những kẻ bị tình phụ nuôi một giấc mộng ái ân không thành, mà không ai thương lấy những kẻ mang một mối tình thơ u uất chịu để tan tành giấc mộng quí nhất và lớn nhất ở đời; giấc mộng thơ?

    Hôm nay trong khi vviết quyển sách này, một quyển sách họ sẽ xem như một sự mỉa mai đau đớn, thơ Vũ Đình Liên bỗng nhắc tôi nghĩ đến những con người xấu số kia.

    Tôi có cần phải nói ngay rằng Vũ Đình Liên không phải một người xấu số? Trong làng thơ mới, Vũ Đình Liên là một người cũ. Từ khi phong trào thơ mới ra đời, ta thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ. Ông đồ năm năm đến mùa hoa đào, lại ngồi viết thuê bên đường phố. "Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn". Ít khi có một bàu thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lưòi sám hối của cả một bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu.. Cái canht htương tâm của nền học Nho lúc mạt vận chúng ta vô tình như không lưu ý. Trong bọn họ, chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà nho. Nhưng chế giễu mạt sát không nên, mà ca tụng cũng không được. Phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương. Không nghiên cứu, không lý luận, Vũ Đình Liên với một tấm lòng dễ cảm nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta cái thái độ hợp lý hơn cả đối với các bực phụ huynh của ta. Bài thơ của người có thể xem là một nghĩa cử.

    Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ đeer lưu danh, đủ với người đời. Còn riêng đối với thi nhân thực chưa đủ. Tôi thấy Vũ Đình Liên còn bao nhiêu điều muốn nói, cần nói mà nghẹn nghào không nói được. "Tôi bao giờ - Lời Vũ Đình Liên - cũng có cái cảm tưởng là không đạt ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Vũ Đình Liên đã hạ mình quá đáng, chúng ta đều thấy. Nhưng chúng ta cũng thấy trong lời nói của người một nỗi đau lòng kín đáo. Người đau lòng thấy ý thơ không thoát được lời thơ như linh hồn bị giam giữ trong nhà tù xác thịt. Có phải vì thế mà hồi 1937, trước khi từ giã thi đàn, người đã gửi lại đôi vần thơ u uất:

    Nặng mang mãi khối hình hài ô nhục.

    Tâm hồn ta đã nhọc tự lâu rồi!

    Bao nhiêu xanh thăm thẳm trên bầu trời;

    Bao bóng tối trong lòng ta vẩn đục!

    Nghĩ cũng tức! Từ hồi 1935 tả cảnh thu, Vũ Đình Liên viết:

    Làn gió heo may xa hiu hắt,

    Lạng lùng chẳng biết tiễn đưa ai!

    Hai câu thơ cũng sạch sẽ, dễ thương. Nhưng làm sao người ta còn nhớ được Vũ Đình Liên khi người ta đã đọc, bốn năm sau mấy câu thơ Huy Cận cùng một tứ:

    Ôi! Nắng vàng sao nhớ nhung!

    Có ai đàn lẻ tơ chùng?

    Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

    Xui bước chân đây cũng ngại ngùng..

    Cũng may những câu thơ hoài cổ của Huy Cận:

    Bờ tre rung động trống trầu,

    Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan

    Đêm mơ lay ánh trăng tàn,

    Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn.

    Những câu thơ tình nhẹ nhàng, tứ xa vắng chưa đến nỗi làm ta quên cái lòng hoài cổ âm thầm, u tịch của Vũ Đình Liên:

    Lòng ta là những hàng thành quách cũ,

    Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.

    Tháng 9 - 1941
     
    TRANG SACHTRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  5. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    4. Lan Sơn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tình yêu không đưa Lan Sơn vào một trời đất xa lạ; Lan Sơn chưa từng đi sâu vào những chỗ u ẩn trong lòng người. Người chỉ nói những điều rất tầm thường, nhưng điều ai cũng biết, nhưng giọng nói của người thiết tha, chân thực dễ cảm lòng ta.

    Xem như khi người mong thư: .

    Thư bạn thôi không có buổi nay!

    Người phát thư vừa qua khỏi của,

    Lòng anh như dại lại như ngây.

    Cùng khi người tìm bạn:

    Em ơi, nói mãi chỉ thêm sầu

    Mỏi mắt phương trời chốc bấy lâu,

    Phố xá xôn xao, người nhộn nhịp,

    Tìm em anh đâu có thấy em đậu

    Kể Lan Sơn còn vụng về nhiều. Lắm lúc người ngập ngừng, bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ ấy không phải không có chút duyên riêng. Ấy là cái duyên của người thiếu nữ khi thỏ thẻ những lời ngây ngô mà thành thực:

    Em thường nói: "Ai hơn anh được!

    Em trông anh thật khác người ta,

    Biển tình cho nổi phong ba

    Người là người lạ anh là anh em".

    Tiếc thay tình yêu ngày một lạt. Lan Sơn hình như chỉ còn giữ lại cái bóng để làm thơ. Nhưng tình hết, thơ Lan Sơn cũng hết. Chỉ có những lúc hồi tưởng lại thời thơ ấu, trong lòng người mới có chút trong trẻo có diễn ra thơ. Con người dễ thương ngày trước, con người mà Ô. Nguyễn Tiến Lãng gọi bằng em trong một bài tựa (Anh với em) con người ấy đã trở nên tối tăm, rắc rối, cầu kỳ, con người ấy tôi không muốn biết nữa.

    Tháng 9 - 1941
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  6. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    5. Thanh Tịnh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Họ Trần, Sinh ngày 12-12-1913 ở làng Dưỡng Nô (Thừa Thiên). Học trường Đông Ba, Trường Pellerin (Huế). Có bằng thành chung. Hiện dạy tư ở Huế.

    Đã viết giúp: Phong hóa, Ngày nay, Hà nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Tinh hoa..

    Đã xuất bản: Hận chiễn trường (1936).

    Xem thơ Thanh tịnh cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ, cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ, và nước - âu cũng phải gọi là nước - cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường xuyên thay đổi: Có khi là một cây liễu rủ, có khi là một luỹ tre. Nhưng sắc dầu có khác, bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (Hận chiến trường, Mấy vần thơ máu) ; nhưng khi người ta tới nơi nó lại biến mất. Thì ra một ảo cảnh.

    Kể chỗ này cũng trống trải. Hình như đằng xa kia có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương. Mỗi lần gió đến mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên ngang tầm gió, tưởng chừng như nó muốn hóa thân làm gió. Nhưng qua lại thôi và rồi nó cũng được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó.

    Tháng 9 - 1941
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  7. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    6. Thúc Tề

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tên chính là Thúc Nhuận. Sinh ngày 17-10-1916 ở Huế.

    Học: Trường Qui nhơn, trường Quốc học Huế.

    Đã viết giúp: Văn học tạp chí 1935, Mai, Dân quyền..

    Hiện là chủ bút tuần báo Đông Dương (Sài gòn).

    Tôi yêu bài "Trăng mơ" của Thúc Tề. Mở bài ra, hồn thi nhân kéo dài lê trên trang giấy chán nản, uể oải. Có lẽ nó đã nhập vào cái trăng kia, "ẻo lả" khi nằm mơ "lười biếng" khi thức dậy, nhưng khi đã tỉnh, nó mới linh động làm sao. Nó uyển chuyển như một người đẹp. Cái mệt mỏi của Dương Quí Phi (Bạch cư Dị) với cái nhẹ nhàng của Yến Phi.

    Tháng 10/1941
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  8. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    7. Huy Thông

    Bấm để xem
    Đóng lại
    HNgoài ra đã đăng báo: Con voi già (tặng Phan Sào Nam), Hận chiến sĩ, Tần Hồng Châu, Lòng hối hận, Chàng Lưu, Kinh Kha, Huyền Trân Công chúa, Tây Thi..

    Người thiếu niên ấy cũng như hầu hết những thiếu niên, đã sống những giấc mộng êm ái êm dịu. Và cũng như hầu hết những thiếu niên, chàng đã tưởng ở đời không có gì quan trọng hơn những vui buồn thương nhớ của mình. Chàng đã kể lể dông dài và lắm lúc đã quên rằng người nói đành không bao giờ chán nhưng người ta rất dễ chán.

    Cũng may, thỉnh thoảng Huy Thông biết vờ quên mìng đi để những giấc mộng ái ân của người đượm một vẻ mơ hồ riêng.

    Hoặc người tạo ra một cái không khí là lạ khiến ta nhớ đến những chiêm bao chính ta đã từng trải qua hay những chiêm bao Shakespeare đã đưa lên sân khấu.

    Hoặc người cầu cứu đến lich sử là cái môn người vẫn sở trường dẫn nẻo cho nguồn mơ. Người mượn lời một thiếu nữ trong mộng để gợi lại cảnh xưa:

    Ngân lang! Ngân lang! Chàng còn nhớ,

    Chiều xuân xưa, trên ngựa, đỡ kim cầu,

    Chàng thảo mấy dòng thơ như nhạn múa

    Trên tờ mây thiếp vẫn giữ bên tim sầu?

    Người lưu luyến cái hình ảnh Tây Thi, người ước ao cái sung sướng của Phù Sai, Phạm Lãi. Người gọi bạn:

    Đi! Cùng anh tới Cô Tô cảnh cũ

    Chờ giăng lên mơ nữa giấc mơ xưa.

    Nhưng Huy Thông không phải chỉ biết những giấc mộng ái ân êm dịu. Khi yêu người còn có những khát vọng lạ lùng:

    Tôi muốn hóa một con chim

    Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng;

    Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng

    Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng;

    Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng

    Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi!

    Một người có những ham muốn dị thường như thế ắt phải ưa sống cái đời những vị anh hùng thời trước, hồi thế giới còn hoang vu, hồi một người trượng phu còn có thể tin rằng mỗi hành vi của mình đều làm xao động cả đất trời. Đặc sắc của Huy Thông chính là ở những bài anh hùng ca như bài Tiếng địch sông Ô tả bước đường cùng của Hạng Tịch. Chưa bao giờ thi ca Việt nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy. Hãy nghe Hạng Tịch than:

    Nén đau thương, vương ngậm ngùi sẽ kể

    Niềm ngao ngán vô biên như trời bể.

    Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn,

    Bao nhiêu thu cay dắng chẳng hề sờn!

    Ôi. Những trận mạc khiến "trời long đất lở"

    Những chiến thắng tưng bừng. Những vinh quang rực rỡ

    Ôi! Những võ công oanh liệt chốn sa trường!

    Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương!

    Những tướng dũng bị đầu văng trước trận!

    Nhưng, than ôi vận trời khi đã tận,

    Sức "lay thành nhổ núi" mà làm chi

    Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Vitor Huygo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái uỷ mị của những linh hồn đang chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến nhưmột luồng gió mạnh. Nó cuốn bừa đi. Người xem thơ ngạc nhiên và sung sướng và thấy mình vẫn còn đủ tráng khí để buồn cái buồn Hạng Tịch.

    Chỉ tiếc rằng Huy Thông, người anh hùng trong mộng tưởng ấy, lại cũng là một thiếu niên khao khát yêu đương và rất lễ phép với đàn bà. Có khi vô tình người đã phác họa Hạng Tịch theo hình ảnh của mình. Đã đành Hạng Tịch mê Ngu Cơ, đã đành ái tình không chia kim cổ kim, nhưng tình yêu của Hạng Tịch hẳn phải thế nào chứ!

    Tháng 8 - 1941
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  9. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    8. Nguyễn Vỹ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh năm 1910 ở làng Tân Hội (sau đổi thành Tân Phong) huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Học trường Quảng Ngãi, trường Qui Nhơn. Đã từng cạo đầu đi tu, gánh cát ở bãi sông Cái, bán kẹo ở Hà Nội, bán báo ở Sài Gòn. Hiện nay ở Hà Nội sông bằng nghề văn.

    Đã viết: Ami du peuple, Le Cygne, Văn học tạp chí 1935, Hanoi báo, Phụ nữ.

    Đã xuất bản: Tập thơ đầu 1934

    Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với tiếng chiêng trống xập xoè inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.

    Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào:

    Ta hãy truyền một thi hứng cho thế kỷ hai mươi,

    Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiểm

    Người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút "tình sâu ý hiểm" và mặc dù cái lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm xếp hàng với những câu sáo nhất xưa và nay mà không chút.. ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm thường là thế.

    Nguyễn Vỹ quả là muốn loè những kẻ tầm thường là bọn chúng ta. Thực ra chúng ta cũng dễ bị loè. Nhưng ở chỗ nào khác kia, chứ trong văn chương thì hơi khó. Một hai người có thể lắm; năm mười người; trăm ngàn người có thể lầm; chứ cả đám người mênh mông không tên tuổi kia thì ít khi nhầm lắm. Chúng ta có thể lầm trong một hai năm chứ lầm luôn trong năm bảy năm hay lâu hơn nữa, là chuyện thảng hoặc mới có.

    Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những vần thơ văn có giá trị. Một bài thơ như bài "Sương rơi" được nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.

    Nhưng "Sương rơi" còn có vẻ một bài văn. "Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật loè đời. Người ta đã quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ. Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liền chân. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho là họ không có gì xuất chúng đi thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt họ bỏ thây dọc đường hay một căn phòng bố thí.

    Nguyễn Vỹ dã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận cái nghiệp văn chương. Nhưng ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn một chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Bạch, chỉ có văn chương còn khinh hết thảy:

    Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt

    Sở vương đài tạ không sơn khâu;

    Hứng cam lạc bút giao ngũ nhạc

    Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu.

    Với Nguyễn Vỹ chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy sắp cùng hàng với.. chó.

    Cái lối sắp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: "Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?" Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: "Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?"

    Tháng 9 - 1941
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
  10. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    9. Đoàn Phú Tứ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sinh ngày 10-9-1910 ở Hà Nội. Học ở Hà Nội. Có bằng tú tài Tây.

    Viết văn từ năm 1925, lúc còn học lớp nhất. Những bài văn đầu tiên là những bài từ khúc đăng báo Đông Pháp. Sau này thỉnh thoảng viết giúp Phong Hóa, Ngày nay. Năm 1937, chủ trương tờ Tinh hoa. Chuyên viết kịch. Làm thơ rất ít.

    Hẳn có kẻ sĩ sẽ ngạc nhiên thấy Đoàn Phú Tứ trong quyển này. Người ta vẫn nghĩ Đoàn Phú Tứ chỉ có tài viết kịch và diễn kịch. Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm thơ có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc sắc. Ấy là một lối thơ rất tinh tế và rất kín đáo. Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng. Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia như thế nào. Có khi cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ.

    Nhiều người khi làm thơ chỉ biết có mình, không giấu giếm gì hết; thơ làm ra in lên báo lên sách thì được, nhưng không thể đưa đọc trước người khác vì quá sỗ sàng. Đoàn Phú Tứ không thể. Tôi tưởng Đoàn Phú Tứ có thể đọc thơ mình trước mọi người mà không sợ ngượng.

    Tháng 5-1941
     
    TRƯƠNG PHỤNG thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng hai 2022
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...