Thần Gió - Thần thoại Việt Nam

Thảo luận trong 'Thiếu Nhi' bắt đầu bởi Thùy Minh, 25 Tháng một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Cho đến ngày nay, mặc dù đã bị mai một ít nhiều, thần thoại Việt Nam vẫn là một di sản phong phú với hàng trăm truyện kể của người Kinh và các dân tộc thiểu số góp phần làm nên sự đa dạng của văn học dân gian Việt Nam.

    Thần thoại là tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ảnh quá trình sáng tạo văn hóa của con người thời cổ đại.

    Thần thoại Việt Nam chia làm hai nhóm: Thần thoại suy nguyên và thần thoại sáng tạo.

    Thần thoại suy nguyên là nhóm thần thoại thể hiện cách hình dung, lí giải của con người thời cổ về sự hình thành thế giới tự nhiên, nguồn gốc con người và vạn vật. Nhóm thần thoại này phản ánh trình độ hiểu biết, trí tưởng tượng, cách cảm, cách nghĩ có phần thô sơ cũng như những ước mơ, khát vọng của con người thời cổ đại.

    Thần Gió thuộc nhóm thần thoại suy nguyên, giải thích về hiện tượng gió trong tự nhiên.

    [​IMG]

    Thần Gió

    (Thần thoại Việt Nam)

    Thần Gió có một hình dạng kỳ quặc. Thần không có đầu. Bảo bối của thần là một thứ quạt mầu nhiệm. Thần sẽ làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tuỳ theo lệnh Ngọc Hoàng. Những lúc thần Gió phối hợp với thần Mưa có khi cả thần Sét nữa cùng hoạt động là những lúc đáng sợ nhất. Thỉnh thoảng thần xuống hạ giới đi chơi vào những buổi tối trời. Đó là lúc giữa đồng bằng tự nhiên nổi lên trận gió xoáy, dân gian thường gọi là thần Cụt đầu.

    Thần có một đứa con còn nhỏ hay nghịch ngợm. Người ta kể chuyện có một hôm gặp khi thần đi vắng, người con ở nhà giở quạt của cha làm gió thổi chơi. Lúc ấy ở hạ giới có một người vì mất mùa đói khổ, cái ăn tìm không ra. Hôm đó trong nhà lại có vợ đau nặng ông ta phải cất công đi rất xa hơn một ngày đường mới xin được một bát gạo để về nấu cháo cho vợ. Khi về gần đến nhà, ông đưa gạo xuống ao để vo. Lúc đó trời quang mây tạnh. Bất đồ trận gió do con thần gió quạt lên tứ tung làm cho bát gạo của người kia đựng trong rá văng xuống ao bùn.

    Người nọ khóc lóc thảm thiết không biết bắt đền ai, căm tức thần Gió vô hạn, quyết tâm kiện lên Thiên đình. Ngọc Hoàng nghe rõ câu chuyện mới đòi thần Gió đến quở trách. Thần Gió thú thật là có đứa con ở nhà nghịch bậy. Ngọc Hoàng cho đó là tội không thể tha thứ được mới đày con thần Gió xuống trần bắt đi chăn trâu cho người mất gạo kia. Sau đó được ít lâu, Ngọc Hoàng lại bắt con thần Gió hóa làm cây ngải, tức là cây mà người hạ giới thường gọi là cây ngải gió hoặc cây ngải tướng quân, để báo tin gió cho thiên hạ. Mỗi lần cây ngải gió cuốn bông cuốn lá lại, người hạ giới bảo là trời sắp nổi gió nổi mưa. Lại mỗi lần trâu bị cảm gió, người ta thường lấy lá cây ngải chữa, vì cho nó có kinh nghiệm về bệnh của trâu trong thời gian giữ trâu cho người mất gạo.

    Hết
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng ba 2022
  2. nghang2001

    Bài viết:
    7
    Hay. Rất yêu thích và đam mê những câu chuyện thần thoại như vậy!
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Truyện hấp dẫn bởi những chi tiết hoang đường kì ảo thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người xưa. Người xưa không chấp nhận "sự thật" gió là hiện tượng tự nhiên mà đã kì diệu hóa nó lên, biến nó thành sản phẩm của một vị thần, gắn hiện tượng gió lốc, hiện tượng hoa ngải bay về trời với những chi tiết lí giải lý thú.
     
    Tiên Nhichiqudoll thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...