Truyện Ngắn Sưu Tầm: Truyện Ngắn Đăng Trên Báo Mực Tím - Nhiều Tác Giả

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Alissa, 12 Tháng mười một 2018.

  1. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    40. Truyện ngắn: Cây Nguyện Ước

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Mai Vân


    (Tác phẩm in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại

    Nhà tôi mới chuyển đến một khu phố rất xinh đẹp, hai bên đường tràn ngập cây và hoa. Có lẽ vì thế mà mẹ tôi rất khẩn trương, vui vẻ trong việc chuyển về nhà lần này. Vì công tác của bố nên gia đình tôi giống như những chú chim di cư, có những nơi chưa kịp quen đã thành xa lạ. Nhưng vì không thể xa bố nên với mẹ, với anh em tôi việc phải chuyển nhà thường xuyên là chuyện rất bình thường. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ phấn khởi như trong việc chuyển nhà lần này, mẹ tôi rất yêu hoa và cây cảnh nên việc được sống trong khu phố tràn ngập hoa và cây ắt hẳn đã làm mẹ rất vui. Ngoài mẹ thì tôi là người thứ hai hào hứng với nơi ở mới. Tôi yêu thiên nhiên nên được sống trong khu phố xanh khiến tôi rất phẩn khởi.

    Điểm nhấn khiến khu phố trở nên xinh đẹp chính là cây hoa giấy cổ thụ to lớn quanh năm phơi bày một màu hồng rực rỡ, lần đầu khi dọn đến tôi cũng bị choáng ngợp bởi sự to lớn và nét đẹp kiêu hãnh của nó. Theo như lời bác thị trưởng khu phố kể lại thì cây hoa giấy có tự bao giờ không ai biết, mọi người ai nấy chỉ biết nó đứng sừng sững cả một góc phố mấy chục năm qua với cái tên gọi thân thương là "cây nguyện ước". Bên trong thân cây to lớn có một cái hang nhỏ, trong hang có một tượng Đức Mẹ ban ơn không rõ ai đã đặc ở đó nhưng theo như lời mọi người kể thì mấy mươi năm về trước có một người đàn ông đã đến cầu nguyện cho đứa con gái bị liệt của mình và đã được ban ơn. Cái tên "cây ước nguyện" cũng từ đó mà có, hằng ngày nơi đây đón rất nhiều người đến cầu nguyện, chụp hình, cũng vì thế mà khu phố lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Mỗi ngày đi học tôi đều nán lại ít phút để ngắm nhìn nó và thưởng thức nụ cười hạnh phúc của những con người ở đây. Tôi cũng có một điều ước.

    Hình như điều kỳ diệu đã xảy đến với tôi, hình như lời nguyện cầu của tôi đã thành hiện thực. Tôi nhìn thấy Tú, cô bạn dễ thương đã cho tôi mượn bút trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm lớp 11. Lần đó vì cậu ấy biến mất quá nhanh nên tôi đã không kịp trả lại cây bút và nói tiếng cảm ơn. Suốt một năm qua tôi đã phiu du lang bạt khắp các trang mạng xã hội tìm cái tên Hạnh Tú để lại trên cây bút bi bình thường có thể người ta không cần hoặc có thể người ta quên lấy nhưng vì không phải vật quan trọng nên không tìm lại. Nhỏ em tôi nói rất đúng nhưng tôi vẫn nghỉ bút có thể không cần trả lại nhưng lời cảm ơn thì tôi rất muốn được nói với cậu ấy. Tôi vẫn âm thầm tìm kiếm Hạnh Tú. Tú đã xuất hiện ở "cây nguyện ước" nơi khu phố tôi mới chuyển đến, hình như ngày nào Tú cũng đến đây thì phải vì cái cách mà cậu ấy cầu nguyện, cách cậu ấy gấp hạt bỏ vào thùng nguyện ước và cả cái cách mà cậu ấy nói chuyện với bác Thi dường như rất thân quen. Nhưng vì sao tôi chưa thấy cậu ấy lần nào suốt một tháng từ khi chuyển đến đây, tôi quyết định sẽ không để mất dấu cậu ấy lần nào nữa, tôi đạp xe thật nhanh đến chỗ cậu ấy.

    - Cháu chào bác Thi!

    - Đi học đấy hả Nguyên?

    - Dạ vâng bác.

    Tôi và bác Thi nói chuyện. Tú cứ nhìn tôi mãi cho đến khi bác Thi giới thiệu:

    - Đây là Nguyên thành viên mới của khu phố chúng ta, Nguyên học 12 bằng cháu đấy Tú, có gì cháu hướng dẫn Nguyên tham gia thanh niên của khu phố chúng ta nhé!

    Tú không nhận ra tôi cậu ấy không hề tỏ ra một chút dấu hiệu nào là cậu ấy biết tôi, tên tôi có thể cậu ấy không nhớ nhưng khuôn mặt đã ngồi cùng cậu ấy chín mươi phút chả lẽ là cậu ấy không nhớ một chút nào ư?

    - Hi Nguyên, tớ là Tú, nhà tớ ở cuối phố, rất được làm quen với cậu.

    - Tớ cũng rất vui được làm quen với cậu Hạnh Tú, mong cậu chiếu cố...

    Cậu ấy có vẻ rất bất ngờ khi tôi gọi cậu ấy là Hạnh Tú vì đây là lần đầu tiên cậu ấy gặp tôi.

    - Sao Nguyên biết tên lót của tớ thế? Chúng ta có biết nhau từ trước không Nguyên?

    Tôi không biết là mình nên vui hay nên buồn khi người mà tôi cất công tìm kiếm lại chẳng có chút tượng gì về tôi, tôi tính trả lại cậu ấy cây bút và cho cậu ấy biết tôi là ai. Nếu tôi làm thế thì chắc là mối quan hệ của chúng tôi chỉ dừng lại như những người hàng xóm mà tôi thì không muốn thế. Tôi muốn được làm bạn với Tú, muốn thân hơn với cậu ấy một chút và muốn câu chuyện của chúng tôi dài hơn, không bị bó buột trong những câu xã giao kiểu người hàng xóm.

    - Tớ đoán thế!

    Tú bật cười khi nghe câu trả lời của tôi, cậu ấy bảo không biết vì sao tôi biết tên cậu ấy nhưng nhìn mặt tôi rất có... tướng thầy bói. Và kể từ lần đó tôi có cái tên mới do Tú đặt "Nguyên Bói". Nhờ cái tên hài hước như thế mà tôi nghiễm nhiên được tham gia vào mọi sự kiện diễn ra trong cuộc sống của Tú. Chúng tôi trở thành đôi bạn luôn bên nhau giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, chia sẻ với nhau niềm vui và cũng nhau trưởng thành. Tôi sẽ không có có hội cảm nhận cảm giác hạnh phúc khi tự mình làm ra tiền sớm như vậy nếu không gặp được Tú . Chính cậu ấy đã giúp tôi xin việc ở quán cà phê. Cậu ấy đã giúp tôi tận dụng khoảng thời gian trống một cách vô cùng ý nghĩa.

    - Tú , tối cậu rảnh không?

    - Khao tớ bún ốc hả? Gì chứ đi bún ốc thì Tú luôn rảnh.

    - Tôi sẽ khao cậu búng ốc nhưng cậu phải giúp tớ chọn một món quà thật ý nghĩa.

    - Lòng tốt có điều kiện... Haizzzz... Được thôi nhưng tớ phải biết đối tượng cậu muốn tặng là ai nào?

    - Bố mẹ tớ.

    - Tớ sẽ giúp cậu chọn món quà thật ý nghĩa, một món quà mà mỗi khi nhìn thấy nó người được tặng sẽ luôn nhớ về cậu...

    Tú dẫn tôi đến cửa hàng bán đồ làm bếp, tôi không biết cậu ấy định mua gì ở đây nhưng tôi tin vào lời hứa của cậu ấy. Đi loanh hoanh một vòng khắp cửa tiệm, cậu ấy chọn một chiếc muôi bằng gỗ rồi đem đến quầy và báo rằng muốn khắc vài chữ lên chiếc muôi, sau khi trao đổi với chủ cửa tiệm, cậu ấy quay qua hỏi tôi:

    - Nguyên muốn khắc gì lên đó?

    - Uhm... Con yêu mẹ!

    Món quà đầu tiên cho mẹ đã xong, mất khoảng mười lăm phút đạp xe chúng tôi đến cửa hàng văn phòng phẩm, lần này Tú không phân vân như ở cửa hàng đồ làm bếp mà cậu ấy chọn ngay hai chiếc bút bi màu đen. Một cho bố tôi, một cho em gái. Cậu ấy bảo nên mua quà cho cả nhà cho mọi người cùng vui, hai chiếc bút bi cũng được khắc chữ như chiếc muôi của mẹ.

    - Cậu muốn khắc gì Nguyên?

    - Uhm... Của bố thì con yêu bố, của em tớ thì khắc tên Thanh Ngân đi.

    Khắc hai chiếc bút hơi lâu nên chúng tôi ra quán trà sữa trước cửa hành ngồi lót dạ hai cái bánh bao và hai li trà sữa.

    - Có vẻ cậu rành về nghệ thuật khắc chữ lên đồ vật nhỉ?

    - Tớ có một chiếc bút khắc tên Hạnh Tú, đó là món quà cuối cùng của bố tớ tặng tớ trong diệp sinh nhật năm mười sáu tuổi trước khi bố về thiên đường, nhưng tớ đã làm mất nó...

    - Cậu có nhớ đánh mất nó ở đâu và khi nào không?

    - Nhớ chứ, tớ cho một cậu bạn ngồi cùng bàn mượn trong kì thi học sinh giỏi của thành phố, nhưng tớ nộp bài và ra về trước nên quên lấy lại, thế là mất...

    - Cậu hậu đậu quá nhỉ!

    - không hề nhé! Là tớ muốn để lại ấn tượng với cậu bạn đẹp trai đấy thôi.

    Tú vừa nói vừa nháy mắt đầy tinh nghịch. Hành động của cậu ấy khiến tôi bối rối, cảm giác mặt tôi đang nóng dần và ửng đỏ như quả cà chua. Thì ra cậu ấy vẫn nhớ tôi, à không, nhớ cây bút mình đánh mất.

    Hai chiếc bút được gói trong hai chiếc hộp xinh đẹp. Tôi nghỉ Tú cũng nên nhận được quà trong ngày hôm nay đã xin một chiếc hộp đặt cây bút khắc tên Hạnh Tú vào trong, đã đến lúc trả nó về đúng chủ của nó rồi. Vậy là không mất quá hai tiếng để có được những món quà ý nghĩa, về đến đầu khu phố đã tám giờ ba mươi tối mà cây nguyện ước vẫn còn nhộn nhịp.

    - Nguyên về trước đi. Tớ muốn gấp một con hạc.

    - Tớ cũng muốn gấp.

    Hai con hạc được bỏ vào thùng nguyện ước. Từ rất lâu rồi tôi muốn hỏi điều ước của Tú là gì nhưng lại nghỉ không nên hỏi và cũng không dám hỏi. Xe dừng trước cổng nhà tôi.

    - Cảm ơn cậu nha Tú !

    - Vì điều gì?

    - Vì tất cả. Tặng cậu.

    - Tớ cũng có quà sao?

    - Tất nhiên!

    - Thank so much.

    Cả hai cùng nói cùng bật cười. Mẹ vừa cười vừa khóc, bố cứ vút ve cây bút khen tôi thực sự trưởng thành, nhỏ em gái có vẻ không thích món quà cho lắm nhưng cũng chụp hình đăng Facebook khoe rằng mình có ông anh trai tuyệt vời. Buổi tối hôm đó nhà tôi chìm trong tiếng cười hạnh phúc, tôi chắc rằng mình nên nhắn tin cảm ơn Tú một lần nữa. Tôi gửi cho Tú bức ảnh gia đình tôi mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười.

    Ting... Ting... Tin nhắn từ tài khoản Con Mèo Đen, nick Facebook đã trở thành bạn bè với tôi cả hai năm nay nhưng chưa bao giờ nhắn tin tương tác gì. Tôi click vô xem thử và không tin vào mắt mình. Hạnh Tú chụp hình bên cây bút và cười rạng rỡ: "Cảm ơn cậu, Nguyên. Tớ đã nhận ra cậu ngày từ lần đầu tiên gặp nhưng tớ muốn một điều thú vị nên đã tỏ ra không biết"

    Hôm sau, chúng tôi cùng dừng trước cây nguyện ước.

    - Điều ước của cậu là gì?

    Cả hai chúng tôi dường như đứa nào cũng muốn hỏi nhau câu này rất lâu thì phải.

    - Là được gặp lại cậu!

    Câu trả lời của chúng tôi vang lên cùng một lúc. Có rất nhiều điều tôi có thể tự mình làm được như việc nhận ra nhau nhưng chúng tôi lại vòi vĩnh cây nguyện ước giúp đỡ. Và nó đã chiều lòng những đứa trẻ thơ như chúng tôi, nó đã để chúng tôi gặp lại nhau. Hôm nay cây nguyện ước có vẻ rực rỡ hơn mọi ngày nhưng bên cạnh tôi nụ cười của Tú còn rực rỡ hơn, che lấp cả mặt trời.
     
  2. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    41. Truyện ngắn: Trên những ngọn đồi, dưới những tàng cây

    Tác giả: Quách Thái Di

    (Tác phẩm được in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu gấp đủ 1.000 chiếc máy bay, chỉ với một điều ước nho nhỏ, trả lại tôi quãng thời gian bên cậu ấy, có được không?

    Thầy chủ nhiệm đột ngột thông báo rằng bắt đầu từ thứ hai tuần sau chúng tôi sẽ phải học quân sự một tháng. Vừa nghe thầy nói xong, ai nấy đều gục đầu xuống bàn, tỏ ra mệt mỏi. Học quân sự rất khổ, cực nhọc nhưng điểm của môn này lại vô cùng quan trọng. Chúng tôi có tốt nghiệp được hay không một phần nhờ vào số điểm của môn quân sự.

    Thật lòng mà nói khóa học quân sự giống như một bức tường rào chắn ngang mọi kế hoạch trong tương lai của tôi. Làm việc gì cũng lỡ dở, đến cả chuyến đi đến điểm tận cùng của tổ quốc trong mùa hè này tôi cũng phải tạm thời gác lại.

    6 giờ sáng, tất cả chúng tôi tập trung tại cổng trường. Không khí buổi sớm tinh mơ dịu mát, tinh sạch. Mùi hoa sữa đầu phố tỏa ngát hương thơm. Những đám mây được vị họa sĩ tài ba nào đó dùng sơn tô khắp tấm thảm màu xanh khiến cho vòm trời trở nên trắng xốp bồng bềnh. Đợi một lát thì xe đến. Chúng tôi xếp từng hàng nối đuôi nhau bước lên với những túi ba lô nặng trịch bao gồm sách vở, áo quần và những vật dụng cá nhân cần thiết khác. Nghe đâu trường quân sự nằm cách xa thành phố, mấy trăm kilomet gì đó. Chúng tôi không thể sáng đi chiều về, đành phải ở lại trong kí túc xá của trường.

    Xe lướt đi êm ái. Chẳng mấy chốc những ngôi nhà cao tầng lùi dần về phía sau và biến mất để nhường chỗ cho hai hàng cây xanh thẳng tắp suốt dọc đường. Ngoài chiếc xe chở chúng tôi đến trường quân sự ra thì trên đường không còn một chiếc xe nào cả. Con đường nhìn có vẻ âm u và tịch mịch. Cô bạn thân bên cạnh tôi thiêm thiếp ngủ. Tôi giữ chặt ba lô, nghĩ thầm những ngày sắp tới sẽ cực khổ lắm đây.

    Tới nơi, chúng tôi xuống xe đi bộ vào một con đường nhỏ. Từ xa tôi trông thấy các anh bộ đội mặc y phục màu xanh lá cây đang tập bài quân sự buổi sáng. Thấy chúng tôi, các anh đưa tay vẫy chào mỉm cười. Sau khi tập hợp đủ đầy, giảng viên dặn dò một số thứ rồi dẫn chúng tôi đến khu kí túc xá nghỉ ngơi. Cất hành lí, tôi rủ bạn cùng đi tham quan trại quốc phòng nhưng bạn than mệt muốn nghỉ, tôi đành đi một mình.

    Ngôi trường rộng thênh thang, nhìn đâu đâu cũng là các dãy phòng. Đi lại bằng các phương tiện khác nhau. Cây xanh trồng rải rác, tỏa bóng mát vì thế dù nắng có lên cao cũng không thể nào chiếu gay gắt. Lớp tôi học chung với lớp tin học K43, chỉ toàn con trai. Buổi đầu tiên học lí thuyết với cách sắp xếp nội vụ. Sang buổi thứ hai là thực hành. Tôi luôn ngồi ở vị trí cuối cùng và cảm thấy chán ngắt khi phải nghe những từ hoặc cụm từ như phi hành đoàn, đạn dược, hỏa tiễn phòng không..

    Giải lao, chúng tôi được nghỉ nửa tiếng. Tôi nhanh chân rời lớp và đi đâu đó, mang theo chiếc máy ảnh nhỏ bằng bàn tay. Tôi không biết mình đi qua bao nhiêu khu vực, bao nhiêu phòng học, chụp bao nhiêu tấm hình, chỉ đến khi tôi không còn nghe tiếng trò chuyện râm ran của lũ bạn nữa mới dừng chân. Hóa ra mình đã đi xa lắm rồi. Nơi tôi đứng xung quanh cỏ cây cao ngang gối. Gió thổi vi vu bên tai. Tôi bỗng chốc thấy lạnh toát sống lưng. Nhưng đã đi được tới đây rồi thì cũng nên biết con đường phía trước dẫn ra đâu.

    Trước mặt tôi là một con dốc thoai thoải, tôi rảo bước, bắt gặp một chiếc phi cơ bằng giấy, tôi nhặt lên rồi thêm một chiếc nữa và lại thêm một chiếc nữa. Tôi chạy nhanh lên đồi, gió thổi rất mạnh cuốn mái tóc tôi bay phần phật. Bốn phía đều là cây xanh bạt ngàn và bầu trời trong xanh trên đỉnh đầu. Giữa khung cảnh thi vị có bóng người cô độc ngồi tựa vào một gốc cây cổ thụ, dưới những tán lá sum suê. Xung quanh cậu xếp rất nhiều máy bay giấy. Dù cậu không ném đi nhưng gió thổi mạnh nâng từng chiếc, từng chiếc bay vào không trung. Nghe có tiếng bước chân sột soạt, cậu bạn quay đầu lại nhìn tôi trong thoáng giây rồi ngoảnh mặt đi, nhìn đăm đăm hướng của đường chân trời.

    Tôi biết cậu bạn đó tên Ân, cùng lớp quân sự với tôi và ngồi sau lưng tôi. Cậu lầm lì, ít nói. Chẳng bao giờ cậu đi đúng giờ hoặc đầy đủ, lúc thì quá buổi cậu mới đến, có khi học được hai tiết cậu trốn ra khỏi lớp. Chúng tôi vài lần trò chuyện, cậu thường xuyên quên mang vở xin tôi tờ giấy trắng để chép bài. Buổi học nào cũng thế, lâu dần thành thói quen. Vừa vào lớp là tôi đặt một tờ giấy lên bàn cậu rồi dùng cây thước đè lên bên trên. Những lúc không chép bài cậu dùng tờ giấy đó xếp thành chiếc máy bay. Tiếng chuông reng lần đầu, cậu biến mất cùng chiếc máy bay ấy. Đến hôm nay tôi mới biết hóa ra cậu lên đồi để thả chúng bay đi. Không biết những ngọn gió mùa hè mát dịu sẽ đưa những chiếc máy bay của Ân về đâu.

    Tôi bước tới, ngồi bên cạnh. Tay chạm vào một chiếc phi cơ, tiện thể tôi phóng đi. Mây lang thang qua nhiều ngả, không nơi chốn dừng chân lại bị những ngọn cây cao thật cao chia cắt thành từng mảng nhỏ xíu. Âm thanh của gió nghe như một bản nhạc vui tươi. Ánh nắng rớt đầy trên vai cậu. Những buổi chiều chúng tôi thường trốn tiết thực hành môn bắn súng để lên đây, đơn giản là gối đầu trên cỏ, nằm cạnh nhau lắng nghe tiếng gió man mác thổi qua kẽ lá xanh mướt. Ráng chiều đỏ bừng phía trời xa. Đến gần giờ về, đột ngột Ân cất giọng. Cậu kể về bản thân mình có một người cha đang làm việc ở trường quân sự, cấp bậc đại tá. Ông là một người nghiêm nghị và cứng nhắc. Ông sẵn sàng loại bỏ những sinh viên có thành tích kém vì ông cho rằng họ kém là vì họ lười biếng chứ không phải vì họ bất tài. Ai cũng nể ông, ai cũng sợ ông. Vì thế họ ngại tiếp xúc với Ân. Chứ hoàn toàn không phải vì cậu sống khép kín đến mức không có lấy một người bạn.

    "Trường quân đội dạy ba tớ tính kỉ luật rất cao nên mọi lời nói ông đưa ra đều khiến tớ thấy khó thở. Tớ chỉ muốn sống một cuộc sống tự do, không quy tắc, không áp đặt". Cậu bộc bạch. "Chỉ cần trong lòng cậu không buồn bã quá mức thì cuộc sống của cậu sẽ được tự do. Ví dụ như cậu đừng nghĩ quá nhiều, đừng mơ ước quá nhiều, quan tâm quá nhiều như vậy thì cuộc sống sẽ trở nên đơn giản hơn".

    Chúng tôi bước xuống đồi để về lại khu kí túc. Cậu đi trước, tôi đi sau.

    Sau lưng tôi mặt trời dần khuất bóng. Đến một ngã rẽ chúng tôi giơ tay tạm biệt nhau. Cậu về kí túc xá nam, tôi về kí túc xá nữ. Theo thói quen tôi quay đầu lại, bóng cậu hòa lẫn trong những sinh viên khác. Trên đôi môi tôi vẽ ra một nụ cười hài lòng.

    * * *

    Tôi ghét tiếng chuông báo thức của trường quân sự mỗi buổi sáng. Đang say giấc nồng mà nghe tiếng chuông tim tôi lần nào cũng nhảy loạn xạ. Cứ nhiều lần như vậy tôi không chắc mình có giữ nổi bình tĩnh được không nữa. Quãng đường từ kí túc đến giảng đường hoặc nơi thực hành thì xa ơi là xa, mà thời gian cho chúng tôi tập họp chỉ có mười phút. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải dậy từ sớm, nghe tiếng chuông là lập tức chạy xuống ngay. Nhưng đó cũng tạo nên điểm đặc biệt cho học kì quân sự.

    Ban đầu ai cũng than vãn, kêu ca nhưng dần dần chúng tôi đều quen cả, quen với thời khóa biểu: Sáng tập thể dục, học đến khi nắng tràn ngập sân trường rồi điểm danh, chiều lặp lại như thế. Khuôn viên trường rất rộng, đi bộ mỏi chân. Nhưng khi hoàng hôn buông với cơn gió thoảng nhẹ, tôi cùng Ân đi dạo quanh trường. Những bước chân đưa chúng tôi lên ngọn đồi xanh ngút ngàn lúc nào không hay. Ngồi tựa bên nhau nói chuyện ước mơ, vẽ nguệch ngoạc rồi gấp máy bay.. thế là đã qua một buổi chiều. Tôi nghĩ cứ sống như vậy cũng tốt: Sáng học, trưa về đến kí túc xá ăn cơm, chiều lại tiếp tục học rồi tối ngắm sao ở sân thượng.. một cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng, không ồn ào xô bồ, không khói bụi nơi chốn thị thành. Cuộc sống đơn thuần như vậy nhưng chúng tôi chỉ sống có được một tháng.

    Và buổi chiều hôm ấy có khung cảnh mà tôi chẳng thể nào quên. Những khoảnh khắc đó mới thân thương làm sao. Mà bánh răng của thời gian cứ lạnh lùng quay chẳng dừng, thế giới này đâu thể chấp nhận một cuộc sống vô tư như thế, ngày hôm nay rồi sẽ nhanh chóng trở thành chuyện cũ..

    Có những buổi tối chúng tôi lẻn ra khỏi trường bằng cách trèo qua tường. May mà thành tường không cao lắm. Chúng tôi tản bộ dưới trời sao, ngửi mùi cỏ dại, chẳng dám đi đâu xa. Tôi nói tôi luôn lo lắng mình sẽ không qua được kì thi. Vì điểm số cho những tiết thực hành của tôi rất thấp. Cậu chỉ bảo tôi cố gắng lên. Tôi biết cậu lạc quan như vậy vì cậu rất thông minh, nắm bắt bài học nhạy bén. Tại sao tôi lại không có được bộ óc sáng suốt như cậu. Tôi cảm thấy vô cùng phiền não. Những từ ngữ, những động tác tháo súng, lắp súng làm tôi đau cả đầu.

    Ân nói thôi đừng nhắc đến vấn đề học hành nữa, một đêm trời đầy sao thế này nên tận hưởng hơn là phàn nàn. Tôi khuyên cậu đừng nghĩ nhiều, nay bản thân tôi lại thấy mình còn nghĩ nhiều hơn cả cậu. Chúng tôi đi dạo từng vòng rồi lại từng vòng, hết tán gẫu rồi ngước nhìn trời đếm sao. Ánh đèn trước cổng trường len vào những tán cây. Có đâu ngờ rằng buổi tối hôm đó tôi chẳng thấy buồn ngủ, cùng Ân ngắm sao đến khi trời sáng. Tiếng mở khóa lách cách của bác bảo vệ làm cả hai sực tỉnh, vội vàng khom người xuống rón rén vào lại bên trong trường theo lối mà chúng tôi lẻn ra ngoài đêm qua.

    Một lần tình cờ tôi biết đến cuộc thi Chiến sĩ thanh lịch. Tôi rủ Ân cùng đăng kí ghi danh. Chúng tôi chỉ tham gia cho vui không ngờ lại may mắn được vào vòng bán kết, rồi lại may mắn một lần nữa đến vòng chung kết. Cậu là người được bỏ phiếu nhiều nhất. Lúc cậu đứng trên bục nhận phần thưởng, ba cậu đứng phía dưới. Ông không lên chúc mừng con trai nhưng qua nét mặt tôi hiểu ông rất tự hào và vui sướng biết chừng nào. Để có được giải thưởng xứng đáng, tôi và Ân đã cùng nhau đi chụp hình dưới trời nắng chói chang, rồi những buổi chiều tập hát, ứng xử, nói năng sao cho thật lưu loát. Những chuyện quá đỗi bình thường ấy, cũng bởi vì có cậu nên tôi sẽ ghi nhớ mãi trong tim.

    Tôi cũng sẽ không bao giờ quên những buổi hoàng hôn Ân ngủ quên trên đồi. Đôi mắt nhắm nghiền, yên bình tựa như một đứa trẻ. Hay những lần hai đứa nổi hứng siêng năng lên lớp đúng giờ, chép bài đầy đủ. Giờ thực hành cũng không bỏ buổi nào nhưng hầu hết chỉ ngồi thì thầm nhỏ to, kể chuyện không biết chán. Tôi nghĩ trong tim mình đã có một chỗ dành cho cậu ấy mất rồi. Mọi điều dù bé nhỏ về cậu cũng làm tôi cười tủm tỉm mãi không thôi. Chúng tôi cùng nhau bước qua một tháng ngắn ngủi, những ngày tập quân sự khó nhọc nhưng đong đầy niềm vui thuở thiếu thời.

    Bài thi cuối cùng, tôi vượt qua, chiến thắng chính mình. Bên cạnh những tiếng cười giòn tan là ánh mắt mang màu li biệt. Ngày mai chúng tôi sẽ về lại thành phố, mỗi người một phương trời, tạm biệt những hồi ức quân sự thật đẹp.

    Buổi chiều sắp xa cách đó, tôi và Ân cùng nhau xếp cả chục chiếc máy bay giấy thi nhau ném đi. Cậu ấy nói đời người tựa như một chiếc máy bay giấy, bay đi, mang theo những ước mơ cháy bỏng, đương đầu với giông bão bằng tất cả ý chí kiên cường. Cứ luôn bay về phía trước. Đừng hô hoán rằng chúng ta đã bay đi bao xa, bao nhiêu quãng đường. Chúng ta sẽ bay như thế nào và bay đến những đâu đó mới chính là điều quan trọng nhất.

    Cậu không nhắc gì đến khoảng thời gian chúng tôi ở bên nhau, cùng học, cùng vui chơi. Hoặc có lẽ cậu giả vờ không nhắc đến vì sợ lời nói sẽ tăng thêm buồn bã.

    Một ngọn gió khô nóng lướt qua, thổi bay chiếc lá vàng ở dưới chân đồi. Lấy hết can đảm, tôi cất lời: "Không biết chúng ta còn gặp lại nhau không?".

    "Dù chúng ta ở đâu, dù ở bất cứ ngóc ngách nào trên trái đất, trên đời này điều quan trọng nhất chính là dưới những tàng cây này có cậu và tớ, tại đây ngay lúc này, chúng ta đang ở bên nhau. Vậy là đủ rồi".

    Mùa quân sự không chỉ dạy tôi sự tự tôn và nhân cách trưởng thành mà còn mang đến tôi một người bạn đặc biệt. Tương lai có khi mơ hồ. Đại dương có khi trào sóng. Rất muốn nói với cậu rằng tôi chưa phút giây nào lãng quên dù là một mảnh kí ức vụn. Cậu vẫn luôn ở đây, nơi ngực trái này mà thôi.

    Nhưng tôi đã không cho đôi môi mình có cơ hội được nói ra..
     
  3. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    42. Truyện ngắn: Giấc mơ của mỗi người

    Tác giả: Hạ Vân


    (Tác phẩm được in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Phương nằm im trên sofa với quyển truyện tranh trên tay, cầm truyện thế chứ có đọc được trang nào. Phương cứ nằm im nghe hết cuộc trò chuyện của bố mẹ về tương lai của hai anh em Phương cho đến khi chuông cổng réo lên inh ỏi.

    - Thằng Phát nó học kĩ sư điện như ý ông rồi, còn cái Phương sẽ học y theo định hướng của tôi. Ông đừng có mà can thiệp vào rồi lại định hướng này nọ..

    - Rồi, rồi con trai theo tôi con gái thì theo bà.

    Phương thu dọn mớ truyện tranh trên bàn rồi dẫn theo con Bóc lên phòng. Tính Phương là vậy, vốn chẳng hoạt bát như

    Anh trai nên mỗi khi nhà có khách.

    Phương thường sẽ chọn cách nằm lì trong phòng hoặc sẽ tìm cách trốn ra ngoài.

    Năm nay anh trai thi đại học còn Phương qua hết mùa hè này sẽ là nữ sinh lớp mười hai, bạn bè đứa nào cũng háo hức định sẵn mục tiêu, nguyện vọng của mình. Còn mình thì sao nhỉ? Mỗi lần bạn bè hỏi tới, Phương thường chỉ cười bảo còn tận một năm nữa cơ mà. Phương biết mình đang nói dối nhưng như thế sẽ tốt hơn là trả lời rằng tớ sẽ học theo nguyện vọng của bố mẹ. Phương ngồi vào bàn học cạnh cửa sổ, mở ngăn kéo lấy ra một hộp màu, bút vẽ, kim chỉ cùng xấp vải mới mua bằng tiền tiêu vặt để dành. Nó mở từng hộp màu, hít hà mùi vải mới rồi cười nói với con Bóc hiền lành đang ngồi dưới chân: "Màu mới, vải mới nè Bóc, tao sẽ vẽ và thiết kế cho mày một bộ đồ thiệt đẹp nghen!".

    Bóc hiền lành nên cả nhà ai cũng bảo nó là chú chó khờ khạo, nhưng riêng Phương lại thấy Bóc hiểu chuyện và hiểu Phương nhất nhà.

    Bóc biết Phương sợ ở nhà một mình khi trời mưa lớn cùng những tiếng sấm chói tai và rồi nó sẽ luôn ngồi cạnh Phương mỗi khi mưa về trong khi bố chẳng biết gì, ngoài những chuyến công tác xa. Bóc biết Phương sợ máu và chỉ thích vẽ, thích học thiết kế thời trang chứ không muốn học y trong khi mẹ cứ một mực bắt Phương phải thi vào trường y. Kể ra thì Bóc, chú chó nhỏ ông ngoại tặng sinh nhật năm Phương mười lăm tuổi chính là người bạn biết nhiều bí mật nhất của Phương. Đang hí hoáy chuẩn bị giấy vẽ thì tiếng mẹ từ dưới nhà gọi vọng lên khiến Phương giật thót.

    - Phương, Phương ơi xuống đây chào bác Hà đi con.

    - Dạ, con xuống ngay đây.

    Đóng lại xấp giấy, Phương xuống nhà theo lời mẹ. Phương nhanh nhảu chào hỏi mong có thể trở lại trên lầu thật nhanh

    Nhưng đâu có dễ thế? Phương bị mẹ ép buộc ngồi lại trong cuộc trò chuyện bốn người, theo như lời giới thiệu thì người phụ nữ xinh đẹp tên Hà đang ngồi trước mặt Phương là bác sĩ của một bệnh viện lớn, là cháu họ hàng xa của ông nội.

    - Năm nay lớp mười hai rồi chị, cháu nó muốn học y như bác. Có gì bác hướng dẫn, dìu dắt cháu nó thành bác sĩ giỏi giang như bác với..

    - Rồi, rồi có khi thế hệ sau còn giỏi hơn thế hệ trước đấy chứ!

    Phương thấy mình thật giống một khúc gỗ mục, chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi im lắng nghe, thi thoảng cất lên những tiếng vâng, dạ mặc dù trong lòng đang gào thét "con không muốn học y". Nhiều lúc Phương muốn để cho ngọn lửa trong lòng mình bùng cháy lên như khi Phương cầm kim chỉ, bút vẽ để đấu tranh bảo vệ ước mơ của chính mình trước mặt mẹ. Nhưng rồi chỉ cần ánh mắt Phương chạm vào ánh mắt mẹ là ngọn lửa ước mơ trong Phương liền bị dập tắt đi bởi khi nào cũng vậy. Chỉ cần chạm vào ánh mắt mẹ là trong đầu Phương sẽ vang lên câu nói rằng mẹ vì sinh Phương mà suýt mất mạng, mẹ vì sinh Phương mà phải mang bệnh tim suốt cả đời. Dẫu ước mơ được cầm cái kéo, cái kim, được sống với ước mơ của mình có to lớn thế nào thì cũng đâu to lớn bằng công sinh thành dưỡng dục của mẹ. Phương nghĩ thế mà nén lại ước mơ của chính mình trong tim, cái cọ, hộp màu, kim chỉ.. cũng sẽ nằm im mãi sâu thẳm trong ngăn bàn nơi mà chỉ có Phương và con Bóc biết đến sự hiện diện của chúng.

    Được trở thành nhà thiết kế thời trang, giấc mơ lớn lao như ngọn lửa cháy hừng hực trong tim như thế mà Phương còn dằn xuống được thì nỗi sợ máu đến ngất xỉu kia có là gì? Phương tự nhủ mình sẽ vượt qua được, Phương tự dặn lòng sẽ làm mẹ vui lòng và đi theo con đường mẹ chọn sẵn cho đến một ngày.. Những bí mật Phương cất giấu thật sâu trong ngăn bàn, rồi cả giấc mơ Phương kìm lại trong tim mình được phơi bày trên mặt bàn trước mặt mẹ. Những hộp màu nằm lăn lóc, xấp vải mới được gấp gọn gàng bị sổ tung ra và tập thiết kế mà Phương quý hơn thảy cũng đang nằm im ở đây, chỉ có điều chúng đều bị ướt sũng, màu lem luốc đến chẳng nhận ra hình dạng.

    Phương khóc, khóc từ thầm lặng đến gào thét lên giữa gian phòng khách. Đám lửa về giấc mơ tưởng chừng như sẽ chỉ còn là những viên than hồng âm ỉ trong lòng Phương thì hôm nay đây hành động của mẹ lại khiến chúng cháy rực lên một lần nữa. Phương gào khóc, buông chiếc balo trên vai, Phương ngồi sụp xuống mặt bàn nhặt lấy, vuốt ve, rồi ôm lấy từng bản vẽ ướt sũng vào lòng. Mặc cho ánh mắt đầy giận dữ cùng thất vọng của mẹ, khi đã nhặt đủ lấy những bản vẽ, như nhặt đủ lấy từng mảnh vỡ trong tim mình, Phương đứng dậy đi về phía mẹ mà nấc lên từng tiếng..

    - Sao mẹ làm thế với con? Mẹ đã từng hỏi ước mơ của con là gì chưa, mẹ có từng biết con gái mẹ sợ máu đến ngất đi chưa ạ?

    - Phương, Phương!

    Phương chạy ra khỏi nhà giữa màn mưa trắng xóa khi đã dùng hết dũng khí nói ra những điều trong lòng mình với mẹ. Phương cứ chạy vào màn mưa và ôm ghì lấy những bản vẽ trên tay, bỏ lại tiếng bố, tiếng anh trai đằng sau lưng. Dù chẳng biết mình phải đi đâu nhưng Phương vẫn cứ đi, đi tìm nơi nào đó có thể hong khô những giọt nước mắt cùng những bản vẽ trên tay.. Két.. ttt!

    Phương nghe hình như có tiếng sấm rất to bên tai mình, Phương thấy mình nằm giữa màn mưa trắng xóa và máu thấm đỏ những bản vẽ trên tay. Mắt Phương nhắm dần, giọt nước mắt cuối cùng rơi xuống hòa vào mưa..

    "Đã ba ngày rồi, sao con bé vẫn chưa tỉnh vậy bác sĩ?". Phương nghe giọng của mẹ, Phương nghe giọng của bố nhưng sao đầu Phương đau quá, mí mắt cứ nặng trịch chẳng thể mở ra. Mãi cho đến khi bàn tay ấm áp của của bố nắm lấy tay Phương, cái nắm tay của bố như có gì đó rất thần kì, nó như ra lệnh cho cơn đau đầu dừng lại, cho mí mắt thôi nặng trịch. Bàn tay bố ấm áp kéo Phương ra khỏi cơn ngủ mê, những tia sáng đầu tiên vừa chạm mắt, Phương đã nghe tiếng bố gọi bác sĩ khẩn thiết khi ông vừa rời khỏi phòng bệnh được vài phút: "Bác sĩ, bác sĩ con gái tôi tỉnh rồi!". Sau khi kiểm tra gương mặt, vị bác sĩ trẻ toát lên vẻ nhẹ nhõm, vui vẻ:

    - Cô bé không sao rồi, ngoài cánh tay phải cần băng bó cố định một thời gian thì mọi thứ đều ổn cả rồi.

    Cánh tay phải ư? Phải đến khi ánh sáng ngập tràn vào mí mắt, tỉnh táo hơn trong nhận thức Phương mới để ý đến lời bác sĩ đang nói với bố mẹ. Phương đưa mắt nhìn xuống cánh tay phải theo lời bác sĩ đang dặn dò, từ khuỷu tay trở xuống đều được băng bó bằng lớp bột màu trắng khô cứng. Bàn tay năm ngón của Phương vẫn còn đó nhưng sao nó chẳng thể cử động mặc dù não Phương đã liên tục truyền đi tín hiệu, ra lệnh cho chúng cử động. Phương từ cố gắng đến bất lực mà gào khóc lên

    - Mẹ ơi! Bố ơi, tay của con làm sao thế ạ? Tay của con sao nó không thể cử động được như bình thường?

    - Không sao, không sao đâu con, vài tuần nữa tháo lớp bột ra là tay con sẽ bình thường lại thôi..

    Dù đang trong tình trạng rất hoảng loạn, dù có được bố mẹ vỗ về, trấn an thế nào đi chăng nữa thì Phương cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng lời trấn an của bố mẹ là lời nói dối. Phương biết tình trạng của mình không chỉ đơn giản là gãy tay, bó bột rồi sẽ lành lại. Chưa bao giờ Phương thấy mình bướng bỉnh, cố chấp đến thế? Đứa con gái ngoan ngoãn của bố mẹ ngày nào như chẳng còn nữa, Phương cứ gào khóc, vùng vẫy làm loạn cả phòng bệnh..

    Sự thật là bàn tay của Phương bị gãy hiện đang phải cố định bằng ốc vít. Sau này có tháo ra cũng sẽ khó có thể trở lại bình thường như xưa được nữa.. Không thể trở lại như xưa, tức là không thể cầm bút vẽ, không thể cầm kéo, không thể cầm kim sao bác sĩ? "Nếu kiên trì tập luyện, thì không gì là không thể!". Câu trả lời của vị bác sĩ như chẳng có tính thuyết phục nào, Phương thôi khóc mà cứ nhìn trân trân ra bên ngoài cửa sổ mặc cho bố mẹ bên cạnh ôm ấp, vỗ về, ánh mắt Phương cứ vô hồn.

    Phương rơi vào trạng thái im lặng suốt tuần, bố mẹ có bên cạnh, bạn bè có vào thăm Phương cũng vẫn vậy, một màu đen tối cứ bao trùm lấy Phương. Chỉ cần nghĩ đến, nhìn xuống bàn tay phải mai này không thể trở lại như thường, không thể cầm được cái kéo hay khâu được vài đường chỉ là Phương bất giác lại nấc lên vài tiếng không thành lời. Con người mỗi khi làm sai thì thường hay đổ lỗi hoặc tìm ai đó gánh thay lỗi lầm của mình, còn Phương? Đổ lỗi cho ai về chuyện tai nạn, về bàn tay phải mai này trở thành tàn phế trên cơ thể, Phương chỉ biết khóc, chỉ biết dằn vặt chính mình.

    - Phương, đừng làm thế mà con. Là mẹ sai, là mẹ sai, xin con đừng tự hành hạ bản thân mình nữa con ơi!

    Mẹ ôm ghì lấy Phương vào lòng khi vô tình thấy Phương tự hành hạ chính mình bằng những cái tát, cái cào cấu ran rát vào mặt. Lời xin lỗi của mẹ như cái kim nhọn đâm vào tim Phương, Phương khóc, nước mắt ướt hết cả ngực áo mẹ.

    - Mẹ ơi! Con sợ lắm, tay con sẽ trở thành tàn phế sao mẹ, giấc mơ của con phải làm sao đây mẹ ơi?

    - Đừng sợ con gái, có mẹ ở đây, chỉ cần mẹ con mình cố gắng, mẹ tin tay của con sẽ lành lại, rồi con sẽ thực hiện được giấc mơ của con.

    - Có thể được sao mẹ?

    - Con phải có lòng tin vào chính mình, phải luôn hi vọng chứ?

    - Con không thể học y theo ý mẹ, mẹ ơi!

    - Xin lỗi, xin lỗi con!

    Mọi nỗi uất ức, sợ hãi trong lòng Phương đã để hết lại nơi phòng bệnh nồng mùi thuốc. Trở về nhà sau một tháng nằm viện, Phương thấy mọi thứ trong phòng mình đều thay đổi. Trên bàn Phương học đã chẳng còn là những tập tài liệu về y khoa khô khan đáng sợ nữa mà là hộp kim chỉ đủ màu, xấp vải hoa sặc sỡ và trong góc phòng có một chiếc giá vẽ cùng một chiếc máy may.

    Lòng Phương ngập tràn hạnh phúc cùng hi vọng, đang ngây ngất trong căn phòng mà mình mơ ước bấy lâu nay thì tiếng anh trai thập thò ngoài cửa khiến Phương giật mình quay lại.

    - Quà của anh trên giường nha Phương!

    Chả biết là gì nhỉ? Phương đi đến chiếc hộp được đặt đầu giường, cẩn thận bóc từng lớp giấy. Là một quyển sách cùng một lá thư,

    "Dám mơ lớn - Đừng hoài phí tuổi trẻ", cái tựa sách như tiếp thêm lửa trong Phương, cho Phương dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để đi về phía trước. Phương cẩn thận bóc phong thư được viết tên người gửi là bố mẹ, bao nhiêu chữ thấm vào lòng Phương là bấy nhiêu giọt nước mắt ướt nhèm trên giấy. Xuyên suốt lá thư là lời yêu cùng lời xin lỗi mà bố mẹ dành cho Phương, họ cảm thấy có lỗi khi đã quá áp đặt tương lai của con mình. Cảm xúc trong Phương bây giờ là gì Phương cũng không rõ nữa, mãi cho đến khi mảnh giấy gấp đôi có những dòng chữ của anh trai rơi ra từ trong sách Phương mới biết, mới hiểu cảm xúc trong lòng mình và lòng bố mẹ.

    "Em gái, bố mẹ và anh rất yêu em! Anh biết có đôi khi tình yêu ấy làm em khó chịu và áp lực. Anh không biết em có hiểu hay không, nhưng anh nghĩ rằng em sẽ hiểu nếu anh nói nhỏ em nghe. Bố mẹ chúng ta cũng từng là những người trẻ đầy nhiệt huyết như anh em ta, bố mẹ cũng từng có ước mơ, cũng từng có tuổi xuân phơi phới. Đừng trách bố mẹ ích kỉ, chỉ vì họ quá yêu chúng ta mà quên mất rằng giấc mơ của mỗi người là khác nhau".

    Có thể giấc mơ của mỗi người không giống nhau nhưng đã là gia đình thì luôn có điểm chung, nếu là trước kia thì Phương chắc sẽ lâu lắm mới nhận ra. Nhưng bây giờ thì chuyện đó thật dễ đối với Phương, thật dễ để biết rằng tình yêu thương là điểm chung của một gia đình.
     
  4. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    43. Truyện ngắn: Tôi và Trang

    Tác giả: Trần Vạn Ninh


    (Tác phẩm được in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trang mỉm cười, cầm điện thoại lên, bước khỏi phòng. Một lát sau thì nhỏ bước vào, nụ cười trên môi vẫn chưa tắt.

    "Mày có thấy nóng không?".

    "Cũng có".

    "Mua trà chanh không?".

    "Trà chanh? Rồi đứa nào đi mua đây?".

    "Chẳng đứa nào đi hết. Tao gọi người ta rồi người ta mang tới".

    Tôi hơi bối rối.

    "Bảy giờ tối rồi, người ta còn đi giao trà chanh à?".

    "Còn mà".

    Tôi nhún vai.

    Trang mỉm cười, cầm điện thoại lên, bước khỏi phòng. Một lát sau thì nhỏ bước vào, nụ cười trên môi vẫn chưa tắt.

    Chúng tôi học ở trường Nội trú của tỉnh, năm nay đã là năm cuối. Chúng tôi đã là học sinh lớp 12. Phòng của chúng tôi vốn dĩ có ba người, là tôi, Trang và Huyền, nhưng Huyền đã chuyển trường cách đây hai tháng, nên chỉ còn tôi và Trang. Dẫu rằng ba đứa đã ở cùng phòng nội trú hơn hai năm, tôi vẫn phải thừa nhận rằng ba đứa chẳng thân thiết gì cả. Tôi không biết lí do, mà cũng chẳng bao giờ quan tâm lí do ấy là gì. Điều mà tôi - có lẽ không chỉ riêng tôi - quan tâm nhất bây giờ là thi tốt nghiệp. Tháng Tư nóng phát khiếp, nóng cả ngày lẫn đêm. Phòng của chúng tôi không có quạt điện - đương nhiên, học sinh nội trú mà, chẳng đứa nào điên dại dùng tới quạt điện để rồi oằn lưng trả tiền điện cả. Bao giờ chúng tôi cũng phải dùng đến chiếc quạt gấp, quạt liên tục, quạt không nghỉ. Thảm nhất là vào buổi chiều, chúng tôi ngồi tự học, tay phải viết còn tay trái quạt.

    Năm phút sau, một chị nọ mang hai cốc trà chanh đến phòng của chúng tôi. Hai chúng tôi trả tiền rồi cảm ơn chị.

    "Để tao uống thử xem nào". Trang nhanh nhảu ngồi xuống giường, cầm cốc trà chanh lên, cắm ống hút rồi uống. Mặt nó hiện rõ vẻ thư thái. Nhưng rồi chỉ ít giây sau, nó nhăn mặt, thiếu điều nhổ hết trà chanh lên giường, hét ầm lên: "Đắng!".

    Trang đứng lên, đặt cốc trà chanh lên bàn. Chạy vội khỏi phòng, nó đặt hai tay lên lan can, nhìn quanh. "Mày làm gì đấy?".

    "Xem thử con bé kia đi khỏi trường chưa". Nó nhìn tôi, cười.

    "Thôi, đừng. Biết đâu nó chỉ là người phục vụ thì sao? Có phải người pha chế đâu!".

    Nhỏ Trang có vẻ dịu xuống. Mà chẳng cần tôi khuyên thì nó cũng dịu xuống thôi, bởi nó là một đứa nhát. Những việc vượt khỏi vùng an toàn như thế, nó sẽ chẳng bao giờ làm.

    Tôi cầm lấy cốc trà chanh, mở nắp, uống chẳng cần ống hút. Trà chanh hơi đắng - vị đắng đến từ chanh, không phải trà. Chắc là người pha chế đã dùng cả vỏ chanh.

    Tôi cố uống hết cốc.

    Đằng nào thì cũng mua rồi.

    * * *

    Quy Nhơn về đêm khá ồn.

    Từ phòng nội trú, tôi có thể thấy quán cà phê ở bên kia đường. Đó là một quán cà phê nhỏ, có hai chậu hoa giấy đặt ngay phía trước. Quán mở nhạc rất to, ngồi trong phòng mà tôi vẫn nghe rõ tiếng nhạc. Trang thường xuyên than vãn về việc ấy. Tôi thì chẳng bao giờ mở miệng than thở gì, bởi nhạc mà quán mở hầu hết là nhạc của Sou, ca sĩ mà tôi rất thích.

    Tối nào quán cà phê ấy cũng mở Lemon, bài hát yêu thích của tôi. Có một sự trùng hợp lạ lùng là quán luôn mở Lemon ngay lúc tôi cầm vở lên, định học bài. Lúc nào cũng thế.

    Tôi yêu Quy Nhơn, yêu từ hồi còn nhỏ, yêu qua những tấm ảnh trong cuốn sách ở thư viện trường. Mơ ước của tôi là được học và sống ở Quy Nhơn, đơn giản thế thôi. Trang thì khác, mong được học và sống ở Hà Nội.

    "Tao đã ở đây ba năm rồi. Ba năm cấp 3. Và tao không muốn ở đây thêm bốn năm Đại học". Trang từng nói thế. Tôi không đồng ý, cũng chẳng phản đối, chỉ nghĩ đơn giản rằng đặt chân đến Hà Nội hẳn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời.

    Nhưng tôi vẫn yêu Quy Nhơn nhất.

    * * *

    Ở lớp phụ đạo Toán, cửa sổ đã được mở tung, quạt đã chạy hết công suất nhưng cả bọn vẫn thấy nóng. Bọn tôi vẫn phải dùng quạt tay.

    "Này". Đang chép bài, bỗng Trang ngẩng lên, nhìn tôi với ánh mắt có phần bực bội: "Mày nói thằng bàn đầu ngồi sang phải một chút. Đừng chắn trước mặt tao. À, nó nhìn tao suốt, tao ngại đấy".

    Tôi nhìn lên bàn đầu. Phúc đang ngồi ở đấy, chăm chú nghe thầy giảng.

    "Nó chắn trước mặt mày, cũng đúng". Tôi cúi đầu, nói thật nhỏ: "Nhưng từ nãy tới giờ nó làm gì có nhìn mày?".

    "Tao không nói thằng Phúc, tao nói thằng Tom".

    Tôi cau mày, chẳng biết Trang đang nói đến Tom nào. Bỗng, tôi nhận ra mặt sau của chiếc áo mà Phúc mặc có in hình mèo Tom. Tom-thè-lưỡi. "Chép bài đi, toàn để ý mấy thứ gì đâu thôi!".

    Tôi cáu. Trang chỉ mỉm cười. Tan học, chúng tôi trở về khu kí túc. Căn phòng ở cuối hành lang tầng một là phòng số 7, phòng của ba bạn nữ nọ mà tôi chẳng biết tên. Tôi thích căn phòng của các bạn ấy cực kì, vì ở hành lang có để hai chậu hoa mười giờ sam, hoa nở rực rỡ: Có đỏ, có cam, có hồng, có tím. Các bạn ấy cũng tưới hoa rất cẩn thận,

    Chẳng bao giờ để nước tràn ra hành lang.

    Thế mà lần này, nhìn về phía cuối hành lang, tôi không thấy hai chậu hoa đâu nữa. Tôi không thể không ngạc nhiên.

    "À, mấy đứa nó chuyển hoa đi rồi".

    "Đi đâu?".

    "Sao tao biết?". Trang nhún vai, cười nhạt:

    "Bọn nó chuyển hoa đi cũng đúng thôi, thời gian học hành còn không có thì lấy đâu ra thời gian chăm sóc hoa. Mà đằng nào thì bọn nó chẳng phải chuyển hoa đi. Cuối lớp 12 rồi, thời gian ở đây đâu còn nhiều".

    Trang lên lầu.

    Tôi vẫn đứng ở tầng một, nhìn về phòng số 7.

    * * *

    Trang vẫn chưa điền phiếu đăng kí dự thi. Nó thường xuyên cầm bút lên, rồi đặt bút xuống, rồi cầm lên, rồi đặt xuống, chẳng khác gì chiếc máy mà chương trình bị lỗi lặp vô hạn lần.

    Hẳn là nó đang phân vân điều gì. Hoặc là sợ một điều gì, vì nó là một đứa nhát.

    Ngày nộp phiếu đăng kí dự thi đang đến gần. Nó vẫn chưa điền được bao nhiêu thông tin.

    "Có vấn đề gì với mày à?".

    Một đêm nọ, trước khi đi ngủ, tôi đã giữ nhỏ Trang ngồi lại giường của tôi và hỏi nhỏ như thế. Đèn huỳnh quang đã tắt, chỉ còn đèn quả nhót mập mờ, tôi chẳng thể nào nhìn rõ mặt Trang, nhưng tôi vẫn có thể biết được biểu cảm của nó.

    "Tao không biết có nên học ở Quy Nhơn hay không nữa". Nó nói, giọng rất trầm.

    "Sao nữa? Mày thích Hà Nội mà?".

    "Ừ, thích. Nhưng tao sợ. Sợ phải đi xa. Sợ sẽ không gặp được bạn cùng phòng như mày".

    "Như tao?". Tôi ngây ngốc hỏi lại.

    "Ít nhất thì như mày".

    "Chẳng lẽ mày gác lại giấc mơ của mày chỉ vì những nỗi sợ vẩn vơ ấy thôi à?". Sau một hồi im lặng, tôi lên tiếng. Thực ra thì tôi cũng là một đứa nhát, chỉ được mỗi mạnh miệng. Thực ra thì tôi cũng sợ rằng lúc lên Đại học sẽ không tìm được bạn cùng phòng phù hợp, sẽ rơi vào những cuộc cãi vã bất tận với những-người-khôngđâu ở phòng kế bên.

    Bình thường thì tôi ngủ giường phía dưới, Trang ngủ giường phía trên. Nhưng buổi tối ấy, Trang đã ngủ cạnh

    Tôi, ở giường của tôi, và nó đã nắm tay tôi, rất đỗi dịu dàng.

    Chúng tôi là bạn thân, quá rõ rồi. Ấy thế mà suốt thời gian qua, chúng tôi chẳng hề nhận ra.

    * * *

    Buổi chiều Chủ nhật cuối cùng của tháng Tư, một buổi chiều hết sức bình thường vì nó cũng nóng như bao buổi chiều khác, tôi đang làm bài tập Toán thì nhỏ Trang đột ngột mở cửa phòng, làm tim tôi suýt nhảy khỏi lồng ngực. Tôi định mắng nhỏ vì tội làm tôi sợ, nhưng rồi tôi nhận ra nhỏ đang để lên bàn hai cốc trà chanh có đá, khiến tôi tròn mắt.

    "Mày mua à Trang?".

    "Không. Cô Hương dạy Hóa mua cho đấy, bảo là uống cho mát. Phòng nào cũng có". Nó vẫn nhanh nhảu như mọi khi, lấy trà chanh ra rồi uống mà chẳng đợi tôi: "Tao quyết rồi, tao sẽ thi vào Đại học Đông Đô". Nó nói, có vẻ đang vui. Nó vui vì quyết định của nó hay là vì trà chanh không bị đắng nhỉ?

    "Thế hả?". Tôi đặt bút xuống, đưa tay phải lên trán, chào theo kiểu chuẩn-Đặng-Văn-Lâm, kiểu mà tôi đã tập từ rất lâu:

    "Chúc đồng chí may mắn".

    Trang phì cười.
     
  5. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    44. Truyện ngắn: Vì ta đã sống

    Tác giả: Nguyễn


    (Truyện ngắn in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có thể đối với nhiều người, sự ra đi vĩnh viễn của một ai đó, hay nói thẳng thừng ra là cái chết của họ, hẳn sẽ rất nặng nề và vượt ra ngoài mọi khả năng kiểm soát nhưng đối với tôi, ngay lúc này, khi đang ngồi nhớ lại và lạch cạch gõ về những người thân thuộc đã ra đi, tôi bỗng thấy điều đó thật nhẹ nhàng như một phần tất yếu gắn liền với cuộc sống. Dường như sống và chết đã không còn là hai mệnh đề đối lập nữa mà nối liền với nhau thành những vòng lặp khép kín.

    Mới ở tuổi này mà đã mạnh miệng nói về cái chết một cách thản nhiên như vầy thì e có hơi dị, nhưng buồn là tôi đã phải làm quen với nó từ sớm. Hai mươi tuổi, tôi thấy mình xót xa đứng trong đám tang của một đứa bạn thân đã ra đi vì một tai nạn bất ngờ. Mười tám tuổi, tôi khóc nức nở ba ngày liền tiễn ông tôi ra đi vì tuổi già. Tuy nhiên, sự ra đi khiến tôi bàng hoàng và tiếc nuối nhất đã xảy ra ba năm trước đó. Năm mười lăm tuổi, tôi ngơ ngác đứng trước di ảnh của Vĩnh, anh họ tôi, người đã ra đi đột ngột vì một hội chứng lạ kì liên quan đến não bộ, chỉ sau một giấc ngủ, chóng vánh và không thực như thể Vĩnh chỉ đi đâu loanh quanh trong giấc mơ và lạc mãi trong đó không tìm thấy đường về. Mười lăm tuổi, tôi tự mình đối diện với sự mất mát đầu tiên, chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một người thân, một người anh, một người bạn đồng trang lứa.

    Tính đến nay cũng đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày Vĩnh đột ngột đi xa, về một nơi tối tăm mà tôi ngày đó thậm chí còn chưa thể hình dung rõ, đủ nhanh gọn vừa vặn một suy nghĩ thảng thốt rằng một cuộc đời có thể bị cắt ngang, chóng vánh đến không ngờ, cơ bản vì năm đó, tôi với Vĩnh mới mười lăm tuổi. Một cơn mơ nào đó đã giữ Vĩnh lại mãi trong giấc ngủ muôn đời, một cơn đau tôi không tài nào hiểu được đã bất ngờ kéo Vĩnh ra khỏi cuộc sống thường ngày, mãi mãi dừng lại ở tuổi vừa tròn trăng, đứng lại đâu đó bên đời nhìn mọi người bước tiếp. Tôi bần thần đến nỗi không thể nào khóc, không muốn tin những gì đang diễn ra trước mắt mình nữa.

    Chừng ấy năm không hẳn là quá dài, nhưng nếu nói ngắn thì sẽ thật giả dối, bởi thực sự tôi đã chẳng thể nào nhớ nổi giọng nói thiếu niên của mình năm đó, đang vỡ, ồm, trầm ở cái thuở dậy thì. Nhưng buồn hơn, tôi đã không còn chút ấn tượng gì về giọng nói của Vĩnh, giọng nói mà một khoảng thời gian dài sau ngày Vĩnh mất, tôi tự cho nó lặp lại trong đầu mình mỗi ngày để không phải quên đi. Tôi có một thói quen (hoặc một quy luật của bản thân, tôi chẳng biết) là luôn phải ghi nhớ thật rõ giọng nói của những người thân thương, càng quan trọng hơn với những người tôi chẳng thể gặp nữa.. Rất thường xuyên, tôi nhớ lại những cuộc hội thoại, buộc trí óc mình phát lên rõ ràng âm sắc giọng nói của từng người, không lẫn lộn, lắm lúc đến thuộc lòng. Vậy mà giờ ngồi nhớ lại, gương mặt Vĩnh cũng phủ bụi thời gian mất rồi, chẳng nghe nổi trong trí nhớ mình giọng nói của Vĩnh ra sao, thiệt tệ.. Biết kiếm ai nhắc giùm tôi bây giờ..

    Nhà cậu tôi chỉ có mỗi Vĩnh là con trai, trên Vĩnh có đến ba người chị gái, tôi thì là con một nên thèm có anh có em lắm, chắc cũng vì vậy mà tôi với Vĩnh chơi với nhau rất được. Cho đến giờ này, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh hai đứa cùng che cái khăn trải bàn bằng ni-lông đội mưa đi học những năm tiểu học, đánh trận giả cùng lũ trẻ trong xóm trên bãi đất trống sát nhà, hái lá chuối phe phẩy chạy tắm mưa khắp xóm, ngồi vắt vẻo trên cái xích đu hai anh em tự chế trên cái cây trước nhà Vĩnh, lội nước bắt đám cá bống nhỏ xíu ngoài bờ hồ sau lưng xóm nhỏ, hay run cầm cập rồi ngủ thiếp đi ngày cậu mợ đi vắng Vĩnh nài nỉ tôi xuống ngủ chung canh nhà cho đỡ sợ.. ma. Vĩnh rõ ràng trong kí ức của tôi những ngày mới lớn, hai anh em đèo nhau đi học võ, thấy người ta đấm đá ầm ầm mà mình run cầm cập. Thực ra chỉ có tôi run thôi chứ Vĩnh là tài năng lớn, huy chương của Vĩnh được treo trĩu cái móc trên tường khiến cậu mợ tôi tự hào lắm. Chắc có lẽ thấy tôi lọng khọng yếu ớt nên Vĩnh kéo tôi đi học chung. Vĩnh tập cho tôi đi xe máy (len lén), hỏi bài kêu tôi chỉ tối ngày. Tôi giờ vẫn thấy ghét mình hồi đó vì cái sự bực bội, qua loa đôi khi của mình, đúng là ích kỉ trẻ con. Vĩnh còn hay thủ thỉ với tôi về những rung cảm đầu đời.. Hồi đó Vĩnh mến Thi dữ thần, ngó vậy mà nhát cáy chưa bao giờ dám ngỏ lời. Nhiều lần gặp lại Thi sau này, tôi bất ngờ khi Thi thổ lộ rằng Thi biết tỏng ngày xưa Vĩnh mến Thi nhiều, Thi cũng mến ngược lại Vĩnh nhưng mắc cỡ không dám nói. Tôi thấy tiếc hùi hụi, phải mà hai đứa can đảm thêm chút nữa thì Vĩnh đã biết thêm được một thứ mới mẻ dịu dàng trong đời trước khi đi xa rồi.

    Vĩnh bằng tuổi tôi, chưa kể còn sinh sau tôi đến ba tháng, vậy mà tôi vẫn gọi bằng anh, không băn khoăn, chẳng hiểu. Có vài đứa họ hàng cả vai vế lẫn tuổi đều cao hơn nhưng tôi vẫn mày tao ngọt xớt. Cũng có thể cái sự trưởng thành, vững chãi hơn so với tuổi trong Vĩnh khiến tôi cảm thấy mình nhỏ bé. Vĩnh lớn xác, lại hiểu chuyện đời trước tôi nên lúc

    Nào Vĩnh trong mắt tôi cũng như một người anh lớn.

    Nhớ hồi lớp sáu, gần trường tôi xuất hiện một đám du côn ba bốn đứa mặt mũi bặm trợn, chuyên gia phục kích ở những chỗ khuất trên đường đi học về để trấn lột tiền tiêu vặt và những thứ đáng giá trên người tụi tôi như đồng hồ, dây

    Chuyền. Trong xóm tôi cũng nhiều đứa bị chặn đường, mất đồ liên tục nhưng bị đe dọa đánh nên không dám hó hé với người lớn. Vĩnh nghe được chuyện này thì tức lắm. Về phần mình, do ngày nào tôi cũng phải chờ Vĩnh họp đội bóng đá rồi mới chở về nên ra rất trễ, nhờ vậy mà lúc về không phải đụng mặt tụi kia. Xui đúng cái hôm Vĩnh được ra sớm thì gặp tụi nó. Nhác thấy mấy đứa trong xóm đứng khúm núm vì đang bị xét cặp và quát mắng, trong đó có cả nhỏ Thi đang thút thít sợ sệt, Vĩnh khom lưng đạp xe lủi thẳng một mạch vào ba thằng đó khiến tụi nó hoảng hồn té nhào vào mấy bụi rậm ven đường. Tôi với Vĩnh cũng ngã khỏi xe, cùi chỏ đập xuống đường đau điếng. Chiếc xe đạp méo mó nằm giữa đường với hai bánh xe vẫn còn quay tít. Bọn côn đồ sôi máu định nhào vô thì Vĩnh đã hét ầm lên la làng có bọn trấn lột, cả đám tụi tôi cũng nhanh miệng la theo làm người lớn trong mấy nhà gần đó chạy ra. Ba thằng to xác mặt mày đỏ lựng, giật luôn sợi dây chuyền trên cổ Thi rồi chạy biến. Con nhỏ khóc suốt đoạn đường về nhà khiến Vĩnh phải vào giải thích sự tình cho ba má nó khỏi đánh đòn. Một tuần sau thì bọn kia trở lại dằn mặt, Vĩnh hô hào cả đám xông vào đấm đá bấu véo kìm kẹp đến nỗi ba thằng kia phải la oai oái, mấy chú dân phòng kịp lúc tóm cổ bọn nó lại. Tụi tôi cũng xây xước bầm mình nhưng vui như lập được chiến công. Vĩnh lúc đó trong mắt tụi tôi ngầu thiệt ngầu, còn tôi thì xấu hổ vì vẫn run như cầy sấy.

    Càng lớn, Vĩnh với tôi càng trái tính. Trong khi tôi im lìm núp trong cái vỏ của mình thì Vĩnh ào ào với mấy đứa bạn, lắm lúc để tôi đi bộ về một mình trưa nắng. Tôi vốn thể trạng yếu ớt, đi nắng ba hôm thì đổ bệnh nằm nhà đến hết tuần. Vĩnh bị cậu la cho một trận vì tội ham chơi, cầm hai trái cam qua hỏi tôi hết bệnh chưa, tôi giả vờ nói giọng thều thào cho Vĩnh áy náy chơi. Vĩnh nói đưa vở đây tao lên trường mượn vở bạn mày về chép lại cho. May mà tôi nhờ nhỏ Thi rồi chớ chữ Vĩnh xấu ình, đưa cho Vĩnh chép chắc nhìn không ra. Tôi sợ Vĩnh nổi khùng nên không dám nói, chỉ cười cười nói hôm qua đưa vở hết cho nhỏ Thi rồi. Ai ngờ Vĩnh không nổi khùng mà nổi cơn ghen. Trời đất ơi. Tôi lượm hai trái cam Vĩnh bỏ lại dưới nền nhà trước khi vùng vằng bỏ về mà mắc cười lộn ruột. Sau đợt đó, Vĩnh không để tôi phải đi bộ về một mình trưa nắng nữa. Vậy rồi cũng ngót nghét đèo nhau qua kì thi lên cấp ba, tôi vô trường công, Vĩnh ấm ức rớt vô trường tư, hơi xa nhà xíu, gặp tôi lại chửi.. cái đề. Chưa kịp sắm tập, sắm áo, Vĩnh đi mất. Hôm tựu trường, trùng hợp làm sao Thi lại chung lớp với Vĩnh về kể, thầy điểm danh Vĩnh, nó chẳng biết có nên không, kêu thưa thầy bạn Vĩnh chết rồi, tôi nghe cay con mắt, nỗi mất mát rõ ràng.

    Lần nào trở về quê tôi cũng gặp Thi. Học hết cấp ba, nó ở lại phụ giúp mẹ quán xuyến cửa hàng, hai mươi tuổi thì lấy chồng, cũng là một đứa chơi chung đám ngày xưa giờ đang làm tài xế. Đám trẻ ngày xưa cùng chơi đánh trận giả, cùng chạy tắm mưa chung, cùng rủ nhau tới trường, lớn lên thì mỗi đứa mỗi ngả đi tìm những giấc mơ riêng, vậy mà nghe tin Thi đám cưới thì tựu về không thiếu một ai. Tôi chạnh lòng nghĩ đến Vĩnh, bần thần một lúc giữa tiệc tùng hò vang, chợt nghe Thi đến ghé vào tai tôi, mùi cô dâu dịu dàng thoang thoảng. Nó nói phải mà Vĩnh còn, đội hình này chắc đẹp biết mấy. Tôi thấy mắt nó long lanh nên kể lại vụ hai quả cam ngày nào, đùa là nếu Vĩnh ngày đó xuất hiện trong buổi lễ hôm nay chắc có khi bóp nát hai trái cam đó rồi thôi chớ cũng chẳng dám làm gì. Cả đám cười nắc nẻ. Tôi thấy chú rể xoa vai Thi dịu dàng, tự nhiên thấy thương thấy quý tụi nó nhiều hơn. Nhìn thấy đám trẻ chúng tôi ngày nào giờ đã lớn lên thành những người tử tế, hiền lành và chân thật, tôi khóc hồi nào không hay. Thi nhìn tôi giả bộ dè chừng kêu ê đừng nói hồi đó mày cũng thích tao à nha, sự tình này tao không lường trước được. Cả đám lại cười ngặt nghẽo, tôi đánh trống lảng biểu tụi nó nâng li. Sau ngày đó tôi cũng ít gặp Thi do cắm cúi vừa học vừa làm trên thành phố, đến năm tôi tốt nghiệp ra trường thì nó đã sinh hai đứa con rất đáng yêu. Năm nào giỗ Vĩnh nó cùng với mấy đứa con gái trong xóm cũng sang phụ cậu mợ tôi từ sớm. Đó cũng là dịp hiếm hoi để đám trẻ bọn tôi tụ họp cùng nhau ngoài mấy ngày Tết. Bằng một cách nào đó, Vĩnh đã gắn kết chúng tôi lại với nhau, khắng khít và hồn nhiên như chưa một ai phải lớn. Thi hay bồi hồi nói không phải lúc nào cũng được như hôm nay.

    Vĩnh đi trong những ngày vừa có kết quả cho một chặng đời mới, năm đó tôi vẫn chưa nghĩ tới việc rồi cuộc đời mình sẽ còn lắm chặng buồn rầu hơn nữa, hoàn toàn không lường trước được. Tôi hay nghĩ về Vĩnh khi những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi ấu thơ bất chợt ùa về trong những đêm đánh bạn với cô đơn và những nỗi buồn người lớn, những lúc chạnh lòng lướt qua một đám tang bên đường hay đứng thẫn thờ hoài niệm trước một cảnh tan trường với đám học trò áo trắng ùa ra. Những hình dung và ý niệm đầu tiên của riêng tôi về cuộc sống và sự ra đi đều bắt đầu hình thành sau những ngày tiễn Vĩnh. Tôi hay nghĩ về Vĩnh, đã chẳng còn buồn nhiều nữa, nỗi xót xa giờ như vệt mực đã loang ra, chỉ còn thấy mênh mang, nhưng có lẽ cho đến khi nào vẫn còn tự dặn mình phải sống sao cho thật tử tế và xứng đáng thì tôi vẫn sẽ không thôi nghi ngờ, không thôi băn khoăn về cái trắc trở, cái chóng vánh thoáng qua của một cuộc đời, biết đâu một ngày bất chợt nào đó..

    Chúng ta tiếc nuối một ai đó qua đời, không phải vì họ đã mất mà là vì họ đã sống. Chúng ta nhớ nhung về họ vì cách họ đã sống ra sao chứ không phải họ đã mất như thế nào. Sự ra đi có thể chóng vánh và đớn đau, nhưng sống trong đời tốn nhiều thời gian và cần nhiều nỗ lực hơn thế, nên hãy sống sao cho đáng và được mọi người thương yêu nhớ về. Chỉ khi những dấu vết cuối cùng về ta mờ nhòe trong tiềm thức và kí ức của mọi người, chúng ta mới thực sự biến mất. Sự ra đi của Vĩnh, của ông tôi, của đứa bạn thân, chỉ là một cách họ chuyển sự hiện diện của mình vào một nơi khác, trong trí nhớ và trong trái tim tôi. Chúng ta sẽ vẫn còn hiện diện và được nhớ về, miễn là đã sống thiện lương và hiền lành trong đời trước lúc ra đi..
     
  6. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    45. Truyện ngắn: Thềm Hoa Một Ngày Ít Gió

    Tác giả: Hoài Hương


    (Truyện ngắn in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1. Nhỏ gọi nơi đó là Quán Gió, không phải vì quán nằm giữa một khu vườn lộng gió, mà vì trên mấy bức tường của quán anh vẽ màu xanh mây trời, riêng bức tường gần sát với quầy bar, anh vẽ một cánh cổng cũng màu xanh trời, phía trên rủ xuống những dây hoa hồng leo nhiều màu sắc ôm khuôn cửa, vài cánh hoa lơ lửng rơi, nhẹ nhàng hờ hững chạm xuống bậc thềm, làm nhỏ khi tới đây luôn cảm giác quán ngập gió.

    Nhớ lần đầu tiên tới quán, nhỏ đã ngây người ngắm, cho tới khi anh đến bên khẽ hỏi: "Gì thế bé con?", nhỏ giật mình bẽn lẽn: "Dạ.. Thưa, có trời xanh trong quán gió". Anh đã nhìn nhỏ có chút ngạc nhiên, rồi bật cười: "À, chút xanh tuổi ngọc.. Wa, mà bé con gọi là Quán Gió nghe cũng ngộ ghê". Rồi từ hôm đó, những ngày thứ bảy hay chủ nhật, không phải bận học bài, nhỏ lại tới quán, và trong cuốn nhật ký của nhỏ, cái tên Quán Gió cũng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

    Nhỏ dọn đến miền bán sơn địa cách thành phố hơn trăm km này khi vừa lên lớp 10. Ba má của nhỏ có một trang trại cây ăn trái ở đây, và suốt nhiều năm nhỏ cứ phải xa ba má thường xuyên, chỉ có chị người làm chăm sóc ăn uống và đưa đón đi học ở thành phố. Cho tới sinh nhật nhỏ 15 tuổi, vào cuối học kỳ 2 lớp 9, phần thưởng cho thành tích học và thi cuối cấp xuất sắc, lại đậu vào lớp 10 trường điểm của thành phố, nhỏ xin ba má tặng món quà đặc biệt, cho nhỏ về trang trại, nhỏ thích không gian thiên nhiên, thích ngắm cây trái, và thích nhất là được ở cùng ba má. Cũng không phải dễ mà nhỏ có được như ý, ngay khi nghe lời đề nghị của nhỏ, ba má đã phản đối quyết liệt, ba thì cứng rằn: "Không đi đâu hết, ở yên thành phố học cho xong đại học, rồi muốn đi đâu ba má cho tự do". Nói xong ba ra dấu cho má và cả hai lên xe về trang trại, không kịp cho nhỏ phản ứng. Vài ngày sau, có lẽ nghe chị người làm mách, nhỏ buồn, khóc hoài, bỏ bữa, thế là má về nhà. Ôm nhỏ tỉ tê khuyên nhủ: "Con đã đậu vào trường điểm của thành phố, bao nhiêu điều kiện tốt để học, rồi ba má còn cho con du học nữa, về trang trại, nơi đó trường học sao bằng. Ba má thương con, lo cho tương lai của con..".

    Nhưng nhỏ cũng không phải dễ thuyết phục, cái tánh lì giống y hệt ba, khi muốn làm gì, dù khó bằng mấy cũng gắng làm cho bằng được, trong lớp, nhỏ được các bạn bầu làm lớp phó học tập, không chỉ học giòi, hay giúp đỡ bạn bè, luôn tạo không khí thi đua học hành, mà nhỏ còn luôn nhận về lớp những việc rất khó như tham gia thi làm phim ngắn, thi viết truyện ngắn, viết kịch bản phim học trò.. Và nhỏ làm mềm lòng ba má bằng cách thu thập rất nhiều thông tin về trường học ở trong vùng, mà cũng không biết từ nguồn nào, nhỏ còn tìm ra được kỷ yếu của trường, trong đó có danh sách nhiều học sinh thành đạt, người làm kỹ sư, bác sĩ, người là chuyên gia công nghệ tin học, người là luật sư danh tiếng, và có cả tiến sĩ, thạc sĩ nhiều ngành nghề.. Nhỏ muốn cho ba má thấy, trường học nơi đó không hề khác thành phố, và nếu có ý chí nghị lực, chăm chỉ học, thì cũng chẳng thua học trò thành phố.. Sau cùng thì nhỏ cũng toại nguyện..

    2. Nhà anh ở miền đất bán sơn địa này gần trăm năm, ngay từ nhỏ anh đã ước mơ khi lớn lên sẽ trồng thật nhiều cây và hoa, đặc biệt anh rất thích hoa, gần như có miếng đất trống là anh trồng hoa vào. Cái mảnh sân nhỏ nhà anh thoạt nhìn rất vui mắt bởi màu sắc các loài hoa, lộn xông không theo một trật từ nào, nhưng thật ra ai tính ý sẽ thấy anh trồng hoa rất có chọn lựa, mỗi loài là hoa của một tháng, để quanh năm, luôn có hoa nở. Đam mê màu sắc, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi đậu vào trường Đại học Mỹ thuật thành phố, ngay năm thứ hai, anh đã thi lấy được một học bổng du học toàn phần về hội họa ở Milano- Italia. Sau khi về nước, anh chọn quê nhà lập nghiệp, những bức tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên miền quê của anh được đánh giá cao, không chỉ nghệ thuật hội họa, mà mỗi bức tranh như gửi gắm trong đó thông điệp yêu thiên nhiên, thầm kêu gọi bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên, chung sống hiền hòa cùng thiên nhiên..

    Anh mở quán, mà quán của anh cũng thật kỳ lạ, chỉ có nước lọc, và sinh tố trái cây, không trà, không café, không cả đồ uống có ga, nước ngọt, tất cả miễn phí, ngoài ra còn là cái xưởng vẽ tranh của anh, và là nơi anh mở những lớp học vẽ ngắn ngày cho bọn trẻ gần nhà, tạo một thú vui giải trí thú vị mà hào hứng cho trẻ con ở đây. Từ những bức vẽ hồn nhiên, ngây thơ trong trẻo của bọn trẻ, anh đã tổ chức một cuộc triển lãm mini nhân dịp hè, và cái lớp học vẽ của anh như một mô hình sinh hoạt giáo dục thẩm mỹ rất hiệu quả..

    Cô bé thành phố ào vào cái quán của anh như một ngọn gió, ừ, cô bé gọi quán của anh là Quán Gió mà.. Cái cách cô ngắm tranh có gì đó làm anh cảm thấy xao động, sắc xanh màu trời in vào mắt cô bé thành một màu biếc xanh long lanh thật kỳ lạ, cô không như những cô cậu bé khác xem lướt qua tranh, mà như vuốt ve, như trò chuyện với bức tranh..

    - Bé con, bé có thích vẽ không?

    - Em 15 tuổi rồi, không là bé con nữa.

    - Ưm, vì anh thấy bé như viên kẹo.. Mà bé ở thành phố?

    - Dạ..

    - Sao bé lại về đây?

    - Dạ, ba má em ở đây..

    - Wa, có phải cái trang trại đẹp như một trích đoạn vườn thượng uyển?

    - Dạ.

    - Anh có vẽ trang trại đó.. Bé con xem có phải nó không? Anh đưa tay chỉ bức tranh vẽ trên tường gần quầy bar, hình chiếc cổng có dàn hoa hồng leo..

    - Dạ, cổng nhà em..

    3.. "Những bức tranh trong Quán Gió luôn làm nhỏ như hút vào đó. Mà sao nhỏ thích không gian tràn ngập màu xanh trời của quán, như đang được ngắm cả bầu trời mênh mông xanh trong thủy tinh, như giang tay là có thể níu vầng mây trồi lờ lững dừng lại. Và cái cổng hoa nhà nhỏ, lần đầu tiên đến quán, nhỏ đã có chút mơ màng ảo giác, sao lại quay về nhà mình? Nhỏ nhớ hết những lần anh tiễn nhỏ về nhà, đứng lại bên chiếc cổng hoa hồng leo, anh nắm tay nhỏ trước khi tạm biệt trở về Quán Gió, lại nói với nhỏ: Khi bé lớn, anh sẽ vẽ cả triệu đóa hồng tặng bé.. Nhỏ nghe chỉ cười..

    Anh cũng thật kỳ, cứ gọi nhỏ là cô bé, nhỏ đâu có bé như đám học trò của anh, như trứng gà trứng vịt, nhỏ đã học xong lớp 12 rồi, thi tốt nghiệp rồi.. Và ngày mai nhỏ về thành phố, vào đại học, không có những thứ bày chủ nhật ghé Quán Gió để xem anh vẽ, để chảnh chọe đành hanh nhõng nhẽo anh như một cô bé con.."

    Nhỏ về thành phố vào đại học, mang theo bức tranh anh tặng vẽ cái cổng hoa hồng leo rủ xuống, vài cánh rực hồng lơ lửng khoảng không.. Nhỏ nhớ buổi chiều chia tay anh dưới giàn hồng leo, thềm hoa ít gió, để cánh hồng nhẹ rơi như neo lại lời ước hẹn một ngày thật đẹp Quán Gió.
     
  7. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    46. Truyện ngắn: Có Một Người Vẫn Đợi

    Tác giả: Thắng


    (Truyện ngắn in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chiều nay khi Bình nhắn tin rủ tôi lên hồ Tây hóng gió, không chút lưỡng lự, tôi đã nhắn lại cho cậu ấy: "Qua đón tớ nhé!" rồi ngồi thơ thẩn trong nhà đếm ngược từng phút.

    Năm giờ chiều, Bình có mặt trước cửa nhà tôi. Thấy cậu, tôi có hơi ngạc nhiên trước diện mạo có phần chỉnh tề hơn thường ngày của Bình.

    Ngồi sau lưng Bình, qua gương chiếu hậu của chiếc xe cud, thi thoảng tôi thấy gương mặt cậu cau lên như đang lo lắng. Hình như, Bình có chuyện gì đó.

    Chiều hồ Tây lộng gió. Mặt nước rộng mênh mông, sóng vỗ lăn tăn và mặt trời đang lặn dần sau những dãy nhà cao tầng trông thật rực rỡ và yên bình.

    "Hoàng hôn đẹp thật cậu nhỉ?".

    Cuối cùng Bình cũng lên tiếng. Vậy mà tôi lại gật đầu, rồi nói nhẹ bẫng một tiếng "ừ" mà chẳng biết tại sao.

    "An.. này..". Bình ngập ngừng nhìn sang tôi.

    "Hoàng hôn.. đẹp thật!". Tôi lóng ngóng.

    "Ừ". Bình gãi đầu bối rối. "Mà có chuyện này tớ muốn nói với cậu!".

    "Chuyện gì vậy?".

    Tôi quay sang Bình, thấy cậu hít một hơi thật sâu, trông rất căng thẳng. Bình không biết tôi đang nhìn, vì cậu đang nhắm mắt. Bình định nói gì với tôi?

    "An, tớ thích cậu!".

    Lần này Bình dứt khoát. Có lẽ vì thế mà mặt tôi cũng nóng ran. Cậu vừa tỏ tình với tôi. Một lời tỏ tình đầy bất ngờ. Nhưng tôi chỉ biết lặng im. Tôi không biết phải đáp lại Bình thế nào. Tôi cũng không biết mình có thích cậu không? Nếu có, tại sao tôi lại im lặng? Nếu không, tại sao mặt tôi lại nóng ran và trái tim lại rộn ràng hơn mọi khi?

    Phía xa mặt trời chìm dần xuống đáy hồ với những gợn sóng lăn tăn, yên ả. Rồi chúng tôi ra về. Dù tôi có không đáp lại lời tỏ tình vừa rồi, thì Bình cũng chẳng gặng hỏi. Chắc cậu muốn tôi có thời gian để suy nghĩ. Chỉ là tôi không biết, đến

    Khi nào mới có thể trả lời cho cậu được.

    Dừng xe trước cửa nhà tôi, Bình không vội chạy ngay. Cậu vẫn nhìn tôi như chờ đợi điều gì đó. Nhưng sau cùng, tôi chỉ nói cảm ơn và bảo cậu về đi kẻo muộn. Bình gật đầu. Trông cậu không buồn, cũng chẳng vui. Nói xong, tôi rối quá đi nhanh vào nhà.

    Có lẽ, Bình đã chạy xe đi ngay lúc đó.

    * * *

    Bữa cơm tối bắt đầu lúc 7 giờ. Mẹ nấu toàn món tôi thích. Vậy mà, tôi lại không có cảm giác ngon miệng, nên phải cố gắng lắm tôi mới ăn hết lưng cơm. Mẹ đưa tay ra hiệu xới thêm, tôi lắc đầu và buông đũa xuống.

    "Con có chuyện gì à?".

    "Dạ, không ạ!".

    "Vậy sao? Thế mà mẹ cứ tưởng con và cậu bạn lúc chiều!". Mẹ bỏ lửng câu nói.

    "Cậu bạn nào ạ?". Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

    "Cậu bạn đưa con về đó. Lúc con vào nhà, mẹ thấy cậu ta đứng nhìn theo mãi mới chịu đi..".

    Thì ra mẹ đã thấy cả rồi. Vì chẳng biết phải nói gì, nên tôi quay ra bê chỗ bát đũa cho vào bồn rửa. Dưới vòi nước, lớp bọt tan ra, nhẹ nhàng. Chỉ có lời tỏ tình của Bình lúc chiều và những điều khó hiểu cứ ở mãi trong tôi, mãi chẳng chịu tan đi.

    "Cậu bạn của con trông cũng" ổn "đấy chứ!".

    Mẹ nhìn tôi cười.

    "Con và cậu ấy chỉ là bạn thôi mẹ!".

    "Là bạn hả? Thế mà mẹ cứ tưởng..".

    Quay ra, tôi lại thấy mẹ đang cười đầy ẩn ý, nên phụng phịu tỏ vẻ dỗi hờn. Sau đó mẹ không nói thêm gì nữa, mà lấy hoa quả ra gọt. Nhưng nhờ những gì mẹ vừa nói, tôi biết được, Bình đang chờ câu trả lời của tôi biết nhường nào.

    "Mà chuyện của mẹ với chú Minh thế nào rồi ạ?".

    "Chuyện gì hả con?". Đến lượt mẹ né tránh câu hỏi của tôi.

    "Thì.. chuyện tình cảm của mẹ và chú ấy tiến triển đến đâu rồi?".

    "Mẹ coi chú Minh là.. bạn thôi con!".

    "Vậy ạ? Thế mà con cứ tưởng..". Tôi trêu mẹ.

    "Cái con bé này..". Mẹ lườm tôi.

    Tôi cười cười, sau đó trở lại nghiêm túc.

    "Nhưng chú Minh thì.. lúc nào cũng coi mẹ hơn một bạn!". Tôi liếc mắt thăm dò. "Chú ấy không những rất quan tâm mẹ, mà còn rất tốt với con nữa. Vả lại, đến thời điểm hiện tại chẳng phải chú ấy đang là người ở lại lâu nhất sao?".

    "Ừ. Mẹ biết rồi!".

    Câu nói của mẹ nhẹ bẫng, nhưng tôi biết mẹ đang rất trăn trở. Mà lí do khiến mẹ phải nghĩ ngợi nhiều thế, là vì tôi. Vì lúc nào mẹ cũng sợ, khi có gia đình mới rồi mẹ sẽ không thể quan tâm và chăm sóc tôi được nữa. Thành ra, mẹ đã quên đi bản thân mình cũng cần được ai đó yêu thương, quan tâm và chăm sóc.

    * * *

    Sau hôm tỏ tình, những tưởng khoảng cách giữa tôi và Bình sẽ rộng mênh mang như mặt hồ chiều hôm ấy nhưng mọi thứ lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chỉ là tôi không hiểu sao, khi không có

    Bình ở cạnh, tôi lại rất hay nghĩ đến cậu ấy, rồi cảm thấy thiếu vắng gì đó.

    Thật khó hiểu.

    * * *

    Chú Minh lại ghé nhà tôi chơi. Lần này, ngoài một ít hoa quả tươi, chú còn mang đến một bó hoa cực đẹp. Lúc đứng nhìn chú Minh tặng hoa mẹ, tôi đã nháy mắt với chú rồi cười tủm tỉm. (Dĩ nhiên không phải vì vẻ ngoài có chút bối rối, ngượng ngùng như lần đầu tỏ tình của chú ấy).

    Mẹ tôi bất ngờ lắm, vì hình như mẹ cũng quên hôm nay là sinh nhật của mình.

    "Chú Minh chúc mẹ cháu điều gì đi chứ ạ?".

    "Con bé này..". Mẹ nạt tôi mà mặt đỏ bừng.

    Tuy nhiên chú Minh chưa kịp lên tiếng thì mẹ đã vội nói tiếp: "Anh đừng để ý tới con bé, nó còn trẻ con lắm! Em cảm ơn anh!".

    Tôi nhìn mẹ tỏ vẻ trách móc. Rồi tôi quay ra nhìn chú Minh nháy mắt.

    "Mẹ cháu cũng.. hơi hơi thích chú! À, mà không.. mẹ cháu cũng thích chú lắm đó!".

    Nói xong tôi thấy mặt mẹ hơi đỏ nên vội chạy đi luôn.

    * * *

    Chiều nay cậu có bận gì không, đi cùng tớ nhé!

    Tôi nhận được tin nhắn đó của Bình lúc trưa, khi đang chuẩn bị đi ngủ. Chẳng có lí do gì để từ chối Bình nên tôi nhắn lại đồng ý.

    Chiều. Bình đưa tôi đi dạo phố một lúc, rồi cùng vào nhà sách. Vì cùng thích văn học Nhật, nên chúng tôi đứng ở gian hàng đó rất lâu. Thấy Bình cứ nhấc lên, nhấc xuống hai cuốn trinh thám mới nhất của Higashino Keigo nên khi thấy cậu chọn một tôi đã bí mật mua cuốn còn lại.

    Và thật bất ngờ, khi rời khỏi nhà sách Bình cũng đưa cho tôi một cuốn sách và nói rằng đó là món quà cậu tặng tôi, chẳng cần vì dịp gì đặc biệt cả.

    Thời gian buổi chiều còn lại khá nhiều, nên tôi và Bình quyết định ghé qua Manzi. Không gian ở đây khá yên tĩnh, rất thích hợp để ngồi làm việc hay đọc sách. Hơn nữa, như Bình từng nói thì Manzi còn hơn cả một quán cà phê thông thường, bởi những tác phẩm thủ công, hay những bức tranh treo tường.. đều được sắp xếp, bài trí giống như một triển lãm nghệ thuật thực thụ.

    Tôi không am hiểu lắm về tranh và nghệ thuật, nên khi nghe Bình chia sẻ, tôi thấy khá thích thú. Chẳng biết có phải vì thế mà thời gian trôi nhanh hơn không, khi mới đó mà tôi và Bình đã phải ra về.

    Gần về đến nhà, bấc giác tôi giật mình khi Bình gọi.

    "An!". Bình ngừng lại vài giây. "Hôm nay có cậu đi cùng, tớ rất vui!".

    "Tớ cũng rất vui..".

    "Thế nên tớ mong sau này, dù có chuyện gì xảy đến đi nữa, chúng mình cũng sẽ mãi như này nhé được không?".

    "Được chứ! Mà sao tự nhiên lại nói mấy chuyện này?".

    Bình không trả lời câu hỏi đó của tôi. Nhưng nói tiếp.

    "Tớ thích cậu. Cũng không biết tại sao lại thích cậu nhiều như thế..".

    "Tớ.. tớ..". Tôi lí nhí không thành lời, còn mặt thì nóng ran, vì không nghĩ Bình nhắc lại chuyện này.

    "Cuối tuần này cho tớ biết câu trả lời của cậu nhé, được không An?".

    Bình thắng xe trước cửa nhà tôi. Và, đó thật sự là một tình huống cứu nguy cho tôi. Nhưng, khoảnh khắc thấy cậu nhìn tôi gãi đầu bối rối, tôi biết mình phải cho Bình một câu trả lời rõ ràng.

    * * *

    Vừa mở cửa bước vào nhà, mẹ đã nhìn tôi rất lạ.

    "Con đi đâu về mà mặt đỏ bừng thế kia?". Mẹ vừa dứt lời, tôi thảng thốt chạy ngay lên phòng, bỏ lại phía sau tiếng mẹ réo. "Đúng là chả ra làm sao. Làm gì thì làm, nhanh tay còn xuống ăn cơm con nhé!".

    Tôi nhìn lại mình trong gương lần cuối, để chắc chắn mặt mình không còn đỏ như một trái hồng chín nữa thì mới mở cửa phòng xuống nhà.

    Tuy nhiên, mẹ vẫn nhìn tôi khó hiểu. Còn tôi có vài điều muốn hỏi mẹ, mà chẳng biết nên bắt đầu thế nào.

    Cuối cùng thì..

    "Mẹ ơi, làm thế nào để biết mình đang thích một ai đó nhỉ?".

    "Sao hả con?". Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên. "À.. à.. có thể là hay nhìn (lén lút) người đó, thích nói chuyện, quan tâm đến người đó.. hoặc là hay nghĩ đến người đó rồi cười một mình chẳng hạn!". Tôi dạ một tiếng mà không dám ngẩng lên nhìn, vì bị mẹ bắt trúng tim đen. "Là cậu bạn hôm trước phải không?".

    "Không.. tụi con chỉ là bạn thôi". Tôi chối.

    "Bạn thì mặt có cần đỏ bừng lên thế kia không?". Mẹ nhìn tôi cười đắc ý.

    "M.. ẹ.. ẹ.. ẹ!".

    Mẹ nhìn tôi nhún vai. Tôi quyết định thành thật.

    "Thật ra bữa trước cậu ấy có.. tỏ tình với con. Chỉ là con không biết mình có thích cậu ấy không, nên chẳng biết đáp lại thế nào".

    "Tình cảm là thứ rất khó đoán định, nên đôi khi chúng ta phải cảm nhận bằng trái tim mình nữa con à! Ví dụ, trong một khoảnh khắc nào đó ki cậu ta quan tâm, lo lắng.. con thấy tim mình rung động chẳng hạn".

    Nếu như những gì mẹ nói, tôi cũng đang thích Bình nhiều lắm. Thế nhưng, tại sao tôi lại không dám thừa nhận là mình cũng đang thích cậu nhỉ?

    "Nhiều khi thương một người, chúng ta không biết là mình đang thương họ. Hoặc biết, nhưng lại luôn tìm cách phủ nhận tình cảm đó.

    Đó là bởi, chúng ta chưa đủ.. can đảm để yêu".

    Mẹ ngừng lại vài giây. "Hi vọng những gì mẹ vừa nói sẽ giúp ích được con!".

    "Dạ..".

    "Con nên sớm cho cậu ta biết câu trả lời".

    "Nhưng con thấy.. sợ!".

    "Sợ? Vì chuyện của bố mẹ sao?".

    Tôi lắc đầu, nhưng hình như (lại) đúng là vậy. Vì từ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, có những lúc tôi thấy mẹ rất buồn. Thậm chí, khi biết tin bố tôi có gia đình mới, tôi còn thấy mẹ lén lút đưa tay gạt nước mắt. Bây giờ tôi không biết mẹ còn thương bố nhiều không. Nhưng tôi sợ, nếu nhận lời Bình để bắt đầu, biết đâu một ngày nào đó tôi cũng sẽ tổn thương và buồn bã như thế?

    "Mẹ chưa khi nào ân hận vì ngày đó đã chọn bố con, dù sau này, mọi chuyện không như mẹ mong muốn. Có điều, khi mọi chuyện qua rồi, mẹ thấy mình mạnh mẽ hơn.. vì dám chấp nhận, dám đương đầu với những đau thương, mất mát".

    "Nhưng nếu quay lại, mẹ có chọn thương bố nữa không?".

    "Có. Nếu lúc đó, trái tim mẹ vẫn tìm về phía bố con. Vì thế, con hãy lắng nghe trái tim mình!".

    Tôi nhìn mẹ mỉm cười thật tươi. Có lẽ, vì do quá lo sợ tan vỡ, tổn thương mà tôi đã quên lắng nghe trái tim mình; quên mất, tôi cần can đảm hơn để yêu và được yêu. Nhận ra điều đó, tôi biết không cần phải đợi đến cuối tuần mới có thể cho Bình một câu trả lời rõ ràng. Tôi định chạy lên phòng để lấy điện thoại gọi cho cậu thì mẹ gọi.

    "Mà An này, nhờ câu chuyện của con mà mẹ cũng nhận ra một vài điều đấy!".

    Tôi nhìn mẹ, chờ đợi.

    "Những vết thương sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ của mẹ đã được khâu lành rồi. Vì đã luôn có con ở bên. Vì trong tình yêu, nếu như bắt ai đó phải chờ đợi quá lâu, có thể ta sẽ đánh mất họ mãi mãi..".

    "Thế nghĩa là..".

    "Mẹ sẽ nhận lời cầu hôn của chú Minh! Con không phản đối chứ?".

    "Con giơ cả hai tay ủng hộ. Đã đến lúc mẹ được hạnh phúc rồi".

    "Cảm ơn con!".

    Mẹ dứt lời, tôi chạy vội lên phòng để gọi điện cho Bình. Tôi sợ cậu phải đợi. Sợ nếu không nhanh, có thể tôi sẽ lạc mất cậu.

    Dù cái hẹn cuối tuần chưa đến.
     
  8. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    47. Truyện ngắn: Tớ.. Phải Đi Đây!

    Tác giả: Trang Vũ


    (Truyện ngắn in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngoảnh đầu lại tớ chỉ còn thấy những kỉ niệm đơn thuần của đôi mình. Thanh xuân của tớ, dừng lại nơi cậu...

    Thời gian dần chuyển đông, gió trời se lạnh của những tháng cuối năm, một tình yêu bé nhỏ ngây ngô cũng từ đó mà chớm nở. Bồi hồi, lo lắng khi tớ đang chuẩn bị cho "cánh cổng địa ngục" sắp bắt đầu. Thi định kì luôn là nỗi ám ảnh của học sinh chúng tớ khi đâu đâu cũng toàn là những công thức dày đặc và khó hiểu, những áng thơ ca khiến tớ chán nản và cả những dấu ấn lịch sử phải luôn khắc cốt ghi tâm dù chẳng thể phân biệt Quang Trung và Nguyễn Huệ.

    Tớ đang loay hoay với chồng sách vở sau tiếng trống ra về thì tờ giấy trắng được gói kĩ lưỡng trong lá cây bàng rơi từ mớ sách hỗn độn ấy. Tò mò mở ra thì tớ nhận ra nét chữ không mấy xa lạ của cậu - người tớ "thầm thích" từ rất lâu.

    (Chào cậu, tớ - người ẩn danh với đầy những tâm sự muốn dùng hết can đảm của một nam nhi để nói với cậu rằng... "Tớ... thích cậu". Đầu kì học, tớ và cậu như hai cá thể riêng biệt, chưa và cũng không muốn làm bạn với ai. Tình cờ, một cô gái xinh xắn nhưng chẳng mấy yểu điệu hay bánh bèo được xếp ngồi cạnh tớ.

    Thục này, cậu có một cái tên luôn khiến tớ đỏ mặt khi được nhắc đến hay bất giác ngẩng đầu lên mỗi khi cô giáo gọi. Thoạt đầu, ngoài sở hữu mái tóc như công chúa tóc mây thì cậu chả đem đến điều gì đặc biệt làm tớ phải chú ý. Nhưng có một điều, tớ dùng tâm lưu nhớ nhất ở nụ cười tỏa nắng ấm của cậu. Có đôi lúc bắt gặp những khoảnh khắc đáng yêu của cậu, tớ đều thấy trong cậu vẻ lạc quan, yêu đời nhưng thi thoảng lại buồn rầu vì những con điểm. Mấy khi, tớ lén trộm bút để giữ làm kỉ niệm nhưng cậu chẳng hay. Tất cả những điều đó khiến trái tim tớ bỗng tưng bừng như trống múa lân.

    Điều thầm kín trong tớ bấy lâu cuối cùng cũng được giải tỏa qua bức thư tay, có câu trả lời thì tớ chờ cậu vào giờ ra chơi chiều mai!)

    Tái bút "Người ẩn danh"

    Đọc xong, lòng tớ bỗng cảm thấy rối bời, những con chữ như đang nhảy múa trong tâm trí. Khoảnh khắc ấy tớ như muốn làm ngưng đọng thời gian để giữ trong ngăn chứa tuổi xuân ngây ngô của riêng mình. Trằn trọc cả đêm, tớ cuộn tròn mình trong chiếc chăn để trốn đi cái rét của mùa đông. Đầu óc suy nghĩ nhiều thứ bay bổng về tương lai của đôi mình mà không tài nào ngủ được. Việc học cũng bị "ngó lơ" vì bức thư của cậu.

    Đến trường với đôi mắt gấu trúc, tớ mong sao mà đến giờ ra chơi quá, tớ nóng lòng muốn được hồi âm bức thư của cậu và tớ muốn được gặp cậu biết nhường nào! Vừa vang lên ba tiếng quen thuộc, tớ chạy thật nhanh ra sân sau - nơi cậu hay tập bóng rổ mà không chút chần chừ. Gặp được cậu đầu óc thấy trống rỗng, kiến thức tình trường được truyền đạt bởi cái Lan bỗng không cánh mà bay.

    Ngượng ngùng...đi chậm rãi...mặt cúi gầm xuống đất...tiến đến bên cậu. Nhẹ nhàng, cậu đưa tớ chai nước thốt lên lời nói trầm ấm: "Cho Thục này, cậu uống đi".

    Tớ chẳng biết làm gì ngoài việc nhận lấy mà quên béng mất lời cảm ơn với cậu.

    "Thục ơi, cậu đồng ý với tớ à?" cậu khẽ hỏi bất chợt làm tớ hơi hoảng hốt. Sự ngập ngùng mãi khiến cậu mất kiên nhẫn, thở dài một hơi, cậu đứng phắt dậy, "Không sao, có lẽ tớ chưa đủ tốt, cảm ơn cậu vì đến đây gặp tớ, uống hết nước rồi hẵng đi nha! Tớ đi trước".

    "Tớ đồng ý" thẹn thùng đáp lại. Xấu hổ, tớ chạy thật nhanh về lớp học với khuôn mặt đỏ bừng như phát sốt. Tình yêu bé nhỏ của chúng mình như mầm non từ những ngày đầu tiên nhưng giờ đây, chớp mắt đã gần một năm rồi...

    Đếm ngược một tuần là Giáng sinh – đánh dấu ngày "cây mầm xanh" được vun trồng. Buổi tối ấy, cảnh vật sao yên tĩnh đến lạ, trăng vẫn tỏa sáng ở trung tâm của vạn ngôi sao, gió hiu hiu qua khung cửa sổ nhỏ bên phòng tớ.

    Ăn tối xong, lướt facebook, instagram như thói quen thì "Ting" có tin nhắn được gửi đến. Tớ vội vã xem thì trái tim tớ phút chốc siết lại, đau đáu vì hàng tin nhắn từ cậu: "Chào Thục, có lẽ đây là lần cuối tớ được chào cậu vì tớ phải đi xa Thục ạ! Ông tớ mất rồi...có lẽ tớ đang rất bình tĩnh để nói với cậu điều này, ngày mai tớ phải về Huế, rời xa chốn thành thị, xa cậu – người tớ thương, xa những buổi tan chiều được đưa cậu về nhà, buông bỏ những tháng ngày được vui vẻ cùng cậu, chia tay với sớm bình minh đón cậu đi học,... để chăm lo cho bà nội. Tạm biệt cậu, tớ...phải đi đây! Thanh xuân của tớ...dừng lại nơi cậu!".

    Khóc, đêm ấy tớ khóc rất nhiều, tớ chỉ biết khóc như đứa trẻ vừa chào đời. Ba, bốn, năm, sáu rồi bảy ngày tớ chưa ra khỏi bốn góc tường, ôm lấy những kỉ niệm mà gào khóc trong tâm can. "Bao giờ cậu về?" dấu chấm hỏi lớn nhưng sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời. Tớ - Thục phải tự mình đi trên con đường của riêng mình mà không có cậu – người vẽ nên thanh xuân cho tớ. Giờ phút này, tớ vẫn đỗi cô đơn, một mình trải qua mọi thứ. Chẳng mấy thay đổi nhưng có lẽ tớ quên cậu thật rồi! "Thanh xuân của tớ" mong cậu ở nơi xa vẫn sống tốt, "cây mầm non" từ rất lâu đã không còn sống nữa...Cảm ơn vì sự xuất hiện của cậu để Thục của năm ấy được thích, được quan tâm và thương cậu.

    "Tình yêu là một đóa hoa có thể mọc trên bất cứ mảnh đất nào, tỏa ra những điều kỳ diệu không thể bị cái lạnh của mùa thu hay băng giá của mùa đông khuất phục, nở rộ và ngát hương quanh năm, ban phúc cho cả những người đem tặng nó đi và những người nhận nó."
     
  9. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    48. Truyện ngắn: Bánh Tuổi Thần Tiên

    Tác giả: Hoài Hương


    (Truyện ngắn in trên báo mực tím)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tặng các bạn học trò ở Phương Lâm Đồng Nai

    Như một luồng điện chạy dọc sống lưng khi Nó bắt gặp phong bánh kem xốp vừa được bày ra cái rổ mây xinh xinh trong tiệc trà nhỏ buổi sáng cuối tuần gặp gỡ bạn bè. Không biết có phải vì bầu trời cao vời vợi xanh văn vắt qua màu nắng thủy tinh trong suốt pha lê, hay vì cái gió cao nguyên phả hơi ấm nóng mà Nó bỗng cay mắt...Ừ có một điều gì đó đang ùa về ...

    Chớp nhẹ mắt mấy cái như dằn cảm xúc, đề rồi ký ức như trong một ngăn bí mật được kéo nhẹ ra, Nó xuyên không thời gian tuổi 12 của mình, khi còn là cậu học sinh lớp 6 trường xã ở một tỉnh vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh, cái xã có cái tên rất đẹp, được các bậc cao niên giải nghĩa là "rừng thơm", nhưng lại gần như nghèo nhất huyện, nhất tỉnh.

    Làm học trò của xã nghèo, thì chẳng cần nói, ai cũng hiểu, ngay cơm gạo hàng ngày đủ 2 bữa cũng đã khó, nhà Nó tới 8 anh chị em sàn sàn trứng gà trứng vịt, ba má chỉ lo gạo khoai cho no bụng đám trẻ, còn anh chị em Nó sao dám nghĩ tới những cái bánh Tây, nhất là loại bánh kem xốp bên trong kẹp chút kem sô-cô-la, cắn một miếng, cảm giác tan chảy thơm ngọt tê cả người... Nó nhớ kỷ niệm đầu tiên được nếm vị bánh "thần tiên" đó, cũng trong một ngày nắng mật ong ở khu vườn trà nho nhỏ của gia đình, cũng vào tháng 6 như vậy...

    Bên cạnh vườn trà nhà Nó giáp với một vườn cây, tiếp là mặt sau ngôi villa rất đẹp, được xây dễ có hơn 10 năm, tường sơn màu vôi xanh nhạt, mái lợp ngói hồng, của một vị luật sư nổi tiếng trên thành phố, được dùng như nhà nghỉ cuối tuần của gia đình họ, đấy là Nó nghe ba má nói thế, chứ trí óc non nớt của Nó hồi đó chưa hình dung ra việc dành cả cái villa chỉ để làm nhà nghỉ cuối tuần. Nó chưa khi nào nhìn thấy gì ngoài cái cửa số có lắp kính màu nâu nhạt gần như lúc nào cũng đóng kín.

    Bữa đó vừa nghỉ hè, vườn trà cũng đang ra lứa búp non tơ xanh mướt, ba má lại bận mấy công việc thiện nguyện của xã, nên sáng sớm, khi mặt trời mới hừng lên xa xa, những búp trà còn đọng sương sớm, Nó và các anh chị đã ra hái trà, kẻo mặt trời lên cao thì các búp trà sẽ không còn ngọt, vị trà sẽ kém chất...

    Mải mê hái tới một lúc, thì Nó cảm giác hình như có gì đó hơi khang khác ngày thường, Nó liếc nhanh lên ô cửa sổ của căn villa. Á! Bất chợt Nó kên lên ngạc nhiên, tay lơi ra tuột vài búp trà vừa hái, mắt cắm dúi xuống gốc trà, mặt nóng bừng. Ôi! Trên ô cửa sổ, không phải đóng kín như mọi ngày, mà là một gương mặt con gái đẹp như búp bê Nó từng thấy trong cửa hàng đồ chơi ở thành phố, khi ba cho lên đó chơi, như là phần thưởng Nó được học sinh xuất sắc nhất trường trong năm học.

    Cho dù Nó chỉ là thằng bé 12 tuổi, không còi cọc đen nhẻm như chúng bạn đồng trang lứa, có phần khá bảnh trai, nhưng có lẽ trong tiềm thức bản năng, cảm giác cô bé xinh đẹp như thần tiên kia nãy giờ quan sát Nó hái chè, Nó chợt mắc cỡ, lúng túng, tay như thừa, hái hai búp chè thì để rơi một, Nó cứ cắm cúi hái... Mãi lúc lâu sau, có lẽ tính tò mò thắng, Nó lấy can đảm, nhìn lên, cửa đã khép lại như thường ngày. Chợt nó thấy tiêng tiếc, thấy hụt hẫng chút xíu, mà cũng chẳng biết vì sao.

    Cũng chả cần lâu, ngay buổi trưa, bọn trẻ trong thôn đã biết trong căn villa đó có một "Tiều thần tiên" xinh đẹp, xêm xêm tuổi của chúng, từ nhỏ đã mồ côi mẹ, ông luật sư cho về cùng bà vú nuôi, ở vài tháng hè, vì phải ra nước ngoài công tác, không mang theo được. Nhưng nhà đó kín cổng cao tườg, chẳng biết có cho "Tiểu thần tiên" đó ra chơi chung với bọn trẻ nghèo làng quê này không. Nó tự dưng thấy vui vui, Nó đã được nhìn thấy "Tiểu thần tiên", và "Tiểu thần tiên" cũng đã thấy Nó.

    Bọn trẻ và cả Nó chưa biết làm cách nào để gặp "Tiểu thần tiên", vì nhà đó khá biệt lập với dân cư trong thôn này, thì ngay ngày hôm sau, chúng nhận được thông báo từ bác trưởng thôn cho biết, villa đó mời tất cả bọn trẻ trong thôn sáng cuối tuần vào chơi. Ba ngày nữa mới tới hẹn. Phải nói đây là sự kiện mà trong đời chúng từ khi sinh ra ở cái thôn này chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày làm khách của villa sang trọng kia. Bọn trẻ hồi hộp, nôn nóng, đếm ngược từng ngày, mỗi lần tụ nhau sau bữa cơm tối, chúng lại tranh nhau đưa ra bao giả thiết, câu hỏi, tưởng tượng về villa đó, đặc biệt là "Tiểu thần tiên" luôn là chủ đề rôm rả, nhất là bọn con gái.

    Và ngày hẹn đã đến. Không biết có phải vì lần đầu làm khách của villa, hay vì villa có "Tiều thần tiên" mà tất cả bọn trẻ đều diện quần áo như đồ Tết, bọn con gái còn điệu hơn, đầu tóc thắt bím cài nơ, không bù xù rối tung như hàng ngày. Riêng Nó cũng diện một cái áo thun màu xanh non, đóng thùng trong chiếc quân jean xanh dương đậm, trước khi ra khỏi nhà, anh chị Nó đã chọc: Em tôi hôm nay bảnh tỏn như trai thành phố... Ôi, Nó cũng hồi hộp lắm... Dù gì "Tiểu thần tiên" đã biết mặt Nó.

    Lần đầu tiên bọn trẻ trong thôn được thấy bên trong villa, khi cánh cổng mở rộng, tất cả đều ồ lên khi nhìn thấy con đường nhỏ rải sỏi trắng muốt, hai bên là hàng cây hoa bất tử tím biếc, dẫn đến tận sân thềm villa. Sân hình bán nguyệt, rợp mát bóng đổ từ nhiều cây cổ thụ được trồng xung quanh, trong sân đã kê sẵn hai dãy bàn ghế bằng mây, trên đó bày bao nhiêu đĩa sứ trắng to nhỏ, ly, cả muổng, nỉa... Nhưng đó không phải tâm điểm mà bọn trẻ quan tâm, tất cả ánh mắt bọn con trai con gái đều dồn vào một cô bé, gương mặt đúng là xinh đẹp như búp bê, tóc dài thả bồng bềnh, mặc một cái váy hồng nhạt, mắt long lanh vui, môi như nụ hoa cười đón chào...

    Gần như tất cả bọn trẻ bỗng liếc nhau rất nhanh, một cái gì đó hình như đang vỡ trong tim, như một cú sốc, chúng không thể cất tiếng chào, "Tiểu thần tiên" của chúng ngồi trên xe lăn. Và tim Nó cũng tự dưng nhói lên, Nó rất muốn đến gần bên "Tiểu thần tiên" để nói một câu gì đó, mà sao chân Nó cứ như bị đá đeo... Mà thật lạ, trạng thái "tê liệt" đó qua rất nhanh, cả lũ ùa đến "Tiểu thần tiên", như bạn thân thiết, bọn con gái nhao lên hỏi liên hồi, bạn tên gì, bạn học lớp mấy, bạn học trường nào ở thành phố, bạn có anh chị em không... Bọn con trai thì tỏ vẻ im lặng, nhưng thực tình đang lắng nghe hết những câu trả lời của "Tiểu thần tiên". Còn Nó, Nó cũng đang cảm thấy một điều gì đó dù rất mơ hồ, ừ, mình sẽ bảo vệ bạn ấy khi bị ai ăn hiếp, khi ánh mắt "Tiểu thần tiên" nhìn về phía Nó như nhận ra câu bé hái chè hàng xóm.

    Qua bà vú nuôi, Nó và bọn trẻ được biết, hôm đó là sinh nhật "Tiểu thần tiên" tròn 12 tuổi, cô muốn được làm quen với các bạn trong thôn để được cùng chơi trong hè. Không thể diễn tả niềm vui trong tiệc sinh nhật "Tiểu thần tiên", bọn trẻ đã được một bữa vui chơi thoải mái trong villa vào buổi sáng kéo tới tận trưa hôm đó, "Tiểu thần tiên" ngồi xe lăn, được bọn con gái xúm xít chăm sóc, cũng tham gia các trò chơi nhiệt tình, cũng hò hét đấy phấn khích. Và một bữa trưa thịnh soạn với bao món lạ của thành phố do chính tay bà vú nuôi nấu đãi chúng, còn tiệc ngọt tráng miệng ngoài trái cây là các loại bánh chúng chưa bao giờ được ăn.

    Riêng Nó, chẳng biết vì sao, Nó tự đặt cho mình vị trí "vệ sĩ", trong lúc vui chơi, Nó vẫn luôn kín đáo để mắt đến "Tiểu thần tiên", chỉ sợ lỡ có gì xảy ra làm đau... Và hình như nhận ra điều đặc biệt ấy, thi thoảng "Tiểu thần tiên" lại đưa mắt về Nó gật nhẹ đầu, tỏ ý cảm ơn, tỏ ý mình ổn, rồi như để tỏ thêm thịnh tình của mình, cô cầm một gói bánh nhỏ, lăn xe đến gần bên đưa cho Nó: Bạn thử ăn bánh này xem, bánh kem xốp kẹp sô-cô-la, rất ngon. Nó bỗng bối rối, líu ríu xé gói bánh, lấy ra một phần nhỏ đưa lên miệng... Một chút xốp giòn mềm vỡ nhẹ trong miệng của lớp bánh kẹp, rồi một vị ngọt thơm có chút đắng nhẹ của sô-cô-la tan trên đầu lưỡi.. Ôi, má ơi, sao lại có thứ bánh ngọt thơm xốp mềm tuyệt đến thế. Nó bất chợt đỏ mặt khi thấy "Tiểu thần tiên" đang chăm chú quan sát nó ăn miếng bánh, "ngon phải không bạn"?

    Khi ra về, bà vú nuôi chu đáo đến cuối, chuẩn bị từ trước, đưa cho mỗi đứa một túi bánh kẹo mang về cho anh chị em ở nhà. Nó khi mang về nhà, lấy riêng ra gói bánh kem xốp sô-cô-la, còn lại cả túi để các anh chị em.



    Vị bánh kem xốp sô-cô-la mà Nó ngầm đặt tên "bánh tuổi thần tiên" đã theo Nó suốt những năm học trò, Nó nghiện loại "bánh tuổi thần tiên" này cho đến lớn. Mỗi khi đi đâu, nhìn thấy loại bánh này, Nó lại nhấm nháp vị bánh trong bồi hồi tái sinh ký ức, phục dựng ký ức, hồi sinh ký ức...

    Và chắc sẽ có ai hỏi "Tiểu thần tiên" đó bây giờ đâu? Như một cái kết đẹp, không biết có phải vì "Tiểu thần tiên" sống chan hòa với mọi người, mà sau đó đã chữa khỏi chân, không phải ngồi xe lăn, đặc biệt hơn nữa, hiện giờ nàng ấy đã là crush của Nó!
     
  10. Alissa Trên đời này không có Nếu Như vì thế đừng Hối Hận.

    Bài viết:
    1,858
    49: Truyện ngắn: Rừng Gỗ Tếch Tuổi Thơ

    Tác giả: Hoài Hương


    (Truyện ngắn in trên báo mực tím)​

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thân tặng người bạn trẻ ở Phương Lâm!

    Có một chút bồi hồi khi gần về tới nhà, Hoàng dừng lại nơi cánh rừng gỗ tếch của cha đang cuối mùa hoa. Hít một hơi thật sâu, thoảng trong gió mùi hương dịu nhẹ từ những chùm hoa vàng ẩn trong tán lá sum xuê, tiếng kêu của vài chú ve sầu còn sót lại của mùa hè xen lẫn tiếng chim lích chích rủ bầy, như đang kín đáo gợi lại cả chuỗi ký ức, hình như đang muốn ào ạt kéo về, đưa ngược lại thời gian, ừ, đã 10 năm xa khu rừng nhỏ, đã 10 năm chỉ được nhớ trong tưởng tượng ở cách hơn nửa vòng trái đất.. Giờ đây khu rừng có vẻ nhỏ hơn ngày xưa, nhưng những thân cây đã vươn thẳng cao tít tắp, lá cây đan vào nhau như một vòm xanh ngọc bích giống chiếc dù khổng lồ che một phần bầu trời xanh thăm thẳm tràn ngập nắng, dưới mặt đất, um tùm nhiều bụi dương xỉ, dây leo, hoa cỏ dại đủ màu, ánh nắng lọt qua kẽ lá, theo làn gió nhảy nhót như những đốm sáng vui nhộn, làm nên một bức tranh tự nhiên ngẫu hứng sinh động. Bất chợt, một chú sóc nâu thoăn thoắt như trượt từ trong vòm lá trên cao theo thân cây xuống, bỗng như giật mình khi thấy người, lại dáo dác quay ngược lên, biến mất, cái đuôi xù còn kịp phớt qua một đốm trắng chót đuôi..

    - Ồ, không biết có phải chú sóc Hoàng của mình ngày ấy? Hay là lũ con của nó? Ta đã về nè, không lẽ quên ta rồi sao?

    Năm Hoàng 6 tuổi, cha tặng cho Hoàng món quà sinh nhật là rừng cây gỗ tếch 1 năm tuổi với 600 gốc, và cha giao hẹn, mỗi năm đến ngày sinh nhật, Hoàng sẽ trồng thêm 10 cây nữa. Hồi ấy, nhớ lại, bước chân của chú bé 6 tuổi có chút hụt hơi khi theo cha tưới cho từng gốc cây vào mùa khô khát nước, nhưng bù lại, khu rừng có nhiều điều thú vị mà ngày ấy, ở vùng quê bán sơn địa khá heo hút, lũ trẻ không có gì để chơi, thì khu rừng trở nên một "thảo cầm viên" kỳ thú đầy những điều kỳ lạ. Cũng không biết từ đâu, mà khu rừng nhỏ có rất nhiều sóc kéo về, và mau chóng chúng trở thành bạn với Hoàng và lũ trẻ trong xóm. Rừng tếch lúc đó chỉ mới nhinh nhỉnh, thưa thớt, cây chưa đủ lớn, lá cũng chưa khép tán, nhưng có lẽ mỗi chiều thấy lũ trẻ con chạy chơi náo nhiệt ồn ào, bày đủ trò trong khu rừng mà bầy sóc từ những cánh rừng tếch cổ thụ rậm rạp kế bên không cầm lòng nổi nên kéo sang chơi chung. Hoàng nhớ khi ấy, lũ trẻ nhìn theo đặc điểm từng con sóc mà "xí" chủ quyền và đặt tên, những cái tên chỉ có lũ trẻ ngày ấy ở vùng này mới nghĩ ra, đầy ngộ nghĩnh: Xù, Lác, Đốm, Lang, Mén, Cồ, Nai Rịa, Rí Rang, Lộc Dã, Lộc Nai, chưa kể, mỗi đứa lấy ngay tên mình đặt cho con nào thích nhất. Coc sóc Hoàng là con lớn nhất, lông nâu nhạt, có viền khoang cổ màu trắng, có bộ lông đuôi xù rất đẹp, chót đuôi có một túm trắng khá lạ, trong góc tối như phát sáng, và có lẽ lạ nên như là thủ lĩnh đầu đàn của bầy sóc. Chúng cũng khá trật tự, chỉ khi nào thấy con sóc Hoàng nhảy xuống đất, thì cả bầy sóc cũng ùa xuống quấn lấy bọn trẻ và bầy cuộc chơi. Hoàng và bọn trẻ cũng rất biết chiều lũ sóc bạn, hay mang những thứ trái cây vườn nhà như ổi, chuối, xoài, mít chín ngọt.. Mà cũng không hiều sao lũ sóc này lại rất mê trái cây, chúng đánh chén bằng hết các loại trái mà bọn trẻ mang tới đãi đằng các bạn 4 chân của rừng. Nhìn lũ sóc nhanh nhẹn đưa hai chân trước lên rất khéo léo như hai cánh tay đỡ lấy những miếng trái được bọn trẻ cắt nhỏ, đưa lên miệng ăn ngon lành, chỉ có trẻ Phương Lâm nơi rừng tếch mới được cái thú vui này.

    Năm Hoàng lên lớp 9, rừng tếch đã cao lớn phát triển nhiều tầng nhiều tán, đứng dưới gốc cây phải ngửa cổ thẳng lên mới thấy ngọn cây, thích nhất là khi đi trên đường lộ, rừng tếch của cha đã hòa vào màu xanh miên man của những cánh rừng gỗ tếch dọc hai ven đường, như một vệt xanh lơ lửng kỳ diệu trong không gian của vùng đất Đồng Nai với bao sự tích thần thoại miền đá sỏi cổ xưa.. Lũ trẻ bạn Hoàng cũng đã có nhiều trò chơi mới trong khu rừng, không chỉ là chơi với lũ sóc mà còn sưu tầm các loài côn trùng, ngoài bắt dế, ve, chuồn chuồn, bọ ngựa, còn "săn" những loài côn trùng mang dáng vẻ cổ đại kỳ quái đã được đặt tên như con bổ củi, bọ rùa, cánh cam, và nhiều loài khác không biết gọi là gì, bọn trẻ đặt theo hình dáng, màu sắc: Bọ đá xám, bọ đá lửa, bọ củi khô, bọ lá úa, cho chúng đấu nhau những cuộc thư hùng, sau cuộc chơi, lại thả chúng về rừng. Riêng lũ con gái thì luôn mê mẩn mỗi khi mùa tếch nở hoa khuyến dụ các loài bướm rực rỡ, như cư dân thần tiên lạc xuống quấn quýt những chùm hoa, thú nhất là cả đám lấy vợt bắt bướm nhốt vào một cái túi vải, sau đó cuối buổi, 1-2-3, tất cả các túi mở ra, hàng trăm cánh bướm vụt bay chấp chới óng ánh màu mây ngũ sắc trong nắng chiều, tạo một khung cảnh diễm lệ khó bút nào tả xiết..

    Hoàng nhớ những lần cùng các anh chị đi lượm lá tếch vào mùa khô, cả một rừng cây bạt ngàn xanh mỡ màng hôm trước, bỗng một sớm mai chuyển mùa, cứ từng vạt lá đổi thành màu vàng nắng, rồi như có một phép lạ thần bí, từng cơn gió nóng rát bỏng tràn qua, rừng lá tếch rùng mình rụng ào ào, gần như không còn sót chiếc nào trên thân cây, tạo một cảnh quan đấy ấn tượng với những thân cây cao thẳng, da vàng xám, vài cành khẳng khiu đâm ngang, in lên bầu trời xanh lồng lộng, như một bức tranh cổ đại ngàn năm triệu năm của miền đất cổ huyền bí này. Những chiếc lá tếch vàng đỏ, với người nông dân ở đây là một nguồn lợi tạo chất đạm thực vật cho cây trồng bằng cách ủ lá tạo men vi sinh, rồi bón cho cây, sau này Hoàng còn biết, đây cũng là dịp người dân vùng này có thêm thu nhập khi thu nhặt lá khô, có những Công ty nuôi trồng thực vật họ mua để tạo thành một loại mùn đất dùng trồng cây thực phẩm sạch..

    Nhưng với Hoàng và bọn con trai lại có thú vui lá khá đặc biệt. Những chiếc lá hình trái xoan, hình trứng ngược hoặc gần hình tròn, đỉnh nhọn hình tim, được bọn con trai mang về, ngâm vào nước, rồi từ từ tỉ mỉ và thận trọng tách phần xác lá, chỉ để lại gân, thành những chiếc lá mỏng manh, rồi sau chúng lại gắn vào với nhau thành một chiếc quạt lá, và mang tặng cô bạn học nào thật quý mến, đôi khi những chiếc quạt lá đó là một thước đo ngầm giữa bọn con trai, ai hơn ai, và lũ con gái thì cũng khoe ngầm sự khéo của cậu bạn mình khi cầm chiếc quạt lá trên tay.. Hoàng nhớ, cái quạt lá đầu tiên mình tặng cho cô bạn ngồi cùng bàn có chiếc răng khểnh rất duyên, học cực giỏi, cả đám con trai cùng lớp đều ngưỡng mộ tài học của cô. Vâng! Cho tới giờ, Hoàng vẫn khó quên cái khoảnh khắc mà sau này hay nói vui là "khoảnh khắc đầu đời chạm vào tình yêu" của tuổi 15. Và khó mà quên ánh mắt đen thăm thẳm, trong veo của cô bạn nhìn Hoàng nửa ngạc nhiên, nửa thân thiện, nửa có chút e thẹn lúng túng, khi nhìn thấy chiếc quạt lá hình trái tim.. Ừ mà sao hồi đó Hoàng lại chọn được những chiếc lá tếch hình trái tim, rất hiếm trong đám lá khô như rải thảm cả khu rừng?

    - Ôi, cậu khéo tay quá. Làm sao cậu có thể tạo ra chiếc quạt lá đẹp như thế này?

    - Mình vẫn thấy chưa ưng ý lắm, nhưng thật sự khi làm mình nghĩ đến cậu.

    Chỉ thế thôi, mà hình như trong trái tim Hoàng đã rung lên vài nhịp khác thường, rất trong trẻo nhưng cũng rất ngọt ngào.

    Mùa hoa tếch năm lớp 12 cũng là mùa bọn trẻ chia tay nhau để mỗi đứa đi về một chân trời tương lai của riêng mình. Hoàng nhớ cuộc chia tay với cô bạn học trước ngày đi du học trong rừng tếch đang trổ đầy hoa, những cụm hoa lớn hình chùy, vàng như màu nắng ban mai, thơm dịu dàng đến nao lòng. Khi hai đứa cầm tay nhau, nhìn vào mắt nhau, một khoảnh khắc hình như tim cùng đập một nhịp, không nói gì, vì tiếng ve ồn ã khắp khu rừng, nhưng lại thầm hiểu nhau là một lời hứa, sẽ cùng nhau học hành và thành đạt. Chỉ thế thôi, nhưng là một trong veo tình thơ học trò để nhớ để thương để vấn vương như một chiếc lá tếch mà Hoàng mang theo trên cả hành trình xa xứ thu gom sàng khôn thiên hạ. Những chiếc quạt lá tếch đã vào một ngăn ký ức đẹp tuổi thơ học trò hồn nhiên, mà thi thoảng, Hoàng lại hé ra để nhớ đến cồn cào, nhất là những năm xa nhà đi du học, trong rất nhiều nỗi nhớ, là nhớ rừng gỗ tếch của cha và bao kỷ niệm thời niên thiếu cùng bạn bè nơi khu rừng cổ tích đó.

    10 năm xa, không chỉ học mà Hoàng đã có chút thành đạt ở xứ người, và lúc này là cuộc trở về quê hương, về nhà, để mang những gì tốt đẹp phụng sự như trả ơn quê nhà, trả ơn công sinh công dưỡng của cha mẹ. Rừng gỗ tếch cuối mùa hoa đã lác đác vài cụm trái non xanh màu ngọc bích nhỏ xíu, chú sóc nâu có lẽ khá tò mò và dạn dĩ hơn, chắc là đã quan sát vị khách đang đứng lặng bên rừng cây nãy giờ từ trên cao vòm lá, lại bò xuống rồi dừng lưng chừng và nhìn vào Hoàng với con mắt lóng lánh tinh nghịch như muốn trò chuyện..

    Ôi! Tính từ khi cha tặng cho rừng tếch sinh nhật 6 tuổi, chớp mắt đã hơn 20 năm trôi qua với bao thay đổi không chỉ riêng vùng đất Đồng Nai quê Hoàng, nhiều khu rừng đã biến mất, nhưng những cánh rừng gỗ tếch thì hình như vẫn giống trong ký ức tuổi thơ, vẫn thật xanh thật mát thật nhiều ẩn giấu những thú vị mà chỉ trẻ em vùng này mới đủ kiên nhẫn và thân thiện để có thể khám phá, trò chuyện và kết bạn..
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...