Phúc Ông Tự Truyện Tác giả: Fukuzawa Yukichi Reviewer: Nguyễn Ngọc Minh Trong bài viết trước.. đã giới thiệu tác phẩm Khái lược văn minh luận của tác giả Fukuzawa Yukichi. Đối với nước Nhật, Fukuzawa Yukichi là một con người vĩ đại, là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ sau học hỏi những giá trị tốt đẹp của ông. Như đã từng đề cập, ông là một chính trị gia, nhà tư tường, nhà giáo, dịch giả, nhà đấu tranh xã hội và là võ sĩ. Các tác phẩm của Fukuzawa Yukichi chính là nền cơ sở tư tưởng để xây dựng một nền văn minh Nhật Bản hiện đại như ngày nay. Vì vậy, nói không ngoa rằng Fukuzawa là một người "Cha lớn" đã khai sinh ra nước Nhật hiện đại. Để thể hiện lòng biết ơn và ngưỡng mộ sâu sắc của nhân dân Nhật Bản đối với ông, hình ảnh Fukuzawa Yukichi đã được in trên tờ 10.000 Yen, là tờ tiền có mệnh giá cao nhất trong hệ thống tiền tệ của Nhật Bản từ 2004 đến nay (2023). Cuộc đời của Fukuzawa Yukichi đã trải qua rất nhiều sự kiện lớn nhỏ của lịch sử, và chính bản thân ông cũng tham gia và quá trình hình thành nên dòng thời gian. Vì vậy, ông đã chiêm nghiệm lại đời mình và biên soạn ra tác phẩm "Phúc ông tự truyện" (Fukuo Jiden) được hoàn thành và xuất bản năm 1898, khi Fukuzawa Yukichi 64 tuổi. Trong tác phẩm này, ông đã thuật lại một cách chi tiết đầy thú vị về cuộc đời của mình trong 15 chương sách, trong mỗi chương lại chia thành những phần nhỏ khác nhau, bắt đầu từ những năm tháng thời thơ ấu, đến quá trình học tập, làm việc cho Mạc Phủ, những lần được đi công tác ở Mỹ và châu Âu, thành lập trường Khánh Ưng nghĩa thục cùng những sự việc khác xoay quanh. Ngoài ra, "Phúc ông tự truyện" là một trong những tác phẩm đi đầu trong dòng sách tự truyện sau này của Nhật Bản. Đọc Phúc ông tự truyện, độc giả sẽ được cảm nhận một nước Nhật thời kỳ Mạc Mạt, cùng với các sự kiện lớn như phong trào Nhương Di, Duy tân Minh Trị một cách đầy sinh động, cùng với những sự vật, sự việc rất "đời" thông qua lời kể chân thật, giàu nhạc điệu, hấp dẫn nhưng cũng rất giản dị của tác giả. Vì vậy, tự truyện của ông còn mang giá trị tham khảo, nghiên cứu lịch sử cao đối với những người yêu thích lịch sử nước Nhật. Qua lời tự bạch của Fukuzawa Yukichi, độc giả sẽ thấy được rằng bản thân ông cũng chỉ là một con người bình thường như chúng ta. Trong quá trình đọc, ta sẽ dần nhận thấy điều khiến ông trở thành một con người vĩ đại, chính là từ khả năng tự học của ông. Sau khi đã được học những kiến thức Nho học, Hán học được phổ biến thời bấy giờ, Fukuzawa Yukichi quyết tâm phải theo Lan học (học hỏi Hà Lan) khi nhận thấy người nước ngoài có những kiến thức từ khoa học kỹ thuật, đến triết học đều tiến bộ hơn nền Hán học mà Nhật Bản vẫn đang sử dụng từ xưa đến nay. Vào ngày 8 tháng 7 năm 1853, Phó đề đốc Matthew Perry của Hải quân Hoa Kỳ cùng với đoàn hắc thuyền của mình tiến vào cảng Edo (Tokyo), sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của mình để yêu cầu Mạc Phủ phải mở cửa thông thương với phương Tây. Sự kiện trên đã tạo một tiếng vang lớn trên toàn nước Nhật trong thời gian ngắn. Năm sau đó, năm 1854, Perry trở về với bảy con tàu và ép Shogun của Mạc Phủ ký "Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị", thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Sự kiện trên đã gây ảnh hưởng lớn đối với toàn nước Nhật. Giao thương giữa Nhật Bản và phương Tây không còn bị giới hạn ở Nagasaki mà được mở rộng ra khắp cả nước. Fukuzawa Yukichi dần nhận thấy, Hà Lan dần mất vị thế độc tôn trước đó của mình, mà thay vào đó là sự phổ biến của các tàu thương buôn từ Anh và Mỹ. Trong thời thế này, Fukuzawa Yukichi đã theo đuổi một con đường hoàn toàn mới, chính là học tiếng Anh để tiếp cận được nền học thuật Anh, Mỹ thay vì Hà Lan. Trước ông, có rất ít người Nhật Bản biết tiếng Anh. Fukuzawa Yukichi phải tự học một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới chủ yếu thông qua từ điển, sách vở. Một thời gian sau, chính vì biết được tiếng Anh, ông mới có thể được đi Mỹ. Những lời kể trên của tôi, tuy chỉ tóm lược rất sơ sài về việc Fukuzawa lựa chọn theo đuổi một con đường mới so với những người cùng thời đã cho thấy rằng ông là một người có ý chí mạnh mẽ, cùng sự nhẫn nại và nghị lực phi thường. Đó là một trong những yếu tố chính khiến ông trở thành một con người vĩ đại như vậy. Thông qua tự truyện về chính cuộc đời mình, Fukuzawa Yukichi đã cho người đời nhìn nhận, đánh giá cuộc đời của mình một cách đầy khách quan. Bởi lẽ, trong chính quyển sách này, ông đã thẳng thắn thừa nhận những thói hư tật xấu cùng những việc làm mà tự bản thân ông cảm thấy là sai trái. Từ đó, ta thấy được một tâm hồn đầy khiêm cung, chân thật. Fukuzawa Yukichi dù là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn tới nước Nhật, nhưng qua lời tâm sự của ông, độc giả có thể biết được ông không phải là người có tham vọng đối với quyền lực. Đồng thời, ông cũng kể về cách dạy các con của bản thân. Các con ông có đủ trai lẫn gái, nhưng ông đều yêu thương các con như nhau, không phân biệt nam nữ. Và dù ông rất chú trọng việc giáo dục kiến thức và đạo đức cho các con, nhưng ông vẫn đặt sức khỏe của các con mình lên hàng đầu. Từ đó, ta cũng có thể thấy Fukuzawa Yukichi là một người cha mẫu mực với phương pháp dạy con rất tiến bộ trong bối cảnh thế kỷ 19. Những giá trị mà cuốn tự truyện của Fukuzawa Yukichi đem lại không chỉ là những bài học từ quá khứ, mà còn mang tính thời sự đối với những con người sống trong thế kỷ 21 ngày nay. Việc đọc tác phẩm "Phúc Ông tự truyện" sẽ giúp độc giả hiện tại hiểu thêm về một quá khứ đầy sống động của cuộc đời một con người vĩ đại vào những năm cuối thế kỷ 19 ở Nhật Bản.