Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong đoạn Từ trên tàu bay… bản đồ lai chữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tructam2301, 18 Tháng hai 2023.

  1. tructam2301

    Bài viết:
    9
    Ta thường say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm bình minh hơn ráng mây buồn khi chiều tà khuất lối? Ta rung động trước những đóa hoa lung linh dưới ánh nắng hơn những cánh hoa hồng đã tàn úa không còn sức sống? Cuộc đời con người là một cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và vì cái đẹp mà tồn tại. Văn chương không ngoại lệ. "Niềm vui của nhà văn chân chính là suốt đời đi tìm cái đẹp". Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Tuân trong tuỳ bút "NLĐSĐ" đã thể hiện rõ nét khuynh hướng thẩm mỹ đó. Dưới ngòi bút của ông, sông Đà hiện lên hung bạo như một loài "thuỷ quái" nhưng cũng thật êm đềm, trữ tình làm sao.

    Nhà văn và sông Đà tình cờ gặp nhau trong chuyến công tác lên Tây Bắc năm 1960. Con sông hiện lên trước mắt ông như một sự hùng vĩ của thiên nhiên. Vậy nên, mới gặp sông Đà thôi nhưng cứ như người bạn tri kỉ bấy lâu nay không gặp. Chuyến đi thực tế những năm 1958-1960 ấy đã thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, đi để tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp Tây Bắc, tìm ra thứ "vàng mười" đã qua thử lửa trong vẻ đẹp của con người nơi đây. Ngòi bút tài hoa của tác giả đã vẽ lên hai hình tượng sông Đà cùng với hai nét tính cách riêng biệt. Bên cạnh sự hung bạo, dòng sông ấy còn hiện lên với nét nên thơ, trữ tình.

    Nếu ví sông Đà ở thượng nguồn như một bản trường ca với những cung bậc khi mãnh liệt lúc réo rắt ngân vang thì đoạn văn miêu tả sông Đà ở vùng hạ lưu là một khúc ca êm ái. Nguyễn Tuân đã quan sát sông Đà ở nhiều góc nhìn. Đầu tiên là từ trên cao nhìn xuống, vẻ đẹp của sông Đà được tác giả cảm nhận "như chiếc dây thừng ngoằn ngoèo." Phép so sánh ấy đã cụ thể hóa hình dáng mềm mại của sông Đà giống như ca dao xưa ví dòng sông uốn lượn như hình con long con phượng trên núi rừng Tây Bắc. Con sông Đà dưới mực bút của tài hoa của tác giả không chết cứng mà vận động một cách mạnh mẽ, sôi nổi, tác động mạnh vào giác quan người đọc. Độc giả có thể hình dung sông Đà như có linh hồn, con sông mà "hằng năm và đời đời làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò sông Đà." Có lẽ chính vì thế mà sông Đà được gắn với câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh:

    "Núi cao sông hãy còn dài

    Năm năm báo oán đời đời đánh ghen"

    Dòng sông Đà không chỉ có những "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên đá" mà nó còn là một bức tranh thuỷ mặc vương vấn người đọc. Dòng sông mang vẻ đẹp của một thiếu nữ Tây Bắc vừa kiều diễm vừa hoang dại đầy sức hấp dẫn "con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai". Câu văn như một câu hát êm ái, mang đến cho tâm hồn người đọc những rung động tinh vi, những cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng. Ở đây, Nguyễn Tuân đã có cho mình cách dùng từ đặc biệt đến độc đáo. Từ "áng" vốn là từ thường đi liền với tác phẩm văn học lớn nhưng nhà văn lại dùng từ "áng" để miêu tả một dòng sông. Bằng cách này, nhà văn đã khiến người đọc cảm nhận dòng sông Đà giống như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Tác giả thật tinh tế khi sử dụng hai từ "áng tóc" chứ không phải "mái tóc" cho ta thấy rõ hơn cái vẻ quyến rũ, hết sức gợi cảm của một cô gái trẻ đang độ xuân thì. Dòng chảy uốn lượn của Đà giang như một áng tóc trữ tình buông dài vắt ngang qua núi rừng hùng vĩ. Đẹp lắm, duyên dáng lắm! Tác giả vận dụng những câu văn dài, ít ngắt quãng để gợi tả độ dài của sông Đà và mái tóc của người thiếu nữ. Điệp ngữ "tuôn dài" cùng nhịp văn mềm mại như ru tạo nên vẻ đẹp uyển chuyển thướt tha của dòng sông cùng với dòng chảy êm đềm. Phép so sánh dòng sông như một "áng tóc trữ tình" là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Phép so sánh ấy đầy chất thơ, chất họa, chẳng những phô ra được vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng, kiêu sa của sông Đà mà còn bộc lộ chất phong tình, lãng mạn của người nghệ sĩ. Dòng Đà giang giờ đây tựa như một nàng thiếu nữ xuân sắc đang buông hờ mái tóc làm duyên làm dáng giữa mùa hoa ban hoa gạo dưới vẻ đẹp bồng bềnh của mây khói. Hình ảnh "ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc" và phép so sánh mây trời ấy "cuồn cuộn như mùi khói núi Mèo kín đáo" đã làm tăng thêm vẻ đẹp hư ảo, kín đáo, e ấp của dòng sông. Thần sắc của thiên nhiên được Nguyễn Tuân miêu tả với vẻ đẹp rất riêng, rất lạ, rất thơ. Khói núi Mèo mà người đồng bào Tây Bắc đốt nương mỗi khi Tết đến cũng khiến người ta nao lòng đến lạ. Tây Bắc muôn đời vẫn đẹp, sông Đà hung bạo đến đâu cũng có lúc kiều diễm như một cô gái trẻ bùng cháy sức xuân. Bao nhiêu vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình quyến rũ của đất trời đã ùa về thức dậy trong câu văn của Nguyễn Tuân - "người thợ hoàn kim của chữ" (Hoài Thanh).

    Vẻ đẹp thơ mộng trữ tình thơ mộng của sông Đà còn được thể hiện ở màu sắc nước đặc biệt của dòng sông. Mê đắm trước vẻ đẹp của Đà giang, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra sự thay đổi và biến chuyển của màu nước trên sông. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp lạ lùng, quyến rũ như một mỹ nhân với những điệu nghệ làm say đắm lòng người. Soing Đà luôn làm mới, làm đẹp chính mình, sắc nước sông Đà thay đổi theo từng mùa, mỗi mùa một vẻ đẹp riêng. Tác giả đã say sưa mê đắm, chiêm nghiệm vẻ đẹp của con sông này để cất lên những trang viết như thứ men say gửi đến bạn đọc. Nếu như Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn dòng sông Hương với ánh ban mai rực rỡ tạo nên cái sắc "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" khiến cảnh sắc thiên nhiên đôi bờ như một đóa phù dung mĩ miều thì Nguyễn Tuân lại viết về sông Đà với những cảm quan nhạy bén. Bằng sự hiểu biết của mình, nhà văn chỉ ra rằng sắc màu nước của Sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân nước sông Đà xanh ngọc bích chứ không "xanh màu xanh canh hến của sông Lô sông Gâm". Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc - một màu sắc gợi cảm trong lành. Đó là sắc màu của nước, của núi của da trời đầy trẻ trung sức sống. Mùa thu, nước sông Đà "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa", "lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội mỗi độ thu về". Câu văn sử dụng phép so sánh đặc sắc khiến người đọc hình dung được sắc nước của dòng sông. Cái màu đỏ lừ ấy như chứa đựng một sức sống tiềm tàng, bên trong chứa hàm lượng phù sa lớn bồi đắp đôi bờ sông. Có lẽ chỉ Nguyễn Tuân mới thấy, mới cảm, mới viết lên được. Bên cạnh đó nhà văn còn bộc lộ tình yêu quê hương tình yêu đất nước, ông nhận thấy dù có đa sắc màu nhưng nước Sông Đà chưa bao giờ đen như "bọn thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra đổ thứ mực Tây vào rồi gọi bằng một cái tên láo lếu. Và nhờ sự thay đổi màu nước ấy đã khiến cho dòng sông luôn mới mẻ. Qua những câu văn miêu tả tinh tế về màu sắc nước Sông Đà, Nguyễn Tuân dựng lên cả một thế giới thiên nhiên mở rộng, tươi đẹp, làm nổi bật được cái trữ tình, thơ mộng của con sông nơi địa đầu tổ quốc trên trang viết tựa như" một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm. "

    Qua đoạn văn ngắn thôi, ta thấy ngòi bút của Nguyễn Tuân thật tài hoa sáng tạo. Ông đã có một sự quan sát tỉ mỉ, ngôn từ nhạy bén gợi tả gợi cảm kết hợp với những biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa độc đáo.. tất cả đã đem đến cho sông Đà một vẻ đẹp vừa hiện thực vừa huyền ảo lại rất duyên dáng dịu dàng, giàu chất thơ. Ta cũng có thể cảm nhận được trái tim say mê vẻ đẹp, yêu thích cái đẹp của tác giả. Chính lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng tự hào về một dòng sông kết hợp với tài năng nghệ thuật của mình mà nhà văn đã tạo nên những trang tuỳ bút hiếm có.

    Leonop đã từng khẳng định:" Một tác phẩm hay phải là một phát minh về hình thức, khám phá về nội dung ". Bên cạnh việc xây dựng thành công hình tượng con sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân còn gieo vào lòng bạn đọc những yêu mến tự hào về cỏ cây, sông núi quê hương cùng khát khao đi tìm kiếm cái đẹp hướng tới và sáng tạo cái đẹp của mình. Trang sách khép lại rồi mà dường như tâm hồn của độc giả vẫn đang trôi mênh mang trên dòng sông" hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa."
     
    pdung12, PhonghauLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...