Phân tích vẻ đẹp sông Hương khi chảy trong lòng thành phố Huế - Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Dautaycutee, 26 Tháng năm 2024.

  1. Dautaycutee

    Bài viết:
    7
    Cảm nhận hình tượng Sông Hương trong đoạn trích "Từ đây như đã tìm đúng đường về [..] tứ đại cảnh"

    "Quê hương tôi có con sông xanh biếc

    Nước gương trong soi tóc những hàng tre

    Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

    Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng"

    (Nhớ con sông quê hương-Tế Hanh)

    Việt Nam ta một một đất nước có đặc điểm địa lý đặc biệt, với thống sông ngòi chảy dài khắp mảnh đất hình chữ S, từ bao đời đã in sâu vào văn hóa, lịch sử và tiềm thức của mỗi người con đất Việt và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong thơ ca. Từ thuở vua Hùng mới bắt đầu dựng nước bên dòng sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, đến những ngày chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Bởi thế nên khi nhắc nhở về quê hương yêu dấu, về mảnh đất chôn rau cắt rốn, người ta vẫn thường tha thiết, nặng tình về một dòng sông thương nhớ đã gắn với quê cha đất tổ bao đời. Đó có thể là dòng sông Lô hùng tráng gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao, cũng có thể thấy hình ảnh sông Đuống với vẻ đẹp lấp lánh trong thơ của Hoàng Cầm, dòng sông Mã anh hùng trong trang thơ của Quang Dũng. Hay với Nguyễn Tuân một nhà văn ưa "xê dịch" thì đó là dòng sông Đà hùng vĩ, dữ dội, nhưng cũng mang những vẻ thơ mộng, trữ tình. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn chuyên về bút kí, cũng không ngoại lệ, ông lưu giữ trong tim mình dáng vẻ của dòng sông Hương ngàn năm soi bóng kinh thành cố đô trong tác phẩm bút ký nổi tiếng "Ai đã đặt tên cho dòng sông?".

    Đoạn trích đã khắc họa vẻ đẹp của dòng sông Hương trong lòng thành phố được nhà văn thể hiện một cách đầy tinh tế và sinh động: "Từ đây như đã tìm đúng đường về [..] tứ đại cảnh"

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là tác phẩm đại diện mẫu mực cho thể loại ký trong văn học Việt Nam hiện đại, đồng thời cũng là gương mặt xuất sắc nhất trong số các tác phẩm ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm viết tại Huế vào năm 1981, xuất bản vào năm 1986 trong tập sách cùng tên. Nhan đề "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một nhan đề lạ và hấp dẫn, đó là nỗi trăn trở, bâng khuâng về cội nguồn của dòng sông, là cảm hứng khơi nguồn cho nội dung của bài kí, thể hiện tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm. Qua đó, vẻ đẹp của dòng sông Hương hiện lên phong phú và đa dạng ở nhiều phương diện: Thiên nhiên, lịch sử, văn hóa.

    Thủy trình của sông Hương chảy qua thượng nguồn đầy hoang sơ man dại, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng, dịu dàng, nữ tính. Ở ngoại vi thành phố, đó là hình ảnh sông hương hiện lên với vẻ đẹp nữ tính, đầy thơ mộng, và ở đoạn trích này là vẻ đẹp của sông hương ở trong lòng thành phố.

    Khi chảy vào thành phố Huế, sông Hương như tìm thấy mình khi gặp thành phố thân yêu, nó vui hẳn lên giữa những bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long. Dòng sông "kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hương Tây Nam - Đông Bắc", Tác giả thấy nhịp cầu với hình bán nguyệt in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Có thể nói liên tưởng, so sánh ấy thật hợp lí và bất ngờ và cũng thật nên thơ bởi so sánh ấy đã nói được hình dáng, màu sắc của cây cầu và dường như nhịp cầu có phản chiếu một ít ánh sáng. Hình bán nguyệt bừng sáng ở phía xa ấy như vành trăng non để liên tưởng có tiếp ở người đọc là ánh mắt của người thiếu nữ. Tự "uốn một cánh cung rất nhẹ nhàng sang đến Cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi" như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu. So sánh này thật là độc đáo, tài hoa và tinh tế. Tác giả đã so sánh với những cái khá mơ hồ nhưng lại gợi được những liên tưởng: Cô gái ấy thuận tình nhưng lại không nói ra vì e lệ. Điều này làm ta liên tưởng đến nét đẹp của cô gái xứ Huế tình tứ, duyên dáng mà vẫn e lệ, vẫn kín đáo. Sông Hương duy nhất thuộc về một thành phố, nó là niềm tự hào của xứ Huế và của con người Huế bởi nó đem một nét đặc trưng riêng mà không dòng sông nào có được. Nghệ thuật nhân hóa khắc họa Sông hương như một cô gái đẹp đang tìm đến với điểm hẹn của tình yêu, thể hiện sự vui sướng, vui tươi, sự yên tâm khi gặp được người tình mà nó hằng mong đợi.

    Hình ảnh dòng sông hương còn được tác giả so sánh với các dòng sông khác trên thế giới. Sông Hương giữa lòng thành phố Huế có gì đó gợi nhắc đến sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét.. nhưng những dòng sông ấy vừa giống lại vừa khác với Hương Giang. Đó đều là những dòng sông gắn liền với thủ đô, kinh đô nhưng sông Hương đặc biệt hơn so với hai con sông đó ở chỗ sông Hương không hoàn toàn gắn với những gì hiện đại mà còn "giữ nguyên dạng một đô thị cổ", với những "cây đa, cây dừa cổ thụ", gắn với những xóm thuyền, với nhưng ánh lửa thuyền chài, qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả về vẻ đẹp của dòng sông hương. Sông Hương chảy giữa lòng thành phố, ta như thấy có sự đan cài giữa quá khứ với hiện đại, đầy cổ kính, thăng trầm. Sông hương và thành phố Huế như hòa hợp lại với nhau, khiến cho dòng chảy "trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh". Đây cũng là một nét khác biệt nữa của dòng sông với sông Nê-va. Sông Nê-va chảy quá nhanh, quá xiết, "cuốn trôi những đám băng lô xô", "băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích", còn dòng sông Hương chảy giữa lòng thành phố lại lặng lờ, êm đềm. Không chỉ vậy, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường còn lấy dẫn chứng từ câu nói của nhà triết học Hi Lạp cổ đại Hê-ra-clít "Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông" để minh chứng cho sự chảy trôi, dòng chảy của sông không ngừng thay đổi. Điệu chảy khác thường ấy của sông Hương đã được tác giả gọi là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế với "trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh", "ngập ngừng.. của một nỗi lòng". Hình ảnh dòng nước lững lờ trôi, đầy lưu luyến đã nhiều lần được bắt gặp trong thơ ca:

    'Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay'


    (Hàn Mặc Tử)

    Hay

    "Sông Hương nước chảy thuyền trôi lững lờ"

    Vẻ đẹp của Hương Giang từ bình diện thời gian mà vẫn gắn với kinh thành, với đêm khuya trên dòng sông. Trong bài kí, tác giả đã nhắc đến tiếng đàn, tiếng cổ nhạc đêm khuya trên sông Hương. Dòng sông lúc ấy đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Nhà văn thật có lí khi cho rằng không thể nghe tiếng nhạc Huế ban ngày, nghe ở nhà hát mà dứt khoát phải nghe lúc đêm khuya ở một khoang thuyền. Khi ấy, tiếng đàn sẽ hòa điệu với tiếng nước rơi trên mái-chèo để tạo nên một sự cộng hưởng lạ lùng. Từ đây, tác giả mới có liên tưởng đến Nguyễn Du. Thi hào có lẽ đã sống với những phiến trăng sầu, những đêm trên sông Hương với bao nỗi niềm, nghe tiếng đàn để có được câu thơ:

    "Trong như tiếng hạc bay qua

    Đục như tiếng suối mới xa nửa vời"

    Mà một nghệ nhân gắn bó với cổ nhạc xứ Huế nửa thế kỉ qua đã quả quyết đó chính là Tứ đại cảnh. Dòng sông Hương là nơi sinh thành cổ nhạc Huế với những điệu nam ai, nam bình không thể nào quên. Đó là môi trường diễn xướng để tiếng nước rơi trên mái chèo làm tôn thêm tiếng đàn, âm nhạc cổ điển xứ Huế được hình thành trên mặt nước. Môi trường ấy đã nuôi dưỡng hồn thơ của một thi hào để từ đó có những câu thơ tuyệt diệu về tiếng đàn đi suốt cuộc đời nàng Kiều. Đó là sự gắn bó của sông hương trong đời sống âm nhạc ở huế, qua đó thể hiện tình yêu say đắm của dòng sông hương với xứ huế thân thương.

    Với ngòi bút kí đầy tài hoa uyên bác, văn phong tao nhã, sự liên tưởng thú vị đầy mới mẻ, cùng với đó là giọng điệu nhẹ nhàng êm ái, ngôn ngữ gợi cảm, giàu tính hình tượng, vốn hiểu biết sâu rộng. Vẻ đẹp của sông hương được cảm nhận một cách toàn diện từ cảnh quan thiên nhiên đến lịch sử văn hóa, qua đó thể hiện được tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào về quê hương đất nước, đó cũng chính là sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa truyền thống của tác giả.

    Như vậy có thể thấy đây là một trong những đoạn trích hay và đặc sắc nhất trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Qua đây chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp của hình ảnh dòng sông hương trong lòng thành phố hiện lên từ thiên nhiên, dòng nước, đến lịch sử văn hóa. Đoạn trích nói riêng, tùy bút "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" nói chung đã thể hiện được tấm lòng yêu quê hương, yêu con người xứ Huế của nhà văn. Qua đó, cho thấy vốn hiểu biết sâu rộng và phong phú của nhà văn về các kiến thức văn hóa, nghệ thuật. Bài ký trên đã khẳng định được thành công của tác giả trên con đường văn học ở thể bút ký đồng thời cũng thể hiện cái "tôi" cá nhân riêng biệt, trữ tình. Nhà văn đã đem đến cho chúng ta một bài học về tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước. Bởi nếu có quê hương thì mới có chúng ta ngày hôm nay. Phải chăng vì thế mà trong thơ của Đỗ Trung Quân đã viết:

    "Quê hương là gì hở mẹ

    Mà cô giáo dạy phải yêu

    Quê hương là gì hở mẹ

    Ai đi xa cũng nhớ nhiều"

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một tìm tòi và thể hiện sự mới mẻ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với thể loại bút kí. Qua đó, tác giả đã ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế và khẳng định được tài năng uyên bác của mình. Chính vì thế mà sông Hương đã trở thành một dòng sông bất tử, luôn chảy trôi mãi cùng thời gian và trong tâm trí độc giả.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...