Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật từ hải trong đoạn trích chí khí anh hùng của nguyễn du

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khongcogiphaibuon, 30 Tháng tư 2022.

  1. khongcogiphaibuon

    Bài viết:
    16
    PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TỪ HẢI TRONG ĐOẠN TRÍCH "CHÍ KHÍ ANH HÙNG" CỦA NGUYỄN DU

    Bài làm:

    Từ Hải là một giấc mơ của Nguyễn Du, giấc mơ anh hùng, giấc mơ tự do và công lí. Hiện diện trong "Truyện Kiều" như 1 nhân cách sử thi, Từ Hải đã làm nên những trang sôi động nhất, hào sảng nhất trong cái thế giới buồn đau dằng dặc của "Đoạn trường tân thanh". Trong đoạn trích "Chí khí anh hùng", nhân vật Từ Hải xuất hiện nổi bật với lí tưởng đẹp đẽ và khát khao lớn lao, phi thường mang danh của người anh hùng "đầu đội trời, chân đạp đất".

    Nguyễn Du được mệnh danh là đại thi hào và là danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, có giá trị với những tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. "Truyện Kiều" của ông là đại kiệt tác của nền văn học dân tộc, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, đóng góp chung vào sự phát triển của nền văn học nhân loại.

    "Truyện Kiều" là tác phẩm truyện thơ gồm 3254 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, kể về cuộc đời truân chuyên của Thúy Kiều – người con gái tài sắc nhưng có số phận bất hạnh, là nạn nhân của chế độ phong kiến bất công, ngang trái. Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc bởi tiếng nói xót thương và đồng cảm với thân phận người phụ nữ, đồng thời đề cao vẻ đẹp hình thức và tâm hồn người phụ nữ trong chính hoàn cảnh xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ đương thời.

    Đoạn trích "Chí khí anh hùng" của tác phẩm "Truyện Kiều" bắt đầu từ câu 2213 đến câu 2230, lột tả chí khí lớn lao và khát vọng của Từ Hải - một người anh hùng có bản lĩnh có ý chí phi thường. Cảm hứng ca ngợi cùng bút pháp ước lệ tượng trưng khiến cho nhân vật Từ Hải hiện lên thật kì vĩ, mang đầy đủ phẩm chất của người anh hùng xưa

    Thúy Kiều sau khi bán mình chuộc cha đã rơi vào quãng đời lưu lạc vô cùng đau khổ, tủi nhục ở chốn lầu xanh nhơ nhuốc. Tưởng như cuộc đời hoàn toàn bế tắc thì tại đây, Kiều đã gặp Từ Hải, bậc anh hùng cái thế lẫy lừng tiếng tăm. Từ Hải với lí tưởng lớn lao, phi thường "đầu đội trời, chân đạp đất", đang tung hoành xây dựng sự nghiệp. Chàng chuộc Kiều ra, trả lại cho Kiều sự tự do xứng đáng. Hai người họ đến bên nhau và cùng chung sống. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, thì cái "thói vẫy vùng" của bậc giang hồ lại được dịp sục sôi, cái khát khao dựng nên nghiệp lớn bỗng thúc dục mạnh mẽ bước chân người anh hùng. Từ Hải quyết định tạm gác lại tình cảm cá nhân, lên đường tiếp tục sự nghiệp còn dang dở.

    Bốn câu thơ đầu khắc họa thật đậm, thật rõ nét hình ảnh của Từ Hải với khát vọng lên đường:


    "Nửa năm hương lửa đương nồng

    Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

    Trông vời trời bể mênh mang

    Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong".

    "Nửa năm" - khoảng thời gian chung sống, là không gian khuê phòng với "hương lửa đương nồng" của "trai anh hùng, gái thuyền quyên" với tình cảm lứa đôi đầy những cám dỗ, có thể níu kéo bất kì một người đàn ông nào. Trái lại, một bên là không gian vũ trụ bao la có sức vẫy gọi mãnh liệt. Đường đường là đấng "trượng phu" Từ không một phút níu kéo giằng xé hay do dự mà khẳng khái đưa ra quyết định của chính mình. Chàng vốn sinh ra không phải là con người của những đam mê thông thường mà là người của những sự nghiệp vĩ đại- sự nghiệp của bậc anh hùng. Hiểu thấu được khát khao ấy, Nguyễn Du đã trân trọng gọi nhân vật của mình bằng hai tiếng "trượng phu" – người đàn ông có trí lớn. Tiếng gọi của lí trí thúc dục chàng đi theo đuổi và thực hiện hoài bão của cuộc đời. Cái ánh mắt trông vào "trời bể mênh mang" là ánh nhìn hướng đến một khoảng không gian xa hơn rộng hơn, nơi mà bậc hào kiệt thỏa sức vẫy vùng với những đam mê, lí tưởng. Hình ảnh "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" không chỉ tái hiện hình ảnh con người mạnh mẽ, hào hùng đặt trên nền kì vĩ của không gian mà còn mở ra tâm thế nhân vật không hề có một chút nào là do dự luôn hành động thật dứt khoát, quả quyết. Đến đây, ta chợt nhớ đến những lời nhận định của Hoài Thanh: "Từ Hải hiện ra trong bốn câu đầu không phải người của một nhà, một họ, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương.." Bút pháp ước lệ kết hợp với cảm hứng vũ trụ gợi lên vẻ đẹp hoành tráng của nhân vật, cho thấy khuynh hướng lí tưởng hóa nhân vật của ngòi bút Nguyễn Du.

    Nếu như những câu thơ đầu cho thấy những khát vọng lên đường và hành động quyết tâm ra đi xây dựng sự nghiệp lớn của Từ Hải thì trong những câu thơ tiếp theo, nhà thơ nói rõ lí tưởng anh hùng của chàng. Trước hết là qua lời nói với Kiều trong giây phút chia tay. Lẽ thường, cuộc chia tay nào cũng đầy nước mắt, cũng đọng những dùng dằng chẳng nỡ của kẻ ở với người đi. Với Từ và Kiều cũng không phải là ngoại lệ. Nàng không muốn một thân một mình, giường đơn gối chiếc trong căn nhà lạnh lẽo, nàng một mực muốn được sẻ chia, được gánh vác sự nghiệp với Từ Hải. Lời lẽ nghe sao mà tha thiết thế:


    Nàng rằng: "Phận gái chữ tòng

    Chàng đi thiếp cùng một lòng xin đi"

    Thấu hiểu hoài bão cũng như khát vọng lên đường của Từ Hải nên Thúy Kiều không chỉ ủng hộ quyết định của chàng mà còn bày tỏ mong muốn được đi theo để được đỡ đần, san sẻ những khó khăn với chàng. Để được Từ Hải chấp thuận, Kiều rằng "phận gái chữ tòng" - đã là vợ thì phải theo chồng, hẳn là rất thuận tình thuận lý. Hai chữ "một lòng" được Kiều nhắc đến như khẳng định cho sự ủng hộ mà Kiều dành cho Từ trên con đường lập công danh, sự nghiệp cũng là lời quyết tâm được song hành cùng Từ trên con đường lập nghiệp. Hẳn phải là một người vợ thấu hiểu lắm Kiều mới cảm thông, ủng hộ một lòng khát vọng của người đầu ấp tay kề với mình như vậy.

    Thế nhưng, trái với những mong mỏi của nàng, Từ ngay lập tức đáp lại:


    Từ rằng: "Tam phúc tương tri

    Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình"

    Mới nghe qua thì cứ nghĩ là một lời trách cứ nhưng đằng sau đó lại là lời động viên người tri kỉ của mình biết vượt lên những tình cảm thông thường để sánh cùng trí lớn của người anh hùng. Vẻ đẹp hoành tráng, hào hùng trong lý tưởng của Từ Hải đã toát lên rõ rệt qua lời hứa chắc "như đinh đóng cột" dành cho Kiều:

    "Bao giờ mười vạn tinh binh

    Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường

    Làm cho rõ mặt phi thường

    Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia"

    Việc liệt kê những hình ảnh, âm thanh hoành tráng "mười vạn tinh binh", "tiếng chiêng dậy đất", "bóng tinh rợp đường" gợi nên sự nghiệp lẫy lừng của một bậc danh tướng uy phong, có quân đông, quyền lớn, có sức mạnh dời non lấp biển. Đó cũng chính là lý tưởng của người anh hùng Từ Hải. Hình ảnh "mặt phi thường" là gương mặt xuất chúng, con người làm được điều lớn lao, phi phàm. Từ Hải tự nói về mình với tâm thế tự tin. Sự nghiệp long trời lở đất mà Từ Hải đang khát khao vươn tới là gì, Nguyễn Du không nói rõ. Nhưng đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến thối nát bất công đương thời thì sự nghiệp ấy là một cuộc đấu tranh làm thay đổi trật tự xã hội cũ, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người. Như vậy, nhân vật Từ Hải chính là khát vọng của Nguyễn Du về người anh hùng thời loạn có thể làm thay đổi cục diện xã hôi đương thời.

    Và một lý do nữa được Từ Hải đưa ra để từ chối Kiều là:


    "Bằng nay bốn bể không nhà

    Theo càng thêm bận biết là đi đâu"

    Từ Hải cho rằng Thúy Kiều đi theo sẽ "càng thêm bận" nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng cho nàng khi đi theo sẽ phải chịu cực khổ, nay đây mai đó "bốn bể không nhà". Câu hỏi tu từ "Theo càng thêm bận biết là đi đâu?" với hàm ý: Đối với Từ Hải sự nghiệp anh hùng là ý nghĩa của sự sống. Chàng muốn toàn tâm toàn ý ra đi thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình. Nhưng không muốn Kiều lo lắng, Từ đã đặt ra một mốc thời gian cho sự ra đi của mình:

    "Đành lòng chờ đó ít lâu,

    Chầy chăng là một năm sau vội gì!"

    Sự tự tin mạnh mẽ của Từ không chỉ thể hiện ở quyết tâm ra đi thực hiện nghĩa lớn mà còn thể hiện ở lời giao hẹn của Từ. "Một năm" là quãng thời gian xa cách đủ lớn trong tình yêu nhưng với việc thực hiện hoài bão thì đó lại là một thời gian quá ngắn. Phân tích nhân vật Từ Hải cho thấy dù chẳng biết tương lai thế nào nhưng Từ Hải tin vào bản thân mình, tin vào sự nghiệp mình đang theo đuổi. Đó chính là tâm thế của một người anh hùng

    Đoạn trích kết lại với hai câu thơ gây ấn tượng sâu đậm bở hình ảnh ước lệ về hành động thực hiện lý tưởng của nhân vật:


    "Quyết lời dứt áo ra đi

    Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi"

    Hai chữ "dứt áo" thể hiện phong cách mạnh mẽ, phi thường của đấng trượng phu trong lúc chia biệt. Hình ảnh "Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi" là một điển tích điển cố đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Tác giả ví Từ Hải như chim bằng cưỡi gió bay cao, bay xa ngoài biển lớn. Không chỉ thế trong câu thơ còn diễn tả được tâm trạng của con người khi được thỏa chí tung hoành "diễn tả một cách khoái trá trong giây lát con người phi thường rời khỏi nơi tiễn biệt".

    Bên cạnh sự hấp dẫn về mặt nội dung, "Chí khí anh hùng" còn đặc sắc về mặt nghệ thuật. Với nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng; lời thoại bộc lộ tính cách, hình ảnh ẩn dụ Nguyễn Du đã xây dựng nên hình tượng một người anh hùng có khí phách hiên ngang, phi thường. Một con người khí chất hơn người, hoài bão lớn lao và niềm tin sắt đá vào tài năng của mình. Nhân vật Từ Hải được Nguyễn Du xây dựng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng cùng với ngôn ngữ hàm súc, mang tính biểu đạt cao. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công trong nghệ thuật khắc họa nhân vật của tác giả. Từ Hải xứng đáng là bậc nam nhi "vẫy vùng trong bốn bể", không vì "hương lửa đương nồng" mà chùn chân, nhụt chí.

    Đoạn trích tuy ngắn gọn mà để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về vẻ đẹp tâm hồn và khát vọng của Từ Hải. Ở Từ, chàng không chỉ là một phu tử hết lòng với người tri âm, một chàng trai thấu hiểu lẽ đời mà con là một bậc trượng phu có lý tưởng anh hùng, hành động phi thường trong thiên hạ. Vẻ đẹp của Từ Hải cũng là vẻ đẹp của một con người đại diện cho ước mơ, khát vọng của nhân dân, của một thời đại trong lịch sử. Qua đo, ta thấy được rõ tài năng, tâm hồn và bản lĩnh của Nguyễn Du. Ông nêu lên tiếng nói đề cao giá trị con người, ngợi ca chí khí anh hùng của con người gắn với khát vọng về đấng anh hùng có sức mạnh "đội trời đạp đất", có thể cải tạo xã hội, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Đồng thời, tác giả cũng lên tiếng tố cáo, lên án xã hội phong kiến thối nát, bất công.

    Dưới hình thức một cuộc chia ly, đoạn trích "Chí khí anh hùng" mang chở khát vọng tự do, công lí của Nguyễn Du. Từ Hải như một con đại bàng vỗ cánh làm xáo động cả đất trời. Chỉ có đôi cánh ấy mới che chở được những nạn nhân sống dưới gần trời tăm tối của thế giới "Truyện Kiều".


    "Chí làm trai Nam, Bắc, Đông Tây

    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể"

    (Người viết: Khongcogidebuon)

    END
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng mười 2023
  2. Bán Nguyệt Vẫn một mình làm bạn với cô đơn...

    Bài viết:
    242
    Bài phân tích rất hay, sâu sắc. Chỉ lấn cấn mấy lỗi chính tả thôi. Chúc bạn có nhiều bài viết thành công!
     
  3. khongcogiphaibuon

    Bài viết:
    16
    Mình cảm ơn nhìu aa
     
    Huệ Lê Thị thích bài này.
  4. Cuộn Len

    Bài viết:
    475
    Một like cho bài phân tích vô cùng hay của bạn (ít nhất là cá nhân mình thấy như vậy), hâm mộ quáaa*vno 23*
     
  5. khongcogiphaibuon

    Bài viết:
    16
    Mình cãm ưn bạn nhiu awww
     
    Huệ Lê ThịCuộn Len thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...