Phân tích vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khongcogiphaibuon, 15 Tháng mười hai 2022.

  1. khongcogiphaibuon

    Bài viết:
    16
    Pautopxki đã từng nói: "Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật là bước vào thế giới của cái đẹp". Tuy nhiên mỗi một nhà văn lại có một quan điểm, một cách thể hiện rất riêng. Cùng là những nhà văn lãng mạn, nếu Thạch Lam đưa người đọc đến với cái đẹp bình dị êm đềm nhưng cũng đượm một nỗi buồn man mác nơi phố huyện thì Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ tận hiến suốt đời cho cái đẹp lại dẫn lối cho ta trở về với thế giới thanh cao, trong sáng nhưng cũng không kém phần cổ kính, thiêng liêng. Ngòi bút của ông luôn hướng đến những cái cao cả, lí tưởng để rồi mỗi một tác phẩm của ông tựa như một ngọn đuốc sáng được cháy lên, để lại rất nhiều dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Trong cái thế giới nghệ thuật độc đáo ấy, "Chữ người tử tù" được đánh giá là một đóa hoa rực rỡ giữa vườn hoa đầy hương sắc của đời văn Nguyễn Tuân. Khi trang văn cuối cùng của thiên truyện này khép lại, trong tâm tư mỗi người đọc chúng ta vẫn luôn lưu giữ mãi hình ảnh người tử tù Huấn Cao – một nhân vật được xây dựng với vẻ đẹp hoàn hảo, lí tưởng hiện lên cho tài năng, thiên lương và khí phách đầy hiên ngang.

    Nhắc đến Nguyễn Tuân, ta nhớ ngay đến một nhà văn lãng mạn, một người nghệ sĩ suốt đời rong ruổi trên hành trình tìm kiếm, khám phá, sáng tạo cái đẹp cho đời. Đó còn là một con người từng tôn thờ chủ nghĩa "xê dịch", mang cá tính của một cái "tôi" rất "ngông" và đặc biệt hơn cả, ông còn là một ngòi bút tài hoa, uyên bác với chất văn nổi bật lên chính phong cách nghệ thuật của ông.

    "Chữ người tử tù" là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Tuân ở chặng đường trước cách mạng, được rút từ tập "Vang bóng một thời" năm 1940. Tác phẩm kể về cuộc gặp gỡ éo le giữa hai con người trong chiếc ngục tù nhơ bẩn: Một người tài hoa khí phách và một người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài dù phải làm cai ngục trong chốn ngục tù tăm tối. Qua đó, nhà văn thể hiện quan điểm thẩm mĩ và tấm lòng yêu nước thầm kín sâu nặng mà tha thiết.

    Huấn Cao là nhân vật chính của tác phẩm, được xây dựng dựa vào nguyên mẫu nhà nho giáo, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình phong kiến là Cao Bá Quát - một con người hết sức thông minh, có tài viết chữ đẹp; sống phóng khoáng, mạnh mẽ, không chịu khép mình trong khuôn khổ chật hẹp của xã hội phong kiến. Mượn một nguyên mẫu như thế của lịch sử để xây dựng nhân vật, Nguyễn Tuân vừa thể hiện tấm lòng với con người tài hoa của đất nước, lại vừa thỏa mãn tinh thần nổi loạn của ông đối với xã hội đen tối tàn bạo lúc bấy giờ.

    Trước hết nhân vật Huấn Cao được nhà văn tập trung bút lực để tô đậm vẻ đẹp ở tài năng. Vẻ đẹp của Huấn Cao là vẻ đẹp của con người tài hoa. Ông có tài viết chữ đẹp. Trong thị hiếu thẩm mĩ của người xưa, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, viết chữ đẹp là cả một nghệ thuật cao quý (Thư pháp). Chơi chữ đẹp là một thú chơi thanh tao. Tài viết chữ đẹp của Huấn Cao do đó là biểu hiện của nét đẹp của văn hóa một thời.

    Những lời thán phục, xuýt xoa của các nhân vật khác về cái tài hoa đặc biệt ấy là những nét đầu tiên phác họa chân dung Huấn Cao: cái người có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp; chữ ông đẹp lắm, vuông lắm.. Đẹp đến mức nó trở thành 1 giai thoại, 1 thứ tiếng tăm bay đến tận nhà ngục tỉnh Sơn, để những kẻ vốn chỉ là công cụ của xã hội cũng biết đến; đẹp đến mức người ta khát khao, ngưỡng vọng "có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời" .

    Và không chỉ là khao khát, vẻ đẹp của con chữ ấy đủ khiến quản ngục bất chấp, đảo lộn cả trật tự nhà tù để đạt được sở nguyện của mình: Xin chữ của Huấn Cao.

    Vẻ đẹp của nét chữ huyền thoại ấy, được chính Huấn Cao chiêm nghiệm. Nó không chỉ là những nét chữ đẹp, nó còn là hiện thân của cái hoài bão tung hoành của cả 1 đời con người – mà là con người chọc trời khuấy nước, con người ngông ngạo không hề cúi đầu trước cường bạo, bạc tiền. Miêu tả cái tài hoa ấy của Huấn Cao bằng nhiều cách thức khác nhau, Nguyễn Tuân đã đậm tô vẻ đẹp tài hoa của con người – 1 vẻ đẹp người mà ông suốt đời tìm kiếm và ca ngợi.

    Vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của một hào kiệt – một trang anh hùng có khí phách. Ngay từ đầu tác phẩm, Huấn Cao đã hiện lên như ánh hào quang phủ kín cả bầu trời tỉnh Sơn. Qua lời trò chuyện của quản ngục và thơ lại ta thấy tiếng tăm của Huấn Cao đã nổi như cồn. Điều làm cho bọn ngục quan phải kiêng nể không chỉ là tài viết chữ đẹp mà còn là "tài bẻ khóa, vượt ngục" của ông Huấn. Đó là hình ảnh của một người anh hùng ngang tàng, không cam chịu cảnh tù đày áp bức, muốn bứt phá gông cùm xiềng xích để thoát khỏi vòng nô lệ.

    Hình ảnh Huấn Cao mang cốt cách ngạo nghễ, phi thường của một bậc trượng phu. Con người nhà nho ấy không chỉ theo đòi nghiên bút tầm thường, mà lựa chọn con đường xoay trời, chuyển đất, chống lại trật tự xã hội, khuôn phép chật hẹp thông thường. Con người ấy là một anh hùng bất khuất, một kẻ ngang tàng "chọc trời khuấy nước" sống ngoài vòng cương tỏa.

    Trong ngục tối bẩn thỉu, vẻ đẹp của Huấn Cao càng tỏa sáng. Trò tiểu nhân thị oai, dọa dẫm của bọn tiểu lại giữ tù càng làm cho ông thêm phần ngông ngạo. Ông vẫn giữ thái độ bình thản, xem thường, dỗ gông, phủi rệp.. Huấn Cao "cúi đầu thúc mạnh đầu thang gông xuống đất đánh thuỳnh một cái" làm vỡ tan đi cái trang nghiêm của chốn ngục tù dơ bẩn.

    Người xưa thường nói "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" (Một ngày ở trong tù bằng nghìn thu ở ngoài). Thay vì buồn rầu, chán nản "gậm một mối căm hờn trong cũi sắt", Huấn Cao thản nhiên nhận rượu thịt và ăn uống no say coi như một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình. Với ông, nhà tù đâu phải là chốn ngục tăm tối mà chỉ như một chốn dừng chân để nghỉ ngơi lúc mỏi chân.

    Đối với quản ngục, Huấn Cao rất: Lạnh lùng, khinh bạc: Xưng hô "ta - ngươi", miệt thị hạ nhục "Ngươi bảo ta cần gì, ta chỉ cần ngươi đừng đặt chân vào đây nữa". Cách trả lời ngang tàng, ngạo mạn đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường; "đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ nữa là.." Ông không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn "cặn bã" . Con người ấy "Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất".

    Khi nghe tin xử trảm: Ông vẫn thản nhiên, không sợ hãi, chỉ khẽ mỉm cười, bất chấp cái chết, coi thường cái chết. Vẻ đẹp khí phách được khẳng định trong hoàn cảnh thất thế của người anh hùng càng thể hiện rõ phẩm chất anh hùng.

    Bên cạnh dũng khí ngất trời của một bậc hảo hán, Huấn Cao còn là con người có thiên lương, biết quý trọng thiên lương – phần tốt đẹp tự nhiên cơ bản ở con người. Huấn Cao là đại trượng phu không chỉ ở khí phách, mà còn ở tấm lòng: Tấm lòng với con người, cách nhìn nhận, đánh giá con người: Không theo hoàn cảnh, nghề nghiệp mà bằng tấm lòng của con người đó.

    "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Không phải vì quyền thế của quản ngục trong nhà tù, trước tử tù, cũng không phải vì rượu thịt hàng ngày mang đến, mà chính là vì Huấn Cao đã cảm nhận được 1 tấm lòng, 1 sở nguyện cao quý ở cái con người vẫn dưới mắt mình kia. Mối liên hệ giữa các nhân vật chính là cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài, cái sở thích cao quý, một tấm lòng trong thiên hạ ở quản ngục và cái cảm, cái biết, cái không muốn phụ ở Huấn Cao. Cái ý thức không muốn phụ 1 tấm lòng ở Huấn Cao chính là cách đối đãi lấy lòng đối lòng, là thiên lương của con người ngông ngạo, trọng nghĩa khinh tài ấy.

    Chỉ là một người tù lừng tiếng, đó chưa phải là Huấn Cao. Tài viết chữ đẹp, cũng chưa làm nên Huấn Cao. Huấn Cao phải là sự kết hợp lí tưởng, sự hội tụ của cả 3 vẻ đẹp ấy. Và đấy cũng là kiểu nhân vật, là vẻ đẹp mà Nguyễn Tuân dùng cả cuộc đời và nghệ thuật của mình để kiếm tìm, trân trọng và ca ngợi. Có thể nói, Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất đời văn Nguyễn Tuân.

    Bên cạnh sự hấp dẫn về mặt nội dung, "Chữ người tử tù" còn đặc sắc về mặt nghệ thuật. Tác phẩm thành công nhờ tình huống truyện độc đáo, hình tượng nhân vật hội tụ nhiều vẻ đẹp. Ngôn ngữ sắc cạnh, giàu tính tạo hình, vừa cổ kính lại vừa hiện đại.

    Hình tượng Huấn Cao hiện lên qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân với vẻ đẹp hoàn hảo: Tài năng, khí phách và thiên lương. Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm thẩm mĩ về cái đẹp, cái tài: Cái đẹp đi đôi với cái thiện, cái tài đi cùng với cái tâm. Không những vậy còn khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ kín đáo tình yêu nước của ông. Như vậy, nhân vật Huấn Cao đã góp phần thể hiện sâu sắc giá trị tư tưởng tác phẩm.

    Hình tượng nhân vật cho thấy sự công phu nghiêm túc và khó nhọc của Nguyễn Tuân trên con đường nghệ thuật. Từ đó ta thấy được tài năng uyên bác và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả.

    Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, nhà văn đem đến cho người đọc những xúc cảm thẫm mĩ, bồi đắp thêm tình yêu đất nước và tình yêu giữa người với người.

    Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã có nhận xét thật tinh tế, sâu sắc như sau: "Chỉ người suy xét đọc văn Nguyễn Tuân mới thấy thú vị bởi văn Nguyễn Tuân không phải là thứ văn để người nông nổi thưởng thức." Tập truyện "Vang bóng một thời" nói chung và truyện ngắn "Chữ người tử tù" nói riêng chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền vượt lên mọi lớp bụi của thời gian để sống mãi trong tim mỗi người đọc chúng ta.

    PitChan: Bài văn này mình đã chuẩn bị khá lâu và vừa hôm qua mình trúng tủ đề này=)) , mình đã viết bằng cả tâm huyết á. Pet chúc mọi người thi tốt nạaaaa
     
    Cuộn Len, LTHuong27Lagan thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...