Phân tích Tây Tiến phần 1

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Lộ Vãn An, 30 Tháng sáu 2022.

  1. Lộ Vãn An

    Bài viết:
    5
    TÂY TIẾN

    Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày về hình ảnh của những người anh hùng vô danh. Nhưng văn học, với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn về tâm hồn của người yêu văn chương. Đó là hình ảnh về những anh hùng đã hi sinh, đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Suốt những năm tháng trường kì kháng chiến của lịch sử, bài thơ "Tây Tiến" là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Quang Dũng. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết văn xuôi nhưng ông được biết đến nhiều hơn với tư cách là một nhà thơ xứ Đoài. Trong thế giới nghệ thuật, Quang Dũng luôn có hình ảnh một cái tôi lãng mạn, hào hoa, thanh lịch, có khả năng cảm nhận và diễn tả một cách tinh tế về hồn thơ. Qua tác phẩm này, tác giả đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, thơ mộng, huyền ảo và bức tượng đài người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng. Bài thơ "Tây Tiến" được sáng tác năm 1948, tại làng Phù Lưu Chanh, thuộc tỉnh Hà Đông cũ. Quang Dũng rời đơn vị cũ chưa lâu nên bài thơ ra đời ngay sau năm 1947. Ban đầu, bài thơ thơ có tên là "Nhớ Tây Tiến" nên sau đó lại đổi thành "Tây Tiến". Cách đặt nhan đề là "Tây Tiến" Khiến cho mạch thơ không bị lộ, đồng thời nhấn mạnh vào hai chữ "Tây Tiến" - cái tên "máu thịt", trở thành một dư âm không dứt của cuộc đời chiến binh. Giọng điệu thơ Vì vậy cũng trở nên khỏe khoắn, hào hùng hơn. Tác phẩm khơi nguồn cảm hứng từ đoàn quân Tây Tiến- một đơn vị bộ đội được thành lập vào mùa xuân năm 1947. Đơn vị này hoạt động ở một vùng rộng lớn, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và cả bên kia biên giới Việt- Lào. Có nhiệm vụ vừa đánh tiêu hao lực lượng địch, vừa tuyên truyền vận động nhân dân kháng chiến. Lính Tây Tiến, phần lớn là thanh niên Hà Nội, thuộc nhiều tầng lớp. Lần đầu đến với Tây Bắc, một vùng rừng núi hiểm trở, hoang sơ, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Hầu hết chiến sĩ đều bị sốt rét và không ít người đã hi sinh vì ốm đau bệnh tật. Thế nhưng họ vẫn hết sức lạc quan, thể hiện vẻ đẹp hào hùng, hào hoa của tuổi trẻ.

    Cảm hứng chủ đạo của bài thơ đó là nỗi nhớ của tác giả tả về những người đồng chí, đồng đội của mình. Là một người lính Trẻ, hào hoa, Lãng mạn, ra đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước, sống và chiến đấu ở nơi núi rừng gian khổ. Nhưng chất thi sĩ vẫn trào dâng mãnh liệt trong lòng của nhà thơ. Một thời gian gắn bó sâu nặng với Tây Tiến, với đồng đội, với núi rừng đã làm cho ông không khỏi bồi hồi xúc động khi nỗi nhớ Tây tiến dâng trào trong ký ức. Qua 14 câu thơ đầu của bài thơ Tây Tiến, đã cho chúng ta thấy được bức tranh thiên nhiên Tây Bắc dữ dội, thơ mộng trên chặng đường hành quân của những người lính Tây Tiến. Với hai câu thơ mở đầu nhà thơ đã gửi về Tây Tiến nỗi nhớ da diết, cháy bỏng:

    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

    [​IMG]

    Câu thơ như một tiếng gọi chân thành, tha thiết xuất phát từ trái tim và tâm hồn của người thi sĩ. Bằng cách sử dụng câu cảm thán và thủ pháp nghệ thuật nhân hóa câu thơ trở nên đẹp diệu kỳ. Bài thơ viết về Tây Tiến nhưng lại mở đầu bằng hình ảnh sông Mã. Sông Mã không chỉ đơn thuần là một dòng sông nữa mà nó được nâng tầm trở thành một chứng nhân lịch sử, ghi lại tội ác của kẻ thù, nó ghi lại những chiến công hiển hách của đoàn binh Tây Tiến, nó gắn liền với bao nỗi buồn vui, được mất. Nó không chỉ được nhắc tới với đơn thuần là dòng chảy của một con sông, mà nó được nhắc đến như là một chứng nhân lịch sử. Một địa danh, một địa điểm gắn với hiện thực cuộc đời của người lính Tây Tiến. Phải chăng sông Mã còn là dòng sông của cảm xúc, chở nặng nỗi niềm đầy vơi. Về hình thức, câu thơ vừa là tiếng thở dài "Sông Mã xa rồi" vừa là tiếng gọi "Tây Tiến ơi". Hai chữ "xa rồi" kết hợp với thán từ "ơi" thể hiện sự nuối tiếc, hụt hẫng, cùng khát vọng được trở về miền kí ức thân thương- là đồng đội Tây Tiến, là mảnh đất Tây Bắc anh hùng của nhà thơ.

    Câu thơ thứ hai sử dụng điệp từ "nhớ" chia câu thơ làm hai vế, khiến nỗi nhớ xào xạc, như lớp sóng dâng lên mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Nỗi nhớ Tây Tiến và tây bắc được thể hiện trong một trạng thái điển hình "nhớ chơi vơi". "Chơi vơi" là một tính từ giàu sức gợi, thường được sử dụng để đặc tả tâm trạng nhớ nhung của con người. Ca dao xưa từng có câu:

    Ra về Nhớ bạn chơi vơi

    Nhớ chiếu bạn trải, nhớ chăn bạn nằm

    Với từ "chơi vơi" nỗi nhớ bỗng có hình hài cụ thể, chông chênh, bồng bềnh trong không gian bao la, trong thời gian xa thẳm. Đó là nỗi nhớ của dòng hoài niệm bâng khuâng, lưu luyến. Hai câu đầu được kết nối bằng vần "ơi", "ơi" là một âm mở, khiến cho lời thơ lan tỏa miên man, như tiếng gọi tha thiết chất đầy nỗi nhớ.

    Hai câu thơ đầu nếu như là gợi tả về nỗi nhớ Tây Tiến trong lòng tác giả. Thì ở những câu thơ tiếp theo, tác giả đã chọn lọc những hình ảnh gợi hình, gợi cảm, để trào dâng mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ về những ngày tháng được hành quân của người lính Tây Tiến đi qua hết những vùng địa bàn này lại đến với những vùng địa bàn khác.

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

    Mường Lát hoa về trong đêm khơi

    Quang Dũng đã sử dụng khéo léo nghệ thuật liệt kê với hàng loạt những địa danh như Sài Khao, Mường Lát. Những địa danh này đi vào trong lời thơ, gợi sự hoang vu, buốt giá của núi rừng Tây Bắc. Mặt khác, đây là những tên đất, tên mường đã từng gắn bó với đoàn quân Tây Tiến. Chỉ cần nhắc đến, là biết bao nhiêu kỉ niệm nơi trận mạc lại hiện về vẹn nguyên trong kí ức của người lính Tây Tiến. Hai câu thơ sử dụng nghệ thuật đối, kết hợp với thủ pháp tương phản, bút pháp hiện thực hài hòa với bút pháp lãng mạn đã tạo nên những hình ảnh thơ vừa gân guốc, vừa mềm mại. Nhớ về Sài Khao là nhớ về hình ảnh "sương lấp đoàn quân mỏi", câu thơ khắc họa hình ảnh đoàn quân Tây Tiến mệt mỏi đi trong sương với cái lạnh cắt da, cắt thịt của núi rừng Tây Bắc. Hình ảnh thơ đã diễn tả được sự gian khổ trên chặn đường hành quân của người lính. Nhớ về Mường Lát là nhớ về hình ảnh "hoa về trong đêm hơi", đây là hình ảnh thơ mang nhiều tầng nghĩa. Trước hết nó xuất phát từ hiện thực chiến đấu của đoàn binh Tây Tiến, phải buất khuất đi trong đêm rừng Tây Bắc mịt mờ sương khói. Nhưng với trí tưởng tượng lãng mạn, bay bổng, Quang Dũng đã nâng hiện thực đó trở thành hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp rừng núi, vẻ đẹp con người Tây Bắc. Câu thơ sử dụng nhiều thanh bằng, diễn tả tâm trạng lâng lâng như sương, như hương, như hoa, mộng mơ huyền ảo rất đỗi đa tình của người lính. Đằng sau bức tranh về Sài Khao, Mường Lát hoang sơ, hẻo lánh, dữ dội mà giàu chất thơ. Là vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến hết sức lãng mạn, yêu đời dẫu chặng đường hành quân còn nhiều gian khổ, khó khăn.
     
    LieuDuong, Tiên Nhi, NTQLVA1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 11 Tháng tư 2023
  2. Đăng ký Binance
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...