Phân tích, đánh giá về nỗi nhớ Tây Tiến ở hai đoạn thơ, nhận xét về đặc sắc ngôn từ và giọng điệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 4 Tháng mười 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Bài thơ Tây Tiến là một trong những tác phẩm trọng tâm của kì thi THPT Quốc gia tại Việt Nam. Bên cạnh những dạng đề phân tích một vài câu trong đoạn thường gặp, học sinh cũng có thể gặp phải dạng bài phân tích hai đoạn thơ ở hai khổ, thậm chí là hai bài. Vậy? Các bạn sẽ làm như thế nào cho dạng đề này! Hãy cùng tham khảo một bài mẫu sau nhé!

    [​IMG]

    Đề bài: Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã nhiều lần miêu tả nỗi nhớ:

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

    Đến khổ thơ cuối ông lại viết:

    "Tây Tiến người đi không hẹn ước

    Đường lên thăm thẳm một chia phôi

    Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."

    Anh/chị hãy phân tích, đánh giá đặc sắc của nỗi nhớ Tây Tiến trong 2 đoạn thơ, từ đó làm nổi bật đặc sắc về ngôn ngữ và giọng điệu thơ Quang Dũng.

    Bài làm​

    Văn chương là một sinh thể thật kỳ lạ, nó đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả. Nó len lỏi đi sâu vào những nhịp đồng điệu trong trái tim con người. Bởi vậy mà Bằng Việt đã chẳng vì những trang văn lấm tấm hạt bụi vàng của Pautopski mà thốt lên rằng:

    "Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ

    Như đám mây ngũ sắc ở trên đầu."​

    Cũng vì vậy mà với mỗi người độc giả yêu thơ Quang Dũng đều sẽ lặng đi khi đọc bài thơ Tây Tiến của ông – một trong những thi phẩm xuất sắc. Và trong tác phẩm, nhiều lần Quang Dũng đã miêu tả nỗi nhớ, đặb biệt là bốn câu thơ đầu và bốn câu thơ kết thúc. Qua đó, người đọc nhận ra nét nổi bật đặc sắc về ngôn ngữ và giọng điệu của nhà thơ.

    Puskin- Mặt trời thi ca Nga đã từng viết: "Thơ được tạo ra từ cơn động kinh của tâm hồn. Đó là cú đại địa chân được dồn ứ từ những biến cố kỉ niệm hay nỗi nhớ quoặn lòng." Phải chăng, nỗi nhớ và những kỉ niệm về một thời Tây Tiến khiến Quang Dũng không thể kìm nén mà bật lên thành tiếng gọi thiết tha, bồi hồi ngay từ những câu thơ đầu tiên của bài:

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi"​

    Câu thơ có bảy chữ thì có bốn chữ là từ chỉ tên riêng. "Sông Mã" là hình ảnh mở đầu của bài thơ. Đây là con sông của miền Tây Bắc nhưng hiện lên trong câu thơ này, Sông Mã không còn là dòng chảy vô tri, vô giác, vô hồn mà đó chính là địa bàn hoạt động của người lính Tây Tiến. Cho nên, dòng sông trở thành người bạn, người tri kỉ nơi lưu dấu kỉ niệm của một thời binh lửa, là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến bao đau thương, gian khó, vui buồn của người lính trong cuộc trường chinh. Như vậy, với thủ pháp lắng dần của điện ảnh, nhà thơ để Sông Mã xuất hiện đầu tiên rồi từ dòng sông ấy mở dần dòng cảm xúc của thời gian về những kỉ niệm của một thời Tây Tiến. Hai chữ "xa rồi" vừa tạo giọng thơ xót xa, nuối tiếc, đồng thời thể hiện Sông Mã giờ chỉ còn là hoài niệm và kí ức của nhà thơ. Câu thơ bật thành tiếng gọi da diết đến nao lòng: "Tây Tiến ơi". Đó là tiếng gọi binh đoàn, gọi đồng đội, gọi chính mình từ một thủa xa xôi. Ở thời điểm sáng tác bài thơ, nhà thơ không chỉ xa sông Mã mà Tây Tiến cũng xa rồi, nhưng với Quang Dũng, kí ức về binh đoàn vẫn sống mãi trong tâm hồn của nhà thơ. Điều đó cho thấy cảm xúc mãnh liệt khiến Quang Dũng quên mất rằng mình đã xa Tây Tiến.

    Tứ thơ tiếp tục được mở ra khi:

    "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"​

    Từ "nhớ" được điệp đi điệp lại qua hai về câu vừa góp phần tạo giọng thơ da diết tình cảm, vừa nhấn mạnh nỗi nhớ cháy bỏng dâng trào trong tâm hồn Quang Dũng. Nhớ về rừng núi là chỉ đối tượng của nỗi nhớ. Đây là hình ảnh đặc trưng của miền Tây Bắc với những cánh rừng bạt ngàn, những dãy núi trùng điệp và đó cũng là địa bàn hoạt động của những người lính Tây Tiến. Còn "nhớ chơi vơi" lại làm nổi bật mức độ tính chất của nỗi nhớ. Ca dao xưa có câu:

    "Ra về nhớ bạn chơi vơi

    Nhớ chiếu bạn trải nhớ nơi bạn nằm"​

    Còn Xuân Diệu lại viết:

    "Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

    Tương tư nâng lòng lên chơi vơi."

    [​IMG]

    Cách viết của Quang Dũng có tính chất kế thừa và sáng tạo ở chỗ nhà thơ láy lại ba lần âm "ơi", "chơi vơi", đây là ba thanh bằng, lại là ba âm mở khiến câu thơ như một tiếng ngân dài, vang vọng. Tiếng gọi như vọng ra từ những vách đã của núi rừng Tây Bắc hay từ cõi nhớ ngàn trùng của nhà thơ. Chữ "nhớ chơi vơi" là nỗi nhớ không hình không lượng, chập chờn, đứt quãng, lúc mờ xa, hư ảo, bồng bềnh, lúc lại hiện hữu một cách rõ rệt.

    Nỗi nhớ được đánh thức qua những địa danh thấm đầy kỉ niệm:

    "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi"​

    "Sài Khao", "Mường lát" toàn những tên địa danh xa lạ gợi cho người đọc hướng về một miền đất xa xôi, nó hoàn toàn khác với những tên gọi quen thuộc mà ta đã từng bắt gặp trong thơ ca truyền thống như "thôn Đoài", "thôn Đông". Đó là những miền đất mà người lính đã đặt chân qua, đã thấm đầy kí ức của các anh. Địa danh không chỉ xuất hiện trong hai câu thơ này mà trong suốt bài thơ, các địa danh được xuất hiện liên tục cho thấy nỗi nhớ của Quang Dũng trải dài dằng dặc khắp không gian. Dường như mỗi bước chân đi qua, tâm hồn nhà thơ như càng được lấp đầy thêm bởi kỉ niệm.

    Nhớ về mảnh đất Sài Khao, Quang Dũng nhớ về hình ảnh "Sương lấp" dày đặc như che lấp cả đoàn quân. Đây là vùng đất với bao khắc nghiệt vô cùng. Hình ảnh "đoàn quân mỏi" hành quân qua mảnh đất Sài Khao và bước chân của những người lính đã mệt mỏi và tựa như có thể trùn bước bất cứ khi nào. Quang Dũng không tô hồng hiện thực mà để hình ảnh người lính trở nên chân thực như những gì họ đã trải qua. Câu thơ thành công bởi bút pháp tả thực.

    Còn nhớ về Mường Lát là nhớ về đêm hơi. Mường Lát lung linh, lãng mạn với hình ảnh bông hoa rừng. Nét đặc sắc nhất của câu thơ chính là cách dùng từ. "Hoa về" chứ không phải hoa nở, "đêm hơi" chứ không phải đêm sương. Điều đó càng khiến cho cảnh lãng mạn, trữ tình. Hành quân trong đêm vất vả vô cùng nhưng trong tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn của người lính trẻ vẫn kịp thu vào trái tim mình vẻ đẹp nên thơ của thửa đất Tây Bắc.

    Nếu như bốn câu thơ mở đầu của Tây Tiến Quang Dũng dành tặng cho nỗi nhớ về đoàn quân, về địa danh mà mình đã từng gắn bó, từng sống thì bốn câu cuối lại được đánh giá là khúc vĩ thanh của bài quân hành Tây Tiến, khái quát lại một lần nữa con đường Tây Tiến gian khổ mà hào hùng:

    "Tây Tiến người đi không hẹn ước

    Đường lên thăm thẳm một chia phôi

    Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."​

    Nhà thơ lại nhắc tới Tây Tiến và hình ảnh người đi không hẹn ước ta có thể hiểu rằng người lính Tây Tiến ra đi tuy không hẹn ước nhưng họ vẫn quy tụ về nơi đây, trở thành đoàn binh với cái tên kiêu hãnh – Tây Tiến bởi vì cùng chung lí tưởng chiến đấu, cùng chung tinh thần hi sinh. Đây là tinh thần mà ta đã bắt gặp trong thi phẩm "Đồng chí" – Chính Hữu.

    "Tôi với anh đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

    Súng bên súng đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

    Đồng chí."​

    Nhưng cụm từ "không hẹn ước" còn có thể hiểu người chiến sĩ ra đi chiến đấu không ước hẹn ngày trở về bởi tinh thần hy sinh hết mình, "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Câu thơ vang lên như một lời thề sông núi, thể hiện được tinh thần của người lính, lột tả được lí tưởng chiến đấu cao cả của anh bộ đội cụ Hồ. Hình ảnh người lính Tây Tiến ở đây phảng phất bóng dáng của người anh hùng trong văn học cổ: "Tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn". Hay như hình ảnh người chiến sĩ trong thơ của Nguyễn Đình Thi:

    "Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy."​

    Mỗi hình ảnh, mỗi câu hơ mang một ý nghĩa nhưng tất cả đều chung một điểm toát lên bóng dáng của những trang nam nhi vì nghĩa lớn. Một lần nữa, Quang Dũng lại gợi nhắc con đường Tây Tiến gian nan và mỗi bước chân hành quân đi qua những dốc đèo hun hút, thăm thẳm, hoàn cảnh chiến đấu lại rất thiếu thốn, khắc nghiệt nên hành trình chiến đấu là những hi sinh, tiếp nối là thăm thẳm, "một chia phôi" là gợi ý chỉ sự xa cách về cả không gian và thời gian.

    Hai câu thơ ba và bốn là lời nhắn gửi đầy yêu thương:

    "Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."​

    "Mùa xuân ấy" là mùa xuân năm 1947, năm thành lập đoàn binh Tây Tiến. Nhưng cũng có thể hiểu mùa xuân ấy là mùa xuân tuổi trẻ, chỉ những chàng trai Tây Tiến năm xưa với lí tưởng sống và chiến đấu cao đẹp. Và hơn ai hết, những trái tim, những linh hồn của con người ấy còn ở lại mãi với Sầm Nứa. Hóa thân vào sông núi dẽ trở lên bất tử với thời gian, ý thơ thể hiện vẻ đẹp tinh thần của người lính Tây Tiến. Nhưng cũng có thể hiểu những ai đã sống và chiến đấu trong đoàn binh Tây Tiến thì dẫu có "về xuôi" nhưng tâm hồn mãi hướng về Sầm Nứa như Chế Lan Viên đã nói:

    "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn."​

    Với nghệ thuật dùng từ "không hẹn ước", "chia phôi" kết hợp với giọng thơ bàng bạc nhẹ nhàng, đoạn thơ nói về sự hy sinh, về tình cảm của người lính Tây Tiến lại thấm đậm chất lãng mạn. Vẻ đẹp chân dung của một tập thể anh hùng đại biểu cho một thời kì lịch sử bi tráng đã được Quang Dũng khắc họa tài hoa bằng bút pháp lãng mạn.

    [​IMG]

    Ngôn ngữ trong văn học giống như sắc màu hội họa, tiết tấu và giai điệu trong âm nhạc. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng, là phương tiện, chất liệu để giúp nhà thơ xây dựng lên những hình tượng nghệ thuật và gửi gắm những thông điệp, tư tưởng. Vì vậy, trong sự lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ có sự lao động về ngôn ngữ. VÀ thành công của một tác phẩm là dựa vào khả năng diễn đạt về ngôn ngữ. Vì thế khi đọc Tây Tiến nói chung và hai đoạn thơ nói riêng, ta nhận ra nét đặc sắc về ngôn ngữ là sự phối hợp, pha trộn của nhiều sắc thái và phong cách.

    Có ngôn ngữ mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày, mang đậm phong cách của người lính: "Quân mỏi", "sương lấp" và sử dụn liên tiếp những địa danh cụ thể để gây ấn tượng xác thực về miền đất mà nhà thơ đã sống và chiến đấu với đồng đội của mình.

    Trong cách sử dụng ngôn từ của Quang Dũng có sự sáng tạo, đặc biệt là kết hợp từ độc đáo tại nên nét nghĩa mới: "Hoa về", "đêm hơi". Giọng điệu trong hai đoạn thơ nói riêng và cả bài thơ nói chung bao trùm là nỗi nhớ, nhớ về những ngày gian khổ mà hào hùng, nhớ về đồng đội sống và chiến đấu cùng nhau nhớ về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ cũng thật thơ mộng. Cụ thể ở những câu thơ đầu tiên, giọng thơ chủ đạo là sự tha thiết, bồi hồi, nhớ nhung bật lên thành tiếng gọi còn ở bốn câu thơ kết bài, giọng điệu thơ Quang Dũng là sự trầm hùng như mang nặng lời thề non nước, cỏ cây.

    Cảm ơn các bạn đã đón đọc!
     
    ThuyTrang, Cuộn Len, Ái Giao7 người khác thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...