Phân tích, đánh giá truyện ngắn Phía Tây Trường Sơn - Vũ Hùng Leonit Leonop từng nói: "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung". Những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học là điểm nhấn để tác phẩm ấy sống mãi trong lòng người đọc. Với nội dung đơn giản mà sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn, truyện ngắn "Phía Tây Trường Sơn" của nhà văn Vũ Hùng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Truyện kể về tình bạn giữa con voi và người quản tượng. Vì thời điểm dấy quân chưa tới nên coi voi tạm cùng người quản tượng lui về làng. Biết nó nhớ rừng già, người quản tượng đã thả nó về rừng. Trở về với thiên nhiên, voi vẫn nhớ người quản tượng, mỗi năm một lần, nó tìm về thăm ông mấy ngày rồi lại đi.. Với mục đích viết truyện cho thiếu nhi, "Phía Tây Trường Sơn" không có những tình tiết gay cấn, bất ngờ, những pha bẻ lái đột ngột mà nhẹ nhàng, giản đơn. Qua câu chuyện ta nhận thấy tình cảm gắn bó sâu nặng giữa loài vật và con người, con người với loài vật. Đây không phải là mối quan hệ một chiều mà xuất phát từ hai phía. Tình cảm là sợi dây bền chặt được xây đắp từ tấm chân tình, từ cách ứng xử nhân văn giữa người và vật. Thực ra, đây không phải là chủ đề mới, nhưng nhà văn vẫn có những khám phá và cách thể hiện riêng để mang đến nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Phần đầu truyện tập trung viết về tình cảm của người quản tượng dành cho voi - ông Một. Ông chưa từng sống với ai lâu như với nó. Sự gắn bó ấy không chỉ về mặt thời gian, mà sâu xa hơn, đó là sự gắn kết về mặt tinh thần. Ông thấu hiểu lòng voi dù nó chẳng biết giãi bày lòng mình bằng ngôn ngữ của loài người. Ông nhận thấy trong dáng đứng "buồn thiu" và những lần bỏ ăn của nó là nỗi nhớ rừng già. Ông hiểu đó là bản năng tự nhiên của loài vật. Dù sống với con người đủ đầy thoải mái đến đâu, chúng vẫn muốn được trở về với thiên nhiên. Với suy nghĩ đầy thấu hiểu: "Một mình ta chịu tù túng đủ rồi.. còn nó, nó phải được tự do", người quản tượng đã quyết định thả nó về rừng dù rằng đã quen với nó, khó rời xa nó được. Có lẽ với ông, đây là quyết định khó khăn. Tình cảm dành cho con voi càng sâu đậm thì càng lưu luyến không nỡ rời xa. Nhưng lòng nhân hậu và thấu hiểu không cho phép ông ích kỉ giữ nó bên mình. Để chuẩn bị cho chuyến đi xa của ông Một, người quản tượng còn chu đáo cho voi nghỉ hết vụ hè, ngày nào cũng cho nó ăn thêm hai vác mía to, hai thùng cháo, động viên nó "Cố ăn đi, ăn cho khỏe, lấy sức mà về, rừng già xa lắm". Lòng ông thương voi thật cảm động. Với ông, con voi không còn là con vật nuôi nữa mà đã trở thành người bạn thân thiết. Tình cảm ấy còn biến thành niềm vui vỡ òa khi con voi hàng năm lại trở về thăm người quản tượng mấy ngày. Mấy ngày ấy, ông "như trẻ lại", "dẫn nó đi tắm", đãi nó một nương mía đã trồng sẵn.. Gặp lại voi mà ông lão như gặp lại cố nhân vậy. Tấm chân tình ông dành cho voi khơi dậy trong mỗi chúng ta ý thức yêu quý, trân trọng thiên nhiên, vạn vật. Phần sau câu chuyện, tác giả dành những chi tiết đầy cảm động viết về lòng trung thành, tình nghĩa mà ông Một dành cho người quản tượng. Dù đã trở về với rừng già, nhưng tình cảm của voi với người vẫn như một sợi dây bền chặt kết nối họ với nhau. Nhớ, quyến luyến người đã gắn bó, yêu thương mình, ông Một mỗi năm lại vượt đường xa về với người quản tượng và lưu lại vài ngày. Chặng đường vất vả là thế, mà nó đâu quản gì. Thế mới biết, tình cảm voi dành cho người quản tượng sâu sắc nhường nào. Ngạc nhiên hơn, nó còn giúp ông đủ việc: Lấy nước, lên nương quắp gỗ về mà không cần người đưa dắt. Phải yêu quý người quản tượng như thế nào, chú voi mới có cách ứng xử như thế. Nó làm những việc ấy không phải vì thói quen hay trách nhiệm, mà phải chăng vì nó muốn giúp cho ông đỡ vất vả khi không có nó ở đây. Ông Một hiện lên là một con vật thông minh, có cảm xúc và hiểu chuyện như con người vậy. Chi tiết cảm động nhất trong câu chuyện là chi tiết kể về thái độ của con voi khi người quản tượng qua đời. Truyện có thể dừng lại ở sự việc mỗi năm một lần voi về thăm làng, thăm ông lão. Nhưng không, để tạo ấn tượng với người đọc về tình cảm sâu đậm của con voi, nhà văn đã tạo nên tình huống voi trở về mà không thấy người quản tượng ra đón như mọi lần. Chẳng biết nó mong gặp hay dự đoán được điều chẳng lành, nó rảo bước về nhà, quỳ giữa sân, rống gọi, rrenf rĩ. Vẫn không thấy người quản tượng đi ra, nó lồng chạy vào trong nhà, hít hơi cái giường cũ của ông lão rồi buồn bã đi ra. Dường như vẫn còn hi vọng vào điều gì, nó chạy khắp làng tìm chủ. Hàng loạt những hành động ấy của voi diễn tả trạng thái thảng thốt, buồn bã, đau khổ của nó khi người quản tượng không còn. Hành động ấy chính là ngôn ngữ của loài vật. Thứ ngôn ngữ không lời nhưng ai cũng hiểu và không khỏi xúc động bởi tình cảm nặng sâu mà con vật nghĩa tình ấy dành cho chủ. "Một tác phẩm thực sự không dừng lại ở trang cuối cùng". Thật vậy, câu chuyện kết thúc có cái chết của con người và nỗi đau của con vật nhưng không gợi cảm giác quá bi lụy. Trong buồn đau, tình cảm, tình nghĩa cao đẹp giữa người với vật, vật với người vút lên tỏa sáng những giá trị nhân văn cho cuộc đời. Truyện đã để lại trong lòng mỗi độc giả những suy ngẫm về lẽ sống biết yêu thương, thấu hiểu, trọng nghĩa tình.. trong cuộc sống con người. Đó chính là bức thông điệp sâu sắc mà nhà văn khéo léo gửi trong tác phẩm. Dành 1 phút đăng kí tài khoản (miễn phí) tại LINK để đọc nội dung ẩn bạn nhé! Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Nếu họa sĩ dùng sắc màu để vẽ tranh, nhà điêu khắc dùng đường nét để khắc họa, nhạc sĩ dùng âm nhạc để tạo nên giai điệu cuộc sống thì nhà văn lại dùng ngòi bút để tạo nên đứa con tinh thần của mình. Với ngòi bút đậm tính nhân văn và tấm lòng thiết tha với việc nuôi dưỡng những vẻ đẹp tâm hồn, nhà văn Vũ Hùng đã để lại tác phẩm "Phía Tây Trường Sơn" đặc sắc, có tính giáo dục không chỉ đối với lứa tuổi thiếu nhi mà đã trở thành tác phẩm ý nghĩa đành cho mọi lứa tuổi.