Phân Tích Đoạn 3 Bài Thơ Tây Tiến - Hình Tượng Người Lính Của Tác Giả Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Leykt, 16 Tháng tám 2023.

  1. Leykt

    Bài viết:
    22
    [​IMG]

    Bài Làm
    Trong cuộc đời làm người lính của nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tượng đài về người lính Tây Tiến - một thế hệ trẻ hào khí ngút trời "Dàn hàng gánh đất nước trên vai" những con người hào hùng mà cũng rất đỗi bi tráng, họ vác trên người balo chứa đựng một giấc mơ hiền diệu đó là được cầm súng, được tận hiến sức mình chiến đấu vì hòa bình dân tộc:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

    Người ta thường hay thủ thỉ với nhau "Cái răng, cái tóc là gốc con người". Ấy vậy mà, các anh đã bị những cơn sốt rừng vặt trụi đi mái tóc, làn da cũng dần tái nhợt, xanh xao đi vì chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức gian truân, thiếu thốn. Một tâm hồn lãng mạn luôn neo đậu bến bờ đã cho ta thấy chiến tranh không đẹp như chúng ta thường hoài tưởng. Nó hào hùng mà cũng rất đỗi đớn hèn. Bởi chiến tranh chẳng phải trò đùa, chiến tranh phải là đau thương, là mất mác, là hi sinh thậm chí có cả chết chóc. Thế nhưng với đôi cánh lãng mạn đã chắp cánh cho thi ca thời kì này, giữa máu lửa chiến tranh họ vững tin về một ngày mai chiến thắng. Giữa khốn khổ, truân chuyên họ nghĩ đến quãng thì về sau ấm no, hạnh phúc. Dù chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng các anh vẫn lạc quan chí chẳng sờn lòng. Cái bi ở đây không phải bi lụy, bi thương mà là bi hùng, bi tráng. Quân dù có xanh màu lá nhưng vẫn dữ oai hùm, chất hùng tráng thể hiện ở dáng đứng hiên ngang, vượt qua mọi nghịch cảnh, dù sức cùng lực kiệt nhưng vẫn gắng gượng đứng lên tì súng chinh chiến.

    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

    Mắt trừng cái nhìn dữ dội, nảy lửa tràn đầy ý hận. Gợi nên bức kí họa về thời đại lúc bấy giờ, những ánh mắt thiếu ngủ, trằn trọc cả đêm nhằm canh gác quân thù quyết tâm bảo vệ biên cương, bờ cõi. Hoặc cũng có thể hiểu những ánh mắt mở ra để mơ về bóng hình giai nhân kiều diễm. Với lý tưởng chí tang bồng các anh ra đi rũ bỏ tất cả dù cho có là tình máu mủ, ruột thịt. Dù cho tình yêu có cao hơn cả núi, dài hơn cả sông. Nhưng, tiếc thay sống trong thời buổi hoạn ly "đất nước đau nỗi đau chia cắt" mấy ai có thể bỏ mặc nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc mà chạy theo tiếng gọi hạnh phúc của riêng? :

    "Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào

    Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau"

    (Nguyễn Mỹ)

    Sống giữa mưa bom bão đạn, hai trái tim vẫn chung một nhịp đập, hai đôi mắt vẫn có chung một ánh nhìn. Anh ở tiền tuyến đánh giặc em ở hậu phương làm hậu thuẫn vững chắc cho anh.

    Nhà văn Bảo Ninh đã từng viết trong nỗi xót xa: "Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang, khốn khổ, phiêu bạt và vĩ đại. Là cõi không đàn ông không đàn bà là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người" . Thực tế, chiến tranh không chỉ là những buổi vui sao cả nước lên đường, mà ẩn sau tấm màn treo của thời chiến có những giọt màu mắt của người mẹ, người vợ lén giấu đi, có cả những tấn bi kịch về cuộc đời mà khi bước ra thời bình người ta lại càng đau khổ hơn vì mình lại may mắn sống sót. Những hồi ức nhập nhoạng, xoay vần, những hồi ức có đủ máu và nước mắt. Những mảnh đời lính chiến, những con người vô danh đã nhỏ máu tươi thấm nhuần vào đất trời, đổi lấy "Tổ quốc bay lên bát ngát những mùa xuân"


    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

    Áo bào thay chiếu anh về đất

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

    Các anh đã hi sinh cho đất nước quá nhiều, dành trọn cả tuổi xuân vùi mình nơi cuộc chiến trong làn đạn, khói lửa. Cái chết đối với các anh nào phải ngày một ngày hai. Nhưng đâu đấy trong những trang thơ ta vẫn chẳng thấy có một lời nề hà than vãn về thân phận và cuộc đời, có lẽ với đoàn binh Tây Tiến được sống và chiến đấu, được góp nhặt một phần trong khúc khải hoàn ca mai sau của đất nước, được khoác lên người bộ quân trang đã là khoảng thời xuân lương thì không nuối tiếc. Như có lần nhà thơ Thanh Thảo tỏ bày:

    "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

    Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc

    Nhưng ai cũng tiếc nuối thì còn chi Tổ Quốc?"

    Với phép nói giảm, tác giả đã diễn tả nhẹ đi sự thương đau, mất mác trước cái chết nhẹ tựa lông hồng của bao đồng chí. Hình tượng áo bào là loại áo được dùng cho vua chúa thế nhưng Quang Dũng đặt vào ngữ cảnh cái chết cho ta thấy sự kính cẩn, trang trọng trước hào khí của đồng đội. Hình ảnh con sông mã lần nữa được tái hiện kết hợp với nhân hóa gợi lên sự dữ dội mạnh mẽ. Con sông mã đối với người lính Tây Tiến không phải là dòng sông vô tri, vô giác mà là người bạn tâm giao là nơi các anh gửi gắm tâm tư, tình cảm theo dòng trong những đêm đen nhung nhớ bên ánh lửa doanh trại. Chính nó là nơi đầu tiên giang đôi tay đón chào các anh tiến về phía Tây đánh giặc. Cũng chính nó là nơi cuối cùng mà khi hồn thiêng các anh trở về với đất mẹ thân thương. Nó đã tấu lên khúc ca trầm hùng tiễn đưa linh hồn người lính trở về miền miên viễn. Tuy hành trình sống còn đã gác lại tại quán trọ cuộc đời, nhưng hồn thiêng các anh suốt đời vẫn theo quân đánh giặc.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng tám 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...