Chuyên đề: Ôn tập Ngữ Văn 12 Bài thơ: Sóng (Xuân Quỳnh) Đề 1 Câu 1: Trình bày cảm nhận của anh/chị về hai khổ thơ sau? "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ" Câu 2: Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau? "Trước muôn trùng sóng bể Em nghĩ về anh, em Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên? Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau" Bài làm Câu 1: "Sóng" là bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Xuân Quỳnh. Hình tượng "sóng" trong bài thơ không chỉ là những cơn sóng ngoài biển khơi mà còn biểu tượng cho tâm hồn của người phụ nữ đang yêu. Trong hai khổ thơ đó hình tượng sóng đã diễn tả khát vọng tình yêu và hạnh phúc đích thực: "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ" Hai câu đầu tác giả tạo ra tiểu đối để diễn tả những biến thái đối lập của sóng cũng là tâm trạng của "em" bằng bốn tính từ "dữ dội-dịu êm", "ồn ào-lặng lẽ". Cùng với đó, cách ngắt nhịp 2/3 và sự luân phiên các thanh bằng trắc đã nhấn mạnh những đối cực trong trạng thái của sóng. Điều đặc biệt, cách sử dụng liên từ "và" cho thấy những trạng thái đối lập ấy vẫn song song tồn tại, không mâu thuẫn mà đan xen, vận động và có sự chuyển hóa. Qua đó, ta thấy được những cung bậc cảm xúc phức tạp trong tâm hồn người con gái đang yêu. Hai câu thơ tiếp mở ra hai không gian đối lập "sông" nhỏ bé, hữu hạn; "biển" bao la, vô hạn. Sóng từ bỏ "sông" nhỏ hẹp, chật trội vươn mình ra biển mênh mông, rộng lớn; từ bỏ những thứ tầm thường để vươn tới những thứ cao cả hơn. Đó chính là biểu tượng cho nhân vật "em" táo bạo, chủ động đi tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc chân chính. Trái ngược với người phụ nữ trong những câu ca dao xưa luôn thụ động trông chờ vào hoàn cảnh, may mắn: "Thân em như tấm lụa đáo Phất phơ ngoài chợ biết vào tay ai" Đối lập với các từ "ngày xưa" -quá khứ, "ngày nay" - tương lai chỉ sự thường biến của cuộc đời là từ "vẫn thế" chỉ sự trường tồn vĩnh cửu của những con sóng cũng như sự trường tồn vĩnh cửu, bất diệt của tình yêu. "Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ" Những con sóng như những nhịp đập trên lồng ngực biển khơi và khát vọng tình yêu là những nhịp đập trong lồng ngực của tuổi trẻ. Tình yêu thì có ở mọi lứa tuổi nhưng có lẽ chỉ có "ngực trẻ", lồng ngực khỏe khoắn của tuổi trẻ mới đủ sức để chứa đựng hết những đam mê, rạo rực, nồng cháy mãnh liệt của tình yêu. "Bồi hồi" sự dao động, rạo rực sau bao năm tháng tình yêu của tuổi trẻ vẫn không thay đổi. Chân lí khát vọng tình yêu của con người và đặc biệt của tuổi trẻ là mãi mãi. Hai khổ thơ với cách ngắt nhịp 2/3 đã phân tách câu thơ các thanh bằng trắc có sự đan xen nhịp nhàng. Các cặp tình từ tương phản "dữ dội-dịu êm", "ồn ào-lặng lẽ" cho thấy các đối cực của sóng cũng như những cung bậc cảm xúc khác nhau của "em" trong tình yêu. Đặc biệt, cách dùng liên từ "và" khiến cho các vế câu không bị tách biệt mà đan xen, có sự vận động hài hòa. Tác giả cũng khéo léo trong việc sử dụng tiểu đối trong hai khổ thơ. Cụm từ "ngực trẻ" cô đọng, giàu giá trị gợi hình, gợi cảm. Xuân Quỳnh đã rất tài tình khi khám phá ra sự tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em. Trong hai khổ thơ, hình ảnh sóng và em có lúc hòa nhập có lúc song hành nhưng không tách rời mà đan xen, bổ sung nhau. Kết hợp các biện pháp tu từ liệt kê, nhân hóa, ẩn dụ. Khát vọng về tình yêu và hạnh phúc đích thực là khát vọng chân chính của mỗi con người. Xuân Quỳnh với bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại đã ý thức phải và dám tự mình vươn ra cái tầm thường để tìm kiếm đến những tình yêu, hạnh phúc xứng đáng hơn. Đó là nhận thức đúng đắn, mới mẻ, táo bạo, giàu giá trị nhân văn. Câu 2: Hình tượng sóng đã diễn đạt bản chất của tình yêu và sự bí ẩn không thể lí giải qua hai khổ thơ: "Trước muôn trùng sóng bể Em nghĩ về anh, em Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên? Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau" "Em" -cá nhân người phụ nữ nhỏ bé, hữu hạn lại đứng trước "muôn trùng sóng bể" -vũ trụ to lớn, vô cùng vô biên trong lòng thức dậy những suy tư, chiêm nghiệm, trăn trở. "Em nghĩ" hai tiếng ấy lặp lại như sự khám phá, tìm tòi. Nhân vật em đứng trước biển lớn tự hỏi "Từ nơi nào sóng lên" và trả lời được là "Sóng bắt đầu từ gió". Nhưng khi em hỏi "Gió bắt đầu từ đâu?" em không trả lời được nên khi nghĩ về chuyện đôi ta em cũng tự hỏi "Khi nào ta yêu nhau". Hai câu hỏi đan cài, hòa nhập vào một. Chúng ta có thể lí giải được cội nguồn của sóng nhưng không thể cắt nghĩa, lí giải được cội nguồn của tình yêu. Câu thơ như lời thú nhận sự bất lực như một cái lắc đầu rất dễ thương, rất nữ tính của người con gái trong tình yêu. Nhưng có lẽ đó mới là biển hiện chân thành nhất của tình yêu. Vì không biết yêu từ bao giờ, yêu thế nào mới là yêu còn nếu đã tìm được cặn kẽ tình yêu thì có thể tình yêu nó đã đến lúc phải dừng lại. Bản chất muôn đời của tình yêu chính là vậy bí ẩn, kì lạ, không thể lý giải nhưng cũng rất tự nhiên. Do đó từ xưa đến nay tình yêu vẫn luôn có sự hấp dẫn, quyến rũ đến lạ thường trong bao con người. Không chỉ Xuân Quỳnh đến ngay cả "Ông Hoàng thơ tình" Xuân Diệu khi đối mặt với tình yêu cũng không thể định nghĩa được mà phải thốt lên những câu thơ: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu Có nghĩa gì đâu một buổi chiều Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu" Xuân Diệu không lí giải được tình yêu là gì? Nhà thơ cho rằng nó vốn không có nghĩa chỉ biết rằng nó đến một cách bất ngờ cũng rất tự nhiên và nhẹ nhàng chiếm lấy hồn ta. Nhận định của Xuân Quỳnh về tình yêu bản chất kì lạ, bí ẩn không thể lý giải được là vô cùng đúng đắn, hợp lý. Cũng chính nhận định đó đã phần nào giúp ta hiểu tại sao tình yêu lại luôn có sự lôi cuốn với giới trẻ nói riêng và con người nói chung đến vậy. Hai khổ thơ ta thấy hai hình tượng sóng và em chủ yếu song hành nhau. Lặp cấu trúc "em nghĩ về" gợi lên những suy tư của nhân vật trữ tình. Ba câu hỏi tu từ đặt cách dòng "Từ nơi nào sóng lên", "Sóng bắt đầu từ đâu", "Khi nào ta yêu nhau" khéo léo dẫn đến những cảm xúc, suy tư của nhân vật em. Đối tương hỗ hình ảnh "anh em-biển lớn"; hai cặp câu "Gió bắt đầu từ đâu-Khi nào ta yêu nhau" tạo sự hài hòa trong cả hai khổ thơ. Các câu thơ với nhịp ngắt dài ngắn khác nhau chủ yếu kết thúc bằng các âm mở tạo nên sự dâng trào cảm xúc. Các từ ngữ gợi hình, gợi cảm. Nữ thi sĩ tải tình sử dụng các hình ảnh cùng trường từ vựng "sóng", "bờ", "biển", "gió" đặt cạnh các từ cùng trường liên tưởng "anh", "em", "tình yêu" tạo ra sự tương đồng, bổ sung hỗ trợ nhau. Kết cấu khổ thơ tương ứng, liền mạch. Do đó, xây dựng hai hình tượng sóng và em tương đồng, hợp lí gợi hình, giàu giá trị biểu cảm.
Chuyên đề: Ôn tập Ngữ Văn 12 Bài thơ: Sóng (Xuân Quỳnh) Đề 2: Câu 1: Anh/chị hãy phân tích khổ thơ sau: "Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức" Câu 2: Nêu cảm nhận của anh/chị về khổ thơ sau: "Ở ngoài kia đại dương Trăm ngàn con sóng gió Con nào chẳng tới bờ Dù muôn vời cách trở" Bài làm Câu 1: Xuân Quỳnh qua hình tượng sóng đã diễn tả những tình cảm chân thành, đẹp đẽ nhất trong tình yêu. Tình yêu thì vốn muôn màu, đa vẻ nhưng một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tình yêu đó có lẽ là nỗi nhớ đã được tác giả thể hiện qua khổ thơ: "Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức" Khổ thơ cho thấy một nỗi nhớ thường trực, triền miên, dai dẳng, da diết, khắc khoải, nồng cháy. Nỗi nhớ bao trùm cả không gian "dưới lòng sâu", "trên mặt nước" kéo dài theo thời gian "ngày-đêm" xâm chiếm cả tâm hồn con người trong ý thức lẫn tiềm thức. "Em" đã hóa thân vào sóng. Sóng đã hòa nhập vào tâm hồn em để trở thành linh hồn có thao thức. Khổ thơ thứ năm đọng lại một chữ "nhớ" và cũng là khổ thơ duy nhất trong bài có đến sáu câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu. Không chỉ trong thi ca nỗi nhớ còn được nhắc đến trong nhiều câu ca dao: "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa như ngồi đống than" Hay: "Nhớ chàng như mảnh trăng gầy Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm" Biểu hiện của tình yêu mà đầu tiên và rõ rệt nhất đó phải là nỗi nhớ. Bởi lẽ, có nhớ có mong rồi mới có yêu, có thương. Nếu ở khổ thơ thứ nhất nhân vật em hiện lên với vẻ táo bạo vì chủ động tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc thì ở khổ thơ này em lại trở về với vẻ dịu dàng sống cùng những cảm xúc chân thành, đẹp đẽ muôn đời của tình yêu. Ta thấy người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh hiện lên với vẻ đẹp vừa hiện đại vừa truyền thống. Hình tượng sóng trong khổ thơ khi tách rời lúc lại song hành hòa nhập đã tạo nên kết cấu độc đáo trong cấu trúc hình tượng. Sóng nhớ bờ cũng chính là em nhớ về anh. Khổ thơ kết cấu tương ứng, liền mạch, cách ngắt nhịp chủ yếu xoay chuyển giữa 2/3 và 3/2. Từ ngữ gợi hình, giàu giá trị biểu cảm "lòng sâu", "mặt nước", "bờ". Điệp từ "sóng" nhân hòa "sóng nhớ bờ", "không ngủ được" để diễn tả nỗi nhớ của "em". Phép đối được sử dụng hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau, đối tương phản trong hai câu thơ đầu "dưới lòng sâu-trên mặt nước" để diễn tả sự trải dài của nỗi nhớ. Đối tương hỗ giữa "sóng nhớ bờ-không ngủ được" với "em nhớ anh-mơ còn thức" giúp cho hình tượng sóng và em không tách biệt mà bổ sung đan cài. Câu 2: Xuân Quỳnh đã diễn tả niềm tin trong tình yêu qua hình tượng sóng trong khổ thơ: "Ở ngoài kia đại dương Trăm ngàn con sóng gió Con nào chẳng tới bờ Dù muôn vời cách trở" Nữ thi sĩ đã soi chiếu vào sóng để tìm ra sự tương đồng giữa em và sóng. Cặp hình ảnh "sóng-bờ" ở đây được sử dụng rất mới mẻ dù đã được nói đến nhiều trong ca dao thơ ca. Nếu trong ca dao sóng, thuyền đó là ẩn dụ cho người con trai còn bờ, bến ẩn dụ cho người con gái thì ở đây sóng lại là hình ảnh người con gái, bờ là niềm hạnh phúc sum vầy. Như vậy trong khổ thơ ta không chỉ thấy vẻ đẹp của một tình yêu mãnh liệt thủy chung mà con thấy được sự chủ động, đầy mạnh mẽ của người con gái khi yêu. Cách nói đối lập "Dù" và đảo cấu trúc "Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở" thay vì "Dù muôn với cách trở/Con nào chẳng tới bờ" khiến câu thơ như một tiếng dặn lòng luôn phải vượt lên những khó khăn, trắc trở để giữ gìn hạnh phúc của mình. Câu thơ cũng khẳng định niềm tin của người phụ nữ trong tình yêu luôn sống với những tình cảm chân thành, đẹp đẽ tình yêu sẽ cập bến bờ hạnh phúc. Nếu nhớ mong là biểu hiện ban đầu của tình yêu thì niềm tin mới là cội nguồn nuôi dưỡng tình yêu lâu dài. Xuân Quỳnh quả tài tình khi khám phá ra nhận định này. Đây là nhận định đúng đắn, giàu giá trị nhân văn, cần có trong tình yêu. Khổ thơ cũng thể hiện đậm chất phong cách thơ của nữ thi sĩ luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Ở khổ thơ này hình tượng sóng và em gần như hòa nhập vào nhau. Tác giả viết về sóng sẽ đến bờ cũng như viết về tình yêu của em sẽ cập bến bờ hạnh phúc. Tác giả dùng hình ảnh sóng ẩn dụ nói về em người phụ nữ trong tình yêu khổ thơ dùng kết cấu đối lập cùng với các đối tương phản "Trăm ngàn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ-Dù muôn vời cách trở". Cách ngắt nhịp xoay chuyển giữa 2/3 và 3/2 cùng với các từ ngữ gợi, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm "đại dương", "sóng", "bờ". Nữ thi sĩ sử dụng phép đảo cú pháp "Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn với cách trở" cùng cách nói dối lập "Dù" khẳng định niềm tin trong tình yêu.
Chuyên đề: Ôn tập Ngữ Văn 12 Bài thơ: Sóng (Xuân Quỳnh) Đề 3: Câu 1: Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau: "Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn qua đi Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa Làm sao tan được ra Thành tram con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ" Câu 2: Nhận xét về "Sóng" của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: "Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ". Từ cảm nhận về đoạn thơ sau của bài thơ "Sóng", anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên: "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ Trước muôn trùng sóng bể Em nghĩ về anh, em Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên? Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thứ" Bài làm Câu 1: Hình tượng sóng đã diễn tả khát vọng dâng hiến và vĩnh viễn hóa tình yêu qua hai khổ thơ: "Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn qua đi Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa Làm sao tan được ra Thành tram con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ" Khổ thơ đầu là những suy tư về không gian, thời gian để từ đó bộc lộ nỗi khoắc khoải, tự nhận thức về mình, về tình yêu và hạnh phúc. Khổ thơ có hai cặp câu đối lập, câu 1 đối câu 2, câu 3 đối câu 4 với các cặp từ đối lập "tuy-vẫn", "dẫu-vẫn". Cuộc đời con người có thể kéo dài đến hàng chục năm mới nghe thì cứ tưởng dài nhưng nếu đặt trong dòng thời gian vô cùng, vô tận thì lại thật ngắn ngủi, hữu hạn. Dòng chảy thời gian "Năm tháng vẫn qua đi" lạnh lùng lấy đi một phần đời người lên năm tháng dài vẫn sẽ mất đi dần. Không gian "biển rộng" cũng trở nên hữu hạn trước cái vô hạn của vũ trụ "mây bay về xa". Đứng trước không gian vô cùng, thời gian hữu hạn nhà thơ Xuân Diệu cũng phải hờn dỗi viết nên những câu thơ: "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất Lòng tôi rộng những lượng trời cứ trật Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại Còn đất trời, nhưng chẳng còn tôi mãi Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời" Trước bước đi của thời gian các nhà thơ phải tự tìm cho mình cách sống trọn vẹn nhất. Nếu Xuân Diệu chọn một cách sống vội vàng, vồ vập, tận hưởng, tận hiến hết mình: "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn Ta muốn riết mây đưa và gió lượn Ta muốn say cánh bướm với tình yêu Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây, và cỏ rạng Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng Cho no nê thanh sắc của thời tươi Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi" Thì Xuân Quỳnh, từ nhận thức, khám phá đã mang đến giải pháp tích cực: "Làm sao tan được ra Thành tram con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ" "Tan ra" không phải để mất đi mà để hòa mình vào biển lớn để trở nên vô cùng, tồn tại đến ngàn năm trở thành vĩnh hằng. Đó là khát vọng được dâng hiến trọn vẹn và vĩnh viễn hóa tình yêu. Trong "Tình cuối mùa thu", Xuân Quỳnh cũng từng viết: "Thời gian như là gió Mùa đi cùng tháng năm Tuổi theo mùa đi mãi Chỉ còn anh và em Chỉ còn anh và em Cùng tình yêu ở lại" Nhà thơ khát khao hòa tình yêu của mình vào tình yêu của mọi người hòa cái chung vào cái riêng. Tình yêu như thế sẽ bất tử và không bao giờ cô đơn. Suy tư như thế nhưng thơ Xuân Quỳnh không dẫn người ta đến bế tắc mà trở thành khát vọng. Khát vọng được dâng hiến trọn vẹn để vĩnh viễn hóa tình yêu của mình. Khổ thơ là nhận thức đúng về tình yêu đẹp cũng như cách ứng xử đẹp trong tình yêu. Xuân Quỳnh đã vượt qua sự thử thách của thời gian và hữu hạn của đời người. Xuân Quỳnh đã nghĩ ra một giải pháp tốt, tích cực, giàu giá trị nhân văn thể hiện một con người có tấm lòng bao dung, sống biết cho đi vì cho đi là còn mãi. Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tự do, linh hoạt, cách ngắt chủ yếu xoay chuyển giữa 2/3 và 3/2. Hình ảnh "sóng" gần như hòa nhập vào hình ảnh "em" ẩn dụ xuyên suốt và bao trùm hai khổ thơ. Các từ ngữ gợi hình, giàu giá trị biểu cảm "dài thế", "qua đi", "rộng", "xa", "tan", "vồ". Kết cấu tương ứng trong khổ thơ giữa "cuộc đời dài-năm tháng vẫn qua đi" với "biển rộng-mây bay về xa". Phép đối tương phản giữa hai cặp câu "Cuộc đời tuy dài thế-Năm tháng vẫn qua đi", "Như biển kia dẫu rộng-mây vẫn bay về xa" cùng các cặp từ đối lập "tuy-vẫn", "dẫu-vẫn". Câu 2: Tình yêu luôn là một nguồn cảm xúc dạt dào trong thi ca. Mảng đề tài này đã thu hút và làm tốn biết bao giấy mực của các nhà thơ như Nguyễn Bính, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, "Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu.. Mỗi nhà thơ lại có cách viết về tình yêu khác nhau. Trong đó, Xuân Quỳnh với bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại đã góp phần cho thơ ca những nhịp đập dồn dập của trái tim phụ nữ đang yêu. Chẳng biết từ bao giờ sóng và tình yêu lại có một mối quan hệ mật thiết đến thế. Trong bài thơ "Sóng" có thể thấy sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ được thể hiện tiêu biểu nhất qua đoạn thơ sau: "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ Trước muôn trùng sóng bể Em nghĩ về anh, em Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên? Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thứ" Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh sinh năm 1942 tại làng La Khê-một làng dệt vải nổi tiếng ở Hà Đông (Hà Nội cũ) mất năm 1988. Xuân Quỳnh sinh ra trong một gia đình công chức mồ côi mẹ sống với bà nội từ nhỏ. Nữ thi sĩ từng làm diễn viên múa năm 13 tuổi đến 20 tuổi tham gia khóa đào tạo "Hội những người viết văn trẻ" đến khi tốt nghiệp thì chuyển sang làm báo. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ trắc ẩn, đầy hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm lại luôn da diết trong khát khao về hạnh phúc bình dị đời thường cũng chứa đựng những dự cảm lo âu về tình yêu bất trắc. Bài thơ sóng in trong tập "Hoa dọc chiến hào" xuất bản 1968. Bài thơ được sáng tác trong một chuyến đi thực tế tại biển Diêm Điền-Thái Bình năm 1967 cũng là khi nữ thi sĩ 25 tuổi lần đầu trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ. Có lẽ bởi vậy nên dù bài thơ là tiếng lòng của người phụ nữ đang yêu nhưng vẫn chứa đầy trăn trở, lo ngại. Xuân Quỳnh từng được trao tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật năm 2001. Trong bài thơ, sóng không chỉ là những con sóng ngoài biển mà là sự hóa thân của nhân vật "em". Sóng và em lúc tách biệt khi hòa nhập song hành đã tạo lên nét độc đáo trong cấu trúc hình tượng bổ sung đan cài nhau. Hình tượng sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ vô cùng độc đáo. Hình tượng trung tâm là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và tư tưởng của tác giả. Hình tượng ẩn dụ là hình tượng mang ý nghĩa biểu trưng. Ngoài nghĩa biểu thực, sóng còn là ẩn dụ cho nhân vật em là sự hóa thân của em. Người phụ nữ qua sóng và nhờ sóng giãi bày cảm xúc, tâm trạng của lòng mình trong tình yêu. Trước hết, sóng là hình tượng nghệ thuật trung tâm. Xuyên suốt các khổ thơ là những cảm nhận của Xuân Quỳnh về sóng và nhờ sóng nữ thi sĩ bày tỏ tình cảm, tâm trạng trong tình yêu. Sóng được cảm nhận với hai trạng thái đối lập "dữ dội-dịu êm", "ồn ào-lặng lẽ". Sóng luôn là khát khao trong hành trình tìm ra biển lớn và được cảm nhận sự tồn tại vĩnh hằng, muôn thưở "Sông không hiểu nổi mình-Sóng tìm ra tận bể". Sóng là hiện tượng thiên nhiên vừa bất ngờ vừa bí ẩn rất khó để lý giải nguồn gốc, sóng luôn thao thức nỗi nhớ bờ không ngừng, không nghỉ: "Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được" Sóng là hình tượng ẩn dụ cho người con gái trong tình yêu. Khi yêu người con gái sống với những trạng thái phong phú, phức tạp, đầy bí ẩn của tâm hồn. Họ luôn chủ động, mãnh liệt trong tình yêu. Đó là khát vọng vĩnh hằng, muôn thuở, muôn đời con người vẫn tìm đến tình yêu và mãi mãi đến với tình yêu. Trước biển cả mênh mông, người con gái muốn truy tìm nguồn gốc của những con sóng biển cũng chưa muốn tìm hiểu, cắt nghĩa nguồn gốc tình yêu. Nỗi nhớ của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ ồn ào, da diết, mãnh liệt của người con gái. Đó là nỗi nhớ chiếm lĩnh trọn vẹn mọi không gian, thời gian, đi sâu vào tiềm thức, giấc mơ của con người. Thể thơ năm chữ với âm điệu dạt dào như những con sóng biển; cách xây dựng nghệ thuật hình tượng độc đáo; kết cấu song trùng "sóng và em"; ngôn ngữ trong sáng, giản dị; các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp; câu hỏi tu từ; ẩn dụ.. được sử dụng tài hoa, sáng tạo góp phần tạo nên giá trị và vẻ đẹp của bài thơ "Sóng". Bài thơ như một truyền thuyết về tình yêu lứa đôi. Qua sóng, một hình tượng trung tâm và có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc, người đọc cảm nhận được tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy chủ động, mạnh mẽ bày tỏ những khát khao và rung động, rạo rực của lòng mình. Đó là một nét rất mới mẻ thậm chí hiện đại trong thơ ca. Trái ngược với những người phụ nữ thụ động, trông chờ vào hoàn cảnh trong thời kì cũ: "Thân em như tấm lụa đáo Phất phơ ngoài chợ biết vào tay ai" "Thân em như hạt mưa sa Hạt vào đài cát, hạt ra ngoài đồng" Nhưng đó cũng là một tâm hồn trong sáng, tha thiết và đắm say một tình yêu thủy chung, tuyệt đối dâng hiến trọn vẹn đến mức quên mình. Nó rất gần gũi với mọi người và có gốc rễ trong quan niệm vững bền của dân tộc: "Yêu anh cốt rũ xương mòn Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh làm câu răn mình" Với cách xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo sáng tạo. Sóng không chỉ là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Quỳnh mà còn là một trong những bài thơ hay nhất về tình yêu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Người phụ nữ trong bài thơ mang vẻ đẹp của thế giới hiện đại vừa truyền thống. Bài thơ như một truyền thuyết về tình yêu lứa đôi. Từ đó ta thấy tình yêu là một tình cảm cao đẹp, hạnh phúc lớn lao của con người.