Phân tích hai khổ thơ đầu của bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh Bài làm Xuân Quỳnh - nhà thơ của khát vọng tình yêu, cũng vì lẽ đó mà thơ của bà luôn đặc sắc mang âm hưởng của tình yêu. Trong đó, nổi bậc nhất là bài thơ Sóng, bài thơ được in trong tập Hoa dọc chiến hào: "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nỗi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ." (Sóng - Xuân Quỳnh) Năm 1967, trong một lần đi công tác ở biển Diêm Điền (Thái Bình). Đứng trước biển trời bao la, ngắm những cơn sóng lay động lòng người mà bài thơ Sóng được tác giả chấp bút. Mở đầu bài thơ, thi sĩ đã ví von sóng như là tình yêu của người con gái: "Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nỗi mình Sóng tìm ra tận bể" quả thật tình yêu của người con gái như là sóng vậy. Luôn dao động, biến đổi đối lập nhau lúc "dữ dội" khi tình yêu dâng trào, lúc lại "dịu êm" bởi nét nữ tính, mềm mỏng bên trong một cô gái, khi "ồn ào" đối diện với bão táp cuộc đời, khi "lặng lẽ" hy sinh. Những cung bậc cảm xúc cứ thi nhau mà tiếp nối, tựa những đợt sóng cuộn trào trên mặt biển. Nhưng chung quy lại, mọi cảm xúc ấy đều do hai từ "tình yêu" mà nên, vì lẽ đó mà tác giảm - một cô gái mãnh liệt về tình yêu được thôi thúc để "tìm ra tận bể". Bởi lẽ, tình yêu thì không thể gói gọn trong khoảng cách không gian chật hẹp, kín đáo trong "sông" mà cô biết rằng, tình yêu của mình bao la và rộng lớn hơn nhiều, mà nơi đó chỉ có thể là "bể". Từ những lời trên, chúng ta tự nhìn lại bản thân mình, bởi khi trao trái tim cho ai, liệu ta có nhìn lại vì sao ta trao cho họ những cảm xúc kia, đôi khi lại cần thiết, khi lại là những mệt mỏi cho đối phương lẫn cả bản thân? Vậy nên, Xuân Quỳnh không muốn bản thân biết mình có nhiều cảm xúc như thế mà không biết nguyên do, vậy nên cô "tìm tận bể" để thấu hiểu, giải thoát người cũng như giải thoát mình. Tình yêu là một món quà thiêng liêng của cuộc sống, mang lại cho con người sức mạnh, ý chính và động lực vượt qua khổ đau. Với những con người nhạy cảm với tình yêu, dồi dào cảm xúc, rất khó để kiểm soát những suy nghĩ, điều khiển dòng cảm xúc của bản thân, nhưng để làm được những việc trên, chỉ còn cách tự nhìn nhận lại tình cảm của mình, tìm ra gốc rễ, ngọn nguồn như Xuân Quỳnh đã làm. Và để khẳng định hơn về "chất tình" của bản thân không phải là ngẫu nhiên mà có, bà khẳng định: "Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ." "ngày xưa" tình yêu đã là chân lý sống của con người, là nguồn cảm hứng sáng tạo của thi nhân. Thế nên "ngày sau" tình yêu vẫn luôn đẹp, dù mang lại nhiều đớn đau nhưng từ người không có học thức đến những bậc cao nhân không ai chưa từng yêu. Không những vậy, tình yêu luôn rạo rực, "bồi hồi" và sôi nổi nhất ở lứa tuổi xuân thì. Tình yêu thời gian này không vật chất, thiết tha mà sâu đậm, cháy bỏng mà nồng nàn, yêu một người mà không cần biết họ là ai, ở đâu và cả ngày sau. Tình yêu là thế, nhưng đối với Xuân Quỳnh, dù yêu nhưng cô vẫn mong muốn lý trí song hành, không ủy mị hay bi lụy. Bằng việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật đối lập và nhân hóa "Sóng", Xuân Quỳnh bày tỏ nỗi khát vọng tình yêu cao cả, giải đáp những thắc mắc và đưa ra giải pháp cho người về tình yêu. Phong cách và nhịp thơ cũng là nhịp của sóng, đầy sáng tạo và đậm chất cá nhân. Có thể thấy, thanh xuân là khoảng thời gian khó khăn, khi mỗi người chúng ta cần phải thay đổi để trưởng thành, nhưng bạn biết đó, chúng ta không đơn độc. Vì có tình yêu luôn bên cạnh, tình yêu ở thời khắc này luôn đẹp đẽ, trong sáng, nhẹ nhàng mà mãnh liệt như sóng. Chúng ta, những bạn trẻ, cần trân trọng tình cảm ở lứa tuổi này, để sau này khi nhìn lại, dù là quá khứ hay hiện tại người bạn ấy vẫn bên cạnh, ta đều mỉm cười và không nói hai từ "giá như".