Phân tích khổ 1 và 2 bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 20 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 1: Cảm nhận của anh/chị về khổ 1 và 2 trong bài thơ Sóng của thi sĩ Xuân Quỳnh

    [​IMG]

    Bài làm

    Cùng anh băng qua bao đại dương,

    Cùng anh đi vượt ngàn con đường ".

    Trải qua bao thời gian, tình yêu không chỉ là một đề tài hấp dẫn với độc giả mà còn khơi nguồn cảm hứng với nhiều thi nhân. Nghe những ca từ cất lên từ ca sĩ Ngọc Đôli, chợt liên tưởng đến tình yêu đang bùng cháy mãnh liệt trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, một nhà thơ nhỏ bé luôn đắm chìm trong từng nhịp thở của tình yêu. Mỗi một vần thơ cất lên là mỗi cơn sóng đang vần vũ ào ạt trong lồng ngực. Để từ đó, tác phẩm nói lên sự thủy chung, son sắt của người phụ nữ trong tình yêu. Đến với hai khổ đầu, thi sĩ đã thổi hồn người đọc theo những làn sóng mạnh mẽ, mãnh liệt và cho thấy niềm khát khao tình yêu đến bỏng cháy của người con gái đang yêu.

    Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mĩ. Cái đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh là sự thành thực, là ở nét dịu dàng, nữ tính, đằm thắm, là khát vọng hạnh phúc đời thường cho nên thơ bà luôn là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc.

    Thi phẩm Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền. Bài thơ được in trong tập" Hoa dọc chiến hào "(1968). Sóng là bài thơ tình trong thời chiến mang cái nồng nàn, khát vọng yêu thương, cháy bỏng nỗi nhớ và da diết, thủy chung. Và sóng cũng là đối tượng để cảm nhận với những cung bậc phong phú về tâm trạng và khát vọng trong tình yêu.

    Mượn hình ảnh sóng của tự nhiên, Xuân Quỳnh đã gợi ra biểu tượng tuyệt đẹp của tình yêu, những trạng thái của sóng đã trở thành những ẩn dụ về cảm xúc, tâm trạng và những khát khao của người con gái trong tình yêu:

    " Dữ dội và dịu êm

    Ồn ào và lặng lẽ

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể "

    Ngay mở đầu bài thơ, thi sĩ Xuân Quỳnh đã gợi lên trạng thái đối lập, đa dạng của sóng:" dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ "đây cũng chính là tâm trạng thất thường, phức tạp của người con gái trong tình yêu. Nhà thơ không đặt " ồn ào và dữ dội ", " dịu êm và lặng lẽ " hay là " dịu êm và dữ dội "," lặng lẽ và ồn ào " . Có thể thấy nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã nhận ra trong cái chiều sâu tâm lý của người con gái trong tình yêu ẩn sâu trong giông bão, nắng mưa ấy đó cũng chính là một sự êm đềm, đằm thắm và dịu dàng xiết bao. Nhà thơ cho thấy được vẻ đẹp đầy nữ tính và sự tinh tế của mình khi phát hiện ra cái quy luật trong tình yêu, cái cung bậc cảm xúc của người con gái trong tình yêu đó là " Hết mưa là nắng, hết giận là yêu " dù là đối lập nhưng được đặt và được kết nối với nhau bởi từ" và ", có lẽ tất cả cung bậc cảm xúc ấy tuy thất thường, tuy phức tạp, tuy mâu thuẫn nhưng đều được xuất phát từ trái tim yêu chân thành và tha thiết. Một làn sóng dù có dữ dội đến đâu, ồn ào đến đâu thì cũng đến lúc phải trở lại khoảnh khắc yên tĩnh, và một người con gái dù có mạnh mẽ, cá tính đến đâu thì cũng trở về với con con người nữ tính vốn có của họ. Sẽ chẳng có thứ gì, chẳng có ai sống và tồn tại trên cuộc đời bằng mãi một vỏ bọc đầy gai được. Sóng khó hiểu, nhiều khát vọng, em cũng vậy, em khao khát được thấu hiểu, được quan tâm, được yêu, được che chở. Chính sự dịu êm và lặng lẽ tạo nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của biển, sóng và những cung bậc cảm xúc phức tạp trong em đã tạo nên một thế giới nội tâm vô cùng bí ẩn.

    Nếu sóng tìm ra bể lớn để được vẫy vùng, thì em khát khao tìm thấy thực tình yêu của đời mình. Sóng ở sông không thể là sóng lớn muốn biết sóng lớn như thế nào thì phải ra biển, cũng như người con gái khi trái tim đã biết đập nhưng nhịp đập không bình thường họ phải khát khao vượt qua giới hạn chật chội của gia đình để đi tìm nửa kia của đời mình. Hai tâm hồn tìm đến nhau, yêu nhau để hiểu nhau và cũng là để hiểu chính mình. Vì thế, để hiểu được giá trị đích thực của mình trong mắt người yêu Xuân Quỳnh đã có quan niệm mới đó là: " Tình yêu là sự nhận thức, vươn tới cao cả của quy luật tự nhiên và quy luật cuộc sống ". Xuân Quỳnh đã xuất hiện được khát vọng cháy bỏng của tình yêu nói chung và của người phụ nữ nói riêng. Phép nhân hóa: " Sông không hiểu," "Sóng tìm ra tận bể". Cho thấy con sóng mang khát vọng lớn lao nếu sông không hiểu nổi mình thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp để tìm ra tận bể, tìm đến nơi cao rộng, bao dung. Hành trình tìm ra tận bể của sóng cũng là quá trình tự khám phá, tự nhận thức chính bản thân, khát khao cho sự đồng cảm, đồng điệu trong tình yêu.. Một tình yêu chân chính sẽ không chấp nhận thứ tình cảm một chiều, bản tính của sóng muốn băng đến biển để tìm những thứ mới lạ để hiểu chính mình thì con gái khi yêu cũng vậy, không chỉ có những phút giây nồng nhiệt sôi nổi mà còn có những lúc sâu lắng, bình lặng để nghĩ về cuộc tình của mình, họ khao khát đối phương có thể thấu hiểu những đều họ làm cho người họ yêu, khao khát được yêu thương, vỗ về.

    "Chẳng một ai có thể hiểu nổi một trái tim khi đã lỡ yêu rồi". Xuân Quỳnh đã đặt cả lòng mình, mượn hình ảnh con sóng để nói lên tình yêu của đời mình:

    "Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hôi trong ngực trẻ."

    Thán từ "Ôi" đặt ngay đầu câu thơ đủ cho ta thấy được cảm xúc dâng trào nổi trội trong lòng nhà thơ. Cụm từ chỉ thời gian vĩnh hằng: "Ngày xưa, ngày sau" được kết nối với từ "Và" khẳng định vẫn thế để kết nối thời gian, kết nối lịch sử tồn tại của sóng và cũng là lịch sử của tình yêu. Sóng mãi trường tồn với thời gian cũng như con người với nỗi khát vọng tình yêu. Nếu con sóng ngày xưa và ngày sau vẫn thế, vẫn cần mẫn đập vào bờ hằng ngày thì tình yêu của người con gái cũng vậy, vẫn mãi bùng cháy rạo rực con tim. Một tình yêu thủy chung, son sắt, mãnh liệt chưa bao giờ đổi thay không chỉ dừng lại ở lòng thủy chung mà vẻ đẹp của khổ thơ thứ hai còn là tình yêu, thứ tình yêu sẽ chiến thắng được mọi thời gian. Trong một mối tình, có thể không phản bội nhưng đôi lúc chúng ta sẽ cảm thấy chán, khi lúc mới yêu vui biết bao nhiêu nhưng yêu lâu cũng sẽ có lúc chạnh lòng. Lúc đó không phải là vấn đề về thủy chung mà câu hoi là bí kíp giữ lửa trong tình yêu. Tại sao những bậc cha mẹ, ông bà yêu nhau đến mấy chục năm không đặt ứng dụng đến ngày, đến tháng, không nhắn tin chát chít mà họ vẫn yêu nhau bền như thế? Sở dĩ họ yêu nhau lâu và bền vững như là họ biết cách làm mới tình yêu. Khi biết làm mới tình yêu, thì tình yêu ấy sẽ bền chặt, sẽ không bao giờ nhàm chán trong mắt của người yêu mình.

    "Nối khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ."

    Tuổi trẻ là những khát vọng, là những bồi hồi, xao xuyến. Thời gian trôi đi bốn mùa luôn luôn luân chuyển nhưng không có nghĩa tình yêu vì thế mà nhàm chán nếu chúng ta biết vun đắp cho tình yêu, thực sự vì nhau và luôn làm mới mình thì tình yêu sẽ chiến thắng mọi thời gian. Tình yêu tuổi trẻ luôn là thứ tình yêu mãnh liệt, hết mình, đẹp đẽ nhất bởi vậy những khát khao, hành động, cảm xúc cũng sẽ trở nên bất diệt và vô tận. Mượn sự vĩnh hằng, bất tử và bất biến của con sóng biển khơi để nói về nỗi khát khao tình yêu cháy bóng trong lồng ngực trẻ. Còn ví von nào giàu cảm xúc và giàu sức gợi đến thế! Trái tim ngực trẻ vẫn mãi một tình yêu, vẫn mãi một niềm tin rong ruổi bất tận cho hạnh phúc của đời mình. Như Xuân Diệu từng nói: "Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người, và tình yêu làm mùa xuân ấy thắm sắc đượm xuân hơn". Có thể thấy trong ý thơ của Xuân Quỳnh, cũng có sự gặp gỡ, đồng điệu với những gì Xuân Diệu từng gợi nhắc, nhưng chính hình tượng sóng cũng đã giúp cách diễn đạt, mới mẻ giàu chất thơ hơn.

    Hai khổ thơ đầu bài thơ Sóng như khúc nhạc dạo đầu, đã mở ra toàn bộ mạch cảm xúc của bài thơ. Tác giả đã cho thấy những cung bậc cảm xúc phức tạp, khó đoán định và niềm khát vọng tình yêu của người con gái. Đồng thời gợi cho người đọc những cảm nhận mới lạ bởi cách diễn đạt trẻ trung mà vô cùng sâu sắc, đậm chất thơ Xuân Quỳnh.

    Thông qua những ẩn dụ, hoán dụ, nhưng phép điệp tạo sự xao xuyến cho âm hưởng thơ, đoạn thơ đã thể hiện chân thực những sắc thái phong phú phức tạp mà quyến rũ của tình yêu, diễn tả sâu sắc trái tim người đang bồi hồi rạo rực và trăn trở, những trạng thái tâm lý với những nét riêng đầy nữ tính của Xuân Quỳnh trong tình yêu. Thể thơ 5 chữ với những dòng thơ thường không ngắt dịp, sự đắp đổi các thanh bằng, trắc ở mỗi cuối câu thơ, khổ thơ, từ ngữ trùng điệp, những cặp từ sóng hô ứng xua đuổi nhau đã tạo nên âm hưởng dào dạt nhịp nhàng, gợi nhịp điệu những con sóng miên man, bất tận, khi ào ạt trào dâng, lúc dịu êm đằm thắm. Đó cũng là lời nhịp điệu những con sóng lòng, những đợt sóng của đam mê khao khát yêu thương đang cuộn trào trong trái tim người phụ nữ - những con sóng làm nên sức mạnh và vẻ đẹp đắm say cho tâm hồn phụ nữ đang yêu.

    Đúng như Diệp Tiếp khẳng định: "Thơ là tiếng lòng". Tiếng lòng của thơ thật sự có ý nghĩa khi nó là lời nói trân thành, đằm thắm. Tiếng lòng ấy đủ sức lan tỏa, đồng điệu với lòng người nhịp bước theo tháng năm. Qua hình tượng sóng, bài thơ đã khắc họa vẻ đẹp tình yêu của người phụ nữ: Thiết tha, nồng nàn, thủy chung, muốn vượt qua thử thách của thời gian và sự hữu hạn của con người. Từ đó, ta thấy vẻ đẹp của nhân vật trữ tình: Cái tôi Xuân Quỳnh chân thành, đằm thắm, mãnh liệt và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

    Đoạn thơ nói riêng và bài thơ "Sóng" nói chung bộc lộ cái tôi cá nhân của thi sĩ Xuân Quỳnh trong tình yêu, đó là cái tôi giàu cảm xúc và khát vọng mãnh liệt không che giấu, không ngại ngùng, Xuân Quỳnh rất mạnh mẽ, rất hiện đại trong cách bày tỏ khát vọng tình yêu: Được vượt lên sự hữu hạn của đời người, được hóa thân vào con sóng bất tử, được hi sinh, dâng hiến, được tan chảy vào bờ cõi không giới hạn. Qua cách bày tỏ tình yêu ấy, ta thấy hiện lên một Xuân Quỳnh với một trái tim yêu cháy bỏng, một tâm hồn yêu nồng nàn, rất mạnh mẽ mà cũng rất trân thật, rất đời, rất "người".

    Nói tóm lại "Sóng" là tác phẩm tuyệt vời viết về tình yêu, một bài thơ trong sáng, ý nhị mà sâu sắc, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Bài thơ như tiếng lòng của nữ sĩ về tình yêu và khao khát yêu thương. Như trong tác phẩm "Tự hát", Xuân Quỳnh cũng đã bày tỏ niềm khát khao được sống trong tình yêu chân thành, thủy chung đến như nhất:

    "Em trở về đúng nghĩa trái tim em

    Là máu thịt đời thường ai chẳng có

    Trái tim vẫn ngừng đập khi không còn nữa

    Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi."
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...