Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Hoài Thư

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ennho, 28 Tháng năm 2022.

  1. ennho Bé Mọt

    Bài viết:
    97
    ĐỀ BÀI: Phân tích bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh.

    DÀN Ý CHI TIẾT:

    1. MỞ BÀI:

    • Giới thiệu về nhà thơ Xuân Quỳnh: Là một nhà thơ nữ tiêu biểu trong phong trào "Thơ Mới", trong khi tất cả mọi người đều tập trung cho mảng thơ ca cách mạng thì Nhà thơ đã chọn cho mình một mảng đề tài khác biệt đó là về tình yêu.
    • Phong cách sáng tác: Những bài thơ chan chứa tình cảm. Là nỗi trăn trở, thổn thức và những cung bậc cảm xúc khác nhau của một người phụ nữ trong tình yêu và trong cuộc sống.
    • Bài thơ Sóng: Là một trong những bài thơ xuất sắc của nữ thi sĩ. Thể hiện được lý tưởng và tinh thần của chính bản thân bà trong tình yêu. Không phải là ủy mị thụ động như một cô gái thời phong kiến, cổ hủ nữa. Mà là một tình yêu tuy đơn giản nhưng sâu sắc và mãnh liệt.

    2. THÂN BÀI:

    • Đối với bà, tình yêu thì không thể tránh khỏi những lúc thăng trầm. Không mong cầu một tình yêu êm ả, chỉ mong cầu một người có thể hiểu mình. Không ngại những chông gai để có thể tìm về cho mình hạnh phúc.
    • Nghệ thuật trong 4 câu thơ đầu: Sử dụng những tính từ đối lập: "Dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ" muốn nói lên sự đối lâp, đa dạng của những con sóng. Cũng giống như những cung bậc cảm xúc của một người con gái khi yêu.
    • Sóng ngày xưa - sóng ngày sau: Sự trường tồn vĩnh cửu. Cũng như quan niệm của XQ với tình yêu là chung thủy bền lâu không bao giờ thay đổi.
    • Những suy nghĩ trăn trở trong tình yêu: Tình yêu bắt nguồn từ đâu? - XQ dựa vào những quy luật tự nhiên để truy tìm khởi nguồn của tình yêu. Nhưng nguồn gốc của tình yêu vốn cũng bất ngờ và vô định giống như những con sóng giữa biển khơi.
    • Tình yêu là thứ hình thành không có lý do và không có mục đích. Nếu tình cảm mà xuất phát từ lý trí và có mưu cầu lợi ích cá nhân thì đó không còn là tình yêu nữa. Bởi thế XQ đã thể hiện tình yêu không một chút kiêng dè. Sóng có khi nào không vỗ bờ - như em chẳng khi nào nguôi nhớ về anh.

    Ở ngoài kia đại dương

    Trăm nghìn con sóng đó

    Con nào chẳng tới bờ

    Dù muôn vời cách trở

    • Đối với Xuân Quỳnh, trong tình yêu quan trọng nhất có lẽ là sự thủy chung, son sắc một lòng. Đối với bà cuộc đời dài vô tận nhưng chẳng ai bên cạnh ai được mãi. Giống như Biển tuy mênh mông nhưng chẳng thể giữ chân nổi một áng mây. Chỉ có sóng thôi - thứ thực sự sinh ra là để bên cạnh biển và yêu biển trọn đời thì mới ở bên biển trọn đời trọn kiếp.
    • Sau tất cả những trăn trở, lo âu về tình yêu ấy XQ vẫn giữ một tinh thần lạc quan, vẫn một lòng tin vào tình yêu. Phô bày khát khao vĩnh viễn hóa, bất tử hóa tình yêu.

    3. KẾT BÀI:

    • Sử dụng thể thơ năm chữ, với nhịp điệu linh hoạt, ngắn gọn nhưng thể hiện được một tinh thần mãnh liệt không chút ủy mị và bị lụy trong tình yêu.
    • Cách sử dụng hình tượng sóng để nói về "em" vô cùng phù hợp. Một hình ảnh giản dị, dễ dàng liên tưởng. Và cũng là một hình ảnh đẹp.
    • Thơ Xuân Quỳnh không quá nhiều từ ngữ phô trương và hoa mỹ, lời thơ của bà trong sáng giản dị nhưng lại đi sâu được vào lòng người chính nhờ sự giản dị dễ thương đó.
    • Bài thơ thể hiện một tâm hồn phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc, chân thành nồng hậu và mạnh dạn bày tỏ khát vọng của mình trong tình yêu.

    BÀI VIẾT:

    Khi người ta nói đến thơ tình trong phong trào thơ mới thì hẳn ai cũng nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu. Một nhà thơ chuyên viết những bài thơ tình có phần bi lụy, bi quan. Một tình yêu sâu đậm nhưng cách trở. Ở thơ Xuân Diệu khiến cho người ta thấy được những tình yêu buồn mà đẹp. Nếu đã quá chán với tình yêu mang sắc màu hơi u tối và muốn tìm đến một thứ thơ có tình yêu trong trẻo hơn, xinh đẹp hơn nhưng không kém phần cuồng say và mãnh liệt thì ta không thể nào bỏ qua một nữ thi sĩ tài hoa của giai đoạn thơ mới - Xuân Quỳnh - Đóa hoa tươi đẹp nở giữa rừng bom đạn.

    Trong khi các chiến sĩ thi ca khác chọn mảng đề tài đang được ủng hộ và ưa chuộng chính là đề tài cách mạng thì nhà thơ chọn viết về một đề tài khác biệt với dòng chảy chung đó là đề tài tình yêu. Bằng trái tim của một người phụ nữ, một người mẹ Xuân Quỳnh đã cho ra những bài thơ đầy cảm xúc. Thơ của bà vừa mãnh liệt, sôi nổi nhưng lại vừa giản dị, trong sáng.

    Trong rất nhiều những bài thơ hay của bà thì người ta nhớ đến nhiều nhất có lẽ là bài thơ đã được phổ nhạc "thuyền và biển", Bên cạnh đó bài thơ "Sóng" lại mang dấu ấn rất riêng của Xuân Quỳnh. Bài thơ "Sóng" là một trong những bài thơ xuất sắc của nữ thi sĩ. Thể hiện được lý tưởng và tinh thần của chính bản thân bà trong tình yêu. Không phải là ủy mị thụ động như một cô gái thời phong kiến, cổ hủ nữa. Mà là một tình yêu tuy đơn giản nhưng sâu sắc và mãnh liệt.

    Mở đầu bài thơ tác giả đã sử dụng cặp từ đối lập "dữ dội - dịu êm"; "ồn ào - lặng lẽ" muốn nói lên sự đối lâp, đa dạng của những con sóng. Cũng giống như những cung bậc cảm xúc của một người con gái khi yêu. Hay nói cách khác, trong tình yêu tác giả nhận thức được rằng có lúc phải cãi vã, giận hờn, có lúc yêu thương cuồng nhiệt. Có lúc đôi lứa yêu nhau bày tỏ rất rõ ràng, nhưng cũng có khi họ yêu nhau cũng chỉ cần lặng lẽ bên nhau không cần nói ra cũng tự hiểu tình cảm dành cho nhau như thế nào.

    "Sông" không hiểu nổi mình, "sông" có lẽ là mối tình đầu hoặc một người nào đó tương tự như người mà chúng ta đã từng yêu, đã từng cuồng nhiệt và mê say nhưng kết cục lại không thể hiểu được nhau. Không thể hòa hợp được và rồi mình phải ra đi. Đây cũng là một tư tưởng khá mới mẻ về tình yêu. Đối với Xuân Quỳnh, bà rất coi trọng sự chung thủy. Minh chứng là trong bài thơ "Sóng" tác giả đã khẳng định tình cảm tuyệt đối, sự thủy chung một lòng một dạ của mình bằng các câu thơ sau:

    Ôi con sóng ngày xưa

    Và ngày sau vẫn thế

    Nỗi khát vọng tình yêu

    Bồi hồi trong ngực trẻ

    Hay:

    Dẫu xuôi về phương bắc

    Dẫu ngược về phương nam

    Nơi nào em cũng nghĩ

    Hướng về anh - một phương

    Qua đây có thể thấy được rằng, đối với Xuân Quỳnh, sự thủy chung không phải là sự cố chấp. Sự thủy chung là sự hòa hợp và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai người yêu nhau. Một khi đã không thể hiểu được nhau thì sự chia ly, sự ra đi là tất yếu.

    Sông không hiểu nổi mình

    Sóng tìm ra tận bể

    Qua hai câu thơ trên chúng ta còn thấy được sự chủ động trong tình yêu của người thiếu nữ đã thay đổi hẳn so với lối suy nghĩ xưa. Với lối suy nghĩ phong kiến, thân phận nữ nhi nhất là trong tình cảm thường phó mặc cho duyên phận:

    Thân em như dải lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

    Hay trong bài thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương có ghi:

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son

    Còn đối với một người có tư tưởng mới mẻ và tiến bộ như Xuân Quỳnh thì người con gái không một chút kiêng dè "sóng tìm ra tận bể" đi tìm cho được tình yêu chân chính, tìm ra cho được nguồn gốc của tình yêu.

    Mặc dù sống hết mình cho tình yêu nhưng Xuân Quỳnh cũng như bao trái tim yêu thổn thức khác, lúc nào cũng tò mò và băn khoăn về khởi nguồn của tình yêu trong trái tim mình. Thử hỏi những cặp đôi yêu nhau trên đời này có ai chưa từng hỏi người tình của mình rằng: Vì sao anh yêu em? Hay ngược lại. Chính Xuân Quỳnh cũng tự hỏi với bản thân mình như vậy:

    Trước muôn trùng sóng bể

    Em nghĩ về anh, em

    Em nghĩ về biển lớn

    Từ nơi nào sóng lên?

    Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu?

    Em cũng không biết nữa

    Khi nào ta yêu nhau

    Không phải đơn thuần tác giả lại dùng những câu hỏi về sự khởi nguồn của sóng và của gió để rồi hỏi đến tình cảm cá nhân. Bà muốn mượn sự sinh ra muôn hình vạn trạng của sóng và gió. Sự hình thành vô định và đầy yếu tố bất ngờ của thiên nhiên để nói rằng tình yêu cũng vậy, nó luôn đến những lúc mà mình không ngờ nhất.

    Người ta nói, khi yêu ai đó thì người ta chẳng cần lý do. Nếu yêu một người phải có lý do và mục đích thì đó không còn là một tình yêu chân thành nữa. Bởi vậy dù cho nhân vật "em" có đặt hàng loạt câu hỏi mà không tìm được lời giải đáp thì "em" vẫn toàn tâm toàn ý yêu "anh" không e dè. Tình yêu ấy bao trùm tất cả, có khi còn có chút mù quáng và mất kiểm soát.

    Tình yêu ấy như thể là sóng và biển quấn quýt không rời. Sóng có mặt khắp mọi nơi miễn nơi đó có biển: Lòng sâu - mặt nước, sóng vỗ bờ cát.. chẳng có khi nào biển thiếu vắng sóng. Cũng giống như "em" không bao giờ ngừng nhớ về "anh" :

    Con sóng dưới lòng sâu

    Con sóng trên mặt nước

    Ôi con sóng nhớ bờ

    Ngày đêm không ngủ được

    Lòng em nhớ đến anh

    Cả trong mơ còn thức

    Ngay cả khi ngủ rồi, khi con người rơi vào trạng thái vô thức nhất thì "em" vẫn chỉ nhớ về "anh", đó chính là minh chứng tuyệt vời nhất để bày tỏ nỗi niềm yêu thương mãnh liệt, thiết tha của một người con gái dành cho người mình yêu. Cách bày tỏ có phần mạnh dạn này trước nay có lẽ chưa từng gặp được trong thơ ca cổ điển.

    Sau tất cả những trăn trở trong tình yêu, sau tất cả những cố gắng để chứng minh cho tình yêu của mình là bao la, là mãnh liệt. Nhưng cuối cùng nhà thơ vẫn có một chút lo lắng cho chuyện tình yêu lứa đôi. Thứ duy nhất có thể giết chết tình yêu đó chính là thời gian. Dẫu biết dù có hàng trăm hàng ngàn con sóng sinh ra vô định vô hình và không sớm thì muộn con sóng nào cũng sẽ đến được bờ bến hạnh phúc của mình. Nhưng tình cảm giữa người với người lại khác. Có những lúc ta xem họ là tất cả, nhưng với họ ta chưa là tất cả. Đối với mình họ là bao la nhất, nhưng với họ vẫn còn có thứ rộng lớn hơn.

    Cuộc đời tuy dài thế

    Năm tháng vẫn đi qua

    Như biển kia dẫu rộng

    Mây vẫn bay về xa

    Và để bất tử hóa tình yêu của mình dành cho người thương, "em" đã ước tình yêu ấy được tan ra thành hàng trăm con sóng để có thể bất tử, yêu thương "anh" mãi ngàn năm.

    Làm sao được tan ra

    Thành trăm con sóng nhỏ

    Giữa biển lớn tình yêu

    Để ngàn năm còn vỗ

    Người ta thường sử dụng thể thơ bảy chữ hoặc tám chữ để có thể diễn dải tình cảm một cách sâu sắc và đầy đủ. Bởi thể thơ bảy chữ hay tám chữ có độ dài vừa đủ để nhấn vào tình cảm, suy tư của độc giả. Nhưng Xuân Quỳnh lại chọn sử dụng thể thơ năm chữ, với nhịp điệu linh hoạt, ngắn gọn nhưng thể hiện được một tinh thần mãnh liệt không chút ủy mị và bị lụy trong tình yêu.

    Cách sử dụng hình tượng sóng để nói về "em" vô cùng phù hợp. Một hình ảnh giản dị, dễ dàng liên tưởng. Và cũng là một hình ảnh đẹp. Thơ Xuân Quỳnh không quá nhiều từ ngữ phô trương và hoa mỹ, lời thơ của bà trong sáng giản dị nhưng lại đi sâu được vào lòng người chính nhờ sự giản dị dễ thương đó. Bài thơ "Sóng" thể hiện một tâm hồn phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc, chân thành nồng hậu và mạnh dạn bày tỏ khát vọng của mình trong tình yêu. Có lẽ vì tính mộc mạc giản dị nhưng lại chân thành, kiên quyết của "Sóng" mà bài thơ này đã được yêu thích cho đến tận ngày nay. Mỗi khi nhắc đến thơ về tình yêu trong sáng, người ta vẫn thường mượn những lời thơ của Xuân Quỳnh để bày tỏ nỗi niềm..

    Sóng bắt đầu từ gió

    Gió bắt đầu từ đâu?

    Em cũng không biết nữa,

    Khi nào ta yêu nhau?

    Hết.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...