Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 24 Tháng mười một 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài: Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên, nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm. "Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với.. thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát".

    [​IMG]

    Bài làm:

    Nghệ thuật và hiện thực luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Một tác phẩm chân chính muốn tỏa sáng phải có sự hòa quyện với vẻ đẹp của cuộc sống chân thực. Nhà văn Nam Cao từng nói: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.." Thấm nhuần tư tưởng ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu trên con đường khám phá cuộc sống đã gửi gắm những quan điểm, triết lý nhân sinh sâu sắc của mình thông qua lăng kính của nghệ sĩ Phùng trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" qua đoạn trích "Từ chỗ chiếc xe tăng.. lảo đảo ngã dúi xuống đất" _ một cuộc "cách mạng nhận thức" đã diễn ra trước mắt người đọc.

    Nguyễn Minh Châu được coi là "người mở đường tinh anh và tài năng, vị khai quốc công thần của triều đại văn học mới" (Nguyên Ngọc). Sau năm 1975, những sáng tác của ông mang cảm hứng thế sự đời thường, những triết lý nhân sinh sâu sắc khác hẳn với cảm hứng sử thi lãng mạn của thời kỳ trước đó. Điều đó được thể hiện một cách chân thực qua tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" được sáng tác năm 1983 khi đất nước đang đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lại lâm và sự khủng hoảng trì trệ lạc hậu. "Thời đại nào, văn học đó", bối cảnh thời đại thay đổi đòi hỏi văn học phải đổi thay, người nghệ sĩ phải hướng ngòi bút của mình vào muôn mặt của đời thường, tìm kiếm những hạt ngọc ẩn trong cát bụi lấm lem của cuộc đời. Mượn điểm nhìn của nghệ sĩ Phùng, Nguyễn Minh Châu đã đưa người đọc đi khám phá những chân lý mới.

    Nhận lời người trưởng phòng làm một bộ ảnh lịch cho năm mới và để tìm kiếm bức ảnh cuối cùng, nghệ sĩ Phùng đã quay trở lại chiến trường xưa- một làng chài ven biển miền Trung. Sau nhiều ngày phục kích, anh đã trông thấy một khung cảnh tuyệt diệu, một cảnh đắt trời cho. Đó là cảnh một chiếc thuyền ngư phủ ẩn hiện trong làn sương trắng mờ ảo, xen lẫn chút hồng hồng của sớm mai. Tuyệt tác của tạo hóa đó đã khiến tâm hồn của người nghệ sĩ thăng hoa, anh đã ngộ ra một chân lý "bản thân cái đẹp là đạo đức". Nhưng đây chỉ đơn thuần là cái nhìn của người nghệ sĩ, là vẻ đẹp thuần túy của nghệ thuật vị nghệ thuật.

    Và không dừng lại ở đó, nhà văn đã dẫn dắt người đọc dưới ngòi bút tài tình của mình đi khám phá vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Nó không ảo mộng, thi vị hóa mà là sự thật trần trụi, đưa đến sự thay đổi trong nhận thức của Phùng. Nếu như trước đó chỉ là hình ảnh chiếc thuyền ở ngoài xa thì giờ đây khi nó tiến vào bờ, khoảng cách với người nghệ sĩ đã thu hẹp lại để anh có thể quan sát một cách thấu đáo hơn. Bước xuống là một người đàn bà với ngoại hình kém duyên, những đường nét thô kệch đi trước và một người đàn ông theo sau tới bãi xe tăng. Ngay từ đầu người đọc đã nhìn ra một điểm bất thường về người đàn bà kia. Chị ta đứng lại "ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng". Tại sao lại dừng lại nhìn một thoáng? Phải chăng chị lo lắng sẽ có người trên thuyền kia chứng kiến được cảnh tượng sắp diễn ra. Hành động "đưa tay lên định gãi hay sửa lại mái tóc" nhưng rồi lại buông thõng xuống thể hiện sự chịu đựng, cam chịu của người đàn bà. Và thế rồi, một cảnh tượng tàn nhẫn đã xảy ra. Lão đàn ông trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay rút ra chiếc thắt lưng ngụy ngày xưa mà quật tới tấp vào lưng của người đàn bà. Và càng đau đớn thay khi người đàn bà không tìm cách chạy trốn mà chỉ cam chịu, nhẫn nhục. Họ là vợ chồng nhưng lại không nói với nhau một điều gì. Có chăng thì cũng chỉ là lời nguyền rủa nhẫn tâm của người đàn ông: "Chúng mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!" Một khung cảnh bạo lực gia đình thật đau đớn lòng. Có lẽ đọc đến đây người đọc sẽ cảm thấy vô cùng căm phẫn với người chồng vũ phu kia nhưng xét cho cùng hành động đó vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Hắn là nạn nhân của cái đói, cái nghèo, là nạn nhân của sự thất học. "Cái tấm lưng khum khum" kia phải gồng gánh hơn mười miệng ăn trong gia đình. Chính cái cơ cực, bần hàn đã khiến lão lấy việc đánh vợ để giải tỏa cho cái đau khổ của mình. Hơn nữa, hắn lại còn thất học. Đến cả Văn Sĩ Hộ trong "đời thừa" của Nam Cao là một kẻ học thức đầy mình nhưng cũng vì đói khổ mà tha hóa. Huống chi là một kẻ chữ cắn đôi cũng không biết như lão. Nhưng chúng ta có thể đồng cảm cho hoàn cảnh của người đàn ông nhưng sẽ không đồng tình cho hành động của hắn. Bởi bạo lực gia đình, nó không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà là vấn nạn của cả xã hội cần phải giải quyết một cách triệt để. Đó chính là cái nhìn của thời đại, sâu sắc của nhà văn. Bị đánh đập tàn nhẫn là thế, đau đớn đến vậy nhưng người đàn bà lại chỉ cam chịu, nhẫn nhục. Không phải là chị đã chai sạn, vô cảm nhưng người phụ nữ đó lại rất thấu hiểu cho chồng. Chị biết lí do vì sao hắn lại đánh mình. Vì lẽ đó mà chị tha thứ, chịu đựng hắn. Bị đánh nhưng người đàn bà lại không khóc-đó là biểu hiện cao độ của lòng tự trọng. Và người bất ngờ nhất, ngỡ ngàng nhất ở đây, chính là nghệ sĩ Phùng. Anh kinh ngạc đến mức "trong mấy phút đầu tôi cứ há mồm ra mà nhìn". Phùng như không tin vào mắt mình, làm sao để tin cái nghịch cảnh này khi mà chỉ trước đó vài phút ở trước mắt là tuyệt tác của tạo hóa còn bây giờ lại là cảnh bạo lực tàn ác dã man. Anh là một người chiến sĩ- nghệ sĩ, mới bước ra từ chiến trường khói lửa- nơi mà cái chết còn dễ hơn ăn một bữa cơm (nhật ký Đặng Thùy Trâm). Vì lẽ đó, hơn ai hết, anh trân trọng những giây phút bình yên, tốt đẹp. Anh không cho phép cái ác nảy sinh, diễn ra ngay trước mắt mình. Và chẳng biết từ lúc nào, anh đã "vứt chiếc máy ảnh xuống đất mà chạy nhào tới" ngăn cản. Hành động vứt chiếc máy ảnh xuống đất của Phùng tưởng như là vô tình đối với anh nhưng lại là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Maxim Gorky từng khẳng định "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Chiếc máy ảnh đó chứa được bức tranh diệu kỳ của thiên nhiên, là bức ảnh tâm đắc nhất của anh, thứ đã gột rửa, thăng hoa cho tâm hồn của người nghệ sĩ. Vậy mà anh đã vứt nó xuống đất từ lúc nào. Đó mới chính là bản năng đích thực của người nghệ sĩ.

    Chồng đánh vợ đã là một tội ác đáng lên án nhưng Phùng còn phải chứng kiến sự nghiệt ngã, đau lòng hơn là cảnh con đánh cha. Nhanh hơn nghệ sĩ Phùng- bản năng của người con khi thấy mẹ mình bị đánh, thằng Phác lao như "Một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm", giật lấy chiếc thắt lưng quật chiếc khóa sắt vào khuôn ngực trần vạm vỡ của bố nó ". Thật đau đớn khi mà phải chứng kiến cái hành động trái với luân thường đạo lý, với hiếu đạo của kẻ làm con. Ba chữ" con đánh cha "thật nặng nề, nghiệt ngã biết bao. Nhưng có lẽ bất kỳ người con nào trong hoàn cảnh đó sẽ không thể đứng yên nhìn mẹ nó bị bố đánh. Đó là hành động bản năng của người con yêu thương mẹ của mình. Để rồi sau đó nó bị người đàn ông tát cho hai cái ngã dúi xuống đất. Người đàn ông kia không chỉ đánh vợ mà còn đánh con, đã sai lại càng thêm sai. Thật quặn lòng và xót xa biết bao! Chính cảnh tượng đau lòng đó đã khiến cho nghệ sĩ Phùng nhận ra một sự thật đầy nghịch lý. Là phát hiện về cuộc đời thật trần trụi, đau đớn, nó bất ngờ và trớ trêu thay. Một hiện thực đầy gai góc, gồ ghề, ngang trái, đối lập hoàn toàn với vẻ đẹp toàn bích trước đó.

    Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện tự nhiên, đời thường, Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc, những chiêm nghiệm về đời người. Qua từng con chữ, từng câu văn, vấn đề dần dần được bóc tách. Nó giống như lớp vỏ gỗ xù xì, gồ ghề của thân cây mà qua đó ta thấy cả một đời thảo mộc." Chiếc thuyền ngoài xa"quả là một tác phẩm mang dấu ấn của thời đại. Nó không chỉ đánh dấu cho chặng đường đổi mới của văn học Việt Nam mà còn phản ánh vấn đề của xã hội- bạo lực gia đình. Tuyệt phẩm sẽ luôn luôn bất hủ sánh ngang với dòng chảy của thời gian. Kết thúc tác phẩm, gấp lại trang sách mà dư âm của nó vẫn vang vọng trong tâm trí của người đọc. Thầm cảm ơn nhà văn đã mang những quan điểm, cái nhìn sâu sắc của ông đến với đời, với người hôm nay.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...