Phân tích phát hiện nghệ sĩ Phùng trong đoạn trích: Từ chỗ chiếc xe...bãi cát hoang vắng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 27 Tháng bảy 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề 1: "Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với chiếc máy ảnh, đi quá mươi bước sâu vào phía trong có một chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ.. hai bàn chân để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng."

    Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm.

    [​IMG]

    Bài làm

    Trong tập tiểu luận "Trang giấy trước đèn", nhà văn Nguyễn Minh Châu có viết: "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường () để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực". Có bao giờ bạn cảm thấy đau đớn cùng nhân vật? Bạn tức giận, bạn vui mừng, bạn hạnh phúc với những trang giấy? Một tác phẩm văn chương chân chính trước hết phải là sự thực ở đời, thậm chí hiện thực trong sáng tác văn chương còn cao hơn, thật hơn sự thật ngoài đời. Tác phẩm nghệ thuật thể hiện cách nhìn của nhà văn về cuộc sống, sự khao khát công lý xã hội: Nó là lời tâm sự, sám hối, là tiếng nói của tình yêu cái đẹp không đạt được, là gánh nặng ưu tư về lẽ đời, lẽ còn mất của nhân sinh và vũ trụ. Hiện thực cuộc sống với tất cả những phức tạp, đa diện ấy được Nguyễn Minh Châu phát hiện và thể hiện đầy tinh tế trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa". Đặc biệt, đoạn trích miêu tả phát hiện thứ hai của nghệ sĩ Phùng "Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với chiếc máy ảnh, đi quá mươi bước sâu vào phía trong có một chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ.. hai bàn chân để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng" bộc lộ những niềm trăn trở của ông về số phận của con người trong xã hội những năm tháng sau chiến tranh. Từ đó, ta thấy được tình huống nhận thức rất độc đáo của tác phẩm.

    Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là "người mở đường tài năng và tinh anh" (Nguyên Ngọc) của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn có tình yêu thương tha thiết với con người, mang một mối quan hoài thường trực về số phận và những nỗi đau khổ của con người xung quanh mình. Nhà văn muốn dùng ngòi bút của mình tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đồng thời luôn đặt niềm tin vào con người, ở khả năng thức tỉnh và hướng thiện mỗi con người

    Chiếc thuyền ngoài xa thuộc kiểu truyện tư tưởng được viết vào năm 1983, in trong tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) sau đó in lại trong tập truyện cùng tên năm 1987. Đây là tác phẩm đặc sắc cho những sáng tác sau năm 1975 của Nguyễn Minh Châu khi nhà văn chuyển sang cảm hứng thế sự - đời tư thể hiện mối quan hoài thường trực của nhà văn "những suy nghĩ da diết về chân lí nghệ thuật và đời sống". Sự thật nghiệt ngã được mô tả trong Chiếc thuyền ngoài xa đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh từ lâu trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm mờ ảo ban mai lên trên không gian xa rộng của biển cả. "Tác phẩm chứa đựng cái ý nghĩa rộng lớn, sâu xa: Nó khiến người ta giật mình nếu quen nghĩ rằng cuộc đời đã hết đau thương, nó khơi ngợi người cầm bút nên nhìn kĩ vào những gì ẩn sau vẻ đẹp điền viên bề ngoài để nhớ tới trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, trước con người". (Lã Nguyên)

    Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung – nơi anh đã từng chiến đấu để chụp một tấm ảnh thuyền biển, bổ sung cho cuốn lịch năm mới. Sau nhiều ngày "phục kích", Phùng đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào gần bờ, anh kinh ngạc chứng kiến cảnh bạo lực gia đình.

    Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng là khung cảnh thiên nhiên hoàn mĩ, đẹp thơ mộng. Người nghệ sĩ phát hiện ra một vẻ đẹp trên mặt biển mờ sương. Đó là cảnh một chiếc thuyền trong buổi sớm mai đang dần tiến vào bờ, cảnh tượng khiến cho người nghệ sĩ cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến một bức tranh tuyệt vời đến như vậy. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến màu sắc ánh sáng đều hài hòa với nhau làm nên một vẻ đẹp toàn bích. Tác giả gọi đó là cảnh "đắt" trời cho, vẻ đẹp mà trong cuộc đời diễm phúc lắm may ra bắt gặp được một lần. Nghệ sĩ Phùng tự nhận ra rằng cái đẹp chính là đạo đức. Thông qua cảm xúc của nhân vật Phùng, tác giả đưa ra quan niệm về cái đẹp. Cái đẹp phải có tác dụng thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến cái chân-thiện-mĩ, cái đẹp là đạo đức.

    Thế nhưng cảnh càng đẹp bao nhiêu thì thực tế cuộc sống lại đen tối bấy nhiêu. Đó chính là phát hiện thứ hai của Phùng trước khung cảnh tuyệt vời ấy. Hiện thực nghiệt ngã của con người với số phận bất hạnh của những con người nơi đây đặc biệt là người đàn bà hàng chài hiện lên. Người vợ "trạc ngoài 40", "mặt rỗ", "thân hình cao lớn thô kệch", "lưng áo bạc phếch", "gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới".. dường như bao nhiêu sương gió nắng mưa của đất trời đã chiếu thẳng vào người đàn bà ấy vậy, sự lam lũ của người đàn bà khiến ta nhớ đến hình ảnh bà Tú trong bài thơ thương vợ của Tú Xương:

    "Quanh năm buôn bán ở mom sông

    Nuôi đủ năm con với một chồng"

    Còn người đàn ông thì cũng chẳng hơn gì: "Có tấm lưng rộng", đi chân chữ bát khuôn mặt "độc, dữ". Hiện thân của sự lam lũ, nghèo đói, vất vả trước cuộc sống mưa sinh. Bên cạnh sự thua thiệt về nhan sắc, cộng thêm gánh nặng trước cuộc sống mưu sinh khiến cho người đàn bà càng trở nên xấu xí hơn. Chỉ bằng vài nét vẽ, người đàn ông được khắc họa như là hiện thân của gánh nặng cuộc đời đã kéo còng tấm lưng. Nam Cao đã viết trong tác phẩm Sống mòn "Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen..".

    Một cảnh tượng diễn ra khiến cho nghệ sĩ Phùng không thể nào tin vào mắt mình và cái cảnh đẹp kia bỗng chốc biến thành một hình ảnh vô cùng thậm tệ. Hai con người khổ sở ấy đi vào phía bãi xe tăng hỏng "chiếc xe sơn màu vàng tươi và to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng. Hai người đi qua trước mặt tôi. Họ đi đến bên chiếc xe rà phá mìn". Hình ảnh chiếc xe tăng hỏng tượng trưng cho chiến tranh đã kết thúc, đã đi qua con người cứ nghĩ sẽ được sống trong hạnh phúc, sung sướng. Nhưng không, chiến tranh đã đi qua nhưng con người ta phải bước vào cuộc chiến đấu mới: Chiến đấu chống lại đói nghèo, chống lại bạo lực gđ, đây là cuộc chiến rất cam go, ác liệt. Và thật bất ngờ trước cảnh tượng ấy: "Lão đàn ông lập tức hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người chiếc lưng của lính ngụy ngày xưa; chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm nghiến răng ken két, giọng điệu rên rỉ, đau đớn: Mày chết hết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ" Cách đánh thật man rợ. Cường độ và tốc độ đánh đạt đến "đỉnh điểm" của sự giận dữ, căm thù và đau đớn. Diễn tả điều này, "Nguyễn Minh Châu đã trút bỏ hết trang sức của ngôn từ" (Bùi Minh Đức) để thay vào đó là những từ ngữ cực tả "như lửa cháy" "quật tới tấp" "thở hồng hộc" "nghiến răng ken két" mới diễn tả được đày đủ, chính xác cảnh tượng kinh hoàng này. Chồng đánh vợ bằng tất cả sự căm thù, tức giận, bằng tất cả sức mạnh của cơ bắp và tinh thần, đánh thậm tệ, dã man như đánh kẻ thù số 1. Thật thậm tệ, dã man và đớn đau biết chừng nào! Chứng kiến cảnh tượng này mấy ai đã cầm được lòng mình. Quả thực như Tô Hoài viết "viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không hề tầm thường chút nào". Sự thật mà nhà văn Nguyễn Minh Châu phản ánh thật chân thực, chính xác được viết ra từ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" của một nhà văn có "mối quan hoài thường trực về số phận con người" (Nguyễn Văn Long). Nỗi đau xót của người đàn bà hàng chài làm cho trái tim Phùng rớm máu. Mỗi nhát quất vào lưng người đàn bà cũng làm tan nát trái tim độc giả. Sức mạnh của ngôn từ đâu phải đến từ lời trần ngôn sáo ngữ mà nó nhiều khi được chiết suốt từ những trái tim đang đau đáu trước những nỗi đau của cuộc đời. Với cảnh tượng bị bạo hành dã man ấy, người đàn bà mang nỗi đau về thể xác. Mặc dù vậy người đàn bà không chống trả, không van xin, không chạy trốn. Khi Thúy Kiều bị Tú Bà tra tấn đã phải thốt lên trong đau đớn:

    "Thịt da ai cũng là người

    Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau"

    Người đàn bà cũng vậy, mụ đâu phải là mình đồng da sắt, là con người bình thường ai mà không đau được chứ! Thế mà mụ lặng câm chấp nhận đòn roi của chồng như người đi biển chấp nhận sóng gió vì con. Quả thực, những điều diễn ra là sự tận cùng bạo lực gia đình. Trước cảnh tượng đó, Phùng đã "vứt chiếc mát ảnh xuống đấ chạy nhào tới. Bỗng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác.. thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ, căng thẳng làm nó chạy qua không nhìn thấy tôi". Phản ứng của thằng Phác là lao vào "giằng được chiếc chắt lưng, liền dướn thẳng người, vung khóa quật" vào bố nó. Như vậy thằng bé cũng đã dùng hết sức có thể cùng với sự giận dữ, căm thù, căm giận để đánh bố nó. Nó đánh lão đàn ông như đánh kẻ thù số một. Đau đớn biết mấy cho một tâm hồn ngây thơ, một trái tim non nớt. Vì tình thương mẹ mà Phác đã đánh bố, đã phạm phải tội lớn nhất của đời người, tội bất hiếu khó tha thứ. Phác đã vi phạm đạo đức nghiêm trọng của con người. Có thể nói, việc bảo vệ mẹ khỏi đòn roi là một động cơ thì tốt đẹp, trong sáng đáng trân trọng nhưng Phác lại có những hành động sai lầm. Thằng Phác đã bị rơi vào tình trạng thương xót biết bao. Đáng thương hay đáng trách đây? Người đàn ông vũ phu "định giằng lại chiếc thắt lưng những chẳng được nữa, liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát". Người xưa nói "hổ dữ không ăn thịt con". Đây chưa đến nỗi là hành động của hổ dữ, nhưng cách đánh của lão đàn ông cũng thật đáng trách biết bao. Lão đã dang tay cho thằng bé hai cái tát khiến nó ngã dúi xuống cát. Quả thực, những điều diễn ra là sự tận cùng bạo lực gia đình. Mối quan hệ gia đình, quan hệ huyết thống vốn là một mối quan hệ rất thiêng liêng, cao đẹp nhưng giờ đây đã bị phá vỡ bởi những hành động bạo lực chồng chất, dã man. Giờ đây thay thế vào cho mối quan hệ thiêng liêng kia là ngọn lửa của lòng hận thù. Thật đau đớn, chua xót biết chừng nào. Con người thật tội nghiệp, nhỏ bé trước cuộc sống mưu sinh, trước cảnh sống nghèo đói.

    Văn học trước Cách mạng tháng Tám - 1945 đã miêu tả vấn đề cơm áo gạo tiền đã khiến những người trí thức bị "ghì sát đất," để sống đời thừa như những thanh sắt bị hoen ghỉ ra giữa cuộc đời, để họ cứ chết dần, chết mòn, chết khi đang còn sống. Đó là thực trạng đau xót được nhà văn Nam Cao phản ánh chân thực trong những trang viết của ông về đề tài người trí thức. Cũng vì cái đói, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao phải ăn bả chó để bảo toàn mảnh đất thiêng cho người con trai. Đó là những con người sống trong chế độ cũ, xã hội nửa thực dân phong kiến phi nhân đạo. Đau đớn thay, nỗi đau về cơm áo gạo tiền còn kéo dài sang tận chế độ mới, khi hòa bình đã lập lại, đất nước đã thống nhất nhưng cái đói vẫn là mối đe dọa đến cuộc đời của nhiều người dân trong những năm 80 của thế kỷ XX. Cái nghèo đói đang mang đến nguy cơ phá hủy những mối quan hệ vốn thiêng liêng và tưởng chừng rất bền chặt. Đặt ra vấn đề này, Nguyễn Minh Châu đã làm thay đổi bao mắt nhìn, óc nghĩ của mọi người về cuộc đời, về thân phận của con người bằng tất cả tấm lòng nhân đạo sâu sắc, thấm thía và cảm động. Như vậy, chiếc thuyền vào gần bờ đã có kết quả hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp của sự toàn bích, toàn thiện; giờ đây là sự hiện thân của cái xấu, cái ác, cái phi đạo đức. Hình ảnh chiếc thuyền ở gần là hiện thân của cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn với đói nghèo và bạo lực. Tấm ảnh về chiếc thuyền thì rất đẹp, nhưng cuộc sống đích thực của gia đình dân chài trên chiếc thuyền ấy chẳng có gì là đẹp. Sự nghịch lí ấy đặt ra vấn đề đối với người nghệ sĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. "Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối" (Nam Cao). Những giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài nhỏ xuống lấp đầy những nốt dỗ chằng chịt kia. Một cảnh tượng nghiệt ngã đối lập với cái cảnh đẹp như ngư phủ của con thuyền.

    Người nghệ sĩ Phùng như cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu của cái máy ảnh mà anh dày công sáng tạo nghệ thuật bổng hiện hình một sự thật cuộc sống sót xa. Phùng kinh ngạc đứng há hốc mồm, vứt máy ảnh định nhảy vào can thiệp. Thiên chức của người nghệ sĩ không chỉ khám phá, rung động trước cái đẹp mà phải đứng lên chống lại cái ác, cái xấu xa. Khát vọng giải phóng người đàn bà khỏi đòn roi luôn tồn tại trong lòng Phùng.

    Chính việc chứng kiến cảnh bạo lực gia đình đã làm thay đổi quan điểm, cách nhìn cuộc đời của Phùng về nghệ thuật và cuộc đời. Đây cũng là một tình huống mới để câu chuyện phát triển sang một hướng khác.

    Với hai phát hiện ấy Phùng chợt nhận ra rằng cuộc đời không đơn giản một chiều mà chứa nhiều nghịch lý ngang trái, mâu thuẫn. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, đẹp và xấu thiện và ác. Ở đây nhà văn khẳng định, cùng một chiếc thuyền nhưng ở hai thời điểm, hai khoảng cách lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược nhau. Cuộc đời luôn chứa đựng nghịch lí oái oăm. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn giữa đẹp –xấu, ác – thiện. Đừng nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, giữa hình thức và nội dung không phải bao giờ cũng trùng khít nhau. Đừng vội đánh giá con người, sự vật qua hình thức bên ngoài. Nguyễn Minh Châu đã lên tiếng dõng dạc cần phải bước vào cuộc chiến chống lại cái ác, bạo tàn, xấu xa.

    Tình huống truyện độc đáo khi tác giả đã tạo ra một tình huống nhận thức mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc sống. Sự chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ là một sự kiện tạo ra bước ngoặt nhận thức và tình cảm, cảm xúc của nhân vật Phùng. Ngôn ngữ kể chuyện rất sinh động, hấp dẫn, tác giả đã chọn ngôi kể thứ nhất là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng nên điểm nhìn trần thuật sắc sảo, lời kể trở nên khách quan, chân thực và giàu tính thuyết phục. Ngôn ngữ nhân vật rất phù hợp với đặc điểm tính cách của từng nhân vật. Xây dựng đối thoại sinh động hấp dẫn. Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế góp phần khắc sâu chủ đề- tư tưởng cho tác phẩm. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, sắc sảo tạo nên một tác phẩm rất đặc sắc giàu sức ám ảnh.

    Mọi dòng sông đều đổ về biển rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có đích hướng về, những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một trung tâm của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống, mọi hình thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề của nhân sinh. Văn học chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con ngươi, phẩm mới đạt tới tầm nhân bản. Muốn vậy "Nhà văn chân chính là phải nhân đạo từ trong cốt tủy" (Sê – Khốp). Chính vì thế, văn học phải hướng tới cuộc sống, phải khơi gợi được những tình cảm nhân văn cao đẹp, đánh thức được lòng trắc ẩn đang ngủ sâu trong trái tim mỗi người đọc. Văn chương phải giúp ta người hơn. Từ những điều trên, ta có thể khẳng định nhà văn Nguyễn Minh Châu đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính khi tạo ra những trang viết chan chứa giá trị nhân đạo.

    Đó là tình huống nhân vật Phùng đang trong những giây phút thăng hoa của cảm xúc, bất ngờ chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách vô lí, dã man. Từ đây, nhận thức, suy nghĩ về con người, về cuộc sống của Phùng có những thay đổi: Từ chỗ khám phá cái đẹp của bức tranh thiên nhiên qua cảnh chiếc thuyền ngoài xa, anh đã phát hiện ra những nghịch lí của cuộc đời, để rồi cuối cùng nhận thức được nhiều điều: Những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực. Nghịch lí giữa người vợ tốt bị hành hạ nhưng vẫn không bỏ chồng, nghịch lí giữa sự vũ phu tàn bạo của anh hàng chài với vợ nhưng không bỏ vợ. Với tình huống của truyện, nhà văn đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thụật là một cái gì xa vời như chiếc thuyền ngoài xa trong màn sương sớm mờ ảo, còn cuộc sống thì rất cần như con thuyền khi đã vào tới bờ. Hay nói một cách khác, Nguyễn Minh Châu cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống, phải phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

    Nói tóm lại, đoạn văn đã thể hiện rất chân thành, sâu sắc những phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, từ đó, tác phẩm đặt ra bao vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời sau bức ảnh, Chiếc thuyền ngoài xa đã đặt ra bao vấn đề có ý nghĩa triết lí và nhân sinh sâu sắc. Từ đây ta nhận ra một điều: Chuyện cách nhìn đời, nhìn người như thế nào chưa bao giờ là đơn giản dễ dàng. Phải chăng chỉ có tấm lòng nhân ái, trái tim mang mối quan hoài thường trực về số phận con người mới giúp con người có cái nhìn sâu sắc, đúng đắn hơn? Cuộc đời cần lắm những ánh mắt, những điểm nhìn như vậy.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng bảy 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...