Phân tích chi tiết vết thẹo trong truyện ngắn Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 21 Tháng năm 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Viết bài văn NLVH phân tích chi tiết vết thẹo trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

    [​IMG]

    - Bài làm -​

    Charles Du Bos đã từng nói: "Văn học là tư tưởng tìm kiếm cái đẹp trong ánh sáng" . Nhưng đến với Nguyễn Quang Sáng, "người thợ mỏ" ấy còn đào sâu được cả chất vàng mười tinh túy trong hố đen của chiến tranh, chưng cất nó trong hình hài gai góc và khắc nghiệt. Ý tưởng đầy nhân văn đó đã tỏa sáng trong tác phẩm Chiếc lược ngà - truyện ngắn đầy cảm động về tình cha con. Ở đó chi tiết vết thẹo trên gương mặt ông Sáu chính là bụi vàng náu mình dưới "ánh sáng" nghệ thuật.

    Nguyễn Quang Sáng là một người con yêu nước của tỉnh An Giang. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia đi bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và bắt đầu sự nghiệp cầm bút vào năm 1954. Ngòi bút của nhà văn trẻ hai mươi hai tuổi ấy cứng cáp dần trong kháng chiến, dạt dào qua các giai đoạn lịch sử Việt Nam từ chiến tranh tới hòa bình, trải dài trong nhiều phương diện: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim. Khắc họa cuộc sống và con người Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng ghi dấu ấn với lối viết giản dị, chân thực và sâu sắc, đặc biệt là những phân đoạn miêu tả tâm lý nhân vật rất sống động.

    Sóng đôi với tác phẩm Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà cũng góp phần đánh dấu tên tuổi của nhà văn. Truyện ngắn được viết vào năm 1966, giữa lúc chiến trường Nam Bộ vẫn đỏ tươi màu máu những anh hùng. Tác phẩm được đưa vào tập truyện cùng tên, kể về nhân vật chính ông Sáu phải xa nhà đi kháng chiến khi con gái đầu lòng mới được một tuổi. Năm con lên tám, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Và vết thẹo đầy éo le đã khiến tình cảm hai cha con tưởng như không thể tạo dựng được, như sợi chỉ hy vọng mong manh mà chạm nhẹ sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu. Đến khi bé con nhận ra cha mình, đó cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Ở chiến khu, người cha dồn hết tình yêu dành cho con vào việc làm chiếc lược ngà. Nhưng ông chỉ có thể nhờ người bạn trao gửi cho con vì không may hy sinh trong một trận càn của giặc Mỹ.

    Đằng sau câu chuyện đau lòng đó, chi tiết về vết thẹo ẩn hiện ba lần như thay cho tiếng nói khẽ rung của tình phụ tử.

    [​IMG]

    Đôi khi hồi tưởng về một tác phẩm, ta lại day dứt với duy nhất một chi tiết đặc sắc. Chi tiết là "một phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng" (Từ điển Tiếng Việt). Các tiểu tiết của một tác phẩm có thể mang sức chứa cả về tư tưởng và nghệ thuật. Dân gian có câu: "Vì yêu đôi mắt của người đàn bà mà phải cưới nguyên cả người đàn bà." Với văn học, chi tiết có khả năng chuyên chở cảm xúc và thiết lập cấu tứ nghệ thuật cho một tác phẩm.

    Không là ngoại lệ, hình ảnh vết thẹo trên gương mặt ông Sáu cũng là linh hồn của đứa con tinh thần mà Nguyễn Quang Sáng dày công sáng tạo. Chi tiết này góp phần khắc họa cuộc đời, tính cách của nhân vật ông Sáu và bé Thu, cùng hình hài của tình phụ tử thiêng liêng dưới thời chiến.

    Ở lần xuất hiện thứ nhất, chi tiết vết thẹo đã mở đầu cho tình huống một của truyện.

    "Anh bước vội vàng những bước dài, rồi dừng lại kêu to:

    - Thu! Con.

    * * *

    Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật trông rất dễ sợ."
    Bằng sự khéo léo, Nguyễn Quang Sáng đã đặt điểm nhìn trần thuật ở nhân vật bác Ba - người đồng đội thân thiết với ông Sáu và cùng về thăm quê với ông, chứng kiến tận mắt mọi việc - để tái hiện phút giây gặp mặt đầu tiên của hai cha con. Qua một câu văn ngắn gợi tả đầy chân thực, vết thẹo hiện lên với hình thái đáng sợ "đỏ ửng lên, giần giật" . Đó là chứng tích mà chiến tranh đã gây ra trên khuôn mặt người lính, cho thấy họ phải trải qua nhiều gian khổ và đau đớn về mặt thể xác đến nhường nào. Nhưng ngờ đâu, họ còn phải hy sinh nhiều hơn thế, phải chịu cả mất mát về mặt tinh thần. Sau bao năm dài đằng đẵng chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ, ông Sáu cuối cùng cũng được gặp hình hài máu mủ của mình. Xuất phát từ "cái tình người cha cứ nôn nao trong người", ông Sáu vồ vập tới bên con, hồ hởi bày tỏ tấm lòng của mình, sự chân tình và niềm mong nhớ tha thiết với con. Có lẽ đã quen với vết thẹo trên mặt, ông Sáu có biết đâu nó lại khiến con gái khiếp đảm và ngờ vực, sợ hãi chạy đi trong tiếng thét, bỏ lạy ông Sáu với"hai tay buông thõng như bị gãy". Bằng cách lựa chọn ngôi kể thứ nhất, lời văn tự sự đã đan xen nhuần nhuyễn yếu tố miêu tả và biểu cảm, giúp chi tiết vết sẹo trở nên dễ hình dung và để lại sự xót xa trong lòng bạn đọc.

    Chỉ bởi vết thẹo dữ dằn đó, bé Thu đã không nhận ra cha và hắt hủi, xa lánh ông Sáu. Trong ba ngày phép sau đó, ông Sáu đã tìm mọi cách để kết thân với con, "suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con", mong được nghe một tiếng "ba" mà ông hằng khao khát. Nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. Bằng các câu thoại dửng dưng và cộc lốc của bé Thu nói với ông Sáu, cùng với sự việc con bé hất văng miếng trứng cá mà ba gắp cho và giận dỗi bỏ sang nhà bà ngoại, tác giả cho thấy mối quan hệ giữa hai cha con đang ngày càng căng thẳng. Xung đột dần bị đẩy lên đỉnh điểm.

    [​IMG]

    Lần thứ hai, vết thẹo xuất hiện đóng vai trò mở nút cho câu chuyện. Tuy không được tác giả kể trực tiếp mà lại giấu đi qua lời kể của bà, nhưng chi tiết này là bước ngoặt quan trọng giúp bé Thu hiểu ra sai lầm của mình. Khi được bà ngoại giải thích về lai lịch của vết thẹo trên má ông Sáu, em mới vỡ lẽ ông thực sự là bậc sinh thành đáng kính của mình. Lời của bà về chuyện "ba nó đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương", về "tội ác mấy thằng Tây ở đồn đầu vàm" đủ tỏ tường tất cả.

    Thảo nào mà Benjamin Franklin cũng phải thốt lên rằng: "Tôi cho rằng phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều." Tình yêu thiêng liêng từ người cha ruột thịt đã bị vết thẹo giần giật dễ sợ che dấu mất trong hai ngày qua, khiến Thu nhận nhầm đó là sự vồ vập từ một ai đó xa lạ. Ròng rã tám năm, không đủ để đứa con quên đi hình ảnh người cha, nhưng đủ để chiến tranh tàn phá hình dáng một con người. Tâm trí non nớt của em có lẽ chẳng thể tưởng tượng nổi nơi chiến trường có thể khắc lên con người ta những vết thương đau đớn đến thế. Đến đây ta mới hiểu vì sao tác giả Angelina lại viết trong tác phẩm của mình: "Có đôi khi cho dù bạn có được tình yêu vẫn là chưa đủ, phải học cách vận dụng nó như thế nào. Bởi vì nếu không cẩn thận, thứ khiến chúng ta ngọt ngào, cũng sẽ khiến chúng ta bị chia cách. Nó rất nóng bỏng, khi bị tổn thương sẽ rất đau đớn."

    Bằng cách đặc tả chân dung gương mặt nhân vật bé Thu lúc em "đứng trong góc nhà" nhìn ba chia tay mọi người, tác giả đã gợi ra những thay đổi rất sâu, rất tỉ mỉ trong tâm trạng và thái độ của em với ông Sáu. "Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu.. đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa".

    Bởi những phản ứng quyết liệt trước đây mà giờ đây Thu ngại ngần, xấu hổ và ân hận. Kế đó, tiếng chào tạm biệt của ông Sáu vang lên. "Đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao", có lẽ đó là nỗi niềm tích tụ trong tám năm thiếu vắng hình bóng người cha, là nỗi sợ thêm một lần chia ly mà em không tài nào che giấu nổi. Thế nên em vỡ òa.

    Liền sau tiếng gọi "ba" "xé cả ruột gan mọi người", tiếng "ba" mà em "cố đè nén trong bao nhiêu năm nay", tiếng "ba" "như vỡ tung từ đáy lòng em", Thu vừa kêu vừa chạy xô tới ôm chặt lấy ông Sáu. "Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa." Chi tiết vết thẹo xuất hiện lần thứ ba, thể hiện tất cả những yêu kính tự hào, hối hận và níu giữ của bé Thu với cha mình. Lần ba này vết thẹo không được miêu tả cụ thể, nhưng ta vẫn hình dung rõ được ông Sáu xúc động và hạnh phúc nhường nào. Giây phút ấy ngưng đọng lại, là trái ngọt xứng đáng cho những tủi cực mà ông Sáu đã phải chịu. Thảo nào mà tác giả Teresa Medeiros lại chiêm nghiệm "Hạnh phúc không tự nhiên mà đến, phải tranh đấu, đánh đổi, thậm chí là hy sinh mới có thể được chạm tay vào hạnh phúc." Vết thẹo từng là thứ chia cắt hai cha con, giờ lại là thứ em tự hào nhất, thứ hiện thân cho sự dũng cảm và can trường của cha em, như một huy chương cho tấm lòng nhiệt thành đã xả thân vì Tổ quốc mà em sẽ trân trọng, kiêu hãnh hết đời này.

    Nhờ chi tiết vết thẹo, ta cảm nhận được tình yêu Thu dành cho ba cũng đẹp và chói ngời. Em không nhận ra cha vì chỉ tôn thờ và kính yêu một người cha duy nhất, người cha trong ảnh "không có cái vết thẹo như vậy" . Sự cương quyết, dữ dội trong hai ngày đầu thực chất chỉ là hình hài khác của một tình yêu cha vô cùng mãnh liệt, được thể hiện một cách ngây ngô, vụng về nhưng lại càng đáng quý và cảm động.

    [​IMG]

    Có thể thấy, chi tiết vết thẹo là một mũi tên bắn trúng nhiều đích. Chi tiết vừa góp phần tố cáo tội ác chiến tranh cướp đi hạnh phúc con người, vừa ca ngợi người lính cụ Hồ hy sinh tình cảm cá nhân, gác lại quyền được sống và yêu thương để phục vụ hết mình cho công cuộc giải phóng dân tộc. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét: "Ở truyện ngắn mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy." Quả thực, nếu không có chi tiết vết thẹo, sẽ không có câu chuyện Chiếc lược ngà đầy xót xa. Vết thẹo là chi tiết nhỏ nhưng có tính cô đọng, dồn nén và có sức khái quát cao. Nó giúp tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện và kết nối các tình tiết, tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút đầy bất ngờ, hợp lý. Nếu hình ảnh chiếc lược ngà nói lên tình cha sâu nặng của ông Sáu dành cho con thì chi tiết vết thẹo lại khẳng định tình yêu thủy chung, son sắt của bé Thu với cha mình. Những chi tiết nhỏ mà đặc sắc đó đã đại diện cho tình phụ tử éo le nhưng thiêng liêng, bất diệt trong kháng chiến. Đồng thời, nó nhắc nhỏ bạn đọc tình phụ tử trong chính mình. Có lúc nào ta quên biết ơn thứ tình cảm thầm lặng, ít được nhắc đến ấy, hay vô tâm với những "vết thẹo" của bậc sinh thành?

    Quả đúng như nhà văn Macxim Gorki đã khẳng định: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn", qua hình ảnh vết thẹo, bạn đọc đã ấn tượng sâu sắc với tài năng xây dựng chi tiết cho tác phẩm của nhà văn kỳ cựu Nguyễn Quang Sáng và sự am hiểu tường tận của ông về cuộc sống, cuộc đời cao quý của những người lính Cụ Hồ. Phải là người gắn bó máu thịt với quê hương, với những con người thuần hậu, tình nghĩa mà anh dũng, kiên cường, nhà văn mới sáng tạo ra những chi tiết dung dị, chân thực mà đặc sắc đến vậy. Là một nhà văn mang áo lính, có một thời gian dài sống và hoạt động cách mạng, truyện ông viết "thật đến mức giống như không phải ông đang viết văn mà là kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của chính cuộc đời ông vậy." (Nguyễn Quang Thiều).

    Có thể thấy, Nguyễn Quang Sáng đã sàng lọc chắt chiu từng hạt"bụi vàng" giữa cuộc sống bom đạn khốc liệt vô tình của chiến tranh để đưa vào trang viết những tình người ngọt ngào nhất. Chi tiết "vết thẹo" chính là bụi quý trong lao động nghệ thuật chân chính của nhà văn, được chưng cất bằng sức lực, tâm huyết, tình yêu và trải nghiệm. Nó chứa đựng một gửi gắm, một mong đợi về nhân sinh được nén lại từ xúc cảm của người viết. Nhưng văn chương để lại những câu chuyện, mà để hiểu nó, nắm bắt lưu giữ nó, lại thuộc về sự tiếp nhận của bạn đọc. Chi tiết vết thẹo đã để lại cho độc giả một bài học về "sự trông nhìn và thưởng thức": Phải lắng đọng trong tiểu tiết để cảm nhận mọi chiều sâu tư tưởng và giá trị nhân văn mà tác phẩm gửi gắm.

    [​IMG]
     
    Ưu Đàm Thanh TiThanhHằng170204 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...