Phân tích Cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Rilee, 30 Tháng mười hai 2022.

  1. Rilee

    Bài viết:
    23
    ĐỀ BÀI: Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

    Bài làm​

    Văn chương là "lĩnh vực của sự độc đáo", đòi hỏi người cầm bút phải tạo nên cho tác phẩm của mình một "dấu triện" riêng. Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX xuất hiện nhiều nhà văn mang phong cách mới lạ, nổi bật trong số ấy phải kể đến Nguyễn Tuân - người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác với sự mệnh suốt đời là đi tìm cái đẹp. Mỗi lời văn của ông "đều là những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc sắc sảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ" (Tạ Tụy). Một trong những nét bút trác tuyệt ấy là truyện ngắn "Chữ người tử tù". Say mê truy tìm vẻ đẹp độc đáo của con người và cuộc sống, nhà văn đã xây dựng hình tượng Huấn Cao, con người đại diện cho vẻ đẹp tài năng, tâm hồn và tính cách của lớp nhà nho tài hoa, tài tử phản khác lại trật tự xã hội phong kiến đương thời với các phẩm chất nổi bật: Anh hùng và nghệ sĩ.

    Nguyễn Tuân là nhà văn lớn có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đến nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng, ông thoát li hiện thực để nhớ lại một thời vag bóng và tập "Vang bóng một thời" chính là tập truyện tiêu biểu nhất về phong cách của ông ở thời điểm đó. Là một nhà văn theo "chủ nghĩa xê dịch", trong những câu văn của Nguyễn Tuân luôn khám phá những vẻ đẹp trước nay ít người để ý đến và có những nét đột phá riêng làm nên tên tuổi của ông. Trong đó, ta không thể không nhắc đến "Chữ người tử tù" với sự tôn trọng thú viết chữ đẹp truyền thống. Truyện ngắn "Chữ người tử tù" ban đầu có tên "dòng chữ cuối cùng" khi xuất hiện trên tạp chí Tao Đàn, sau đó được đăng trong tuyển tập "Vang bóng một thời" xuất bản năm 1940. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tư tưởng của tác giả cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. "Chữ" là biểu tượng của cái tốt, cái tài sáng tạo nên cái mới và cần được kính trọng, tôn vinh. "Người tử tù" là hiện thân của cái xấu xa, cái tàn ác nhất thiết phải loại trừ khỏi xã hội. Ngay từ tiêu đề đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn tạo tình huống truyện kịch tính, khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc.

    Nhân vật chính trong truyện ngắn này là Huấn Cao- một người văn võ song toàn. Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ Hán nhanh và đẹp. Ông không chỉ có cái tài về nghệ thuật thư pháp mà còn có cái trí tuệ uyên bác. Từng nét chữ của ông ẩn chứa cả văn hóa quan niệm về nhân thế. Người ta treo chữ ông trong nhà không chỉ để chiêm ngưỡng cái đẹp của bức thi họa mà còn để ngẫm nghĩ những tư tưởng sâu sắc. Nhưng "tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là một vật báu trên đời". Không chỉ có tài về nghệ thuật, ông Huấn còn là người có thiên lương cao đẹp. Tính ông chính trực, khẳng khái, không vì tiền bạc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ. Thật vậy, ngay lúc bước vào nhà lao, vác trên vai cái ông lớn bằng gỗ lim, ông Huấn không hề mảy may run sợ trước lời quat nạt của tên lính áp giải. Lúc bị giam trong nhà lao, trước sự biệt nhỡn của viên quản ngục. Ngày ngày đưa rượu thịt vào cho ông, ông vẫn thản nhiên đón nhận và coi đó là "hứng sinh bình". Thậm chí, ông còn coi khinh viên quản ngục và không muốn hắn bước vào buồng giam của ông thêm lần nào nữa. Một con người có tài năng về nghệ thuật, có thiên lương cao đẹp lại có khí phách nagng tàn như Huấn Cao tưởng chừng như sẽ không bao giờ chịu khuất phục và chấp nhận tặng chữ của mình cho viên quản ngục. Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích đầy cao quý đó đồng thời cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn của viên quản ngục qua lời kể của thầy thơ lại, biết ông đã chấp nhận đánh đổi cả tính mạng của mình vì một thú vui cao quý, Huấn Cao đã thay đổi định kiến về một kẻ tiểu lại giữ tù như ông, Huấn Cao lúc ấy mới ân hận vì thiếu chút nữa đã "phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ" và đã quyết định tặng chữ cho viên quản ngục. Chính lúc này, thiên lương của ông đã tự tỏa sáng bên cạnh thứ ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, tỏa sáng căn buồng giam chật hẹp, ẩm thấp. Từ một viên quản ngục hàng ngày khét tiếng tàn bạo giờ đây lại "khúm núm". Một kẻ tử tù "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" lại đĩnh đạc, làm chủ nơi ngục tù. Nơi ngục tù tăm tối ấy, đêm nay lại diễn ra "cảnh tượng xưa nay chưa từng có".

    Điều lạ lùng chưa từng có ở đây trước hết là việc viết chữ và cho chữ vốn là một thú chơi tao nhã có phần thanh tao của những bậc tài hoa nghệ sĩ đáng lẽ phải diễn ra ở nơi cảnh lầu son gác tía gió mát trăng thanh, lộng ngát hương hoa. Nhưng cảnh cho chữ ở đây lại diễn ra trong khung cảnh nhà lao tăm tối, ẩm ướt, bẩn thỉu, Người ta viết chữ cho nhau trong "một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián." Đây là không gian mà cái xấu, cái ác thống trị. Không gian nhà tù không bao giờ là nơi phù hợp để dành cho việc chơi chữ, không phải là nơi dành cho những tâm hồn nghệ sĩ và sáng tạo cái đẹp. Chính Huấn Cao khi khuyên quản ngục cũng nói "chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn". Rõ ràng Huấn Cao đã dành những nét bút vuông tươi tắn cuối cùng trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn toàn không phù hợp với thú chơi thanh tao ấy. Điều lạ lùng chưa có chính là thời khắc Huấn Cao viết lên những nét chữ tươi tắn dành tặng viên quản ngục lại vào đêm khuya tối tăm, ánh sáng để viết chữ tỏa ra chỉ từ một bó đuốc tẩm dầu, khói bóc mù mịt khiến mọi người dụi mắt lia lịa. Đặc biệt hơn thế, đây lại là đêm trước lúc Huấn Cao và những đồng chí của ông bị giải vào kinh chịu án tử hình. Đối với Huấn Cao, đây là thời khắc quý giá cuối cùng của cuộc đời, thời khắc mà người ta thường dành cho những lời trăn trối. Còn với quản ngục, đây cũng là thời khắc gấp gáp và vội vã, là cơ hội cuối cùng và duy nhất để xin chữ Huấn Cao, để có được "vật báu" treo trong nhà.

    Nổi bật nhất trong cái "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" có lẽ chính là sự hoán đổi vị thế kì lạ giữa người cho chữ và người xin chữ. Thật lạ lùng và không bình thường chút nào. Vì tên tử tù thì lại nổi bật lên vẻ uy nghi, hiên ngang, ung dung còn viên quản ngục và tên thơ lại, những kẻ đại diện cho xã hội, là người cai quản nắm mọi quyền uy lại "khúm núm", "run run" trước tên tử tù kia. Tử tù là người phạm tội cao nhất và sẽ bị kết án tử hình trong nay mai còn viên quản ngục lại là chức quan cao nhất trong việc cai quản ngục tù. Hai vị thế đã đối lập nay lại càng đối lập hơn. Thế nhưng chính cái đẹp đã đẩy hai con người hoàn toàn khác biệt ấy trở thành tri kỉ của nhau. Trong tư thế "cổ đeo gông", "chân vướng xiềng" tưởng chừng như đã trói buộc Huấn Cao nhưng đó chỉ là về thể xác. Sự trói buộc nặng nề ấy không thể nhấn chìm sự tỏa sáng của một hình tượng nghệ sĩ đang thăng hoa trong từng nét chữ của mình. Trong chính cái đêm hôm ấy, cái đẹp đã lên ngôi. Kẻ tử tù dù bị giam hãm về thể xác nhưng nhân cách lại tự do khác hẳn với kẻ tưởng chừng tự do như viên quản ngục lại bị trói buộc cả tâm hồn tại nơi ngục tù tăm tối, nơi cái ác ngự trị này. Không phải là cái ác, cái bạo tàn đang thống trị mà chính là cái đẹp, cái tài hoa đang lên ngôi.

    Bằng thủ pháp đối lập tương phản đặc sắc, Nguyễn Tuân đã làm nổi rõ đây là sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối; của cái thiện trước cái ác; của cái đẹp trước cái xấu xa, nhơ bẩn; của cái cao cả trước cái thấp hèn; của tinh thần bất khuấn hiên ngang trước thái độ cam chịu, nô lệ. Với cảnh cho chữ độc đáo này, có thể nói nhà tù tàn bạo đen tối kia đã sụp đổ và cuxg không còn kẻ tội phạm hay tử tù, không còn quản ngục và thơ lại. Chỉ còn những người nghệ sĩ đang sáng tạo cái đẹp trước những đôi mắt ngưỡng mộ của những "kẻ liên tài". Tất cả những người đó đều được tắm đẫm trong ánh sáng đỏ rực của bó đuốc thiên lương, tài hoa và khí phách. Cũng với cảnh này, dù nay mai Huấn Cao đầu phải lìa khỏi cổ nhưng những phẩm chất tài hoa, khí phách, nhân cách của ông sẽ đi vào cõi vĩnh hằng. Màu trắng của vuông lụa, những dòng chữ tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời Huấn Cao cùng với thỏi mực. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc cùng những lời khuyên của ông được viên quản ngục gìn giữ, lắng nghe như lời di huấn về đạo lí làm người, tất cả như cùng hòa vào nhau để trở thành bất tử như cái bất tử của vẻ đẹp Huấn Cao.

    Nguyễn Tuân đã dựng lên được một bức tượng đài trang nghiêm để bất tử hóa con người rất mực tài hoa và tràn đầy khí phách anh hùng này. Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn khuyên bảo quản ngục: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy nên thay chỗ ở đi.. rồi mới nghĩ đến chuyện chơi chữ.. nhem nhuốc cái đời lương thiện đi". Như vậy, Huấn Cao không chấp nhận cái tài, cái đẹp lại có thể chung sống lẫn lộn với cái ác, cái xấu. Ông cũng không chấp nhận một người vừa yêu cái đẹp lại vừa làm điều ác và muốn chăm lo cho cái đẹp nảy nở phải trở về với cái thiện, Trước vẻ hào quang, uy nghi, lộng lẫy của Huấn Cao, viên quản ngục đã biểu lộ một cử chỉ thật cảm động. Sau khi nghe lời khuyên của Huấn Cao, ngục quan "vái tên tù một vái" và nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên cao cả, sang trọng hơn. Đó là cái cúi đầ trước cái đẹp, cái khí phách.

    Cả câu chuyện mang vẻ cổ kính từ nhân vật, cảnh cho chữ đến ngôn ngữ câu văn. Chính nghệ thuật đối lập tương phản kết hợp bút phán tả thực và bút pháp lãng mạn đã đem đến thành công cho truyện ngắn "Chữ người tử tù". Dường như cảnh cho chữ và hình tượng nhân vật Huấn Cao đã giúp Nguyễn Tuân thể hiện thành công phong cách nghệ thuật của mình. Ông luôn hướng tới cái đẹp, cái phi thường lí tưởng. Cảnh cho chữ thực sự là một "cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Đoạn văn xứng đáng là một bức họa phẩm được viết với bút pháp lãng mạng, ngôn ngữ giàu màu sắc tạo hình với không khí trang nghiêm có phần bi tráng, biểu lộ đươc tất thảy cái "tài" và cái "tâm" của một nhà văn lớn.
     
    Thùy Minh, ThuyTrangLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...