Phân tích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường từ góc nhìn thể loại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 27 Tháng mười một 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    PHÂN TÍCH BÚT KÍ "AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG?" TỪ GÓC NHÌN THỂ LOẠI

    I. MỞ ĐẦU

    R. Gamzatop đã từng nói rằng: "Nếu như người nghệ sĩ không tham gia vào việc hình thành thế giới này thì thế giới không trở nên tươi đẹp như thế này." Quả thực, dưới ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ, vạn vật và cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều. Đến với những trang văn đậm chất trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông", ta sẽ bắt gặp một dòng sông Hương xinh đẹp, diệu kì hơn bao giờ hết. Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc ở Quảng Trị, nhưng ông sinh ra ở Huế và cho đến tận cuối đời ông vẫn gắn bó với đất Huế. Có lẽ cũng chính vì thế mà nhà văn có một tình yêu và sự nghiên cứu rất sâu sắc về văn hóa, lịch sử, địa lý của xứ Huế, là cơ sở vững chắc để có những trang viết đặc sắc về Huế. Ông có sở trường ở thể loại bút ký và bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện rõ lối tư duy phóng túng, liên tưởng mãnh liệt phong phú, ngôn ngữ trong sáng đẹp đẽ tài hoa kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái chất trữ tình và trí tuệ, giữa nghị luận sắc bén và niềm suy tư đa chiều. "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại kí nói chung và tiểu loại bút kí nói riêng trong nền văn học nước ta.

    II. NỘI DUNG

    1. Tính chân thật, khách quan

    Nếu kí sự đòi hỏi tính xác thực cao về sự kiện thì bút kí lại "là một thể loại phóng khoáng, tự do mà cá tính nghệ sĩ trực tiếp tham gia vào đặc điểm thể loại". Bên cạnh việc tái hiện những chi tiết xác thực về con người và sự việc, bút kí cũng ghi lại những cảm nghĩ về những sự việc, hiện tượng được phản ánh, qua đó biểu hiện cách nhìn, cách đánh giá cũng như quan niệm của tác giả. Trong bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông" nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương ở xứ Huế theo góc nhìn thiên nhiên, văn hóa và lịch sử qua đó thể hiện chất trữ tình đặc sắc.

    Dưới góc nhìn thiên nhiên, Sông Hương hiện lên trước mắt người đọc với vẻ đẹp huyền diệu. Với câu hỏi gợi tìm Ai đã đặt tên cho dòng sông? Bằng bước chân rong ruổi Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm về cội nguồn và dòng chảy của sông Hương để khám phá nó. Ở thượng nguồn: Sông Hương mang trong mình vẻ đẹp dữ dội, hoang sơ khiến tác giả hình dung là "một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại", "Rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn.. đỗ quyên rừng". Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sử dụng rất nhiều từ ngữ gợi hình và gợi cảm như bản trường ca của rừng già, rầm rộ, mãnh liệt, dịu dàng, say đắm, cuộn xoáy như cơn lốc, đáy vực bí ẩn.. để tô đậm vẻ đẹp đầy gợi cảm của dòng sông. Nhưng đáng chú ý nhất là biện pháp so sánh nhân hóa ví dòng sông như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, rừng già đã hun đúc cho nó bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do, phóng khoáng.. Nghệ thuật so sánh đã làm nổi bật vẻ đẹp căng đầy sức sống của dòng sông khi nó giống như người con gái tuổi đôi mươi, tinh nghịch nhảy xoay tròn bằng đôi chân trần linh hoạt, với nụ cười lanh lảnh trong vắt, tựa tiếng chim.. Hơn nữa, cô gái ấy là một cô gái Di gan. Hình ảnh cô gái Di-gan khiến người đọc liên tưởng đến một cô gái thuộc tộc người nổi tiếng trên thế giới, một tộc người thích sống du mục, nhảy múa, ca hát và giỏi bùa chú. Các cô gái của tộc người Di gan thường đem lời ca, điệu múa của của mình "đốt cháy" bao người. Bởi vậy có thể nói đây là lối so sánh - liên tưởng táo bạo, bất ngờ, lấp lánh trí tuệ, thể hiện được cái nhìn đa chiều của tác giả trong sự hội nhập văn hóa của thời đại mới. Tác giả đã mang văn hóa phương Tây vào văn hóa Việt Nam; mang thượng nguồn sông Hương của Việt Nam ra thế giới một cách cụ thể, dễ hình dung nhất qua hình ảnh so sánh này. Lối ẩn dụ, nhân hóa sâu sắc, trí tuệ khi chạm đến chiều sâu tâm hồn của sông Hương như tâm hồn của một con người, một cô gái với "một tâm hồn tự do và trong sáng". Những liên tưởng thú vị và độc đáo ấy đã chạm khắc vào tâm trí người đọc ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng đầy quyến rũ, tình tứ, tinh tế, đầy cá tính của sông Hương, khiến sông Hương khúc thượng nguồn càng trở nên quyến rũ say đắm.

    Lúc đến đồng bằng: Sông Hương dịu dàng và yên ả giống như "người con gái đẹp ngủ mơ màng" được đánh thức dậy với những phẩm chất nữ tính nhất để bước vào hành trình đi tìm tình yêu: "Uốn mình theo những đường cong thật mềm", "dòng sông mềm như tấm lụa". Khi sông Hương liên tục đổi dòng, giống như người con gái đang băn khoăn kiếm tìm đường về với người yêu: Thành phố Huế. Khi sông Hương phát hiện ra thành phố Huế của mình, cô gái ấy chợt dâng đầy cảm xúc: Tươi vui, yên tâm. Giữa lòng thành phố Huế, dòng sông trở nên tĩnh lặng, trôi thật chậm giống như sự say đắm của đôi lứa trong tình yêu nồng nàn "uốn một cánh cung rất nhẹ sang cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi như tiếng" vâng "không nói ra của tình yêu, giống điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế". Khi sông Hương trôi đi, cái dáng uốn cong ôm lấy thành phố Huế được tác giả hình dung như sự lưu luyến nghẹn ngào vì phải chia li của lứa đôi "đột ngột rẽ dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ", "đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu".

    Sông Hương và thiên nhiên Huế: Lần theo dòng chảy của con sông Hương, ta bắt gặp những bức tranh thiên nhiên đẹp mượt mà: Vẻ đẹp đa dạng trong thời gian và không gian. Sông Hương phản quang vẻ đẹp biến ảo của Huế: "Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím", "sắc nước trở nên xanh thẳm".

    Thiên nhiên luôn gắn bó với con người. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn đi sâu khám phá vẻ đẹp của sông Hương trong chiều sâu văn hóa của xứ Huế. Sông Hương không chỉ góp phần kiến tạo nên gương mặt văn hóa Huế khi sản sinh ra nền âm nhạc Huế, những bài Nam ai Nam bình da diết.. mà còn được khám phá trong mối quan hệ với con người và dòng sông mang đậm đặc điểm tâm hồn của con người xứ Huế. Bằng quá trình nghiên cứu, tìm hiểu vô cùng nghiêm túc tác giả đã nhận thấy một điều rất đặc biệt: "Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và giống với con người nơi đây". Như thế có nghĩa là sông Hương không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp tự nhiên mà nó còn là kết đọng rõ nét và đầy đủ của tất cả vẻ đẹp con người xứ Huế, vẻ đẹp của tính cách, tâm hồn Huế. Dòng chảy dịu êm của sông Hương là vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của con người xứ này. Sự chí tình của Hương giang cũng bắt nguồn từ tính cách con người xứ Huế mềm mại, chí tình, "mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở".

    Từ góc nhìn lịch sử, Sông Hương hóa thân từ vẻ dịu dàng, trầm tư để trở thành chủ nhân, chứng nhân của xứ Huế anh hùng từ thời cổ đại, qua trung đại, đến hiện đại "là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng.. qua những thế kỉ trung đại". Là dòng Linh Giang (dòng sông thiêng) ghi dấu những thế kỉ vinh quang thuở các vua Hùng, từng soi bóng "kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ", "nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ mười chín với máu của những cuộc khởi nghĩa", chứng kiến thời đại mới Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ..

    Trong suy tưởng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như người mẹ sản sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cổ truyền của xứ Huế. Sông Hương khi về đến Huế đã chảy "chậm, thực chậm cơ hồ chỉ còn là một mặt hồn yên tĩnh", dòng sông dường như dùng dằng không muốn rời xa thành phố thân yêu của nó. Và trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương lại hóa thân thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Bằng hình ảnh so sánh này, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ cho thấy vẻ đẹp trang trọng, duyên dáng, nữ tính của dòng sông Hương mà còn thể hiện Hương giang gắn với nền văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô. Sông Hương chính là người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở, góp phần bồi đắp và gìn giữ nền văn hóa Huế. Cụ thể hơn thì chính sông Hương đã giúp hình thành nền âm nhạc cổ điển Huế và góp phần tạo nên vẻ đẹp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

    Hương giang đã sinh thành nên toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế góp phần làm nên một xứ Huế "trong sáng và thư thái" (UNESCO). Ai đã từng có dịp đến Huế thưởng thức nền âm nhạc Huế, được xem các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc trên sông vào những đêm khuya mới thấy hết vẻ đẹp của âm nhạc và màu sắc văn hóa đặc trưng ở nơi đây. Tác giả khẳng định toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Từ âm thanh của dòng sông như tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiếng mái chèo khua sóng, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền trong những đêm thanh vắng, không gian yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng của những giọt nước rơi bán âm từ mái chèo khuya.. đã hình thành những làn điệu hò dân gian và nền âm nhạc cổ điển Huế. Và rồi cũng chính trên dòng sông ấy, những câu hò và âm nhạc Huế vút lên, mênh mang, xao xuyến. Trình diễn âm nhạc của Huế trên không gian sông nước có thể là đặc điểm riêng của văn hóa Huế nhưng cũng có thể phải biểu diễn trên sông nước giữa đêm khuya thì âm nhạc Huế mới bộc lộ hết vẻ đẹp của nó. Bởi khi ấy, môi trường diễn xướng là tiếng nước rơi trên mái chèo làm tôn thêm tiếng đàn, tiếng đàn sẽ hòa điệu với tiếng nước rơi trên mái-chèo để tạo nên một sự cộng hưởng, âm vang của bản nhạc. Vậy nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tỏ ra rất thất vọng khi nghe nhạc Huế trên sân khấu vào giữa ban ngày.

    Viết về sông Hương, nhà văn còn có một phát hiện, phán đoán rất bất ngờ là dòng sông Hương với âm nhạc Huế có ảnh hưởng đến kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng đại thi hào đã phải bao năm lênh đênh trên quãng sông này, nghe nhạc Huế với một phiến trăng sầu. Môi trường văn hóa ấy đã nuôi dưỡng hồn thơ của đại thi hào, để từ đó những bản đàn đi suốt cuộc đời nàng Kiều, để từ đó, Nguyễn Du tạo nên những câu thơ tuyệt bút: Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới xa nửa vời ". Nhằm chứng minh cho phán đoán ấy, tác giả đã dẫn vào câu chuyện về người nghệ nhân già, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc" Truyện Kiều "chợt nhổm dậy vỗ đùi chỉ vào trang sách của Nguyễn Du mà thốt lên" Đó chính là từ đại cảnh ".

    Như vậy, dòng sông Hương trong lòng thành phố với nhịp điệu chậm rãi, khoan thai như một điệu slow tình cảm đã tạo nên cái thần, cái hồn rất riêng đó là sự khoan thai, dìu dặt, trang trọng của nhã nhạc cung đình Huế, tạo nên vẻ đẹp rất riêng của kiệt tác văn học dân tộc" Truyện Kiều ".

    Bằng vốn kiến văn phong phú của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lay động linh hồn của con sông mà tên gọi của nó đã đi vào văn chương nghệ thuật mà theo tác giả" dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ ".

    2. Hình tượng người trần thuật

    Sự có mặt của nhân vật người trần thuật, thường là tác giả, đóng vai trò người

    Chứng kiến, đã tăng cường tính xác thực của con người và sự việc trong tác phẩm kí. Nhân vật này trực tiếp bàn bạc, đánh giá về đối tượng (khác hẳn với nhân vật người kể chuyện thường ẩn mình trong thể loại truyện). Do cái tôi tác giả bộc lộ một cách trực tiếp nên tính khuynh hướng của tác phẩm rất rõ ràng, khen chê, yêu ghét phân minh.

    Mở đầu đoạn văn, nhà văn khẳng định:" Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc ". Câu văn này đã thể hiện rõ cái tôi nội cảm và bộc lộ cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp của sông Hương có sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình.

    Có thể nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn hóa Huế, ông không chỉ nhìn sông Hương ở cảnh sắc thiên nhiên, thấy nó ngày ngày mang phù sa và nguồn nước ngọt trao tặng vô tư cho những cánh đồng Châu Hóa, cho cuộc sống người dân xứ Huế; mà ông còn nhìn sông Hương như là khởi nguồn cho những giá trị tinh thần lịch sử. Dòng sông Hương là" dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi.. "anh hùng bởi từ góc nhìn lịch sử, sông Hương đã trở thành chứng nhân của lịch sử. Nó chứng kiến bao nhiêu biến thiên mà xứ Huế trải qua như ở đoạn văn trước đó nhà văn đã ngược về quá khứ để khẳng định vai trò của dòng sông Hương trong lịch sử dân tộc. Nó là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong những thế kỷ trung đại nó mang tên là linh Giang, đã chiến đấu oanh liệt để bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt. Thế kỉ 18, nó soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ. Thế kỷ 19, nó sống hết lịch sử bi tráng với máu của những cuộc khởi nghĩa. Nó đóng góp cho cách mạng tháng tám bằng những chiến công rung chuyển. Nó bị tàn phá nặng nề trong mùa xuân năm Mậu Thân.. Từ đó mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói về dòng sông Hương và xứ Huế" Lịch sử đảng đã ghi bằng nét son tên của thành phố Huế, thành phố tuy nhỏ nhưng đã cống hiến rất xứng đáng cho tổ quốc ". Từ góc nhìn lịch sử, ngòi bút nhà văn lấp lánh niềm tự hào về lịch sử một dòng sông có cái tên mềm mại, dịu dàng nhưng kiên cường, kiêu hãnh qua thăng trầm lịch sử. Dòng chảy của của sông Hương đã đi trọn vẹn chiều dài của lịch sử dân tộc. Diện mạo và chiều sâu của lịch sử dân tộc đã đem đến cho Sông Hương một tầm vóc kỳ vĩ lớn lao. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đây đã phát hiện ra một vẻ đẹp của dòng sông mà không phải ai cũng nhận thấy. Đó là một vẻ đẹp của một bản anh hùng ca với sức mạnh quật khởi của dân tộc từ thuở lập quốc.

    Nhà văn sau đó còn bình luận về cách dòng sông Hương cống hiến cho lịch sử dân tộc. Khi nghe lời gọi của Tổ quốc, sông Hương biết cách" tự hiến đời mình làm một chiến công ". Cũng như những dòng sông khác trên đất nước Việt Nam, cũng như con người Việt Nam, nó mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt, như Huy Cận từng khái quát:

    Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững

    Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

    Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

    Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.

    Sông Hương là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi được" viết giữa màu cỏ lá xanh biếc ". Với lối sử dụng hình ảnh ấy, nhà văn đã nhấn mạnh dòng sông Hương vừa là một bản hùng ca, vừa là một bản tình ca dịu dàng, tươi đẹp. Giữa đời thường, cảnh sắc thiên nhiên sông Hương chính là vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương đất nước. Hơn nữa, sông Hương còn là một bản tình ca" Còn non, còn nước, còn dài – Còn về, còn nhớ.. ". Đó không chỉ là nét riêng trong vẻ đẹp của dòng sông Hương mà còn là vẻ đẹp của Huế. Cách đặt vế câu" viết giữa màu có lá xanh biếc "của cuối câu cho thấy dù thế nào nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn cảm nhận dòng sông Hương ở vẻ đẹp dịu dàng, trữ tình và thơ mộng.

    Thật vậy, qua từng câu, từng chữ trong đoạn trích, hình ảnh cái tôi của tác giả hiện lên vô cùng rõ nét. Trước hết, đó là một cái tôi uyên bác, nghiêm túc cẩn trọng trong tìm kiếm và phát hiện những vẻ đẹp của sông Hương và xứ Huế. Hơn nữa, đoạn văn cũng như tác phẩm còn thể hiện một cái tôi mê đắm, tài hòa và vô cùng lãng mạn. Ông đã có những liên tưởng thú vị mang tính sáng tạo bất ngờ về dòng sông Hương. Ngoài ra, chất thơ trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện ở phương diện nghệ thuật: Hình tượng sông Hương được miêu tả bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ; nghệ thuật so sánh, nhân hóa sáng tạo, những liên tưởng độc đáo.. sử dụng rộng rãi đặc sắc những phép tu từ gợi cảm vốn là quen thuộc trong thơ như so sánh kết hợp với nhân hóa, ẩn dụ. Vẻ đẹp nên thơ của Hương giang được bộc lộ khi Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ tái hiện lại một cách chân thực dòng chảy địa lí tự nhiên của con sông mà quan trọng hơn biến cái thủy trình ấy thành" hành trình đi tìm người yêu "của một người con gái đẹp, duyên dáng và tình tứ. Đây cũng chính là cảm nhận riêng, độc đáo và rất đặc sắc của nhà văn về sông Hương trước khi nó chảy vào lòng thành phố thân yêu. Chất thơ của đoạn kí còn thể hiện rõ qua cái tôi đầy xúc cảm của tác giả. Cảm hứng xuyên suốt trong đoạn trích cũng như trong tác phẩm là niềm say sưa tìm kiếm và khẳng định vẻ đẹp riêng, sức cuốn hút, quyến rũ riêng của con sông xứ Huế. Rõ ràng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem tình yêu đằm thắm lắng sâu và những cảm xúc sôi nổi say sưa phổ vào trang viết để rồi mỗi dòng văn như một bài ca tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương. Vì thế cái dễ nhận thấy từ những trang văn là chất thơ, chất trữ tình đậm đà, đằm thắm.

    Qua đó, ta cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết, sâu sắc của ông trong từng áng văn viết về sông Hương, xứ Huế, đặc biệt là trong đoạn trích của tác phẩm" Ai đã đặt tên cho dòng sông? ". Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ không thể viết lên được những trang văn mê đắm và rất đỗi tài hoa như thế. Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có được những rung cảm mãnh liệt để tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn, tạo nên cả cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác.

    Bằng con mắt tình yêu, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương trong một văn phong tao nhã, hướng nội, tài hoa. Với cảm hứng ngợi ca, bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? Như lời cảm tạ của tác giả đối với đất mẹ Huế nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn. Tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang và xứ Huế rộng hơn chính là tình yêu quê hương, đất nước tha thiết. Đoạn trích còn thể hiện phong cách sáng tác riêng biệt và đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Sự kết hợp giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều.

    III. KẾT LUẬN

    Nguyễn Tuân, một nhà văn cũng chuyên viết kí nhận xét" Kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa ". Phải chăng ánh lửa trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là vẻ đẹp của văn chương được thắp lên từ những con chữ biến hóa như phép màu. Đúng như Maiacốpxki nhận xét về quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ:

    Phải đổi lấy hàng ngàn cân quặng chữ

    Để thu về một chữ mà thôi

    Nhưng chữ ấy làm cho rung động

    Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.

    " Ai đã đặt tên cho dòng sông?"Xứng đáng là một áng văn hay đặc sắc về xứ sở, về tình yêu quê hương đất nước và cũng rất tiêu biểu cho phong cách bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Dòng sông Hương trong văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến cho ai đã từng đọc qua đều mong muốn được một lần đặt chân đến nơi đây, để được đắm mình trong những gì nên thơ nhất của xứ Huế.
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...